Bạn đang xem bài viết ✅ Thuyết minh về món nem chua Thanh Hóa (Dàn ý + 5 mẫu) Thuyết minh cách làm món ăn hay nhất ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

TOP 5 bài Thuyết minh về món nem chua Thanh Hóa hay, đặc sắc nhất, giúp các em có thêm nhiều thông tin bổ ích về nguyên liệu, cách làm món nem chua, để viết bài văn thuyết minh món ăn yêu thích thật hay.

Thuyết minh về món ăn nem chua Thanh Hóa

Nem chua Thanh Hóa thường có dạng hình trụ, lớn hơn ngón tay trỏ. Nem chua Thanh Hóa thơm ngon, xen lẫn những lát tỏi cắt mỏng, lát ớt đỏ tươi ăn chua chua, cay cay. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây để nhanh chóng hoàn thiện bài văn thuyết minh về đặc sản của quê hương thật hay.

Dàn ý thuyết minh về món nem chua Thanh Hóa

I. Mở bài:

Mỗi một vùng miền lại có riêng cho mình một vài món đặc sản riêng biệt, với Thanh Hóa ấy là món nem chua với hương vị đặc trưng.

II. Thân bài:

* Nguồn gốc: Không rõ, nhưng đã trở thành một loại hàng hóa vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước.

* Đặc điểm:

  • Trông giống một chiếc bánh được gói trong lá chuối xanh.
  • Hình dáng: To cỡ ngón tay người lớn, có màu hồng nhạt của thịt, màu đỏ của ớt, màu trắng của tỏi, màu xanh của lá đinh lăng.
  • Vị chua thanh, cay tê, ngọt giòn cùng hòa quyện kết hợp với mùi thơm đặc trưng, thoang thoảng hương ớt, hương tỏi, mùi thơm cùng vị chát ngọt của lá đinh lăng, cùng với mùi thịt lên men chua.

* Cách chế biến:

  • Nguyên liệu: Thịt lợn tươi xay nhuyễn, bì lợn cạo sạch mỡ thái sợi, ớt, tỏi cắt lát, lá đinh hương rửa sạch, tiêu giã nhỏ, lá chuối bánh tẻ, bì ni lông, dây thun để gói cùng một số gia vị thông dụng.
  • Trộn đều thịt với bì lợn cùng muối, bột ngọt, mật mía, tiêu, rồi gói chung với vài lát ớt, tỏi, lá đinh lăng, bọc lại bằng bì ni lông, rồi gói lại bằng lá chuối, dùng dây thun cố định.
  • Để lên men 1-2 là có thể ăn được.

III. Kết bài:

Với mức giá phải chăng tầm 3000 – 4000 đồng một chiếc, nem chua đã trở thành thức quà được nhiều người ưa chuộng, không chỉ với người dân Thanh Hóa mà là đối với người dân ở mọi miền Tổ quốc, từ Bắc vô Nam.

Thuyết minh nem chua Thanh Hóa

Trước kia, người Thanh Hóa chỉ làm nem chua trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi hoặc các ngày hội đặc biệt trong năm, chủ yếu tự phục vụ là chính. Đến những năm 70 của thế kỷ 20, nghề làm nem chua dần hình thành và phát triển ở thành phố Thanh Hóa để phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh. Các cơ sở sản xuất chế biến và kinh doanh nem chua mở ra nhiều hơn, có thể kể đến các thương hiệu nổi tiếng như: nem Gốc Đa, nem chua bà Thường ở cống Tân An, nem bà Năm ở Trường Thi, nem VIP, nem Cương Dũng, nem Vũ Linh…

Những chiếc nem chua dài hấp dẫn và bắt mắt được du khách biết đến và đặt mua nhiều nhất.
Dọc Quốc lộ 1A vào cửa ngõ Thanh Hóa, du khách khi dừng lại ven đường, tại các trạm dừng chân Bỉm Sơn, cầu Tào Xuyên, Hàm Rồng, nhà ga hay bến xe… đều dễ dàng mua được những chiếc nem chua xinh xắn làm quà. Người dân Thanh Hóa khắp mọi miền đất nước, dù bận trăm công nghìn việc, dù mang vác nặng nề cũng cố đem vài chục chiếc làm quà biếu.

Nem chua có nhiều loại: Nem dài, nem vuông, nem cối, nem thính, nem nướng… Tùy nhu cầu sử dụng mà làm ra. Nem chua chỉ gồm bì lợn thái chỉ, thịt mông nạc, thính gạo, gói cùng lá đinh lăng hoặc lá ổi bánh tẻ và các gia vị đặc trưng, để tạo ra một chiếc nem chua ngon đúng điệu cần phải có bí quyết gia truyền riêng.

Thịt lợn được chọn làm nem phải là thịt mông nạc, được lọc rất kỹ để không bị dính mỡ, gân, đem thái thật mỏng cho vào cối giã nhỏ mịn hoặc xay nhuyễn. Bì lợn dùng làm nem là loại bì chủ yếu ở phần lưng và hông con lợn để đảm bảo độ dày, dai và giòn. Khi mua về sẽ được cạo sạch lông, luộc chín, lọc bỏ hết mỡ, thái chỉ nhỏ hoặc bỏ vào máy chuyên dụng để tuốt như miến sợi. Sau đó, trộn bì với thịt nạc, nêm muối tinh rang khô, nước mắm ngon, mì chính hạt tiêu và thính.

Thịt heo và bì lợn tươi dùng để gói nem phải khô ráo, không dính nước, gân hoặc mỡ.
Thính là thành phần quan trọng làm nên hương vị riêng của từng loại nem. Thính được làm từ gạo rang chín vàng xay nhỏ có mùi thơm rất hấp dẫn. Gạo loại nào và tra thính tỉ lệ nhiều hay ít, sớm hay muộn là bí quyết riêng của từng nhà nem. Sau khi tra thính phải nhanh tay gói nem để đảm bảo độ tươi và kết dính của nguyên liệu.

Khâu gói nem là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của nghệ nhân. Lá chuối tươi rửa sạch, lau khô, đem tước bỏ phần dọc lá, tùy loại nem để xé lá, lá nhỏ bên trong, lá to bên ngoài. Khi gói, lót một lớp túi ni lông mỏng lên trên rồi mới cho nguyên liệu chính vào giữa. Tỏi, ớt thái lát dài, lá đinh lăng, bạc hà hoặc ổi được ép vào khối thịt rất khéo và đẹp mắt. Các lớp lá chuối bọc càng dày thì quá trình lên men càng nhanh và hương vị thơm ngon của món ăn được lưu giữ lâu lơn.

Lá chuối xanh mướt bọc bên trong một thức ăn chơi ngon đến lạ. Quá trình “chín” của trái nem tùy thuộc vào thời tiết, mùa hè thì độ một ngày đêm, mùa đông thì khoảng 2 đến 3 ngày nem mới lên men và đem ra dùng được. Khi nem “chín”, người dùng bóc từng lớp lá bên ngoài là đã có thể cảm nhận rõ mùi thơm chua dịu đặc trưng đầy hấp dẫn của món ăn.

Nem chua xứ Thanh thường được chấm cùng tương ớt cay. Vị ngọt của thịt heo quyện hòa với vị chua thanh nhẹ, vị cay của ớt tỏi, thơm bùi và sần sật dai dai của bì làm say đắm lòng người, chẳng dễ gì mà quên được.

Tham khảo thêm:   15+ ứng dụng hát karaoke trên điện thoại, máy tính hay nhất

Không chỉ là sản vật để những người con xa quê nhớ về, nem chua còn là món quà thết khách đầy mời gọi của quê hương Thanh Hóa, góp phần làm phong phú kho tàng ẩm thực dân tộc Việt.

Thuyết minh về món ăn nem chua Thanh Hóa – Mẫu 1

Mỗi mảnh đất, mỗi địa danh trên đất nước ta đều có những món ăn độc đáo, được xem là đặc sản của mỗi vùng miền. Nếu Hà Nội được biết đến với món bún chả nướng, cốm làng Vòng, Hải Dương gắn liền với món bánh đậu xanh truyền thống, nhớ đến Sài Gòn người ta nhớ đến món bánh tráng trộn cay cay chua chua thì nhắc đến Thanh Hóa mọi người không thể nào quên được món nem chua. Nem chua Thanh Hóa đã trở thành nét đặc trưng tiêu biểu khi nhắc tới mảnh đất xứ Thanh.

Có thể thấy, món nem chua xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước ta như nem chua Hà Nội, nem chua Quảng Ninh, nem chua Huế,… nhưng có lẽ nổi tiếng và đậm vị hơn cả chính là nem chua Thanh Hóa. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, những người dân ở mảnh đất Thanh Hóa vẫn không biết chính xác món nem chua có từ bao giờ và nguồn gốc của nó ra làm sao. Những người dân nơi đây chỉ biết rằng nem chua đã trở thành món ăn không thể thiếu và đã đi vào tiềm thức của họ từ ngàn đời nay. Mặc dù không bất cứ ai có thể biết rõ thời điểm ra đời cũng như nguồn gốc của món ăn này, nhưng những năm 60, 70 của thế kỉ trước, ở nơi đây đã xuất hiện những cơ sở sản xuất nem chua đầu tiên và cũng kể từ thời điểm này, món nem chua Thanh Hóa trở thành một loại hàng hóa trên thị trường.

Cũng như những món ăn khác, nem chua Thanh Hóa cũng có những đặc điểm, những đặc trưng rất riêng, không trộn lẫn với bất cứ món ăn nào. Nem chua Thanh Hóa thường có dạng hình trụ, chỉ lớn hơn ngón tay trỏ của người trưởng thành và được gói trong những chiếc lá chuối xanh, đồng thời được buộc dây chun theo hình chữ thập. Bên trong lớp vỏ lá chuối chính là ruột của chiếc nem với màu hồng tươi ngon của thịt xen lẫn với những lát tỏi cắt mỏng, những miếng ớt đỏ tươi và cả những chiếc lá đinh lăng, lá rau răm. Hương vị của nem chua Thanh Hóa rất đặc trưng, có vị chua chua của thịt đã ướp, vị thơm của lá rau răm cùng lá đinh lăng, vị cay cay, nồng nồng của ớt và tỏi. Tất cả những hương vị ấy đã quyện hòa vào nhau làm nên cái vị, cái hương độc đáo của món nem chua.

Nhìn có vẻ đơn giản, song để làm nên được nem chua thì không phải là công việc dễ dàng và đơn giản. Để làm ra món nem chua, trước hết, người làm nem phải chuẩn bị những nguyên liệu cần thiết cho món ăn này. Đầu tiên không thể thiếu đó chính là lá chuối để gói nem. Lá chuối thường được lựa chọn đó chính là lá chuối ngự, vì nó vừa xanh, vừa dày, đảm bảo trong quá trình vận chuyển hay lưu giữ nem vẫn có thể lên men. Cùng với đó cũng cần chuẩn bị chun để buộc chặt những chiếc nem sau khi đã được gói. Thêm vào đó, cũng cần chuẩn bị, tỏi, ớt và cắt chúng thành miếng mỏng, lá đinh lăng và rau răm cũng được nhặt sạch và cắt nhỏ. Đặc biệt, nguyên liệu chính để làm nên món nem chua Thanh Hóa đó chính là thịt lợn nạc và bì lợn. Thịt và bì lợn phải được chọn là loại thịt còn tươi, nhất là loại thịt được chọn ngay khi mổ lợn, sau đó được đưa đi xay nhuyễn. Ngoài ra, để làm món nem chua cũng cần chuẩn bị các gia vị khác như tiêu, đường, muối, thính gạo,… Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu, người ta bắt đầu tiến hành bắt tay vào trộn và gói nem. Người làm nem sẽ mang thịt lợn nạc, bì lợn đã được xay nhuyễn cùng tiêu, cùng các gia vị khác như thính gạo, muối, đường trộn lẫn vào nhau. Sau khi đã trộn lẫn các nguyên liệu, sẽ đến công đoạn gói nem, phần hỗn hợp trên sẽ được gói thành những thỏi nem nhỏ cùng với vài lá đinh lăng, lá rau răm, vài lát tỏi và vài miếng ớt ở trong một miếng ni lông mỏng, trong suốt cho kín, sau đó bọc tiếp bên ngoài hai lớp lá chuối và được cố định lại bằng một sợi dây chun buộc theo hình chữ thập. Nem gói xong sẽ được ủ để lên men, quá trình này sẽ làm nem chín và có thể mang ra sử dụng. Tùy vào từng mùa mà thời gian ủ nem có thể khác nhau, vào những ngày mùa hè, nhiệt độ lên cao, nem có thể ủ từ 6 đến 8 tiếng, nhưng vào những ngày mùa đông, do thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp nên thời gian ủ nem thường kéo dài từ 18 đến 24 tiếng. Thêm vào đó, mỗi gia đình, mỗi cơ sở sản xuất nem lại có những quá trình trộn và ủ riêng để tạo nên những hương vị khác nhau.

Nem chua Thanh Hóa là một món ăn phổ biến và được nhiều người biết đến. Với mức giá giao động từ 3000 đến 5000 đồng một chiếc, nem chua Thanh Hóa đang trở thành một mặt hàng được nhiều người yêu mến, ưa thích trên thị trường. Với những hương vị độc đáo, đây là món ăn được nhiều người yêu thích trong những bữa cơm hằng ngày và nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về. Cùng với đó, nem chua Thanh Hóa cũng đã và đang trở thành món quà cho bạn bè, người thân mỗi dịp chúng ta về với mảnh đất nơi đây.

Tóm lại, nem chua Thanh Hóa là một trong số những món ăn nổi tiếng ở Thanh Hóa nói riêng, ở trên đất nước ta nói chung. Nem chua Thanh Hóa với hương vị độc đáo khiến người ta dẫu chỉ nếm thử một lần cũng sẽ không thể nào quên.

Thuyết minh về món ăn nem chua Thanh Hóa – Mẫu 2

Nem chua Thanh Hóa là món ăn nổi tiếng, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Món này được chế biến hết sức kỳ công, qua nhiều công đoạn kỹ lưỡng, từ khâu chọn nguyên liệu cho tới khi đóng gói sản phẩm…

Thịt để làm nem phải là loại thịt nóng, nghĩa là khi heo vừa mới xẻ thịt thì người thợ làm nem phải thái, xay, chế biến ngay, không để lâu. Bởi nếu thịt nguội, nem sẽ không có độ bóng cũng như sự kết dính trong quá trình lên men.Ngày trước khi chưa có máy xay, người thợ phải giã thịt bằng tay trên những cối đá lớn. Theo kinh nghiệm của những gia đình làm nem truyền thống, thì thịt giã cối đá sẽ có độ giòn, quánh, dính hơn là thịt xay máy.

Tham khảo thêm:   Tập làm văn lớp 2: Tả chiếc đồng hồ (14 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 2

Bì lợn cũng phải chọn rất kỹ, heo lấy bì phải là heo cạo chín, nghĩa là làm bằng nước sôi. Có như thế lông mới sạch và khi chế biến sẽ đỡ tốn thời gian. Để có những sợi bì trong, ngon, người thợ phải cạo thật sạch tất cả những phần mỡ còn sót lại trên bì, cho tới khi lớp bì mỏng, trắng tinh, trong suốt thì được. Bì càng làm kỹ bao nhiêu thì khi thái chỉ, bì càng giòn và dai bấy nhiêu.

Khi nguyên liệu chính là thịt và bì đã xong, người thợ sẽ trộn hai hỗn hợp này lại với nhau cùng các loại gia vị muối, bột ngọt, đường, nêm thêm chút nước mắm cho thơm. Sau đó mang hỗn hợp thịt trên ra đóng gói. Mỗi một chiếc nem được người gói cho kèm thêm chút tỏi, lá đinh lăng, ớt, những phụ gia này có tác dụng làm cho hương vị nem trở nên ngon hơn, hấp dẫn hơn và cũng là để cân bằng giữa lạnh (nem chua ) với nóng ( lá đinh lăng, ớt ).Lá chuối gói nem phải là lá chuối ngự vừa xanh vừa dày, bởi trong quá trình vận chuyển và lưu giữ nem vẫn tiếp tục lên men.

Để bảo quản được dài ngày, người thợ thường bọc giấy bóng thêm bên trong nem. Thông thường nem gói sau 3 ngày là chín, có thể dùng được. Bóc lớp lá chuối màu xanh ở ngoài, đã thấy lộ ra màu hồng của thịt, màu trắng của sợi bì, màu đỏ của ớt.

Khi thưởng thức sẽ gặp vị chua thanh của thịt, dai giòn của sợi bì, cay của ớt, thơm của tỏi, chát ngọt của đinh lăng… một hương vị rất riêng mà không phải nem chua nơi nào cũng có như nem chua xứ Thanh. Nem Thanh có vị lạ rất khác với nem chua Hà Nội hay nem lụi ở Huế, lại càng khác xa với nem rán hay nem tai. Nó vừa chua, vừa cay lại có cả vị mặn mà của gia vị, có vị ngọt của thịt làm ta không thể không ăn tiếp vài cái nữa.

Nem chua Thanh Hoá vừa ngon, vừa rẻ nhưng có điều rất lạ và hay là có thể làm đồ nhắm, cũng có khi ăn với cơm. Tiện hơn cả là ở đâu ta cũng có thể nhấm nháp hương vị hấp dẫn của nó. Nghĩ đến nem chua quê mình đầu lưỡi tôi lại cay cay, ngọt ngọt. Khó mà tả được cảm giác sung sướng khi được ăn một vài miếng nem chua ở quê hương mình trong lúc đang ở nơi xa xôi.

Ai đi qua xứ Thanh cũng phải nếm thử hương vị lạ của những chiếc nem xinh xắn. Người dân xứ Thanh vào Nam ra Bắc, dù bận trăm công nghìn việc, dù mang vác nặng nề cũng cố đem vài chục chiếc để cho người nhà hoặc biếu người thân. Ngày lễ Tết hoặc cưới xin, nem chua trở thành món ngon không thể thiếu. Kèm với những cặp bánh chưng xanh, những chiếc giò ngày Tết là những xâu nem chua làm từ chất liệu quê hương mời khách đến chơi nhà.

Nếu có dịp dừng chân nơi miền đất này, mời bạn hãy thưởng thức nem chua xứ Thanh.Vị chua chua, ngọt ngọt đậm đà gia vị tạo nên hương thơm khó quên của món nem chua Thanh Hóa.Nem chua Thanh Hóa nổi tiếng xưa nay khắp một dải đất dài từ Nam ra Bắc. Người Thanh Hóa tự hào với bạn bè nơi nơi vì có một thứ quà không phải nơi nào cũng cứ học là làm được, mà nó được truyền kinh nghiệm từ đời này sang đời khác qua nhiều năm nay.

Thuyết minh về món ăn nem chua Thanh Hóa – Mẫu 3

Nem Thanh có vị lạ rất khác với nem chua Hà Nội hay nem lụi ở Huế, lại càng khác xa với nem rán hay nem tai. Nó vừa chua, vừa cay lại có cả vị mặn mà của gia vị, có vị ngọt của thịt làm ta không thể không ăn tiếp vài cái nữa.

Nem chua được xem là món đặc sản của xứ Thanh. Ai đi qua cũng phải nếm thử hương vị lạ của những chiếc nem xinh xắn. Người dân xứ Thanh vào Nam ra Bắc, dù bận trăm công nghìn việc, dù mang vác nặng nề cũng cố đem vài chục chiếc để cho người nhà hoặc biếu người thân. Ngày lễ Tết hoặc cưới xin, nem chua trở thành món ngon không thể thiếu. Kèm với những cặp bánh chưng xanh, những chiếc giò ngày Tết là những xâu nem chua làm từ chất liệu quê hương mời khách đến chơi nhà.

Nem chua Thanh Hoá không cần nấu, xào hay luộc mà chỉ đơn giản từ giò sống cùng gia vị là đủ. Giò sống nhất thiết phải từ thịt nạc, ngon, tươi, không dính gân. Cho thêm một chút gia vị, mì chính, đặc biệt là hạt tiêu, thiếu nó sẽ không có cái cay cay đầu lưỡi. Người làm nem quên cho bì luộc thái chỉ coi như không phải là dân Thanh Hoá. Lá đinh lăng, một thứ cây cảnh vừa làm đẹp vừa tạo mùi vị hấp dẫn của nem chua. Nói nem chua nhưng tuyệt nhiên không có chanh, me hay men. Đơn giản nhưng mùi vị lạ, hấp dẫn: chua, cay, ngọt, thơm, bùi lại mát khiến nem chua trở thành món ăn nổi tiếng từ bao đời nay.

Công đoạn tiếp theo phức tạp hơn là gói nem. Phải thực sự là con nhà nòi mới làm nên món ăn lạ miệng và lôi cuốn. Lá chuối, lạt buộc là thứ vật liệu làm nem chua. Tước lá chuối khoảng 3 đến 4cm, xếp gọn lên nia hoặc rổ rá, lạt buộc phải mềm, dẻo, sợi to nhỏ tùy theo kích thước của nem. Đôi tay dẻo dai, mềm mại của người làm nem bắt đầu tỉ mẩn nặn từng viên thịt, thường thì kích cỡ khoảng gấp đôi quân cờ. Lá chuối khi rửa sạch, phơi khô được quấn xung quanh viên thịt có lá đinh lăng tô điểm. Quấn nhiều lá khiến chiếc nem có thể to gấp 10 lần đến 15 lần lúc đầu, thành một hình vuông xinh xắn. Những ngón tay thoăn thoắt gói khoảng 1 phút, sau đó lạt buộc chắc tay làm sao cho lá không rơi ra mà chiếc nem vẫn xanh và đẹp. Tuỳ theo thời tiết có thể ăn nem, mùa hè thì độ 5 tiếng đã có nem ăn, mùa đông thì có thể 1 đến 2 ngày tuỳ từng khẩu vị của mỗi người.

Nem chua Thanh Hoá vừa ngon, vừa rẻ nhưng có điều rất lạ và hay là có thể làm đồ nhắm, cũng có khi ăn với cơm. Tiện hơn cả là ở đâu ta cũng có thể nhấm nháp hương vị hấp dẫn của nó. Nghĩ đến nem chua quê mình đầu lưỡi tôi lại cay cay, ngọt ngọt. Khó mà tả được cảm giác sung sướng khi được ăn một vài miếng nem chua ở quê hương mình trong lúc đang ở nơi xa xôi.

Tham khảo thêm:   Thịt bò Kobe có gì mà sao lại đắt đỏ đến như vậy?

Thuyết minh về món ăn nem chua Thanh Hóa – Mẫu 4

Việt Nam đất nước ba miền Bắc, Trung, Nam cứ mỗi một nơi lại có những nét đặc sắc riêng biệt về văn hóa, nếp sống hòa cùng với truyền thống chung của cả dân tộc tạo nên nét đậm đà bản sắc vô cùng thú vị, được nhiều bạn bè trên toàn thế giới yêu thích. Nếu ghé thăm Hà Nội mà thiếu một lần thưởng thức bún đậu, phở Hà Nội hay chỉ đơn giản là cầm trong tay gói cốm làng Vòng vừa thơm, vừa ngọt thì quả thực là thiếu sót, hoặc nếu như đến Huế thăm Cố đô mà quên ăn cơm hến, nếm bún bò thì cũng thật là đáng tiếc. Thanh Hóa vốn là vùng đất cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt từng là vùng đất đầu tiên mà người Việt cổ sinh sống, là nơi chuyển giao giữa miền Bắc và miền Trung cũng có riêng cho mình một đặc sản ấy là món nem chua, mà nếu như nếm một lần sẽ chẳng bao giờ quên.

Nói về các món nem, nước ta cũng rất nhiều nơi có nem, ví như Hà Nội cũng có món nem chua nhưng không cay, rồi còn cả món nem thính cùng với gia vị là da lợn xắt nhỏ, trộn thêm bột ngô, lá ổi, thêm chút gia vị mắm, muối khá lạ miệng, Bình Định cũng có món nem chua mà miếng nem hình vuông, bọc trong một chiếc lá ổi, ăn thấy vị ngòn ngọt. Thế nhưng chỉ riêng món nem chua Thanh Hóa, người ta lại thấy nó cầu kỳ và đặc sắc hơn cả, món ăn này không chỉ đơn thuần là món ăn vặt cho vui miệng mà nó đã trở thành thức ăn chính trong các bữa ăn gia đình, trên các bàn tiệc, và được xem như một món quà quý được khách du lịch mua về để cho biếu người thân. Có lẽ chính người dân Thanh Hóa cũng không biết được món nem chua này ra đời từ khi nào, bởi nó dường như đã ăn sâu vào tiềm thức, vào nếp sống của con người, lịch sử của nem chua cũng chính là lịch của người Thanh Hóa. Một số tài liệu ghi chép lại thì nem chua bắt đầu trở thành một loại hàng hóa lưu thông trên thị trường là vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, như vậy một món ăn vốn dân dã, giản dị bỗng trở thành kế sinh nhai, nuôi sống biết bao nhiêu con người nơi đây.

Nến như ai đó đã một lần được nhận vài cái nem chua làm quà, chắc cũng có phần bỡ ngỡ, tôi cũng là một trong số đó, bởi nếu chẳng được nghe giới thiệu đây là một thứ nem làm từ thịt thì ai ai cũng tưởng đó là một cái bánh thơm ngon, được bọc trong chiếc lá chuối xanh rờn bắt mắt. Mở lớp lá chuối ấy ra bên trong là một chiếc nem to bằng ngón tay người lớn, có màu hồng tươi của thịt, xen lẫn vài miếng ớt đỏ xắt lớn, một vài lá đinh lăng ẩn hiện, cùng hai ba lát tỏi trắng. Nem có mùi thơm đặc trưng, thoang thoảng hương ớt, hương tỏi, mùi thơm cùng vị chát ngọt của lá đinh lăng, cùng với mùi thịt lên men chua khiến người ta khó có thể cưỡng lại mà nếm thử một miếng. Vị đặc trưng của nem chua Thanh Hóa ấy là vị chua thanh, thêm một chút ngọt của thịt heo cùng với vị cay tê của ớt, tỏi kết hợp với cái giòn của bì heo vô cùng kích thích vị giác.

Dĩ nhiên một món ăn ngon kết hợp nhiều thứ hương vị như vậy thì công đoạn chế biến cũng không phải là dễ dàng, phải nói rằng đây không phải là một món ăn mà người chưa thạo nghề có thể làm ngon được, bởi đó là tổng hợp của cách chọn nguyên liệu cùng độ tỉ mẩn và kỹ lưỡng trong quá trình làm. Để làm được một mẻ nem ngon, người ta phải tuyển chọn cho kỳ được những miếng thịt heo còn “nóng”, ở đây là thứ thịt từ con lợn mới mổ, áp tay vào còn có cảm giác âm ấm, như thế thịt mới thực sự tươi ngon và lúc lên men mới ra đúng vị. Sau khi đã chọn được thịt người ta bắt đầu xay nhuyễn thay vì giã tay như ngày trước. Bì heo cũng là một thành phần vô cùng quan trọng, bởi nếu thiếu đi món này thì nem sẽ không có độ giòn, kém hấp dẫn hẳn, thông thường người ta sẽ chọn miếng da heo có độ dày vừa phải, đã được làm thật sạch lông, sau đó người ta cố hết sức cạo thật sạch lớp mỡ bám bên trong cho tới khi chỉ còn miếng da bì mỏng trắng tinh, thậm chí là trong suốt, như vậy là đạt, cuối cùng là đem miếng bì đã chế biến đi thái thành sợi ngắn tầm 2-3cm, để chung với thịt heo đã xay nhuyễn. Chuẩn bị gia vị cho vào nem cũng cần cẩn thận, ớt trái phải chín đỏ tươi, lá đinh lăng là lá bánh tẻ, tỏi cũng là thứ tỏi còn mới, tiêu cần được xay nhỏ, cùng với một số gia vị thông thường khác như muối, mắm, bột ngọt, phụ gia,… để nem lên men được chuẩn vị. Lá chuối bọc ngoài cũng phải là loại lá bánh tẻ xanh thẫm và dày không bị rách, nilon và dây thun phải đảm bảo sạch sẽ để gói được miếng nem ngon, đảm bảo vệ sinh.

Sau khi đã chuẩn bị đủ nguyên liệu cần thiết người thợ sẽ bắt đầu trộn và gói nem. Thịt xay nhuyễn được trộn thật đều với bì heo thái mỏng, cùng với chút muối, chút tiêu, chút bột ngọt, mật mía, rồi đem gói thành những thỏi nem nhỏ cùng với vài lá định lăng, vài lát tỏi và ớt trong một miếng ni lông trong suốt cho kín, sau đó bọc tiếp bên ngoài hai lớp lá chuối, rồi dùng dây thun cố định lại. Nem mới gói xong chưa dùng được ngay mà phải đợi 1-2 ngày cho nem “chín”, nghĩa là nem đã lên men chua, rồi mới lấy ra thưởng thức.

Với mức giá phải chăng tầm 3000 – 4000 đồng một chiếc, nem chua đã trở thành thức quà được nhiều người ưa chuộng, không chỉ với người dân Thanh Hóa mà là đối với người dân ở mọi miền Tổ quốc, từ Bắc vô Nam. Chiếc nem chua nho nhỏ, xanh rờn màu lá chuối đã mang đi khắp muôn nơi những tình cảm nồng đượm, cùng hương vị đặc trưng của đất Thanh Hóa, để rồi ai đã một lần ghé xứ Thanh cũng chẳng bao giờ quên mang về vài chục chiếc nem chua để làm quà cho người thân, bạn bè, một thứ quà giản dị, thơm ngon.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thuyết minh về món nem chua Thanh Hóa (Dàn ý + 5 mẫu) Thuyết minh cách làm món ăn hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *