Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn 2023 – 2024 gồm 15 đề có đáp án chi tiết kèm theo là nguồn tư liệu học rất hữu ích giúp giáo viên trong việc biên soạn, định hướng ra đề ôn thi theo hướng phát triển năng lực.
TOP 15 Đề thi thử môn Văn được biên soạn chuẩn sát với cấu trúc của Bộ GD&ĐT gồm phần Đọc hiểu phần Làm văn hai câu, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm. Thông qua bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn giúp các bạn luyện thi thật nhuần nhuyễn để có thể đạt điểm tối đa trong kì thi THPT Quốc gia sắp tới. Ngoài ra các bạn xem thêm cấu trúc đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn.
Đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Văn – Đề 1
Đề thi thử môn Văn
SỞ GD&ĐT ĐẮK LẮK TRƯỜNG THPT NGÔ GIA TỰ (Đề thi có 2 trang) |
KỲ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT Thời gian làm bài: 120 phút |
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Trong gần 3/4 thời gian của năm 2021, đại dịch đã khiến việc tiếp xúc trực tiếp giữa người với người gặp khó khăn. Giãn cách xã hội buộc nhiều cơ quan, trường học, xí nghiệp, bệnh viện phải tạm đóng cửa. Trong bối cảnh đó, phần lớn các giao tiếp đã được đưa lên môi trường số. Chuyển đổi số trong năm 2021 đã phát huy hiệu quả vai trò của mình không chỉ trong phòng chống dịch, mà còn là nền tảng giúp kinh tế, xã hội vận hành, tạo tiền đề để phục hồi và phát triển trong tương lai.
Trong công tác phòng chống dịch, các nền tảng số, dù còn gây bối rối ở giai đoạn đầu triển khai, đã dần thể hiện được giá trị của mình khi đi vào cuộc sống. Dữ liệu về người dân, tình hình dịch bệnh được số hóa. Các quy trình về khai báo y tế, khai báo di chuyển, tiêm chủng, được triển khai trên nền tảng số. Năm nay, học trực tuyến không còn là giải pháp tạm thời, mà được nhiều trường học áp dụng xuyên suốt, giúp học sinh không đến trường mà vẫn tiếp thu kiến thức. Bệnh nhân không cần lên bệnh viện tuyến trên, mà vẫn được thăm khám, điều trị bởi bác sĩ đầu ngành nhờ nền tảng khám chữa bệnh từ xa được triển khai tới toàn bộ trung tâm y tế tuyến huyện trên toàn quốc. Người dân không cần ra khỏi nhà mà vẫn có thể làm các thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công quốc gia, mua sắm được hàng hóa qua các trang thương mại điện tử. Doanh nghiệp họp bàn chiến lược, gặp mặt đối tác thông qua các buổi họp online…
Chuyển đổi số cũng giúp tạo ra nhiều ngành nghề kinh doanh mới, tạo ra việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền cho biết các lao động trong lĩnh vực công nghệ số đã tăng hơn 60.000, số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng thêm 5.600 so với năm 2020. Ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng gấp 3 lần so với tăng trưởng GDP.
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2: Theo văn bản, hiệu quả chuyển đổi số trong năm 2021 được đánh giá như thế nào?
Câu 3: Anh/chị, hiểu như thế nào về “bối rối” của việc sử dụng nền tảng số mà văn bản đã đề cập đến?
Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “Năm nay, học trực tuyến không còn là giải pháp tạm thời, mà được nhiều trường học áp dụng xuyên suốt, giúp học sinh không đến trường mà vẫn tiếp thu kiến thức.” được nêu trong văn bản không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Từ nội dung văn bản ở phần đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu ý kiến của anh/ chị về sự cần thiết của nền tảng số trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm):
Trong bóng tối, Mị đứng im lặng,như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn. Mị vẫn nghe thấy tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào!” Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.
Chó sủa xa xa. Chừng đã khuya. Lúc này là lúc trai đang đến bên vách làm hiệu, rủ người yêu dỡ vách ra rừng chơi. Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi.
Cả đêm ấy Mị phải trói đứng như thế. Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ. Hơi rượu toả. Tiếng sáo. Tiếng chó sửa xa xa. Mị lúc mê, lúc tỉnh. Cho tới khi trời tang tảng rồi không biết sáng từ bao giờ.
Mị bàng hoàng tỉnh. Buổi sáng âm sâm trong cái nhà gỗ rộng. Vách bên cũng im ắng. Không nghe tiếng lửa réo trong lò nấu lợn. Không một tiếng động. Không biết bên buồng quanh đấy, các chị vợ anh, vợ chú của A Sử có còn ở nhà, không biết tất cả những người đàn bà khốn khổ sa vào nhà quan đã được đi chơi hay cũng đang phải trói như Mị. Mị không thể biết .Ðời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài, một đời người chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng. Mị chợt nhớ lại câu chuyện người ta vẫn kể: đời trước, ở nhà thống lý Pá Tra có người trói vợ trong nhà ba ngày rồi đi chơi, khi về nhìn đến thì vợ chết rồi. Mị sợ quá, Mị cựa quậy, xem mình còn sống hay chết. Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói siết lại, đau đứt từng mảnh thịt.
(Trích Vợ chồng A Phủ- Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai, Nxb GD,2008, tr 8,9)
Cảm nhận hình tượng nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét ngắn về khát vọng sống của con người được Tô Hoài khắc hoạ qua đoạn trích
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn
Phần |
Câu |
Nội dung |
Điểm |
I |
ĐỌC HIỂU |
3.0 |
|
1 |
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận. |
0.75 |
|
2 |
Theo văn bản, hiệu quả chuyển đổi số trong năm 2021 được đánh giá là “đã phát huy hiệu quả vai trò của mình không chỉ trong phòng chống dịch, mà còn là nền tảng giúp kinh tế, xã hội vận hành, tạo tiền đề để phục hồi và phát triển trong tương lai”. |
0.75 |
|
3 |
Có thể hiểu “bối rối” của việc sử dụng nền tảng số mà văn bản đã đề cập đến là thái độ lúng túng, chưa quen, chưa thành thạo trong việc sử dụng trong các công nghệ hiện đại. (Thí sinh có thể lí giải khác miễn sao hợp lí) |
1.0 |
|
4 |
Thí sinh thể hiện rõ quan điểm: đồng tình/không đồng tình/đồng tình một phần và lí giải quan điểm của mình một cách hợp lí. Có thể tham khảo: Em đồng tình với ý kiến: “Năm nay, học trực tuyến không còn là giải pháp tạm thời, mà được nhiều trường học áp dụng xuyên suốt, giúp học sinh không đến trường mà vẫn tiếp thu kiến thức”. Vì: -Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 đang diễn ra thì dạy học trực tuyến là giải pháp tối ưu được nhiều trường áp dụng. – Đó là cách dạy học linh hoạt, tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học, giúp ổn định chất lượng dạy học dù dịch bệnh đang xảy ra. – Dù trực tiếp hay trực tuyến thì chất lượng giáo dục vẫn được đầu tư và có cách quản lí linh hoạt nên học sinh vẫn tiếp thu được kiến thức. |
0.5 |
|
II |
LÀM VĂN |
7.0 |
|
1 |
Từ nội dung văn bản ở phần đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu ý kiến của anh/ chị về sự cần thiết của nền tảng số trong cuộc sống. |
2.0 |
|
a) Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành |
0.25 |
||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự cần thiết của nền tảng số trong cuộc sống. |
0.25 |
||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ: sự cần thiết của nền tảng số trong cuộc sống. Có thể theo hướng sau: – Nền tảng số giúp chúng ta dễ dàng tiếp cận thông tin, kiến thức, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian và thời gian. – Việc sử dụng nền tảng số giúp cho chúng ta có nhiều cơ hội học tập, phát triển bản thân. – Chúng ta có thể trang bị những kĩ năng cần thiết để học tập và làm việc một cách tự chủ mà không bị gián đoạn bởi các yếu tố xung quanh. – Đây là cầu nối liên lạc, trao đổi thông tin của mọi người khắp mọi nơi dù ở bất cứ đâu và điều kiện như thế nào |
1.0 |
||
d) Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt |
0,25 |
||
e) Sáng tạo: Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,25 |
||
2 |
Cảm nhận hình tượng nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét ngắn về khát vọng sống của con người được Tô Hoài khắc hoạ qua đoạn trích. |
5.0 |
|
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một đoạn trích văn xuôi Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. |
0.25 |
||
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận Hình tượng nhân vật Mị trong đoạn trích; nhận xét ngắn về khát vọng sống của con người được Tô Hoài khắc hoạ qua đoạn trích. |
0.5 |
||
c) Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể đảm bảo các yêu cầu sau: |
|||
*Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ và đoạn trích. |
0.5 |
||
*Cảm nhận nhân vật Mị trong đoạn trích. – Hoàn cảnh của Mị Trước khi bị trói + Mị là cô gái trẻ đẹp, hiếu thảo, giỏi giang, chăm chỉ. +Vì món nợ hôn nhân từ đời của cha mẹ mà Mị phải làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá tra, sống cuộc đời nô lệ. + Cuộc đời của Mị từ đây rơi vào bi kịch nhưng ẩn sâu trong tâm hồn vẫn có khát vọng sống mãnh liệt -Khi mùa xuân đến: +Tiếng sáo gọi bạn văng vẳng bên tai. +Mị lén lấy hũ rượu uống ừng ực từng bát. +Mị nhớ về ngày trước. Mị còn trẻ. Mị muốn đi chơi. →A Sử lấy thắt lưng trói Mị lại -Tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tối bị A sử trói. + Mị lặng im trong bóng tối +Nghe tiếng sáo, Mị vùng bước đi, quên cảm giác bị trói, sức sống tiềm tàng trỗi dậy. +Tay chân đau không cử động được →Quay về thực tại phũ phàng đang bị trói. Lòng Mị đau đớn. +Mị lúc mê, lúc tỉnh. Mị nghĩ đến người đàn bà bị trói đến chết, Mị bàng hoàng tỉnh giấc. +Mị cựa quậy trong sợ hãi xem mình còn sống hay đã chết và sợi dây càng siết chặt khiến cho Mị đau đớn đến tột cùng. -Nghệ thuật: Tác giả đã thành công trong việc xây dựng diễn biến tâm lí nhân vật; cách kể chuyện tự nhiên; ngôn ngữ tinh tế, đậm màu sắc Tây Bắc… |
2.5 |
||
*Nhận xét ngắn về khát vọng sống của con người được Tô Hoài khắc hoạ qua đoạn trích. – Với ngôn ngữ giàu chất thơ, lời văn giàu tính tạo hình và ngòi bút khắc hoạ nội tâm nhân vật sắc sảo, Tô Hoài đã thể hiện thành công cuộc đời nô lệ, đớn đau, tủi nhục của Mị. – Nhân vật Mị đã khiến cho người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của khát vọng sống con người. Mị có tâm hồn trong sáng, khao khát hạnh phúc, sức sống mãnh liệt. Bạo lực và dây trói chỉ có thể trói buộc thể xác chứ không thể trói buộc được tình yêu và khát vọng sống của cô. – Tô Hoài đã ngợi ca khát vọng sống của người phụ nữ miền núi nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung. Qua nhân vật Mị giúp chúng ta hiểu hơn về tài năng và tấm lòng nhân đạo của Tô hoài. |
0.5 |
||
d) Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt |
0,25 |
||
e) Sáng tạo: Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,5 |
||
TỔNG ĐIỂM |
10 |
Đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Văn – Đề 2
Đề thi thử môn Ngữ văn
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản:
Thấu hiểu giống như cây cầu, ở hai đầu cầu chính là con đường; nếu không có cầu thì không thể đi từ đường bên này sang đường bên kia được. Cảm thông giống như cây dù, người đứng bên dưới luôn có cảm giác được che chở. Nếu vắng đi những điều đó, thế giới này sẽ trở nên vô cùng lạnh lẽo.
Thấu hiểu giúp ta bước khỏi vùng u tối, đến với một quang cảnh mới, giống như đi qua cây cầu sẽ đến với con đường lớn, những phiền não u ám cũng tự hóa thành bướm bay đi.
Tục ngữ nói: “Lùi một bước thì trời cao biển rộng”. Khoan dung người khác cũng là một cách đối xử tốt với bản thân, vì tha thứ cho người thì nụ cười sẽ ở lại với mình.
Con người, dù tốt đẹp thế nào cũng không thể thập toàn thập mỹ; tình cảm, dù toàn vẹn đến đâu cũng không thể không có tì vết. Nếu mở lòng bao dung đón nhận, sẽ cảm thấy thế giới này thật ra không đến nỗi tệ như bạn nghĩ.
Trong hành trình kỳ diệu của cuộc sống, có thể gặp nhau đã là một nhân duyên. Chúng ta nên trân trọng, đừng để sự giận dữ cuốn trôi bao ân tình tốt đẹp, để lại những hối tiếc muộn màng.
Bởi vì chúng ta đều có những muộn phiền, bất bình và nhiều việc không được như ý, nên đôi khi cảm thấy cả đất trời tăm tối, bất giác cảm khái: Nhân tình sao mỏng manh như giấy lụa?! Thật ra mặt trời luôn ấm áp, ánh ban mai vẫn sáng tươi mọi ngày, là có có lúc chúng ta đứng trong bóng râm mà thôi.
Bao dung người khác hoàn toàn không phải yếu đuối, mà thể hiện tấm lòng độ lượng, là một lựa chọn thông minh.
Chúng ta hãy cùng xây dựng cây cầu thấu hiểu, cùng bật lên cây dù cảm thông, cùng chia sẻ những gì tươi đẹp nhất của cuộc sống, để thế giới luôn tràn ngập ánh sáng ấm áp của mặt trời.
(Thả trôi phiền muộn, Suối Thông, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2019, tr22)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Theo tác giả, tại sao đôi khi cảm thấy cả đất trời tăm tối, bất giác cảm khái: Nhân tình sao mỏng manh như giấy lụa?
Câu 3. Anh/ Chị hiểu như thế nào về ý kiến: Cảm thông giống như cây dù, người đứng bên dưới luôn có cảm giác được che chở?
Câu 4. Thông điệp ý nghĩa nhất với anh/chị sau khi đọc văn bản là gì?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ văn bản đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết của lòng khoan dung trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi
Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa,chăn sui đắp cùng.
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô
Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa”.
(Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.111)
Cảm nhận của anh/ chị về nỗi nhớ của người ra đi với thiên nhiên, con người Việt Bắc, với cuộc sống sinh hoạt thời kháng chiến trong đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét cái tôi trữ tình thể hiện qua đoạn thơ.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn
Phần |
Câu |
Nội dung |
Điểm |
I |
ĐỌC HIỂU |
3,0 |
|
1 |
Phương thức biểu đạt chính: nghị luận |
0,75 |
|
2 |
Theo tác giả, đôi khi cảm thấy cả đất trời tăm tối, bất giác cảm khái: Nhân tình sao mỏng manh như giấy lụa vì chúng ta đều có những muộn phiền, bất bình và nhiều việc không được như ý. |
0,75 |
|
3 |
– Ý kiến Cảm thông giống như cây dù, người đứng bên dưới luôn có cảm giác được che chở có thể hiểu: + Cây dù là vật dùng để giúp con người che mưa, che nắng. Nhờ có dù mà con người tránh được những tác động tiêu cực của thời tiết. + Ý kiến sử dụng hình ảnh so sánh để khẳng định ý nghĩa, giá trịc ủa sự cảm thông trong đời sống. Nhờ sự cảm thông, cuộc sống của con người bình an, ý nghĩa hơn. |
1,0 |
|
4 |
Học sinh nêu thông điệp ý nghĩa với bản thân và lí giải hợp lí Sau đây là một gợi ý – Thông điệp ý nghĩa nhất với bản thân: Khoan dung người khác cũng là một cách đối xử tốt với bản thân. – Thông điệp trên đã cho tôi nhận thức được giá trị của lòng khoan dung trong cuộc sống. Khi chúng ta khoan dung cho người khác khi họ mắc lỗi lầm thì bản thân chúng ta cũng cảm thấy vui vẻ, thoải mái, không còn sống trong cảm giác tiêu cực như bực tức, giận dỗi, căm ghét…Thông điệp này cũng nhắc nhở thôi thay đổi quan điểm, thái độ sống để mở lòng, khoan dung với mọi người. Thiết nghĩ thông điệp không chỉ có ý nghĩa với bản thân tôi mà còn rất hữu ích với tất cả mọi người. |
0,5 |
|
II |
LÀM VĂN |
7,0 |
|
1 |
Viết một đoạn văn về sự cần thiết của lòng khoan dung trong cuộc sống. |
2,0 |
|
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. |
0,25 |
||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận sự cần thiết của lòng khoan dung trong cuộc sống. |
0,25 |
||
c. Triển khai vấn đề nghị luận Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ sự cần thiết của lòng khoan dung trong cuộc sống. Có thể theo hướng: – Khoan dung là rộng lượng, tha thứ, bỏ qua lỗi lầm của người khác. – Lòng khoan dung là một trong những đức tính tốt, là biểu hiện của lối sống đẹp, vị tha, vì người khác. – Trong cuộc sống, con người không thể tránh khỏi những sai lầm, khoan dung sẽ làm cho cuộc sống mỗi người trở nên tốt đẹp hơn đồng thời góp phần duy trì, phát triển những mối quan hệ. – Người có lòng khoan dung sẽ luôn sống vui vẻ, thoải mái và nhận được tình yêu thương, sự tôn trọng, tin tưởng của mọi người. – Sự khoan dung, nếu được dùng đúng chỗ và đúng lúc thì còn có tác dụng mạnh mẽ hơn sự trừng phạt, bởi nó tác động rất mạnh đến nhận thức mỗi con người… |
1,0 |
||
d. Chính tả, ngữ pháp Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. |
0,25 |
||
e. Sáng tạo Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,25 |
||
2 |
Phân tích đoạn thơ trong “Việt Bắc”. Từ đó nhận xét về cái tôi trữ tình thể hiện trong đoạn thơ. |
5,0 |
|
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề. |
0,25 |
||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận Phân tích đoạn trích; nhận xét về cái tôi trữ tình thể hiện trong đoạn thơ |
0,5 |
||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau: |
|||
*Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu, tác phẩm và đoạn trích. |
0,5 |
||
* Cảm nhận đoạn thơ – Hai câu đầu: lời khẳng định tình cảm của người ra đi + Lời khẳng định ta đi ta nhớ những ngày là lời đáp chân thành, trực tiếp cho câu hỏi của người ở lại. + Cặp đại từ mình- ta được sử dụng kết hợp với các từ chỉ vị trí liền kề đây- đó khẳng định tình cảm gắn bó khăng khít giữa người kháng chiến và người Việt Bắc. + Cách nói ẩn dụ đắng cay ngọt bùi gợi ra tất cả những khó khăn, gia khổ cùng niềm vui, niềm hạnh phúc mà người kháng chiến cùng người Việt Bắc đã cùng chia sẻ – Hai câu tiếp gợi tả chân thực đời sống kháng chiến + Hình ảnh củ sắn lùi, bát cơm sẻ nửa, chăn sui gợi tả chân thực những khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống kháng chiến + Từ thương nhau mở đầu câu thơ kết hợp với cách dùng từ cùng nghĩa chia, sẻ, cùng diễn tả được mối tình cảm chia ngọt sẻ bùi giữa nhân dân Việt Bắc và cán bộ cách mạng. – Hai câu tiếp theo gợi ra hình ảnh người mẹ Việt Bắc + Câu thơ miêu tả một hình ảnh cụ thể, quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Bắc: những người mẹ địu con cùng đi làm rẫy, làm nương. + Hai thanh trắc liên tiếp trong cụm từ nắng cháy cùng hàm nghĩa ấn dụ không chỉ gợi ra cả một vạt nương ngập nắng, gợi ra những tia nắng gay gắt chói chang làm nổi bật những gian khó, vất vả của người mẹ trong công việc. + Ba động từ: địu … lên … bẻ thể hiện công việc vât vả, cơ cực của người mẹ Việt Bắc, nhưng đổi lại thành quả lao động lại chỉ là từng bắp ngô nhỏ nhoi, ít ỏi. Không gian làm việc khắc nghiệt cùng sự tương phản giữa công việc và thành quả cho thấy sự cực nhọc của con người trong cuộc sống lao động phục vụ kháng chiến, làm tăng thêm cả nỗi xót thương lẫn niềm cảm phục trong trái tim người đi. – 6 dòng thơ cuối là nỗi nhớ về Việt Bắc, về cuộc sống, sinh hoạt kháng chiến một thời không thể nào quên + Điệp ngữ nhớ sao điệp trùng thể hiện nỗi nhớ dạt dào, da diết khó mà nói hết thành lời của người ra đi + Hình ảnh: lớp học i tờ, đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan, ngày tháng cơ quan gợi tả chân thực những sinh hoạt văn hoá trong hoàn cảnh kháng chiến. Trong gian khổ thiếu thốn, những con người kháng chiến vẫn cất cao lời ca tiếng hát lạc quan yêu đời, tin tưởng vào ngày mai chiến thắng. + Cùng hàng loạt những hình ảnh, âm thanh thân quen: tiếng mõ rừng chiều, chày đêm nện cối, tiếng suối xa… âm thanh thiên nhiên gợi hồn núi rừng Việt Bắc – âm thanh cuộc sống bình dị, ấm áp mà vui tươi. => Với thể thơ lục bát; giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, tha thiết; điệp từ “nhớ”, điệp ngữ: nhớ sao…nhớ người… trùng điệp, nghệ thuật tương phản, cùng cách ngắt nhịp của câu thơ lục bát tạo nên nét nhạc thơ thật đằm thắm, những hình ảnh chân thực, bình dị mà giàu sức gợi cảm…, đoạn thơ đã thể hiện sâu sắc nỗi nhớ của người kháng chiến với thiên nhiên và con người Việt Bắc cùng những sinh hoạt kháng chiến. Đó cũng chính là tình cảm sâu nặng của người cách mạng với quê hương cách mạng. |
2,5 |
||
* Nhận xét cái tôi trữ tình thể hiện qua đoạn thơ: – Cái tôi đã hoà chung với cái Ta của cộng đồng, dân tộc. Tố Hữu đã đặt mình vào vị trí của những con người kháng chiến, nói về mình về người để bày tỏ những ân tình, lòng biết ơn sâu sắc đối với những ân tình. – Cái tôi trong đoạn thơ thể hiện sự gắn bó giữa nhân dân với cách mạng, mang tầm vóc lớn lao, cao đẹp; cái tôi hài hoà gắn bó với thiên nhiên, con người và kháng chiến. – Qua “Việt Bắc” nói chung và đoạn trích nói riêng, cái tôi trữ tình của Tố Hữu trong chặng đường thơ này là cái tôi nhập vai nhằm làm nổi bật, tôn vinh lên hình tượng những con người kháng chiến, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình, niềm cảm phục trước sự hy sinh cao cả của người dân kháng chiến. |
0,5 |
||
d. Chính tả, ngữ pháp Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. |
0,25 |
||
e. Sáng tạo Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,5 |
||
TỔNG ĐIỂM |
10 |
Đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Văn – Đề 3
Phần I: ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản thực hiện các yêu cầu
Tôi có đọc bài phỏng vấn Ngô Thị Giáng Uyên, tác giả cuốn sách được nhiều bạn trẻ yêu thích “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương”. Trong đó cô kể rằng khi đi xin việc ở công ti Unilever, có người hỏi nếu tuyển vào không làm marketing mà làm sales thì có đồng ý không. Uyên nói có. Nhà tuyển dụng rất ngạc nhiên bởi hầu hết những người được hỏi câu này đều trả lời không. “Tại sao phỏng vấn marketing mà lại làm sales ?”. Uyên trả lời: “Tại vì tôi biết, nếu làm sales một thời gian thì bộ phận marketing sẽ muốn đưa tôi qua đó, nhưng đã quá muộn vì sales không đồng ý cho tôi đi.”
Chi tiết này khiến tôi nhớ đến câu chuyện về diễn viên Trần Hiểu Húc. Khi đó cô đến xin thử vai Lâm Đại Ngọc, đạo diễn Vương Phù Lâm đã đề nghị cô đóng vai khác. Hiểu Húc lắc đầu “Tôi chính là Lâm Đại Ngọc, nếu ông để tôi đóng vai khác, khán giả sẽ nói rằng Lâm Đại Ngọc đang đóng vai một người khác.” Đâu là điều giống nhau giữa họ? Đó chính là sự tự tin. Và tôi cho rằng, họ thành công là vì họ tự tin.
Có thể bạn sẽ nói: “Họ tự tin là điều dễ hiểu. Vì họ tài năng, thông minh, xinh đẹp. Còn tôi, tôi đâu có gì để mà tự tin” Tôi không cho là vậy. Lòng tự tin thực sự không bắt đầu từ gia thế, tài năng, dung mạo… mà nó bắt đầu từ bên trong bạn, từ sự hiểu mình. Biết mình có nghĩa là biết điều này: Dù bạn là ai thì bạn cũng luôn có trong mình những giá trị nhất định.
(Theo Phạm Lữ Ân – Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, 2012)
Câu 1: Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính ?.
Câu 2: Xác định nội dung chính mà văn bản đề cập.
Câu 3: Tại sao tác giả cho rằng: Lòng tự tin thực sự không bắt đầu từ gia thế, tài năng, dung mạo… mà nó bắt đầu từ bên trong bạn, từ sự hiểu mình ?
Câu 4: Rút ra thông điệp cho bản thân.
Phần II : LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: Lòng tự tin
Câu 2: (5.0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
(Trích Tây Tiến –Quang Dũng)
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên đất nước muôn đời
( Trích Đất Nước- Nguyễn Khoa Điềm)
……………
Mời các bạn tải File tài liệu để xem thêm 12 đề thi thử môn Ngữ văn
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bộ đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Ngữ văn 15 Đề thi thử môn Ngữ văn (Có đáp án) của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.