Bạn đang xem bài viết ✅ Tập làm văn lớp 5: Tả cây bàng (Dàn ý + 8 mẫu) Tả cây cối lớp 5 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Cây bàng vừa mang lại bóng mát, vừa lưu giữ biết bao kỷ niệm thời cắp sách tới trường của biết bao thế hệ học trò. Với 8 bài văn Tả cây bàng lớp ngắn gọn, đặc sắc nhất,sẽ giúp các em học sinh có thêm nhiều ý tưởng mới cho bài văn tả cây cối của mình.

Tả cây bàng

Để bài văn tả cây bàng thêm sinh đông, các em quan sát kỹ, rồi sử dụng các giác quan để có thể miêu tả đặc điểm của cây bàng từ thân, hoa, lá, cành, rễ như thế nào. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết để ngày càng học tốt phân môn Tập làm văn lớp 5.

Dàn ý Tả cây bàng lớp 5

1. Mở bài

Giới thiệu cây bàng loài cây gắn bó với nhiều thế hệ học sinh.

2. Thân bài

a. Tả bao quát:

  • Nhìn từ xa cây bàng dáng to cao, bao trùm xung quanh.
  • Tán cây rộng che chở chúng em.

b. Tả chi tiết

  • Cây bàng nhiều năm, rễ ăn nổi trên mặt đất.
  • Thân cây xù xì, thô ráp.
  • Cành cây nhiều cành, tán lá gồm nhiều tầng nắng mưa đều không lọt vào.
  • Lá bàng mọc thành từng chùm. Tán cây toả rộng có nhiều bóng mát.
  • Hoa bàng hình ngôi sao, nhỏ, màu trắng.
  • Trái bàng hình thoi, màu xanh, khi chín màu vàng, vị hơi chua béo.
  • Gốc bàng nơi che chở và là nơi vui chơi của học sinh.

c. Lợi ích của cây bàng

  • Cây bàng cung cấp bóng mát cho các em học sinh vui chơi.
  • Che nắng, che mưa.
  • Lá, vỏ và hạt đều có những công dụng khác nhau.

3. Kết bài

  • Cảm nghĩ của em về cây bàng
  • Cây bàng gắn bó với nhiều thế hệ học sinh, kỷ niệm tuổi thơ.

Tả cây bàng lớp 5

Trong sân trường em có trồng rất nhiều loại cây. Trong đó em thích nhất là cây bàng ở gần cửa lớp.

Cây bàng đã lớn lắm rồi, nhìn từ xa giống như một chiếc dù khổng lồ. Gốc cây bàng bằng một vòng tay em ôm không xuể. Rễ cây to nhô lên khỏi mặt đất như những con rắn hổ mang và có những rễ cắm sâu vào lòng đất để hút chất bổ nuôi cây và giúp cho cây đứng vững. Thân cây thẳng như cái cột đình, vỏ cây màu nâu xám có nhiều vết sẹo. Cây bàng đặc biệt hơn những cây khác và chia thành nhiều tầng che mát cả một vùng đất rộng lớn, càng lên cao màu xanh của tán lá càng nhạt dần. Lá bàng hình bầu dục có màu xanh và che kín không cho ánh nắng xuyên qua sân trường.

Mùa thu lá bàng chuyển từ màu xanh sang màu đỏ, mỗi khi có gió thổi nhẹ những chiếc lá đỏ lìa cành để lại những cành khẳng khiu trụi lá trông rất tội nghiệp. Đông qua xuân đến cây bàng lại đâm chồi nảy lộc xuất hiện những chiếc lá non màu nõn chuối tràn đầy sức sống. Hoa bàng màu trắng ngà kết thành từng chuỗi. Ẩn mình sau kẽ lá là những quả bàng màu xanh lục hình tròn và dẹp hai đầu. Khi già trái bàng chuyển sang màu vàng lúc ăn có vị chát. Chúng em thường quây quần bên gốc cây bàng để chơi. Trên cây những chú chim hót líu lo như vui đùa với các em. Mỗi khi trực nhật em còn tưới nước cho cây tươi tốt.

Em rất quý cây bàng vì cây cho chúng em bóng mát để vui chơi mà còn tô điểm vẻ đẹp cho trường em. Những trưa hè êm ả được ngắm hoa bàng rơi thật thích thú biết bao.

Tả cây bàng hay nhất

Trong sân trường em có trồng rất nhiều loài cây cho bóng mát, trong đó loài cây bàng là loài cây em yêu thích nhất, cũng là người chứng kiến bao vui buồn của học sinh chúng em.

Chẳng hiểu cây được trồng từ năm nào mà nay ngọn đã vượt mái hiên nhà văn phòng. Nói là ngọn nhưng chỉ là cái tân lá tròn như cái bánh giầy to tướng che mát một góc sân. Vào những ngày hè oi bức, đứng dưới gốc bàng như đứng dưới một cái ô che nắng. Dưới tán lá xanh um, những cành bàng xòe ra tứ phía như những gọng ô lớn vậy. Có vài cành không theo kịp chúng bạn chạm tới tán lá, là là ngang đầu người lớn. Ở gần nách cành, những cành này to bằng cánh tay em, nhẵn thín vì những vết chân nhún nhảy hoặc những bàn tay nắm lấy để đu người của các bạn nam cao lớn. Thân bàng to bằng một vòng tay em nhưng xù xì, lồi lõm. Giữa thân có mấy cái u lồi ra như những củ nâu to ai gắn vào đó. Những cái u lồi ra đó thật tiện cho mấy bạn nghịch ngợm thích leo trèo, bám vào thân cây, đặt chân lên mấy bậc đã với tới tán bàng. Rễ bàng lan rộng gần bằng tán bàng. Nhiều cái rễ rộp lên to bằng thân cây hồng, uốn lượn trên mặt đất. Đó cũng là những chiếc “ghế” cố định cho chúng em ngồi đánh bài trong giờ ra chơi hay nghỉ giải lao trong các buổi lao động.

Tham khảo thêm:   Bộ đề thi vào lớp 10 năm 2018 - 2019 trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội Đề thi vào lớp 10 môn Toán, tiếng Anh (Chuyên)

Tiết thu đến, lá bàng chuyển dần sang màu vàng rồi hung hung và đỏ sẫm lúc đông về. Cả tán bàng sum suê chỉ còn lại những cành trơ trụi khẳng khiu trông như bàn tay của những ông già khó tính.

Dưới gốc bàng, phủ đầy những lớp lá khô cong như những cái bánh tráng. Chiều chiều, bác lao công quét gom lại để nấu nước cho các thầy cô giáo uống. Chỉ mấy hạt mưa bay đầu mùa em đã nghe các chồi non tí tách nứt mầm. Các búp bàng trông giống những ngọn nến xanh lung linh khắp đầu cành. Ấy là lúc mùa xuân đến. Chẳng bao ngày nữa, tán bàng xòe rộng che mát cho chúng em vui chơi, nô đùa ở sân trường.

Rồi đây, đến ngày xa mái trường thân yêu, em sẽ mang theo nhiều kỉ niệm của thời thơ ấu bên gốc bàng thân thuộc giữa sân trường này như một hồi ức đẹp.

Tả cây bàng – Mẫu 1

Nếu cây phượng được gọi là cây “hoa học trò” thì cây bàng cũng là loại cây gắn bó rất nhiều kỉ niệm với nhiều thế hệ học sinh. Cây bàng không chỉ che bóng mát mà còn là nơi ghi dấu những vui buồn của một thời cắp sách tới trường, là người bạn theo ta suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Hình ảnh cây bàng luôn in đậm sâu trong tâm trí tôi.

Cây bàng là loại cây được trồng nhiều ở trong khuôn viên trường. Cây bàng là cây đại thụ, cao lớn, xum xuê. Thân cây bàng xù xì, đường kính rất lớn phải mấy người mới ôm mới hết, nó được khoác một lớp áo màu nâu sẫm. Nhìn từ xa, cây bàng như những cái ô to màu xanh khổng lồ che rộng cả một khoảng trời. Rễ cây ngoằn nghèo bám chắc vào lòng đất, để chống đỡ cả thân cây to lớn như thế thì bộ rễ của cây bàng phải khỏe, chắc mới bám trụ được. Tán lá cây rất to, xòe rộng đan xen vào nhau như tấm thảm che chở cho chúng tôi những ngày hè nóng bức.

Lá bàng to và lớn như cái quạt mo phe phẩy. Lá thường được mọc thành từng cụm với nhau, lớp lá này chồng lên lớp lá khác như không muốn cho tia nắng nào có thể lọt qua rơi xuống mặt sân. Cây bàng phát triển xanh nhất vào màu hè khi trời sang thu thì cây trút lá chỉ còn những cành cây trơ trụi, gầy guộc, nâu xám và đâu đó còn sót lại vài ba chiếc lá đỏ bám trụ được lại. Nhưng khi thời tiết chớm xuân về, những búp lá non nhọn hoắt màu đỏ mơn mởn sắc xuân rực rỡ tua tủa ra, phát triển đầy nhựa sống.

Khi xuân sang hạ tới thu về thì cũng là lúc cây bàng đơm hoa kết quả. Hoa bàng mọc thành từng chùm li ti, hoa bàng thường có màu trắng ngà làm cho cây bàng thêm rực rỡ. Những bông hoa rất dễ rụng dường như đôi khi chỉ cần một cơn gió đẩy qua cũng đã làm những cánh hoa thả mình rơi xuống. Những bông hoa bàng li ti rụng khắp cả một góc của sân trường thoang thoảng hương thơm không nồng chỉ dịu dàng phảng phất, dễ say lòng người. Khi hoa tàn cũng là lúc quả bàng đâm ra. Đó là những quả có hình bầu dục trông rất lạ mắt. Lúc mới ra, quả bàng xanh rì, cứng nhưng đợi sau một thời gian phát triển thì những quả bàng chuyển sang màu vàng, mềm và chúng tôi thường đập ra để ăn cái nhân phái trong của quả bàng. Có vị bùi bùi, ngầy ngậy, thơm thơm của trái bàng chín.

Mỗi giờ ra chơi, chúng tôi thường rủ nhau ra ngồi quây quần dưới gốc cây bàng cùng nhau rủ rỉ những câu chuyện, cùng nhau hát ca bài hát tuổi học trò. Cây bàng gắn bó với chúng tôi rất nhiều kỉ niệm, nó không chỉ che bóng mát mà còn tô điểm thêm cho vẻ đẹp của ngôi trường. Đôi lúc, tôi rất thích ngồi dưới những tán cây để đọc quyển truyện mới mua, lắng nghe những chú chim líu lo hay âm thanh rộn ràng như bản hòa ca của những chú ve sầu trong vòm cây. Cảm giác ấy thật bình yên và thú vị biết bao, kỉ niệm ấy cứ mãi in dấu trong tôi cho đến tận bây giờ

Tôi rất yêu quý cây bàng và sẽ luôn chăm sóc, giữ gìn để người bạn đó bên tôi, che chở cho tôi những giờ ra chơi. Cây bàng là hình ảnh đẹp của biết bao thế hệ học trò đang hay đã ngồi trên ghế nhà trường.

Tả cây bàng – Mẫu 2

Mái trường là nơi lưu giữ những kỉ niệm đáng nhớ khi của em. Ở nơi đó, em có mái ấm gia đình thứ hai của mình, đó là những người thầy, người cô không chỉ trao tro tức mà còn dạy chúng em bài học về cách sống, cách làm người, đó là những người bạn có thể sẻ chia với em nhiều điều trong cuộc sống. Mai trường ấy còn có cây bàng- vừa là cây bóng mát, vừa là một chứng nhân chứng kiến bao điều…

Cây bàng có tự bao giờ, em cũng không rõ nữa, chỉ nghe các thầy cô nói rằng, cây đã có từ rất lâu rồi. Thân cây xù xì, phải đến một vòng tay người lớn mới ôm xuể và có màu nâu.

Mùa đông, cây bàng xơ xác, trơ trụi. Nhưng ai cũng biết rằng trong cái thân đó là dòng nhựa sống đang chảy vô cùng mãnh liệt và dạt dào. Để rồi, khi xuân về, từ thân cây ấy, những mầm non bắt đầu nhú lên. Những mầm non màu xanh lá, bay trong gió xuân, dưới những cơn mưa phùn.

Tham khảo thêm:   Hướng dẫn tùy biến cầu thủ trong Dream League Soccer

Hè về, lúc này lá bàng đã rất to. Nhìn từ xa cây bàng như một chiếc ô xanh khổng lồ che bóng mát cho các bạn học sinh. Những lá bàng to hơn bàn tay người lớn. Hè về, đem theo những tia nắng chói chang. Dưới nắng hè gay gắt, màu xanh của lá bàng dường như càng nổi bật hơn bao giờ hết. Khi đó, chúng em lại ngồi dưới những gốc cây bàng cùng nhau nói những câu chuyện. Nào là về chuyện học hành, nào là về bài kiểm tra, nào là một bộ phim thú vị, nào là một câu chuyện hay và có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc của cuộc sống,…Hình như cây bàng cũng nghe được những câu chuyện đó của chúng em nên thỉnh thoảng nó lại đung đưa. Quên làm sao được những lần chúng em ngồi dưới gốc bàng nói chuyện thì đột nhiên có một quả bàng rơi xuống làm cả đám giật mình…

Thu về, cây bàng vẫn ở đó tỏa bóng mát cho các bạn học sinh. Nhưng lúc này, tấm áo của nó đã dần thay đổi, không còn là màu xanh nữa. Nhưng dưới những gốc bàng, chúng em vẫn ở đó, hóng mát và kể cho nhau nghe bao câu chuyện…

Cây bàng không chỉ là cây che bóng mát mà còn in dấu bao kỉ niệm đáng nhớ của chúng em. Nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong trái tim học sinh chúng em từ bao giờ rồi…

Tả cây bàng – Mẫu 3

Trước cửa lớp em có trồng một cây bàng cao lớn. Cây bàng này đã trở thành một mảnh ghép tuyệt đẹp trong ký ức của tuổi học trò.

Cây bàng này có từ bao giờ em cũng không biết nữa. Khi vào ngôi trường này, cây bàng đã sừng sững đứng đó trải qua bao nắng mưa. Nhìn từ xa, cây bàng như một chiếc ô khổng lồ màu xanh biếc. Rễ cây rắn chắc cắm sâu vào lòng đất, giữ cho cây vững chãi trước bất kì cơn bão nào. Thế nhưng vẫn có một vài chiếc rễ nổi lên trên mặt đất, trông như những con trăn khổng lồ đang trườn trên mặt đất. Thân cây to một vòng tay em ôm không xuể với lớp vỏ xù xì màu nâu đậm. Dấu ấn thời gian đã in hằn lên thân cây những vệt trắng làm lớp áo ấy trông bạc phếch. Những chiếc bướu trên thân cây to như những cái gáo dừa. Từ thân cây, những cành cây to khỏe tỏa ra bốn phía với tán lá xanh tốt sum xuê. Lá bàng to khoảng bàn tay người lớn với màu xanh nhạt. Đến mùa đông, lá bàng sẽ dần chuyển sang màu đỏ, trông rất thơ mộng.

Mỗi khi mùa hè đến, bàng sẽ ra hoa. Hoa bàng có màu trắng ngà, nhỏ li ti với cái nhụy nhỏ xíu màu vàng nhạt. Hoa bàng thường mọc thành từng chùm, từng chùm lấp ló trong tán lá xanh non tràn trề sức sống. Chỉ cần một cơn gió nhẹ thôi, những bông hoa sẽ lìa cành, nương theo ngọn gió rơi xuống, thi thoảng còn đậu vào mái tóc mượt mà của bạn nào đó đang ngồi đọc sách dưới gốc cây. Khi những tiếng ve không còn râm ran, cái nắng không còn chói chang nữa, những bông hoa bàng sẽ rụng xuống nhường chỗ cho những quả bàng nhỏ nhắn, hình bầu dục, màu xanh đậm.

Cây bàng cứ lặng lẽ đứng đó, qua từng năm tháng, lặng lẽ làm bạn với chúng em. Bàng cho bóng mát để những ngày hè nắng nực, chúng em có chỗ vui chơi mỗi giờ ra chơi, là nơi yên tĩnh để chúng em đọc sách, ôn bài. Hay chỉ đơn giản là ngồi dưới gốc cây yên tĩnh, lắng nghe tiếng lá cây xào xạc, nghe tiếng chim ca líu lo, những căng thẳng mệt mỏi dường như cũng tan biến. Cây bàng bất giác đã trở thành một người bạn đồng hành cùng bao lớp học sinh.

Em rất yêu quý cây bàng. Cây đã che chắn bao mưa nắng cho chúng em suốt những tháng ngày của tuổi học trò, trở thành một hình ảnh gắn liền với ký ức tuổi thơ em.

Tả cây bàng – Mẫu 4

Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết những vần thơ:

“Cây bàng lá nõn xanh ngời
Ngày ngày chim đến tìm mồi chíp chiu”

Quả đúng “cây bàng lá nõn xanh ngời” không chỉ đứng hiên ngang dưới nắng vàng sân trường mà còn lớn lên cùng những tháng ngày rong ruổi của một thời niên thiếu.

Mỗi ngày đến trường, trong cái nắng hanh của một chiều chớm đông, tôi bắt gặp dáng hình lom khom của cô lao công đang quét lá cây bàng. Trong tiết Khoa học cô giáo có dạy rằng cây bàng là loài cây thuộc họ trâm bầu, cây dễ sống và được trồng phổ biến rải rác khắp đất nước. Dường như bởi thế mà sân trường nào cũng rợp bóng cây bàng non.

Giữa nắng hanh vàng của sân trường, cây bàng vẫn một màu xanh mướt, đứng hiên ngang. Thân cây khoác lên lớp vỏ nâu sữa nhẹ nhàng ánh lên trong nắng chiều tà, thoát ẩn thoát hiện cả những gân guốc của thời gian. Rễ cây ngoi lên mặt đất, quấn dưới gốc như những chú trăn khổng lồ. Dưới gốc cây ấy chung tôi ngày ngày chơi trốn tìm, ngồi kể nhau nghe những chuyện vui ngày ngày rồi cùng đọc sách, vẽ tranh… Dường như, cả bầu trời ký ức tuổi học trò đã ghi dấu dưới tán cây thân thương ấy. Tán lá cây xòe tròn như chiếc ô che, từng nhánh nhỏ nâng đỡ nhau, vươn dài, vươn dài như dang tay đón ánh mặt trời. Lá cây to hơn bàn tay không chỉ để gói xôi mà còn vừa đủ quạt mát cho những trưa hè oi ả. Chớm đông cây thay áo mới, trút hết lá để lại những cành gầy guộc. Bước vào xuân khi đất trời phập phồng hơi thở ấm áp, từng lộc non vươn mình như những búp trà xanh mơn mởn trong gió xuân. Mỗi độ hoa nở chúng tôi lại chụm đầu mà ngước nhìn những bông hoa trắng như mai nhỏ chỉ bằng hạt vừng đang khoe mình trong từng chùm. Hương dịu mát như thứ nước hoa của thiên nhiên.

Tham khảo thêm:   Phim hoạt hình Nhật Bản - Frieren: Pháp Sư Tiễn Táng

Rồi một ngày ước mơ cất cánh, đôi chân lại rảo bước đi tìm những khát khao. Tôi có thể sẽ không còn ngày ngày đứng dưới mà ngước nhìn gốc bàng nhưng hoài niệm thì mãi là hoài niệm và luôn ấm áp nơi trái tim.

Tả cây bàng – Mẫu 5

Trong bài thơ Cây bàng, nhà thơ Xuân Quỳnh có viết:

“Cứ vào mùa đông
Gió về rét buốt
Cây bàng trụi trơ
Lá cành rụng hết
Chắc là nó rét !”

Có lẽ những câu thơ không chỉ mở ra góc nhìn để mỗi chúng ta hiểu hơn về cây bàng mà còn gợi về bao nhớ thương của những ngày còn thơ bé. Với tôi, gốc bàng là người bạn tuyệt vời nhất của ấu thơ.

Tôi không biết gốc bàng sừng sững trong sân trường đã bao nhiêu tuổi nhưng tôi tin nó còn lớn hơn vài lần so với tuổi đời của tôi. Gốc cây nâu xù xì, in hằn những vết sẹo của tháng năm. Thân cây thẳng như những cột điện, từng cành vươn dài cánh tay che rộng một khoảng trời. Nơi ấy, mỗi sớm mai nắng rọi, nơi ấy, mỗi buổi chiều đàn chim ca. Lá bàng xanh một màu lục bích như những chiếc quạt mo nhỏ xinh. Trưa hè nắng cháy, từng tia nắng nhảy nhót tinh nghịch, luồn lách qua từng kẽ lá. Mỗi lúc nghỉ giải lao, gốc bàng là tụ điểm để các bạn nữ nhảy dây, các bạn nam chạy nhảy. Tất cả cùng hò reo hứng khởi.

Mùa hoa bàng, từng chùm hoa đưa hương dịu mát như xua đi những ưu phiền, buồn bã. Rồi đến mùa, quả sai trĩu từng trùm. Quả bàng xanh hay chín đều là món ăn đầy thú vị. Quả non, vỏ xanh bóng, vị chua nhưng lại có vị hấp dẫn khi kết hợp với muối tiêu chanh. Những quả chín căng, vàng óng, hương thơm phả trong gió đang ẩn mình dưới tán lá xanh non. Đập dập vỏ cứng là nhân ngọt bùi như đong đầy những ngọt ngào. Và cứ thế, thứ quả vừa chua, vừa ngọt ấy đã trở thành món quà tuyệt hảo suốt những tháng năm. Người ta nói, khi ăn sẽ thấy quả bàng như chan chát nhưng ăn kỹ sẽ càng ngọt bùi. Có lẽ nó cũng như quy luật trong cuộc sống. Muốn được thành công phải trải qua cay đắng, muốn tận hưởng êm đềm phải vững bước trước chông gai.

Tháng năm không dừng lại, ai rồi cũng khác, chỉ có gốc bàng vẫn vững vàng trước bão giông. Bao nhiêu chông gai là bấy nhiêu cố gắng, bao nhiêu giông bão là bấy nhiêu ngày oằn mình chống đỡ. Một gốc cây, nhiều hoài niệm. Ngày mai ngoảnh lại, tháng năm nhạt nhòa những hồi ức là mãi mãi.

Cuộc sống không ngừng, nhịp sống luôn hối hả nhưng chỉ cần ngồi dưới gốc cây đầy âu yếm là mọi ưu phiền được rũ bỏ, gạt hết đi ồn ã để chọn lựa an yên.

Tả cây bàng – Mẫu 6

Sân trường của em có trồng rất nhiều cây bàng. Cây bàng loài cây gắn bó với nhiều thế hệ học sinh, không biết nó xuất hiện từ bao giờ nhưng đối với em cây bàng có nhiều công dụng và là loài cây có ích.

Từ cổng vào trường bạn sẽ thấy cây bàng bao trùm cả ngôi trường và xòe tán lá xanh mát. Đến gần bạn sẽ thấy là thân cây cao to, tán lá dày đặc, xanh ngắt che rợp cả một khoảng đất rộng mang lại bóng mát. Gốc cây to màu nâu xỉn, nhô lên những cái mắt to như gáo dừa. Mấy rễ lớn trồi lên như cái ghế tự nhiên mời gọi chúng tôi ngồi lên trên để nghỉ chân.Thân cây to gần một vòng tay ôm, vỏ màu xám, nhám nhám, nhiều vết trầy xước. Trên cao có nhiều cành lớn chìa ngang tạo thành nhiều tầng tán lá. Lá bàng mọc từng chùm từng năm chiếc một, lá to bằng bàn tay, gân lá giống như khung xương con cá. Tán lá từng tầng từng tầng xếp đều che bóng mát nắng mưa cũng khó có thể lọt vào bên trong.

Cây bàng mỗi mùa lại có những sắc thái khác nhau, mùa thu lá từ màu xanh thẫm chuyển sang màu đỏ pha nâu. Khi gió thổi mạnh, những chiếc lá lìa cành chao đảo rơi xuống. Mùa đông lá bàng cong cong như những chiếc bánh đa nướng cháy. Khi xuân sang, chồi non lộc mới nhú lên, lá non rồi cũng trưởng thành, bàng lại ra hoa, hoa thơm ngát cả sân trường. Cây bàng đã cho em giấc ngủ tuổi thơ những ngày em còn học bán trú, mỗi trưa tiếng lá kêu xào xạc, lá bàng phe phẩy như như có ai quạt cho chúng tôi ngủ ngon hơn.

Em rất yêu cây bàng và đây là loài cây có ích cho con người, cây bàng cũng là loài cây gắn bó kỷ niệm thời học sinh tươi đẹp.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Tập làm văn lớp 5: Tả cây bàng (Dàn ý + 8 mẫu) Tả cây cối lớp 5 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *