Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về tiền bạc và hạnh phúc Dàn ý & 7 bài văn mẫu lớp 12 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về tiền bạc và hạnh phúc gồm có 7 bài văn hoàn chỉnh hay nhất được đánh giá cao. Với 7 bài văn tiền bạc và hạnh phúc được xây dựng đầy đủ, mạch lạc, rõ ràng từng phần các bạn có thể dễ dàng lựa chọn tham khảo cho bài văn của mình sắp viết.

Tiền bạc và hạnh phúc có mối quan hệ khăng khít với nhau. Bởi vì tiền là phương tiện xây dựng hạnh phúc. Chính vì thế để sống cuộc đời có ý nghĩa hãy biết cân đối giữa tiền bạc và tình cảm. Vậy sau đây là 7 bài văn nghị luận về tiền bạc và hạnh phúc, mời các bạn cùng đón đọc. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn nghị luận về hãy giữ cho mình niềm đam mê khác biệt.

Dàn ý nghị luận về tiền tài và hạnh phúc

1. Đặt vấn đề

  • Có rất nhiều quan điểm khác nhau về tiền tài, về hạnh phúc. Có người cho rằng có tiền là có hạnh phúc. Có người lại cho rằng có tiền chưa chắc đã có hạnh phúc. Nhưng cũng có người có ý kiến “người giàu cũng khóc”.
  • Thế nào là tiền tài? Là hạnh phúc? Tiền tài và hạnh phúc có mối quan hệ với nhau như thế nào? Để hiểu được điều đó, chúng ta cùng bàn về vấn đề này.

2. Giải quyết vấn đề

a. Giải thích từ ngữ:

  • Tiền tài: Tiền bạc và của cải.
  • Hạnh phúc: Trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện.

b. Tầm quan trọng của tiền tài và hạnh phúc

– Tiền tài và hạnh phúc đều rất quan trọng, cần phải có quan niệm đúng về hai vấn đề này.

  • Tiền tài dùng để phục vụ cuộc sống của con người. Nếu thiếu tiền, thiếu của cải, cuộc sống của con người sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi bệnh tật, ốm đau, ta sẽ không thể chữa bệnh kịp thời. Khi cần mua sắm phục vụ cuộc sống của con người, thiếu tiền ta không thể thực hiện được.
  • Nhưng đồng tiền cũng có mặt trái của nó. Nhiều khi vì đồng tiền, người ta đối trắng thay đen, biến giả thành thật, hủy hoại nhân cách con người. Trong xã hội hiện nay, nhiều người vì chạy theo đồng tiền mà không từ một thủ đoạn nào.

– Hạnh phúc chỉ được xây dựng trên những giá trị mang ý nghĩa xã hội và tinh thần chân chính. Hạnh phúc có giá trị về mặt tinh thần. Nó làm cho các thành viên trong gia đình thấy vui vẻ, ấm cúng, làm cho cộng đồng hoà hợp tạo nên sức mạnh thúc đẩy xã hội phát triển.

c. Mối quan hệ giữa tiền tài và hạnh phúc

  • Nếu chỉ coi đồng tiền là mục đích duy nhất, cao nhất để sống thì nhiều khi chính ta sẽ rơi vào bi kịch. Nhân cách bị huỷ hoại, gia đình tan nát, mọi người sẽ coi thường, xa lánh.
  • Nhiều khi có tiền tài nhưng con người vẫn không thấy hạnh phúc. Nếu vì đồng tiền mà quên đi tất cả người thân bạn bè thì đồng tiền sẽ chẳng tạo nên giá trị, chẳng tạo nên sức mạnh trong cuộc sống.
  • Tóm lại: Điều quan trọng là ta phải tạo được sự hài hoà giữa tiền tài và hạnh phúc, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Con người được sống hạnh phúc lại có đầy đủ điều kiện vật chất thì thật là lí tưởng. Hiện nay, có rất nhiều gia đình vừa có điều kiện kinh tế vừa sống rất hạnh phúc. Bởi vì, đồng tiền họ làm ra là bằng sức lao động của chính họ.

d. Làm thế nào để vừa có tiền tài vừa được hạnh phúc

– Muốn tạo được sự hài hoà giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, mỗi người phải nỗ lực phấn đấu không ngừng trong học tập, lao động, rèn luyện đạo đức.

  • Tạo ra của cải vật chất một cách chân chính. Biết sử dụng nó một cách hợp lí, có ý nghĩa.
  • Phải trân trọng, giữ gìn hạnh phúc khi đã tạo dựng được. Không vì tiền tài mà tranh giành lẫn nhau, đánh mất đi hạnh phúc đã tạo dựng được.

3. Kết thúc vấn đề

  • Tiền tài và hạnh phúc có vai trò quan trọng đối với mỗi con người.
  • Kết hợp hài hoà giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần.
  • Khi có cuộc sống hạnh phúc phải biết phấn đấu để cuộc sống ngày một đầy đủ, tốt đẹp hơn.
  • Phê phán những người chỉ biết chạy theo đồng tiền mà chà đạp lên cuộc sống tình cảm gia đình, bè bạn…

Nghị luận về tiền bạc và hạnh phúc – Mẫu 1

Có bao giờ bạn tự hỏi: Tiền bạc là gì mà bao kẻ mù quáng theo đuổi, hạnh phúc là gì mà bao người khát khao, hi vọng. Hai điều đó tưởng chừng không gắn bó gì với nhau nhưng lại tạo nên một mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết trong cuộc sống.

Hạnh phúc là cảm giác sung sướng, mãn nguyện vì cảm thấy hoàn toàn đã được những gi mong muốn, còn tiền bạc là những đồng tiền dùng để chi tiêu và sử dụng. Giữa tiền bạc và hạnh phúc có một mối quan hệ khăng khít với nhau.

Tiền bạc có tầm ảnh hướng lớn đối với chúng ta. Nó là điều kiện cần cho nhiều hoạt động của cuộc sống như học tập, ăn, mặc, ở, đi lại… Mỗi việc chúng ta làm đều cần rất nhiều tiền. Hàng ngày chúng ta phải ăn uống để duy trì sự sống. Phải có tiền thì chúng ta mới có thể mua được những loại thực phẩm mà chúng ta cần dùng hàng ngày. Hãy thử tưởng tượng nếu một ngày chúng ta không có tiền để chi tiêu, không thể mua được những thứ cần thiết cho cuộc sống, lúc đó chúng ta sẽ như thế nào? Không ăn uống, không có những điều tối thiểu để sinh hoạt, chắc chắn sức khoẻ của chúng ta sẽ bị giảm sút theo đó là rất nhiều hệ lụy, việc khám chữa bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn, học tập và làm việc sẽ không được đảm bảo.

Bên cạnh những giá trị vật chất, chúng ta còn đáp ứng được những giá trị thần khi có tiền. Chúng ta có thể tổ chức đi chơi vào những ngày hay đơn giản là những hoạt động, dịch vụ như Internet, điện thoại, phải có tiền thì chúng ta mới có thể chi trả cho những hoạt động đó. Chúng ta cần tiền, rất cần tiền mỗi ngày để chi trả cho những vấn đề cần trong cuộc sống. Dường như đồng tiền đã một phần nào chi phối hoạt động và nhu cầu của chúng ta. Mỗi người đều có những nhu cầu thiết yếu cho gia đình, cho bản thân, tuy nhiên với những gì chúng ta có, cần phải biết cách chi cho hợp lý, phải biết tính toán những gì mình cần, mình có. Nếu là một sinh nghèo vừa tốt nghiệp ra trường, cần có một chiếc xe máy để đi làm, với những gì cô có, chỉ có thể mua được một chiếc xe bình thường, không sang trọng, đắt tiền nhưng đã đáp ứng được nhu cầu của bản thân. Hay bên cạnh đó những sinh viên con nhà giàu, có thể mua được chiếc xe đắt tiền, sang trọng… Nhưng dù có nhiều tiền hay ít tiền, với nhu cầu của bản thân, với một sự tính toán, cân đối thì chúng ta có thể thỏa mãn nhu cầu của cuộc sống tuy có lúc cũng chưa thật sự hài lòng. Tiền bạc là một điều kiện cần của cuộc hạnh phúc nhưng đó không phải là điều kiện đủ của hạnh phúc. Có những người chỉ biết kiếm tiền, họ chi mải làm, tiền đối với họ chẳng bao giờ là đủ nhưng họ lại không quan tâm, không biết trân trọng những gì mình đang có. Đối với họ, họ hạnh phúc ở chỗ họ làm ra tiền. Và khi nhận ra ra rằng mình không có được hạnh phúc thực sự thì có lẽ, đã là quá muộn. Những đồng tiền làm ra không thể đổi lấy hạnh phúc. Khi có tiền, tạo ra những giá trị tinh thần được vui chơi, được hoà mình vào cuộc sống, đó là điều kiện cho hạnh phúc nảy sinh và phát triển.

Như vậy chúng ta có thể nói tiền bạc là một điều kiện cần nhưng chưa đủ hạnh phúc. Khi thức tỉnh lòng mình, có ước mơ nhưng đồng ý tiếp nhận, trân trọng và yêu thương những gì mình có, chấp nhận những gì mình không thể có, có một nhận thức rõ ràng về đồng tiền, lúc đó, chúng ta đã có hạnh phúc. Trong xã hội Việt Nam xưa và bây giờ vẫn còn tồn tại những quan niệm sai trái về quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc:

“Trong tay đã sẵn đồng tiền
Dầu rằng đổi trắng thay đen khó gì”

Trong cái xã hội cũ đó, đồng tiền như một thế lực vạn năng. Hạnh phúc của người có thể đem ra mua bán bằng những giá trị đồng tiền. Còn ngày nay lại có rất nhiều người không biết quý trọng đồng tiền, sinh ra những thói hư tật xấu lười biếng, hư hỏng, trì trệ… Cái gì cũng đã có, không phải làm gì không ai hướng dẫn, họ chỉ biết hưởng thụ những gì tiền có thể đem tới, những thứ cần phải có sự rèn luyện về tinh thần và ý chí, họ không thể có được hạnh phúc. Họ không nghe nhạc để biết thế nào là bản nhạc hay không biết đọc báo để biết ai sướng, ai khổ, họ không có thời gian để chuyện tâm tình thật lâu, thật sâu để hiểu về một người bạn, để hiểu thế nào là một tình bạn…

Và khi có được tất cả, trừ những cái mới như ma túy, thuốc lắc,… thì họ thử. Họ có thế vui khi làm được điều đó, họ có thể hạnh phúc nhưng bố mẹ họ chắc chắn không hạnh phúc, những người thân của họ chắc chắn không hạnh phúc và cái hạnh phúc của họ chỉ là nhất thời. Như vậy những quan niệm trái về ý nghĩa của tiền bạc và hạnh phúc cần phải phê phán, bác bỏ và hướng họ tới những quan niệm tốt đẹp, cho họ biết giá trị của cuộc sống và làm thế nào để có được hạnh phúc thực sự.

Tiền bạc và hạnh phúc? Tiền bạc giúp chúng ta thoả mãn nhu cầu vật chất, một phần nào đó giúp chúng ta đáp ứng về tinh thần. Còn hạnh phúc thực sự thoả mãn về nhu cầu ấy. Với tôi, hạnh phúc không phụ thuộc vào giá trị vật chất mà đồng tiền mang đến, quan trọng là sự nâng niu, trân trọng cuộc sống mà chúng ta có mà thôi.

Nghị luận về tiền bạc và hạnh phúc – Mẫu 2

Đã bao giờ bạn tự hỏi “Hạnh phúc là gì hay chưa?” mà người ta cứ mãi kiếm tìm nó trong cuộc sống. Có những người coi hạnh phúc chỉ là những điều rất bình dị nhỏ nhoi. Có những người cho nó là công to việc lớn, là thứ gì đó thật vĩ đại trong đời. Cũng có không ít người định nghĩa hạnh phúc bằng tiền bạc. Tiền bạc và hạnh phúc có liên quan gì đến nhau?

Tham khảo thêm:   Đề thi thử THPT Quốc gia 2018 môn Toán (Có đáp án) Đề thi thử Toán THPT quốc gia 2018

Tiền bạc là những tài sản vật chất trong cuộc sống, phục vụ cho những nhu cầu tiêu dùng thường ngày của con người. Nó có thể bao gồm tiền, nhà cửa, hay tài sản cá nhân. Hạnh phúc là sự thỏa mãn, hài lòng khi đạt được điều mình mong muốn, thường là những giá trị tinh thần trong cuộc sống. Tiền bạc và hạnh phúc đều là những nhu cầu của con người, tồn tại bên ngoài và trong chính con người.

Tiền bạc và hạnh phúc đều là những thứ có ý nghĩa trong cuộc sống của chúng ta. Tiền để chi tiêu cho sinh hoạt, cho những nhu cầu thiết yếu về ăn ở, đi lại hay những lúc ốm đau cần chữa trị, chăm sóc bản thân. Hạnh phúc với nhiều người chính là có cơm ăn có quần áo mặc, không phải lang bạt khắp nơi. Nhưng tiền không phải là hạnh phúc. Những người giàu có sung túc không phải luôn luôn hạnh phúc, những người nghèo khó cơ cực không phải không bao giờ hạnh phúc.

Những đứa trẻ sống trong gia đình nghèo, phải sống cuộc sống khó khăn kham khổ nhưng có cha mẹ hết mực yêu thương chắc chắn sẽ hạnh phúc hơn những đứa trẻ sống trong gia đình giàu có nhưng cha mẹ bận rộn không quan tâm, chăm sóc. Một doanh nhân thành đạt nhưng mắc phải căn bệnh ung thư có lẽ còn không hạnh phúc bằng một người công nhân nghèo, vất vả nuôi con đến khi về già được con cái chăm lo.

Tiền bạc không phải là tất cả, nó có thể mua được nhiều thứ nhưng không mua được sức khỏe, không mua được đạo đức và hạnh phúc. Tiền bạc đôi khi còn khiến người ta bị cuốn vào những vòng xoáy dơ bẩn, bán rẻ nhân cách và hạnh phúc của chính mình. Có rất nhiều câu chuyện thật nói về cái giá phải trả cho việc coi trọng đồng tiền. Những người tham lam, nghèo nhưng không biết vươn lên, đi vào con đường cướp bóc giết người để nhận lại những bán án đau thương, bỏ lại tương lai sau song sắt nhà tù, bỏ lại cả người cha người mẹ với mái đầu bạc cả đời ngóng trông con. Hạnh phúc bởi vì đồng tiền mà tan biến hư vô, chỉ còn lại sự xót xa và bế tắc đến cuối cuộc đời.

Tuy vậy, không thể sống mà coi thường tiền bạc. Cơm áo gạo tiền và gánh nặng mưu sinh đều cần đến tiền, những mảnh đời bất hạnh, những con người cả đời chăm chỉ vất vả nhưng cuộc sống không khá giả hơn cũng sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc. Người cha người mẹ có yêu thương tự hào về con mình đến đâu, khi không lo cho con được bằng bạn bằng bè cũng sẽ cảm thấy không vui vẻ vì bản thân, vì con.

Tiền bạc và hạnh phúc là những giá trị trung hòa trong cuộc sống của mỗi người. Không phải ai có tiền cũng sẽ hạnh phúc và cũng không ai có thể hạnh phúc suốt đời nếu không coi trọng tiền bạc. Bản thân mỗi người cần nhận thức rõ ràng về giá trị của tiền bạc và hạnh phúc. Chúng ta có thể cố gắng học tập, rèn luyện để trở nên thành đạt, giỏi giang và giàu có nhưng đồng thời cũng cần trân trọng những giá trị tốt đẹp khác bên cạnh tiền bạc, thậm chí cao hơn tiền bạc, ví dụ như tình yêu thương.

Đừng bao giờ để tiền bạc và những thứ vật chất là lu mờ bản thân, hãy sống tốt đẹp và chan hòa, trân trọng những mối quan hệ và biết yêu thương nhiều hơn. Trước những bàn tay cầu xin sự giúp đỡ đừng ngại ngần tiếc rẻ tiền bạc mà từ chối, biết đâu bởi vì sự từ chối của bạn, người ta có lẽ sẽ không bao giờ có cơ hội làm lại nữa. Mỗi chúng ta cũng nên trân trọng những gì mình đang có, trân trọng những thứ hạnh phúc nhỏ nhoi như tình yêu thương của cha mẹ hay chỉ đơn giản là có cha có mẹ. Nghe lời cha mẹ và yêu thương cha mẹ nhiều hơn, đừng mải mê chạy theo vòng xoáy, mải mê kiếm tiền để mong ước cuộc sống giàu sang mà trở nên thờ ơ, lạnh lùng.

Hạnh phúc đôi khi không phải thứ gì đó quá xa xôi mà ở gần ngay cạnh chúng ta, tiền bạc cần thiết cho cuộc sống nhưng không phải tất cả. Sống để bản thân và gia đình cảm thấy thoải mái nhất, bạn sẽ thấy hạnh phúc. Hãy cân bằng cuộc sống của chính mình để tìm thấy hạnh phúc thực sự.

Nghị luận về tiền bạc và hạnh phúc – Mẫu 3

Có người cho rằng:”Tiền có thể mua được tất cả, trừ hạnh phúc”, nhận định trên đúng hay sai khi trong thời đại hiện nay, con người buộc mình phải gắn vật chất và trở nên thực dụng hơn. Nhưng song song cùng những giá trị vật chất, cuộc sống tinh thần, những tình cảm cảm xúc không thể thiếu đối với con người. Liệu tất cả đều bị chi phối bởi đồng tiền?

Từ lúc được tạo hoá sinh ra, con người phải gắn liền với vật chất, có nhu cầu đòi hỏi về vật chất. Con người cần ăn, uống, mặc… nhưng lúc bấy giờ, tuyệt nhiên chưa xuất hiện, sự có mặt của đồng tiền. Tiến thêm một bước nữa, khi thế giới nguyên thuỷ đã ổn định, đi vào trật tự, vật chất có dư thừa, con người bắt đầu thực hiện trao đổi vật chất, không có tiền – một đơn vị trao đổi nhất định, người ta chỉ đổi thứ này lấy thứ khác. Đến lúc hình thành xã hội thực sự, đơn vị trao đổi đòi hỏi phải xuất hiện, vật chất trao đổi càng nhiều, nhu cầu trao đổi càng cao. Lúc đầu, đơn giản chỉ là những vỏ ốc, những đồng xu, cắc bạc, đơn vị trao đổi lúc ấy còn rất đơn thuần, chưa thống nhất. Dần dần, xã hội kinh tế hoá, tiền ra đời và thực sự thâm nhập, đi sâu vào xã hội, vào mỗi gia đình, mỗi con người.

Nhu cầu vật chất ngày càng tăng, đồng tiền ngày càng có giá trị. Con người như nhận thức được tầm quan trọng của đồng tiền, càng ra sức kiếm tiền, phục vụ cho nhu cầu vật chất của mình. Đồng tiền không những có giá trị thực dụng, đồng tiền chi phối cả yếu tố tinh thần, tình cảm cảm xúc của con người. Đồng tiền là phương tiện đưa con người có được những trò tiêu khiển, giải trí, những món quà đem lại nụ cười… Đồng tiền đem lại vật chất, những gì người ta muốn: nhà lầu, xe hơi, kim cương… hay những gì quý giá hơn nữa. Đồng tiền là công cụ cho con người làm việc: xây dựng cơ sở vật chất, giải quyết các chi phí… Trong xã hội hiện nay, dường như hầu hết mọi vấn đề đều động chạm đến tiền. Đồng tiền đã ăn sâu vào tiềm thức con người, chi phối tư tưởng con người, thể làm việc gì mà không có tiền hoặc không vì tiền, không dễ dàng gì người ta làm. Người ta làm việc hăng say, hứng thú khi treo trên đầu là một khoản tiền lớn nhận được sau khi hoàn thành công việc.

Càng ngày, đồng tiền càng có thế lực, con người không còn coi đồng tiền là phương tiện làm việc, đồng tiền đã hoá thành mục đích. Trong một xã hội kinh tế như hiện nay, quả nhiên, đồng tiền rất có giá trị. Nhưng, đồng tiền có thực sự mua được tất cả, nắm tiền trong tay liệu ta có thể có được những gì muốn. Đồng tiền mua được vật chất vậy có thể mua được hạnh phúc. Đồng tiền mua được nhà lầu, xe hơi… Vậy có thể mua được nụ cười , niềm vui, tình yêu…?

Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là những rung cảm chân thành sâu sắc nhất từ tận đáy lòng, là lúc ta muốn ôm cả thế giới vào lòng , ta thấy ấm ngay ngay giữa trời đông băng giá. Hạnh phúc không bắt nguồn từ những giá trị vật chất mà bắt nguồn từ tâm hồn, trái tim. Hạnh phúc chưa chắc có trong xa hoa tráng lệ nhưng tràn ngập trong nụ cười, niềm vui, tình yêu… Người phụ nữ sống trong nhung lụa vàng son mà cô đơn lạnh lẽo liệu có hạnh phúc? Một cái dạ dày no đủ và một trái tim chết đói liệu có hạnh phúc.

Hạnh phúc đến đơn giản nhẹ nhàng, không cần tiền bạc, không xa hoa phù phiếm. Là một buổi sáng ngắm bình minh trên mặt biển, là nhìn ngắm một bông hoa nở muộn đẫm mình trong sương đêm và nắng sớm, là chiếc hôn nhẹ nhàng của người chồng lên trán vợ để xua đi bao mệt mỏi, toan tính trong ngày… Hạnh phúc tràn ngập quanh ta, nhưng hạnh phúc đến rất khẽ, chỉ cần ta im lặng lắng nghe tiếng gõ cửa của hạnh phúc. Tuyệt nhiên đồng tiền không thể xen vào những khoảnh khắc đó mặc dù đồng tiền đã len lỏi đến tận mọi ngóc ngách, ngõ hẻm nhưng đã không thể chạm đến hạnh phúc. Hạnh phúc là những thời khắc con người ta trở nên trong lành, thanh khiết, không toan tính, tính toán chuyện vật chất.

Cuộc sống ngắn ngủi, con người ta lại mãi chạy theo đồng tiền. Vậy đồng tiền có mua được tuổi xuân, nhiệt huyết và sự bất tử? Cho dù y học ngày nay phát triển như thế nào, với đồng tiền ta xây dựng cơ sở vật chất tốt nhất, loại thuốc tốt nhất, điều trị hiện đại nhất cũng không giữ chân được thời gian. Bữa cơm thịt cá ê hề trong căn nhà sang trọng, những thành viên hờ hững với bữa ăn, không có một tiếng nói cười, nếu có chỉ là những lời trách mắng, chửi rủa có sung sướng hơn mâm cơm đạm bạc, gia đình quây quần bên nhau, đầm ấm, hạnh phúc.

Nếu con người ta quay ngược trở lại thời cổ đại nhưng vẫn giữ nếp sống, nếp nghĩ như bây giờ, liệu con người có thể tồn tại không có sự có mặt của đồng tiền. Tổ tiên ta xưa cũng đã tồn tại và phát triển đấy thôi. Nhưng với con người của thời hiện đại có lẽ không dễ dàng , họ đã quá quen với lối sống hiện đại, chạy theo đồng tiền, lối nghĩ “có tiền mua tiên cũng được”, họ đã chạy quá nhanh theo đồng tiền mà ngu ngốc bỏ phí những khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời, vô giá mà họ không phải tốn một xu nào.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận giá trị của đồng tiền. Chúng ta là con người của thời đại mới, thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Không có phương tiện tiền bạc, ta khó lòng đạt được mục đích. Bản thân những học sinh, để ngồi ở ghế nhà trường, tiếp thu tri thức để sau này nên người phải đóng học phí.

Bệnh nhân muốn khoẻ mạnh phải điều trị, thuốc thang, phải thanh toán viện phí. Doanh nhân muốn phát triển, mở rộng công ty phải đầu tư vốn… Những hoạt động đó không bị đồng tiền chi phối mà sử dụng đồng tiền đúng chức năng giá trị, chuyển tiếp từ thứ này sang một thứ tốt hơn trên phương tiện tiền bạc.

Bởi vậy, vô số các nhà đầu tư, nhà tài trợ, nhà từ thiện đã từ đông tiền biến đồng tiền thành hạnh phúc, đó là những xuất học bổng, những ca mổ không mất chi phí, những khoản tiền đầu tư… Nếu sử dụng đồng tiền đúng cách, ta sẽ mua được hạnh phúc vô giá.

Đã từ rất lâu, đồng tiền thâm nhập vào thế giới con người, giúp đỡ con người nhưng cũng điều khiển con người. Giăng-van-giăng bị bỏ tù chỉ vì ăn trộm một chiếc bánh mì cho cháu. Chị Dậu bán con, bán chó lấy mấy đồng cắc về chuộc chồng… Tất cả chẳng phải đều vì đồng tiền, đồng tiền không sai khiến họ, đồng tiền sai khiến kẻ khác dồn ép họ, buộc họ vào bước đường cùng.

Tham khảo thêm:   Lời bài hát Về Với Em

Đồng tiền là con dao hai lưỡi, mua hạnh phúc và cũng giết chết hạnh phúc. Liệu có hạnh phúc được khi dạ dày lép kẹp, tâm trí chỉ nghĩ đến miếng ăn, và khi nghĩ đến miếng ăn, miếng ăn choán toàn bộ suy nghĩ, không còn chỗ cho điều gọi là hạnh phúc.Gia đình hạnh phúc ấm êm và không bao giờ phải lo nghĩ vấn đề tiền bạc nhưng sẽ sao nếu vấn đề cơm áo gạo tiền xuất hiện thường nhật trong những bưa ăn, cuộc trò chuyện. Sự bon chen, tính toán đời thường, tính thực dụng che đi cái hạnh phúc ngọt ngào mà mỏng manh.

Ta không phủ nhận đồng tiền và cũng không phủ nhận hạnh phúc. Đồng tiền hay những giá trị vật chất, hạnh phúc hay những giá trị tinh thần đều không thể thiếu đối với con người và cuộc sống. Thiếu một trong hai, con người không thể tồn tại hoặc tồn tại không đúng nghĩa.

Nghị luận về tiền bạc và hạnh phúc – Mẫu 4

Hiểu một cách đơn giản thì “tiền tài” ở đây là tiền bạc, là của cải vật chất nói chung; còn “hạnh phúc” là chỉ sự sung sướng về tinh thần trong cuộc sống. Điều đó có nghĩa là để có được một cuộc sống tốt đẹp thì buộc mỗi con người phải có được: Tiền tài và hạnh phúc.

Vậy hiểu một cách sâu xa hơn thì “tiền tài” là gì? “hạnh phúc” là gì? Và chúng có quan hệ với nhau như thế nào? Như chúng ta đã biết, trong xã hội hiện đại ngày nay thì vật chất là “điều kiện cần” để duy trì cuộc sống, và “hạnh phúc” là “điều kiện đủ” để làm cho cuộc sống đó tốt đẹp hơn và có ý nghĩa hơn. Cho nên, “tiền tài” là cuộc sống vật chất, là cơ sở ban đầu để bắt nguồn, để khởi đầu cho các bước đi tiếp theo của mỗi người. Và “hạnh phúc” là một “chất xúc tác” cần thiết, không thể thiếu để dẫn đến những thành công.

Tuy nhiên, không phải lúc nào “tiền tài” cũng là tất cả. Nó cũng có những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Bởi bản chất của mỗi vấn đề đều luôn tồn tại hai mặt. Cũng như con người được tạo nên bởi hai phần: Phần con và phần người. Bởi thế, ai cũng có “cái tôi” đầy ham muốn chế ngự sẵn trong người, nên ai cũng có lòng tham, ai cũng muốn mình có thật nhiều tiền, muốn mình thật giàu có để thỏa mãn mọi sở thích, mọi nhu cầu… và có thể giúp đỡ những người khó khăn hơn, đồng thời để tạo điều kiện cho mình phát triển hơn nữa.

Đơn giản, nếu như bạn muốn có một chiếc xe máy, một ngôi nhà đẹp… mà trong tay bạn không có tiền, thì đó chỉ là một ước muốn viển vông. Khi bạn đã có tiền, rất nhiều tiền thì bạn sẽ làm được rất nhiều việc. Bạn có thể đi du lịch nhiều nơi, có thể mua sắm mọi thứ bạn thích. Hơn thế nữa, bạn sẽ có cơ hội giúp đỡ người khác – những người nghèo khổ, người gặp khó khăn … Lúc ấy, bạn sẽ làm được tất cả những việc mà khi không có tiền, bạn không thể làm được.

Tuy nhiên, khi đã có tiền rồi, bạn cũng cần có kế hoạch chi tiêu cho hợp lí, không nên tiêu bừa bãi vào những việc chẳng đáng tiêu, không nên “vung tay quá trán”. Bởi ai có thể biết trước được tương lai mình sẽ ra sao? Đời người “lên voi xuống chó” là điều tất yếu. Mặt khác, tâm lí của những kẻ lắm tiền là thường muốn thử tất cả những cái lạ nhất, “mốt” nhất, “sành điệu” nhất. Nên đôi khi, tiền bạc lại có thể làm tha hóa, làm hư hỏng con người, thậm chí là dẫn họ tới con đường phạm pháp. Và rồi, chính bản thân bạn sẽ đưa bạn vào chỗ sa ngã, nhấn chìm bạn vào đống bùn nhơ, hủy hoại cuộc đời, hủy hoại tương lai của bạn. Chính vì thế, dù là người giàu có, hay người nghèo túng, bạn cũng hãy sống lạc quan lên, và bạn phải biết rằng: Tiền không phải là tất cả.

Còn “hạnh phúc” – nó thuộc về đời sống tinh thần, nó là sự thanh thản trong cuộc sống, thoải mái trong công việc, là niềm tin và là hi vọng… Một khi con người có được hạnh phúc thì họ sẽ sống tốt, sống có ý nghĩa và luôn vươn tới những cái tốt đẹp hơn. Hạnh phúc sẽ là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần để bạn có một động lực hoàn thành tốt mọi việc và tạo ra những thành công nối tiếp thành công. Tuy mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai, có những niềm hạnh phúc rất riêng, rất độc lập, nhưng chúng đều giống nhau ở chỗ là làm cho người ta thêm yêu cuộc sống, yêu công việc mình làm và luôn muốn hoàn thành nó một cách tốt nhất. Đồng thời, khi có được một niềm hạnh phúc dù chỉ là rất nhỏ bé cũng làm cho người ta thấy “hưng phấn” hơn và cố gắng để làm cho niềm “hạnh phúc” đó được nhân lên mãi.

Nhưng, liệu hạnh phúc sẽ có không nếu như thiếu đi “tiền bạc”? Vâng, để có được một niềm hạnh phúc cho mình thật không phải đơn giản, mặc dù nhiều khi “hạnh phúc” không hề xuất phát từ vật chất. Liệu bạn sẽ có được một niềm hạnh phúc trọn vẹn không, nếu như cuộc sống của bạn quá ư thiếu thốn? Một gia đình có thể thực sự vui vẻ, thực sự hạnh phúc và có nhiều thời gian quan tâm đến nhau không? Nếu như họ sống trong cảnh, “ăn bữa nay lo bữa mai”. Khi không có tiền thì sẽ không có ăn, mặc … rồi có thế sẽ đẩy người ta vào con đường bất chính, trộm cắp, lưu manh … để giành giật lấy “miếng cơm manh áo” trong lúc cùng quẫn nhất.

Tuy nhiên, không phải lúc nào “tiền tài” cũng tạo nên “hạnh phúc”, không phải “có tiền mua tiên cũng được”. Trong cuộc sống mỗi con người, thì tiền bạc chỉ có thể mua được vật chất, danh vọng, địa vị chứ không mua được tình cảm, không mua được niềm hạnh phúc trọn vẹn. “Tiền tài” nào có thể mua được tình yêu, mua sao được lòng nhân ái … Những người có nhiều tiền nhiều khi lại không có được hạnh phúc xứng với “đồng tiền” của họ. Hay có người chỉ vì tiền mà làm mất đi “hạnh phúc chân chính” … Vì thế, cho nên “tiền tài” chỉ tạo nên “hạnh phúc” khi con người biết chia sẻ nó cho những người khác, nghèo khổ … khi con người biết kìm hãm lòng tham, trân trọng những niềm vui dù là nhỏ bé nhất. Bởi đôi khi, hạnh phúc chỉ là: “Làm cho một nụ cười nở trên môi một người”. Giống như, chỉ nhờ “bát cháo hành”, lòng bao dung của thị Nở đã làm cho “con quỷ dữ” trong Chí Phèo chết đi, khiến hắn muốn trở lại làm người lương thiện, để được sống và được yêu, được đối xử theo đúng bản chất một con người.

Nghị luận về tiền bạc và hạnh phúc – Mẫu 5

Theo cuộc điều tra mang tính toàn cầu của TV Networks International trong tổng số 5400 người trẻ đến từ 14 quốc gia phát triển thì chỉ có 43% tỏ ra hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình. Giới trẻ Ấn Độ là những người hạnh phúc nhất trong khi Nhật Bản đứng cuối bảng xếp hạng với chỉ 8% cảm thấy dễ chịu với những gì đang diễn ra. Kết quả điều tra này có thể cho chúng ta thấy được nhiều điều dáng suy ngẫm. Một trong những điều căn bản đó là mối quan hệ không tương xứng giữa tiền tài và hạnh phúc, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của mỗi con người, đặc biệt là những người trẻ.

Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh nơi giá trị vật chất được xem như ngang bằng với những giá trị tinh thần – đã qua rồi cái thời của Balzac, Vũ Trọng Phụng, nơi đồng tiền chiếm vị trí độc tôn và có sức mạnh thống lĩnh, kiểm soát, thậm chí làm biến đổi những thước đo xã hội. Nhưng hãy giật mình ngẫm nghĩ câu nói này, nó vẫn không xa lạ với hiện tại: Không có Giới, Phật, chỉ có đồng tiền là đáng kính thờ vì nó sai khiến được mọi người, ai ai cũng phải kính thờ nó mới sống được. Lương tâm à? Chưa bằng đồng tiền. Giời Phật à? Còn kém đồng tiền. Chỉ có đồng tiền là ai ai cũng phải kính thờ, chi có những cách xoay tiền là đáng cho người ta tụng niệm (trích kịch Không một tiếng vang (1931) – Vũ Trọng Phụng). Đồng tiền luôn có một sức mạnh ghê gớm trong bất kì hoàn cảnh nào, thời đại nào. Không hiếm những trường hợp chỉ vì đồng tiền mà con người sẵn sàng bán rẻ nhân cách, làm những chuyện phi pháp, làm tay sai cho kẻ xấu. Tại sao tiền lại có ma lực đến vậy? Bởi vì nó giúp ta thoả mãn gần như tất cả những nhu cầu về vật chất và tinh thần, tạo ra những giá trị về nhân phẩm, văn hoá và tình nghĩa. Tiền còn là thước đo giá trị con người. Anh càng giàu có thì cuộc sống anh càng sung sướng, phong phú, đầy đủ, vô hình chung trong mắt người khác anh cùng trở nên cao sang, quyền quý và được họ nể trọng; anh cứ thế tiến dần đến những nấc cao của danh vọng. Nhưng danh vọng có bao giờ đủ? Lòng tham con người có bao giờ cạn? Lợi dụng điều đó, đồng tiền đã nhanh chóng chế ngự, quyến rũ, mê hoặc một số người không có bản lĩnh vững vàng trước cám dỗ vật chất, biến họ thành tay sai đắc lực cho nó. Đó là nguồn gốc của những loại tội phạm mà ta vẫn thường thấy trên phương tiện thông tin đại chúng hằng ngày như: Tham nhũng, buôn lậu, buôn ma túy, đâm thuê, chém mướn, cờ bạc… gây bao thiệt hại nặng nề cho đất nước. Chúng ta cần thừa nhận sức mạnh ghê gớm của đồng tiền – ghê gớm chứ không phải vạn năng. Bởi có một thứ trên đời anh có nhiều tiền đến đâu cũng không thể mua nổi, đánh đổi cả cuộc đời mình cũng không thể có được, đó là những giá trị thuộc về tinh thần như trí tuệ, tình yêu, lòng nhân ái. phẩm chất, óc sáng tạo… và nhất là hạnh phúc.

Ngược lại với tiền – một khái niệm dễ dàng định nghĩa, hạnh phúc là một khái niệm cực kì khó nắm bắt, nó mong manh tựa như những bí ẩn của đời sống tâm hồn. Nhưng đó là điều con người trong xã hội nào cùng hướng đến, bản Tuyên ngôn độc lập của đất nước nào cũng phải có những câu khẳng định quyền vươn tới hạnh phúc chân chính của con người. Vì một cuộc đời chỉ thật sự có ý nghĩa khi cuộc đời đó hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là gì? Có thể hiểu đơn giản: Hạnh phúc là trạng thái sung sướng khi hoàn toàn đạt được những điều mình mong muốn. Ở đây, hạnh phúc cần được hiểu theo nghĩa rộng là hạnh phúc trong gia đình, hạnh phúc trong quan hệ bạn bè, hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày. Theo cách hiểu đó, tiền bạc không thể làm cho người ta hạnh phúc, nếu làm được điều ấy, thì thứ hạnh phúc đó chỉ là dục vọng được thỏa mãn về vật chất của một cá nhân ích kỉ, tầm thường. Hạnh phúc thật sự phải là những điều đẹp đẽ, cao thượng, chân thành nằm sâu trong tâm hồn – những tầng sâu không thể dò đến được của chúng ta mà không thế lực nào, kể cả đồng tiền có thể mua chuộc được. Hạnh phúc của một bà mẹ quanh năm tần tảo, không có lấy một ngày nghỉ, không có lấy một chiếc áo mới, để đổi lấy cho con mình được ăn học – bằng bạn bằng bè – có ai hiểu nổi?

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 10: Thuyết minh đoạn trích Hồi trống Cổ Thành (2 Mẫu) Thuyết minh tác phẩm văn học

Chính vì tình yêu con khiến cho người mẹ quên đi những nỗi nhọc nhằn của mình. Hạnh phúc của một gia đình lao động bình thường, tối tối sum vầy quanh mâm cơm, tiếng cười con trẻ trong veo – thứ hạnh phúc giản dị ấm áp của đời thường mà đánh đổi cả kho vàng cũng không có được. Chúng ta không quên một câu nói nổi tiếng rằng: “Hạnh phúc lớn nhất của đời người là yêu và được yêu. – George Sand”. Vậy cơ sở của hạnh phúc chính là tình yêu. Trên cơ sở ấy, điều xây dựng nên hạnh phúc là tình cảm, là những giá trị mang ý nghĩa xã hội và tinh thần chân chính. Hạnh phúc chính là mục đích cao đẹp của cuộc đời.

Tiền chỉ là phương tiện nhanh chóng và hữu ích đưa ta đến cái đích đẹp đẽ ấy. Đời người chỉ hạnh phúc trọn vẹn khi được thỏa mãn cả về vật chất lẫn tinh thần, vậy đồng tiền gắn vai trò rất lớn. Nó kích thích sự sáng tạo, nỗ lực trong đời sống, là thước đo năng suất lao động, là giải pháp nhanh chóng và hiệu nghiệm cho những trường hợp khó khăn, quẫn bách. Một tháng lương được trả cao làm cho con người ta hăng hái làm việc hơn bình thường. Một suất học bổng có thể khiến cho một cậu học sinh nghèo được đi du học. Một số tiền lớn cho ca phẫu thuật có thể cứu sống được một mạng người… Tuy nhiên, nếu coi đồng tiền là mục đích cao nhất của cuộc đời, làm tất cả để có được nó thì sớm muộn gì anh cũng phải trả giá rất đắt: Bị huỷ hoại nhân cách, gia đình tan nát, mọi người khinh bỉ, xa lánh,… Chẳng ai muốn sống một cuộc đời như thế cả. Bởi vậy, phải tạo được sự hài hoà giữa tiền tài và hạnh phúc, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, trên cơ sở đó hạnh phúc được xây dựng nên mới vững chắc.

Để làm được điều này, mỗi con người trong chúng ta phải luôn cố gắng, phấn đấu trong cuộc sống, trong lao động và học tập, trong rèn luyện đạo đức để trở thành một con người có trí tuệ, tài năng, nhân cách, đồng thời có bản lĩnh vững vàng trước những cám dỗ ngoài xã hội. Bởi có thể khẳng định rằng: “Trong các con đường dẫn đến hạnh phúc, không có con đường tắt, chỉ có một con đường chắc chắn hơn cả là lao động và kiên trì” — L.Raybo.

Nghị luận tiền tài và hạnh phúc – Mẫu 6

Tiền bạc thường được coi là một thước đo quan trọng để đánh giá thành công và năng lực của một người. Tuy nhiên, quan niệm này đang dần được thay đổi và chúng ta cần điều chỉnh quan niệm về tiền bạc. Thay vì coi tiền là thước đo năng lực, chúng ta nên nhìn nhận tiền bạc như một công cụ hỗ trợ để đạt được những mục tiêu và sự hạnh phúc trong cuộc sống.

Đầu tiên, tiền bạc không phải là một chỉ số đánh giá về giá trị của một con người. Một người có nhiều tiền không nhất thiết là một con người tốt và có năng lực, bởi vì tiền bạc không thể đo đạc được các giá trị về đạo đức, tình cảm và sự thông minh của một người. Thay vào đó, chúng ta nên đánh giá một người dựa trên những phẩm chất và kỹ năng mà họ sở hữu.

Thứ hai, tiền bạc chỉ là một công cụ để đạt được những mục tiêu trong cuộc sống, như vật chất, tình cảm hay giáo dục. Tiền bạc không thể mua được hạnh phúc và sự thỏa mãn trong cuộc sống, chỉ có những giá trị vô hình và không thể đếm được mới có thể đem lại sự thoải mái và trọn vẹn. Chúng ta cần nhìn nhận việc có tiền bạc là một lợi thế để thực hiện những hồi ức, ước mơ và kế hoạch tiên tiến hơn, thay vì xem tiền bạc là điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu cuối cùng.

Cuối cùng, để điều chỉnh quan niệm này, chúng ta cần truyền tải thông điệp cho những người xung quanh ta. Để chia sẻ quan niệm và kiến thức về tiền bạc, chúng ta có thể dùng những thí dụ sống động từ cuộc sống hiện thực để minh họa và thuyết phục người khác. Chúng ta cũng nên cung cấp các lời khuyên, hướng dẫn và hỗ trợ cho người thân của mình để họ biết cách sử dụng tiền bạc một cách hợp lý và hiệu quả.

Tóm lại, tiền bạc không nên là thước đo năng lực và giá trị sống của con người. Chúng ta cần nhìn nhận tiền bạc như một công cụ hỗ trợ để đạt được những mục tiêu và sự hạnh phúc trong cuộc sống. Cùng nhau, chúng ta có trách nhiệm truyền tải thông điệp này cho những người xung quanh để cùng nhau xây dựng một quan niệm và thái độ đúng đắn về tiền bạc trong xã hội.

Nghị luận về tiền bạc và hạnh phúc – Mẫu 7

Thỏa mãn về vật chất và đời sống tình cảm hạnh phúc là hai nhu cầu lớn nhất của con người. Có thể nói trọn cuộc đời người luôn xoay quanh hai giá trị ấy. Bởi thế, tiền bạc và hạnh phúc có mối quan hệ chặt chẽ. Thiếu một trong hai thứ ấy, con người sẽ không thể sống trọn vẹn cuộc đời ý nghĩa.

Tiền bạc là phương tiện để mua bán, trao đổi. Nói rộng ra, nó là của cải vật chất mà con người có được. Tiền bạc tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau như: vàng bạc, tiền giấy, tài khoản hay các vật chất có giá trị khác. Hạnh phúc là trạng thái hoàn toàn mãn nguyện trong tâm hồn về mọi phương diện trong cuộc sống. Hạnh phúc là một khát vọng tự nhiên và chính đáng của con người.

Giữa tiền bạc và hạnh phúc có mối quan hệ khăng khít với nhau. Tiền là phương tiện gây dựng hạnh phúc. Hạnh phúc là giá trị quan trọng cần hướng đến trong cuộc đời con người. Tiền bạc giúp thỏa mãn những nhu cầu vật chất tối thiểu của con người trong cuộc sống như thực phẩm, áo quần, nhà ở, dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Nếu những nhu cầu tối thiểu này không được đáp ứng, chúng ta sẽ không thể sống bình thường được.

Tiền bạc giúp sống tinh thần thoải mái, không lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần, nghĩa là tránh được nỗi lo lắng về tài chính; và khi cần, nó có thể giúp ta chia sẻ, tương trợ cho những ai đang gặp hoàn cảnh khó khăn, khổ sở. Chính điều này mới mang lại cho ta cảm giác hạnh phúc.

Tiền bạc giúp ta tự tin thực hiện được những mong muốn của mình, giúp ta cảm thấy được tôn trọng, được độc lập, có bạn bè và công việc ưa thích. Đối với những người có xu thế hướng ngoại, thích khám phá và hưởng thụ cuộc sống bên ngoài, thích hội họp, ngoại giao, coi tiền bạc là một giá trị của cuộc đời thì càng kiếm được nhiều tiền họ càng hạnh phúc. Khi con người ta hạnh phúc, tinh thần thoải mái, đầu óc sáng suốt sẽ nảy sinh nhiều ý tưởng hay, nhiều kế hoạch thiết thực, và do đó sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.

Tiền bạc và hạnh phúc không lệ thuộc với nhau. Tiền bạc không mang lại hoặc không thể mua hạnh phúc trọn vẹn. Hạnh phúc không tùy thuộc vào số tiền ta nắm trong tay, mà ở những cảm nhận ta có được qua từng ngày sống của mình. Đối với những người sống nội tâm, chủ trương đi theo lối sống tinh thần thanh cao chẳng màng đến những lợi lộc vật chất tầm thường, đam mê trong công việc, coi công việc là giá trị cuộc sống, thì việc kiếm nhiều tiền bạc không phải là niềm hạnh phúc của họ, thậm chí nó còn trở thành một nỗi phiền toái.

Nếu làm việc chỉ vì tiền thì công việc đó mất đi tính thú vị và còn tạo nên sự mặc cảm, dằn vặt và do đó không còn cảm thấy hạnh phúc. Nếu cứ hùng hục làm việc bất kể ngày đêm để theo đuổi giàu sang và danh vọng thì cũng sẽ chẳng bao giờ hiểu được cái giá trị của hạnh phúc đích thực. Bởi một khi có tiền rồi, chúng ta vẫn muốn có nhiều hơn nữa vì ít có ai cảm thấy hài lòng với những gì mình đang nắm giữ trong tay.

Tiền bạc cũng tạo nên những áp lực nặng nề, gây những stress và làm cho các mối quan hệ của con người trở nên tồi tệ, đôi khi làm cho nhiều người trở thành cô đơn, khổ sở. Không nhất thiết cứ phải có thật nhiều tiền bạc, chỉ cần say mê với một thú vui tinh thần nào đó, bạn cũng đã tìm thấy được nhiều hạnh phúc. Tiền là gốc rễ của quỷ dữ, nó có thể phá hủy bất cứ mối quan hệ nào trong xã hội, dù là bạn bè, gia đình, đồng nghiệp hay vợ chồng.

Hạnh phúc không phải là chúng ta có bao nhiêu tiền, cũng không phải những tươi đẹp trôi qua trong quá khứ hay những hi vọng hão huyền vào tương lai. Hạnh phúc thật sự là ở chỗ ta sống với hiện tại và ta đang có hạnh phúc như thế nào. Chính tiền bạc đã tạo nên sự bất bình đẳng trong mối quan hệ giữa người và người, triệt tiêu tình người, làm con người trở nên xa lạ với nhau, do người có tiền tự kiêu, người không có tiền tự ti, tự ái.

Tiền bạc là nguyên nhân của mọi xích mích, bất hòa triền miên trong gia đình: tranh giành của cải nhau giữa cha mẹ và con cái, giữa anh em, giữa vợ chồng… Trong cuộc sống, có nhiều người quá đề cao tiền bạc mà xem thường tình nghĩa. Vì tiền bạc họ bất chấp thủ đoạn để đoạt lấy được nó. Họ cố thâu tóm thật nhiều tiền bạc và sống xa hoa, lãng phí. Những người như thế thật đáng chê trách.

Cần có được một thái độ đúng đắn đối với tiền bạc: Phải nhận ra được ranh giới và sự khác biệt giữa muốn và cần. Chúng ta cần tiền bạc, chứ không phải lúc nào cũng muốn tiền bạc. Không nên đánh đồng giá trị tài chính với giá trị của chính mình. Coi tiền bạc là phương diện chứ không phải mục đích của con người của cuộc đời. Cũng đừng để tiền bạc trở thành phương tiện điều khiển chính trong quan hệ với mọi người. Hạnh phúc có thể làm nên tiền bạc. Tiền bạc chưa hẳn đã mua được hạnh phúc trong cuộc đời này.

Cũng không nên quan niệm phi thực tế: Một túp lều tranh hai trái tim vàng. Cuộc sống luôn cần có tiền bạc để giữ vững đời sống tinh thần. Không ai có thể tồn tại một cách tự nhiên mà có được hạnh phúc đích thực.

Để sống cuộc đời có ý nghĩa hãy biết cân đối giữa tiền bạc và tình cảm. Không vì lòng tham tiền bạc mà đánh đổi cả hạnh phúc của mình và của người khác. Cũng không nên vì xem trọng tình cảm mà xem thường giá trị của tiền bạc.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về tiền bạc và hạnh phúc Dàn ý & 7 bài văn mẫu lớp 12 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *