Bạn đang xem bài viết ✅ Cách viết đoạn văn nghị luận văn học Phương pháp viết đoạn văn nghị luận văn học – Ôn thi vào lớp 10 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Cách viết đoạn văn nghị luận văn học tổng hợp cách viết, cách lập dàn ý cùng 5 đề tham khảo cho các em học sinh nắm được phương pháp, nhanh chóng hoàn thiện đoạn văn nghị luận của mình thật hay.

Khi đã hiểu kỹ, nắm vững được cách viết đoạn văn nghị luận văn học các em sẽ dễ dàng hoàn thiện đoạn văn của mình trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2022 – 2023. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm cách chuyển ý, cách mở bài nghị luận văn học để ôn thi đạt kết quả cao. Mời các em cùng tải miễn phí:

Cách viết đoạn văn nghị luận văn học

Đọc và tìm hiểu chung về tác phẩm: Tìm hiểu về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, tóm tắt tác phẩm (nếu là tác phẩm tự sự), tìm hiểu nhan đề tác phẩm…từ đó bước đầu xác định chủ đề của tác phẩm.

Đọc và tìm hiểu chi tiết: Đọc phân tích từng phần như phân tích đoạn văn, đoạn thơ, phân tích nhân vật, phân tích hình tượng, hình ảnh, chi tiết, hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ,…từ đó đọc ra tư tưởng, thái độ tình cảm của tác giả trước vấn đề xã hội, trước hiện thực cuộc sống được gửi gắm trong tác phẩm. Trên cơ sở kiến thức về đọc hiểu tác phẩm, để kiểm tra, đánh giá và tự kiểm tra, đánh giá kĩ năng nói viết của bạn đọc học sinh về những kiến thức đọc hiểu cụ thể, cần có những bài tập rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn.

Các loại đoạn văn Nghị luận văn học cần phải viết:

  • Đoạn văn giới thiệu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
  • Đoạn văn tóm tắt tác phẩm.
  • Đoạn văn giải thích ý nghĩa nhan đề của tác phẩm.
  • Đoạn văn phân tích một chi tiết quan trọng, từ ngữ đặc sắc của tác phẩm.
  • Đoạn văn phân tích đặc điểm nhân vật.
  • Đoạn văn phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ.
  • Đoạn văn phân tích, cảm nhận về một đoạn văn, đoạn thơ.

Dàn ý khái quát đoạn văn nghị luận văn học

1. Đối tượng được bàn đến

Đối tượng của bài văn nghị luận về thơ rất đa dạng:

  • Một đoạn thơ, bài thơ, một hình tượng nghệ thuật.
  • Giá trị chung của đoạn thơ, bài thơ, hoặc là một khía cạnh, một phương diện nội dung hoặc nghệ thuật.

2. Yêu cầu chung

  • Đọc kĩ đề bài, hình dung các kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm: hoàn cảnh sáng tác, nội dung khái quát, giá trị nghệ thuật nổi bật của bài thơ, đoạn thơ.
  • Xác định vấn đề cần nghị luận, các thao tác lập luận sử dụng và phạm vi dẫn chứng đưa vào trong bài làm.
  • Lập dàn ý sơ lược dựa trên một số câu hỏi thông thường như: bài thơ, đoạn thơ hay ở đâu? Hình thức nghệ thuật thể hiện là gì? Các thủ pháp chủ yếu sử dụng? Những từ ngữ nào cần đi sâu phân tích?…

3. Dàn ý khái quát

a) Mở bài:

  • Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận (một phương diện nội dung, nghệ thuật…)

b) Thân bài: Dù là dạng bài nào, học sinh cũng cần đảm bảo đù ba luận điểm cơ bản sau:

* Luận điểm 1: Khái quát chung

  • Nêu hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung khái quát của bài thơ.
  • Hoặc là giải thích thuật ngữ.

* Luận điểm 2: Làm rõ vấn đề nghị luận

  • Phân tích bài thơ, đoạn thơ theo yêu cầu của đề (có thể theo trình tự câu thơ hoặc theo trình tự ý).
  • Hoặc phân tích bài thơ, đoạn thơ để làm rõ một định hướng nào đó (chia luận điểm theo nội dung của định hướng)

* Luận điểm 3: Đánh giá chung (bình luận)

  • Đánh giá khái quát về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ.

c) Kết bài:

  • Khái quát, khẳng định vấn đề nghị luận.

Đoạn văn nghị luận văn học

Đề 1

“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm”

Em hãy viết một đoạn văn diễn tả suy nghĩ của em về tình đồng đội của những người chiến sĩ lái xe được miêu tả trong hai khổ thơ trên?

Tham khảo thêm:   Công thức tính nhiệt lượng tỏa ra Nhiệt lượng tỏa ra

ĐÁP ÁN

– Câu mở đoạn: Với giọng điệu thơ khỏe khoắn, tự nhiên, 2 khổ sau đây trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật đã thể hiện tình đồng đội, đồng chí thắm thiết của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn

“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm”

– Triển khai

+ Hành trình ra trận của những người lính cũng là hành trình gắn kết tình bạn bè

+ Ở câu thơ đầu tiên hình ảnh “Những chiếc xe từ trong bom rơi” cho thấy từ trong mưa bom lửa đạn, từ trong gian khó, những chiến sĩ lái xe vượt qua sự khốc liệt của chiến tranh để hoàn thành nhiệm vụ và gặp lại đồng đội của mình. Tình đồng đội của họ nở bung như hoa suốt chặng đường chiến đấu:

Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi

+ Họ gặp nhau và chào hỏi nhau thật độc đáo. Những chiếc xe không kính chắn gió là một bất lợi giờ đây là một điều kiện thuận lợi để người lính trao nhau cái bắt tay vội vàng mà chan chứa niềm vui, ấp áp tình đồng đội. Qua cái bắt tay, họ truyền cho nhau cả tâm hồn, tình cảm và cả niềm tin chiến thắng.

+ Trên bước đường ra trận, người lính còn có phút giây nghỉ ngơi, xum họp như một gia đình:

“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm”

+ Cách định nghĩa về gia đình thật giản dị, mộc mạc đến bất ngờ “Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”. Thực sự những người lính không chỉ chung bát, chung đũa, chung nắm cơm, bếp lửa mà còn cả con đường con đường khó khăn, gian khổ để tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất đất.

+ Câu thơ “Võng mắc chông chênh đường xe chạy” thật hay và thú vị. Từ láy “Chông chênh” có giá trị gợi hình và biểu cảm cao. Nó diễn tả chính xác trạng thái của người lính lái xe. Dù nghỉ hay ngủ thì trong tâm tưởng vẫn lắc lư theo nhịp xe chạy. Hơn nữa từ láy đó còn gợi lên con đường Trường Sơn gập ghềnh, trắc trở, cuộc đời người lính thật gian lao

+ Câu thơ tiếp theo giản dị mà giàu tinh thần lạc quan “Lại đi,lại đi trời xanh thêm”

+ Điệp từ “lại đi, lại đi” kết hợp với nhịp thơ 2/2/3 phản ánh nhịp sống thường nhật của tiểu đội xe không kính, ngày đêm đoàn xe vẫn nối tiếp nhau ra trận hơn nữa nó còn phản ánh không khí khẩn trương, gấp gáp của cuộc chiến. Mặc dù con đường phía trước là gập ghềnh gian khó song bánh xe của tiểu đội xe không kính vẫn không ngừng quay.

+ Còn hình ảnh “Trời xanh thêm” là để ẩn dụ để chỉ niềm tin chiến thắng, sự lạc quan của người lính lái xe. Nó là biểu tượng cho những thắng lợi của cách mạng đang đến gần

– Chốt: Như vậy những năm tháng chiến tranh gian lao của đất nước đã gắn kết những người lính lại với nhau. Mặc dù phải chịu đựng biết bao gian khổ nhưng họ luôn sáng ngời tình đồng đội.

Đề 2

“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời nhìn thẳng”

Trình bày cảm nhận về khổ thơ em trên

ĐÁP ÁN

– Câu mở: Hình ảnh những chiếc xe không kính và tư thế ung dung, hiên ngang của người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn đã được Phạm Tiến Duật khắc họa chân thực qua khổ thơ sau:

“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời nhìn thẳng”

– Các ý triển khai

+ Câu thơ đầu tiên không cầu kì gọt rũa, đậm chất văn xuôi hơn là thơ. Tác giả đã lí giải vì sao những chiếc xe không có kính. Do bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi.

+ Đến câu thơ thứ 2, điệp từ “bom” được nhắc lại hai lần kết hợp với hai động từ mạnh “giật” “rung” khiến cho câu thơ bị giật lên, sốc nảy như những trận mưa bom, đạn nổ của chiến tranh.

+ Hai câu thơ sau, tác giả tập trung khắc họa tư thế của người lính lái xe. Từ láy “ung dung” được đảo lên đầu câu thơ nhằm nhấn mạnh tư thế hiên ngang, ung dung, đường hoàng của người lính lái xe. Các anh không hề run sợ né tránh sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh mà vẫn giữ tâm thế vững vàng.

Tham khảo thêm:  

+ Ở câu thơ cuối cùng, điệp từ nhìn được lặp lại 3 lần đã mở ra không gian đa chiều: đất, trời và con đường phía trước. Người lính ở đây không chỉ nhìn đất, nhìn trời mà còn nhìn thẳng vào con đường phía trước, nhìn thẳng vào những khó khăn thử thách không hề né tránh.

Đề 3

Viết đoạn văn Tổng – phân – hợp khoảng 10 câu nêu cảm nhận của em về tư thế của người lính lái xe ở 2 khổ thơ đầu của bài thơ. Trong đoạn văn có sử dụng một câu ghép chính phụ.

ĐÁP ÁN

– Câu mở đoạn: Tư thế ung dung, hiên ngang của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn được nhà thơ Phạm Tiến Duật đã khắc họa thật ấn tượng qua hai khổ thơ đầu bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”

– Triển khai

Các ý triển khai

Ý 1: Câu thơ đầu tiên không cầu kì gọt dũa, đậm chất văn xuôi hơn là thơ. Tác giả đã lí giải vì sao những chiếc xe không có kính. Do bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi.

Ý 2: Đến câu thơ thứ 2, điệp từ “bom” được nhắc lại hai lần kết hợp với hai động từ mạnh “giật” “rung” khiến cho câu thơ bị giật lên, xốc nảy như những trận mưa bom, đạn nổ của chiến tranh.

Ý 3: Hai câu thơ sau, tác giả tập trung khắc họa tư thế của người lính lái xe. Từ láy “ung dung” được đảo lên đầu câu thơ nhằm nhấn mạnh tư thế hiên ngang, ung dung, đường hoàng của người lính lái xe. Các anh không hề run sợ né tránh sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh mà vẫn giữ tâm thế vững vàng.

Ý 4: ở câu thơ cuối cùng, điệp từ nhìn được lặp lại 3 lần đã mở ra không gian đa chiều: đất, trời và con đường phía trước. Người lính ở đây không chỉ nhìn đất, nhìn trời mà còn nhìn thẳng vào con đường phía trước, nhìn thẳng vào những khó khăn thử thách không hề né tránh.

Ý 5: Phạm Tiến Duật đã dành trọn một khổ thơ để diễn tả những gì người lính nhìn thấy:

“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột như cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái”

– Những câu thơ tả thực tới từng chi tiết. Không có kính chắn gió, xe lại chạy nhanh các anh phải đối mặt với bao khó khăn, nguy hiểm, nào “gió vào xoa mắt đắng” rồi “sao trên trời”, “chim dưới đất”, đột ngột, bất ngờ như sa, như ùa – rơi rụng, va đạp, quăng ném… vào buồng lái, vào mặt mũi, cơ thể.

– Lái những chiếc xe không kính, người lính như được trực tiếp hòa mình với thiên nhiên, vũ trụ. Cả thiên nhiên vũ trụ như ùa vào buồng lái . Các động từ “sa”, “ùa” cho thấy giữa người lính và thiên nhiên không hề có sự ngăn cách.

– Biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa đã cho thấy hiện thực khốc liệt của chiến tranh được tác giả cảm nhận bằng tâm hồn lãng mạn. Những gian khổ, hiểm nguy của chiến tranh nhưng giờ đây là cơ hội để người lính giao hòa gần gũi với thiên nhiên trên những con đường bom rơi đạn nổ.

Ý 6: Đặc biệt hình ảnh “Con đường chạy thẳng vào tim” vừa là hình ảnh thực vừa là hình ảnh mang tính ẩn dụ. Con đường ấy không chỉ con Trường Sơn, con đường giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mà nó còn là con đường của con tim, của ý chí. Những câu thơ trên hé lộ diện mạo tinh thần thầm kín của người chiến sĩ lái xe.

Như vậy, với giọng điệu thơ ngang tàn khỏe khoắn, nhà thơ đã khắc họa thật ấn tượng tư thế ung dung, hiên ngang của người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn

Đề 4

Em hãy viết một đoạn văn khoảng 10 câu theo kiểu quy nạp, trình bày cảm nhận của em về tinh thần dung cảm, thái độ bất chấp khó khăn, gian khổ của người lính ở khổ thơ thứ 3,4 của bài thơ. Trong đoạn văn có sử dụng câu cảm thán.

ĐÁP ÁN

– Câu mở: Khổ 3,4 trong văn bản “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật đã làm nổi bật thái độ bất chấp gian khổ, khó khăn và tinh thần lạc quan, dũng cảm của những người lính lái xe.

Ý 1: Như chúng ta đã biết, những người lính phải lái những chiếc xe không kính trên tuyến đường Trường Sơn, ngày nắng thì bụi mù trời, ngày mưa thì mưa tuôn xối xả. Vậy mà họ bất chấp gian khổ, trái tim họ vẫn tràn đầy niềm lạc quan, sôi nổi:

Tham khảo thêm:  

“Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già”

Những tiếng “ừ thì” vang lên như một lời thách thức chấp nhận khó khăn đầy chủ động. Dường như mọi gian khổ, hiểm nguy của chiến tranh chưa mảy may làm ảnh hưởng đến tinh thần của họ. Gian khổ là dịp để họ thử chí làm trai.

– Qua hình ảnh so sánh hóm hỉnh “bụi phun tóc trắng như người già” ta có thể thấy mái tóc xanh của người lính qua mấy dặm đường đã chuyển thành tóc trắng. Những chi tiết hiện thực đã đày ắp cả câu thơ nhưng lại được hài hước hóa. Điều đó cho thấy người lính đã vượt lên khó khăn, gian khổ

– Bên cạnh đó cách hút thuốc còn rất lính tráng “phì phèo châm điếu thuốc” càng làm nổi rõ hơn thái độ bất chấp khó khăn gian khổ.

– Nhưng có lẽ ấn tượng nhất đối với người đọc là nụ cười đầy sảng khoái của những người lính được cất lên từ một gương “mặt lấm “khi đồng đội gặp nhau: “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha!”.

– Cái cười mới lạc quan, tự hào làm sao . Đó là khúc nhạc vui của tuổi 18, đôi mươi gợi cảm giác nhẹ nhõm, thanh thản xua tan những khó khăn, nguy hiểm.

– Khép lại bài thơ là câu thơ 7 tiếng có đến 6 tiếng gieo bằng thanh bằng “ Mưa ngừng gió lùa mau khô thôi” đã gợi cảm giác nhẹ nhõm, ung dung rất lạc quan thanh thản.

– Gió, bụi, mưa có thể gây bao khó khăn nhưng người lính lái xe đã bình thường hóa cái bình thường. Họ vượt lên trên tất cả, chấp nhận gian khổ như một sự tất yếu.

Đề 5

Hãy viết thành một đoạn văn diễn dịch 12 câu trình bày cảm nhận của em về khổ thơ sau:

“Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước.
Chỉ cần trong xe có một trái tim

ĐÁP ÁN

– Nội dung khái quát: Khổ cuối trong bài “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật đã thể hiện ý chí sắt thép và quyết tâm giải phóng miền Nam của những người lính lái xe Trường Sơn anh dũng.

– Các ý triển khai:

Ý 1: Khổ thơ cuối mở ra một kết cấu đối lập bất ngờ mà sâu sắc. Đối lập giữa 3 cái “không” và một cái “có”; giữa bên ngoài và bên trong chiếc xe; đối lập giữa sự thiếu thốn vật chất và sự giàu có về tinh thần của những người lính lái xe.

Trước hết, trải qua bom đạn những chiếc xe không kính biến đổi đến trần trụi

“Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui thùng xe có xước”

Phép điệp ngữ “không kính”, “không đèn” “không mui” “thùng xe có xước” và điệp từ “không” láy đi láy lại để nhấn mạnh sự tàn khốc và sự hủy diệt của chiến tranh. Những chiếc xe biến dạng, tàn tạ tưởng chừng như không đi được nữa. Nhưng nó vẫn kiên cường vượt lên trên bom đạn, hăm hở lao ra tuyền tuyến vì một nhiệm vụ thiêng liêng, vì tình yêu nước thiêng liêng, vì miền Nam thân yêu, vì nền độc lập và thống nhất tổ quốc.

Ý 2: Cụm từ “có một trái tim” ở câu thơ cuối cùng để khẳng định sức mạnh tinh thần to lớn của người chiến sĩ lái xe. Hình ảnh “trái tim” vừa là hình ảnh ẩn dụ đồng thời cũng là hình ảnh hoán dụ độc đáo. Hình ảnh hoán dụ chỉ người lính lái xe còn hình ảnh ẩn dụ chỉ lòng yêu nước nhiệt thành, chỉ ý chí giải phóng miền Nam rực cháy.

Từ “trái tim” đã trở thành nhãn tự, của cả bài thơ. Chiếc xe biến dạng đầy thương tích vẫn băng băng hướng ra tiền tuyến bởi nó mang mình một nguồn nhiên liệu vĩnh hằng đó là tình yêu tổ quốc thiêng liêng của những người lính lái xe.

Hai chữ “trái tim” khép lại bài thơ cũng là mở ra cho người đọc toàn bộ chân dung người lính. Họ mang trong mình con tim đang đập, đạp những nhịp đập của tình yêu nước, của khát vọng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Và đây chính là cội nguồn làm nên những chiến thắng của dân tộc Việt Nam trước kẻ thù.

Chốt: Chiến tranh ác liệt có thể tàn phá những phương tiện kỹ thuật vật chất, nhưng không thể đè bẹp được sức mạnh của tinh thần dân tộc.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Cách viết đoạn văn nghị luận văn học Phương pháp viết đoạn văn nghị luận văn học – Ôn thi vào lớp 10 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *