Bạn đang xem bài viết ✅ Thông tư liên tịch 27/2013/TTLT-BGDĐT-BTC Quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Thông tư liên tịch 27/2013/TTLT-BGDĐT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định 12/2013/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Tài chính ban hành.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO – BỘ TÀI CHÍNH
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————————-

Số: 27/2013/TTLT-BGDĐT-BTC

Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2013

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 12/2013/QĐ-TTG NGÀY 24 THÁNG 01 NĂM 2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Ở VÙNG CÓ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ – XÃ HỘI ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư liên tịch này hướng dẫn thực hiện Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số, là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo ở xã, thôn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 2 của Thông tư liên tịch này.

Điều 2. Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ

1. Đối với học sinh là người dân tộc thiểu số, phải bảo đảm các điều kiện sau:

a) Đang học cấp trung học phổ thông tại trường trung học phổ thông hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học (có cấp trung học phổ thông) thuộc loại hình công lập;

b) Bản thân, bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Điều 3 của Thông tư liên tịch này;

c) Nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày, phải ở lại trường hoặc khu vực gần trường để học tập. Cụ thể:

– Đối với trường hợp nhà ở xa trường: Khoảng cách quãng đường đi từ nhà đến trường từ 10 km trở lên;

– Đối với trường hợp địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: học sinh đi học phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá. Tùy điều kiện thực tế của từng địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quy định cụ thể khoảng cách và địa bàn để xác định đối tượng học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày.

2. Đối với học sinh là người dân tộc Kinh: Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 của Điều này, học sinh phải thuộc hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015.

Tham khảo thêm:   Thủ tục cấp lại sổ hộ khẩu

Điều 3.Vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn

1. Các xã đặc biệt khó khăn được quy định tại các văn bản sau:

a) Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (Chương trình 135 giai đoạn II);

b) Quyết định số 05/2007/QĐ-UBDT ngày 6 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển;

c) Quyết định số 69/2008/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II và danh sách xã ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II;

d) Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo;

đ) Quyết định số 1105/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện Chương trình 135 giai đoạn II và danh sách xã hoàn thành mục tiêu, ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II;

e) Quyết định số 231/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 năm 2010;

g) Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015.

2. Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn được quy định tại các Quyết định sau:

a) Quyết định số 01/2008/QĐ-UBDT ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II;

b) Quyết định số 325/QĐ-UBDT ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II.

3. Các quyết định khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc quy định mới về danh sách các xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III), thôn đặc biệt khó khăn (nếu có).

Điều 4. Mức hỗ trợ

1. Hỗ trợ tiền ăn: Mỗi tháng học sinh được hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

2. Hỗ trợ tiền nhà ở: Đối với học sinh phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Điều 5. Thủ tục xét cấp kinh phí hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn

1. Hồ sơ:

a) Đơn đề nghị hỗ trợ của học sinh (theo mẫu tại phụ lục kèm theo Thông tư liên tịch này);

b) Bản sao Giấy khai sinh (đối với đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số);

c) Bản sao Sổ hộ nghèo hoặc bản sao Giấy chứng nhận hộ nghèo (đối với đối tượng học sinh là người dân tộc Kinh);

d) Bản sao Sổ hộ khẩu.

2. Hội đồng xét duyệt:

a) Thành phần: Hội đồng có ít nhất 07 thành viên, do Hiệu trưởng nhà trường ra quyết định thành lập, gồm:

– Chủ tịch: Hiệu trưởng hoặc Phó hiệu trưởng;

– Các thành viên: Chủ tịch Công đoàn, thư ký Hội đồng trường, Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của trường, đại diện tổ Văn phòng, Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm các lớp có nhiều học sinh nộp hồ sơ.

Tùy theo điều kiện cụ thể, Hiệu trưởng có thể mời thêm các thành phần khác tham gia hội đồng xét duyệt.

Tham khảo thêm:   Đề kiểm tra học kì II lớp 8 môn Công nghệ - THCS Đồng Nai, Lâm Đồng (Đề 1) Đề kiểm tra môn Công nghệ

b) Nhiệm vụ:

– Xét duyệt đối tượng học sinh của trường được hưởng chính sách hỗ trợ theo các điều kiện quy định tại Điều 2 của Thông tư liên tịch này để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

– Giải quyết các khiếu nại về kết quả xét duyệt (nếu có) trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày công bố kết quả.

3. Trình tự xét, phê duyệt:

a) Hằng năm, sau ngày tựu trường, nhà trường tổ chức phổ biến, thông báo rộng rãi và hướng dẫn học sinh thuộc đối tượng được hưởng chính sách chuẩn bị hồ sơ đề nghị hỗ trợ;

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày niêm yết thông báo, học sinh nộp hồ sơ cho nhà trường. Khi nộp hồ sơ, học sinh phải xuất trình bản gốc kèm theo bản sao các loại giấy tờ quy định trong hồ sơ tại khoản 1 Điều này. Người nhận hồ sơ có trách nhiệm đối chiếu bản sao với bản gốc, ký xác nhận đã đối chiếu bản sao với bản gốc và ghi rõ họ tên vào bản sao để đưa vào hồ sơ của học sinh;

c) Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ, Hội đồng tổ chức xét duyệt và gửi danh sách học sinh được đề nghị hưởng chính sách kèm bản sao hồ sơ xét duyệt về sở giáo dục và đào tạo;

d) Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ của các trường, sở giáo dục và đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ, tổng hợp danh sách các đối tượng học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ của toàn tỉnh, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;

đ) Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ trình của sở giáo dục và đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét và phê duyệt danh sách học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ;

e) Sở giáo dục và đào tạo gửi các trường kết quả phê duyệt danh sách học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh để nhà trường thông báo công khai kết quả và tổ chức triển khai thực hiện.

4. Phương thức chi trả:

Việc chi trả kinh phí hỗ trợ tiền ăn và tiền nhà ở cho học sinh được chi trả hằng tháng. Tùy theo điều kiện cụ thể, nhà trường quyết định giữ lại kinh phí hỗ trợ tiền ăn để tổ chức nấu ăn cho học sinh hoặc chi trả tiền mặt cho học sinh.

Điều 6. Nguồn kinh phí, lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí

1. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này được cân đối trong ngân sách chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo hằng năm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

Ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương theo nguyên tắc:

a) Hỗ trợ 100% nhu cầu kinh phí tăng thêm cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi;

b) Hỗ trợ 50% nhu cầu kinh phí tăng thêm cho các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%;

c) Đối với các địa phương điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương, phải sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện một phần hoặc toàn bộ chính sách; nếu hụt thu do nguyên nhân khách quan hoặc tăng thu thấp: Sau khi đã sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương (nếu có) và 50% dự phòng ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao vẫn còn thiếu, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ phần chênh lệch thiếu;

d) Các địa phương còn lại: Ngân sách địa phương tự đảm bảo.

2. Lập và phân bổ dự toán:

Việc lập, phân bổ dự toán kinh phí thực hiện các chính sách theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này được thực hiện đồng thời với thời điểm lập và phân bổ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm tại địa phương. Trách nhiệm thực hiện của các cơ quan như sau:

a) Vào thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước, các trường căn cứ vào số lượng học sinh được hưởng chính sách theo quy định để lập dự toán kinh phí hỗ trợ, gửi sở giáo dục và đào tạo thẩm định để gửi cơ quan tài chính tổng hợp vào dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm của địa phương, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và giao trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của các trường.

Tham khảo thêm:   Quyết định 2609/QĐ-BCA-C08 Danh mục thủ tục hành chính sửa đổi trong lĩnh vực giao thông đường bộ

Căn cứ dự toán kinh phí được giao, danh sách học sinh hưởng chính sách được phê duyệt, nhà trường tổ chức thực hiện chi trả cho học sinh; quản lý và quyết toán theo quy định tài chính hiện hành;

b) Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước; văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước, xây dựng dự toán kinh phí thực hiện các chính sách theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này, tổng hợp vào kế hoạch chung của địa phương gửi Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng thời gian báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm kế hoạch.

3. Cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm đảm bảo kinh phí hỗ trợ, hướng dẫn quản lý và kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện theo quy định.

4. Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, cấp phát, thanh toán kinh phí hỗ trợ theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013.

2. Thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh quy định tại Thông tư liên tịch này được tính hưởng từ ngày 15 tháng 3 năm 2013.

Trong năm 2013, các địa phương sắp xếp, bố trí trong dự toán ngân sách địa phương đã được giao để thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh quy định tại Thông tư liên tịch này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng trong Thông tư liên tịch này được sửa đổi, bổ sung hay thay thế bằng văn bản mới thì sẽ được dẫn chiếu áp dụng theo các văn bản mới đó; trường hợp có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG


Nguyễn Thị Minh

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Thị Nghĩa

Nơi nhận:
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Quốc hội và các Uỷ ban của Quốc hội;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Kiểm toán nhà nước;
– Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng;
– UBTW Mặt trận tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính;
– Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
– HĐND, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW;
– Các Sở GD&ĐT, Sở Tài chính;
– Công báo;
– Website Chính phủ;
– Website: Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính;
– Lưu VT: BGD&ĐT, BTC.

PHỤ LỤC

(Kèm theo Thông tư liên tịch số /2013/TTLT-BGDĐT-BTC ngày tháng năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập -Tự do-Hạnh phúc
—————————–

ĐƠN ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ

(Dùng cho học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đang học tại các trường trung học phổ thông hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học thuộc loại hình công lập)

Kính gửi: Trường ……………………………………………………………………………..

Họ và tên học sinh: ………………………….……………………………………….

Sinh ngày………tháng…….…năm………..…………….…………………………

Dân tộc:…………… thuộc hộ nghèo □ (đánh dấu x vào ô vuông nếu thuộc hộ nghèo)

Thường trú tại thôn/bản)………….…………xã……………………… thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Huyện………………………….Tỉnh………………………………..………………….

Năm học:……………… Em đang học lớp:………Trường……………………………..

Vì lý do………………………………………. (chọn 1 trong 2 lý do sau: nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở, giao thông khó khăn), nên em không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày.

Em làm đơn này kính đề nghị nhà trường xem xét để em được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ, gồm:

1. Tiền ăn □

2. Tiền nhà ở (đối với trường hợp học sinh phải tự lo chỗ ở) □

….…, ngày …..tháng…..năm 201…

Học sinh

(Ký, ghi rõ họ, tên )

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư liên tịch 27/2013/TTLT-BGDĐT-BTC Quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *