Thuyết minh về Hồ Gươm – hay còn được gọi là Hồ Hoàn Kiếm, tên của hồ mang một ý nghĩa hết sức đẹp đẽ và thiêng liêng. Có điều gì làm nên sự đặc biệt đi cùng cái tên Hồ Gươm đó. Cùng wikihoc.com thuyết minh về Hồ Gươm để xem điều gì tạo nên điều đặc trưng của Hà Nội này nhé.

Đề bài

Em hãy viết một bài văn thuyết minh về Hồ Gươm

Dàn ý thuyết minh về Hồ Gươm

I. Mở bài: Giới thiệu về Hồ Gươm

Ví dụ: Hồ Gươm hay còn được gọi là Hồ Hoàn Kiếm, tên của hồ mang một ý nghĩa hết sức đẹp đẽ và thiêng liêng. Hồ có tên Hoàn Kiếm có nghĩa là trả kiếm, cái tên này được bắt đầu từ việc trả kiếm của vua Lê Lợi cho cụ Rùa. Chính vì thế mà có cái tên Hoàn Kiếm và hồ trở thành đặc trưng của Hà Nội.

II. Thân bài: Thuyết minh về Hồ Gươm

1. Khái quát về Hồ Gươm:

  • Hồ Gươm nằm tại trung tâm thành phố Hà Nội
  • Tên gọi là hồ Hoàn Kiếm xuất hiện vào thế kỉ 15, gắn với sự kiện trả kiếm của vua Lê Lợi
  • Hồ Hoàn Kiếm được lấy tên cho một quận tại thành phố Hà Nội

2. Chi tiết về Hồ Gươm:

– Lịch sử của Hồ Gươm:

  • Hồ Gươm xưa là tả ngạn của sông Hồng và được tách ra, theo bản đồ thời Hồng Đức
  • Hồ Gươm được chú trọng nhiều nhất khi dời đô về Thăng Long
  • Và theo truyền thuyết trả kiếm cho Rùa vàng

– Các di tích gắn liền với Hồ Gươm:

  • Tháp Rùa
  • Đền Ngọc Sơn
  • Cầu Thê Húc
  • Tháp Bút
  • Đài Nghiêng
  • Tháp Hòa Phong
  • Đền Bà Kiệu
  • Thủy Tạ
  • Đền thờ vua Lê

– Ý nghĩa của Hồ Gươm:

  • Là giá trị tinh thần rất sâu sắc của người dân Việt Nam
  • Là nguồn cảm hứng nghệ thuật vô cùng sâu sắc dành cho các nhà thơ nhà văn, họa sĩ

III. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về hồ Gươm

Gợi ý thêm cho các bạn tham khảo thêm tổng hợp dàn ý thuyết minh về Hồ Gươm lop 9 chọn lọc để có thêm nhiều ý tưởng triển khai bài viết của mình được phong phú hơn.

Những bài văn mẫu thuyết minh về Hồ Gươm lớp 9 hay

Bài văn đạt điểm cao thuyết minh về Hồ Gươm

Hà Nội! Không chỉ là thủ đô của nước Việt Nam. Không chỉ là trung tâm chính trị của nước nhà. Nó là một địa danh lịch sử gắn với nhiều đau thương mất mát của chiến tranh, gắn với những mốc son không thể xóa nhòa. Nói đến Hà Nội, người dân Hà Nội, luôn có những hình ảnh đẹp đẽ trong mắt mỗi người dân Việt Nam. Những địa danh, những hình ảnh, những địa điểm tại đất Thăng Long ai ai cũng muốn tham quan, được đi đến. Trong đó có Hồ Gươm.

Hồ Gươm không chỉ là danh lam thắng cảnh đẹp của Hà Nội, nó còn là di tích lịch sử của nước ta. Trước hết, Hồ Gươm được gắn với truyền thuyết Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn cùng thần kim quy đã giúp nước ta thoát khỏi ách đô hộ của giặc Minh xâm lược. Sự tích trả gươm rùa thần của Lê Lợi đã làm nên cái tên “Hồ Gươm” hay “Hồ Hoàn Kiếm” ngày nay thay cho tên “Hồ Lục Thủy” ngày xưa. Trên hồ có hai hòn đảo: đảo Ngọc và đảo Rùa. Đầu thế kỷ 19, người ta dựng một ngôi chùa trên đảo Ngọc gọi là chùa Ngọc Sơn. Ít lâu sau chùa không thờ Phật mà thờ thánh Văn Xương và Trần Hưng Đạo nên đổi tên thành Đền Ngọc Sơn. Năm 1864, trên gò Ngọc Bội đối diện với đảo Ngọc, Tháp Bút được xây dựng.

Hồ Gươm là hồ nước ngọt tự nhiên của Hà Nội. Với diện tích 12 ha, nước hồ quanh năm xanh ngắt. Hồ có vị trí kết nối giữa khu phố cổ gồm các phố: Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ… với các khu phố Tây do người Pháp quy hoạch như: Tràng Thi, Bảo Khánh, Nhà Thờ, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Bà Triệu… Đến thăm Hồ Gươm, không thể không thấy hình ảnh tượng trưng của nó. Đó là tháp Rùa. Tháp Rùa được xây dựng nằm ở trung tâm hồ chịu ảnh hưởng của đặc trưng kiến trúc Pháp. Tháp hình chữ nhật, có bốn tầng. Kiến trúc từng tầng khá giống nhau. Các mặt được xây dựng đều có cửa uốn thon gọn. Tháp Rùa được coi là kiến trúc có tính chất lịch sử và thiêng liêng đối với không chỉ người dân Hà Nội mà còn là cả con người Việt Nam. Đặc biệt, đến với Hồ Gươm thì hầu như ai cũng dành chút thời gian để bước chân lên chiếc cầu Thê Húc màu son dẫn vào đền Ngọc Sơn. Sự kết hợp giữa đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm đã tạo thành một tổng thể kiến trúc Thiên – Nhân hợp nhất tạo vẻ đẹp cổ kính hài hòa cho đền và hồ, gợi nên những cảm giác chan hòa giữa con người và thiên nhiên. Ngoài ra, Hồ Gươm còn gắn liền với các địa danh khác như Tháp Bút, Đài Nghiên, Đền thờ vua Lê….

Hồ Gươm đã cùng với thời gian trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử. Biết bao đời vua trị vì đã đến đây để thực hiện những nghi thức long trọng. Cũng bởi giá trị lịch sử của nó đối với Hà Nội và cả đất nước Việt Nam, mà Hồ Gươm đã trở thành điểm đến của biết bao du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến Thủ đô. Không ai có thể phủ nhận giá trị kiến trúc cũng như giá trị lịch sử của Hồ Gươm.

Tham khảo thêm:   Vẻ đẹp Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều (17 mẫu)

Đối với người dân Hà Nội, Hồ Gươm không chỉ là điểm đến dừng chân, ngắm cảnh hữu tình hay hóng gió. Hồ Gươm đã cùng với người dân Hà Nội trải qua biết bao thời kỳ đổi thay, chuyển mình của đất nước. Nó mang một giá trị tinh thần hết sức to lớn đối với người dân Hà Nội. Nó như một người bạn, một người tri kỉ, một chứng nhân lịch sử quan trọng của người dân Hà Nội. Cũng giống như cầu Long Biên hay bất kỳ một địa danh nào khác của Hà Nội, Hồ Gươm là dấu ấn riêng của Hà Nội mỗi khi nhớ về. Không chỉ bởi lẽ đó, Hồ Gươm còn có một vị trí địa lý hết sức quan trọng đối với Hà Nội. Nằm ở trung tâm Hà Nội lại nối các khu phố quan trọng với nhau đã khiến cho Hồ Gươm càng trở nên quan trọng đối với đất Thủ đô phồn hoa rực rỡ này.

Bởi vậy mà các sự kiện quan trọng của đất nước thường được tổ chức và diễn ra tại đây. Chưa hết, do nước hồ trong xanh tạo một cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái mỗi khi hè đến. Ai cũng biết cái nóng của Hà Nội. Nhưng khi dừng chân ở bờ hồ Hoàn Kiếm, mọi cái nắng không thể làm vơi đi sự mát mẻ cũng như thoải mái nơi đây. Đây cũng là lí do vì sao, mỗi khi mùa hè đến, xung quanh Hồ Gươm thường rất đông người. Ngày nay, Hồ Gươm còn là điểm đến lí tưởng của các bạn trẻ đặc biệt là sinh viên. Bởi lẽ, ở đây tập trung rất nhiều du khách nước ngoài. Chính vì thế, các bạn sinh viên năng động ngày nay thường đến đây để nâng cao khả năng giao tiếp với người nước ngoài của bản thân mình.

Tóm lại, Hồ Gươm vừa là danh lam thắng cảnh, vừa là di tích lịch sử, vừa là dấu ấn là tri kỉ của Hà Nội, người Hà Nội. Hơn hết, Hồ Gươm còn là địa điểm du lịch, nơi nghỉ ngơi vui chơi học tập của mọi người. Hãy đến với Hồ Gươm, bạn sẽ cảm nhận được tất cả những gì mà tôi nói. Hồ Gươm – một địa điểm tuyệt vời giữa lòng Hà Nội.

  • Tham khảo thêm nội dung soạn bài Sự tích Hồ Gươm để hiểu rõ và chi tiết hơn ý nghĩa lịch sử của hồ Gươm

Thuyết minh về Hồ Gươm lớp 9 | Những bài văn hay thuyết minh về Hồ Gươm | Văn mẫu 9

Thuyết minh về Hồ Gươm lop 9 bài mẫu 1

Nói đến Thủ đô Hà Nội thân yêu của chúng ta, có thể nhắc đến Chùa Một Cột – dáng sen vươn lên từ bùn lầy nghìn năm Bắc thuộc – tiêu biểu cho ý thức tự cường của dân tộc. Hay Khuê Văn Các – viên ngọc minh châu kết tinh của một nền khoa học ngàn đời. Nhưng chúng ta vẫn nghe nhắc đến Hồ Gươm nhiều hơn cả. Nằm trong lòng Hà Nội, thành phố ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, nơi đây có Tháp Rùa tượng trưng cho khát vọng hòa bình. Đài Nghiên, Tháp Bút nhắc đến nền văn vật lâu đời. Chỉ với ba biểu tượng đó, hồ Hoàn Kiếm đã xứng đáng là trái tim của Thủ đô rồi!

Hồ Gươm không chỉ là thắng cảnh tô điểm thêm vẻ xinh tươi, duyên dáng cho Thủ đô, mà còn là một trong những dấu ấn tiêu biểu của lịch sử ngàn năm văn hiến đất kinh kì Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Để đến tham quan Hồ Gươm, chúng ta có thể đi từ nhiều con đường khác nhau như Hàng Bài, Tràng Thi, Hàng Khay hay các khu phố cổ. Hồ Gươm nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, là nơi kết nối giữa các phố cổ với khu phố Tây do người Pháp quy hoạch lại cách đây hơn một thế kỉ. Chắc hẳn chúng ta đều biết Hồ Gươm chính là một dòng chảy còn sót lại của sông Hồng. Cách đây hàng trăm năm về trước, Hồ Gươm ăn thông với sông Hồng, là một nhánh nhận nước của sông Hồng, chạy dài qua các phố Hàng Đào, Hai Bà Trưng, Lí Thường Kiệt, Hàng Chuối,… Từ thế kỉ XIX, khi nước ta đang bị thực dân Pháp cai trị, do sông Hồng đổi dâng nên Hồ Gươm chỉ còn là một sông nhỏ chạy qua Hàm Cá Mập (bến tàu điện một thời). Vì thế, để qua sông, người Pháp đã bắc một chiếc cầu bằng gỗ và dần dần san đất. Và ngày nay, nơi đó chính là phố cầu Gỗ mà ai cũng biết.

Từ xưa đến nay, Hồ Gươm đã trải qua lịch sử với bao nhiêu tên gọi khác nhau. Cách đây khoảng sáu thế kỉ, Hồ Gươm gồm hai phần chạy dài từ phố Hàng Đào, qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, rồi tới phố Hàng Chuối. Nước hồ quanh năm xanh biếc nên trước kia Hồ Gươm được gọi là Hồ Lục Thủy. Sau đó là cái tên Tả Vọng để phân biệt với Hữu Vọng. Sau khi các triều đại chọn Thăng Long làm kinh đô, hồ còn được dùng làm nơi tập luyện của thủy quân. Tương truyền vào thế kỉ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm, gắn liền với truyền thuyết trả gươm thần cho Rùa Vàng, ghi lại thắng lợi của cuộc chiến đấu chống giặc Minh xâm lược dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi (1427). Truyền thuyết kể rằng khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa) có một người đánh cá là Lê Thận (sau khi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn) đã kéo được một lưỡi gươm, sau đó Lê Lợi lại nhặt được chuôi gươm ở trên cây, khi ghép chuôi gươm và lưỡi gươm lại thành thanh gươm, đặt tên là “Thuận Thiên” có nghĩa là “thuận theo ý trời”.

Tham khảo thêm:   TOP 23 bài thuyết minh về cái phích nước ngắn gọn

Gươm báu đã theo Lê Lợi trong suốt thời gian kháng chiến chống giặc Minh. Khi lên ngôi về đóng đô ở Thăng Long, trong một lần nhà vua đi chơi thuyền ở hồ Lục Thủy, bỗng một con rùa xuất hiện, nổi lên khỏi mặt nước. Lê Thái Tổ rút gươm khỏi vỏ, giơ gươm ra thì gươm bay về phía con rùa. Rùa ngậm gươm lặn xuống đáy hồ. Chắc hẳn ai cũng biết hồi tháng 5 âm lịch 2010, khi Hà Nội kỉ niệm 583 năm vua Lê chiến thắng giặc Minh, chúng ta đã được chứng kiến hình ảnh Cụ Rùa bò lên mặt nước… Tất cả mọi người đều ngỡ ngàng và càng tin hơn vào sự linh thiêng của Hồ Gươm – viên ngọc xanh giữa lòng Thủ đô này…

Hồ Gươm rất đặc biệt. Nó có một màu sắc riêng, khác hẳn các hồ khác. Hồ Gươm xưa kia trong lắm, đẹp lắm, có màu nước xanh biêng biếc… Các bạn có biết màu xanh ấy là do đâu không? Trong lớp bùn của Hồ Gươm, có sự sinh sống của một loài tảo. Nhờ sự quang hợp của loài tảo đó mà Hồ Gươm có màu xanh như vậy! Đã có lần, các nhà khoa học đã thử lấy thứ tảo ấy đem đi nơi khác trồng nhưng chúng không sống được! Phải chăng Hồ Gươm có một điều đặc biệt khác?… Nhưng bây giờ, màu xanh trong trẻo ấy đã bị ô nhiễm mà nguyên nhân chính là do con người gây ra. Chính những người dân không ý thức, vứt rác bừa bãi xuống hồ và Nhà nước không có biện pháp làm sạch hồ thường xuyên nên đã làm cho nước hồ đục hơn và bên bờ hồ vương vãi những túi rác mà người dân đã vứt xuống. Điều đó sẽ dẫn đến hậu quả gì? Trước hết, Hồ Gươm đã không còn đẹp như trước nữa mà đã mất đi vẻ tự nhiên của nó. Và hậu quả thứ hai là Cụ Rùa đã bị tổn thương vì môi trường quá bẩn. Ngày trước, Cụ Rùa chỉ nổi lên vào những dịp lễ, còn thời gian gần đây, Cụ Rùa nổi lên rất thường xuyên và mọi người đã nhìn thấy những vết thương trên thân Cụ Rùa. Có lẽ nào những người vứt rác xuống hồ không thể hiểu được những điều này?

Và vài ba năm trước, việc làm sạch Hồ Gươm đã bắt đầu được chú trọng. Tất cả chúng ta đều đã nhận thấy một điều rằng, mặc dù Nhà nước và Chính phủ đã đưa ra những biện pháp để giải quyết vấn đề này nhưng thực sự là nước hồ ngày càng bẩn thêm. Vì vậy, điều quan trọng vẫn là ý thức của người dân, chúng ta phải giữ gìn hồ sạch sẽ để không làm mất đi vẻ đẹp của Hồ Gươm nói riêng và vẻ đẹp của Thủ đô Hà Nội và hình ảnh tốt đẹp của con người Việt Nam nói chung. Ở Hồ Gươm, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy Đài Nghiên và Tháp Bút được danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng vào năm 1864. Thân tháp có khắc ba chữ “Tả Thanh Thiên” nghĩa là “Viết lên trời xanh”, ngày nay thường gọi đó là Tháp Bút. Tiếp đến là một cửa cuốn được gọi là Đài Nghiên, trên đó có đặt một cái nghiên mực bằng đá hình nửa quả đào bổ đôi theo chiều dọc, ba chân kê nghiên là hình tượng ba con ếch.

Sở dĩ có ba con ếch đội là bởi vì nhà thơ Nguyễn Văn Siêu muốn nhắc chúng ta đừng kiêu căng rồi dẫn đến hậu quả khó lường như trong truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng và Nguyễn Văn Siêu cũng muốn viết lên trời xanh khát vọng hòa bình, truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Có một điểm đặc biệt giữa Tháp Bút và Đài Nghiên. Đó là vào những buổi trưa hè, nhìn từ cổng ngoài đi vào có hai bức tường đứng hai bên, cả hai bức tường cao quý ấy đều khắc tên những người đỗ đạt, khiến cho các sĩ tử đi qua đều cố gắng học hành. Đi tiếp vào trong ta sẽ thấy cầu Thê Húc. Cầu Thê Húc được làm bằng gỗ rất thô sơ và được sơn màu đỏ. Cầu được thiết kế cong cong và uốn lượn như hình con tôm. Cầu Thê Húc hướng về phía Đông, phía mặt trời mọc để đón được toàn vẹn nguồn dưỡng khí và những tia nắng đầu tiên.

Với ý nghĩa ấy, cây cầu mang màu đỏ – màu của sự sống, màu của hạnh phúc, của sự cao quý, của ước vọng truyền đời từ thời cổ đại đến ngày nay – cây cầu Thê Húc – đó chính là biểu tượng của thần Mặt Trời! Tên của cây cầu có nghĩa là “nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm”. Đi sâu vào trong, chúng ta sẽ đến với đền Ngọc Sơn linh thiêng. Ngôi đền được xây dựng trên đảo Ngọc. Cả khu đền được lợp ngói đỏ trông tươi tắn với hình ảnh cong cong trạm trổ tinh tế. Đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Văn Xương Đế Xuân – vị thánh trụ trì việc văn chương khoa cử. Ngoài hiên có tủ kính với Cụ Rùa được đặt bên trong khi các nhà khoa học vớt lên vào những thập niên sáu mươi của thế kỉ XX.

Cụ Rùa có tuổi thọ khoảng 500 – 600 tuổi. Không chỉ có một Cụ Rùa mà dưới Hồ Gươm còn có vài Cụ Rùa khác. Hồ Gươm được du khách coi là một danh lam thắng cảnh. Quanh hồ là những loài cây trông lộng lẫy như: cây phượng, cây bằng lăng, cây liễu sư. Ngoài ra còn có nhiều loài hoa được trồng và được ghép thành hình chữ ở bên bờ hồ. Ngày nay, chúng ta đều thấy rất nhiều du khách nước ngoài cũng như trong nước và người dân Hà Nội đi dạo quanh hồ. Họ chụp ảnh, họ bàn tán và họ cũng cảm thấy thanh thản…

Tham khảo thêm:   TOP 12 bài Thuyết minh về cây chuối

Chắc chắn là như vậy!… Bên Hồ Gươm không chỉ có du khách đi dạo, chúng ta còn thấy cả các cụ già ngồi chơi cờ, còn các bác, các cô thì tập thể dục cho cơ thể săn chắc, khỏe mạnh. Những đứa trẻ cũng thường ra bờ hồ đùa nghịch, vui chơi tận hưởng không khí thoáng mát. Từ Hồ Gươm, chúng ta cũng có thể nhìn được những địa điểm nổi tiếng của Hà Nội như Tượng đài Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội với đồng hồ cổ kính được đặt ở trên nóc hay những khu phố cổ,… Như vậy, chúng ta có thể thấy được Hồ Gươm đẹp thế nào, phong phú về màu sắc thế nào…

Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,

Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn,

Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,

Hỏi ai gây dựng nên non nước này?

Văn mẫu 9 thuyết minh về Hồ Gươm bài mẫu 2

Nhắc đến hồ Hoàn Kiếm – Hồ Gươm bỗng nhớ đến hai câu thơ nổi tiếng: “Hồ Gươm xanh thẳm quanh bờ / Thiên thu hồn nước mong chờ bấy lâu”. Đây không chỉ là một trong những không gian văn hóa nhộn nhịp của thủ đô mà nó còn chứa đựng, lưu giữ một thiên sử anh hùng của dân tộc. Nằm giữa trung tâm phồn hoa, trái tim của Hà Nội, Hồ Gươm chính là một danh thắng tự hào của người Hà Thành.

Hồ Gươm còn có tên gọi khác là Hồ Hoàn Kiếm đã có từ rất lâu đời từ cái thời mà sông Cái còn nằm sâu trong lòng đất. Hiện tượng sông lệch dòng rất thường xảy ra, dòng sông Hồng chuyển hướng chảy qua các phố như Hàng Đào, Hai Bà Trưng, Lí Thường Kiệt… rồi hình thành các phân lưu. Và dòng phân lưu rộng nhất chính là hồ Hoàn Kiếm bây giờ.

Hồ Hoàn Kiếm có rất nhiều tên gọi, ngày xưa nó được gọi là hồ Lục Thủy vì dòng nước quanh năm xanh mát. Nhưng đến thế kỉ XV cái tên Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thuyết lịch sử Rùa thần đòi gươm. Tương truyền rằng, trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược (1417 -1422) Lê Lợi đứng lên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông bắt được thanh gươm báu có tên Thuận Thiên. Thanh gươm này đã vào sinh ra tử với ông trong suốt những năm kháng chiến và giành được độc lập. Đến năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua lấy hiệu là Lê Thái Tổ trong một lần dạo chơi trên hồ Lục Thủy thì có một con rùa vàng nổi lên. Khi vua tướm gươm mà chỉ thì rùa ngậm gươm và lặn xuống. Nghĩ rằng đó là trời cho mượn gươm dẹp giặc sau khi thành công thì sai rùa đến đòi nên hồ đã được gọi là Hồ Hoàn Kiếm hay còn là Hồ Gươm. Cũng có một thời gian sau này thời Trịnh – Nguyễn phân tranh hồ được đổi tên thành hồ Vọng ngăn thành hai bên Tả Vọng và Hữu Vọng. Thế nhưng sau đó hồ Tả Vọng bị Tây lấp mất nên hồ còn lại bây giờ chính là Hồ Hoàn Kiếm.

Về vị trí Hồ Gươm nằm giữa các khu phố cổ của Hà Nội như Hàng Ngang, Hàng Đào, Lương Văn Can, Tràng Thi, Tràng Tiền, Hàng Bài… Hồ có tổng diện tích khoảng 12 ha là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên của thủ đô. Kéo dài 700m theo hướng Nam Bắc và rộng khoảng 200m. Hồ không chỉ là nơi lưu giữ giá trị văn hóa lịch sử của thủ đô mà còn giúp điều hòa không khí, gắn liền với đời sống du lịch của con người nơi đây. Khi có dịp đến với Hồ Gươm bạn đừng nên bỏ qua những công trình kiến trúc nổi tiếng như Tháp Rùa, Cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn….

Tháp Rùa được xây dựng vào thế kỉ thứ 19 từ năm 1884 đến tháng 4 năm 1886 thì hoàn thành. Nó nằm ở giữa hồ, trên gò Rùa và mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp. Tháp gồm có 3 tầng như một vọng lâu, hai tầng đầu kiến trúc tương tự nhau có nhiều ô cửa vòm, chiều dài có 3 cửa còn rộng 2 cửa. Tầng 3 chỉ có một cửa vòm. Tháp Rùa cũng là nơi để Rùa phơi nắng và đẻ trứng, loài rùa này được xếp vào sách đỏ Việt Nam. Mỗi khi rùa nổi lên thì sẽ ứng với một việc quốc gia đại sự.

Đền Ngọc Sơn nằm ở vị trí ngày xưa là đảo Ngọc ở phía bắc của Hồ Gươm hay còn có tên gọi khác là Tượng Nhĩ (tai voi). Sau này đến thời Lí Thái Tổ nó được đổi thành Ngọc Tượng và phải đến đời Trần mới thành Ngọc Sơn. Để bước vào đền bạn phải đi qua một cây cầu có tên là Thê Húc, cong cong màu đỏ rực. Và cây cầu này được xây dựng vào năm 1865 nhờ công của danh sĩ Nguyễn Văn Siêu.

Bên cạnh những danh thắng nổi bật trên thì khi đến với Hồ Gươm bạn cũng đừng nên bỏ qua những địa danh như Tháp Bút, Đài Nghiên… Những công trình kiến trúc ấn tượng này đã tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng lại đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Hà Nội. Một trong những biểu tượng khát vọng hòa bình của dân tộc.

Có thể nói Việt Nam là một đất nước rất giàu tài nguyên và thiên nhiên, được tạo hóa ban tặng cho những danh lam thắng cảnh kì vĩ. Thế nhưng Hồ Hoàn Kiếm – Hồ Gươm vẫn được xem là một trong những kiệt tác khó lu mờ trong lòng người dân. Nơi đây chính là nơi lưu giữ hồn cốt tinh hoa của cả dân tộc.

About The Author