Các khái niệm về phép nhân và phép chia
Trước khi đi chi tiết vào phần chia sẻ các phương pháp dạy toán lớp 2 phép nhân phép chia cho trẻ. Thì chúng ta hãy cùng điểm qua các khái niệm cơ bản nhất của phép nhân chia trong toán sơ cấp nhé!
Phép nhân
Trong phạm vi toán lớp 2, Wikihoc chỉ nhắc đến phép nhân của các số nguyên. Phép nhân là một trong bốn phép tính cơ bản của đại số sơ cấp.
Phép nhân thường được biểu diễn bằng kí hiệu “x” hoặc “.”, ví dụ như: 3 x 2 = 6 hoặc 3.2 = 6. Trong đó, “3” được gọi là số nhân (hay thừa số), “2” được gọi là số bị nhân (hay thừa số) và kết quả “6” được gọi tích.
Tổng quát lại, ta được công thức như sau:
A x B = C
A – Số nhân (Thừa số 1); B – Số bị nhân (Thừa số 2); C – Tích của phép tính 2 thừa số
Các tính chất cơ bản của phép nhân:
-
Giao hoán: A x B = B x A
-
Kết hợp: (A x B) x C = A x (B x C)
-
Phân phối: A x (B + C) = A x B + A x C
Phép chia
Phép chia cũng thuộc một trong số bốn phép tính cơ bản của đại số sơ cấp, và thường được biểu diễn bởi kí hiệu “:” hay “/”. Ví dụ như: 6 : 3 = 2 hoặc 6/3 = 2, trong đó “6” được gọi là số bị chia, “3” được gọi là số chia và “2” được gọi là thương của phép tính.
Ngoài ra, phép chia còn được phân thành hai dạng, gồm: Phép chia hết và phép chia có dư. Tổng quát công thức như sau:
Cho hai số tự nhiên a và b, trong đó b≠0, ta luôn tìm được đúng hai số tự nhiên q và r duy nhất sao cho: a = b.q + r trong đó 0 ≤ r < b
-
Nếu r = 0 thì ta có phép chia hết: (số bị chia) : (số chia) = (thương)
-
Nếu r ≠ 0 thì ta có phép chia có dư: (số bị chia) = (số chia) . (thương) + (số dư)
Một số nguyên tắc với số 0 và 1
Phép nhân
-
Một số nhân với số 1 (hoặc số 1 nhân với một số) cũng bằng chính số đó, ví dụ như: 2 x 1 = 2 hay 1 x 2 = 2.
-
Một số nhân với 0 (hoặc 0 nhân với một số) cũng bằng 0, ví dụ như: 5 x 0 = 0 hay 0 x 5 = 0.
-
Một số khác 0 nhân với số nghịch đảo của nó thì bằng 1, ví dụ như: 5 x 1/5 = 1.
Phép chia
-
Số nào chia cho 1 cũng bằng chính số đó, ví dụ: 5:1 = 5.
-
Số 0 chia cho số nào khác 0 thì bằng 0, ví dụ: 0:8 = 0.
-
Không có phép tính chia cho số 0.
Các cách dạy trẻ học phép nhân và phép chia hiệu quả nhất
Có thể trẻ học rất giỏi các phép tính cộng trừ, nhưng đối với các phép tính nhân chia thì rất khác, chúng có nhiều nguyên tắc và tính chất hơn. Vì thế mà ba mẹ cần có những cách thức hướng dẫn trẻ học toán lớp 2 nhân chia một cách hiệu quả.
Liên hệ phép nhân với phép cộng
Bước đầu tiên trong việc cho trẻ làm quen với các phép tính nhân, hãy dạy trẻ cách liên tưởng đến phép tính cộng. Ví dụ như: 5 x 4 sẽ được chuyển thành phép tính cộng như sau 5 + 5 + 5 + 5. Từ đó trẻ sẽ dễ dàng làm quen cũng như hình dung phép tính nhân hơn.
Bắt đầu với bội số của 0 và một
Dựa trên các nguyên tắc đối với số 0 và số 1 đã nêu trên, bạn có thể dễ dàng hướng dẫn trẻ làm quen với các phép tính nhân chia cơ bản trước. Điều này không chỉ giúp trẻ dễ hiểu mà còn giúp trẻ ghi nhớ các nguyên tắc một các tốt hơn. Cụ thể hơn, bạn có thể để trẻ trả lời các câu hỏi như là 5 x 1, 2 x 0, 5/1, 0/5,…
Các mẹo giúp trẻ dễ dàng học thuộc bảng cửu chương
Bên cạnh các phương pháp dạy trẻ học toán lớp 2 nhân chia, thì việc ghi nhớ bảng cửu chương trong giai đoạn này của trẻ cũng rất quan trọng. Hãy cùng Wikihoc tìm hiểu những mẹo hay giúp trẻ dễ dàng học thuộc bảng cửu chương hơn nhé!
Dễ học trước, khó học sau
Khi bắt đầu, hãy cho trẻ học các bảng dễ thuộc trước và khó thuộc sau. Các thứ tự được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó là 5 – 2 – 3 – 6 – 9 – 4 – 8 – 7. Trong đó, bảng cửu chương số 5 sẽ dễ ghi nhớ hơn vì nhịp 5, 10, 15,… rất thân thuộc với trẻ.
Học thuộc bảng cửu chương bằng các bài hát vui nhộn
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều bài hát hỗ trợ trẻ học bảng cửu chương một cách dễ dàng và không còn nhàm chán. Bạn cũng biết con người dễ ghi nhớ lời của các bài hát hơn là các đoạn học thuật khô khan. Vì thế mà, ba mẹ có thể tìm kiếm những đoạn video kể trên tại youtube, để cho trẻ nhẩm theo nhé!
Xem thêm: Hướng dẫn ba mẹ các cách dạy tính nhẩm toán lớp 2 cho con dễ hiểu và dễ áp dụng nhất
Học bảng cửu chương nhanh với các mẹo hoán đổi
Nếu bạn còn nhớ đến tính chất giao hoán trong phép nhân mà Wikihoc đã chia sẻ ở trên. Thì hãy áp dụng ngay tính chất này vào việc dạy trẻ học thuộc bảng cửu chương khó nhớ như: 6, 7, 8, 9. Ví dụ, 6 x 4 = 4 x 6, hay 4 x 8 = 8 x 4. Cách này sẽ giúp quá trình ghi nhớ của trẻ được rút gọn và trở nên dễ dàng hơn.
Luyện tập liên tục, nhiều lần
Việc nhắc đi nhắc lại một khái niệm hay kiến thức nào đó, sẽ giúp não bộ của trẻ nhận định đây là một thông tin quan trong, và sẽ ghi sâu nó vào tiềm thức của trẻ. Điều này sẽ rất hiệu quả khi áp dụng vào công cuộc học thuộc bảng cửu chương của trẻ.
Và khi nhắc đến 2 x 8 bằng mấy, trẻ sẽ trả lời ngay là bằng 16, mà không cần phải nhầm hết bảng cửu chương số 2.
Bảng tính Pythagoras
Bảng cửu chương Pythagoras được phát hiện khoảng 500 năm trước Công Nguyên bởi một triết học gia người Hy Lạp tên là Pythagoras. Đây cũng là bảng tính được áp dụng rộng rãi tại Châu Âu, vì mức độ đơn giản và tiện lợi của chúng.
Bạn có thể cho trẻ sử dụng bảng số Pythagoras này để học thuộc bảng cửu chương hiện đại. Vì các con số đối xứng nhau qua hàng chéo, cũng như bỏ đi những phần thừa. Với cách sắp xếp thông minh này, sẽ giúp trẻ dễ dàng hình dung và hiểu được quy luật của các phép tính.
Một số dạng bài toán lớp 2 nhân chia thường gặp
Bài tập vận dụng 1:
a. 2 x …… +3 = 9
b. …… : 3 + 2 = 5
c. 4 x …… – 2 = 10
d. 15 : …… – 3 = 2
Bài tập vận dụng 2: Điền dấu (>, <, =) thích hợp vào chỗ chấm
a. 3 x 4 : 2 …… 3 x 5 : 3
b. 12 : 6 x 3 …… 2 x 9 : 3
c. 8 : 4 : 2 …… 1 x 1 x 2
Bài tập vận dụng 3: Hai số có hiệu bằng 0 thì hai số đó phải bằng nhau. Hai số bằng nhau có tích bằng 4 thì mỗi số phải bằng 2.
Trên đây là tất cả chia sẻ của Wikihoc về toán lớp 2 nhân chia, chúc ba mẹ thành công trong hành trình nuôi dạy trẻ. Hãy theo dõi website của Wikihoc, để xem các bài viết hữu ích sắp tới nhé!