Bạn đang xem bài viết ✅ Thuyết minh về chiếc bàn học (2 Dàn ý + 7 mẫu) Bài văn thuyết minh hay nhất ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

TOP 7 bài Thuyết minh về chiếc bàn học hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều thông tin hữu ích về nguồn gốc, xuất xứ, lợi ích mà chiếc bàn học đem lại để viết bài văn thuyết minh thật hay.

Bàn học

Bàn học là người bạn đồng hành thời cắp sách tới trường, nơi lưu giữ kỉ niệm của bao thế hệ học sinh. Bàn học cũng có nhiều kiểu dáng, kích thước, mẫu mã khác nhau. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Wikihoc.com để có thêm nhiều vốn từ, viết văn thuyết minh hay hơn:

Dàn ý thuyết minh về chiếc bàn học

Dàn ý 1

1. Mở bài

  • Giới thiệu về đối tượng cần thuyết minh: Chiếc bàn học

2. Thân bài

a. Nguồn gốc của chiếc bàn học

  • Bàn nói chung có lịch sử từ thời La Mã
  • Sau này những chiếc bàn thông thường được nâng cấp, chuyển sang mục đích ghi chép, viết lách.

b. Đặc điểm và mục đích sử dụng của chiếc bàn học

– Đặc điểm màu sắc, chất liệu, độ bền của chiếc bàn học:

  • Màu sắc: Màu sắc chủ đạo cho các bàn học thường sẽ là màu gỗ tự nhiên, màu vàng nâu, xám, trắng, vừa đảm bảo sự sạch sẽ lại mang đến sự sáng sủa cho không gian học tập.
  • Chất liệu: Gỗ, nhựa,…

– Cấu tạo, hình dáng, kích thước của chiếc bàn học:

  • Cấu tạo của một chiếc bàn học hàm chứa một mặt phẳng nằm ngang nhẵn nhụi có tác dụng nâng đỡ, hệ thống chân bàn cố định.
  • Bàn học ở đa số trường học thường có cấu tạo là bàn đôi, bàn dài để nâng cao diện tích sử dụng cho số lượng học sinh nhiều.
  • Riêng bàn học cá nhân thường nhỏ gọn, thường đi kèm với giá sách

– Phân loại: bàn đơn, bàn đôi, bàn học kết hợp giá sách, bàn học tập trung…

– Thị trường có đa dạng các loại bàn học phù hợp với từng sở thích cá nhân và mục đích sử dụng

c. Lợi ích của chiếc bàn học mang lại

  • Bàn học với mặt phẳng nhẵn nhụi, vững vàng là nơi lý tưởng để viết sách, làm bài
  • Là không gian học tập, thực hiện các hoạt động học tập ở trường cũng như ở nhà
  • Bàn học có ngăn kéo có thể lưu trữ đồ dùng, sách vở
  • Giúp người học có tư thế học tập tốt nhất, rèn luyện tính gọn gàng, ngăn nắp, tự lập

3. Kết bài

  • Khẳng định giá trị và ý nghĩa của chiếc bàn học, nêu cảm nghĩ của bản thân và liên hệ thực tiễn

Dàn ý 2

1. Mở bài:

  • Giới thiệu về cái bàn gắn bó với em như thế nào (trong cuộc đời mỗi con người), xuất xứ (nếu em biết là ai phát minh hoặc đã có từ lâu), hiểu biết khái quát của em về nó.

2. Thân bài:

  • Miêu tả về cái bàn: chân bàn, mặt bàn thường làm bằng chất liệu gì, thời xưa và nay cái bàn giống và khác nhau như thế nào.
  • Lợi ích của cái bàn học
  • Những kỉ niệm của con người đều gắn bó với nó như thế nào?
  • Liên hệ bản thân: là học sinh phải nâng niu trân trọng sau đó em liên hệ rộng ra là bàn làm việc sau này cả cuộc đời đều gắn bó với chiếc bàn

3. Kết bài:

  • Cảm nghĩ của em (thích thú,vui mừng, biết ơn…)
  • Và nâng vấn đề cao hơn nữa với tầm đất nước

Thuyết minh về chiếc bàn học – Mẫu 1

Bàn học là vật dụng không thể thiếu trong hoạt động học tập của học sinh ngày nay. Đó không chỉ là vật dụng hỗ trợ cho việc học mà còn là người bạn đồng hành, nơi lưu giữ kỉ niệm của bao thế hệ học sinh.

Hiện nay, hầu hết học sinh nào dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu cũng có một chiếc bàn học, chỉ cần đó là chiếc bàn có thể sử dụng để ngồi học đều có thể đặt tên cho nó là bàn học. Bàn nói chung có lịch sử từ thời La Mã, tuy nhiên khi nói về nguồn gốc ra đời của bàn học thì chỉ có thể nói về sự cải tiến nâng cấp của chiếc bàn thông thường chuyển sang mục đích ghi chép, viết lách. Có thể nói bàn học có mặt ở mọi nơi trên thế giới, ở mọi nền văn hóa và chúng có dáng vẻ tương tự nhau, cùng một mục đích sử dụng.

Bàn học được xếp vào loại nội thất được sử dụng chủ yếu trong môi trường học tập như giảng đường, nhà trường, bàn học cá nhân ở nhà. Việc sử dụng bàn học trong đời sống ngày nay đã trở thành lẽ tất nhiên, học sinh tới trường phải có bàn học để ngồi học, ở nhà phải có bàn học để học tập.

Cấu tạo của một chiếc bàn học hàm chứa một mặt phẳng nằm ngang nhẵn nhụi có tác dụng nâng đỡ, hệ thống chân bàn cố định và đảm bảo chắc chắn cho phần mặt phẳng bàn. Bàn học ở đa số trường học thường có cấu tạo là bàn đôi, bàn dài để nâng cao diện tích sử dụng cho số lượng học sinh nhiều. Bao gồm phần mặt bàn, gầm bên trong bàn và gắn liền với ghế ngồi, giá đỡ bàn. Riêng bàn học cá nhân thường nhỏ gọn, thường đi kèm với giá sách.

Bàn học đa số được làm chủ yếu từ gỗ, gỗ pha tạp hoặc gỗ tự nhiên, cũng có nhiều bàn làm từ nhựa tổng hợp. Càng ngày chất liệu làm bàn học càng được cải tiến so với thời xưa, vừa bền vừa đẹp lại chắc chắn và sản xuất theo công nghệ hiện đại. Màu sắc chủ đạo cho các bàn học thường sẽ là màu gỗ tự nhiên, màu vàng nâu, xám, trắng, vừa đảm bảo sự sạch sẽ lại mang đến sự sáng sủa cho không gian học tập. Cũng tùy thuộc vào lứa tuổi học sinh mà bàn học được thiết kế với kích thước khác nhau. Bàn học được sử dụng để tạo một tư thế học tập thoải mái, phù hợp nhất, chính vì thế kích thước của bàn học liên quan mật thiết với đối tượng sử dụng. Một học sinh lớp 1 không thể ngồi bàn học của học sinh lớp 10 và ngược lại. Chính sự phụ thuộc vào nhu cầu và đối tượng sử dụng mà bàn học ngày nay rất đa dạng và phong phú về chủng loại, mẫu mã, thương hiệu và kiểu dáng. Từ chiếc bàn đơn, bàn đôi, bàn đi liền với ghế ngồi, bàn học kết hợp giá sách… tất cả các loại bàn học đều có thể dễ dàng nhận ra bởi chúng khác hoàn toàn so với bàn ăn, bàn trang điểm hay bàn uống nước.

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 8: Phân tích bài thơ Nước Đại Việt ta (Sơ đồ tư duy) Trích trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (3 Dàn ý & 11 Mẫu)

Khi đề cập tới lợi ích hay ý nghĩa của chiếc bàn học, thông thường người ta chỉ nghĩ bàn học là để sử dụng cho việc học chứ chẳng còn ý nghĩa gì cao xa. Tuy nhiên nhìn nhận bàn học ở khía cạnh là người đồng hành cùng người học sinh ta sẽ thấy bàn học giá trị hơn nhiều. Bàn học với mặt phẳng nhẵn nhụi, vững vàng là nơi lý tưởng để viết sách, làm bài, nét chữ sẽ đẹp hơn nếu viết trên bàn so với bất cứ chỗ nào. Bàn học còn là không gian học tập, thực hiện các hoạt động học tập ở trường cũng như ở nhà, mỗi chiếc bàn học có ngăn kéo có thể lưu trữ đồ dùng, sách vở, giúp người học có tư thế học tập tốt nhất, rèn luyện tính gọn gàng, ngăn nắp, tự lập. Quá trình học tập của người học sinh được gắn liền với chiếc bàn học, thiếu đi bàn học hẳn sẽ rất khó khăn để học sinh học tập thuận tiện. Bàn học trải qua quãng đời học sinh tự bản thân nó có thể trở thành bàn làm việc, nói chung cuộc đời, sự nghiệp chúng ta có thể luôn cần đến chiếc bàn học từ thời học sinh. Vì thế hãy luôn trân trọng chiếc bàn học mà ta đang sử dụng, có thể bàn học không biết nói, không biết bày tỏ tình cảm nhưng đó là sự đồng hành, hy sinh trong thầm lặng để ta được học tập mỗi ngày.

Chẳng ai mạnh dạn nói tôi không cần bàn học, nhất là đối với người học sinh, hãy luôn nhìn ngắm, nâng niu và gìn giữ chiếc bàn học mình đang sử dụng. Nhìn vào chiếc bàn học có thể đánh giá cả một con người, bàn học phản ánh thái độ học tập, nề nếp của người học sinh. Hãy coi bàn học như là một người bạn thân, người đồng hành hỗ trợ đắc lực nhất cho chúng ta trên con đường học tập. Nên nhớ chúng ta có nhiều lựa chọn chiếc bàn học của mình nhưng phải biết cách sử dụng bàn học sao cho hiệu quả, cẩn thận và phù hợp nhất, như vậy mới đạt được tối đa lợi ích mà bàn học mang lại.

Thuyết minh về chiếc bàn học – Mẫu 2

Đồ dùng trong nhà em có rất nhiều nhưng em thấy cái bàn học, tấm lịch treo tường và chiếc đồng hồ báo thức là ba đồ vật gắn bó thân thiết với em hơn cả.

Chiếc bàn học do ba em tranh thủ đóng trong đợt nghỉ phép vừa qua. Nó được làm từ những tấm ván và thanh gỗ lựa từ đống củi mẹ mới mua. Suốt một ngày chủ nhật cưa, bào, đục, đẽo… không ngơi tay, ba em đã đóng xong chiếc bàn xinh xắn. Ba bảo rằng em đã lên lớp 8, cần phải có chỗ ngồi học riêng cho thuận tiện. Chiếc bàn được kê ngay cửa sổ, hướng đông nên suốt ngày có đủ ánh sáng.

Hình dáng chiếc bàn này giống hệt chiếc bàn ở lớp nhưng kích thước của nó chỉ bằng một nửa. Mặt bàn được bào nhẵn. Ba em đánh véc-ni thật kĩ. Các đường vân nổi lên rất đẹp. Dưới mặt bàn là hai ngăn rộng rãi, đủ để đựng sách vở và đồ dùng học tập. Bàn đóng liền với ghế, có chỗ dựa lưng thoải mái. Ba mua cho em một cây đèn nê-ông nhỏ, bệ đèn là chiếc giá cắm bút bằng nhựa màu hồng. Cây đèn được gắn cố định vào mặt bàn để buổi tối em có đủ ánh sáng học bài.

Ngày nào cũng vậy, em ngồi vào chiếc bàn xinh xắn để học bài và làm bài tập. Chiếc bàn luôn nhắc em nhớ tới ba. Ba mong muốn em ngày càng chăm ngoan học giỏi nên đã đóng cho em chiếc bàn này. Em quý nó vì nó là kỉ vật của ba. Tuy giá trị của chiếc bàn này chẳng đáng là bao nhưng công dụng của nó đối với em rất lớn. Nó giúp em nhiều trong học tập. Em luôn giữ cho chiếc bàn sạch sẽ, không viết bậy, vẽ bậy lên bàn.

Thuyết minh về chiếc bàn học – Mẫu 3

Chiếc bàn học là một đồ dùng học tập và sinh hoạt rất thân thiết với mỗi chúng ta thời cắp sách tới trường. Chiếc bàn học là người bạn gần gũi, thân thuộc của mỗi lứa tuổi học sinh lúc ở trường cũng như lúc ở nhà.

Chiếc bàn học xuất hiện từ thời xa xưa, khi con người có kiến thức thì chiếc bàn học được ra đời, theo thời gian qua nhiều giai đoạn nhiều quá trình con người đã thiết kế ra một sản phẩm đa dạng – chiếc bàn học phù hợp với mọi lứa tuổi học sinh để phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt của con người.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại bàn học đa dạng phong phú với nhiều hãng khác nhau, chiếc liệu phù hợp với túi tiền của người mua. Mỗi học sinh ngoài học ở trường ban ngày còn phải tự học ở nhà nên ngày nay, cho ra đời hai loại bàn phổ biến bàn học trên lớp và bàn học ở nhà. Đặc biệt khi viết muốn nét chữ được đẹp, mềm mại, việc học trở nên dễ dàng hơn thì chiếc bàn học nào cũng vậy, phải có mặt bàn phẳng, nhẵn. Nếu mặt bàn gồ ghề thì chắc hẳn mỗi học sinh đều thấy chán nả với việc học của mình, không thích góc học tập của mình. Vật liệu để làm chiếc bàn học thường bằng gỗ, nhưng phần lớn bằng gỗ thường, bàn học thường gồm: mặt bàn, ngăn bàn và chân bàn, thuyết minh về chiếc bàn học của em

Ở trường học hiện nay, chiếc bàn học thường gắn liền với ghế ngồi để tránh những trường hợp ghế bị đổ. Mặt bàn phẳng, hình chữ nhật, có chiều dài độ 110-120 cm, chiều rộng khoảng 50-60 cm. Bốn chân bàn được đóng bằng gỗ chắc chắn, vững chãi. Bàn có ngăn bàn thụt lại, được đóng cố định để đựng sách vở. Ghế cách bàn khoảng 15 cm giúp học sinh giữ đúng tư thế khi ngồi, không bị vẹo cột sống. Một số ghế có lưng tựa giúp học sinh không bị mỏi lưng, giúp cho việc học trở nên thoải mái.

Ở nhà, trong góc học tập của mỗi người học trò đều có một cái bàn. Tùy theo kích thước của phòng học, sở thích của mỗi người mà cái bàn học có dài, rộng, hẹp khác nhau. Đời sống kinh tế ngày càng phát triển nhu cầu của con người càng cao đã khiến cho nhiều hãng sản xuất bàn ghế ra đời. Tuy nhiên, hãng sản xuất bạn ghế có uy tín trên cả nước hiện nay được người dùng tin tưởng là bàn ghế Xuân Hòa, loại bàn được sử dụng rộng rãi thường là loại có mặt bàn bằng gỗ tấm bào nhẵn hoặc gỗ dán phẳng lì được sơn màu bóng nhoáng trông rất đẹp. Tuy vậy. loại bàn này rất đẽ hỏng. Thông thường, bàn học ở nhà cũng có bốn chân để nâng đỡ mặt bàn để chiếc bàn ở tư thế vững chắc. Tùy theo loại bàn, con người thiết kế chân bàn khác nhau như hình vuông, hình chữ nhật… Để tạo nên vẻ thẩm mĩ, người ta thiết kế chân bàn bằng các con tiện.

Cái bàn nào cũng cần chiếc ngăn kép vì nó là nơi làm ngăn bàn đựng đồ dùng, sách vở.Góc học của một học sinh, trên chiếc bàn học còn có giá để sách giúp đựng được nhiều sách vở hơn, làm bàn học trở nên ngăn nắp hơn.

Tham khảo thêm:   Tổng hợp 10 món mặn ngon bổ rẻ dễ làm cho những ngày không biết ăn gì

Chiếc bàn học là người bạn thân thiết của ta, ta phải biết yêu quý, trân trọng và bảo vệ. Để chiếc bàn học không bị hỏng thì không được xô đẩy bàn ghế, không được chèo lên bàn ghế, không vẽ bậy nên bàn, giữ bàn luôn ngay ngắn. Nên sắp xếp sách vở gọn gàng sau khi học xong. Chỉ nhì n qua những thứ xếp đặt, bày biện trên mặt bàn là có thẻ hiểu được phần nào đạo đức, nếp sống, nếp sinh hoạt và tinh thần học tập của cô, cậu học trò – chủ nhân của chiếc bàn học ấy. Vì vậy, ta cần có ý thức giữ gìn bàn học ở lớp cũng như ở nhà, nên trang trí học tiết vào bàn học ở nhà để nơi học tập thêm sinh động và đa dạng.

Thuyết minh về chiếc bàn học – Mẫu 4

Đố các bạn ngồi học mà không có bàn được đấy. Chắc chắn sẽ chẳng có ai có thể ngồi như thế đâu nhỉ? Chính vì lẽ đó mà vô tình chiếc bàn đã trở nên thân thiết với học sinh chúng ta.

Tớ cũng có một chiếc bàn học đấy, các bạn có muốn biết về bạn ấy không? Vì tớ có rất nhiều sách vở nên bố mẹ tớ đã chọn mua cho tớ một chiếc bàn học thật to. Bàn ấy được kê thật ngay ngắn ở góc phòng học của tớ. Bàn được làm từ gỗ xoan đào, khoác bên ngoài một chiếc áo với những đường vân gỗ nổi lên thật giống với những dải lụa.

Ngoài ra, bạn bàn của tớ còn được đánh véc – ni bóng loáng, trông rõ đẹp. Mặt bàn rất láng và phẳng, có màu nâu nhạt hơi nghiêng về phía tớ ngồi. Bàn có bốn chân, chống đỡ bốn góc, mỗi chân có bốn cạnh, phần trên ăn vào bốn góc, kéo hẳng như thả dọi xuống mặt đất. Các cạnh của chân bàn được gọt thu dần lại, phía dưới chỉ còn bằng một nửa phần trên khiến cho cái bàn thanh thoát hẳn lên. Không những thế, bạn cò giúp tớ nhiều việc lắm đó. Đó chính là sáu ngăn của bàn. Mỗi ngăn đều được phân chia rất rõ ràng, chính vì thế mà tớ chẳng bao giờ sợ nhầm ngăn này với ngăn kia. Hai ngăn ở bên trái và phải là nơi ở của sách. Hai ngăn ở giữa là nơi cư trú của vở. Còn hai ngăn ở phía trên là nơi tớ để những loại sách tham khảo và các loại truyện đọc.

Ngoài ra, bàn còn có một ngăn kéo rất thuận tiến, tớ thường để những bài kiểm tra và giấy tờ quan trọng vào trong đó. Mỗi khi về đến nhà, nhìn thấy bàn là tớ lại muốn ngồi học luôn. không chỉ có bàn là bạn thân thôi mà luôn sát cánh bên tớ và bàn là bạn ghế. Bạn ấy cũng được tạo nên bởi gỗ và có bộ quần áo y trang bàn, trông hai bạn ấy thật ngộ ngĩnh! Bàn luôn giúp tớ ngồi học một cách thoải mái, vào mỗi buổi sáng tớ vừa học, vừa nghe tiếng chim hót trong trẻo ngoài vườn và nhìn những tia nắng sớm dịu dàng chen qua kẽ lá, nhảy nhót trên mặt bàn như nô đùa với tớ. Chính điều đó đã tạo cho tớ một cảm hứng để học tốt hơn!

Trải qua đã bao năm rồi, bàn và ghế – người bạn thân thiết của tớ, giúp tớ đạt những danh hiệu học sinh giỏi và dù cho có lớn lên, có học cao hơn nữa thì hai bạn ấy sẽ luôn là người bạn giúp tớ đi tới những chân trời mơ ước.

Thuyết minh về chiếc bàn học – Mẫu 5

Trong góc học tập của mỗi người học trò đều có một cái bàn. Cái bàn là một đồ dùng học tập và sinh hoạt rất thân thiết với mỗi chúng ta thời cắp sách.

Vật liệu để làm bàn học thường bằng gỗ. Phần lớn bằng gỗ thường. Mặt bàn là một hình chữ nhật, dài độ 120 cm, rộng 60 cm, bằng gỗ tấm hoặc gỗ dáng. Cái bàn theo kiểu cổ có bốn chân và chiếc ngăn kéo. Cái bàn theo kiểu mới có ngăn phụ chạy song song với mặt bàn, phía bên phải là một cái buồng có chiều cao độ 60- 70 cm, rộng độ 50 cm, chiều dài 60 cm bằng chiều rộng mặt bàn, chứa được bao nhiêu thứ. Người thợ mộc đã dùng hai tấm ván gỗ, vừa tạo thành chân bàn, vừa để làm ngăn bàn đựng đồ dùng, sách vở; cái bàn trở nên vuông vắn, vững chắc.

Mặt bàn có thể bằng gỗ tấm bào nhẵn hoặc bằng gỗ dán phẳng lì được sơn hoặc đánh véc-ni màu, bóng lộn, đẹp mắt. Bàn được kê vào một nơi hợp lí trong gian nhà, thường gần cửa sổ, hướng ra sân ra vườn, nơi có ánh sáng chiếu rọi vào làm cho góc học tập được thoáng đãng.

Trên mặt bàn của người học sinh nào cũng có ít sách vở, cái đèn bàn, cái đồng hồ và một vài thứ đồ dùng học tập khác. Có thể đặt một lọ hoa nhỏ, trang trí một vài tranh ảnh đẹp cắt từ họa báo. Chỉ nhìn qua những thứ xếp đặt, bày biện… trên mặt bàn, là có thể hiểu được phần nào đạo đức, nếp sống, nếp sinh hoạt và tinh thần học tập của cô, cậu học trò – chủ nhân của cái bàn ấy.

Ngoài học ở trường ban ngày, học trò còn phải từ học ở nhà. Mỗi tối, mặt bàn được ánh đèn chiếu sáng, trở thành nơi học bài, làm bài của người học trò. Thời gian tự học gắn liền với cái bàn có thể dài, ngắn khác nhau, càng học lên cao, nhiều học sinh có thể ngồi học bài, làm bài đến 10-11 giờ khuya mới đi ngủ.

Ngày xưa, cái bàn học của các nho sinh gọi là cái án thư. Nguyễn Trãi có câu thơ Quốc âm: “Án sách, cây đèn hai bạn cũ”. Trong những năm dài “nấu sử sôi kinh”, cái đèn, cái bàn (án thư) trở thành người bạn vô cùng thân thiết với cậu tú, ông cống, ông nghè tương lai.

Cái bàn phải đi liền với cái ghế; cái ghế để ngồi học, ngồi đọc sách, làm bài.

Cạnh cái bàn học thường có tủ sách hoặc giá sách. Cái bàn là một vật dụng bình dị, thân thiết, nó phản ánh đầy đủ nhất nền nếp, truyền thống hiếu học của bất cứ gia đình nào, người học sinh nào. Gia đình văn hoá phải có góc học tập, cái bàn học đàng hoàng cho tuổi trẻ, cho con cái thời cắp sách.

Thuyết minh về chiếc bàn học – Mẫu 6

Trong các đồ vật gia đình, từ cái lọ hoa đến chiếc tivi, vật nào đối với em cũng thân thiết và có nhiều kỉ niệm nhưng em thích nhất và gắn bó nhất với chiếc bàn học nhỏ xinh của mình.

Gia đình em ở thành phố nên rất chật hẹp, có được góc học tập riêng là điều không phải dễ. Thông thường cả nhà cùng ngồi làm việc ở chiếc bàn trong phòng khách, đồng thời cũng là phòng ăn và nơi để xe máy vào buổi tối. Đầu năm học lớp 8, ba em làm thêm cái gác gỗ cơi nới cho căn nhà được rộng hơn. Thế là em có được một cơ ngơi riêng cho mình và người bạn trung thành – tên gọi mà em đặt cho chiếc bàn của mình – bắt đầu xuất hiện và gắn bó với em từ đó.

Tham khảo thêm:   Tập làm văn lớp 5: Tả cảnh thanh bình ở một miền quê hay thành phố Dàn ý & 9 bài văn tả cảnh lớp 5 hay nhất

Người bạn trung thành của em thật xinh xắn chiều ngang chỉ độ 0,5m chiều dài khá hơn 0,8m và chiều cao 0,6m rất phù hợp với chiều cao khiêm tốn của chủ nhân nó chỉ có l,5m. Chiếc bàn được làm bằng gỗ xoan đào khá chắc chắn, có màu nâu nhạt thơm phức mùi gỗ, trên mặt bàn có những đường vân lượn sóng hình bầu dục. Mặc dù bé nhưng người bạn trung thành của em vẫn rất thuận tiện. Có tới ba ngăn kéo hẳn hoi tha hồ để em đựng sách vở và đồ dùng hoc tập. Trước đây toàn bộ sách vở của em phải cất thành một chồng, giờ đây em phân chia ra ở hai ngăn kéo anh em (vì có ngăn trên và ngăn dưới) một ngăn em để sách, một ngăn em để tập ghi và vở làm bài tập. Ngăn thứ ba ở phía tay phải không sâu bằng nhưng lại rộng hơn rất nhiều, em để bút mực, thước kẻ và một vài đồ dùng học tập khác. Chiếc đồng hồ báo thức hình quả quýt em để nó ở dưới chân củạ chiếc đèn bàn để nó luôn nhắc nhở em học bài và thức dậy đúng giờ.

Từ khi có chiếc bàn mới, ngồi học em cảm thấy dễ chịu hơn, tập trung hơn, tính bừa bộn của em cũng giảm đi rất nhiều. Em thích sắp đặt cho cơ ngơi của mình được sạch sẽ ngay ngắn. Mỗi lần ngồi vào bàn đặt tay trên mặt bàn nhẵn cảm giác thật mát mẻ, dễ chịu.

Mẹ dặn em để giữ cho mặt bàn được bóng lâu không nên để những đồ vật quá nóng lên mặt bàn, tránh dùng những đồ vật nhọn cứng, sắc cạnh để lên mặt bàn sẽ làm cho bàn bị trầy xước. Ba mua cho em tấm kính trong để lên trên vừa bảo vệ được mặt bàn lại vừa tha hồ trang trí. Em chọn hình một con gà trống to với cái mào đỏ chót, cái đuôi cong vút đang vươn cổ gáy dõng dạc để vào ngay chính giữa – vì em cầm tinh con gà mà.

Chiếc bàn gắn bó với em khuya sớm và sẽ còn đi suốt cả quãng đường học sinh. Chiếc bàn là người bạn trung thành yêu mến của em.

Thuyết minh về chiếc bàn học – Mẫu 7

Bàn học là một trong những đồ vật không thể thiếu đối với mỗi học sinh. Cái bàn không những giúp học sinh có không gian học tập, sắp xếp sách vở mà còn là nơi để học sinh tiến hành các hoạt động học tập ở trường và tại nhà một cách hiệu quả. Bàn học tập còn tạo ra cho học sinh một không gian riêng biệt, là thế giới riêng mà ở đó học sinh có thể làm những gì mình thích. Chiếc bàn học là một người bạn và sinh hoạt rất thân thiết, gần gũi của mỗi học sinh lúc ở trường cũng như lúc ở nhà.

Chiếc bàn học xuất hiện từ thời xa xưa, khi con người có kiến thức thì chiếc bàn học được ra đời, theo thời gian qua nhiều giai đoạn nhiều quá trình con người đã thiết kế ra một sản phẩm đa dạng, chiếc bàn học phù hợp với mọi lứa tuổi học sinh để phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt của con người.

Ở nhà, trong góc học tập của mỗi người học trò đều có một cái bàn. Tùy theo kích thước của phòng học, sở thích của mỗi người mà cái bàn học có dài, rộng, hẹp khác nhau. Chiếc bàn được cấu tạo thường là bằng gỗ nhưng phần lớn là gỗ thường. Bàn học thường gồm: mặt bàn, thân bàn và ngăn bàn. Mặt bàn phẳng, hình chữ nhật, có chiều dài độ 110-120 cm, chiều rộng khoảng 50 – 60cm, nhiều khi lớn hơn. Mặt bàn nào cũng vậy, cũng phải bằng phẳng và nhẵn để giúp cho chúng ta dễ viết và rèn luyện chữ đẹp. Ngược lại nếu mặt bàn chúng ta gồ ghề thì sẽ rất khó khăn trong việc học tập khi viết chữ và tạo cảm giác không thoải mái khi học, khiến cho học sinh chán nản về góc học tập của mình

Bộ khung sắt được kết nối thành thân bàn và chân bàn. Thân bàn bao gồm chân đỡ và hộp bàn. Bốn chân bàn được đóng bằng gỗ chắc chắn, vững chãi. Hộp bàn là bộ phận gắn kết với ngăn bàn. Bàn có ngăn bàn thụt lại, được đóng cố định để đựng sách vở. Cùng với bàn là ghế ngồi. Ghế ngồi thường được tách rời khỏi bàn, có lưng tựa giúp học sinh không bị mỏi lưng, giúp cho việc học trở nên thoải mái.

Ở trường, bàn học sinh nhỏ gọn hơn bộ bàn học ở nhà để phù hợp với không gian nhỏ hẹp. Bàn ghế học tập ở trường được đóng hết sức đơn giản, chủ yếu hướng đến tính tiện lợi hơn à thẩm mĩ. Bộ bàn chỉ gồm một mặt bàn phẳng để đặt vở ghi chép, hộp bàn chứa đựng dụng cụ học tập và ghế ngồi. Ghế có thể đóng liền hoặc tách rời ra khỏi bàn.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại bàn học đa dạng phong phú với nhiều hãng mẫu mã khác nhau, chiếc liệu phù hợp với túi tiền của người mua. Mỗi học sinh ngoài học ở trường ban ngày còn phải tự học ở nhà nên ngày nay, cho ra đời hai loại bàn phổ biến bàn học trên lớp và bàn học ở nhà. Đặc biệt khi viết muốn nét chữ được đẹp, mềm mại, việc học trở nên dễ dàng hơn thì chiếc bàn học nào cũng vậy, phải có mặt bàn phẳng, nhẵn. Nếu mặt bàn gồ ghề thì chắc hẳn mỗi học sinh đều thấy chán nản với việc học của mình, không thích góc học tập của mình.

Chiếc bàn học là người bạn thân thiết của mỗi học sinh, thế nên cần phải biết yêu quý, trân trọng và bảo vệ. Để có giữ chiếc bàn sạch sẽ, luôn mới và không hỏng thì không được xô đẩy bàn ghế, không được trèo lên bàn ghế, không vẽ bậy nên bàn, giữ bàn luôn ngay ngắn. Nên sắp xếp sách vở gọn gàng sau khi học xong. Chỉ nhìn qua những thứ xếp đặt, bày biện trên mặt bàn là có thể hiểu được phần nào đạo đức, nếp sống, nếp sinh hoạt và tinh thần học tập của cô, cậu học trò chủ nhân của chiếc bàn học ấy. Vì vậy, ta cần có ý thức giữ gìn bàn học ở lớp cũng như ở nhà, nên trang trí học tiết vào bàn học ở nhà để nơi học tập thêm sinh động và đa dạng.

Trên thị trường hiện nay, chiếc bàn được bán ở rất nhiều nơi, đa dạng nhiều kiểu, màu sắc phong phú để cho chúng ta có nhiều lựa chọn về chiếc bàn học lý tưởng của mình

Không có bàn ghế thì không thể tiến hành hoạt động học tập ở nhà trường. Cái bàn học tập gắn bó với cuộc đời người học sinh, giúp nâng cánh những ước mơ, khát vọng vươn xa. Cái bàn thân thuộc như người bạn, cùng học sinh sẻ chia biết bao vui buồn. Ai đi xa mà không nhớ đến.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thuyết minh về chiếc bàn học (2 Dàn ý + 7 mẫu) Bài văn thuyết minh hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *