Bạn đang xem bài viết ✅ Thông tư số 179/2011/TT-BTC Hướng dẫn xử lý hàng hóa bị từ bỏ, thất lạc, nhầm lẫn, quá thời hạn khai hải quan tại cảng biển mà chưa có người đến nhận quy định tại Điều 45 Luật Hải quan ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Thông tư số 179/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn xử lý hàng hóa bị từ bỏ, thất lạc, nhầm lẫn, quá thời hạn khai hải quan tại cảng biển mà chưa có người đến nhận quy định tại Điều 45 Luật Hải quan và hàng hóa không có người nhận khác.

BỘ TÀI CHÍNH

—————

Số: 179/2011/TT-BTC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

————————

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2011

THÔNG TƯ
Hướng dẫn xử lý hàng hóa bị từ bỏ, thất lạc, nhầm lẫn, quá thời hạn khai
hải quan tại cảng biển mà chưa có người đến nhận quy định tại Điều 45
Luật Hải quan và hàng hóa không có người nhận khác

—————————

Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29 tháng 06 năm 2001 và Luật số 42/2005/QH11 ngày 14 tháng 06 năm 2005 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan;

Căn cứ Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 06 năm 2007 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan;

Căn cứ Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 06 năm 2007 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Sau khi thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng hóa bị từ bỏ, thất lạc, nhầm lẫn, quá thời hạn khai hải quan tại cảng biển mà chưa có người đến nhận quy định tại Điều 45 Luật hải quan và hàng hóa không có người nhận khác như sau:

CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn trình tự xử lý đối với hàng hóa bị từ bỏ, thất lạc, nhầm lẫn, quá thời hạn khai hải quan mà chưa có người đến nhận theo quy định tại Điều 45 Luật Hải quan và hàng hóa do doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi thu gom trong quá trình xếp dỡ hàng hóa; hàng hóa nhập khẩu ngoài vận đơn, ngoài lược khai không có người nhận (sau đây gọi tắt là hàng tồn đọng) lưu giữ tại cảng biển.

Tham khảo thêm:   Mẫu báo cáo đề nghị công nhận đảng viên chính thức Báo cáo đề nghị công nhận đảng viên chính thức

2. Hàng tồn đọng tại cảng sông quốc tế, cảng nội địa (ICD), địa điểm thu gom hàng lẻ (CFS) cũng xử lý tương tự theo hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Thông tư này không điều chỉnh đối với các trường hợp sau:

a) Hàng hóa do người vận chuyển đường biển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam (thực hiện theo Nghị định số 46/2006/NĐ-CP ngày 16/05/2006 của Chính phủ);

b) Thư, bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận (thực hiện theo Thông tư liên tịch số 03/2004/TTLT-BBCVT-BTC ngày 29/11/2004 của liên Bộ Bưu chính Viễn thông – Bộ Tài chính);

c) Hàng hóa, hành lý, tài sản tồn đọng không có người nhận tại các cảng hàng không Việt Nam (thực hiện theo Thông tư số 33/2004/TT-BTC ngày 15/04/2004 của Bộ Tài chính);

d) Hàng tồn đọng trong kho ngoại quan (thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 195/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính);

đ) Hàng hóa bị từ bỏ, thất lạc, nhầm lẫn, quá thời hạn khai hải quan mà chưa có người đến nhận, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc xử lý hàng hóa bị từ bỏ, thất lạc, nhầm lẫn, quá thời hạn khai hải quan mà chưa có người đến nhận, hàng hóa do doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi thu gom trong quá trình xếp dỡ hàng hóa; hàng hóa nhập khẩu ngoài vận đơn, ngoài lược khai không có người nhận.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Hàng tồn đọng theo hướng dẫn tại Thông tư này bao gồm:

1. Hàng hóa bị từ bỏ:

a) Hàng hóa mà chủ hàng có văn bản thông báo việc từ bỏ; hoặc không đến nhận hoặc không hồi đáp sau khi đã được cơ quan hải quan thông báo;

b) Hàng hoá do người vận chuyển đường biển lưu giữ tại Việt Nam bỏ lại cảng biển và người vận chuyển có văn bản từ bỏ quyền lưu giữ.

2. Hàng hóa bị thất lạc:

a) Hàng hóa có địa chỉ nhận tại Việt Nam, bị thất lạc qua nước khác sau đó đưa về Việt Nam, không có người đến nhận;

b) Hàng hóa gửi đến nước khác, bị thất lạc đến Việt Nam, không có người đến nhận;

3. Hàng hóa bị gửi nhầm địa chỉ người nhận tại Việt Nam, không có người đến nhận.

4. Hàng hóa quá thời hạn khai hải quan được cơ quan hải quan thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không có người đến nhận.

5. Hàng hóa khác lưu giữ tại cửa khẩu không có người nhận:

a) Hàng hóa do doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi thu gom trong quá trình xếp dỡ hàng hóa;

b) Hàng hóa nhập khẩu ngoài vận đơn, ngoài lược khai.

CHƯƠNG II
THEO DÕI, THÔNG BÁO HÀNG TỒN ĐỌNG

Điều 4. Theo dõi, phân loại hàng tồn đọng

1. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi:

a) Theo dõi, thống kê, phân loại hàng tồn đọng theo Biểu mẫu 01/2011/TB-KB ban hành kèm Thông tư này.

b) Thông báo cho người nhận hàng hoặc hãng tàu/đại lý hãng tàu/doanh nghiệp giao nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

Tham khảo thêm:   Công văn 126/2013/BXD-KTXD Hướng dẫn điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình

c) Thông báo tình hình hàng tồn đọng cho Chi cục hải quan quản lý (sau đây gọi tắt là Chi cục hải quan) định kỳ vào ngày 05 của tháng kế tiếp. Riêng đối với hàng hóa thuộc loại dễ bị hư hỏng, hàng đông lạnh, hóa chất nguy hiểm, độc hại, hàng sắp hết thời hạn sử dụng thì việc thông báo được thực hiện trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày người nhận hàng có văn bản thông báo việc từ bỏ hoặc kể từ ngày thứ 91 đối với hàng hóa lưu giữ tại khu vực cửa khẩu quá 90 ngày kể từ ngày hàng đến cửa khẩu dỡ hàng.

d) Bố trí địa điểm kho, bãi đảm bảo đáp ứng các điều kiện giám sát hải quan để lưu giữ, bảo quản hàng tồn đọng trong thời gian chờ xử lý.

đ) Tham gia Hội đồng xử lý hàng hóa bị từ bỏ.

2. Trách nhiệm của hãng tàu/đại lý hãng tàu/doanh nghiệp giao nhận (sau đây gọi tắt là người vận chuyển):

Người vận chuyển có trách nhiệm thông báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập về danh sách vận đơn quá 90 ngày kể từ ngày hàng đến cửa khẩu nhập, chưa có người nhận theo Biểu mẫu 01/2011/TB-KB ban hành kèm Thông tư này, kèm các chứng từ thông báo hàng đến cửa khẩu.

3. Trách nhiệm của Chi cục hải quan:

a) Phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi và người vận chuyển để tổng hợp, theo dõi, thống kê, phân loại và tổ chức giám sát lượng hàng tồn đọng (theo Biểu mẫu số 02/2011/TH-HQ ban hành kèm Thông tư này).

b) Làm thủ tục thông báo theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Điều 5. Thủ tục thông báo

1. Đối với các lô hàng tồn đọng quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 3 Thông tư này:

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi về lô hàng tồn đọng tại khoản 2, 3, 4 Điều 3 Thông tư này, Chi cục hải quan quản lý đăng tải thông tin 03 lần liên tiếp về lô hàng trên Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình địa phương, Báo Hải quan, Báo Diễn đàn doanh nghiệp, đồng thời niêm yết công khai tại trụ sở Chi cục hải quan; Thời hạn thông báo để người đến nhận hàng là 180 ngày kể từ ngày thông báo.

Đối với hàng hóa dễ bị hư hỏng, hàng đông lạnh, hóa chất nguy hiểm, độc hại thì thời hạn thông báo để người đến nhận hàng là 30 ngày và thông báo 02 lần liên tiếp.

2. Đối với hàng hóa không có người nhận khác quy định tại điểm a khoản 5 Điều 3 Thông tư này:

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng về đến cửa khẩu dỡ hàng, doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi thông báo cho người nhận hàng/người vận chuyển đến nhận theo Biểu mẫu số 03/2011/TB-KB ban hành kèm Thông tư này; số lần thông báo là 02 lần trong thời hạn 30 ngày.

3. Quá thời hạn thông báo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, nếu không có người đến nhận hàng thì Chi cục hải quan lập hồ sơ đề nghị xử lý theo hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư này.

4. Trong thời hạn thông báo, nếu chủ hàng hóa đến nhận thì được làm thủ tục nhập khẩu và phải nộp tiền phạt do việc làm thủ tục hải quan không đúng thời hạn quy định theo quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và các chi phí phát sinh do việc chậm nhận hàng. Trường hợp việc đăng ký tờ khai được thực hiện tại Chi cục hải quan khác, thì Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai phải có văn bản thông báo cho Chi cục hải quan quản lý hàng tồn biết để theo dõi và làm các thủ tục tiếp theo.

Tham khảo thêm:   Bài tập Tết môn Tiếng Việt lớp 3 sách Kết nối tri thức Bài tập Tết 2024 môn Tiếng Việt 3

5. Các trường hợp không phải thông báo:

a) Hàng hóa nêu tại khoản 1 Điều 3 và điểm b khoản 5 Điều 3 Thông tư này;

b) Cơ quan hải quan xác định được hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, nhưng không phải là buôn lậu, gian lận thương mại;

c) Trường hợp yêu cầu phải xử lý khẩn cấp để kịp thời ngăn chặn hoặc giảm bớt thiệt hại có thể xảy ra đối với hàng hóa, người và tài sản trong khu vực cảng biển thì Chi cục hải quan phối hợp doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi và người vận chuyển báo cáo Cục trưởng Cục hải quan tiến hành xử lý theo quy định tại Thông tư này, không phải thông báo.

CHƯƠNG III
TỊCH THU VÀ LẬP HỒ SƠ XỬ LÝ HÀNG TỒN ĐỌNG

Điều 6. Tịch thu và lập hồ sơ xử lý hàng tồn đọng

1. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thông báo (180 ngày hoặc 30 ngày) tại Điều 5 Thông tư này, Chi cục hải quan nơi có hàng tồn đọng lập hồ sơ, báo cáo Cục trưởng Cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố (sau đây gọi tắt là Cục hải quan) ra quyết định tịch thu.

Hồ sơ đề nghị gồm:

a) Văn bản đề nghị xử lý hàng tồn đọng;

b) Bảng kê chi tiết về hàng hóa (tên hàng, số lượng cont, trọng lượng, tên/địa chỉ người gửi, người nhận, tên phương tiện/ngày nhập cảnh, số/ngày vận đơn, nước xuất khẩu): 01 bản chính;

c) Công văn đề nghị đăng tải gửi Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình địa phương, Báo Hải quan, Báo Diễn đàn doanh nghiệp về lô hàng hoặc thông báo của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi cho người nhận hàng/ người vận chuyển: 01 bản sao của từng lần thông báo;

d) Văn bản thông báo từ bỏ hàng hoá hoặc chứng từ chứng minh việc từ bỏ hàng hóa của chủ hàng hoặc người vận chuyển (nếu có): 01 bản chính.

2. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ đề nghị xử lý của Chi cục hải quan, Cục trưởng Cục hải quan căn cứ quy định tại Điều 35 Nghị định 97/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 06 năm 2007 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này, ra Quyết định tịch thu số hàng tồn đọng (theo mẫu QĐ-34 – Quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính ban hành kèm Nghị định 97/2007/NĐ-CP) và gửi cho các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện, đồng thời có văn bản đề nghị Sở Tài chính thành lập Hội đồng xử lý hàng tồn đọng, gửi kèm Bảng kê chi tiết hàng tồn đọng.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư số 179/2011/TT-BTC Hướng dẫn xử lý hàng hóa bị từ bỏ, thất lạc, nhầm lẫn, quá thời hạn khai hải quan tại cảng biển mà chưa có người đến nhận quy định tại Điều 45 Luật Hải quan của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *