Văn mẫu lớp 10: Viết bài văn nghị luận phân tích đánh giá về nội dung bài thơ Tiếng trống trường gồm 2 bài văn mẫu khác nhau cực hay. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao trình học văn học của mình với những bài văn mẫu phân tích đánh giá nội dung bài thơ.
Bài thơ Tiếng trống trường rất hay và ý nghĩa muốn nhắn nhủ chúng ta về đạo lý tôn sư trọng đạo, hãy luôn khắc ghi, nhớ ơn công lao của thầy cô, những người đã và đang cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp trông người. Vậy dưới đây là 2 bài văn mẫu hay nhất mời các bạn cùng đón đọc.
Nghị luận đánh giá chủ đề bài Tiếng trống trường
Bài thơ “Tiếng trống trường” là dòng cảm xúc đầy da diết của tác giả khi nhớ về mái trường xưa, khơi gợi trong chúng ta bao cảm xúc, suy tư về mái trường – nơi chứa đựng tri thức và in dấu bao kỉ niệm buồn vui.
Mỗi lần nghe tiếng trống tựu trường lại nhẩm đọc và thao thiết nhớ về một thời áo trắng dấu yêu.
“Có cả cuộc đời rồi bỗng nhớ
Những đoạn đường xa lắc tuổi thơ đi”
Phải chăng, “tiếng trống trường giục giã” của đời thực đã khơi nguồn cảm hứng và khiến cho nhà thơ “bỗng nhớ”, nhớ đến da diết cái thuở còn chung trường, chung lớp, chung những buồn vui của tuổi học trò. Vẫn biết rằng, thời tuổi thơ một đi không trở lại và nhân vật trữ tình đã “có cả cuộc đời rồi”, thế mà nhà thơ vẫn mở một lối về cho nỗi nhớ ấy. Nhà thơ khao khát, mong mỏi được sống lại “thêm một lần”, “thêm một lần nữa” với tuổi thơ thân thương.
Ước muốn được gặp lại bạn bè, được về thăm thầy cũ sau bao năm cách biệt của nhà thơ cũng chính là ước muốn của mỗi chúng ta. Những khổ thơ liên tiếp nhau đều bắt đầu bằng nghi vấn: “sao chẳng về tụ lại”, “sao chẳng thể thêm lần gặp nữa”, “sao chưa đến tìm nhau bè bạn”, “sao không thể cùng về thăm thầy cũ”… mà sao da diết khôn nguôi:
“Vừa mới đây đã bao năm cách biệt
Bạn bè ơi giờ ở những nơi đâu
Nghe tiếng trống sao chẳng về tụ lại
Trước sân trường ríu rít nắm tay nhau”
Thầy cô là những người đã dìu dắt ta từ những năm đầu tiên của cuộc đời đi học. Thầy cô đã chắp cánh ước mơ, hoài bão tươi đẹp về tương lai, cho ta niềm tin vào cuộc sống. Phải chăng những điều hay lẽ phải, những nét đẹp trong tâm hồn của mỗi con người đều được khơi nguồn từ tay những người hướng đạo. Để làm tròn sứ mệnh cao cả của mình, “người lái đò’’ đã phải vượt qua bao nhiêu gian nan vất vả, phải chống chọi những khi có “mưa to”, “gió lớn” để đưa chuyến đò cập bến thành công. Rồi khi đã đưa được khách qua sông, “ người đưa đò” lại quay về bến bên kia để tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả ấy. Và cứ thế, cứ thế, những người thầy đã dành cả cuộc đời để dạy dỗ cho tất cả những đứa con thân yêu mà không quản khó khăn, mệt mỏi. Cho dù phải thức khuya để miệt mài soạn giáo án, cho dù ngày qua ngày họ chỉ mãi lặp đi lặp lại những công thức, những bài giảng hàng nghìn, hàng vạn lần nhưng họ vẫn không buồn chán, bởi vì trong trái tim họ chỉ có duy nhất một khát khao là dạy dỗ những lớp trẻ thành người.
Bài thơ nhắn nhủ chúng ta về đạo lý “tôn sư trọng đạo”, hãy luôn khắc ghi, nhớ ơn công lao của thầy cô, những người đã và đang cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người.
Nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề bài Tiếng trống trường
Trong nền thi ca của Việt Nam có rất nhiều những nhà thơ tiêu biểu cùng những tác phẩm nổi tiếng. Chắc hẳn chúng ta cũng đã từng được nghe đến nhà thơ Chử Văn Long. Ông là một trong những nhà thơ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ông cũng có nhiều đóng góp to lớn cho nền thơ ca của nước ta. Bên cạnh đó có một tác phẩm mà em tâm đắc nhất đó là bài thơ Tiếng trống trường. Bài thơ đã giúp chúng ta được quay trở lại quá khứ để cùng lắng nghe tiếng trống trường với biết bao kỉ niệm.
Tiếng trống trường là một tiếng trống thiêng liêng nhất đối với các bạn học sinh. Tiếng trống nhắc nhở cho chúng ta biết lúc nào là lúc vào học, lúc nào là là lúc ra chơi và lúc nào là lúc kết thúc buổi học. trong những thời khác thiêng liêng và quan trọng thì tiếng trống cũng vang lên. Chẳng hạn như những buổi khai giảng, khi tiếng trống trong buổi khai giảng cất lên thì đó cũng chính là thời điểm bắt đầu cho một năm học mới. Và tiếng trống trong bài thơ Tiếng trống trường của nhà thơ Chử Văn Long cũng vô cùng thiêng liêng. Tác giả đưa người đọc ngược dòng thời gian quay trở về tuổi thơ của ông được thể hiện qua từ ngữ “xa lắc”, đưa độc giả theo “bàn chân nhỏ” của ông qua đồng ruộng để về với tiếng vang vọng của trống trường năm xưa.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới ngày nào còn ngồi trên ghế nhà trường, còn được nghe từng tiếng trống “tùng… tùng… tùng…” vang lên thì nay chúng ta đã trưởng thành và không còn nhiều dịp được nghe tiếng trống ấy nữa. Ông đã đưa nỗi niềm của mình, ẩn chứa những tiếc nuối về những ký ức năm xưa, nơi trường hội tụ những người bạn năm ấy học hành, vui chơi. Nghe tiếng trống vang vọng để hội tụ những tiếng ríu rít của đám học sinh bám vai, nắm tay ùa nhau tíu tít như “đàn chim vỡ tổ”. Ở đó như hội tụ hết những ngây thơ, những niềm vui khờ dại nhưng cũng rất trong sáng mà ngọt ngào của lứa tuổi học sinh.
Tác giả Chử Văn Long cũng muốn được “nếm” lại mùi vị được cùng bạn bè ở chung trọ ngày còn cắp sách đến trường, cái ngày đang phải học cách trưởng thành. Tự lực cánh sinh, học nấu cơm, học tự lập và chăm sóc bản thân. Ấy nhưng sâu bên trong đó vẫn có những tiếng cười rộn vang xua tan đi những mệt mỏi của cuộc sống. Đó không chỉ là mong muốn của mỗi tác giả mà đó còn là mong ước của rất nhiều người khi không còn được ngồi trên ghế nhà trường nữa. Chỉ có thời gian làm học sinh chúng ta mới bộc bạch được hết những ngây thơ, trong sáng của bản thân mình.
Mong muốn được quay trở về ngôi trường xưa, được thăm lại người thầy năm ấy nay bạc trắng đầu dạy cho những cô cậu học trò năm đó cách trưởng thành, trở thành người có tri thức, một “mầm cây” tốt lành cho xã hội. Được “thèm” nghe lại tiếng trống năm xưa đã cùng họ lớn lên. Tất cả giờ đây chỉ còn là kỷ niệm, sự nhớ nhung của “đoạn đường tuổi thơ xa lắc năm đó”, sự thèm khát được nhỏ lại như năm đó, để có thể tự tung tự tác trải nghiệm tuổi thơ thêm lần nữa.
Bài thơ tiếng trống trường là bài thơ có sức hấp dẫn vô cùng to lớn đối với chúng ta. Nó không chỉ nhắc cho chúng ta nhớ về một tuổi vô cùng trong sáng mà nó còn cho chúng ta thấy được sự thiêng liêng và quan trọng của tiếng trống trường. Mỗi lần đọc lại bài thơ là một lần mình rưng rưng nước mắt muốn quay trở về mái trường xưa để thăm lại thầy cô, thăm lại chiếc trống da trâu sờn cũ. Dù có là bao lâu đi chăng nữa thì chúng ta không thể nào quên được tiếng trống năm ấy vang vọng trong tiềm thức của mình.
Qua đây, ta thấy được sự xuất sắc của tác giả Chử Văn Long khi đã sáng tác ra bài thơ này. Chủ đề của bài thơ đã khiến hàng ngàn người muốn quay trở lại mái trường xưa để được nghe lại tiếng trống năm ấy. Tiếng trống mà bất kì học sinh nào cũng được nghe qua, tiếng trống thúc giục chúng ta mỗi mùa thi đến và tiếng trống ấy mãi mãi tồn tại trong tâm trí của những ai đã và đang ngồi trên ghế của nhà trường. Và đối với những bạn còn đang là học sinh thì hãy trân trọng những khoảnh khắc tươi đẹp này. Bởi khi đã trưởng thành hơn thì cuộc sống sẽ có nhiều bộn bề khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, sẽ không còn những khoảng thời hồn nhiên khi còn là học sinh. Chúng ta phải biết trân trọng dù đó chỉ là những khoảnh khắc nhỏ bé nhất.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 10: Viết bài văn nghị luận phân tích đánh giá về nội dung bài thơ Tiếng trống trường Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.