Soạn bài Hạt thóc giúp các em học sinh lớp 2 nhanh chóng trả lời các câu hỏi đọc, viết, nói và nghe củaBài 7 chủ đề Vẻ đẹp quanh em SGK Tiếng Việt 2 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống trang 31, 32, 33.
Qua đó, còn giúp các em học sinh luyện viết chữ hoa T, kể chuyện Sự tích cây khoai lang. Đồng thời, cũng giúp thầy cô soạn giáo án cho học sinh của mình theo chương trình mới. Vậy mời thầy cô và các em tải miễn phí bài viết dưới đây của Wikihoc.com:
Soạn bài phần Đọc – Bài 7: Hạt thóc
Khởi động
Giải câu đố:
Hạt gì nho nho nhỏ
Trong trắng ngoài vàng
Xay, giã, giần, sàng?
Nấu thành cơm dẻo
(Là hạt gì?)
Gợi ý trả lời:
Là Hạt thóc.
Trả lời câu hỏi
1. Hạt thóc được sinh ra ở đâu?
2. Những câu thơ nào cho thấy hạt thóc trải qua nhiều khó khăn?
3. Hạt thóc quý giá đối với con người như thế nào
4. Em thích nhất câu thơ nào? Vì sao?
Gợi ý trả lời:
1. Hạt thóc được sinh ra từ cánh đồng.
2. Những câu thơ cho thấy hạt thóc trải qua nhiều khó khăn:
Một cuộc đời bão dông
Tôi ngậm ánh nắng sớm
Tôi uống giọt sương mai
Tôi sống qua bão lũ
Tôi chịu nhiều thiên tai
3. Hạt thóc quý giá đối với con người: Hạt thóc tuy nhỏ bé nhưng có ích vì hạt thóc nuôi sống con người.
4. Em thích nhất câu thơ:
“Tôi chỉ là hạt thóc
Không biết hát biết cười
Nhưng tôi luôn có ích.
Vì nuôi sống con người.
Em thích câu thơ đó vì câu thơ nói lên tác dụng, lợi ích của hạt thóc với đời sống con người.
Luyện tập theo văn bản đọc
1. Từ nào trong bài thơ cho thấy hạt thóc tự kể chuyện về mình?
2. Đóng vai hạt thóc, tự giới thiệu về mình.
G:
- Tôi là (…..)
- Tôi sinh ra từ (…..)
- Tôi có ích vì (…..)
Gợi ý trả lời:
1. Từ trong bài thơ cho thấy hạt thóc tự kể chuyện về mình: Tôi.
2. Tôi là hạt thóc nhỏ. Tôi được sinh ra trên cánh đồng lúa vàng ươm. Tôi trải qua biết bao nắng mưa, sương gió, bão lũ để nảy nở. Dẫu tôi mong manh, gầy guộc và nhỏ bé nhưng con người vẫn rất yêu quý và trân trọng tôi. Vì tôi đã nuôi sống con người hàng ngày.
Soạn bài phần Viết – Bài 7: Hạt thóc
1. Viết chữ hoa: T
Gợi ý trả lời:
- Quan sát chữ viết hoa T: Cỡ vừa cao 5 li, cỡ nhỏ cao 2,5 li. Gồm 3 nét cơ bản: cong trái (nhỏ), lượn ngang (ngắn) và cong trái (to) nối liền nhau tạo vòng xoắn nhỏ ở đầu chữ.
- Cách viết: Đặt bút giữa đường kẻ 4 và đường kẻ 5, viết nét cong trái (to) cắt nét lượn ngang và cong trái (nhỏ), tạo vòng xoắn nhỏ ở đầu chữ, phần cuối nét cong lượn vào trong (giống chữ hoa C), dừng bút trên đường kẻ 2.
2. Viết ứng dụng: Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.
Gợi ý trả lời:
Viết chữ hoa T đầu câu, chú ý cách nối chữ viết hoa với chữ viết thường, khoảng cách giữa các tiếng trong câu, vị trí đặt dấu phẩy để ngăn cách các vế trong câu và dấu chấm cuối câu.
Soạn bài phần Nói và nghe – Bài 7: Hạt thóc
1. Dựa vào tranh và câu hỏi gợi ý, đoán nội dung của từng tranh:
2. Nghe kể chuyện.
3. Kể lại từng đoạn của câu chuyện theo tranh.
Gợi ý trả lời:
1. Dựa vào tranh và câu hỏi gợi ý, đoán nội dung của từng tranh:
- Tranh 1: Hai bà cháu nghèo khổ hàng ngày phải đi đào cây rau củ để ăn
- Tranh 2: Chẳng may, khu rừng cháy to. Cậu bé buồn quá, bưng mặt khóc.
- Tranh 3: Một hôm, cậu bé đào được một củ rất lạ, ruột của nó màu vàng. Cậu bé nghĩ đào thêm mấy củ mang về mời bà ăn
- Tranh 4: Cậu bé chỉ cho mọi người cách chăm bón để tới mùa thu hoạch thu được nhiều củ.
2. Nghe kể chuyện
Sự tích cây khoai lang
(1) Ngày xưa, có hai bà cháu nghèo khổ, hằng ngày phải đi đào củ mài để ăn. Một hôm, cậu bé nói với bà:
– Bà ơi, cháu đã lớn. Cháu sẽ làm nương, trồng lúa để có gạo nấu cơm.
Từ đó, cậu bé chăm chỉ trồng cây trên nương.
(2) Năm đó, gần đến ngày thu hoạch lúa thì chẳng may khu rừng bị cháy. Nương lúa thành tro. Cậu bé buồn quá, nước mắt trào ra. Bỗng, Bụt hiện lên, bảo:
– Ta cho con một điều ước, con ước gì?
– Dạ, con chỉ mong bà của con không bị đói khổ.
Bụt gật đầu và biến mất.
(3) Hôm ấy, cậu bé đào được củ gì rất lạ. Củ bị lửa rừng hun nóng, có mùi thơm ngòn ngọt. Cậu bé nếm thử, thấy rất ngon, bèn đào thêm mấy củ nữa đem về cho bà. Bà tấm tắc khen ngon và thấy khoẻ hẳn ra. Cậu bé kể lại câu chuyện gặp Bụt cho bà nghe, bà nói:
– Vậy củ này chính là Bụt ban cho đấy. Cháu hãy vào rừng tìm thứ cây quý đó đem trồng khắp bìa rừng, bờ suối để người nghèo có cái ăn.
(4) Cậu bé làm theo lời bà dặn. Chỉ mấy tháng sau, loài cây lạ mọc khắp nơi, rễ cây phình to ra thành củ có màu tím đỏ. Từ đó, nhà nhà hết đói khổ. Mọi người gọi cây đó là “khoai lang”. Đến bây giờ, khoai lang vẫn được nhiều người ưa thích.
3. Kể lại từng đoạn của câu chuyện theo tranh.
Tranh 1:
Ở bìa rừng, có hai bà cháu nghèo khổ sinh sống. Hằng ngày, hai bà cháu phải đi đào củ mài để ăn. Một hôm, cậu bé nói với bà:
– Bà ơi, bây giờ cháu đã lớn. Từ nay trở đi, cháu sẽ đi kiếm củi đổi lấy thóc giống và cây lúa để có gạo nấu cơm cho bà ăn, ăn củ mài mãi thì khổ lắm!
Từ đó, cậu bé cấy cày và chăm chút cho nương lúa của mình. Nhìn cây lúa trổ bông, rồi chín vàng, cậu sung sướng nghĩ: “Thế là bà sắp được ăn cơm rồi!”.
Tranh 2:
Nhưng chẳng may, một hôm cả khu rừng bị cháy thành tro. Cậu bé buồn quá, bưng mặt khóc. Bỗng có ông Bụt hiện lên và bảo:
– Hỡi cậu bé hiếu thảo chăm chỉ, ta cho con một điều ước, con hãy ước đi!
– Thưa ông, con chỉ mong bà của con không bị đói thôi, bà con già yếu lắm rồi…
Ông Bụt gật đầu và biến mất.
Buổi trưa cậu bé vào rừng đào củ mài nhưng kiếm mãi cũng chẳng còn củ nào. Đến vài cái nấm hay khóm măng chua cũng chẳng có.
Tranh 3:
Bỗng cậu bé đào được một củ gì rất lạ. Ruột nó màu vàng nhạt và bột mịn mềm. Cái củ đó cũng bị lửa rừng hâm nóng và bốc mùi thơm ngòn ngọt. Cậu bé bẻ một miếng nếm thử thì thấy ngon tuyệt, Cậu bèn đào thêm mấy củ nữa đem về mời bà ăn. Bà cũng tấm tắc khen ngon và thấy khỏe hẳn ra. Bà hỏi:
– Củ này ở đâu mà ngon vậy hả cháu?
Cậu bé hào hứng kể lại câu chuyện được gặp ông Bụt cho bà nghe. Bà nói:
– Vậy thì thức củ này là của ông Bụt ban cho người nghèo chúng ta đấy. Cháu hãy vào rừng tìm thứ cây quý đó đem trồng khắp bìa rừng, bờ suối để cho mọi người nghèo cũng có cái ăn.
Tranh 4:
Nếu ai muốn trồng, chỉ cần đem vài dây khoai xuống đất và chăm bón thì tới mùa sẽ thu hoạch được rất nhiều củ.
Và cho đến bây giờ, khoai lang vẫn được nhiều người ưa thích.
Soạn bài phần Vận dụng – Bài 7: Hạt thóc
Kể cho người thân về những việc làm tốt của người cháu trong câu chuyện trên.
Gợi ý trả lời:
Lúc còn nhỏ, cậu bé vào rừng, đào củ mài cùng bà kiếm sống. Khi lớn, cậu chăm chỉ lên nương cày cấy để có gạo nấu cơm. Nương lúa bị cháy, cậu đào củ đem về cho bà. Cậu trồng cây quý khắp bìa rừng để người nghèo có cái ăn.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Soạn bài Hạt thóc (trang 31) Tiếng Việt lớp 2 Kết nối tri thức Tập 2 – Tuần 22 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.