Ngày 31/05/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành Thông tư 01/2019/TT-UBDT quy định về chế độ báo cáo công tác dân tộc. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/07/2019.
Theo đó, quy định thời hạn gửi báo cáo công tác dân tộc như sau:
- Báo cáo tuần: chậm nhất là 14 giờ ngày thứ 5 của tuần báo cáo (hiện hành chậm nhất là 14 giờ ngày thứ 6 của tuần báo cáo);
- Báo cáo tháng: chậm nhất là ngày 20 của tháng báo cáo (hiện hành là trước ngày 25 của tháng báo cáo);
- Báo cáo quý: chậm nhất là ngày 20 của tháng cuối quý báo cáo (hiện hành là trước ngày 20 của tháng cuối quý báo cáo);
- Báo cáo 6 tháng đầu năm: chậm nhất là ngày 20/6 hằng năm (hiện hành là trước ngày 20/6 hằng năm)
- Báo cáo năm: chậm nhất là ngày 20/12 hằng năm (hiện hành là trước ngày 10/12 hằng năm).
ỦY BAN DÂN TỘC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2019/TT-UBDT |
Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2019 |
THÔNG TƯ 01/2019/TT-UBDT
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CÔNG TÁC DÂN TỘC
Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc;
Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP, ngày 01/10/2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 09/2019/NĐ-CP, ngày 24/01/2019 của Chính phủ quy định chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 13/2017/NĐ-CP, ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;
Căn cứ Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổng hợp,
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành Thông tư Quy định chế độ báo cáo công tác dân tộc.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định đối tượng, nội dung, phương thức thực hiện báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề và báo cáo đột xuất về công tác dân tộc trên phạm vi cả nước,
2. Đối tượng thực hiện chế độ báo cáo này bao gồm:
a) Các bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi là các bộ) có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến việc thực hiện chế độ báo cáo công tác dân tộc trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc;
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân các cấp) có nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc;
c) Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh;
d) Các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc;
e) Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện chế độ báo cáo công tác dân tộc.
Điều 2. Các loại báo cáo
1. Báo cáo định kỳ; Là báo cáo được ban hành để đáp ứng yêu cầu thông tin tổng hợp về công tác dân tộc, được thực hiện theo một chu kỳ xác định và lặp lại nhiều lần, bao gồm báo cáo tuần, tháng, quý, 6 tháng đầu năm và năm.
2. Báo cáo chuyên đề: Là báo cáo được ban hành để đáp ứng yêu cầu thông tin có tính chuyên sâu về một chủ đề nào đó về công tác dân tộc và phải thực hiện một hoặc nhiều lần trong khoảng thời gian nhất định.
3. Báo cáo đột xuất: Là báo cáo được ban hành để đáp ứng yêu cầu thông tin về vấn đề phát sinh bất thường về công tác dân tộc.
Điều 3. Yêu cầu của báo cáo
1. Đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, đúng hình thức, nội dung yêu cầu của từng loại báo cáo; nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành về công tác dân tộc của cơ quan và người có thẩm quyền.
2. Đảm bảo tính thống nhất, rõ ràng, công khai, cung cấp và chia sẻ thông tin, dữ liệu báo cáo.
3. Đảm bảo khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo, đáp ứng yêu cầu của Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
Điều 4. Phương thức gửi, nhận báo cáo
1. Báo cáo được thực hiện bằng văn bản hành chính (văn bản giấy hoặc văn bản điện tử), do người có thẩm quyền ký (báo cáo dưới hình thức văn bản giấy phải đóng dấu cơ quan, đơn vị nếu có con dấu riêng); được gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính, fax, hệ thống thư điện tử, phần mềm thông tin báo cáo chuyên dùng, các phương thức khác theo quy định của pháp luật, đồng thời gửi file word hoặc bản định dạng pdf của báo cáo dưới hình thức văn bản giấy qua hệ thống thư điện tử theo địa chỉ nơi nhận được quy định tại Điều 7 của Thông tư này.
2. Đối với các báo cáo ứng dụng báo cáo trực tuyến trên phần mềm và sử dụng chữ ký điện tử phê duyệt thì không cần báo cáo giấy, trừ trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật, sự việc bất khả kháng.
3. Đối với báo cáo đột xuất, trong trường hợp đặc biệt, khẩn cấp, cần báo cáo gấp những vụ việc về công tác dân tộc thì báo cáo nhanh bằng mọi phương thức có thể, như: Thư điện tử, fax, tin nhắn hoặc điện thoại trực tiếp.
Điều 5. Thời gian chốt số liệu, thông tin báo cáo định kỳ
Thời gian chốt số liệu, thông tin báo cáo là khoảng thời gian tính từ thời điểm bắt đầu lấy số liệu, thông tin của kỳ báo cáo đến thời điểm kết thúc lấy số liệu, thông tin để xây dựng báo cáo.
1. Báo cáo tuần: Tính từ ngày thứ Sáu tuần trước đến hết ngày thứ Năm của tuần báo cáo.
2. Báo cáo định kỳ hằng tháng: Tính từ ngày 15 tháng trước đến hết ngày 14 của tháng cuối kỳ báo cáo.
3. Báo cáo định kỳ hằng quý: Tính từ ngày 15 tháng trước kỳ báo cáo đến hết ngày 14 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo.
4. Báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm: Thời gian chốt số liệu 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến hết ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo.
5. Báo cáo định kỳ hằng năm: Tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến hết ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.
Điều 6. Thời hạn gửi báo cáo
Đối với báo cáo sử dụng chữ ký điện tử: Thời hạn gửi báo cáo tính theo thời điểm gửi báo cáo.
Đối với báo cáo thực hiện bằng văn bản giấy: Thời hạn gửi báo cáo tính theo thời điểm gửi file word hoặc bản định dạng pdf của báo cáo qua hệ thống thư điện tử.
1. Báo cáo định kỳ:
a) Báo cáo tuần: Chậm nhất là 14 giờ ngày thứ năm của tuần báo cáo;
b) Báo cáo tháng: Chậm nhất là ngày 20 của tháng báo cáo;
c) Báo cáo quý: Chậm nhất là ngày 20 của tháng cuối quý báo cáo;
d) Báo cáo 06 tháng đầu năm: Chậm nhất là ngày 20 tháng 6 hàng năm;
e) Báo cáo năm: Chậm nhất là ngày 20 tháng 12 hằng năm.
Quy định cụ thể thời hạn đối với báo cáo định kỳ của Ủy ban nhân dân các cấp: Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện chậm nhất là ngày 16 của tháng cuối kỳ báo cáo; Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh chậm nhất ngày 18 của tháng cuối kỳ báo cáo; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh báo cáo Ủy ban Dân tộc chậm nhất ngày 20 của tháng cuối kỳ báo cáo.
2. Báo cáo chuyên đề: Theo văn bản yêu cầu báo cáo.
3. Báo cáo đột xuất: Theo văn bản yêu cầu báo cáo. Đối với trường hợp cần báo cáo gấp những vụ việc về công tác dân tộc thì báo cáo ngay khi có sự việc xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra.
Điều 7. Nơi nhận báo cáo
1. Báo cáo định kỳ:
a) Báo cáo chính thức (báo cáo thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc báo cáo sử dụng chữ ký điện tử): Gửi về Ủy ban Dân tộc, 349 Đội cấn, Ba Đình, Hà Nội;
b) Đối với báo cáo thực hiện bằng văn bản giấy: file word hoặc bản định dạng pdf của báo cáo gửi qua hệ thống thư điện tử:
Báo cáo tuần: Gửi theo địa chỉ: [email protected]
Báo cáo tháng, quý, 6 tháng đầu năm và báo cáo năm: Gửi theo địa chỉ: [email protected]; đối với báo cáo của các địa phương đồng thời gửi vụ, đơn vị quản lý địa bàn của Ủy ban Dân tộc.
2. Báo cáo chuyên đề: Theo văn bản yêu cầu báo cáo.
3. Báo cáo đột xuất: Theo văn bản yêu cầu báo cáo. Đối với trường hợp cần báo cáo gấp những vụ việc về công tác dân tộc thì báo cáo tới các cấp có thẩm quyền.
Điều 8. Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo
Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo; xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, địa phương để thực hiện báo cáo điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổng hợp, chia sẻ thông tin báo cáo và tiết kiệm về thời gian, chi phí cho các đối tượng thực hiện báo cáo.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 9. Báo cáo tuần
1. Đối tượng báo cáo: Các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.
2. Nội dung và đề cương báo cáo tuần thực hiện theo Mẫu báo cáo số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 10. Báo cáo tháng và báo cáo quý
1. Đối tượng báo cáo: Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh; các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.
Thực hiện báo cáo các tháng: 1, 2, 4, 5, 7, 8, 10, 11; lồng ghép báo cáo tháng 3 vào báo cáo quý I, báo cáo tháng 6 vào báo cáo 6 tháng đầu năm; báo cáo tháng 9 vào báo cáo quý III và báo cáo tháng 12 vào báo cáo năm.
Thực hiện báo cáo quý I và quý III; lồng ghép báo cáo quý II vào báo cáo 6 tháng đầu năm, báo cáo quý IV vào báo cáo năm.
2. Nội dung báo cáo:
a) Báo cáo của Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh: Nội dung và đề cương báo cáo tháng, quý thực hiện theo Mẫu báo cáo số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;
Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, báo cáo Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh. Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh tổng hợp báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp huyện và các sở, ngành liên quan gửi Ủy ban Dân tộc.
b) Báo cáo của các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc: Nội dung và đề cương báo cáo tháng, quý thực hiện theo Mẫu báo cáo số 03; đối với báo cáo quý lập Biểu tổng hợp số 001/ĐV/NV ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 11. Báo cáo 6 tháng và báo cáo năm
1. Đối tượng báo cáo: Các bộ; Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã (báo cáo 6 tháng), Ủy ban nhân dân các cấp (báo cáo năm); các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.
2. Nội dung báo cáo:
a) Báo cáo của các bộ: Nội dung và đề cương báo cáo 6 tháng, báo cáo năm thực hiện theo Mẫu báo cáo số 04 và Biểu tổng hợp số 014/BN.ĐP/CSDT ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Báo cáo của Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các cấp: Nội dung và đề cương báo cáo 6 tháng của Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, báo cáo năm của Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện theo Mẫu báo cáo số 05, Biểu tổng hợp số 003 và các Biểu tổng hợp kết quả thực hiện từng chính sách, chương trình, dự án do Ủy ban Dân tộc chủ trì quản lý, chỉ đạo (Biểu tổng hợp số 002/ĐP…, 003/ĐP…, 004/ĐP…,…) ban hành kèm theo Thông tư này;
Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh tổng hợp báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp huyện và các sở, ngành liên quan gửi Ủy ban Dân tộc.
c) Báo cáo của các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc: Nội dung và đề cương báo cáo 6 tháng, báo cáo năm thực hiện theo Mẫu báo cáo số 06, Biểu tổng hợp số 001/ĐV/NV và các Biểu tổng hợp kết quả thực hiện từng chính sách, chương trình, dự án do Ủy ban Dân tộc chủ trì quản lý, chỉ đạo (Biểu tổng hợp số 002/ĐV/…, 003/ĐV/…, 004/ĐV/.,.,…) ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 12. Báo cáo chuyên đề
1. Đối tượng báo cáo: Các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Thông tư này khi được yêu cầu.
2. Nội dung báo cáo: Báo cáo chuyên sâu về một nhiệm vụ, lĩnh vực công tác, một vấn đề quan trọng cần tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo điều hành và thực hiện trong lĩnh vực công tác dân tộc.
Nội dung cụ thể của báo cáo chuyên đề thực hiện theo văn bản hướng dẫn, yêu cầu báo cáo.
………..
Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 01/2019/TT-UBDT Quy định chế độ báo cáo công tác dân tộc của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.