Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Đại Vương) được tôn vinh là một trong những vị tướng vĩ đại trong lịch sử thế giới. Hôm nay, Wikihoc.com sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật Trần Hưng Đạo.
Nội dung sẽ bao gồm dàn ý và 4 bài văn mẫu lớp 7, kể về một sự việc có thật liên quan đến Trần Hưng Đạo. Bạn đọc có thể tham khảo ngay sau đây để có thêm ý tưởng cho bài văn của mình.
Dàn ý kể về một sự việc có thật liên quan đến Trần Hưng Đạo
(1). Mở bài
Giới thiệu về nhân vật: Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn.
(2). Thân bài
- Thuật lại quá trình diễn biến của sự việc theo trình tự (thời gian, không gian…).
- Chỉ ra mối liên quan giữa sự việc với nhân vật lịch sử, kết hợp kể chuyện với miêu tả.
- Ý nghĩa của sự việc được kể lại: Những phẩm chất tốt đẹp của Trần Hưng Đạo.
(3). Kết bài
Khẳng định ý nghĩa của sự việc, nêu cảm nhận của người viết đối với nhân vật: Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn.
Kể về một sự việc có thật liên quan đến Trần Hưng Đạo – Mẫu 1
Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam vốn tự hào với truyền thống yêu nước của dân tộc. Trong bất cứ thời đại nào, đất nước cũng có những bậc anh hùng đứng lên lãnh đạo nhân dân đánh bại kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Một trong số đó phải kể đến Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn.
Trần Quốc Tuấn (1231? – 1300), tước Hưng Đạo Đại Vương. Ông là con trai của thân vương An Sinh Vương – Trần Liễu. Ông sinh ra trong một thời kì “hỗn loạn” của nhà Trần. Năm 1285 và năm 1287, quân Nguyên – Mông xâm lược nước ta, lần nào ông cũng được Trần Nhân Tông cử làm Tiết chế thống lĩnh các đạo quân, cả hai lần đều thắng lợi vẻ vang. Vào đời vua Trần Anh Tông, ông về trí sĩ ở Vạn Kiếp (nay là xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) rồi mất ở đấy. Nhân dân tôn thờ ông là Đức thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều trên đất nước.
Trần Quốc Tuấn được biết đến là một người thông minh, văn võ song toàn. Ông chính là một danh tướng kiệt xuất của dân tộc thời Trần, góp công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên của dân tộc. Không chỉ vậy, ông cũng có nhiều tác phẩm hay, chủ yếu liên quan đến binh pháp. C ác tác phẩm của ông gồm Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Hịch tướng sĩ), Binh gia diệu lý yếu lược (Binh thư yếu lược), Vạn Kiếp tông bí truyền thư (Sách bí truyền của tông phái Vạn Kiếp, đã bị thất lạc).
Có rất nhiều tích truyện kể về Trần Quốc Tuấn. Trong đó, chúng ta có thể kể đến việc Trần Quốc Tuấn viết “Hịch tướng sĩ”. Bài hịch được viết vào khoảng trước cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ hai (1285). Mục đích của Trần Quốc Tuấn nhằm khích lệ tướng sĩ học tập cuốn Binh thư yếu lược (Sách tóm tắt những điều cốt yếu về binh pháp) cũng do chính ông soạn.
Nội dung chính của “Hịch tướng sĩ” phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Điều đó được thể hiện qua lòng căm thù giặc, ý chí quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược. đưa ra những tấm gương thể hiện sự trung thành của các vị tướng thời trước. Sau đó ông nêu lên tội ác của quân giặc, bộc lộ nỗi lòng của mình trước hoàn cảnh của đất nước. Ông chỉ ra sự sai trái trong hành động, suy nghĩ của các tướng sĩ. Cuối cùng là lời kêu gọi tướng sĩ học tập theo “Binh thư yếu lược”.
Có thể thấy rằng, Trần Quốc Tuấn không chỉ là một người tài ba anh dũng còn là một vị tướng hết lòng vì vận mệnh đất nước. Ông là một vị anh hùng kiệt xuất, được thế giới tôn vinh là một trong những vị tướng vĩ đại nhất mọi thời đại.
Kể về một sự việc có thật liên quan đến Trần Hưng Đạo – Mẫu 2
Hưng Đạo Đại Vương là một trong những vị tướng tài năng của dân tộc Việt Nam, có công lao to lớn trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Ông sinh năm 1231?, mất 1300. Quê ở làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông là con trai của thân vương An Sinh Vương – Trần Liễu.
Mặc dù cha ông có hiềm khích lớn với Trần Thái Tông, nhưng Trần Hưng Đạo luôn đặt việc nước làm trọng, một lòng trung thành, hết lòng phò tá các vua Trần đánh ngoại xâm cứu nước. Truyện kể rằng, với lời dặn của Trần Liễu trước khi mất, Trần Quốc Tuấn từng vờ hỏi các con.
Ông hỏi Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn:
– Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?
Lúc này, Hưng Vũ vương thưa:
– Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ!.
Nghe xong, Trần Quốc Tuấn cho là phải. Một hôm khác, ông lại hỏi người con thứ là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến lên thưa:
– Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ.
Nghe vậy, Trần Quốc Tuấn mới kể tội:
– Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra.
Ông định cho xử tội Quốc Tảng, nhưng Hưng Vũ vương đến van xin, nhận chịu tội thay. Lúc này, ông mới tha mạng. Sau đó, ông còn dặn Hưng Vũ vương:
– Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng.
Sự việc trên đã cho thấy tấm lòng trung nghĩa với vua, với nước, không tư lợi của Trần Quốc Tuấn. Ông không vì hiềm khích riêng, mà làm ảnh hưởng đến đất nước. Dù là với con cái, ông vẫn nghiêm khắc dạy bảo, không bao che.
Như vậy, Trần Quốc Tuấn là một vị anh hùng lỗi lạc của dân tộc. Ông xứng đáng khi được tôn vinh là một trong những vị tướng kiệt xuất của thế giới.
Kể về một sự việc có thật liên quan đến Trần Hưng Đạo – Mẫu 3
Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước. Bất cứ thời đại nào cũng đều có những vị anh hùng vĩ đại. Một trong những nhân vật mà tôi ấn tượng nhất là Trần Hưng Đạo.
Trần Quốc Tuấn (1231? – 1300), tước Hưng Đại Đạo Vương. Ông là con trai của thân vương An Sinh Vương – Trần Liễu. Ông sinh ra trong một thời kì “hỗn loạn” của nhà Trần. Người đương thời biết đến ông là một người thông minh, văn võ song toàn, yêu nhân dân và đất nước. Ông chính là một danh tướng kiệt xuất của dân tộc thời Trần.
Vào năm 1257, quân Mông Cổ chuẩn bị xâm lược Đại Việt. Nhà Trần đã chủ động đề ra kế hoạch đối phó: tăng cường phòng thủ biên giới, chuẩn bị lực lượng. Lúc này, Trần Quốc Tuấn được cử chỉ huy các tướng lĩnh đem quân thủy, bộ lên phòng ngự ở biên giới.
Vào năm 1279, nhà Nguyên ráo riết chuẩn bị xâm lược Chăm-pa và Đại Việt. Vua Trần đã triệu tập Hội nghị Diên Hồng để bàn kế sách. Vua đã cử Trần Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội cả nước. Trần Quốc Tuấn đã soạn thảo ra Hịch tướng sĩ để khích lệ tinh thần chiến đấu của binh lính. Tháng 1 năm 1285, hơn năm mươi vạn quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy tiến vào xâm lược Đại Việt. Trần Quốc Tuấn đã cho lui quân về đóng ở Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương). Sau những thất bại ban đầu, dưới sự lãnh đạo của hai vua Trần, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và Hưng Đạo vương phản công mạnh mẽ, phá tan quân Nguyên trong các trận Tây Kết (Hà Nội), Hàm Tử (Hưng Yên), Chương Dương (Hà Nội) rồi tiến vào giải phóng Thăng Long. Cuộc kháng chiến giành thắng lợi.
Năm 1287, quân Nguyên trở lại xâm lược Đại Việt lần thứ ba. Khi được tiếp tục giao quyền chỉ huy, Trần Quốc Tuấn khẳng định với vua Trần Nhân Tông: “Năm nay đánh giặc nhàn”. Trận Bạch Đằng đại thắng, quân Nguyên phải trở tháo chạy về nước.
Có thể thấy rằng, Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn là người có vai trò quan trọng trong chiến thắng của cuộc kháng chiến. Trần Hưng Đạo chính là một vị anh hùng đáng để ngưỡng mộ và tự hào.
Kể về một sự việc có thật liên quan đến Trần Hưng Đạo – Mẫu 4
Trần Quốc Tuấn (1231? – 1300), tước Hưng Đạo Đại Vương là một danh tướng kiệt xuất của dân tộc thời Trần. Ông là một vị anh hùng của dân tộc, có công lớn trong chiến thắng chống quân Nguyên – Mông.
Ông là con của An Sinh Vương. Lúc mới sinh ra, có một thầy tướng xem cho và bảo: “Người này ngày sau có thể giúp nước cứu đời”. Đến khi lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ. Cha của ông trước đây vốn có hiềm khích với Chiêu Lăng, mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ để dạy Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, An Sinh cầm tay Quốc Tuấn dặn rằng:
– Con mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.
Ông ghi nhớ trong lòng, nhưng không cho điều đó là phải. Sau này, đến khi vận nước ở trong tay, quyền quân quyền nước đều do ở mình, ông đem lời cha dặn nói với gia nô là Dã Tượng, Yết Kiêu. Họ đã can ngăn ông:
– Làm kế ấy tuy được phú quý một thời mà để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay đại vương chẳng phải đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu.
Trần Quốc Tuấn nghe vậy, lấy làm cảm phục lắm, liền khen ngợi hai người. Trong hai năm, 1285 và năm 1287, quân Nguyên – Mông xâm lược nước ta, lần nào ông cũng được Trần Nhân Tông cử làm Tiết chế thống lĩnh các đạo quân, cả hai lần đều thắng lợi vẻ vang. Sau này khi mất, nhân dân tôn thờ ông là Đức thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều trên đất nước.
Qua sự này, có thể thấy được tấm lòng trung nghĩa với vua, với nước, không tư lợi của Trần Quốc Tuấn, ông là người thận trọng và quyết đoán và cũng chân thành.
Có thể khẳng định, Trần Hưng Đạo là một vị anh hùng lỗi lạc của dân tộc. Cuộc đời của ông đã có những đóng góp to lớn cho nhân dân, đất nước.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 7: Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật Trần Hưng Đạo Dàn ý & 4 bài văn mẫu lớp 7 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.