Hướng dẫn làm bài văn mẫu thuyết minh về con bò lớp 9 hay nhất. Đề văn thuộc dạng thuyết minh về con vật nuôi. Các em hãy chú ý theo dõi nhé.

Con bò là loài động vật quen thuộc và gần gũi với người nông dân Việt Nam. Loài vật này giống như một người bạn của nhà nông bởi chúng mang đến cho họ một nguồn lợi lớn về kinh tế. Bây giờ mỗi khi có dịp về thăm đồng quê, các em sẽ nhìn thấy những đàn bò được thả tự do trên những cánh đồng cỏ. Chúng sẽ mang đến cho các em một cảm giác yên bình. Đối với con người, con bò cũng góp phần mang đến nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Dưới đây là bài văn mẫu thuyết minh về con bò lớp 9 hay nhất để các em tham khảo.

Thuyết minh về con bò lớp 9 – Bài làm 1

Nhắc đến vùng quê Việt Nam, ta thường nghĩ ngay tới cây đa, giếng nước, sân đình, lũy tre làng. Đó là những hình ảnh đã quá đỗi thân quen. Nhưng chỉ thế thôi thì vẫn chưa đủ. Ở làng quê Việt Nam còn có một loài vật hết sức thân thuộc nữa đó chính là con bò. Loài vật này đã có nguồn gốc từ lâu đời và không phải chỉ ở Việt Nam mới có.

Từ rất lâu về trước loài bò đã xuất hiện ở châu Âu. Thời điểm ấy chúng là những con bò rừng, sống bản năng hoang dã. Bò là loài động vật có vú, thân hình của chúng to khỏe, vạm vỡ nhưng không cao. Bụng con bò to, dưới bụng có những đầu vú nhỏ. Mỗi con bò có cân nặng khoảng 200 – 350kg. Bò phát triển rất nhanh và có khả năng sinh sản tốt. Chúng ít bị bệnh tật, có khả năng chịu khổ và thích nghi với môi trường sống tốt. Nhìn bề ngoài, ta có thể phân biệt được con đực và con cái. Những con cái có cái đầu thanh, sừng ngắn, nhỏ. Đầu của con đực thì thô hơn, sừng dài chĩa về phía trước. Mõm của bò đực ngắn nhưng mõm của bò cái lại dài, có thể nhìn rõ được mạch máu và gân mặt. Mắt của bò to, lông mi dài, cong vút và nhìn rất tinh anh. Bò cái có cổ thanh, bò đực thì cổ to. Cổ của chúng có nhiều nếp nhăn nhỏ. Bò cái yếm kéo dài từ hầu đến vú còn bò đực yếm kéo dài từ hầu đến xương ức. Bò là loài động vật có 4 chân, 2 chân trước thẳng, 2 chân sau đi thường chạm kheo. Sau 24 tháng tuổi, các chiều dài phát triển của bò chậm lại và đến khoảng 60 tháng tuổi thì ổn định. Khối lượng, kích thước và các chiều đo của bò ở từng vùng miền khác nhau cũng sẽ có sự khác nhau.

Thức ăn chính của bò là rơm rạ, cỏ,… Mặc dù chúng có sức chịu đựng tốt nhưng không được để bò ở trong điều kiện thời tiết quá rét hoặc mưa to. Nếu để bò mắc phải dịch bệnh thì sẽ rất khó chữa. Hệ tiêu hóa của bò khá phức tạp, gồm 4 túi dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế. 2/3 diện tích dạ dày của bò chính là dạ cỏ. Đây cũng là túi đặc biệt nhất bởi tại đây hàng loạt phản ứng sinh hóa học được tiến hành liên tục để phân giải tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Rãnh thực quản hình lòng máng từ thượng vị dạ dày chạy qua dạ cỏ, dạ tổ ong và dạ lá sách. Tiếp theo dạ cỏ là dạ tổ ong được nối với dạ cỏ bằng một miệng lớn. Dạ tổ ong gồm nhiều ngăn nhỏ như tổ ong nhờ vậy bề mặt tiếp xúc với thức ăn tăng lên và giữ vật lạ lại. Trong khi đó, dạ lá sách lại gồm nhiều lá to nhỏ khác nhau như những trang sách để dễ ép thức ăn nửa lỏng xuống dạ múi khế.

Trước đây, người ta thường dùng bò để lấy sức kéo, trở các đồ cồng kềnh. Ngày nay, bò chủ yếu được nuôi để cung cấp thức ăn cho con người. Giá thịt bò trên thị trường dao động từ 250 – 300 nghìn/kg. Trong thịt bò có chứa nhiều protein tốt cho sức khỏe của con người. Thịt bò còn trở thành đặc sản của một vài nơi như lễ hội chợ Viềng (Vụ Bản – Nam Định). Đầu năm khi đến đây người ta thường mua thịt bò về để cầu may.

Hiện nay ở Việt Nam có nuôi nhiều giống bò như bò phương Nam, bò vàng, bò lấy thịt,… Phần lớn chúng đều có khả năng chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt. Nhờ có con bò, đời sống của người nông dân cũng khấm khá hơn nhiều. Mỗi chúng ta hãy biết yêu thương loài động vật này hơn để chúng trở thành bạn của nhà nông.

Top 5 bài văn mẫu Thuyết minh về con bò lớp 9 chọn lọc

Bài văn hay thuyết minh về con bò lớp 9

Thuyết minh về con bò lớp 9 – Bài làm 2

Làng quê Việt Nam với cây tre bến nước sân đình đã trở nên quen thuộc với mỗi chúng ta- bởi ở đó là nhà là nơi ta sinh ra, lớn lên và gắn bó suốt một thời gian dài. Ở đó có những thứ quen thuộc gần gũi, có những loài động vật mà ta rất yêu quý đặc biệt là con bò. Một loài động vật của làng quê Việt Nam.

Bò là loài động vật có vú nó xuất phát từ giống bò rừng ở châu u và xuất hiện từ rất lâu về trước. Là một loài động vật có vú nên bò có thân hình đồ sộ, chắc khỏe, vạm vỡ, thấp ngắn bụng to đầu vú nhỏ. Và có cân nặng từ 200-350kg. Là giống phát triển nhanh, khả năng sinh sản tốt, thích nghi cao, chịu đựng kham khổ, ít bệnh tật. Bò có cái đầu con cái thanh, sừng ngắn, nhỏ, con đực thô, sừng dài chĩa về phía trước, trán phẳng hoặc hơi lõm, trong lúc đó, ở con đực mõm ngắn, con cái tương đối dài, mạch máu và gân mặt nổi rõ, mắt to nhanh nhẹn, mắt tinh lanh lợi. Cổ bò cái thanh, cổ bò đực to, dày, lông thường đen. Yếm kéo dài từ hầu đến vú, cổ có nhiều nếp nhăn nhỏ, Yếm kéo dài từ hầu đến xương ức. Da có nhiều nếp nhăn. U vai con đực cao, con cái không có. Lưng và hông thẳng, hơi rộng. Bắp thịt nở nang. Mông hơi xuôi, hẹp và ngắn. Ngực phát triển tốt, sâu nhưng hơi lép. Bụng to, tròn nhưng không sệ. Bốn chân thanh, cứng cáp; 2 chân trước thẳng, 2 chân sau đi thường chạm kheo. Bò có khối lượng ổn định sức khỏe tốt phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố bên ngoài. Từ 24 tháng tuổi trở đi, các chiều dài phát triển chậm và ổn định vào lúc 60 tháng tuổi. Tuỳ theo điều kiện chăn nuôi, tập quán và trình độ chăn nuôi mà khối lượng, kích thước các chiều đo của bò có thay đổi ít nhiều.

Tham khảo thêm:   Top 10 bài văn mẫu Thuyết minh về cây bút bi có sử dụng biện pháp nghệ thuật lớp 9 chọn lọc

Xem thêm:  Top 10 bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Nỗi thương mình lớp 10 chọn lọc

Bò là một loại động vật ăn cỏ nên thức ăn chính của nó là cỏ, rơm rạ,… vì thế để bò phát triển bình thường thì phải tìm hiểu rõ các đặc tính của bò. Không được để bò trong thời tiết rét hay mưa to nếu không sẽ rất dễ dẫn đến các dịch bệnh khó chữa. Bò cũng có hệ tiêu hóa phức tạp gồm 4 túi dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế. Dạ cỏ to nhất, chiếm 2/3 dung tích của dạ dày, là túi đặc biệt nhất, tại đây hàng loạt phản ứng sinh hoá học được tiến hành liên tục để phân giải tiêu hoá và hấp thu thức ăn. Từ thượng vị dạ dày có rãnh thực quản hình lòng máng chạy qua dạ cỏ, dạ tổ ong và dạ lá sách. Dạ tổ ong là dạ tiếp theo dạ cỏ được nối với dạ cỏ bằng một miệng lớn, dạ tổ ong gồm nhiều ngăn nhỏ như tổ ong làm tăng bề mặt tiếp xúc với thức ăn và giữ vật lạ lại. Dạ lá sách gồm nhiều lá to nhỏ khác nhau như những trang sách để dễ ép thức ăn nửa lỏng xuống dạ múi khế.

Là một loại động vật có khối lượng lớn nên người nông dân dùng bò làm sức kéo trở các đồ khó trở bằng xe hay cồng kềnh… bò còn được nuôi để làm nguồn cung cấp thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho con người. Thịt bò trên thị trường có giá từ 250-300 nghìn một kg bởi nó có nhiều protein phát triển sức khỏe cho con người. Một số nơi còn lấy thịt bò làm đặc sản đó là lễ hội chợ Viềng-Vụ Bản-Nam Định có đặc sản là thịt bò mà mỗi người dân đi đến đây đều sẽ mua bởi nó tượng trưng cho sự may mắn đầu năm.

Trên nước ta có rất nhiều giống bò khác nhau như bò lấy thịt, bò vàng, bò phương Nam… Các loại bò này đều có khả năng chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt. Vì thế mà giống bò được nuôi nhiều ở các vùng quê bởi giá cả hợp lí, cách săn sóc dễ dàng mà thu nhập ổn định cho người dân mà giờ đây bò như người bạn của họ, họ coi bò như một tài sản quý giá trong gia đình.

Giá trị mà bò mang lại như thế mà mỗi chúng ta phải có ý thức chăm sóc bò để bò phát triển tốt. Hãy coi bò như là một thành viên của gia đình minh bởi nó là biểu tượng của làng quê Việt Nam giản dị.

Top 5 bài văn mẫu Thuyết minh về con bò lớp 9 chọn lọc

Bài văn hay thuyết minh về con bò lớp 9

Thuyết minh về con bò lớp 9 – Bài làm 3

“Đàn bò vàng trên đồng cỏ xa xanh

gặm cả hoàng hôn, gặm buổi chiều sót lại

mùa rạo rực chỉ đàn bò biết được

vị cỏ râm ran đầu lưỡi ngọt mềm”

Hình ảnh những con bò đã đi vào trong những câu thơ với không khí bình yên của làng quê Việt Nam như thế. Còn bò từ lâu đã gắn bó với miền nông thôn đất nước, với những người nông dân chân lấm tay bùn, đi qua bao miền kí ức của nhiều thế hệ.

Những con bò ban đầu xuất hiện ở châu Âu sau đó nhờ giao thương giữa các nước và những cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa đã mang những con bò đi khắp thế giới. Hiện tại, tại hầu hết các quốc gia, ta đều có thể bắt gặp những đồng cỏ xanh với bóng dáng những con bò đang gặm cỏ. Bò cũng có nhiều loại như bò nhà, bò sữa, bò tót,… Bò cũng được chia theo tên vùng miền do mỗi nước lại lao tạo được giống bò mới như bò Mỹ, bò Kobe_Nhật Bản, bò Úc,…Ở Việt Nam thì có một số giống bò khá phổ biến như bò vàng, bò H’Mông, bò Phú Yên, bò Bảy Núi,…

Bò là một loại gia súc bốn chân có hình dáng khá tương tự với trâu nên hai con vật này thường đi liền với nhau, là hình ảnh đặc trưng cho những vùng quê Việt Nam. Bò là động vật ăn cỏ, chúng có chiếc lưỡi dài để liếm các loại cỏ và có bộ hàm lớn, chắc khỏe để nhai cỏ. Bò là động vật nhai lại, sau khi đã nuốt cỏ xuống dạ dày, chúng sẽ ợ một phần thức ăn trở lại để nhai lại. Điều này cũng tương tự ở trâu, hươu, nai và một số động vật ăn thực vật khác. Dạ dày bò gồm bốn ngăn giúp cho bò có thể tiêu hóa được những loại cỏ cứng và khó tiêu nhất. Thân bò thường có màu nâu đỏ hoặc nâu vàng, chỉ có bò sữa là có thân màu đen trắng, một số giống bò có da nâu trắng hoặc trắng toàn thân, có lông, da bò khá dày. Tuy khó thấy nhưng bò là động vật có sừng song sừng của chúng không phát triển như trâu mà sừng của bò thường nhỏ, ngắn, dễ thấy ở những con trưởng thành hoặc bò già. Con bò có đuôi, lúc nào cũng phe phẩy như đang quạt với một chùm lông dài ở ngọn đuôi. Bò khi vừa sinh hay khi còn nhỏ được gọi là bê, đến khi trưởng thành thì người ta mới gọi là con bò. Bò khá hiền và lành tính hơn so với trâu.

Bò xuất hiện trên đồng ruộng với người nông dân như một công cụ lao động giúp người nông dân kéo cày xới đất. Tuy nhiên, với công cuộc hiện đại hóa nông thôn, hình ảnh những con trâu con bò cũng ít khi xuất hiện trên đồng ruộng nữa mà thay vào đó là những máy móc hiện đại, giảm bớt đi những vất vả cho người nông dân. Hiện nay, bò được nuôi chủ yếu phục vụ nhu cầu thực phẩm bởi thịt bò là loại thịt giàu chất dinh dưỡng. Thịt bò là loại thịt đỏ được nhiều người ưa chuộng bởi mùi thơm và độ ngọt. Trên thế giới, thịt bò Úc, thịt bò Mỹ và thịt bò Kobe là những loại thịt bò nổi tiếng nhất, được nhiều nước nhập khẩu với giá thành cao. Bên cạnh việc cho thịt, bò cũng cho da để làm các loại thời trang da thuộc như ví, túi xách, giày dép, thắt lưng, quần áo,… và được sử dụng như một vật liệu cho các đồ dùng nội thất như sô pha, bọc ghế ô tô,… tạo cảm giác mềm mại, êm ái và sang trọng. Tất cả những loại vật dụng sử dụng da bò đều không hề rẻ nhưng lại mang lại sự bề đẹp đúng với giá thành của nó.

Tham khảo thêm:   NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ VẤN ĐỀ RÁC THẢI

Xem thêm:  Top 10 bài văn mẫu Phân tích vẻ đẹp của hai chị em Thúy Kiều lớp 9 chọn lọc

Không chỉ xuất hiện trong đời sống sinh hoạt mà bò còn góp mặt vào nhiều lễ hội. Ở Tây Ban Nha rất nổi tiếng với lễ hội đấu bò tót truyền thống, là một nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này. Ở Việt Nam cũng có một lễ hội đua bò tên là lễ hội đua bò Bảy Núi là một lễ hội của người dân tộc Khmer, Nam Bộ được tổ chức ở vùng Bảy Núi, An Giang và giống bò được sử dụng là giống bò Bảy Núi. Lễ hội được tổ chức vào các ngày từ hai mươi chín tháng tám đến mùng một tháng chín tính theo lịch âm, thu hút nhiều người tham gia và nhiều cổ động viên sôi nổi.

Con bò là hình ảnh quen thuộc của bao làng quê Việt Nam. Trong văn hóa nhiều nước, con bò là niểu tượng cho sự dũng mạnh, mạnh khỏe, còn trong bức tranh đất trời Việt Nam này, bò lại là nét phác cho chốn thanh bình yên ả. Những đàn bò thung thăng gặm cỏ dưới ánh hoàng hôn trong tiếng sáo chiều đã gắn liền với tuổi thơ bao người.

Thuyết minh về con bò lớp 9 – Bài làm 4

Từ những buổi đầu dựng ước, nhân dân ta đã biết tận dụng các con vật được thuần hóa như một công cụ lao động. Theo thời gian, những con vật ấy đã trở thành người bạn thân thiết gắn bó với con người, là cánh tay phải hỗ trợ đắc lực trong quý trình lao động của nhà nông. Những chú bò to khỏe, vạm vỡ là những con vật như thế.

Theo các nghiên cứu thì bò hiện đại đã tiến hóa ra từ một tổ tiên chung là bò rừng châu Âu (B.primigenius). Loài này sống sót cho tới tận thập niên 1600 nhưng chúng đã bị săn bắn đến tuyệt chủng. Bò có ba phân loài chính là Bos primigenius taurus, Bos primigenius indicus và Bos primigenius primigenius. Ở Việt Nam, bò được nuôi ở hầu hết các vùng miền, chủ yếu là bò vàng.

Bò là một loại động vật nhai lại. Bò cũng như trâu, không thể sống và tồn tại nếu không có quá trình nhai lại bởi nhai lại không chỉ có chức năng nghiền nát thức ăn mà còn có tác dụng tăng tiết nước bọt, ổn định môi trường dạ cỏ. Thời gian nhai lại khoảng 5 – 8 giờ/ngày đêm, tùy thuộc vào tính chất vật lý của thức ăn.

Khác với gia súc dạ dày đơn, dạ dày bò có 4 ngăn (dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế). Mỗi túi lại có chức năng riêng. Dạ cỏ, dạ tổ ong được xem như phòng lên men yếm khí, tại đây có các quá trình phân giải và lên men các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn. Ðồng thời các sản phẩm của quá trình lên men được hấp thu qua vách dạ cỏ, các tiểu phần thức ăn có kích thước lớn được ợ lên và nhai lại. Dạ lá sách được xem như hệ thống lọc. Dạ múi khế là dạ dày thực của bò và quá trình tiêu hóa thức ăn tại đây theo phương thức tiêu hóa hóa học bằng men. Nhờ có bộ máy tiêu hóa như vậy nên bò có khả năng sử dụng và chuyển hóa các thức ăn thô xanh (cỏ, lá cây…), các phế phụ phẩm của nông nghiệp (rơm rạ, thân cây ngô…), công nghiệp chế biến (bã bia, bã dứa, bã sắn…) có giá trị hàng hóa thấp, thậm chí không có giá trị thành các sản phẩm có giá trị cao cho con người (thịt, sữa..).

Bò không chỉ là gia súc ăn cỏ mà còn tự gặm cỏ trên đồng cỏ. Nhờ đặc điểm này nên  bò đã giúp con người khai thác tối ưu các nguồn lợi thiên nhiên sẵn có (đồng cỏ, bải chăn thả..) và lao động dư thừa, ngoài độ tuổi. Nhờ vậy, ngành chăn nuôi bò rất thiết thực và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Bò cung cấp hai loại thực phẩm có giá trị cao đối với con người là thịt và sữa. Thịt bò được xếp vào loại thịt đỏ có giá trị dinh dưỡng cao. Sữa được xếp vào loại thực phẩm cao cấp vì nó hoàn chỉnh về dinh dưỡng và rất dễ tiêu hoá. Ngày nay khi mức sống càng được cải thiện thì nhu cầu của con người về thịt và sữa trâu bò càng tăng lên.

Bò được sử dụng từ lâu đời nay vào mục đích cung cấp sức kéo để làm đất phục vụ trồng trọt. Ngoài việc làm đất, bò còn được sử dụng để kéo xe vận chuyển hàng hoá và các mục đích lao tác khác như kéo gỗ, kéo nước, kéo cối xay, v.v… Lợi thế của sức kéo bò là có thể hoạt động ở bất kỳ địa bàn nào và sử dụng tối đa nguồn thức ăn tự nhiên tại chỗ và các phụ phẩm nông nghiệp làm nguồn cung cấp năng lượng.

Với việc khai thác những vai trò nói trên của bò thì chăn nuôi bò trước kết là một hoạt động kinh tế. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò cho phép khai thác tối đa các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, kể cả những nguồn năng lượng có thể tái tạo đang bị bỏ phí gây ô nhiễm môi trường như rơm rạ và các phụ phẩm cây trồng khác, để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao cho xã hội. Chăn nuôi bò do vậy mà đã trở thành kế sinh nhai, là một phương tiện xoá đói giảm nghèo, là công cụ để góp phần phát triển bền vững. Bò đã đi vào đời sống văn hóa của con người. Ở Ấn Độ, bò như con vật thiêng của tôn giáo.

Những chú bò giản đơn nhưng lại có vị trí hết sức quan trọng trong cuộc sống. Vì vẫy mọi người hãy luôn yêu thương và chăm sóc chúng thật tốt.

Tham khảo thêm:   10 mẫu thuyết minh về cây hoa đào hay chọn lọc

Top 5 bài văn mẫu Thuyết minh về con bò lớp 9 chọn lọc

Những bài văn mẫu thuyết minh về con bò lớp 9

Thuyết minh về con bò lớp 9 – Bài làm 5

Đồng quê Việt Nam gắn liền với những hình ảnh chân chất mà giản dị của những người thôn quê và những “người bạn” thân thuộc, gần gũi mang lại nhiều lợi ích, giá trị lớn với người nông dân.

Xem thêm:  Top 10 bài văn mẫu tả người hàng xóm, bác hàng xóm của em lớp 3 chọn lọc

Nếu như con trâu được biết đến với biểu tượng văn hóa của Việt Nam thì bò lại là đại diện của nhiều nền văn hóa khác nhau, vừa mang nét chung mà lại vừa có những nét riêng biệt.

Bò là một loài động vật có vú, thuộc phân bộ nhai lại, bộ guốc chẵn, nhóm sừng rỗng, được tiến hóa từ bò rừng châu Âu đã bị tuyệt chủng từ gần ba thế kỷ, phân bố chủ yếu ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi.

Loài vật này có tuổi đời từ 18 -25 năm trong tự nhiên và gần 36 năm khi được chăn nuôi tại các trang trại, hộ gia đình,hoặc sống thành bầy từ 10 đến hàng trăm con, bao gồm nhiều giống bò như : bò vàng, bò tót, bò sữa,bò Tây Tạng,…., mỗi giống lại thích ứng với từng điều kiện khí hậu, nhiệt độ khác nhau, đồng thời có màu lông khác nhau : có loại thì nâu đỏ, vàng nhạt, có loại mang màu đen trắng, màu xám,..

Mặc dù vậy bò đều có chung những đặc điểm nhất định, chúng đều mang khối lượng khá nặng từ 200 – 350kg đối với con trưởng thành và khoảng 60kg đối với bê. Bò chủ yếu hoạt động vào ban ngày hoặc buổi trưa nhưng nếu bị xâm lấn lãnh thổ chúng sẽ hoạt động cả vào buổi tối.

Ở phần đầu, bò có cặp sừng nhỏ không dài như sừng trâu, chưa phát triển ở gần phía trên đôi tai, với đôi mắt tròn, màu đen như hai viên ngọc châu, chúng có bộ hàm lớn với chiếc lưỡi dài để nhai  và liếm cỏ.

Vì bò thuộc bộ nhai lại nên sau khi cỏ được nuốt xuống phần dạ dày, chúng sẽ ợ lại một phần để nhai lại giúp cho cỏ được nghiền nát, làm ổn định môi trường trong dạ cỏ, thời gian bò nhai lại thường diễn ra khá lâu từ 5 – 8 tiếng một ngày.

Dạ dày bò có bốn ngăn có chức năng chuyển hóa cỏ hoặc thức ăn khó tiêu thành chất dinh dưỡng, năng lượng phục vụ cho hoạt động sống và cấy cày với người nông dân, gồm dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế. Dạ cỏ là nơi chứa thức ăn đồng thời là nơi xảy ra quá trình chuyển hóa, phân giải, hấp thụ các chất dinh dưỡng giữ một vai trò vô cùng quan trọng.

Dạ tổ ong được nối với dạ cỏ bằng miệng lớn với cấu tạo nhiều ngăn nhỏ giúp việc đẩy thức ăn rắn, khó tiêu trở lại nhai dễ dàng hơn. Tiếp đến là dạ lá sách có hình cầu, có chức năng nghiền nhỏ thức ăn. Cuối cùng là dạ múi khế, đay là dạ dày thực, gồm thân vị và hạ vị, diễn ra quá trình tiêu hóa, hấp thu thức ăn .

Ở phía sau cùng của phần thân là đuôi bò dài , thon hay ve vảy để đuổi muỗi. Chân bò cao và rất cứng cáp với hai chân trước và hai chân sau. Dựa vào giới tính mà chia làm hai loại bò : bò đực và bò cái với một số đặc điểm khác nhau như bò đực thô, trán phẳng hoặc hơi lõm, có mõm ngắn, u vai to, yếm kéo dài từ hầu đến xương ức, cổ bò to được bao phủ một lớp lông dày.

Còn con cái nhìn có vẻ thanh hơn với cặp sừng nhỏ, mõm khá dài, mạch máu và gân nổi ra rất rõ, không có u vai, yếm kéo dài từ hầu đến vú, vổ nhiều nếp nhăn, có khả năng sinh sản, chu kỳ mang thai của chúng kéo dài từ 9 -11 tháng, bò con lúc mới sinh ra được gọi là bê, cho đến khi tròn 24 tháng tuổi bê con trường thành và được gọi là bò nhưng để phát triển ổn định về kích thước và khối lượng thì từ 60 tháng tuổi trở đi.

Với những đặc điểm như trên mà bò mang lại rất nhiều lợi ích với người nông dân, cũng như đời sống vật chất và tinh thần của tất cả mọi người. Bò đóng góp sức kéo, giúp người dân mang vác vật nặng, cồng kềnh, là sức kéo để cày cấy trên những ruộng lúa buổi ban trưa.

Ngoài ra bò cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào chứa nhiều chất dinh dưỡng, thường thường bò được nuôi để lấy thịt, ở chợ Viềng – Vụ Bản tỉnh Nam ĐỊnh thịt bò được bán như một đặc sản tượng trưng cho , chỉ có giống bò sữa được chăn nuôi để lấy sữa đa phần tại các trang trại trực thuộc công ty sản xuất về sữa hoặc cung cấp nguồn sữa trong việc sản xuất phô mai, bơ,…

Da bò còn dùng làm các sản phẩm như giày dép, quần áo,… Ngoài ra ở một số nước tổ chức các lễ hội đấu bò tót _ một loại bò vô cùng hung dữ và thiện chiến với cặp sừng dài hướng về phía trước.

Tuy nhiên cần phải bảo đảm an toàn cho bản thân khi tham gia lễ hội và không nên quá lạm dụng giống bò tót bởi loại bò hiện đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Không chỉ vậy bò còn là biểu tượng của hãng xe nổi tiếng Lamborghini trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, đồng thời là đại diện cho tôn giáo của người Ấn Độ, Do Thái, Ai Cập. Bò còn là con vật đại diện cho một trong mười hai cung Hoàng đạo.

Mặt khác, bò có khả năng bị nhiễm nhiều căn bệnh nguy hiểm truyền nhiễm đến cả người nếu ăn phải như bệnh lao, bệnh nhiễm giun đũa, bệnh ngộ độc thức ăn,hay bệnh lở mồm long móng,…

Những căn bệnh này thường không có biểu hiện rõ ràng mà nó thường được nhận biết qua thịt hoặc tình trạng sữa để phòng tránh một cách kịp thời.

Có thể thấy, tuy ở Đông Á cũng như  Việt Nam, bò có vẻ lép vế hơn con trâu và được ví với một hình tượng ngốc nghếch, ngờ nghệch nhưng loài vật này lại mang những giá trị ngang bằng hoặc thậm chí vượt trên giá trị mà loài trâu mang lại. Bò chính là hình ảnh quen thuộc gắn liền với tuổi thơ bao thế hệ của người Việt.

Trên đây là những bài văn mẫu thuyết minh về con bò lớp 9 hay nhất. Qua đây chắc hẳn các em đã hiểu về con bò rồi. Hãy bắt tay vào làm bài văn của mình và chia sẻ cùng các bạn nhé.

Thu Thủy

About The Author