Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 7: Giải thích bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen 2 Dàn ý & 15 bài văn mẫu lớp 7 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Hôm nay, Wikihoc.com cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Giải thích bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen.

Giải thích bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen
Giải thích bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen

Nội dung chi tiết bao gồm 2 dàn ý và 15 bài văn mẫu lớp 7. Hãy cùng theo dõi chi tiết ngay sau đây.

Dàn ý giải thích bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen

1. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu về bài ca dao:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

2. Thân bài

a. Giải thích

– Nghĩa đen: Mở đầu là câu hỏi tu từ “Trong đầm gì đẹp bằng sen” như một lời khẳng định rằng dù có nhiều loài hoa rực rỡ, nhưng không có bất cứ loài hoa nào có thể sánh được với hoa sen. Tiếp theo, vẻ đẹp của hoa sen được khắc họa qua “lá xanh, bông trắng, nhị vàng”. Cách sử dụng điệp ngữ “nhị vàng”, “bông trắng” và “lá xanh” gợi ra hình ảnh những cánh hoa sen xếp thành từng tầng từng lớp. Môi trường sống của hoa sen là ở đầm lầy, có nhiều bùn. Mà đặc tính của bùn là có mùi hôi tanh, rất khó chịu. Nhưng dù vậy, hoa sen vẫn có mùi thơm ngát dịu dàng.

– Nghĩa bóng: Hình ảnh hoa sen là biểu tượng cho vẻ đẹp phẩm chất của con người Việt Nam. Những người dân Việt Nam tuy giản dị, mộc mạc. Nhưng họ lại có phẩm chất tốt đẹp, cao quý. Sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn giữ được tâm hồn thanh cao.

b. Dẫn chứng

– Xưa: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…

– Nay: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp..

c. Liên hệ bản thân

Thế hệ trẻ cần phải ý thức rèn luyện phẩm chất, đạo đức của bản thân. Dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn luôn giữ được tâm hồn trong sáng, giản dị và sáng ngời phẩm chất cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

3. Kết bài

Khẳng định lại ý nghĩa và giá trị của bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen”.

Giải thích bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen ngắn gọn

Đoạn văn mẫu số 1

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Bài ca dao có hai lớp nghĩa, nghĩa đen miêu tả vẻ đẹp của hoa sen, nghĩa bóng nói về vẻ đẹp phẩm chất của con người. Cu hỏi tu từ “Trong đầm gì đẹp bằng sen?” là lời khẳng định về vẻ đẹp tuyệt vời của hoa sen. Những đặc điểm của hoa sen được nêu ra màu xanh của lá, màu trắng của hoa, màu vàng của nhị. Đây đều là những gam màu sắc tươi sáng, gợi sự thanh nhã. Cách sử dụng điệp ngữ “nhị vàng”, “bông trắng” và “lá xanh” gợi ra hình ảnh tả thực những cánh hoa xếp tầng tầng lớp lớp tạo nên những bông hoa. Câu thơ cuối cùng “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” nói về môi trường sinh sống của hoa sen là môi trường đầm lầm – một nơi có rất nhiều bùn. Mà đặc tính của bùn là có mùi hôi tanh, rất khó chịu. Mặc dù sống trong môi trường như vậy, nhưng hoa sen vẫn có mùi thơm ngát dịu dàng. Cũng giống như con người Việt Nam có lối sống giản dị, mộc mạc. Nhưng họ lại có phẩm chất tốt đẹp, cao quý. Sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn giữ được tâm hồn thanh cao.

Đoạn văn mẫu số 2

Bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen” thật giàu giá trị. Mở đầu là câu hỏi tu từ “Trong đầm gì đẹp bằng sen” như một lời khẳng định rằng dù có nhiều loài hoa rực rỡ, nhưng không có bất cứ loài hoa nào có thể sánh được với hoa sen. Tiếp theo, vẻ đẹp của hoa sen được khắc họa qua “lá xanh, bông trắng, nhị vàng”. Cách sử dụng điệp ngữ “nhị vàng”, “bông trắng” và “lá xanh” gợi ra hình ảnh những cánh hoa sen xếp thành từng tầng từng lớp. Môi trường sống của hoa sen là ở đầm lầy, có nhiều bùn. Mà đặc tính của bùn là có mùi hôi tanh, rất khó chịu. Nhưng dù vậy, hoa sen vẫn có mùi thơm ngát dịu dàng. Bên cạnh đó, tác giả dân gian còn gửi gắm vẻ đẹp phẩm chất của con người Việt Nam qua hình ảnh hoa sen – giản dị mà vô cùng thanh cao. Dù ở trong hoàn cảnh nào, con người Việt Nam vẫn giữ được tâm hồn trong sạch, nhân cách tốt đẹp. Có thể kể đến tấm gương của các bậc tiền nhân như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi đã cáo quan về ở ẩn để tránh xa khỏi chốn quan trường xô bồ. Hay Chủ tịch Hồ Chí Minh – tấm gương sáng người cho phẩm chất đó. Trong suốt những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã phải kiếm sống bằng nhiều công việc lao động khác nhau. Dù khó khăn, vất vả nhưng Bác vẫn giữ được tấm lòng trong sáng, lý tưởng cao cả của bản thân. Với tư cách là một học sinh, tôi hiểu được rằng cần cố gắng rèn luyện bản thân để sống sao cho xứng đáng với thế hệ đi trước. Bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen” gửi gắm ý nghĩa sâu sắc.

Đoạn văn mẫu số 3

Phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam đã được thể hiện qua bài: “Trong đầm gì đẹp bằng sen”. Về nghĩa đen, bài ca dao đã miêu tả hình ảnh hoa sen với những đặc điểm tiêu biểu nhất. Câu hỏi tu từ “Trong đầm gì đẹp bằng sen?” như một lời khẳng định rằng trong đầm có nhiều loài hoa rực rỡ, nhưng không có bất cứ loài hoa nào có thể sánh được với hoa sen. Hai câu ca dao tiếp theo vẽ nên vẻ đẹp rất đỗi bình dị mà thanh cao của loài hoa này: lá xanh, bông trắng, nhị vàng. Cách sử dụng điệp ngữ “nhị vàng”, “bông trắng” và “lá xanh” nhằm gợi ra hình ảnh tả thực những cánh hoa xếp tầng tầng lớp lớp tạo nên những bông hoa. Câu thơ cuối cùng “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” mang ý nghĩa sâu sắc. Hoa sen vốn sinh trưởng trong môi trường đầm lầm – một nơi có rất nhiều bùn. Mà đặc tính của bùn là có mùi hôi tanh, rất khó chịu. Dù vậy, nhưng hoa sen vẫn có mùi thơm ngát dịu dàng. Về nghĩa bóng, bài ca dao gợi cho người đọc về phẩm chất của con người Việt Nam. Những người dân Việt Nam tuy giản dị, mộc mạc. Nhưng họ lại có phẩm chất tốt đẹp, cao quý. Sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn giữ được tâm hồn thanh cao. Như vậy, bài ca dao đã đem đến cho con người một bài học suy tư sâu sắc.

Giải thích bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen đầy đủ

Bài văn mẫu số 1

Kho tàng ca dao Việt Nam rất đa dạng, gửi gắm bài học giá trị lớn. Một trong số đó phải kể đến câu ca dao:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Bài ca dao có hai nét nghĩa, nghĩa đen miêu tả vẻ đẹp của hoa sen, nghĩa bóng ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất của con người Việt Nam. Về nét nghĩa đen, tác giả dân gian đã miêu tả chi tiết vẻ đẹp của hoa sen. Mở đầu là câu hỏi tu từ “Trong đầm gì đẹp bằng sen” như một lời khẳng định rằng dù có nhiều loài hoa rực rỡ, nhưng không có bất cứ loài hoa nào có thể sánh được với hoa sen. Tiếp theo, vẻ đẹp của hoa sen được khắc họa qua các hình ảnh cụ thể “lá xanh, bông trắng, nhị vàng”. Điệp ngữ “nhị vàng”, “bông trắng” và “lá xanh” gợi ra hình ảnh những cánh hoa sen xếp thành từng tầng từng lớp. Hai câu thơ tiếp theo nói về môi trường sống của hoa sen là sống ở vùng đầm lầy, nơi có nhiều bùn đất. Mà đặc tính của bùn là có mùi hôi, tanh. Nhưng dù vậy, hoa sen vẫn tỏa hương thơm ngát.

Qua hình ảnh hoa sen, tác giả dân gian muốn ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất thanh cao, đẹp đẽ của con người Việt Nam. Dù sống trong hoàn cảnh xấu xa, nhưng con người vẫn không bị tha hóa, lai tạp. Một số tấm gương xưa có thể kể đến như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi,… Hoặc ngày nay có thể kể đến Chủ tịch Hồ Chí Minh – một nhân cách sáng ngời.

Bài ca dao đã giúp mỗi ý thức rèn luyện phẩm chất, đạo đức. Hãy sống sao cho giống với đóa hoa sen vẫn tỏa ngát hương thơm cho đời.

Bài văn mẫu số 2

Những câu ca dao, tục ngữ đã gửi gắm nhiều bài học quý giá. Một trong số đó phải kể đến bài ca dao:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Đầu tiên, xét về nghĩa đen, bài ca dao miêu tả hình ảnh bông hoa sen với những đặc điểm tiêu biểu nhất. Với câu hỏi tu từ “Trong đầm gì đẹp bằng sen” chính là một lời khẳng định rằng trong đầm có nhiều loài hoa rực rỡ, nhưng chỉ có hoa sen là đẹp nhất. Hai câu tiếp theo tiếp tục miêu tả hình ảnh bông hoa sen với những đặc điểm gồm có lá xanh, bông trắng, nhị vàng. Biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng gợi ra hình ảnh tả thực những cánh hoa xếp tầng tầng lớp lớp tạo nên những bông hoa. Còn câu thơ cuối cùng “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” muốn nói đến đặc tính của hoa sen – sinh trưởng trong môi trường đầm lầy, nhiều bùn đất hôi tanh, rất khó chịu. Dù vậy thì hoa sen vẫn tỏa hương thơm ngát.

Nhưng nếu xét về nghĩa bóng, bài ca dao muốn nói đến vẻ đẹp phẩm chất của con người Việt Nam. Dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp, thanh cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng. Trong suốt ba mươi năm bôn ba nước ngoài, dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhưng người vẫn giữ được tinh thần yêu nước, ý thức cách mạng và nhân cách cao đẹp. Ngay cả khi đã trở thành chủ tịch nước, Bác vẫn giữ được lối sống giản dị.

Tham khảo thêm:   Soạn bài Cảm xúc mùa thu - Cánh diều 10 Ngữ văn lớp 10 trang 45 sách Cánh diều tập 1

Với một học sinh – chủ nhân tương lai của đất nước. Chúng ta cần phải ý thức rèn luyện phẩm chất, đạo đức của bản thân. Dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn luôn giữ được tâm hồn trong sáng, giản dị và sáng ngời phẩm chất cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tóm lại, bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen” đã gửi gắm đến mỗi người một bài học quý giá. Chúng ta cần phải sống như loài hoa sen, dù ở gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Bài văn mẫu số 3

Nét trong sáng cao đẹp trong tâm hồn con người Việt Nam từ bao đời được ca ngợi là chủ đề của nhiều câu tục ngữ, ca dao vô giá. Chúng ta không thể quên bài ca dao quen thuộc:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Bằng ngôn từ trong sáng và giản dị, bài ca dao làm nổi bật hình ảnh bóng sen thơm ngát, đang nở trên đầm lầy nước đọng. Bông sen đơn sơ, chân chất như người dân lao động mang nét đẹp bình dị, thôn dã lúc nào cũng ngan ngát tỏa hương. Đó là hương thơm đặc biệt tinh khiết không pha lẫn một vị nào khác dù hoa sen ở “trong đầm”. Đầm lầy càng u tối, hôi tanh thì bông hoa càng đẹp đẽ, sáng tươi. Thông qua bài ca dao, hình ảnh của người dân lao động Việt Nam hiện lên một cách thật tự nhiên, hợp lý đến tài tình. Tâm hồn của mỗi con người được ví như một bông hoa thơm ngát. Và dù có sống ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng giữ riêng cho mình nét trong trắng, thanh cao nguyên vẹn.

Sống trong sạch thanh cao từ bao đời là đạo lý sống của con người Việt Nam. Nó trở thành đạo đức, được bồi dưỡng và bổ sung truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngay từ chế độ phong kiến nhiễu nhương, những nhà Nho vẫn quan niệm “Giấy rách phải giữ lấy lề” để sống một cách thanh bạch, giản dị nhưng vô cùng chân thật. Cuộc sống đầy những cạm bẫy, càng lúc càng phô trương trình bày đầy đủ những thói xấu của loài người. Nhưng với truyền thống đạo lý cao đẹp từ xa xưa, con người Việt Nam luôn tự hào về cách sống của dân tộc mình. Xã hội càng xấu xa thối nát chừng nào thì con người Việt Nam càng sáng trong chừng ấy. Chúng ta không thể quên bi kịch về cái chết của “Lão Hạc” – một nông dân chất phác, quê mùa thà chết để giữ được thanh danh không vướng bợn nhơ xấu xa. Chúng ta không thể quên được hình ảnh chị Dậu – trong một đêm “nhà ngói như nhà tranh”, chị đã vùng chạy ra trong đêm tối đen như “tiền đồ của chị” để giữ lấy tiết hạnh, lòng thủy chung với chồng con. Và ta càng không thể quên được lời tha thiết, xót xa, nức nở của “con cò” ăn đêm, quyết giữ tâm hồn trong trắng đến phút cuối cuộc đời.

“Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”

Đây có phải là hiện thân của người dân lao động? Quả vậy, kế tục và phát huy truyền thống cao đẹp, họ luôn sống một cách ngay thẳng, chân thực trong bất cứ hoàn cảnh nào, trở thành những đóa sen thơm ngát giữa đầm.

Không thể không có những bông hoa rũ cánh, cúi xuống đầm lầy để vướng phải bùn nhơ. Cũng như trong xã hội, không thiếu những kẻ đứng trước hoàn cảnh khó khăn đã không giữ được mình, nhắm mắt sa chân vào con đường đen tối. Tư tưởng hám danh hám lợi, cầu thân đã đưa họ đến những hành động đi ngược lại với lương tâm, đạo lý con người. Từ những việc nhỏ nhặt họ đã không giữ được bản thân mình cho được trong sạch thì đến những việc quan trọng, to lớn hơn làm sao họ không trở nên xấu xa nguy hiểm. Loại người như vậy là một gánh nặng, một căn bệnh của xã hội, càng trở nên trầm trọng trong cuộc sống hôm nay. Đất nước đang cần, hơn bao giờ hết những người mang đạo đức cách mạng, hết lòng vì dân mà phục vụ.

Nối tiếp truyền thống xưa, các cán bộ chân chính hôm nay cũng trở thành những đóa hoa sen. Sống giữa khó khăn của xã hội đầy cạm bẫy, lọc lừa họ vẫn xác định cho mình một lý tưởng đúng đắn. Để làm một đóa hoa sen cho mai sau, ngay từ bây giờ, ta phải tu dưỡng đạo đức, rèn luyện tinh thần, học hỏi thêm nhiều điều bổ sung lý trí nhằm có suy nghĩ chính xác khi đứng trước những ngã rẽ, biết đi trên những “lối mòn” quý giá của dân tộc, thêm vào những nhận thức mới mẻ của thời đại. Tất cả sẽ giúp ta trở thành người công dân tốt; không hổ thẹn với truyền thống xưa đồng thời ta cũng tự hào vì đã một phần tiếp tục phát huy di sản này.

Tóm lại, là người dân Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào về lối sống tốt đẹp của ông cha ta. Đồng thời cũng cần phải học hỏi cách sống đó.

Bài văn mẫu số 4

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giàu truyền thống, với những con người mang trong mình phẩm chất đẹp đẽ. Và một trong những phẩm chất ấy chính là nét đẹp thanh cao, đầy khí phách trong tâm hồn. Vẻ đẹp ấy đã được thể hiện một cách thật bình dị qua câu ca dao:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bong trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Hoa sen vốn là loài hoa mọc ở bùn lầy, nhưng dù sinh trưởng và phát triển ở nơi bùn nhơ như vậy nhưng hoa sen vẫn giữ nguyên sự thanh khiết, trong trắng của nó. Hoa sen tuy nhìn bình dị, dân dã mà lại có ý nghĩa biểu tưởng to lớn. Nó là biểu tượng của sự tinh khiết, trong sáng và thuần nhất. Hình ảnh hoa sen trong bài ca dao được vẽ nên thật giản dị. Ngay trong câu ca đầu tiên tác giả đã khẳng định trong đầm không có bất cứ loài hoa nào có thể sánh được vẻ đẹp với hoa sen. Hai câu ca dao tiếp theo vẽ nên vẻ đẹp rất đỗi bình dị mà thanh cao của chúng: “lá xanh, bông trắng, nhị vàng” – những màu sắc đơn giản, thuần khiết, để đến câu thứ ba một lần nữa lặp lại hình ảnh đó. Và câu cuối cùng khẳng định vẻ đẹp thanh cao tinh khiết. Dù hoa sen phải sống giữa bùn nhơ, nhưng càng tăm tối hoa sen càng tỏa rạng vẻ đẹp và hương thơm của mình.

Bằng lớp ngôn từ hết sức giản dị, như một lời tâm sự, với thể thơ lục bát thuần dân tộc, thông qua hình ảnh hoa sen, các tác giả dân gian cũng khẳng định rằng con người Việt Nam cũng giống như những bông hoa sen kia. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng không vì thế mà đánh mất đi những phẩm chất đẹp đẽ của mình. Trong bất kì hoàn cảnh, tình huống nào, dân tộc ta vẫn ven nguyên phẩm chất thanh cao, trong trắng.

Lẽ sống thanh cao, trong sạch ấy đã được hình thành từ biết bao đời nay. Khi đất nước rơi vào tay Nam Hán, nghìn năm Bắc thuộc ấy vậy nhưng, tấm lòng yêu nước, thủy chung trước sau như một vẫn không hề thay đổi. Cũng bởi vậy, nên những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của cha ông vẫn được lưu truyền đến thế hệ sau, mặc cho quân phương Bắc tìm đủ mọi cách để đồng hóa nhân dân ta. Rồi đến giai đoạn cuối mỗi triều đại, triều đình lục đục, tham quan hối lộ tràn khắp nơi, nhưng vẫn có những vị danh Nho giữ trọn khí tiết, không chịu làm quan dưới quyền của những tên vua độc ác, bạo tàn. Chu Văn An người thầy của muôn đời, nhưng lại sống đúng vào thời đất nước loạn lạc, gian thần lộng hành, trong quá trình làm quan ngắn ngủi của mình, ông đã bảy lần dâng sớ chém đầu những nịnh thần nhưng đều bị khước từ, chán nản ông đã lui về ở ẩn, bảo toàn khi tiết của một nhà nho.

Trong xã hội hôm nay, con người dường như đã sống gấp sống vội. Mà đôi khi quên đi mất những giá trị truyền thống tốt đẹp cần phải giữ gìn. Dường như xã hội càng hiện đại, con người lại càng dễ bị tha hóa về đạo đức, lối sống hơn. Người ta vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, và vô cảm với tương lai của chính mình. Không chỉ vậy, sự băng hoại về đạo đức ngày càng trở nên đáng báo động. Nếu thực trạng ấy vẫn cứ tiếp diễn thì đất nước ta sẽ đi đâu về đâu. Cần lắm, thế hệ trẻ – tương lai của đất nước tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức để không chỉ có tài mà còn phải là người có đức. Đúng như Bác Hồ đã nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”.

Là thế hệ trẻ tiếp bước, kế thừa những gì cha ông để lại chúng ta cần phải ý thức được trách nhiệm của bản thân, phát huy những nét đẹp quý giá của dân tộc. Sống một đời trong sạch thanh khiết như loài hoa sen kia, để sau này không phải hổ thẹn với đời và với chính mình.

Bài văn mẫu số 5

Trong cuộc sống thường nhật và tâm thức của mỗi người dân Việt, hoa sen giữ một vị trí quan trọng. Ta bắt gặp sen trong những hồ ao, đầm nước, trải suốt từ Bắc vào Nam. Ta cũng bắt gặp hoa sen trong những bình gốm sứ trang trọng nơi phòng khách, sen trên bàn thờ gia tiên, trong chùa cúng phật và không thể không có sen trong những điệu hát dân ca, trong những câu ca dao uyển chuyển, mượt mà. Trong đầm gì đẹp bằng sen đã trở nên thân thuộc tự thuở xưa cho đến bây giờ:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Ngôn ngữ trong sáng, giản dị, bài ca dao đã đem đến cho người đọc những cảm nhận tinh tế về cây sen, hoa sen. Hình tượng cây sen được miêu tả chính xác, cụ thể, vừa chân thực, sống động vừa giàu ý nghĩa tượng trưng, khái quát. Cảm giác thẩm mĩ, triết lý sâu sắc và vẻ đẹp trời phú của cây sen đã tạo ra vẻ đẹp và chiều sâu của bài ca dao ngắn. Bằng câu hỏi tu từ “Trong đầm gì đẹp bằng sen?” tác giả đã khéo léo khẳng định, và tuyệt đối hoá vẻ đẹp của cây sen trong đầm. Hỏi đấy, nhưng nào cần đợi câu trả lời bởi cái hàm ý trong câu hỏi ấy đã quá rõ rồi. Trong đầm, chẳng loài hoa nào đẹp bằng sen. Và như để minh chứng cho sự khẳng định đó, tác giả đem đến cho người đọc những hình ảnh cụ thể về vẻ đẹp của sen:

Tham khảo thêm:   11 mẹo chữa ngạt mũi trong 20 giây nhanh, đơn giản, hiệu quả

“Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng”

Theo trình tự quan sát từ ngoài vào trong rất tự nhiên, hợp lý, bằng sự phối màu hài hoà xanh – trắng – vàng cây sen hiện lên với vẻ đẹp trong sáng, tinh khiết. Đọc những vần thơ ấy, tưởng tượng đến đầm sen mấy, bông sen ấy, lòng ta sao có thể dửng dưng được trước vẻ đẹp trang nhã mà cao sang của sen. Bất chợt, trong ta, như thấy đâu đây hồ sen bát ngát đầu làng, như thấy hương sen thoang thoảng trong buổi tinh sương và bỗng dưng ta muốn hít thật căng lồng ngực cơn gió trong lành đẫm hương sen quê mình. Nhưng để khẳng định, để nhấn mạnh, tác giả tiếp tục miêu tả cây sen ở câu thứ ba:

“Nhị vàng, bông trắng, lá xanh”

Trình tự miêu tả đã được đảo ngược, vẫn là ba gam màu chủ đạo vàng – trắng – xanh nhưng được đảo ngược rất khéo léo kia đã khiến ta đang trôi trong cảm giác nhẹ nhàng lâng lâng khi thả hồn phiêu du trên hồ sen, trong hương sen phải dừng lại. Nhịp thơ từ nhẹ nhàng khoan thai chuyển sang khẩn trương, dồn dập. Và ta chợt hiểu ra căn nguyên của sự thay đổi đó khi đọc câu thơ cuối cùng:

“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Cảm nhận một cách tổng thể, khái quát ta sẽ thấy câu đầu và cấu cuối là sự nhận định, đánh giá, liên tưởng về vẻ đẹp và phẩm chất cao quý của cây sen. Hai câu giữa là sự phản ánh thực thể sống động, hấp dẫn của cây sen, là phần làm nên màu sắc, đường nét cho bức tranh đầm sen. Câu thơ cuối cũng chính là cái đích đến của bức tranh cây sen, đích đến của bài ca dao.

Khép lại nghĩa đen, mở ra nghĩa bóng. Một cách dẫn dắt thần tình của tác giả dân gian. Từ bông sen của thiên nhiên, bông sen của đầm ao làng quê đất Việt, bông sen tỏa hương ngát suốt dọc mùa hè, bông sen mà ta có thể nhìn thấy màu sắc, ngửi thấy hương thơm, ta đến nghỉ bông sen của biểu tượng. Bông sen biểu tượng cho con người Việt Nam và tâm hồn Việt Nam: trong sáng, thanh tao tựa hương sen buổi sáng, tựa màu sen tinh khiết trong ngần vươn lên giữa bùn lầy. Đọc đến câu thơ này, không ai còn nghĩ nhiều về nghĩa thực của nó nữa. Bởi vì ta đã hiểu rằng sen là người, với ý nghĩa sâu xa và triết lý nhân sinh ẩn chứa trong đó. Qua nghệ thuật ẩn dụ, ta ngầm hiểu sen hóa thành người, “bùn” trong hồ sen hoá “bùn” trong cuộc sống, xã hội. Cả cái đầm sen và mùi hôi tanh kia cũng là một ẩn dụ với nhiều hàm nghĩa, tầng nghĩa sâu sắc. Vậy là từ bài ca dao về cây sen, từ việc nói về cây sen, hoa sen tác giả đã phản ánh trung thực sự sống, lẽ sống, tâm hồn và phẩm chất của con người Việt Nam từ ngàn đời nay bằng hình thức cách điệu, rất thi vị nhưng cũng rất sâu sa. Tâm hồn, phẩm chất của con người việt Nam được ví như bông sen trong đầm kia, dù gần bùn hôi tanh thì màu hoa trắng, sắc nhị vàng và hương thơm thanh khiết vẫn vẹn nguyên, không phai nhạt, không đổi thay.

Hãy trở về với quá khứ, ta sẽ thấy rõ hơn vẻ đẹp tâm hồn – truyền thống đó của con người Việt Nam. Từ những người lao động nghèo khổ tận cùng của xã hội, cả đời không biết nổi một con chữ, khi tai họa giáng xuống đầu, cận kề cái chết vẫn khẩn cầu tha thiết xin được chết trong:

“Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”

Đến những nhà Nho với vốn tri thức uyên thâm, bỏ lại đằng sau hào quang của công danh và bổng lộc của chốn quan trường khi xã hội mất hết kỉ cương để lui về vui với thú điền viên, vui với tiếng suối rì rầm, vui với việc phát cỏ ương sen. Nối tiếp cha ông xưa, con cháu ngày nay cần phải sống sao cho xứng đáng với thế hệ đi trước.

Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống hiện đại không ít những cám dỗ khiến con người dễ dàng sa ngã. Xác định cho mình một lý tưởng, một phương châm sống là vô cùng cần thiết với tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ chúng ta. Hãy nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng những bông sen quý để mãi mãi trong lòng chúng ta, sen tỏa hương thơm ngát, để màu sen thanh khiết đồng hành cùng mỗi người và đồng hành cùng dân tộc, xưa, nay và mãi mãi trong tương lai.

Bài văn mẫu số 6

Phẩm chất thanh cao của con người Việt Nam đã được thể hiện qua bài ca dao:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen.
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Hình ảnh hoa sen với những nét đẹp giản dị được tác giả dân gian khéo léo khắc họa. Với gam màu chủ đạo là màu xanh của lá, màu trắng của hoa, màu vàng của nhị. Đây đều là những gam màu sáng, tươi, hòa quyện với nhau một cách hoàn hảo. Hoa sen sống trong môi trường bùn lầy hôi tanh, nhưng vẫn thơm ngát hương sắc.
Con người Việt Nam cũng như vậy. Lối sống giản dị mà thanh cao đã trở thành đạo đức nhân cách, thành nếp nghĩ, nếp suy được truyền dạy từ đời này sang đời khác.

Trong xã hội phong kiến xưa, nhiều bậc trí thức vẫn luôn giữ cho mình được tâm hồn thanh cao. Họ cho rằng “đói cho sạch, rách cho thơm”, dẫu “giấy có rách” cũng phải “giữ lấy lề” để sống một cách thanh bạch, giản dị nhưng vô cùng cao quý. Dẫu cho xã hội còn đầy rẫy những cái xấu, dẫu cho môi trường xung quanh bị ô nhiễm, càng ngày càng nhiễu nhương – cái ác, cái xấu lan tràn, thì con người lao động chân chính vẫn không bị lây nhiễm.

Trong xã hội hiện đại, kinh tế ngày càng phát triển, vai trò của đồng tiền được lên ngôi. Do vậy, hơn bao giờ hết, chính ngay lúc này đây, những bài học đạo đức làm người, bài học xem trọng nhân cách cần được thường xuyên nhắc nhở. Đất nước đang cần những con người đạo đức cách mạng, hết lòng vì dân mà phục vụ. Nối tiếp truyền thống của cha ông, không ít những cán bộ chân chính hôm nay đã sống đẹp, có nhân cách như đóa hoa sen. Họ là những tấm gương sáng cho cuộc sống mới chúng ta noi theo. Để làm một đóa hoa sen cho mai sau, ngay từ bây giờ ta phải tu dưỡng đạo đức, rèn luyện tinh thần, học hỏi thêm nhiều điều bổ ích. Ta cần phải có những suy nghĩ đúng đắn, biết đi theo con đường tốt đẹp mà người xưa đã vạch sẵn đồng thời còn có những nhận thức mới phù hợp với thời đại. Tất cả sẽ giúp ta trở thành người công dân tốt, là đóa sen làm đẹp cho đời góp phần cải tạo “môi trường” có nguy cơ bị cuộc sống vật chất làm ô nhiễm. .

Là con người Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào về tất cả những gì tốt đẹp mà người xưa truyền lại, nhất là lẽ sống cao quý ở tâm hồn. Cũng chính vì thế ta buộc phải có suy nghĩ, có hành động một cách nghiêm túc để không làm mai một đi những truyền thống của dân tộc.

Chúng ta – những người con đất Việt, hãy ghi nhớ bài ca dao này như một lời nhắc nhở chính mình để sống trong sạch, tốt đẹp hơn.

Bài văn mẫu số 7

Những khúc dân ca, những bài ca dao cùng với sữa mẹ, lời ru của bà đã thấm sâu vào tâm hồn của mỗi chúng ta. Con trâu, con cò, con bống, hoa sen, hoa bưởi, hoa cà… cùng với lời ca tình nghĩa đem đến cho ta men say cuộc đời, làm vơi đi ít nhiều lam lũ, vất vả. Và lời ca dao dưới đây vẫn in đậm trong tâm trí tôi:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Sen là loài hoa đẹp nhất trong đầm. Hoá súng hoa lục bình, hoa muống màu tím biếc đã đẹp, nhưng không thể so sánh với sen. Bằng cách nói so sánh “gì đẹp bằng”, tác giả tự hào khẳng định: “Trong đầm gì đẹp bằng sen”. Câu thứ hai giới thiệu cụ thể vẻ đẹp của đầm sen. Nhà thơ dân gian đang cùng chúng ta say mê ngắm đầm sen một ngày hè đẹp: “Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng” Trên mặt hồ trong vắt, lá sen xòe ra như những chiếc lọng xinh xinh, những bông sen trắng, sen hồng nở xòe ra, nhị hoa màu vàng tươi, tỏa hương thơm ngào ngạt. “Lá, hoà, nhị, xanh, trắng, vàng” – bấy nhiêu nét vẽ chấm phá trong một câu thơ tám từ mà làm nổi bật vẻ đẹp của sen với màu sắc hài hòa. Sự thần diệu của lời ca là chẳng nói đến hương sen mà người đọc vẫn cảm thấy hương sen tỏa ngát, tâm hồn lâng lâng. Câu thứ ba đổi vần một cách kì lạ. Hai hình ảnh “lá xanh” và “nhị vàng” được giao hoán cho nhau. Ta như cảm thấy có một bàn tay thon thả, xinh xinh của thiếu nữ đang lật đi lật lại từng lá sen xanh, nâng niu từng bông sen trắng, ngắm nghía trầm trồ nhị vàng của búp sen: “Nhị vàng, bông trắng, lá xanh” Vẻ đẹp của đầm sen, của hoa sen cũng là vẻ đẹp của làng quê, của thiên nhiên đất nước. Tác giả miêu tả vẻ đẹp rực rỡ của đầm sen với tình yêu cỏ cây hoa lá của tạo vật, với cả niềm tự hào dân tộc về đất mẹ quê cha.

Bài ca dao còn mang một hàm nghĩa, một ẩn ý sâu sắc, đẹp đẽ. Lời thơ được cấu trúc bằng biện pháp tương phản: “gần bùn” – “mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Bùn vốn có mùi hôi tanh. Và sen lại mọc từ nơi hôi tanh của bùn mà vẫn rực rỡ, thơm ngát thế. Câu ca dao đã đưa ta đến một liên tưởng thú vị. Cuộc đời của nhân dân ta ngày xưa, dưới ách thống trị của bọn vua quan, địa chủ, cường hào, sưu thuế nặng nề, phải trải qua nhiều khó nhọc, thiếu thốn.

Ta yêu thêm vẻ đẹp đồng quê, yêu thêm tâm hồn, vẻ đẹp tâm thế của con người Việt Nam:

Tham khảo thêm:   Cách làm gan heo cháy tỏi thơm lừng, giúp bổ mắt

“Rủ nhau ra tắm hồ sen,
Tước trong bóng mát, hương chen cạnh mình
Cứ chi vườn ngọc, ao quỳnh,
Thôn quê vẫn thú hữu tình xưa nay”

Bài văn mẫu số 8

Ca dao là tiếng nói tình cảm thể hiện đời sống tinh thần phong phú của nhân dân lao động. Đó là tấm lòng đối với người thân, với quê hương đất nước. Trong số những bài ca dao được sáng tác bởi nhân dân và được lưu truyền bởi nhân dân có không ít những kiệt tác. Bài ca dao sau là một trong số đó, không chỉ lấp lánh vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn ánh lên vẻ đẹp trong tâm hồn con người:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Bài ca dao mở ra hình ảnh một đầm sen bát ngát. Đã là đầm sen thì hẳn hoa sen là thứ đẹp đẽ nhất: “Trong đầm gì đẹp bằng sen”. Câu hỏi tư từ như một lời khẳng định rằng trong đầm không có gì đẹp bằng sen, sen chính là loài hoa đẹp nhất. Cách sử dụng câu hỏi tu từ như vậy bộc lộ niềm kiêu hãnh, tự hào về vẻ đẹp hiếm có của hoa sen.

Vẻ đẹp của hoa sen tiếp tục được miêu tả:

“Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh”

Những bộ phận, chi tiết của sen được ngắm nghía, nhận xét khá khắt khe từ “lá”, “bông” đến “nhị”. Màu sắc của chúng rất sắc nét, rõ ràng “Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng”. Ba gam màu: màu xanh, màu trắng, màu vàng. Câu ca dao hoàn toàn tả thực đồng thời làm nổi bật những sắc màu tự nhiên, hài hoà của sen. Từ “lại” nhấn mạnh đến sự phong phú, hài hoà rất tự nhiên, giản dị và cũng rất đẹp đẽ ấy. Câu ca dao tiếp hoàn toàn không có ý mới, chỉ là nhắc lại ý trên có đảo trật tự các cụm từ: “Nhị vàng, bông trắng, lá xanh”. Vừa trên, bông hoa được ngắm nhìn từ ngoài vào trong, đến đây lại được ngắm từ trong ra ngoài. Sự xem xét ấy kĩ lưỡng, tỉ mỉ lắm, các vế câu đối nhau rất nhịp nhàng, được tách riêng ra bởi dấu phẩy, tưởng như người ngắm lật từng phần của sen mà chiêm ngưỡng vậy. Đến lần thứ hai này, sắc màu của sen không hề thay đổi, vẫn là những sắc màu rất giản dị và tự nhiên như thế. Hai câu ca dao lặp lại ý khiến người đọc tò mò về chủ định của tác giả. Và câu cuối cùng đã tháo gỡ những thắc mắc ấy: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Từ những sắc màu tươi tắn, thanh khiết của sen, tác giả dân gian liên tưởng đến sự trong sạch đến kì diệu của loài hoa này. Gần chốn đầm lầy bùn đọng hôi tanh nhưng không hề bị cái ô uế làm cho phai hương nhạt sắc.

Nhưng bài ca dao không dừng lại ở việc ngợi ca loài hoa này. Mà qua đó còn ca ngợi phẩm chất của con người Việt Nam. Hoa sen sinh trưởng trong môi trường đầm lầy, có nhiều bùn vốn hôi tanh. Nhưng lại vẫn giữ được hương sắc thơm ngát. Cũng giống như con người Việt Nam dù sống trong hoàn cảnh xấu vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp. Hoa sen đã trở thành hình ảnh ẩn dụ cho cả một giai cấp, cả một dân tộc. Con người Việt Nam dẫu nghèo đói, bần hàn, dẫu bị áp bức bóc lột rồi bị đẩy đến đáy cùng xã hội nhưng vẫn giữ được những bản chất tốt đẹp lương thiện. Nhắc đến đây, ta chợt nhớ đến những chị Dậu, lão Hạc… trong các thiên truyện đầu thế kỉ XX.

“Trong đầm gì đẹp bằng sen” là một bài ca dao hay và đẹp không chỉ ở hình ảnh thơ mà còn ở những lớp nghĩa sâu sắc, giàu tính nhân văn. Bài ca dao đã khép lại những dư âm về một loài hoa diệu kỳ vẫn còn đó. Chính bởi vẻ đẹp giản dị, trong sáng và thanh cao của mình, hoa sen đã được chọn làm biểu tượng cho tâm hồn, tính cách người Việt Nam.

Bài văn mẫu số 9

Tuổi thơ của em đã trôi qua êm đềm trong tiếng mẹ ru, tiếng bà ngọt ngào thủ thỉ. Bao lời ru, bao bài hát đã trở thành một phần tâm hồn của em, nâng đỡ em trong cuộc sống. Bài ca dao nói về hoa cũng vậy cũng đã khơi dậy trong em niềm xúc động chân thành nhất:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Ngày từ lúc còn ấu thơ, tuổi nhỏ chúng ta đã thấm đượm hương vị ngọt ngào, thơm ngát của hoa sen, lưu luyến một chút vị dịu dàng trên đầu lưỡi của tách trà ướp sen trong mát. Hoa sen đã in vào tâm trí chúng ta bởi những hình ảnh êm đẹp, nhẹ nhàng nhất. Và bài ca dao cũng đã mở đầu nhẹ nhàng êm đẹp như thế:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen”

Câu ca dao là lời khẳng định vẻ đẹp của hoa sen. Trong đầm đầy bùn đen đó, không có gì đẹp bằng hoa sen. Lời khẳng định thật tự nhiên nói lên một chân lý đều được mọi người biết đến. Tiếp đến là vẻ đẹp của loài hoa này:

“Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng”

Chỉ có ba sắc màu xanh, trắng, vàng nhưng bức tranh được tạo nên thật hài hòa trang nhã. Nổi bật trên nền xanh mướt của lá, bông sen vươn cao, xòe cánh hoa trắng muốt như toát lên sự trinh nguyên trong trắng đến tuyệt vời. Và e dè, ẩn hiện dưới những cánh hoa là những cái nhị vàng xinh xinh đang nép vào nhau. Không rực rỡ kiêu sa, hoa sen dịu dàng giản dị, đơn sơ mà thanh khiết.

Ta tiếp tục say mê, thích thú với sắc đẹp của hoa:“Nhị vàng bông trắng lá xanh”. Nếu không có một khoảnh khắc tỉnh lại, có lẽ ta không nhận ra câu ca dao đã đổi ngược một cách đột ngột. Việc chuyển vần đổi nhịp ấy, ta có thể hình dung nó như dòng nước đang chảy xuôi, bỗng gặp cái đập chắn ngang buộc dòng nước phải đổi chiều. Chính vì vậy, ta thấy dường như câu thơ kéo ta lại để nhìn cho rõ, để kiểm nghiệm lại: “Nhị vàng bông trắng lá xanh”.

Dưới lời thơ dồn dập ấy, tưởng có gì lạ, nào ngờ đó chỉ là sự đảo ngược trật tự các hình tượng của câu thơ trước và sau. Cũng vẫn là ba sắc màu thanh nhã ấy – ta có thể hình dung dường như có ai đó đang đếm từng lá sen xanh, lật từng cánh sen trắng, chỉ từng nhị sen vàng như để giảng giải, để chứng minh với mọi người hoa sen là thế đấy. Nó tinh khiết trắng trong không vướng chút bợn nhơ nào. Và phẩm chất của hoa sen bừng lên sáng đẹp một chân lý: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Bông hoa rạng rỡ, tỏa hương thơm ngát giữa đầm lầy u tối làm bừng sáng cả bài ca dao. Từng lời thơ, nhịp điệu đến câu chữ được kết hợp, hòa lẫn một cách nhuần nhuyễn như máu với thịt làm sáng rõ chân lý sáng ngời.

Bài ca dao đã đi vào tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam. Nó trở thành một phần máu thịt của mỗi chúng ta. Nó hòa quyện vào tâm hồn chúng ta làm bừng sáng truyền thống cao đẹp vốn cổ từ xưa. Cho đến hôm nay và mãi mãi về sau, bài ca dao không bao giờ bị lãng quên mà luôn được bổ sung thêm để hình thành nhân cách, đạo đức của mỗi con người. Tất cả chỉ từ một lời ru: Trong đầm gì đẹp bằng sen.

Bài văn mẫu số 10

Kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam đã để lại nhiều bài học giá trị. Một trong số đó là bài ca dao:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Bài ca dao có hai lớp nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng. Về lớp nghĩa đen, bài ca dao đã miêu tả hình ảnh hoa sen. Với việc sử dụng câu hỏi tu từ “Trong đầm gì đẹp bằng sen?” là một lời khẳng định vẻ đẹp tuyệt vời của hoa sen trước những loài hoa rực rỡ khác. Tiếp đến là những đặc điểm nổi bật của hoa sen được khắc họa. Những gam màu chủ đạo của hoa sen là màu xanh của lá, màu trắng của hoa, màu vàng của nhị. Đó đều là những màu sắc tươi sáng, gợi sự thanh nhã.

Với việc sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ “bông trắng”, “nhị vàng” nhưng đổi vị trí ở câu thơ hai và ba đã gợi ra hình ảnh những bông hoa sen với hàng chục lớp cánh hoa mỏng manh bao bọc, ôm lấy nhau rồi cùng tỏa ra, sáng bừng giữa không gian. Hết lớp sen này đến lớp sen khác nối tiếp nhau khoe sắc ở giữa đầm sen. Đặc biệt nhất là loài sen dù sống trong đầm lầy “hôi tanh mùi bùn” nhưng không bị vướng mùi bùn, mà vẫn cứ vươn cao, tỏa ra hương thơm dịu dàng, thanh mát.

Nhưng không chỉ dừng lại ở việc miêu tả hình ảnh hoa sen, mà tác giả dân gian đã ẩn dụ để nói về vẻ đẹp và phẩm chất của con người Việt Nam nói chung. Con người Việt Nam mang trong mình phẩm chất cao quý. Dù sống trong hoàn cảnh xấu – bùn đen nhưng con người cũng giống như hoa sen vẫn mang trong mình cả vẻ đẹp kiều diễm bên ngoài lẫn hương thơm dịu nhẹ. Điều đó được thể hiện từ trong quá khứ lịch sử, Việt Nam vẫn luôn tự hào là một đất nước nghìn năm văn hiến với những truyền thống tốt đẹp. Đồng thời, hình ảnh những cánh hoa sen bao bọc lấy nhau còn gợi ra truyền thống tương thân tương ái của con người Việt Nam. Sự yêu thương, lòng tương thân tương ái, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của đồng bào ta trong mọi hoàn cảnh, mọi thời đại. Cuối cùng là hình ảnh hoa sen đứng trong bùn lầy nhưng vẫn tỏa ra hương thơm ngát như chính tâm hồn con người lao động Việt Nam. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn luôn giữ vững những phẩm chất trong sáng, cao đẹp. Cụ thể hơn, hình ảnh hoa sen còn tượng trưng cho những con người lao động, đặc biệt là những người nông dân. Trong quá trình làm việc vất vả khiến cho chân lấm tay bùn đến đâu thì tâm hồn người Việt Nam vẫn luôn trong sáng, giản dị và sáng ngời những phẩm chất cao đẹp, như bông hoa sen đẹp nhẹ nhàng mà đầy kiêu hãnh.

Chúng ta có thể kể đến rất nhiều những con người có lối sống thanh cao. Đó là Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ… Họ đều là những con người đã lựa chọn rời xa chốn quan trường để tìm về với thiên nhiên đẹp đẽ, không màng những bon chen quyền lực, địa vị.

Như vậy, bài ca dao trên đã để lại cho người đọc, người nghe nhiều suy tư về cách sống. Mỗi người hãy giống như hoa sen – sống giản dị mà đầy đẹp đẽ, thanh cao.

………. Mời tham khảo chi tiết tại file tải dưới đây ……….

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 7: Giải thích bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen 2 Dàn ý & 15 bài văn mẫu lớp 7 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *