Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 9: Cảm nhận của em sau khi đọc Bàn về đọc sách Dàn ý & 3 mẫu cảm nghĩ Bàn về đọc sách của Chu Quang Tiềm ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

TOP 3 mẫu Cảm nhận của em sau khi đọc Bàn về đọc sách hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ những sai lầm trong việc đọc sách, hướng tới cách đọc sách khoa học, hợp lý hơn.

Bàn về đọc sách

Chính cách viết nhẹ nhàng, lí lẽ xác đáng, cách lập luận chặt chẽ của Chu Quang Tiềm trong Bàn về đọc sách đã có sức thuyết phục sâu sắc tới người đọc. Mời các em theo dõi bài viết dưới đây của Wikihoc.com để có thêm nhiều ý tưởng mới cho bài văn của mình thêm sâu sắc.

Dàn ý Cảm nhận về tác phẩm Bàn về đọc sách

I. Mở bài:

– Giới thiệu nội dung văn bản

  • Sách ra đời từ lâu và đem lại nhiều lợi ích cho con người. Bài viết của Chu Quang Tiềm đem lại nhiều giá trị và suy ngẫm về sách
  • Khẳng định giá trị của việc đọc sách

II. Thân bài:

– Sách là gì?

  • Những ghi chép kiến thức của nhân loại được tích lũy
  • Theo đà phát triển của xã hội, chất liệt làm ra sách bắt đầu từ da thuộc, tre, giấy đến ngày nay là sách điện tử

– Học vấn?

  • Sự tiếp thu, học hỏi
  • Có nhiều cách học tập như học tập từ thầy cô, bạn bè, thực tế cuộc sống nhưng đọc sách luôn là con đường quan trọng của học vấn

– Cảm nhận về giá trị của văn bản:

  • Đưa ra những ý kiến về tầm quan trọng của sách, từ những nền tảng tri thức có sẵn trong sách, con người kế thừa và sáng tạo thêm tri thức mới góp phần nâng cao giá trị cuộc sống.
  • Những cách đọc sách sai lầm như đọc nhanh mà không hiểu sâu, đọc không có chọn lọc
  • Tác hại của việc không đọc sách khiến kiến thức không sâu rộng, mất đi một nguồn tích lũy kiến thức quan trọng
  • Đưa ra những biện pháp đọc sách hiệu quả

III. Kết bài:

  • Khẳng định một lần nữa giá trị của văn bản, tầm quan trọng của việc lựa chọn sách với mỗi người từ đó xây dựng một nền văn hóa đọc sách lành mạnh cho toàn xã hội

Cảm nhận về tác phẩm Bàn về đọc sách

Từ xưa đến nay, sách luôn được đánh giá là kho tàng tri thức vô giá của nhân loại. Đó là nơi lưu trữ lại những tinh hoa và trí tuệ của lớp người đi trước đến hậu thế. Tất cả các nhà khoa học, nhà văn nhà thơ, các tỷ phú đề nói về chuyện cần thiết của việc đọc sách. Thế nhưng bàn về đọc sách một cách nhẹ nhàng, xác đáng, lập luận chặt chẽ thì nhất định phải kể đến tác phẩm “Bàn về đọc sách” của tác giả Chu Quang Tiềm.

Tác phẩm Bàn về đọc sách được in trong tập Danh nhân Trung Quốc bàn về việc đọc sách. Trong tác phẩm này, tác giả đã nêu ra lợi ích và tầm quan trọng của việc đọc sách và phương pháp đọc sách hiệu quả. Chu Quang Tiềm đưa vào tác phẩm những lí lẽ xác đáng, nhiều kinh nghiệm thực tế, trình bày bố cục, nêu luận điểm mạch lạc. Sau khi nói về chuyện học vấn, tác giả khẳng định ngay tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đọc sách. Sau đó là các khó khăn dễ gặp phải của việc đọc sách trong tình hình hiện nay. Và cuối cùng là tác giả trình bày về các phương pháp đọc sách đúng đắn và hiệu quả. Bằng những phân tích ngắn gọn, ví dụ cụ thể, dễ hiểu, tác giả đã làm sáng tỏ ý nghĩa của sách với sự phát triển của nhân loại.

Ngay từ đầu đoạn trích, tác giả đã khẳng định tầm quan trọng của việc đọc sách: Học vấn không chỉ có chuyên đọc sách, nhưng đọc sách rốt cuộc là một con đường quan trọng của học vấn”. Học vấn là vốn hiểu biết tích lũy được qua quá trình lâu dài, có rất nhiều con đường để có được học vấn, và Chu Quang Tiềm khẳng định một trong những con đường quan trọng đó không gì khác ngoài “đọc sách”.

Thế nhưng sách là gì? Sách được tác giả định nghĩa như “kho tàng quý báu của di sản tinh thần nhân loại” đã được “ghi chép mà lưu truyền lại” được tác giả so sánh như “cột mốc trên con đường tiến hóa học thuật”. Có thể thấy, nhờ có sách mà con người ta có thể hiểu được con người, xã hội trước. Chẳng phải từ Truyện Kiều của Nguyễn Du mà ta hiểu và thêm yêu quý, trân trọng những số phận đau khổ của xã hội cũ hay sao? Những phát minh tiến hóa từ nhỏ đến vĩ đại của loài người ta đều có thể tìm đến được qua sách. Từ việc chế tạo chiếc bóng đèn đến đưa con người lên mặt trăng… sách đều có thể cung cấp cho ta tri thức. Đây đúng là “con đường quan trọng nhất” để nâng cao học vấn như tác giả đã khẳng định.

Tham khảo thêm:   Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT Quy chế thi chọn lọc học sinh giỏi cấp quốc gia

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, kho tàng sách vở được tích lũy ngày càng phong phú, trên thị trường càng ngày càng có nhiều loại sách, những điều này đã dẫn người đọc đến hai cái khó, mà sau đó tác giả đã chỉ ra rất cụ thể. Một là sách ngày một nhiều khiến người đọc không thể chuyên sâu. Tác giả có so sánh việc đọc sách ngày nay với việc đọc sách của các học giả Trung Hoa thờ cổ đại để thấy rõ việc đọc sách nên trọng về chất lượng chứ không trọng về số lượng. Chỉ cần một quyển sách mà có thể dùng cả đời cũng không hết. Để cho sâu sắc và dễ nhớ hơn, Chu Quang Tiềm còn so sánh việc đọc sách với việc “ăn uống” các thứ không có lợi càng tích nhiều càng dễ “sinh bệnh”. Bên cạnh đó ông còn châm biếm các học giả trẻ đọc sách một cách “liếc qua” tuy nhiều mà “lưu tâm” thì rất ít, “hư danh nông cạn”.

Khó khăn thứ hai được tác giả chỉ ra cho việc đọc sách ở thời điểm hiện tại là việc trước thư viện hàng biển sách, núi sách. Việc nhiều sách như vậy dễ làm người đọc hoang mang, mất thời gian và đọc một cách thiếu định hướng. Tác giả còn so sánh việc đọc sách giống như đánh trận để thấy được đây là một việc vô cùng khó khăn và phải có những quyết định, phương pháp đúng đắn. Chu Quang Tiềm khuyên độc giả phải “đánh vào thành trì kiên cố, chiếm cứ mặt trận xung yếu”. Tức là việc đọc sách cũng phải có mục tiêu, xác định được thứ mình muốn và những quyển sách thực sự cần, tránh “tự tiêu hao lực lượng”.

Từ hai khó khăn bên trên, tác giả có dẫn người đọc đến hai phương pháp đọc để đem lại nhiều hiệu quả nhất. Đó là việc “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, tức là “đọc sách không cần nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ”. Có đọc lướt qua 10 lần 1 quyển cũng không bằng đọc kĩ một quyển sách 10 lần, đọc và ngẫm đi ngẫm lại giống như cách bậc hiền nhân đời trước: “Sách cũ trăm lần xem chẳng chán / Thuộc lòng, ngâm kĩ một mình hay”. Đọc nhiều chưa hẳn đã vinh, đọc ít chưa hẳn đã xấu hổ. Tác giả còn đem so sánh việc đọc sách chỉ lấy nhiều, khoe mẽ với việc “cưỡi ngựa đi qua chợ…”, “kẻ trọc phú khoe của ” để châm biếm những kẻ đọc mà không ngẫm nghĩ, chỉ lấy thành tích và số lượng.

Ngoài ra, tác giả còn khuyên người đọc sách nên chia sách thành hai loại là sách để thường thức, một loại đọc để làm học vấn chuyên sâu. Loại sách để thưởng thức, theo tác giả là những sách gần gũi hàng ngày, ai cũng cần phải biết, đó là các bài học ở trung học và năm đầu đại học, ai cũng phải mỗi môn “chọn kĩ từ 3 đến 5 quyển xem cho kĩ”. Chu Quang Tiềm đặc biệt đề cao việc có những kiến thức thường thức. Ông cho rằng nó “không chỉ cần cho công dân thế giới hiện tại” mà đối với các nhà học giả chuyên môn “cũng không thể thiếu được”. Bởi theo ông, các bộ môn, cách ngành khoa học đều có quan hệ mật thiết với nhau và không thể tách rời. Nếu chỉ biết nghiên cứu cho môn khoa học của mình mà không có các kiến thức liên quan thì “giống như con chuột chui vào sừng trâu, càng chui sâu càng hẹp, không tìm ra lối thoát”. Tác giả nêu lên phương châm trong học vấn “phải biết rộng rồi sau mới nắm chắc”, khuyến khích người ta đọc rộng, tìm tòi và tăng thêm vốn hiểu biết đang dạng hơn cho mình.

Bàn về đọc sách không phải là một vấn đề mới, tuy nhiên dưới sự thể hiện của tác giả Chu Quang Tiềm thì lại đem đến cho người đọc những cảm xúc, cách nhìn nhận mới và độc đáo hơn. Bởi, trong tác phẩm, từ nội dung đến hình thức nghệ thuật đều được trình bày thấu lí đạt tình. Các nhận định, ý kiến của Chu Quang Tiềm đưa ra đều xác đáng, hợp lẽ. Giọng điệu sử dụng trong tác phẩm vừa như chuyện trò, tâm tình thân ái, kết hợp với việc so sánh, ví dụ một cách mạch lạc, dễ hiểu, dễ nhớ.

Bàn về đọc sách của tác giả Chu Quang Tiềm ra đời cách đây khá lâu, nhưng ta có thể thấy những lí lẽ và lời khuyên răn trong đó vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt là trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, khi mà việc đọc sách ngày càng trở nên cần thiết hơn.

Cảm nhận Bàn về đọc sách hay

Cuộc sống của chúng ta như một đại dương mênh mông vô tận, là sa mạc rộng lớn trải dài mà mỗi con người chỉ là một giọt nước hòa trong ngàn giọt nước biển cả, một hạt cát vô danh trong hàng triệu con người. Để sống và tỏa sáng như một ngôi sao thực thụ, bạn phải thực sự khác biệt. Và điều làm cho mỗi người nổi bật, để bước tới thành công và hạnh phúc chính là sách. Những lợi ích của việc đọc sách đã được Chu Quang Tiềm khẳng định trong bài “Bàn về đọc sách”.

Tham khảo thêm:   Đề thi Olympic cụm trường THPT Ba Đình - Tây Hồ năm học 2011 - 2012 môn Văn lớp 10 Đề thi Olympic

Sách là nơi lưu trữ kiến thức, nguồn tri thức vô tận của con người và được truyền lại cho thế hệ khác qua những kí tự được viết trên trang giấy. Đọc sách chính là hành động tiếp thu những kiến thức ấy vào mình qua cách cảm nhận và thực hành. Qua bài “Bàn về đọc sách”, tác giả đã chỉ cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc đọc. Ông khẳng định rằng, sách là kho tàng quý báu, cất giữ những giá trị của lịch sử nhân loại, là cột mốc tiến hóa của cả nhân loại. Sách là sự chuẩn bị trên con đường trường chinh vạn dặm trên con đường tri thức … Đó là những lí do trên lí thuyết: đọc sách để tích lũy tri thức, tăng thêm hiểu biết. Nhưng để làm gì? Cuộc sống ngày nay là những guồng quay với sự đào thải bất kì ai không có năng lực. Bạn cần phải đọc sách vì đó mới là con đường thay đổi cuộc đời bạn, không phải tri thức bạn.

Thứ nhất, sách là con đường đơn giản nhất để bạn trở nên khác biệt trong thế giới mà con người đang ngày càng hòa lẫn vào nhau như những hạt cát vô danh. Giới trẻ vẫn thường nói: “Ngoại hình và đầu óc, ít nhất phải có một cái chứ”. Bạn không thể quyết định mình trở nên xinh đẹp nhưng bạn có thể khiến mình nổi bật nhờ “cái đầu” của mình. Khoa học đã chứng minh, đọc sách rèn cho con người tư duy và khả năng suy luận nhạy bén hơn. Nếu không, bạn cũng có thể phát huy được trí tưởng tượng phong phú của mình. Sách mang đến cho bạn thứ còn quan trọng hơn cả kiến thức, đó là trí tưởng tượng: Kiến thức thì duy trì thế giới nhưng trí tưởng tượng mới là thứ tạo nên thế giới và thay đổi thế giới. Kiến thức thì có giới hạn còn trí tưởng tượng thì không. Có những nơi đôi mắt không thể đến được, đôi chân không thể tới được, nhưng con chữ thì có thể. Đọc sách hẳn là việc đơn giản, dễ thực hiện nhất… trong tất cả những việc nên làm. Thử so sánh với việc tập thể thao, nuôi động vật, nấu ăn, chơi nhạc cụ, từ bỏ chất gây nghiện… mà xem. Để đọc sách, đơn giản, bạn chỉ cần biết chữ! Nói chuyện với một người, bạn có thể gây ấn tượng với người đối diện bởi sự hài hước nhờ bạn đọc một quyển truyện cười nào đó, sự uyên bác bởi những điều bạn đọc được từ một cuốn sách khoa học. Để tương lai, thay vì mệt mỏi nói về nào những cơm, áo, gạo tiền, dầu, muối, xăng, xe với người yêu, bạn còn có thể nói về cầm, kì, thi, họa, phong, hoa.Và bạn trở nên khác biệt hoàn toàn với những người khác!

Thứ hai, sách chắc chắn là thứ rẻ tiền nhất giúp bản thân bạn trở nên đáng giá. Hãy thử so sánh với những thứ đồ như trang phục, trang sức, đồ công nghệ, xe cộ… hay bất cứ thứ gì bạn muốn sở hữu đi. Mua một vài quyển sách không thấm vào đâu so với số tiền bạn mua một chiếc váy bình thường cả. Sau này, học thêm một chút kiến thức, sẽ ít đi một câu xin xỏ, nhờ vả người khác. Những cô gái sẽ thích lấy một người có thể lo cho cả đời cô ấy hơn là một người chỉ có thể để ngắm. Số trang sách ngày hôm nay tôi lật, chính là số tiền mà ngày mai tôi được đếm. Mười năm sau, hai mươi năm sau có họp lớp, tôi không muốn gặp phải xấu hổ trước mặt bất cứ ai. Khi mua đồ, không cần phải cân nhắc rồi hạ đồ xuống khi nghĩ đến ví tiền. Khi cha mẹ già đi, tôi không muốn vì mình từng lười biếng mà họ không thể giúp họ tuổi già an nhàn.

Thứ ba, khi bạn đã có sẵn những khác biệt là tố chất rồi, sách chính là con đường nhanh nhất để có được thành công. Con đường nhanh nhất để đi đến với thành công là không cần phải bắt đầu từ vạch xuất phát, đi lên những dấu chân mà lịch sử đã đi qua mà là bước tiếp những bước chân mà những người xưa đang dừng lại, là khai phá ra những nơi không có dấu chân người. Ta không nhất thiết phải vấp ngã tại những nơi người khác đã ngã, thất bại ở những nơi không cần thiết. Và làm được điều đó cũng chỉ có sách. Edison có phải lần mò từ đầu để sáng chế ra đèn điện? Không, ông biết đọc sách để tiếp thu những gì người đi trước để lại, để ông tạo ra thứ tốt hơn đèn dầu lúc bấy giờ. Marie Curie có thể là người phụ nữ duy nhất trên thế giới nhận 2 giải Nobel nếu không dành hầu hết tuổi thơ mình để đọc sách? Rất nhiều những cuốn sách đã thay đổi cuộc đời người khác và nhất định sẽ có một cuốn sách thay đổi cuộc đời bạn!

Và sách chính là từ khóa duy nhất dù bạn có gõ google bao nhiêu lần đi nữa cũng không thể tìm được kết quả nào cho từ khóa “hối hận vì đọc sách”. Không bao giờ phải hối hận khi cầm một cuốn sách trên tay cả. Nếu cuốn sách ấy không hay, đó là do bạn không biết chọn sách, ngoài kia vẫn còn nhiều cuốn sách hay cơ mà. Bạn không cần phải phí thời gian vào quyển sách không xứng đáng. Và nếu có cơ hội, hãy đọc thật nhiều và mua thật nhiều sách. Những cuốn sách đến tay con cháu bạn, vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của nó. Nhưng đọc sách cũng chỉ là một phần. Đọc phải đi với hiểu và làm. Những điều nói trên đây đều đi liền với hành động của nó: đọc cuốn sách có thể kể cho người yêu nghe, đọc cuốn sách phải biến nó thành tài sản của mình, là thành tựu của toàn thế giới. Như thế bạn mới trả lại được những gì bạn lấy đi từ những cuốn sách.

Tham khảo thêm:   Văn khấn giao thừa Giáp Thìn 2024

Bây giờ trên tay bạn có cuốn sách nào không. Nếu muốn cuộc đời mình phải hối hận, hãy cứ ngồi đó. Sách không kì thị bất kì ai, chỉ có những người không nhận ra giá trị thực của nó mà thôi.

Cảm nhận về giá trị bài “Bàn về đọc sách”

Người đời thường nói: “Bộ lông làm đẹp con công,tri thức làm đẹp con người”. Trong đời sống xã hội hiện nay,nếu không có tri thức thì không tồn tại và phát triển. Chính vì thế việc tích lũy kiến thức là vô cùng quan trọng trong xã hội hiện nay. Một trong những cách dễ dàng nhất để tích lũy tri thức, trang bị kĩ năng cho bản thân mỗi chúng ta là đọc sách.Sách là nguồn kiến thức vô tận của nhân loại, ghi lại và truyền đạt thông tin, tri thức từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đọc sách là nghiên cứu, tiếp thu thông tin, kiến thức ghi lại trong sách và thưởng thức vẻ đẹp của kiến thức thông qua sự sáng tạo của tác giả. Khối lượng kiến thức thu thập được từ việc đọc chính là một thước đo đánh giá tầm vóc tri thức của mỗi người.Những người thích đọc sách có rất nhiều trong xã hội chúng ta hiện nay. Họ nhã nhặn, từ tốn và rất biết cách đối nhân xử thế. Họ sở hữu vốn kiến thức vững chắc và rất thành công trong công việc. Họ luôn có những biện pháp, biết cách khắc phục các khó khăn, chướng ngại trong cuộc sống. Điển hình là Bill Gates trước khi trở thành “gã khổng lồ về công nghệ Microsoft”, từng được biết đến như một “con mọt sách”. Hay gần gũi với chúng ta nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc ta cũng đọc rất nhiều sách nên Bác có một vốn kiến thức rất uyên thâm và sâu rộng.Vì thế việc đọc sách là nhu cầu không thể thiếu được trong xã hội hiện đại.

Việc đọc sách còn là phương tiện cần thiết nhất, hiệu quả nhất để đào tạo cho ta có một cơ sở học vấn vững vàng. Đọc sách giúp ta mở mang tầm hiểu biết, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, giúp ta tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Ngoài ra, đọc sách còn giúp ta hoàn thiện bản thân, nuôi dưỡng tâm hồn, gieo những ước mơ tốt đẹp khơi gợi tinh thần lạc quan của mỗi chúng ta. Đồng thời việc xem sách còn giúp ta có đủ bản lĩnh để chinh phục những đỉnh cao của vinh quang và giúp ta biết cách cư xử, giao tiếp trong xã hội bởi sách chính là kho tàng tri thức nhân loại. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả đọc sách, cần phải có phương pháp và kỹ năng đọc. Đối với mỗi chúng ta, để đạt được hiệu quả tốt,cần phải có những quyển sách hay, phù hợp với lứa tuổi cần chú trọng nhiều nhất đó chính là cách đọc sách . Như Chu Quang Tiềm đã viết “Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ.” , khi đọc sách cần phải nghiên cứu

Nếu như một ngày, kho tàng sách bị mất đi, con người không thể đọc sách thì đêm đen của sự ngu dốt sẽ bao trùm lên tất cả. Con người khi ấy sẽ mất đi khả năng tư duy, trở về với thời nguyên thủy. Thế nhưng ngày nay có rất nhiều người lười đọc sách vì có quá nhiều hình thức tiếp nhận thông tin tiện lợi và hiện đại. Đồng thời trong biển sách bao la có nhiều loại sách không lành mạnh. Điều này dẫn đến việc nhiều người coi thường vai trò của việc đọc sách và lựa chọn sách không phù hợp. Đối với tất cả mọi người, vai trò của việc đọc sách là vô cùng to lớn và không thể thay thế được. Nhờ đọc sách con người mới có thể mở mang kiến thức, tiếp thu tinh hoa của nhân loại. Chính vì thế, mỗi con người chúng ta hãy rèn luyện thói quen đọc sách có phương pháp mỗi ngày và lựa chọn những quyển sách thật phù hợp cho chính bản thân mình.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Cảm nhận của em sau khi đọc Bàn về đọc sách Dàn ý & 3 mẫu cảm nghĩ Bàn về đọc sách của Chu Quang Tiềm của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *