Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 11: Cảm nhận về bài thơ Thương vợ (Dàn ý + 6 mẫu) Những bài văn hay lớp 11 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Cảm nhận Thương vợ của Tú Xương tuyển chọn 6 bài văn mẫu hay nhất kèm theo dàn ý chi tiết. Cảm nhận về bài thơ Thương vợ giúp các bạn lớp 11 có thêm nhiều gợi ý học tập, trau dồi vốn văn chương của mình, hoàn thiện bài văn khi ôn tập, rèn luyện và làm các bài kiểm tra sắp tới đạt kết quả tốt.

Thương vợ là bài thơ nổi tiếng nhất mà Tú Xương viết về vợ, đây cũng là tình yêu thương, sự trân trọng mà nhà thơ muốn gửi gắm tới người vợ của mình. Vì vậy hãy cùng Wikihoc.com theo dõi 6 mẫu cảm nhận bài thơ Thương vợ dưới đây nhé.

Dàn ý cảm nhận bài thơ Thương vợ

1. Mở bài

  • Sơ lược về cuộc đời của Tú Xương.
  • Giới thiệu bài thơ Thương vợ.

2. Thân bài

a. Hình ảnh bà Tú thông qua 6 câu thơ đầu:

* Hai câu đề:

– Gợi ra không gian và thời gian làm việc mưu sinh của bà Tú, “quanh năm” thể hiện thời gian làm việc liên tục không ngừng nghỉ, quanh năm ngày tháng, “mom sông” là chốn làm việc vừa phức tạp vừa ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm.

– “Nuôi đủ năm con với một chồng”:

  • Gợi ra nguyên do bà phải lao động vất vả, đó là bởi hai gánh nặng trên vai, 5 đứa con và 1 ông chồng “dài lưng tốn vải”.
  • Từ “nuôi đủ” cũng bộc lộ thành quả lao động, sự khéo léo, đảm đang tháo vát của bà Tú, đảm bảo cho chồng con cuộc sống no đủ.

* Hai câu thực:

  • Lần nữa gợi ra bối cảnh lao động vất vả của bà Tú “nơi quãng vắng” ,”buổi đò đông”.
  • Những từ “eo sèo”, “lặn lội” đặt đầu mỗi câu thơ nhằm nhấn mạnh sự vất vả, cặm cụi, tả thực công việc mưu sinh đầy buôn ba của bà.
  • Hình ảnh “thân cò” gợi ra sự khổ cực, cô đơn và tội nghiệp của người lao động, của người phụ nữ trong công cuộc mưu sinh.

* Hai câu luận:

  • Thể hiện sự thiệt thòi của bà Tú trong cuộc hôn nhân, cay đắng, nhọc nhằn thì nhiều nhưng hạnh phúc thì chẳng thấy đâu.
  • Thế nhưng bà vẫn tình nguyện chịu đựng, nhẫn nhịn mà không một lời than vãn.

=> Đức hi sinh và lòng vị tha cao cả, xuất phát từ tấm lòng yêu chồng và thương con tha thiết.

b. Hình ảnh ông Tú:

* Hiện lên thông qua cách ông tái hiện hình ảnh của vợ:

  • Trước hết ông là một người biết yêu thương, quý trọng và biết tri ân vợ.
  • Tình cảm yêu thương của ông Tú được thể hiện gián tiếp qua việc khắc họa hình ảnh bà Tú, đồng thời thể hiện trực tiếp thông qua lời khen, lời ghi nhận công lao của ông Tú đối vợ “Nuôi đủ năm con với một chồng” theo lối nói hài hước, tếu táo và có chút tự trào.
  • Tú Xương cũng hiện lên là một người có nhân cách thông qua những lời tự trách “một duyên hai nợ”, ông tự nhận mình là cái “nợ” mà bà Tú phải gánh chịu, phải trả ở kiếp này.

* Thể hiện qua sự tự trách ở hai câu thơ cuối bài “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc, Có chồng hờ hững cũng như không!”:

  • Đó là tiếng chửi ném vào chính mình bởi thấy áy náy và day dứt vì không hoàn thành trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình, sau đó là ném vào xã hội, cái xã hội để cho sự bất công được hiện diện một cách hiển nhiên.
  • Xuất phát từ ý thức trách của người chồng, người cha trong gia đình, đồng thời cũng là ý thức về sự bất lực của bản thân. Sự tự trách cũng là xuất phát từ lòng yêu thương, sự cảm thông sâu sắc của ông Tú dành cho người vợ kết tóc.

3. Kết bài

Nêu tổng kết nội dung bài thơ.

Cảm nhận Thương vợ – Mẫu 1

Tú Xương (1870-1907), tên thật là Trần Tế Xương, cuộc đời ngắn ngủi 37 năm của ông gắn liền với giai đoạn đau thương nhất của đất nước khi thực dân Pháp hoàn toàn nắm quyền thống trị trên đất nước Việt Nam, triều đình phong kiến thì sợ hãi, nhu nhược trước kẻ thù, thối nát và khốn nạn với nhân dân. Tú Xương từ nhỏ đã nổi tiếng là người thông minh, sáng dạ, tôn thờ quan niệm “nhập thế tích cực” của Nho học, muốn tham gia vào chốn quan trường để giúp đời giúp nước. Thế nhưng khốn nỗi, cả cuộc đời ông dù gắn liền, tập trung hết tâm huyết vào khoa cử thế nhưng thi đến tận 8 lần mà vẫn bất đắc chí. Cuối cùng chỉ được chức tú tài, hữu danh vô thực, nhà cửa lại mất hết, điều đó đã để lại trong lòng ông những nỗi khốn khổ, đắng cay và phẫn uất vô cùng với cái xã hội Tây-ta thối nát, lẫn lộn. Những cảm xúc ấy được ông thể hiện rất rõ trong các tác phẩm thơ ca của mình. Dù cuộc đời có nhiều tủi nhục, khổ sở nhưng phúc phận cũng cho ông có được một người vợ hiền, đó là bà Phạm Thị Mẫn, người phụ nữ đại diện cho hình tượng người phụ nữ Việt Nam với sự tần tảo, thủy chung, chịu thương chịu khó, cả đời hết lòng hy sinh cho gia đình. Hiểu được nỗi vất vả của vợ thế nên Tú Xương đã nhiều lần đưa hình ảnh bà vào thơ ca của mình như một hình mẫu điển hình để thể hiện sự trân trọng, yêu thương, và cảm thông với sự vất vả của bà. Điển hình là bài thơ Thương Vợ, một trong những bài thơ được biết đến nhiều nhất của Tú Xương trong mảng thơ trữ tình, bên cạnh lĩnh vực trào phúng vốn là sở trường của ông.

Dẫu là một bài thơ trữ tình thế nhưng Thương vợ vẫn thấp thoáng đâu đó cái nét trào phúng, vốn là nét riêng của Trần Tế Xương không thể lẫn lộn với bất cứ nhà thơ nào. Không chỉ vậy, với đề tài là người vợ thì Tú Xương vốn dĩ đã khác hẳn so với các nhà thơ cùng thời, ông là một trong số các nhà thơ chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền Nho học lâu đời nhưng lại có cái nhìn rất khoáng đạt và thương cảm về người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Bên cạnh đại thi hào Nguyễn Du nhìn về người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng bạc mệnh Thúy Kiều với tư tưởng hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc, thì Tú Xương lại có một bước tiến khác khá thú vị và độc đáo khi viết về người vợ tần tảo mưa nắng của mình bằng những câu từ tếu táo, thế nhưng ẩn chứa sâu trong đó là sự cảm thông sâu sắc, sự trân trọng, biết ơn với người vợ kết tóc của mình. Có thể nói rằng Tú Xương là một nhà thơ hiếm trong văn học Việt Nam, với những đề tài mới lạ, với giọng thơ trào phúng sâu sắc bên cạnh cuộc đời nhiều uất hận, cay đắng.

Trong bài thơ hình ảnh bà Tú hiện lên thông qua nỗi lòng thương yêu của Tú Xương trước hết là ở hai câu đề.

“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”

Ở câu khai đề tác giả đã tái hiện bối cảnh thời gian và không gian mưu sinh của bà Tú. Với từ “quanh năm”, gợi cảm giác triền miên, từ ngày này qua ngày khác, mùa này qua mùa khác, năm này qua năm khác, dường như người phụ nữ này chẳng có lúc nào được ngơi nghỉ, đó là một khoảng thời gian rất khắc nghiệt của cả đời bà Tú. Thứ hai là không gian “mom sông”, là chòm đất ở bờ sông nhô ra giữa lòng sông, có thuyền đò neo đậu, rất cheo leo, nguy hiểm không hợp để làm ăn đi lại lâu dài. Ấy thế mà bà Tú vẫn phải xông pha, chen lấn để tranh hàng, để giành khách kiếm miếng cơm manh áo cho cả gia đình. Từ bối cảnh khắc nghiệt, khó khăn như vậy hình ảnh bà Tú hiện lên với công việc buôn bán vất vả và cơ cực vô cùng. Đến câu thừa đề, lại là ý giải thích cho những cái vất vả khó nhọc mà một tay bà Tú phải cáng đáng, ấy là bởi nỗi phải “Nuôi đủ năm con với một chồng”. Cả gia đình đều trông cậy vào việc bà Tú buôn bán, bà phải gánh trên vai hai gánh nặng, một bên là 5 đứa con thơ dại, một bên là ông chồng, mà ông chồng này là gánh nặng đặc biệt, có một người thôi nhưng chẳng khác nào nuôi thêm 5 đứa con nữa. Viết như vậy, Tú Xương đang có hàm ý mỉa mai, trào phúng chính bản thân mình, mỉa mai bởi bản thân ông vốn là đàn ông sức dài vai rộng thế mà lại không biết san sẻ, đỡ đần cùng vợ nuôi 5 đứa con. Mà đằng này ông lại chẳng khác nào mấy đứa con ngày ngày ăn bám, dựa vào từng đồng tiền khó nhọc vợ kiếm được để sống cuộc đời cay đắng và bất mãn. Từ hai câu thơ trên ta thấy được cảm xúc của nhà thơ không chỉ dừng lại ở nỗi lòng thương vợ sâu sắc mà còn là nỗi tủi nhục, hổ thẹn với vợ và với chính bản thân mình vì sự vô năng bất lực trước cuộc đời, thấy xót xa cho cuộc đời khoa cử vô vọng, không có khả năng đùm bọc vợ con, ngược lại trở thành một gánh nặng để vợ phải một mình gánh gồng tất thảy. Bên cạnh ý giải thích, câu thừa đề này còn bộc lộ thành quả sau bao ngày tháng vất vả của bà Tú. Điều đó thể hiện thông qua hai từ “nuôi đủ”, không thừa cũng không thiếu, gần giống với câu thành ngữ dân gian “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Có thể thấy rằng bà Tú là một người phụ nữ cực kỳ tảo tần, tháo vát, dù với công việc khó khăn, với hai gánh nặng đè trên đôi vai nhưng một tay bà vẫn cáng đáng đâu vào đó, đảm bảo cho chồng con một cuộc sống đủ đầy. Hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của một trụ cột kinh tế trong gia đình, thậm chí vĩ đại hơn nhiều đấng mày râu khác trong việc đảm bảo đời sống vợ con. Có thể nói rằng đằng sau hai chữ nuôi đủ này ta thấy cả một cái sự biết ơn, trân trọng, ngưỡng mộ mà Tú Xương dành cho người vợ kết tóc của mình.

Hình ảnh bà Tú còn được tiếp tục tái hiện thông qua hai câu thực.

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.

Nghệ thuật nổi bật ở đây là nghệ thuật đảo cấu trúc, nhấn mạnh hai từ “lặn lội” và “eo sèo” khi đặt chúng ở đầu mỗi câu thực, đó cũng là hai động thái mưu sinh của bà Tú. Trước hết từ “lặn lội” là một từ tượng hình, gợi ra dáng vẻ vất vả nhọc nhằn xông pha nơi đầu sóng ngọn gió của bà Tú, từ tượng thanh “eo sèo” lại tái hiện hình ảnh của bà Tú trong công việc mưu sinh đời thường, đó những tiếng ì sèo mặc cả, ngã giá, bon chen, giành khách giữa buổi chợ đông, cốt sao để thu được nhiều lợi tức nhất. Tác giả cũng tái hiện lại bối cảnh làm việc của bà Tú, có phần cụ thể và chi tiết hơn. “Khi quãng vắng” là bối cảnh không gian vắng vẻ, heo hút, đồng thời cũng cho chúng ta thấy bối cảnh thời gian khi sáng sớm hoặc khi tối muộn, cả không gian và thời gian đều chứa đựng trong đó nhiều bất trắc nguy hiểm. “Buổi đò đông” cũng là một môi trường làm việc quá khó khăn, lắm bon chen, thị phi, đồng thời cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ cho bà Tú trong lúc mải mưu sinh. Không chỉ dừng lại ở việc tái hiện hình ảnh bà Tú trong lao động bằng những chi tiết tả thực, mà Tú Xương còn dùng một hình ảnh ẩn dụ rất kinh điển trong ca dao Việt Nam ấy là “thân cò”. Hình ảnh này gợi ra thân ảnh bà Tú đang đơn độc, lầm lũi cặm cụi trong công việc mưu sinh trong bối cảnh công việc vất vả, khó nhọc, vô cùng đáng thương. Đồng thời “thân cò” cũng gợi cho người đọc nghĩ về dáng vẻ, thân phận của người lao động, người phụ nữ trong xã hội cũ, ở họ đều có những đặc điểm chung là sự khốn khó, cam chịu và hoàn cảnh tội nghiệp.

Chuyển sang hai câu thơ luận hình ảnh của bà Tú tiếp tục hiện lên trong nỗi lòng yêu thương và trân trọng của chồng.

“Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa, dám quản công”

Tú Xương đã vận dụng một cách tài tình các thành ngữ dân gian để khắc họa những nỗi vất vả cơ cực của bà Tú trong cả cuộc đời, trong cuộc hôn nhân với Trần Tế Xương. “Một duyên hai nợ”, xuất phát từ thuật ngữ “duyên nợ” của nhà Phật, ông đã sáng tạo bằng cách chêm xen các số từ “một”, “hai”, thể hiện ý nghĩa sâu sắc rằng trong cuộc hôn nhân này, cái duyên thì chỉ có một, nhưng cái nợ thì có tới hai. Và bà Tú thực sự là người chịu nhiều thiệt thòi, bởi duyên ít mà nợ nhiều, hạnh phúc ấm áp chẳng có bao nhiêu, mà cay đắng khổ cực thì nhiều. Bên cạnh thành ngữ “duyên nợ” thì tác giả còn sử dụng thêm thành ngữ “năm nắng mười mưa”, nắng mưa đều là những yếu tố chỉ thời tiết bất lợi, trong bài thơ là ý chỉ sự khắc nghiệt của cuộc đời mà bà Tú phải gánh chịu. Bên cạnh nghệ thuật dùng thành ngữ, thì Tú Xương còn thể hiện tính cách, tâm hồn của bà Tú trong các vế tiểu đối “âu đành phận”và “dám quản công”, thể hiện sự nhẫn nhịn, cam chịu, không nề hà than thân, trách phận của bà Tú, đồng thời cũng là đặc điểm chung của những người phụ nữ trong chế độ phong kiến, một lòng thờ chồng, thờ con. Nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn của bà Tú ấy là đức hi sinh và lòng vị tha cao cả, xuất phát từ tấm lòng yêu chồng và thương con tha thiết. Như vậy qua sáu câu thơ đầu, bà Tú đã hiện lên với hai đặc điểm vừa đáng thương lại cũng vừa đáng trọng.

Tham khảo thêm:   10+ mẫu thiệp đẹp chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2

Thông qua nỗi lòng thương vợ bộc lộ dọc bài thơ thì hình ảnh ông Tú cũng hiện lên một cách thấp thoáng. Trước hết ông là một người biết yêu thương, quý trọng và biết tri ân vợ, và trong bối cảnh xã hội xưa có được một người đàn ông biết yêu thương quý trọng người bạn đời của mình như thế là không nhiều, bởi họ còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, nhất phu đa thê. Tình cảm yêu thương của ông Tú được thể hiện gián tiếp qua việc khắc họa hình ảnh bà Tú, đồng thời thể hiện trực tiếp thông qua lời khen, lời ghi nhận công lao của ông Tú đối vợ “Nuôi đủ năm con với một chồng” theo lối nói hài hước, tếu táo và có chút tự trào.

Tú Xương cũng hiện lên là một người có nhân cách thông qua những lời tự trách “một duyên hai nợ”, ông tự nhận mình là cái “nợ” mà bà Tú phải gánh chịu, phải trả ở kiếp này. Sự tự trách ấy còn được thể hiện ở hai câu thơ cuối bài “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc, Có chồng hờ hững cũng như không!”, đó là tiếng chửi ném vào chính mình bởi thấy áy náy và day dứt vì không hoàn thành trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình, sau đó là ném vào xã hội, cái xã hội để cho sự bất công được hiện diện một cách hiển nhiên. Tiếng chửi và lời tự trách thấp thoáng trong cả bài thơ là xuất phát từ ý thức trách của người chồng, người cha trong gia đình, đồng thời cũng là ý thức về sự bất lực của bản thân khi khi không thể làm gì đỡ đần vợ con, về sự bất đắc chí trong công danh. Sự tự trách cũng là xuất phát từ lòng yêu thương, sự cảm thông sâu sắc của ông Tú dành cho người vợ kết tóc của mình trong công cuộc mưu sinh, trong cuộc hôn nhân không mấy mỹ mãn này với ông.

Qua bài thơ ta thấy hiện lên hình ảnh của một người phụ nữ vừa đáng thương vừa đáng trọng, đồng thời bộc lộ được rõ nét vẻ đẹp tâm hồn của bà Tú với đức hy sinh cao cả, sự đảm đang tháo vát, có lòng vị tha và lòng yêu thương chồng con tha thiết. Bên cạnh đó ta còn thấy được sự yêu thương của ông Tú đối với vợ mình và vẻ đẹp nhân cách của ông qua những lời tự trách, trào phúng.

Cảm nhận bài Thương vợ – Mẫu 2

Nhà thơ Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương là một trong những nhà thơ trào phúng của nền văn học Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Bên cạnh những tác phẩm mang ý nghĩa trào phúng phê phán, lên án xã hội cũ ông còn những tập thơ trữ tình rất độc đáo. Một trong những tác phẩm tiêu biểu có giá trị lớn là bài thơ “Thương vợ”.

Quanh năm buôn bán ở mom sông,
…….
Có chồng hờ hững cũng như không!

Có thể nói ông là một trong những nhà văn, nhà thơ có cuộc đời lận đận trong đường công danh, mặc dù là người thông minh nhưng ông đi thi đến lần thứ tám mới đậu được cái tú tài. Nhà nghèo lại động con, nghề dạy học lại bấp bênh trong xã hội suy tàn lúc bấy giờ, chính vì thế bà Tú lại chính là người trụ cột trong gia đình lo cái ăn, cái mặc cho chồng con. Người vợ hiền đảm đang ấy đã cho ông cảm hứng sáng tác bài thơ “Thương vợ”. Đây cũng là nỗi lòng của chính ông muốn nói với người vợ đảm đang, tần tảo sớm hôm không một lời oán thán. Mở đầu bài thơ Tú Xương đã khái quát phần nào nghề nghiệp của bà Tú và hoàn cảnh gia đình mình:

“Quanh năm buôn bán ở mom sống,
Nuôi đủ năm con với một chồng”.

Ông là trụ cột trong gia đình thế nhưng cuộc sống của gia đình lại dự vào việc buôn bán chạy chợ của vợ. Tác giả dùng từ “mom” bao hàm tính chân thực rất rõ, đây là từ gợi hình ảnh rõ nét để người đọc thấy được nỗi gian truân của bà Tú buôn bán quanh năm bên bờ sông Vị, nơi làm ăn là cái thế đất chênh vênh, nhiều nguy hiểm. Câu thơ đầu tác giả cho chúng ta thấy tấm lòng của nhà thơ đối với việc buôn bán khó nhọc của vợ. Thế nhưng công việc buôn bán vất vả ấy lại:

“Nuôi đủ năm con với một chồng”

Câu thơ tả hoàn cảnh rõ ràng ” năm con với một chồng” không phải ngẫu nhiên mà ông lại sử dụng số đếm trong thơ. Mà ông đếm ở đây với mục đích vừa tăng thêm gánh nặng, sự vất vả tần tảo của bà Tú vì gia đình. Và đến ngay cả chồng cũng thành số đếm như một nghịch lý tức cười thay vì ít nhất chồng cũng phải nuôi đủ bản thân mình nhưng thực tế bà Tú lại là người nuôi chồng. Hoàn cảnh gia đình đã thế mà bà Tú gánh trên vai năm đứa con đã là vất vả, lại thêm một ông Tú trong nhà nữa. Câu thơ ẩn chứa nỗi niềm chua chát của tác giả về một gia cảnh gặp nhiều khó khăn: đông con và một ông chồng không làm được gì quanh năm chỉ đèn sách với thi cử. Để từ đó:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Hai câu thơ tiếp theo ngôn ngữ thơ đã tăng lên cấp độ mới, càng tô đậm thêm nỗi cực nhọc của người vợ. Từng chứ trong câu như những nét vẽ, gam màu nối tiếp nhau, hòa quyện và cùng bổ trợ làm gia tăng nỗi cực nhọc của bà Tú. Người vợ của tú Xương đã “lặn lội” nhưng lại mang “thân cò”, rồi có lúc trong hoàn cảnh “quãng vắng”. Nỗi cực nhọc kiếm sống mưu sinh ở “mom sông” tưởng như không thể nào nói hết được! Nhà thơ lấy hình ảnh “con cò” trong ca dao cổ: “Con cò lặn lội bờ sông…”, “Con cò đi đón cơn mưa…”, để tái hiện hình ảnh “thân cò” lầm lũi, đã đem đến cho người đọc bao liên tưởng cảm động về bà Tú, cũng như thân phận vất vả, cực khổ, của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội thời bấy giờ.

Hình ảnh lặn lội thân cò được tác giả mô phỏng trong thi ca dân:

“Con cò lặn lội bờ sông
Gánh tạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”

Hai câu thơ tuy ngắn nhưng lại mang ý nghĩa gợi hình ảnh chân thực về bà Tú: Với tấm thân mảnh dẻ, yếu đuối bà Tú chịu dãi nắng dầm sương, bà còn phải lặn lội sớm trưa tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Tấm thân cò trong cái phản chiếu của nắng chiều là hình ảnh lẻ loi, hiu quạnh, lúc cần không biết nương tựa vào đâu, chưa nói đến những hiểm nguy bất trắc đối với thân gái dặm trường. Câu thơ mang lại cho độc giả nhiều suy ngẫm, sự đồng cảm đến xót xa, tội nghiệp! Hình ảnh bà Tú đại diện cho những người phụ nữ trong xã hội thối nát bấy giờ.

Những người phụ nữ ấy chỉ biết lặng lẽ hi sinh cho chồng cho con, họ cam chịu sự xô đẩy của xã hội, để rồi Tú Xương lại chính là người nói lên tâm tư của vợ:

“Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công”

Hai người nên duyên với nhau được là do duyên phận trời xe, vì thế mà bà “âu đành phận”. Đành phận lại như một sự bất đắc dĩ, xếp lại, nén xuống những gì bất bình, tủi nhục của bản thân mình đã và đang từng ngày phải trải qua. Câu thơ khép lại bằng âm thanh nặng nề của từ phận lại càng làm cho câu thơ phù hợp với cảm xúc bị dồn nén vào trong. Bà Tú vất vả là thế, dầm mưa dãi nắng nhưng nào dám kể công lao với chồng, với con, mà luôn lặng lẽ dồn nén cam chịu.

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không”

Tình cảm của tác giả thương vợ chất chứa trong lòng đến nghẹn thở, lại không thể giúp được người vợ hiền mà nhà thơ tự trách mình. Bản thân ông trở thành một miệng ăn cho vợ nuôi, điềm nhiên hưởng thụ trong khi vợ phải ngược xuôi tần tảo, nghe cũng đã có cái gì đó bất nhẫn. Tất cả tâm tư tình cảm ấy bùng nổ ở hai câu thơ kết “Cha mẹ thói đời…” như một lời chửi đổng với đời và cũng chính là lời xỉ vả mình. Câu thơ thất chua chát, đắng cay ông trách mình, hận mình đã để vợ vất vả, sống khổ cực luôn chạy đôn, chạy đáo lo cho gia đình. Nhưng thực tế bà Tú lại không hề oán trách chồng con một lời nào. Cũng chính sự cam chịu, chịu thương chịu khó mà ông lại càng thấy mình có lỗi, càng thấy oán trách bản thân hơn. Ở vào hoàn cảnh như thế ông coi mình là người ăn ở bạc bẽo với vợ. Bà Tú có chồng mà cũng như không vì bà chính là người nuôi sống gia đình.

Bằng tình cảm chân thành, nghệ thuật sống động, Tú Xương đã miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người vợ, người phụ nữ giỏi giang, lam lũ, tần tảo nuôi chồng nuôi con. Bà Tú là đại diện cho những người phụ nữ Việt Nam xưa. Bao nhiêu công lao trong gia đình, ông Tú dành cho bà, ông chỉ nhận về cho mình một chữ “không”.

Bài thơ xuyên suốt là tình cảm của tác giả dành cho người vợ hiền, ông dành sự kính trọng, mọi công lao, những gì tốt nhất dành cho bà Tú. Ngôn ngữ thơ dung dị, đời thường, sử dụng nhiều yếu tố dân gian, bài thơ có giá trị nhân văn sâu sắc.

Cảm nhận bài thơ Thương vợ – Mẫu 3

Nhắc đến những nhà thơ trào phúng trung đại thì người ta nhớ đến đầu tiên có lẽ là Trần Tế Xương. Quả thật thơ ông mang những nét trào phúng đặc biệt nhất, nó không nhẹ nhàng nhưng thâm thúy sâu cay như Nguyễn Khuyến mà nó sâu cay, cười mỉa mai trước những cái sự đời. Cũng giống như Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương cũng có bài thơ tự cười mình, không chỉ cười xã hội mà ông còn cười chính bản thân mình. Và cũng chính vì thế mà Nguyễn Khuyến có bài tự trào thì Trần Tế Xương cũng có bài Thương vợ. Nhan đề bài thơ gợi lên cho ta tình cảm của nhà thơ dành cho người vợ mình nhưng đồng thời nội dung bài thơ còn thể hiện một tiếng cười về bản thân bất tài vô dụng của Trần Tế Xương.

Hai câu thơ mở đầu Trần Tế Xương đã kể lên những nỗi vất vả của người vợ thương yêu của mình. Đó là sự vất vả được hiện lên và mục đích của công việc ấy:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng”

Hình ảnh người vợ của Trần Tế Xương hiện lên giống như những người phụ nữ, người mẹ nào trong hình dáng người phụ nữ ngày xưa với cái nghề buôn bán. Chỉ cần có thế mà biết bao nhiêu hình ảnh giản dị hay lam hay làm của người phụ nữ xưa hiện ra. Đó là hình ảnh người phụ nữ áo nâu váy đụp gánh tất cả những hàng hóa trên đôi vai nhỏ bé của mình ra chợ rồi lại từ chợ về nhà. Người vợ của nhà thơ hiện lên cùng với hình ảnh ấy và công việc ấy đặc biệt rằng công việc ấy được diễn ra thường xuyên qua hai từ “quanh năm”. Người phụ nữ ấy làm việc vất vả quanh năm cũng chỉ một công việc đó từ năm này qua năm khác. Thế nhưng địa điểm không phải trên những mặt đất bằng phẳng mà lại ở mom sông gợi sự vất vả, nguy hiểm. Như vậy vợ nhà thơ là một người không những vất vả mà còn phải đối mặt với nguy hiểm. Thế nhưng bà Tú làm như vậy để được gì, không chỉ nuôi bản thân mình mà bà Tú còn phải nuôi đủ “năm con với một chồng”. Ở đây nhà thơ đang tự cười chính bản thân mình. Chồng cũng trở thành một con số đếm ngang hàng với những đứa con trong gánh nặng của người vợ. Không những thế còn là “nuôi đủ” càng chứng tỏ gánh nặng của người vợ kia. Giờ đây quang gánh kia không chỉ đơn giản là những mặt hàng của bà nữa mà trên đó còn có cả năm con với một người chồng.

Tham khảo thêm:   Top 10 phim tình cảm Thái Lan hay và đáng xem nhất năm 2020

Sang hai câu thơ tiếp theo người chồng gánh nặng kia lại tiếp tục thể hiện lòng thương vợ của mình và những vất vả mà bà Tú phải trải qua hàng ngày:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”

Ông chồng người mà được coi là trụ cột của gia đình không chỉ về tinh thần mà còn về kinh tế nhưng giờ đây lại là gánh nặng của vợ mình. Bà Tú phải lặn lội với những nguy hiểm khi đi vào những con đường vắng mà chỉ có một mình. Hình ảnh con cò trong câu ca dao xưa tượng trưng cho người phụ nữ nghèo khổ lại được nhà thơ sử dụng trong bài thơ của mình. Không biết rằng có biết bao nhiêu những khó khăn và nguy hiểm đang rình rập và nuốt lấy vợ mình. Vượt qua những nguy hiểm khó khăn ấy bà Tú vẫn đi đến chợ mom sông trên những buổi đò eo sèo những lời của người mua kẻ bán. Họ đang mặc cả với nhau từng đồng một để lo cho gia đình mình.

Và rồi nhà thơ nói đến duyên phận của mình với vợ và như thay vợ nói lên cái thở dài chán nản trước một người chồng mà lại gánh nặng như một người con thứ sáu trong nhà:

“Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa, dám quản công. ”

Người xưa hay có quan niệm về duyên và nợ, hai người lấy nhau thì là có duyên có nợ từ kiếp trước, còn yêu nhau mà không lấy được nhau thì đó là có duyên nhưng không có nợ. Ở đây bà Tú lại có duyên có cả nợ với nhà thơ nên mới chịu cảnh khó khăn khổ cực như thế. Một chữ duyên, hai chữ nợ, thôi thì đành phận với nhau. Nhà thơ lại thể hiện sự vất vả của vợ mình qua “năm nắng, mười mưa”. Câu thơ ấy như gợi lên sự khó nhọc mà trong ca dao cũng nhắc đến như “một nắng hai sương”. Có thể thấy rằng chính cái số đếm cụ thể ấy đã làm nổi bật lên sự khó nhọc của bà Tú. Thế nhưng Bà Tú còn hiện lên đẹp hơn khi không quản công gánh nặng ấy. Bà thương chồng thương con và hi sinh cho chồng con mà không một lời than vãn.

Nhưng chính sự không than vãn và đức hi sinh ấy khiến cho nhà thơ không thể nào yên lòng được:

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:
Có chồng hờ hững cũng như không!”

Thương vợ Trần Tế Xương cũng như đang tự cười bản thân mình và hai câu thơ cuối này là tiếng chửi to nhất, sâu cay nhất. Tác giả tự thấy bản thân mình ăn ở bạc không thể giúp đỡ được gì cho người vợ chân yếu tay mềm hơn mình rất nhiều, ngẫm thấy có chồng cũng như không. Phải chăng nhà thơ đang chửi rủa dằn vặt chính bản thân mình vì không thể nào giúp đỡ cho vợ?

Qua đây ta thấy nhà thơ Trần Tế Xương thể hiện sự thương vợ sâu sắc. Bài thơ giống như một bức thư, một dòng nhật kí mà nhà thơ muốn gửi đến vợ mình. Đặc biệt bản thân ông ý thức rõ được sự vô dụng của mình mà tự thấy xấu hổ mà tự chửi chính mình. Nói tóm lại dù thế nào đi nữa thì qua đây chúng ta cũng biết được tâm trạng và tình cảm của Trần Tế Xương dành cho vợ mình.

Cảm nhận của anh chị về bài thơ Thương vợ – Mẫu 4

Trong lịch sử văn học nước ta xưa nay, thơ viết về vợ vốn không nhiều. Do đó, thơ hay nghĩa là viết chân thật, sâu sắc và xúc động về đề tài này lại càng hiếm hoi. Vì vậy có thể xem Trần Tế Xương là một trường hợp đặc biệt. Trong thơ mình, ông nói đến vợ rất nhiều lần.

Khi thì lăm le bia đá bảng vàng cho vang mặt vợ. Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ. Đem chuyện trăm năm giở lại bàn. Khi thì Vuốt râu nịnh vợ con bu nó. Lại có lúc Viết vào giấy dán ngay lên cột. Hỏi mẹ mày dốt hay hay. Cao hứng và ngông nghênh hơn, nhà văn đã viết văn tế để tế sống vợ. Nhưng đỉnh cao mảng thơ này của ông phải nói là bài thơ Thương vợ:

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không!

Đây là một bài thơ trữ tình – trào phúng đậm sắc dân gian đầy cảm động. Để bộc lộ lòng thương quý, biết ơn và trân trọng vợ mình, nhà thơ đã cực tả nỗi nhọc nhằn lao khổ của bà, người đàn bà đã một thân một bóng tần tảo nuôi con và chồng. Qua đây, ông ca ngợi đức tính đảm đang, lòng hi sinh thầm lặng cao cả một bậc hiền phụ.

Trong hai câu thơ đầu, Tú Xương đã nói về sự vất vả và nhẫn nại của vợ mình một cách tự nhiên, thân mật, dí dỏm và hóm hỉnh. Ông vừa giới thiệu cái gánh nặng chồng con trên vai bà vừa cho thấy một cách gián tiếp tình cảm sâu nặng của mình dành cho vợ:

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng

Hai câu thơ là một lời chấm công. Trong câu thơ đầu, bản thân công việc buôn bán tuy chưa đủ thể hiện được sự vất vả hay nhẫn nại nhưng hoàn cảnh thời gian (quanh năm) và hoàn cảnh không gian (ở mom sông) thì lại nói khá rõ về điều đó.

Quanh năm, chỉ hai tiếng ấy thôi cũng đã chứa đựng biết bao nhiêu là thời gian nối tiếp nhau triền miên không dứt, suốt từ đầu năm đến cuối năm, cho dù mưa gió, nắng nôi, lúc nào cũng như lúc nào, bà vẫn miệt mài buôn bán. Đó là hoàn cảnh thời gian. Còn hoàn cảnh không gian, còn chỗ làm ăn? Đó là mom sông. Mom sông theo giáo sư Lê Trí Viễn là một địa thế thừa của đất liền ba bề là nước, đổ ùm xuống sông lúc nào không biết chừng (Lê Trí Viễn – Những bài giảng văn ở Đại học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1982). Bà Tú đã phải ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, buôn bán làm ăn ở cái mom sông chênh vênh không vững vàng gì ấy.

Vì sao bà phải vất vả đến như vậy?

Câu thơ thứ hai đã trả lời rõ:

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Nhà thơ đã nâng cao vợ mình lên hàng trụ cột của gia đình. Cả một gánh nặng sinh kế đã đặt lên vai người phụ nữ. Bà quanh năm khó nhọc, vất vả, bất kế nguy hiểm, gian nan là để nuôi đủ năm con và một chồng nghĩa là sáu miệng ăn hết thảy chưa kể cả chính mình. Nhưng đồng thời ông cũng đã tự hạ mình xuống thành ngang hàng với lũ con, nói đúng hơn là ông đứng cuối hàng sau năm con để thành ra thứ sáu Với một chồng thể hiện rõ ra ông là ăn theo, ăn ké lũ con. Nhà thơ tự thấy mình là gánh nặng của vợ. Cách nói ấy hàm ý vừa biết ơn vừa tự hào mà lại có chút gì đó hối hận, ăn năn, mỉa mai mình một cách thâm trầm hóm hỉnh.

Tiếp theo là hai câu thực nhà thơ đã thể hiện tình thương vợ của mình bằng cách miêu tả cái vất vả, gian nan mà cũng là cái đảm đang của bà Tú:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Mượn hình ảnh cô đơn, vất vả của con cò trong ca dao xưa: con cò lặn lội bờ sông… ông trau chuốt thêm bằng bàn tay nghệ sĩ tài hoa của mình. Nếu ca dao thường dùng hình ảnh con cò để so sánh, ví von gián tiếp về người phụ nữ, nói rõ hơn là người vợ, người mẹ cặm cụi tảo tần thì ở đây Tú Xương đã đồng nhất trực tiếp thân cò với thân phận người vợ. Nhà thơ lại dùng phép đảo ngữ Lặn lội thân cò để nhấn mạnh vào sự vất vả, lam lũ của vợ mình. Đã vậy cái khung cảnh không gian kiếm ăn của thân cò ở đây không phải chỉ là một cái bờ sông bất kì nào, có thể nhộn nhịp đông vui hay lặng lẽ, buồn thiu mà lại được nhà thơ xác định rõ là quãng vắng. Tất cả những điều vừa phân tích đều nhằm để nói và đã nói được cái vất vả gian truân thầm lặng của người vợ mang số phận thân cò.

Câu thơ tiếp theo nói thêm sự vật lộn với sinh kế của bà Tú. Gặp phải buổi đò đông (bến đông đò hay đò đông người) bà đều phải chịu cảnh bị xô đẩy, tranh giành nhau lời qua tiếng lại eo sèo để mặc cả mua bán như ai. vốn con nhà dòng dõi, chẳng gì cũng là bà Tú vậy mà cũng phải lấm láp, phong trần. Nhà thơ hơn ai hết đã thầm cảm thương cho cảnh ngộ và cả sự hi sinh thầm lặng của vợ mình. Chỉ vì gánh nặng áo cơm của chồng con mà bà Tú đã xông pha quên cả hiểm nguy, khó nhọc… Câu thơ này tuy không trực tiếp trích lời ca dao nhưng vẫn đâu đây thấp thoáng ý tình: Con đi mẹ dặn lời này, Sông sâu chớ lội, đò đầy khoan sang. Đó là lời dặn thân gái phải giữ mình. Song ở đây chỉ vì chồng con mà bà Tú phải đành lòng làm ngơ trước lời dặn ấy.

Chỉ với hai câu thơ bằng những từ ngữ gợi tả và cảm động, Tú Xương làm hiện lên rõ nét hình ảnh một người vợ thui thủi làm ăn, một mình toan lo lặn lội trong những khung cảnh không gian và hoàn cảnh thời gian vất vả, gian nan nhất, đáng thương và đầy ái ngại nhất. Nhiều người cũng cho rằng đây là hai câu thơ hay nhất của bài thơ. Theo giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, với hai câu thơ này Tú Xương chẳng những đã khái quát được nỗi vất vả, cơ cực, nhọc nhằn của bà Tú mà còn gợi lên được khung cảnh buôn bán nơi bãi chợ bến sông của tỉnh Nam Định một thời.

Nếu bốn câu thơ đầu vừa phân tích hoàn toàn là lời ông Tú nói về vợ mình thì bốn câu sau lại thể hiện giọng bà Tú tự than thân, trách phận chính mình. Nói đúng hơn là đến đây nhà thơ không đứng ngoài khách quan để miêu tả nữa, ông đã nhập thân vào nhân vật thảo ra lời bà vợ để than thở giùm bà một cách chủ quan hơn:

Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công

Duyên, tiếng nhà Phật có nghĩa rất rộng. Trong mối quan hệ vợ chồng, duyên là cái căn nguyên từ trước, do đó, mà vợ chồng lấy được nhau hoặc lấy phải nhau. Từ ý nghĩa vừa nói, dân gian ta đã làm thành một cặp khái niệm đối lập nhau: duyên và nợ (Một duyên, hai nợ, ba tình. Duyên dì anh nợ gì tôi, chẳng qua là cái nợ đời chi đây…). Như vậy trong dân gian Một duyên hai nợ là chỉ sự may rủi của đời người con gái. Nhưng ở đây trong thế đối ngẫu với câu dưới. Một duyên hai nợ trong câu thơ của Tú Xương lại có ý nghĩa khác hẳn: một, hai không còn là số đếm nữa mà là số tính, số nhân: duyên chỉ có một mà nợ đến những hai duyên thì ít mà nợ thì nhiều. Bà Tú lấy được ông Tú ngẫm cho kĩ đó cũng là duyên. Ông cũng đỗ đạt hơn người thường một chút. Chỉ có vậy thôi. Chứ còn ông là chồng mà lại dở dở ương, khoán trắng

Tiền bạc phó cho con mụ kiếm; Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ… thì đúng là một thứ nợ đời. Duyên thì ít mà nợ thì nhiều là như vậy.

Cái vất vả, cực nhọc của lặn lội thân cò ở câu thơ trên đến đây đã được nâng lên thành cái vất vả, cực nhọc của một số phận là định mệnh của cả một kiếp người nên nặng nề và cay cực biết bao. Đã là số phận thì phải âu đành. Âu có nghĩa là cam mà đành cũng là cam. Một câu thơ mà những hai lần cam chịu. Vì cam chịu nên Năm nắng mười mưa dám quản công là vậy. Cho dầu nắng mưa đến mấy (Năm nắng mười mưa) bà vẫn không chút e ngại, chẳng tiếc chi công sức của mình. Dám quản công là không những chỉ có ý nghĩa như vừa nói mà còn cho thấy ý khiêm nhường. Nổi lên thêm từ hai câu thơ là đức tính hi sinh, nhẫn nhịn âm thầm của bậc hiền phụ. Đây cũng là đức tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay. Đã thấy tấm lòng thương vợ của nhà thơ là thấm thía và sâu sắc biết mấy.

Sau cùng, hai câu kết của bài thơ là một lời chửi rủa:

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không!

Thác lời của bà Tú, nhà thơ đã chửi rủa chính cái bạc bẽo và cái vô tích sự của người chồng nghĩa là của chính mình. Tất cả nỗi thương vợ cùng với sự bất lực giận mình, giận đời đã lắng đọng trong tiếng chửi rủa đầy day dứt, xót xa kia. Nhưng thực sự ông có bạc bẽo, hờ hững với vợ mình không? Điều này khó trả lời.

Tham khảo thêm:   Câu hỏi hội thi ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 (Có đáp án) Câu hỏi tọa đàm ngày Phụ nữ Việt Nam

Nhưng ngẫm cho cùng, bài thơ này đã giải đáp phần nào câu hỏi ấy. Hơn nữa, tự coi mình cũng như không cũng như một người thừa, một kẻ hờ hững sống đấy mà cũng như đã chết thì tuy đó là lời rủa mình nhưng cũng là lời ca ngợi và đề cao công ơn của vợ. Tuy là một lời chửi rủa nhưng hai câu thơ kết vẫn đượm thắm màu sắc vui đùa. Nhà thơ phán xét tự trách mình cũng là cách biểu hiện sự thương cảm sâu xa với vợ. Ông nói ăn ở bạc nhưng lòng ông không bạc, không hờ hững với bà chút nào cả.

Như vậy Thương vợ đúng là một bài thơ hay cho ta hình dung được nỗi lòng thương yêu mênh mông chân thành và sâu sắc của nhà thơ đối với người vợ chịu thương, chịu khó, hi sinh, khó nhọc, vất vả một cách lặng thầm vì gánh nặng chồng con. Với một bài thơ trữ tình giàu hình ảnh, nhạc điệu, ngôn ngữ tự nhiên, dân dã, nhà thơ không những đã thể hiện được tình cảm ấy của mình mà còn tạo nên được một bức chân dung bất hủ có tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam với đầy đủ các đức tính đáng quý là đảm đang, cần cù, nhẫn nại, hi sinh.

Cảm nhận của em về bài thơ Thương vợ – Mẫu 5

Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ thường không được quan tâm nhiều. Một người phụ nữ phải chịu nhiều “gông xiềng” đeo trên vai. Nào là “Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Nào là “tam tòng, tứ đức”,… Dường như người phụ nữ luôn xuất hiện phía sau người chồng, người con của mình. Họ không có được sự tự do trong cuộc sống và thường là người gánh chịu nhiều nỗi đau về tinh thần do tư tưởng trọng nam khinh nữ của Nho giáo. Vậy nên trong suốt chiều dài lịch sử, những thi nhân thường không đưa hình ảnh người vợ vào trong thơ ca của mình, mà thay vào đó là “mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông”. Bởi thế, Trần Tế Xương đã được người đời nhớ đến khi trong thơ ông, hình ảnh một người vợ lam lũ, vất vả đã được khắc họa một cách đầy đủ với thái độ trân trọng và yêu thương. Đó thực sự là một nét chấm phá đặc biệt của văn học thời kỳ phong kiến. Bài thơ “Thương vợ” của ông được xem như một trong những tác phẩm “khác lạ” giữa nền thi ca.

Nói bài thơ này khác lạ bởi thông thường các thi sĩ chỉ làm thơ về người bạn đời của mình khi họ đã mất đi. Còn với Tú Xương, ông đã viết về người vợ của mình một cách chân thực, sống động và đầy lòng yêu thương ngay khi vợ ông còn sống. Khác lạ còn bởi trong xã hội phong kiến, người đàn ông là chủ gia đình, mọi quyết định đều do họ. Và hiếm ai chấp nhận một sự thật rằng vợ chính là người nuôi sống cả một gia đình. Ấy nhưng với Tú Xương, đó là một điều hiển nhiên, bởi ông còn bận học hành, thi cử để có chút công danh. Và không ai khác ngoài người vợ chính là nguồn sống cho cả gia đình. Điều đó được khẳng định ở ngay câu đầu tiên của bài thơ:

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng

Sự vất vả, cực nhọc đã được thể hiện một cách rõ ràng. Một mình người vợ mà phải “cõng” tới năm người con và một đức ông chồng. Chữ “mom” ở đây rất có giá trị. Mom là một mô đất nhô ra bên bờ sông, nó nhỏ bé và gợi lên chút gì đó chênh vênh, không bền vững. Đối lập với đó là năm người con và người chồng. Một sự đối sánh có tính chất không cân đối đã nói lên muôn vàn vất vả lo âu của người vợ cho gia đình của mình. Làm sao để có thể kiếm sống để chu đáo cho một gia đình với những đứa con nhỏ.

Người phụ nữ trong thời đại phong kiến thường được ví như những “hạt mưa sa”, “giếng giữa đàng”, ý nói về sự bấp bênh của số phận, may mắn thì được vào gia đình tốt, được yêu thương còn không thì gặp muôn vàn đắng cay, khổ cực mà không biết kêu ai. Ở trong những câu tiếp theo, dường như Tú Xương đã cảm thán thay cho người vợ đáng thương của mình.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Hình ảnh người vợ đã được ông ví như cánh cò nơi dòng nước, nhỏ bé, cô đơn. “Thân cò” là một sự so sánh vô cùng hợp lí và thú vị dành cho người vợ. Động từ “lặn lội” đã phác họa rõ nét hơn tình cảnh của người vợ, người mẹ. Có lẽ đọc đến đây ta cũng xót thương cho những người phụ nữ thời xưa. Hình ảnh người vợ Tú Xương cũng là sự khái quát cho những người phụ nữ Việt Nam thời kỳ phong kiến, phải lam lũ, vất vả một nắng hai sương lo cho gia đình, nhưng lại không được công nhận. Và qua những vần thơ, dường như Tú Xương đang tạo nên một bước chuyển mới trong nhận thức của các đấng nam nhi, cần phải coi trọng người phụ nữ của mình nhiều hơn nữa.

Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa, dám quản công

Việc sử dụng cặp từ “một duyên”, “hai nợ” cho thấy Tú Xương không chỉ đồng cảm với sự vất vả của vợ, mà còn nhận thấy giữa hai vợ chồng có sự gắn bó từ kiếp trước. Có duyên mới tới được với nhau và đến được với nhau rồi đó lại là một điều không thể tách rời, bởi đó là “nợ”. Có lẽ ông cho rằng mình đã nợ vợ một món nợ không thể trả. Bởi thế cho nên duyên phận đã gắn bó ông với vợ. Nhưng có một sự “nói hộ” của ông ở đây. Dường như đây là lời của Tú Xương nhưng cũng chính là tâm sự của người vợ. Bởi ở câu thơ sau: Năm nắng, mười mưa, dám quản công, cho thấy dẫu có vất vả, nhọc nhằn, người vợ cũng không dám kể lể công tích của mình, xem như đó là việc mình phải làm cho gia đình. Đó chính là sự vị tha, bao dung và nhẫn nhục của người phụ nữ Việt Nam.

Sự cam chịu của người vợ đã khiến cho Tú Xương không đành lòng. Nhưng người vợ không bao giờ nói ra với ông những nỗi vất vả, khó khăn ấy. Và chính ông đã là người nói ra giúp vợ mình. Một tiếng thơ cũng là tiếng thở than, trách cứ, dằn vặt của người chồng, là tiếng trách mắng nhẹ nhàng của người vợ dành cho người chồng:

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:
Có chồng hờ hững cũng như không

Hai câu thơ khép lại tác phẩm là lời tự rủa mát mình của Tú Xương nhưng lại mang đậm ý nghĩa lên án xã hội sâu sắc góp phần khẳng định tình cảm của ông đối với bà Tú là vô bờ bến. Người chồng ấy tuy “ăn lương vợ” nhưng không hề “ở bạc”, “hờ hững” mà rất chu đáo, luôn dõi theo từng bước đi của bà trên đường đời và đặc biệt là luôn bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với vợ. Thi phẩm kết thúc thật bất ngờ: vừa thấm đượm cái bi, cái bất hạnh trong niềm riêng của tác giả, lại vừa dí dỏm, hài hước.

Với chất thơ bình dị, dễ đọc, dễ nhớ và đậm chất nhân văn Tú Xương đã khắc họa nên hình ảnh người vợ chịu thương chịu khó của mình trong mối tương quan với chồng, con. Đó cũng là lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà ông dành cho những người chồng, người cha còn “bạc” với người vợ đầu gối tay ấp của mình bằng chất liệu trào phúng đặc trưng.

Cảm nhận về bài thơ Thương vợ – Mẫu 6

Trong xã hội xưa, các nhà Nho thường dùng thơ ca như một “phương tiện” để nói chí, tỏ lòng, có rất ít những tác phẩm viết về cuộc sống sinh hoạt với những vấn đề “vặt vãnh” thường ngày. Thơ ca trung đại viết về người phụ nữ đã ít, viết về người vợ càng hiếm hoi hơn. “Thương vợ” của Trần Tế Xương là một trong số rất ít những bài thơ hiếm hoi ấy, nhà thơ không chỉ ca ngợi công lao, tấm lòng của vợ mà còn viết ngay khi vợ còn sống. Đây là một điều đặc biệt rất hiếm gặp trong thi ca, bởi các nhà văn, nhà thơ xưa thường viết về vợ khi người bạn đời kết tóc trăm năm của mình đã từ giã cõi đời.

Thương vợ là bài thơ nổi tiếng nhất mà Tú Xương viết về vợ, đây cũng là tình yêu thương, sự trân trọng mà nhà thơ muốn gửi gắm tới người vợ của mình.

“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”

Ngay trong những câu thơ đầu tiên, nhà thơ Tú Xương đã để bà Tú xuất hiện trong một hoàn cảnh đặc biệt. Bà Tú hiện lên trong công việc mưu sinh vất vả cùng gánh nặng gia đình “nuôi đủ năm con với một chồng”. “Quanh năm” gợi ra khoảng thời gian dài đằng đẵng, bà Tú làm công việc buôn bán mưu sinh quanh năm suốt tháng, không có lấy một ngày ngơi nghỉ. “Mom sông” phần đất bồi ven sông chông chênh, đầy hiểm nguy thường trực, đây cũng là nơi bà Tú làm ăn buôn bán. Công việc vất vả là vậy, cực nhọc hiểm nguy là vậy nhưng bà Tú vẫn cần mẫn làm việc bởi trên vai bà là gánh nặng “năm con với một chồng”. Câu thơ “Nuôi đủ năm con với một chồng” nghe qua như một lời ví von tếu táo nhưng lại ẩn chứa nỗi xót xa khó giấu. Tú Xương đã tự coi mình là gánh nặng, không những thế ông còn đặt lên bàn cân để thấy một mình mình có sức “nặng” bằng năm đứa con.

Nếu hai câu thơ đầu nhà thơ chú ý khắc họa thời gian, không gian làm việc và những gánh nặng của bà Tú thì trong hai câu thơ tiếp theo, nhà thơ tập trung miêu tả nỗi cơ cực, lam lũ của bà Tú:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Trong hai câu thực, nhà thơ Tế Xương đã đảo vị ngữ “lặn lội”, “eo sèo” lên đầu câu để diễn tả nỗi cực nhọc, sự đơn độc của bà Tú trong công việc mưu sinh. “Lặn lội thân cò” gợi ra sự vất vả, lam lũ, đáng thương của bà Tú. Trong không gian vắng vẻ, luôn thường trực những hiểm nguy “quãng vắng”, bà Tú vẫn kiên cường bươn trải để nuôi sống cả gia đình. “Eo sèo” gợi ra khung cảnh xô bồ, chen lấn, xô đẩy của người mua, kẻ bán. Hai câu thơ đã tái hiện sống động mà cũng đầy xót xa nỗi vất vả, cực nhọc của bà Tú, qua đó còn thể hiện sự thấu hiểu, đồng cảm của ông Tú dành cho người vợ tào khang của mình.

Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công”

Ở đây, nhà thơ Tú Xương đã mượn thành ngữ dân gian để nói về cuộc đời của bà Tú. “Một duyên hai nợ” gợi ra nỗi vất vả, sự éo le trong số phận của bà Tú. Bà chỉ có một cái “duyên” nhưng lại phải chịu đến đến hai “cái nợ” khi trở thành vợ của ông Tú. Đôi vai gầy yếu của bà phải gánh gồng tất cả những công việc gia đình và cả những lo toan của cuộc sống, bà không chỉ phải lo cho con mà còn phải gánh theo chồng. Cuộc sống hẩm hiu, thiệt thòi là vậy nhưng bà Tú không hề oán thán mà vẫn chấp nhận “âu đành phận”, bà âm thầm gánh vác tất cả, âm thầm hi sinh vì chồng, vì con. Dù có phải trải qua bao sóng gió dãi dầu “năm nắng mười mưa” thì bà vẫn không ngại khó, ngại khổ “dám quản công”.

Qua việc sử dụng linh hoạt phép đối kết hợp vận dụng thành ngữ dân gian, Tú Xương đã hoàn thiện bức chân dung đẹp đẽ, đáng trân trọng của bà Tú: Chịu thương, chịu khó, giàu đức hi sinh. Câu thơ còn như một lời tự trách của nhà thơ với sự “vô dụng”, bất lực của bản thân khi chứng kiến sự vất vả của vợ mà không thể làm gì.

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”

Hai câu thơ cuối như một lời trách móc, một lời chửi với “thói đời”, với sự bất lực của bản thân. “Thói đời” ở đây có thể hiểu là xã hội phong kiến nhiều bất công đã đẩy con người vào cảnh bần cùng. Không chỉ chửi thói đời, ông còn chửi chính bản thân mình “Có chồng hờ hững cũng như không”. Bản thân ông là một người chồng, là trụ cột gia đình nhưng vì theo đuổi khát vọng công danh mà vô tình tạo nên bao nỗi cơ cực cho vợ. Câu thơ thể hiện rõ nét sự xót xa, bất lực của Tế Xương. Thế nhưng, qua việc trân trọng công lao của vợ, tự lên án sự “hờ hững” của bản thân ta lại thấy được nhân cách đáng trân trọng của nhà thơ, đó là tình thương sâu sắc với vợ, sự tự ý thức về bản thân.

Có thể nói Thương vợ là lời tri ân sâu sắc mà Tú Xương dành cho vợ. Bài thơ không chỉ dựng lên bức chân dung bà Tú, một người đàn bà chịu thương chịu khó, yêu thương chồng con, giàu đức hi sinh mà còn thể hiện tình thương vợ, nhân cách cao đẹp của nhà thơ.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 11: Cảm nhận về bài thơ Thương vợ (Dàn ý + 6 mẫu) Những bài văn hay lớp 11 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *