Văn mẫu lớp 8: Phân tích nghệ thuật trong bài Tức nước vỡ bờ gồm 5 bài văn mẫu, giúp các em học sinh lớp 8 có thêm nhiều tài liệu tham khảo, trau dồi vốn từ để viết bài văn ngày càng hay hơn.
Với nghệ thuật khắc họa nhân vật Ngô Tất Tố đã xây dựng thành công tính cách của từng nhân vật trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ. Dưới đây là 5 bài văn mẫu phân tích nghệ thuật trong bài Tức nước vỡ bờ, mời các bạn cùng tham khảo:
Phân tích nghệ thuật trong bài Tức nước vỡ bờ – Mẫu 1
Ngô Tất Tố là một trong những gương mặt tác giả tiêu biểu nhất của nền văn học hiện thực Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với tập tiểu thuyết “Tắt đèn”, truyện kể về cuộc đời và số phận chị Dậu, một phụ nữ nông thôn nghèo đói, nạn nhân của chế độ thực dân nửa phong kiến. “Tức nước vỡ bờ” là một đoạn trích tiêu biểu trong tác phẩm, thể hiện bước ngoặt tâm lý nhân vật chị Dậu, bước đầu dám vùng lên phản kháng, chống lại bọn cường hào lý trưởng. Đặc sắc nghệ thuật nằm ở tình huống truyện, nghệ thuật miêu tả nhân vật với tính cách tương phản đối lập và ngôn ngữ đối thoại chân thực, đặc sắc.
Sau một đêm bị trói, bị đánh ngoài đình, anh Dậu được trả về nhà, rũ rượi như một xác chết, chưa kịp húp bát cháo cho hoàn hồn thì bọn cai lệ và người nhà Lý trưởng lại kéo đến đòi tiền sưu. Chị Dậu bằng mọi cách van xin, lạy lục tên cai lệ đừng vội trói chồng chị đi nhưng hắn thẳng tay đánh đập, chửi bới chị. Bị đẩy vào đường cùng, chị Dậu đứng lên đánh trả tên cai lệ và bọn tay sai mạt hạng.
Đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích được thể hiện ở khả năng khắc họa nhân vật đại tài của Ngô Tất Tố. Xây dựng hình tượng nhân vật chị Dậu, tác giả muốn khắc họa chân dung người phụ nữ Việt Nam đức hạnh, biết chịu đựng nhưng vô cùng quyết liệt, giàu sức phản kháng. Khi anh Dậu được trả về nhà, chị lật đật chạy đi nấu cháo cho chồng ăn hồi sức, “rón rén bưng một bát lớn đến chỗ chồng nằm”, “đón lấy cái Tỉu và ngồi xuống đó, như có ý chờ xem chồng chị ăn có ngon miệng hay không”.
Tình thương chồng, thương con được thể hiện rất kín đáo, sâu sắc, không phô trương hay màu mè. Khi bị tên cai lệ và người nhà lý trưởng áp giải tiền sưu, chị rất nhẹ nhàng, cam chịu, cầu xin bằng giọng “run run”, “chạy đến đỡ lấy tay hắn” khi hắn định trói anh Dậu, van xin khẩn thiết: “Cháu van ông”. Chị gọi tên cai lệ là ông, xưng cháu, thể hiện sự tôn trọng với thân phận thấp hèn. Trái ngược với sự tha thiết, nhún nhường của chị, tên cai lệ thẳng tay “bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi lại sấn đến để trí anh Dậu”. Đến lúc này, sự thay đổi trong cách xưng hô từ “ông – cháu” sang “ông – tôi”:”
Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ” đã mở ra bước ngoặt tâm lí nhân vật. Bị đánh, bị chửi, sự đức độ và hiền lành bị thách thức. Và cuối cùng, khi bị cai lệ tát vào mặt, chị Dậu “nghiến hai hàm răng”, dõng dạc nói: “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”. Con giun xéo lắm cũng quằn, chị Dậu đã vượt qua giới hạn của bản thân, sẵn sàng xưng bà, gọi mày với tên quan mạt rệp, độc ác. Xây dựng nhân vật theo thứ tự tăng cấp của diễn biến tâm lý, tác giả đã khắc họa hình tượng nhân vật chị Dậu, người phụ nữ điển hình trong xã hội xưa, hiền lành, chăm chỉ, nhún nhường nhưng luôn tiềm tàng sức sống mãnh liệt, dám đứng lên chống trả ức hiếp, bóc lột.
Trái ngược với hình ảnh chị Dậu, tên cai lệ được tác giả miêu tả đại diện cho tầng lớp thống trị. Chất giọng “khàn khàn của người hút nhiều sái cũ”, hình dáng “lẻo khoẻo”, ăn nói cục súc, hành động côn đồ, chỉ biết dùng vũ lực, đánh cả đàn bà, con gái,… từng ấy chi tiết miêu tả đã khiến người đọc hình dung ra một tên tay sai mạt hạng. Có ý kiến cho rằng, tên cai lệ chính là hình tượng điển hình cho lớp quan lại phong kiến Việt Nam thời bấy giờ, rỗng tuếch, đểu cáng, tàn ác, giết hại chính đồng bào mình, bợ đỡ thực dân để được sống yên ổn. Sự thảm hại “ngã chổng quèo trên mặt đất” của tên cai lệ đã cho người đọc thấy sự đối lập giữa sức vóc của “người đàn bà lực điền”, đại diện cho tầng lớp nông dân và tên nghiện gầy gò cai lệ. Khắc họa nhân vật xuất sắc không chỉ đem lại sự cuốn hút cho người đọc mà còn phản ánh hiện thực xã hội đương thời, một xã hội tối tăm, mục ruỗng, con người tàn sát lẫn nhau để được tồn tại.
Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện lớp lang, có cao trào, kịch tính góp phần làm nên thành công của tác phẩm. Liên kết chặt chẽ giữa xung đột tình huống đốc thúc câu chuyện lên tới cao trào, giải quyết mượt mà và thỏa mãn người đọc. Tác giả mượn lời đối thoại và hành động của nhân vật, gián tiếp dẫn dắt tình huống lên tới đỉnh điểm. Vì bị đánh, bị chửi nên chị Dậu mới có tinh thần phản kháng. Vì hùng hổ xông vào đòi trói anh Dậu nên tên cai lệ và bọn tay sai Lý trưởng mới bị chị Dậu đánh trả. Tác giả để cho nhân vật tự đẩy tình huống lên cao trào và tự giải quyết mâu thuẫn bằng hành động, lời nói và tính cách cá nhân.
Một đặc sắc nghệ thuật điển hình của đoạn trích là ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật. Lấy chất liệu đời sống, khai thác giá trị thực tiễn, lời ăn tiếng nói của nhân vật góp phần định hình thể loại văn chương và ghi dấu cá tính tác giả. Ngôn ngữ thôn quê bình dị, chất phác, điển hình cho từng tuyến nhân vật. Tên cai lệ thì ngang tàng, hống hách, chị Dậu lại thiết tha, lễ độ, đồng thời quật cường, đanh thép, bà cụ hàng xóm xuất hiện với giọng điệu lo âu, cám cảnh. Việc sử dụng ngôn ngữ thuần túy tự nhiên khiến văn của Ngô Tất Tố tự có chiều sâu, tái hiện không khí làng quê đặc trưng thời bây giờ.
Đặc sắc nghệ thuật trong đoạn trích đã khẳng định tài năng của tác giả, góp phần làm nên đại thành công của tập tiểu thuyết. Khả năng xây dựng cốt truyện, khai thác nhân vật và bút pháp tài hoa đã tái hiện bức tranh hiện thực làng quê Việt Nam xưa. Đặt trong hoàn cảnh đất nước ngày ấy, tác phẩm được coi như lời kêu gọi nhân dân đứng dậy chống áp bức đấu tranh, giành lại nhân quyền cho chính bản thân mình.
“Tức nước vỡ bờ” là đoạn trích đặc sắc trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố, cùng tìm hiểu chi tiết về đoạn trích, bên cạnh bài Phân tích nghệ thuật đoạn trích Tức nước vỡ bờ, các em có thể tìm đọc thêm: Phân tích nhân vật chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ, Phân tích diễn biến tâm lí của chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ, Chứng minh người nông dân vẫn giữ trọn phẩm chất tốt đẹp qua Lão hạc và Tức nước vỡ bờ, Bộ mặt tàn ác, bất nhân của lũ tôi tớ, tay sai thực dân phong kiến trong Tức nước vỡ bờ.
Phân tích nghệ thuật trong bài Tức nước vỡ bờ – Mẫu 2
Tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố là một tác phẩm xuất sắc của dòng văn học hiện thực 1930 – 1945. Về mặt tư tưởng và nghệ thuật, Tắt đèn đều có giá trị to lớn.
Tắt đèn giàu giá trị hiện thực. Tác giả đã tố cáo và lên án chế độ sưu thuế đã biết bao người phải bán vợ đợ con để trang trải “món nợ nhà nước”. Vụ sưu thuế đến xóm thôn rùng rợn trong tiếng trống ngũ liên thúc giục liên hồi suốt đêm ngày. Cảnh bọn cường hào ác bá bắt trói, đánh đập tàn nhẫn những kẻ thiếu thuế, thiếu sưu diễn ra trên khắp mặt đất. Tiếng kêu khóc thảm thiết của những người nông dân thiếu nợ vang lên thảm thiết, nỗi đau khổ thấu tận trời xanh. Cái sân đình xôi thịt đã trở thành trại giam hành hạ những người nông dân nghèo khổ hiền lành vô tội.
Có thể nói Tắt đèn là một bức tranh xã hội chân thực, một bản án đanh thép kết tội chế độ thực dân nửa phong kiến đã áp bức bóc lột, đã làm bần cùng hóa nhân dân ta, đẩy người nông dân vào bước đường cùng không lối thoát.
Tắt đèn là một tác phẩm giàu giá trị nhân đạo. Tình vợ chồng, tình mẹ con, tình nghĩa xóm làng giữa những con người cùng khổ được nói đến một cách chân thực. Số phận người phụ nữ, những em bé, những người cùng đinh được tác giả nêu lên với bao xót thương, nhức nhối và đau lòng.
Tắt đèn đã xây dựng nhân vật Chị Dậu – một hình tượng chân thật, đẹp đẽ về người phụ nữ nông dân Việt Nam. Chị Dậu có bao phẩm chất tốt đẹp, cần cù, tần tảo, giàu tình thương, nhẫn nhục và dũng cảm chống cường hào, chống áp bức. Chị Dậu là hiện thân của người vợ, người mẹ vừa sắc sảo, vừa đôn hậu, trong sạch. Một sức sống tiềm tàng mãnh liệt chưa bao giờ tắt trong người phụ nữ nông dân ấy.
Tắt đèn, một cuốn tiểu thuyết có quy mô khiêm tôn, trên dưới 200 trang, nhưng có giá trị nghệ thuật đặc sắc. Về kết cấu, nhà văn đã rất chú trọng xây dựng kết cấu truyện rất chặt chẽ, tập trung và nhất quán. Các tình tiết, chi tiết đan cài chặt chẽ, đầy ấn tượng làm nổi bật chủ đề. Hầu như nhân vật chị Dậu đã xuất hiện trong tác phẩm từ đầu chí cuối và tham gia vào hầu hết các sự kiện.
Tính xung đột, tính bi kịch cũng được đẩy lên cao độ nhằm thu hút, cuốn hút người đọc và làm tăng tính hấp dẫn cho câu chuyện. Nhà văn tập trung khắc họa thành công hình ảnh các nhân vật. Các hạng người từ người dân cày nghèo khổ đến địa chủ, từ bọn cường hào đến quan lại đều có những nét riêng, rất chân thực, sống động. Ngôn ngữ trong Tắt đèn chủ yếu là miêu tả và tự sự. Ngôn ngữ nhân vật đều nhuần nhuyễn, đậm đà. Câu văn xuôi thanh thoát.
“Tắt đèn” là một thiên tiểu thuyết có luận đề xã hội hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác” (Vũ Trọng Phụng).
Phân tích nghệ thuật trong bài Tức nước vỡ bờ – Mẫu 3
Đây là đoạn văn hay và rất tiêu biểu cho bút pháp tiểu thuyết trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Có thể nêu lên mọi khía cạnh nổi bật:
Khắc họa nhân vật: các nhân vật trong đoạn văn đều rõ nét, nhất là hai nhân vật Cai Lệ và chị Dậu. Cai Lệ chỉ là một tên tay sai vô danh, nhưng ở đoạn văn này đã nổi bật lên thật đậm nét. Từ giọng quát mắng thị oai thô lỗ, trắng trợn, đến những hành động hung hãn, tàn ác, cho đến cả “cái giọng khàn khàn vì hút nhiều xái cũ”, cái thân hình “lẻo khoẻo” vì nghiện ngập, cả cái tư thế thảm hại rất hài hước: “ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói” đều đã tập trung làm nổi bật cái nhân cách vừa tàn ác, vừa đểu cáng, đê tiện của cái hạng “đầu chày đít thớt” đó.
Hình tượng chị Dậu trong đoạn văn được khắc họa thật sinh động. Đặc biệt sự diễn biến tâm lý, thái độ của chị Dậu – từ chỗ lễ phép van xin thiết tha đến chỗ nghiến răng quật ngã bọn lay sai – được thể hiện thật tự nhiên, đúng với lôgic tính cách chị Dậu, tuy dường như rất đột ngột. Như vậy, bản chất tính cách của nhân vật chị Dậu – dịu dàng, chịu đựng mà ngang tàng, bất khuất – được thể hiện vừa đa dạng, vừa thống nhất, nhất quán. Có thể nói mọi lời lẽ, động lực của chị Dậu trong đoạn văn đều đúng là “chị Dậu”. Hơn bất cứ chỗ nào khác, đoạn Tức nước vỡ bờ đã cho thấy “sừng sững hiện ra cái chân dung lạc quan của chị Dậu” (Nguyễn Tuân).
Ngòi bút Ngô Tất Tố tả những cảnh hoạt động rất hay Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với Cai Lệ là một đoạn tuyệt khéo, rất đúng với tâm lý của dân quê”. Đó là một bức ký họa với những nét bút thật linh hoạt, sắc sảo, pha chút biếm họa tài tình. Cảnh hoạt động dồn dập mà vẫn rõ nét, không rối mắt, mỗi chi tiết đều đắt. Với vốn sống nông thôn phong phú và với “óc quan sát rất tinh tường, rất chu đáo” (lời Vũ Trọng Phụng trong bài Tắt đèn của Ngô Tất Tố, đăng báo Thời vụ, 1939), ngòi bút Ngô Tất Tô” ở đây vừa giàu chất sống, vừa rất sắc sảo.
Có người nhận xét tiểu thuyết Tắt đèn giàu tính kịch. Hoàn toàn đúng. Tính kịch, đó là “tính hành động chặt chẽ và quán triệt”, xung đột thể hiện tập trung là sự căng thẳng đối với nhân vật do tình huống tạo ra. Đồng thời, nếu kịch yêu cầu tính cách nhân vật tự thể hiện bằng lời nói và hành động, “ngôn ngữ của nhân vật đều có tính đặc thù rõ rệt, có sức biểu hiện tối đa” thì đoạn văn Tức nước vỡ bờ, ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật quả là như vậy, Ngô Tất Tố rất thuộc lời ăn tiếng nói của từng hạng người ở nông thôn nên nhân vật nào cũng có “ngôn ngữ” riêng. Khẩu khí hống hách đểu cáng của cai lệ, giọng điệu và lời lẽ khi thiết tha lễ phép khi đanh đá ngỗ nghịch của chị Dậu, đều rất “hột” đã khiến cho nhân vật “tự thể hiện tính cách” đầy đủ, nổi bật. Khẩu ngữ nông thôn đã vào văn của Ngô Tất Tố thật tự nhiên, nhuần nhuyễn, khiến cho câu văn sinh động, đậm đà, có hơi thở của đời sống và đoạn văn rất có không khí.
Sức mạnh nghệ thuật của Ngô Tất Tố, xét đến cùng là sức mạnh của chủ nghĩa hiện thực, đồng thời là sức mạnh của một ngòi bút gắn bó máu thịt với nông dân, của một trái tim yêu ghét rạch ròi, mãnh liệt và nhất quán.
Phân tích nghệ thuật trong bài Tức nước vỡ bờ – Mẫu 4
Ngô Tất Tố là một cây bút hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Trong cuộc đời sáng tác văn chương của mình, ông đã để lại nhiều tác phẩm được coi là những kiệt tác nghệ thuật. Trong số ấy, tiểu thuyết Tắt đèn xứng đáng là một áng văn tiêu biểu cho tài năng và phong cách nghệ thuật của Ngô Tất Tố.
Tắt đèn là một cuốn tiểu thuyết chỉ có vài trăm trang. Một dung lượng không nhiều nhưng vừa đủ để Ngô Tất Tố khái quát được xã hội nông thôn Việt Nam đương thời một cách tập trung, điển hình nhất.
Giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết Tắt đèn, thiết nghĩ phải tốn khá nhiều giấy mực để bàn luận. Trong giới hạn của bài viết này, chúng ta hãy dừng lại ở việc tìm hiểu những nét đặc sắc của ngòi bút Ngô Tất Tố trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ.
Đây là đoạn văn hay, rết tiêu biểu cho bút pháp tiểu thuyết của tác giả Tắt đèn.
Nét nổi bật nhất và cũng là thành công nhất của Ngô Tất Tố chính là nghệ thuật khắc họa nhân vật. Chỉ với chưa đầy ba trang văn, Ngô Tất Tố đã xây dựng được hai nhân vật đạt đến mức điển hình bất hủ. Đó là cai lệ và chị Dậu.
Cai lệ chỉ là một tên tay sai mạt hạng, không có tên riêng, nhưng lại được tác giả tập trung miêu tả nổi bật, trở thành một tính cách điển hình với đầy đủ những nét chung và riêng. Cai lệ là hình ảnh đại diện cho bọn tay sai nói riêng và đại diện cho cái chính quyền thực dân tàn bạo, bất nhân nói chung. Hắn phảng phất cái bóng dáng của tất cả những tên tay sai hung hãn ngoài đời cũng như các sáng tác hiện thực lúc bấy giờ. Những cai lệ là một tên tay sai không giống với bất cứ tên nào mà ta đã gặp. Hắn có những đặc điểm riêng không thể trộn lẫn, và được tô đậm. Đây là giọng quát thét hống hách “Thằng kia!, mày định nói cho cha mày nghe đấy à?”; những lời xỏ xiên đểu cáng “Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à?”; và những hành động hung hãn “Bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch, Tát vào mặt chị một cái đánh bốp, Sấn đến để trói anh Dậu, Nhảy vào cạnh anh Dậu…”. Và đây, cái giọng khàn khàn vì hút nhiều xái cữ, cái thân hình lẻo khoẻ vì nghiện thuốc phiện, cái tư thế ngã chỏng quèo mà miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu,..Tất cả những chi tiết đó đã tạo nên một tên tay sai vừa trắng trơn, tàn ác, vừa đểu giả, đê tiện. Hình ảnh ấy đã để lại một ấn tượng đặc biệt trong lòng độc giả: vừa khinh bỉ ghê tởm, vừa căm ghét.
Đối lập với hình ảnh tên cai lệ là hình ảnh chị Dậu. Chị Dậu cũng là một thành công của Ngô Tất Tố trong việc xây dựng nhân vật đạt đến mức điển hình hóa cao độ. Nhân vật chị Dậu có tính cách khá đa dạng: vừa hiền lành, lễ phép, vừa ngỗ nghịch, đanh đá, vừa nhẫn nhục vừa phản kháng quyết liệt, vừa chan chứa yêu thương vừa ngùn ngụt căm thù. Ngô Tất Tố không chỉ thành công trong việc xây dựng một hình tượng người phụ nữ nông thôn với tính cách điển hình, ông còn rất thành công trong việc khắc họa tâm lí nhân vật chị Dậu.
Trong đoạn trích, chị Dậu là người có đời sống nội tâm khá phong phú. Ngòi bút Ngô Tất Tố đã lách sâu vào tâm hồn nhân vật để thể hiện nó một cách chân thực và biện chứng. Từ chỗ nhẫn nhục chịu đựng, tha thiết van xin, đến chỗ tức quá không thể chịu được, mà liều mạng cự lại; từ thái độ lễ phép, tôn trọng tên cai lệ đến sự ngỗ nghịch, đanh đá nghiến răng: Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem, rồi bất chấp thà ngồi tù xông vào đấu sức với hai tên tay sai… Tất cả vừa phù hợp với lô-gíc khách quan của cuộc sống: Tức nước vỡ bờ, vừa phù hợp với tính cách chị Dậu.
Cùng với thành công về phương diện xây dựng nhân vật, Ngô Tất Tố còn sử dụng ngòi bút miêu tả rất linh hoạt, sinh động. Chỉ một vài nét phác họa, nhà văn đã vẽ ra trước mắt người đọc những cảnh tượng sống động khiến họ có cảm giác như đang tận mắt chứng kiến nó.
Tiếng trống và tiếng tù và đã thủng thẳng đua nhau từ phía đầu làng đến đình. Tiếng chó sủa vang các xóm. Chỉ hai câu văn mà tác giả đã gợi tả được cả cái không khí ngột ngạt của làng quê Việt Nam trong mùa sưu thuế.
Đặc biệt trong đoạn văn miêu tả cảnh chị Dậu liều mạng cự lại hai tên tay sai. Dưới ngòi bút thần tình của Ngô Tất Tố, các hoạt động diễn ra dồn dập mà vẫn rất rõ nét: từ hành động của tên cai lệ (tát chị Dậu và nhảy vào anh Dậu) đến việc chị Dậu nghiến hai hàm răng rồi túm tóc tên cai lệ, ấn dúi ra cửa khiến hắn ngã chỏng quèo; từ việc tên người nhà lí trưởng sấn sổ bước đến giơ gậy chực đánh đến việc hai bên giằng co, vật nhau, rồi chị Dậu túm lấy tóc hắn lẳng cho một cái khiến tên này ngã nhào ra thềm… tất cả diễn ra mau lẹ như trong một pha gay cấn của một cuốn phim; vừa diễn tả được diễn biến truyện vừa thể hiện được tính cách, tâm lí nhân vật, và sức sống mạnh mẽ, tinh thần phản kháng tiềm tàng của chị Dậu. Có thể nói, Ngô Tất Tố có óc quan sát rất tinh tường.(Vũ Trọng Phụng) và miêu tả tuyệt khéo (Phan Ngọc).
Một đặc sắc nghệ thuật nữa của đoạn trích là ngôn ngữ kể chuyện, miêu tả của tác giả và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Trong ngôn ngữ kể chuyện và miêu tả, tác giả sử dụng rất nhiều từ ngữ vừa giàu sắc thái biểu cảm, vừa phù hợp với ti hân vật và các hoạt động. Điệu bộ của bà lão láng giềng thì lật đật; thằng Dần thì vục đầu vừa thổi vừa húp soàn soạt, anh Dậu thì uốn vai ngáp uể oải chống tay…, ngẩng đầu lên, run rẩy, lăn đùng; bọn tay sai ban đầu thì nhảy vào, sấn sổ, sau đó, đứa thì ngã chổng quèo đứa thì ngã nhào… Tất cả những ngôn từ ấy đều rất sống, rất có hồn.
Ngôn ngữ nhân vật vừa đa dạng, vừa độc đáo. Mỗi nhân vật đều có ngôn ngữ riêng. Ngôn từ của tên cai lệ thì thô tục, đểu cáng, của tên người nhà lí trưởng thì mỉa mai, bóng gió, lời anh Dậu thì run rẩy, sợ sệt, lời bà lão láng giềng thì thật thà, hiền hậu. Đặc biệt là ngôn ngữ của chị Dậu, khi thì thiết tha, mềm mỏng, lúc đanh thép, quyết liệt. Qua ngôn ngữ, tính cách nhân vật bộc lộ khá rõ nét.
Bên cạnh đó, những khẩu ngữ của quần chúng nông dân như thầy em, nhà cháu được Ngô Tất Tố sử dụng rất hồn nhiên, nhuần nhuyễn, khiến cho câu văn giản dị mà đậm đà, mang hơi thở của đời sống. Những thành công và đặc sắc Ngô Tất Tố trong đoạn trích cũng là những thành công nghệ thuật của tác phẩm. Nghệ thuật ấy kết hợp với giá trị nội dung tư tưởng, đã đem lại sự hấp dẫn và sức sống lâu bền cho cuốn tiểu thuyết này.
Phân tích nghệ thuật trong bài Tức nước vỡ bờ – Mẫu 5
Tắt đèn là một “đoản thiên tiểu thuyết” xuất sắc về đề tài người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Cùng viết về nỗi khổ cực của người nông dân nhưng Ngô Tất Tố lại chọn một lối đi riêng. Ông muốn lột trần bộ mặt tàn ác của bọn thực dân thông qua chính sách thuế khóa hà khắc ở nông thôn.Tắt đèn sừng sững một tượng đài nông dân-chị Dậu. Đó là một con người quyết chống lại cường quyền gian ác để giữ lấy chính cuộc sống của mình. Đoạn trích Tức nước vỡ bờ chính là một lần chị phải đấu tranh như thế.
Chị Dậu chạy đôn, chạy đáo bán bòn đủ thức mới đủ suất sưu cho chồng. Vất vả nhưng được tai qua nạn khỏi nghĩ cũng mừng. ậy mà ngờ đâu suất của chồng vừa mới lo xong lại sinh thêm suất sưu của người chết. Thế là trăm dâu đổ đầu tằm, biết là oan ức mà chẳng thể nào giải được. Lo một suất sưu chị đã “khuynh gia bại sản” nay lại thêm suất nữa,chị Dậu bị đẩy đến đường cùng. Đoạn trích Tức nước vỡ bờ mở đầu bằng vài thở phào của chị. Anh Dậu sau khi bị đánh liên hồi kỳ trận được bọn chúng thả về. May thay bà láng giềng cho nắm gạo,thế là chị Dậu tất tả nấu cho chồng bát cháo mong cứu cho chồng ra khỏi cơn nguy khốn. Nhưng đáng thương thay,bát cháo vừa mới kịp đưa lên miệng thì bọn cai lệ ầm ầm xô tới với roi với thước.Trước sự hách dịch và hung ác, chị Dậu nhất nhất chỉ còn biết kêu oan “Hai ông làm phúc nói với ông lý cho cháu khất”. Nhưng cái câu nói ấy của chị Dậu có nghĩa gì đâu. Cai lệ trừng trợn trút một hai câu tai ngược “Mày định nói cho mày nghe đấy à? Sưu của Nhà nước mà dám mở mồm xin khất”.
Đúng là “tức nước” sẽ đến “vỡ bờ”. Ở trong một hoàn cảnh khác, chị Dậu hẳn đã phải có vài câu đáp lại cái thói cư xử coi người như rác của bọn cai lệ nhà ông Lý. Nhưng chị Dậu vẫn kiên nhẫn van nài. Chỉ hẳn đã hiểu quá rõ cái thân phận hèn mọn của mình và lại càng hiểu hơn cái thói hung ác của bọn tay sai. Chị vẫn tha thiết “Khốn nạn! Nhà cháu đã không có, dẫu ông chửi mắng cũng thế thôi.Xin ông trông lại”. Rõ ràng là ở đấy,câu nói của chị Dậu đã cứng cỏi hơn,đã có những dấu hiệu “không chịu được”. Lời xin của chị Dậu tỏ vẻ bất cần và không còn ngại ngùng nể sợ hoàn toàn như trước nữa.
Đến đây kịch tính của tình huống bắt đầu được đẩy lên cao.Cai lệ hầm hề “Nếu không có tiền nộp sưu cho ông bây giờ, thì ông sẽ dở cả nhà mày đi, chửi mắng thôi à?”. Câu nói vẫn đầy hách dịch của những kẻ bề trên quen coi người lao động là con trâu, con ngựa. Vừa nói hắn vừa lao sầm sầm vào anh Dậu. Thế là “chị Dậu xám mặt”, vội vàng chạy đến kêu xin. Chị vẫn năm ông mười ông mong khơi gợi một chút lòng thương hại từ tên cai lệ. Nhưng những lời khẩn khoản của chị ác thay lại được đáp lại bằng những hậu quả đấm chắc nịch từ tay cai lệ. Như lửa đã được đổ thêm dầu, chị Dậu “không thể chịu được”đành “liều cự lại”. Tâm lý chị Dậu rõ ràng đã có những biến đổi nhưng chưa phải là hành động hoàn toàn chủ động. Sự tàn ác của tên cai lệ đã đưa chị vào tình thế phải “liều mình”.
Song kịch tính của đoạn trích thực sự được đẩy đến cao trào khi cai lệ mạnh tay “tát ngang vào mặt chị Dậu”. Tức nước vỡ bờ,người đàn bà lực điền nghiến hai hàm răng “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”. Rồi chị túm cổ tên cai lệ ấn dúi ra phía cửa.Sức của anh chàng nghiện không chịu nổi một cái lẳng của người đàn bà. Đoạn văn là một sự thay thế “ngôi vị”. Từ lời xưng hô hèn mọn “cháu-ông”, chị Dậu bực mình đưa mình lên “bà” và hạ hắn xuống thành “mày”. Còn nữa, từ thế bị động chị Dậu đã không thể chịu được sự đè nén, quyết đứng ra bảo vệ chồng mình.
Tức nước vỡ bờ miêu tả một quá trình tâm lý. Ngô Tất Tố đã tạo ra một tình huống giàu kịch tính để rồi cứ thế nhân vật chính va chạm với những tính cách khác từ đó bộc lộ phẩm chất của mình. Quá trình diễn biến tâm lý của chị Dậu diễn ra nhanh chóng nhưng tinh tế. Đặc biệt nó rất phù hợp với quy luật phát triển tính cách cũng như hoàn toàn phù hợp với phẩm chất con người nhân vật. Đó là một sự thể hiện có tính toán và rất sắc sảo của nhà văn.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 8: Phân tích nghệ thuật trong bài Tức nước vỡ bờ (5 mẫu) Những bài văn hay lớp 8 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.