Bạn đang xem bài viết Cách sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 ra sao? tại Wikihoc.com bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
SpO2 là thiết bị kiểm tra nhịp tim và nồng độ oxy trong máu, giúp bệnh nhân có thể theo dõi tình trạng sức khỏe ngay tại nhà nhằm xử lý các biến cố cách kịp thời. Vậy cách sử dụng máy SpO2 ra sao? Hãy cùng Wikihoc.com tìm hiểu câu trả lời nhé!
Thông tin cơ bản về máy đo SpO2
Máy đo nồng độ Oxy trong máu SpO2
Thiết bị đo SpO2 là một dạng máy đo nồng độ oxy trong máu nhờ việc tiếp xúc với vùng da ở đầu ngón tay, ngón chân hoặc dái tai. Bác sĩ Phan Vũ Anh Minh, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho rằng các máy đo nồng độ oxy trong máu hiện tại rất đa dạng. Ưu điểm của máy đo SpO2 kẹp ngón đó là sự tiện lợi khi sử dụng, đồng thời rất nhỏ gọn và không gây đau, khó chịu cho người dùng.
Cơ chế hoạt động của máy đo SpO2 là sự phát ra các tia sáng hồng ngoại, có khả năng xuyên qua mao mạch và được hồng cầu trong máu hấp thụ một phần, phần còn lại sẽ được đầu dò cảm ứng của máy hấp thu, từ đó tính toán ra số lượng hồng cầu chứa oxy cũng như phần trăm độ bão hòa của oxy trong mao mạch máu.
Chỉ số SpO2 cho biết nồng độ Oxy trong máu
Saturation of peripheral oxygen, hay còn được viết tắt là SpO2, có nghĩa là chỉ số biểu hiện mức bão hòa của oxy trong máu ngoại biên, nhằm thể hiện khả năng vận chuyển oxy để đi nuôi các cơ quan khác của cơ thể. Hiện nay, chỉ số SpO2 được xem là dấu hiệu sinh tồn thứ 5, dấu hiệu quan trọng giúp phản ánh trạng thái sống còn của một con người.
Hướng dẫn sử dụng máy đo SpO2 kẹp ngón
Cách sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 được thực hiện như sau:
Bước 1Kiểm tra tình trạng máy bằng cách bật nút nguồn, quan sát mức pin, xem máy có phát ra ánh sáng hồng ngoại cũng như màn hình có sáng và hiển thị số hay không.
Bước 2 Khi đã chắc chắn máy biểu hiện bình thường, bạn mở kẹp máy đo và đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho chắc rằng ngón tay đã chạm đến điểm tận cùng của máy.
Bước 3 Khởi động máy bằng cách nhấn nút nguồn, trong lúc đo cần ngồi im và hạn chế cử động bàn tay.
Bước 4 Sau vài giây, bạn quan sát kết quả đo trên máy, ghi nhận lại và rút ngón tay ra. Khi máy đã tự động tắt (thường trong khoảng vài giây đến 1 phút), bạn có thể cất máy đo SpO2 đi để sử dụng cho những lần sau.
Hướng dẫn đọc thông số trên máy SpO2
Chỉ số to nhất và rõ ràng nhất thu được từ máy đo SpO2 chính là chỉ số nồng độ oxy trong máu. Với phạm vi đo từ 0 – 100% và sai số dao động trong khoảng ± 2%, bạn có thể quan sát chỉ số được hiển thị dưới dạng phần trăm tại chỗ có ghi chữ SpO2. Đồng thời, một người cho là mạnh khỏe bình thường sẽ có giá trị dao động từ 98 – 100%.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thu nhận chỉ số nhịp tim của mình tại nơi có hình trái tim hoặc ghi chữ PR (viết tắt của cụm từ pulse rate). Với phạm vi đo là từ 0 – 254 nhịp/phút, nếu kết quả nhận được trong khoảng từ 60 – 90 đối với người lớn khi đang nghỉ ngơi thì người đo đó có tim đập tốt, nhịp tim bình thường.
Dấu hiệu nồng độ Oxy trong máu giảm
Khi nồng độ oxy trong máu giảm xuống dưới mức 96%, bạn có thể gặp phải các dấu hiệu như ho; vã mồ hôi liên tục; gặp vấn đề trong hô hấp như khó thở, thở gấp, thở khò khè hoặc thở co kéo cơ hô hấp phụ; da tái nhợt; nhịp tim nhanh hoặc chậm hơn bình thường; trí nhớ giảm sút; cơ thể cảm thấy mệt mỏi, bứt rứt,…
Các yếu tố khiến máy SpO2 đo sai
Tuy cách sử dụng máy đo SpO2 khá đơn giản nhưng nếu không lưu ý một số chi tiết nhỏ thì vẫn có thể dẫn đến sự sai lệch kết quả. Cụ thể, theo thạc sĩ – bác sĩ Đặng Thanh Tuấn thuộc Tổ Đặc nhiệm Hồi sức hô hấp, bạn nên xoa ấm bàn tay trước khi đo SpO2, đồng thời không cử động trong quá trình đo để giúp thu được kết quả chính xác nhất.
Đồng thời, các yếu tố có thể gây nên sự suy giảm chỉ số SpO2 trên máy dù rằng cơ thể vẫn đủ oxy đã được bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương kể đến là: Sơn móng tay, môi trường đo có ánh sáng chiếu trực tiếp hay người đo bị lạnh, huyết áp thấp.
Giá và nơi mua máy đo SpO2
Hiện nay, có rất nhiều dòng thương hiệu sản xuất máy đo SpO2 với các mức giá khác nhau. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm khuẩn – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, bạn nên mua máy đo ở những cửa hàng thiết bị y tế uy tín có giá tối thiểu từ 400.000 – 500.000 đồng để đảm bảo độ tin cậy, chắc chắn của sản phẩm.
Đồng thời, bạn nên tránh các loại máy đo SpO2 có xuất xứ từ xưởng nhỏ lẻ của Trung Quốc có giá dưới 100.000 đồng mà thay vào đó nên tìm mua những dòng thuộc thương hiệu Microlife của Thụy Sĩ với giá khoảng 750.000 đồng hay Jumper-500Ec của Đức với giá khoảng 560.000 đồng để an tâm về độ bền của máy và độ chính xác của kết quả.
Trên đây là chi tiết thông tin về cách sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2. Hy vọng với bài viết này của Wikihoc.com, quá trình theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân cũng như các thành viên khác trong gia đình bạn sẽ được hiệu quả hơn nhé!
Nguồn: Vinmec
Wikihoc.com
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Cách sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 ra sao? tại Wikihoc.com bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.