Những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gay go và ác liệt, quân và dân ta gặp vô vàn những khó khăn, trắc trở về lực lượng, khí giới,… Nhưng với truyền thống yêu nước của một dân tộc kiên cường, bất khuất, mọi người dân Việt Nam đều một lòng quyết tâm đánh đuổi quân thù. Ai có gậy dùng gậy, ai có cuốc dùng cuốc, “ ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”,… Và trong hoàn cảnh ấy, những nhà văn, nhà thơ dùng ngòi bút mà đánh giặc. Những trang văn ẩn sau nó là một lời tố cáo đanh thép tội ác của giặc thù, hay là một lời ngợi ca lòng “ nồng nàn yêu nước” của nhân dân ta,… Sinh ra và lớn lên giữa buổi bom đạn ấy, Kim Lân là một trong số những tác giả lớn của thể loại truyện ngắn hiện đại Việt Nam. Trong chương trình Ngữ văn lớp 9, chúng ta được làm quen với truyện ngắn “Làng” của ông. Đây là một truyện ngắn hay và hấp dẫn ngợi ca tinh thần yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân Việt Nam những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Bên cạnh đó, bằng sự hiểu biết và quan sát tinh tế của mình, Kim Lân đã chỉ ra trong tác phẩm những nét đẹp mới trong tình cảm đối với quê hương dân tộc thời kì đầu cuộc kháng chiến. Để làm được bài viết này, chúng ta cần đọc hiểu các chi tiết chuyện, thông qua cách kể chuyện và sử dụng ngôn ngữ lời văn của tác giả để tìm ra những biến chuyển mới ấy. Dưới đây là hai bài làm mẫu hy vọng sẽ giúp các bạn trong quá trình học tập.
BÀI VĂN MẪU SỐ 1 BÀI VIẾT SỐ 6 LỚP 9 ĐỀ 2 SUY NGHĨ VỀ NHỮNG CHUYỂN BIẾN MỚI TRONG TÌNH CẢM NGƯỜI NÔNG DÂN VIỆT NAM THỜI KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP
Vốn là “ đứa con đẻ của đồng ruộng”, là người“một lòng đi về với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống”, Kim Lân là một trong những cây bút xuất sắc nhất trong nền Văn học hiện đại Việt Nam. Các tác phẩm của ông hầu hết viết về người nông dân và đời sống sinh hoạt hằng ngày ở nông thôn mà tiêu biểu hơn cả là truyện ngắn “Làng”. Tác phẩm đã gợi cho em những suy nghĩ sâu sắc về những chuyển biến mới trong tình cảm người nông dân Việt Nam thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.
Truyện ngắn “Làng” đước sáng tác năm 1948- thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, khi quân và dân ta còn vô cùng nghèo nàn, lạc hậu, khó khăn chồng chất khó khăn. Toàn bộ tác phẩm xoay quanh nhân vật trung tâm là ông Hai ở làng Chợ Dầu. Sinh ra và lớn lên ở làng chợ Dầu, trước hết ở ông có sự gắn bó sâu nặng và tình yêu tha thiết với làng quê của mình nhưng cùn g với sự giác ngộ cách mạng, tình yêu ấy trong ông ngày càng mở rộng, hòa chung vào tình cảm lớn lao của thời đại là lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến. Tình yêu làng, yêu nước của ông Hai đã được nhà văn đặt vào nhiều hoàn cảnh, tình huống khác nhau để rồi nổi bật lên một cách sâu sắc và đẹp đẽ. Toàn bộ tác phẩm không chỉ là bài ca yêu nước của con người Việt Nam những năm khánh chiến khói lửa mà còn là những phát hiện mới mẻ về vẻ đẹp của người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà đại diện là hình tượng nhân vật ông Hai.
Vẻ đẹp mới mẻ đó chính là tình yêu làng, yêu quê hương, yêu đất nước, yêu kháng chiến của người nông dân. Ttrong tác phẩm, tình yêu lớn lao ấy được thể hiện qua các thời điểm khác nhau dựa theo diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai. Trước hết là tình yêu làng, yêu nước của ông Hai khi ở nơi tản cư. Khi chiến tranh bùng nổ, mọi người phải di cư đi nơi khác, ông hai vẫn nấn ná ở lại làng của mình, nhưng sau vì lí do riêng, cuối cùng ông cũng phải chuyển đi. Và khi ở nơi tản cư, ông Hai vẫn luôn nhớ về làng chợ Dầu của mình. Ông nhớ những ngày còn cùng làm việc với anh em ở làng, ông lại muốn về làng cùng anh em đào đường, đắp ụ, sẻ hào, khuân đá; ông băn khoăn không biết những công trình phục vụ kháng chiến ở làng (chòi gác, chòi bí mật) đã xong chưa. Nỗi nhớ làng tha thiết trong ông đã khiến tác giả bật lên thành tiếng “ Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá!” Tuy ở nơi tản cư, không được trực tiếp tham gia kháng chiến nhưng ông luôn quan tâm, theo dõi mọi tin tức về tình hình kháng chiến của quân ta. Một trong những thói quen ưa thích của ông là đến phòng thông tin tuyên truyền nghe đọc báo để nắm tình hình kháng chiến. Khi nghe được những tin tức về chiến thắng của quân ta cũng như những thất bại của kẻ thù, ông vô cùng sung sướng “ Ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá!”. Có thể thấy tình yêu làng, yêu nước của ông được thể hiện thật giản dị, tự nhiên nhưng không kém phần sâu sắc, cảm động. và rồi, một ngày nọ, như bao ngày khác, ông Hai đang trên đường ở phòng nghe tin trở về, ông chợt nghe được tin cái làng chợ Dầu mà ông vô cùng yêu quý và tự hào theo giặc. Ông Hai đã vô cùng đau đớn. Khi vừa nhận hung tin, “ cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi, tựa như đến không thở được nữa”. Chỉ bằng một câu văn ngắn, tác giả đã cụ thể hóa cái sững sờ, ngạc nhiên cao độ đến hốt hoảng, nghẹn giọng, lạc giọng, khó thở của ông Hai. Bở từ trước đến nay, ông luôn yêu và tự hào về ngôi làng cách mạng của ông. Một loạt những biểu hiện khi ấy của ông hai: “cất tiếng hỏi lại”,” giọng lạc hẳn đi,… Ông hỏi lại vì chưa thể tin và cũng vì trong thâm tâm ông hi vọng là mình đã nghe nhầm. Nhưng trước những chứng cứ cụ thể và sự khẳng định chắc chắn của những người tản cư khiến ông không thể không tin. Vậy nên, ông “đứng dậy, chèm chẹp miệng, cười nhạt một tiếng, vươn vai nói to- Hà, nắng gớm, về nào!…” Đó là cách để ông đánh trống lảng, kiếm cớ ra về mà như chạy trốn cho thấy tâm trạng đau đớn, xấu hổ, tủi nhục. Trên đường về nhà, ông lão cứ cúi gằm mặt xuống mà đi, những câu nói mỉa mai, căm ghét của đám người tản cư về làng chợ Dầu vẫn cứ dõi theo ông khiến ông vô cùng xấu hổ, cảm thấy vô cùng nhục nhã, tổn thương. Vừa về đến nhà, ông “nằm vật ra giường”, nhìn lũ con, thấy thương con tuổi nhỏ mà đã mang tiếng trẻ con làng Việt gian khiến những giọt nước mắt xót xa của ông cứ trào ra. Những câu văn dưới hình thức độc thoại, độc thoại nội tâm đã diễn tả tâm trạng day dứt, giằng xé, nửa tin nửa ngờ về cái tin làng Dầu theo giặc ấy. Có những lúc, tâm trạng chồng chất dồn nén trong lòng, ông còn bùng lên thành cơn nóng dẫn vô lí đã đổ lên đầu người vợ tội nghiệp của ông. Cho đến tận mấy ngày sau,ông vẫn chẳng đi đâu, chỉ ru rú ở nhà để nghe ngóng. Phần vì xấu hổ quá dỗi, nhục nhã quá phần nên một đám đông xúm lại ông cũng để ý, năm bảy tiếng nói ông cũng chột dạ. Nhà văn Kim Lân đã diễn ta rất cụ thể nỗi đau, nỗi sợ hãi thường trực trong ông Hai. Đặc biệt, khi mụ chủ nhà nói đến việc làng chợ Dầu của ông theo giặc và có ý đánh tiếng đuổi khéo vợ chồng ông đi, ông đã chớm nghĩ đến cuộc quay về làng nhưng ngay lập tức gạt bỏ cái ý định đó vì “về làng là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ”. Với ông Hai lúc này, “làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Từ một người yêu làng, gắn bó với cái làng, tự hào về cái làng của mình như ông Hai mà cuối cùng cũng đưa ra cái quyết định như thế ấy, rõ ràng, tình yêu nước của ông đã cao lớn hơn, bao trùm lên tình yêu làng quê trong ông. Và trong những ngày ở nhà, ông chẳng biết làm gì, thỉnh thoảng lại trò chuyện với đứa con út. Những câu hỏi ông hỏi con về làng chợ Dầu cũng là mong muốn con luôn khắc ghi về cội nguồn, gốc rễ, về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đằng sau những câu hỏi tưởng như vu vơ ấy còn là nỗi nhớ tha thiết của ông với cái làng. Nhưng ông cũng thể hiện tấm lòng chung thủy, một lòng tin tưởng, ủng hộ, đi theo kháng chiến, đi theo cách mạng, theo cụ Hồ. Tấm lòng ấy của ông “ chết thì chết bao giờ có đơn sai”. Có thể nói, càng khơi sâu vào nỗi đau đớn, xót xa, tủi hổ, giằng xé trong lòng ông Hai khi nghe tin làng Dầu theo giặc, tác giả càng làm sáng lên tình yêu làng, yêu nước thiết tha, sâu nặng của ông Hai.
Khi nghe tin làng Dầu theo giặc ông già đã đau khổ đến tột cùng là thế, xong khi nghe tin cải chính, ông cũng tỏ ra vô cùng sung sướng như thể trút được một gánh nặng bấy lâu, như được hồi sinh sau những tháng ngày đầy đâu đớn. “ Gương mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”, “ cái mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ, hấp háy”. Rồi ông mua quà cho các con ông, ông “lật đật” đi sang gian bác Thứ mà khoe về cái tin cải chính. Chưa kịp cho bác ta hiểu, ông lại “lật đật” bỏ đi nơi khác, cứ mua tay lên mà khoe như vậy. Có thể thấy, từ nét mặt, cử chỉ, hành động, lời nói của ông Hai đều thể hiện sự vui mừng cuống quýt. Ông vui và hãnh diện vì làng chợ Dầu của ông vân trụ vững và kháng chiến giặc. Ông vui đến mức không hề thấy buồn hay tiếc vì ngôi nhà riêng của mình bị thiêu đốt. Bởi với ông, đó là một minh chứng rõ nhất về làng chợ Dầu không theo giặc và dường như ông còn cảm thấy miinhf đóng góp một phần vào chiến thắng của làng.
Với ông Hai, tình yêu làng, yêu nước mới là thứ thiêng liêng, quý giá hơn cả. Danh dự của làng là danh dự của ông. Ông cũng như làng, làng cũng là ông, có thể hi sinh nhưng không thể làm phản. Đó cũng là biểu hiện cao nhất của tình yêu làng, yêu nước, của tinh thần kháng chiến.
Để khắc họa lên hình ảnh người nông dân trong truyện ngắn “Làng”, tác giả đã thể hiện qua cách kể chuyện tự nhiên và các yếu tố nghệ thuật đặc sắc. Truyện ngắn được xây dựng theo cốt truyện tâm lí. Trong đó, tác giả đã sáng tạo ra những tình huống truyện gay cấn, kịch tính, bất ngờ: tình huống truyện khi ông Hai nghe tin làng chợ Dầu theo giặc và tình huống khi ông Hai nghe tin cải chính. Nếu tìn huống truyện thứ nhất tạo thắt nút cho câu chuyện thì tình huống thứ hai mở nút, khẳng định ông Hai và làng chợ Dầu một lòng đi theo kháng chiến, đi theo cách mạng. Như vậy, việc tạo dựng hai tình huống truyện trên đã tạo ra sự kịch tính, hấp dẫn, đồng thời làm nổi bật chủ đề của tác phẩm, ca ngợi tình yêu làng quê hòa quyện với tình yêu đất nước, tình yêu kháng chiến của nhân vật ông Hai hay cũng chính là người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tự nhiên mà tinh tế, sâu sắc. Tác giả đã miêu tả rất cụ thể diễn biến nội tâm nhân vật trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, qua những phương diện khác nhau ( ngoại hình, lời nói, cử chỉ, hành động). Đặc biệt, nhà văn đã sử dụng thành công các hình thức nghệ thuật đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm, tạo sự sinh động cho toàn bộ câu chuyện đồng thời có điều kiện để đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, làm nổi bật những ám ảnh, day dứt, giằng xé trong tâm trạng con người. Từ đó chứng tỏ Kim Lân là am hiểu về người nông dân và thế giới tinh thần của họ. Ngôn ngữ kể chuyện giản dị, mộc mạc, gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày, tạo nên sựu thân quen đối với người đọc. Ngôn ngữ của nhân vật ông Hai giàu tính khẩu ngữ, lại mang cá tính của nhân vật, gây ấn tượng cho người đọc. Cách trần thuật linh hoạt, tự nhiên, có nhiều chi tiết trong đời sống sinh hoạt hằng ngày xen vào mạch tâm trạng, tạo nên sự sống động và hấp dẫn cho câu chuyện. Việc tạo dựng hai mảng tâm lí đối lập trước và sau khi nghe hung tin của ông Hai trở thành hai cánh cửa nghệ thuật để mở ra tinh thần yêu nước sâu đậm của nhân vật, là cánh cửa đưa người đọc đến với nội dung chủ đề của tác phẩm.
Tóm lại, bằng ngòi bút tài ba và sự hiểu biết am tường về người nông dân của mình, Kim Lân đã tạo nên một thiên truyện ngắn về tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần kháng chiến của người nông dân Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Pháp với những nét đẹp mới mẻ. Có phải vì thế mà khi đọc tác phẩm, có ý kiến cho rằng: “ Làng không chỉ thể hiện sinh động những nét chân chất quen thuộc vốn có mà còn phát hiện những nét mới mẻ của người nông dân thời kì đầu kháng chiến chống Pháp qua lối kể chuyện tự nhiên và những yếu tố nghệ thuật đặc sắc.”
BÀI VĂN MẪU SỐ 2 BÀI VIẾT SỐ 6 LỚP 9 ĐỀ 2 TRUYỆN NGẮN LÀNG CỦA KIM LÂN GỢI CHO EM NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NHỮNG CHUYỂN BIẾN MỚI TRONG TÌNH CẢM NGƯỜI NÔNG DÂN VIỆT NAM
Kim Lân tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Kim Lân hay viết và viết rất hay về đề tài người nông dân, nông thôn bởi ông sống gắn bó và am hiểu đời sống của họ. Nhà văn Nguyên Hồng đã từng nhận xét: “Văn Kim Lân một lòng một dạ đi về với đất và người với thuần hậu nguyên thủy của nông thôn ngày trước”. Truyện ngắn “Làng” sáng tác năm 1948 trong thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Qua việc xây dựng thành công nhân vật ông Hai, truyện đã gợi ra cho người đọc suy nghĩ về những chuyển biến mới trong tình cảm người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ông Hai là nhân vật chính của truyện và là người có tình yêu làng, yêu nước tha thiết với những nét đặc sắc, riêng biệt được thể hiện thành đức tính cao quý. Nhà văn đặt nhân vật vào hoàn cảnh đặc biệt: rất yêu làng nhưng phải rời làng đi tản cư vì gánh nặng mưu sinh và vì kháng chiến. Ở nơi tản cư, ông Hai rất nhớ làng, luôn khoe về làng, hãnh diện tự hào về cái làng của mình – làng Chợ Dầu. Ông khoe làng ông giàu có, sầm uất như tỉnh thành và giàu tinh thần kháng chiến. Hằng ngày sau giờ phút lao động cực nhọc, ông Hai lại nằm vắt tay lên trán và suy nghĩ về làng. Chỉ nghĩ về làng thôi mà lòng ông đã tràn ngập lòng vui sướng, náo nức lạ thường. Ông luôn tìm cách nghe tin tức về kháng chiến “chẳng sót một câu nào”. Nghe được nhiều tin hay, những tin chiến thắng của quân ta, ruột gan ông cứ múa cả lên, náo nức, bao nhiêu ý nghĩ vui thích chen chúc trong đầu.
Để thử thách lòng yêu làng của ông Hai, Kim Lân đã đặt nhân vật trước tin đồn: làng Chợ Dầu theo Tây làm việc gian. Cái khéo của nhà văn là không trước cũng không sau, để cho ông lão nghe được tin dữ sau khi nghe được bao nhiêu là tin chiến thắng. “Cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân tưởng như đến không thở được”. Ông bị sốc mạnh, bàng hoàng sửng sốt đến tê dại, mất hết mọi cảm giác. Một lúc sau ông cố trấn tĩnh lại, ông không tin nổi những điều mình vừa nghe là sự thật. Ông rặn è è, nuốt một cái gì đó vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi: “Liệu có thật không ở Bác? Hay là chỉ lại…”. Ông hỏi như vậy là để lấy lại niềm tin làng ông không theo giặc. Tình yêu thương làng đã trở thành một tia hy vọng mong manh len lỏi trong cái tâm thức gần như đã suy sụp hoàn toàn. Nhưng khi nghe câu trả lời chắc chắn của những người dưới xuôi, ông không thể không tin. Ông Hai lảng tránh, cố tìm cách thoát khỏi đám đông. Nghe tiếng chửi bọn “Việt gian”, ông cúi gằm mặt xuống mà đi. Về đến nhà, ông nằm vật ra giường rồi tủi thân khi nhìn đàn con. Nước mắt ông lão cứ giàn ra. Có thể nói đây là lúc nỗi đau đớn tủi nhục không kìm nén được đã vỡ òa ra thành những giọt nước mắt. Trong lòng ông giằng xé bao nhiêu câu hỏi: “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?”. Những lời nói đó đã thể hiện được nỗi day dứt, dày vò, xót xa của ông Hai trước những đứa trẻ ngây thơ bị mang tiếng là trẻ của làng Việt gian. Nỗi đau ấy khiến ông có cử chỉ nắm chặt hai tay mà rít lên: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Những tình cảm yêu làng quê đã biến thành sự khinh bỉ, uất hận những kẻ bán nước xấu xa. Và rồi một cuộc đấu tranh nội tâm diễn ra gay gắt. Đấu tranh giữa niềm tin và nỗi nghi ngờ. Lần đầu tin ông Hai phải dùng tới lý trí để nghĩ về làng. Ông tìm mọi cách để vớt vát cái tin đồn kia. Và rồi niềm tin ấy gần như sụp đổ trong tâm hồn người nông dân rất mực yêu quê hương ấy khiến trái tim ông nhỏ máu. Suốt mấy ngày sau đó, ông Hai chẳng dám đi đâu, chỉ quanh quẩn trong cái gian nhà chật chội ấy mà nghe ngóng. Một đám đông túm lại ông cũng để ý, dăm bảy tiếng nói cười xôn xao, ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta đang bàn tán đến “cái chuyện ấy”. Cứ thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam-nhông là ông lại lủi ra một góc nhà, nín thít. Chính cái tin làng Chợ Dầu theo giặc đã làm thay đổi hoàn toàn tính cách của ông Hai: từ một người vui tính hay nói hay cười trở thành một con người nhút nhát, sợ hãi, lầm lì, mất niềm tin vào bản thân. Mâu thuẫn bế tắc được đẩy lên đến đỉnh điểm khi mụ chủ nhà biết được tin làng Chợ Dầu Việt gian. Điều đó đã đẩy ông Hai vào tình huống buộc phải lựa chọn: quê hương và Tổ Quốc. Tình yêu quê hương và tình yêu Tổ Quốc xung đột dữ dội trong ông. Trong đầu ông lóe lên suy nghĩ: “Hay là quay về làng”. Những ý nghĩ ấy vừa lóe lên đã bị chính ông dập tắt. Ông cảm thấy “rợn cả người”. Cuối cùng ông đã đưa ra một quyết định mà ông cho là đau đớn nhất: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù”. Như vậy đối với người nông dân thuần phác ấy, tình yêu làng quê đã được bao trùm bởi tình yêu lớn hơn. Đó là tình yêu Tổ Quốc. Đó là cả một nhận thức mới mẻ sáng suốt mà nhà văn cho ta thấy được ở những người nông dân buổi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy đau xót tưởng chừng bế tắc nhưng trong thẳm sâu cõi lòng, người nông dân ấy vẫn hướng về kháng chiến, vẫn tin ở những điều tốt đẹp. Bao nhiêu nỗi niềm chất chứa, ông không biết chia sẻ cùng ai, ông chỉ còn biết thủ thỉ với con. Trong những lời nói ất vẫn đậm tình yêu với làng, cảm động hơn khi ông dạy con phải biết ủng hộ kháng chiến, ủng hộ Cụ Hồ.
Giữa lúc đau khổ nhất, ông nghe được tin cải chính: làng Chợ Dầu không theo giặc. Nhà văn thật tinh tế khi miêu tả những cử chỉ, nét dáng của ông Hai: “cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên, mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ hấp háy”. Nhà văn như hóa thân vào nhân vật để đồng cảm với suy nghĩ của ông Hai. Ông Hai đã trở về với con người xưa, mộc mạc, chân chất, cởi mở, vui vẻ. Đặc biệt hơn, ông còn đi khoe với mọi người cái tin: “Tây nó đốt nhà tôi rồi. Đốt nhẵn” với thái độ hả hê vô cùng. Đây là một nét tâm lý đặc biệt chỉ có ở những người tham gia kháng chiến. Họ biết hy sinh cái gắn bó, thân yêu nhất để giữ được tinh thần của kháng chiến. Họ mất nhà nhưng còn cái quý hơn. Đó là đất nước. Có thể nói đây là một bước chuyển biến lớn trong nhận thức và tình cảm của người nông dân. Có thể nói chính vì am hiểu những người nông dân như ông Hai mà Kim Lân đã phát hiện ra những nét mới mẻ trong suy nghĩ của ông Hai.
Quả thật, Kim Lân rất thành công trong việc khắc họa hình ảnh của ông Hai, một trong những người dân bấy giờ, đơn giản, chất phác, tiêu biểu cho tầng lớp nông dân VN sau cách mạng tháng 8. Họ đã đặt tình yêu đất nước lên trên tình yêu làng. Kim Lân thật thành công trong nghệ thuật xây dựng truyện, nhất là nghệ thật sử dụng ngôn ngữ nhân vật mà ông Hai là điển hình. Lời nói của ông hai đúng là lời nói của những người nông dân thời bấy giờ, kể cả những từ dùng sai: “bác Thứ đâu rồi… Láo! Láo hết! toàn là sai sự mục đích cả”. Bên cạnh đó Kim Lân còn thành công trong việc miêu tả tâm lý nhân vật. Diễn biến tâm lý của ông Hai từ đầu đến cuối truyện thật cảm động. Yêu làng đến nỗi đi đâu cũng khoe về làng. Khi biết làng bị tình nghi theo giặc thì ông đau khổ, tủi nhục và khi biết làng mình không theo giặc, ông sung sướng, thậm chí còn khoe cả tin nhà mình bị đốt cháy một cách vui sướng, hả hê. Xây dựng được những chi tiết ấy, miêu tả sự phát triển tâm lý nhân vật như vậy, Kim Lân đã chứng tỏ được tài nghệ của mình.
Truyện “Làng” là một tác phẩm khá thành công khi viết về lòng yêu nước, yêu làng của người nông dân VN thời kháng chiến chống Pháp. Kim Lân đã thể hiện được tài năng của mình qua tác phẩm này. Đọc tác phẩm giúp ta hình dung được một thời kỳ chống Pháp sôi nổi của nhân dân, mọi người một lòng theo Bác, theo Đảng kháng chiến đến cùng, có lẽ vì vậy mà cuộc chiến của ta đã giành được thắng lợi vẻ vang.