Bạn đang xem bài viết ✅ Sáng kiến kinh nghiệm: Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 qua các môn học Sáng kiến kinh nghiệm lớp 1 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Việc rèn kĩ năng sống ở bậc tiểu học là một nhiệm vụ quan trọng mà mọi người cần phải quan tâm. Sáng kiến kinh nghiệm: Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 qua các môn học sẽ là tư liệu hữu ích giúp giáo viên và phụ huynh rèn luyện, định hướng những kĩ năng sống cần thiết cho con em mình. Mời thầy cô giáo và các bạn cùng tham khảo.

1. Tên đề tài:

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
MỘT VÀI BIỆN PHÁP RÈN KĨ NĂNG SỐNG
CHO HỌC SINH LỚP 1 QUA CÁC MÔN HỌC

2. Đặt vấn đề:

Kĩ năng sống là một trong những khái niệm được nhắc đến nhiều trong thời đại ngày nay. Có nhiều quan niệm về kĩ năng sống. Theo tôi, kĩ năng sống đơn giản là tất cả những điều cần thiết chúng ta phải biết để có thể thích ứng với những thay đổi diễn ra hằng ngày trong cuộc sống. Kĩ năng sống được hình thành theo một quá trình, hình thành một cách tự nhiên qua những va chạm, những trải nghiệm trong cuộc sống và qua giáo dục mà có. Có nhiều nhóm kĩ năng sống như: nhóm kĩ năng nhận thức, nhóm kĩ năng xã hội và nhóm kĩ năng quản lí bản thân…Dù là kĩ năng nào cũng đều rất quan trọng và cần thiết với mỗi con người. Cho nên, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh có một tầm rất quan trọng.

Từ nhiều năm nay Bộ Giáo dục – Đào tạo chủ trương dạy kĩ năng sống là một trong những tiêu chí đánh giá “Trường học thân thiện – học sinh tích cực”. Trên tinh thần đó tôi nhận thấy rằng chính ở dưới mái trường các em học được nhiều điều hay, lẽ phải. Và nhà trường trở nên là ngôi nhà thân thiện, học sinh tích cực học tập để thành người tài xây dựng đất nước, có khả năng hội nhập cao, từng bước trở thành công dân toàn cầu. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng đối với các thầy cô giáo. Với học sinh lớp một, đây là giai đoạn đầu tiên hình thành nhân cách cho các em, giúp các em có một kĩ năng sống tốt cho tương lai sau này và đây cũng là một vấn đề mà xã hội và phụ huynh hết sức quan tâm. Xác định tầm quan trọng đó tôi đã cố gắng nghiên cứu thực hiện đề tài này. Đối tượng nghiên cứu là học sinh lớp 1/3 tôi đang phụ trách, nhằm mong muốn đem lại cho các em vốn tự tin ban đầu để trang bị cho các em những kĩ năng cần thiết làm hành trang bước vào đời.

3-Cơ sở lí luận:

Thực hiện Nghị quyết 40/2008/CT-BGDĐT ngày 22 tháng 7 năm 2008 của Bộ giáo dục và đào tạo Về việc phát động phong trào thi đua: “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực” trong các trường phổ thông, trong đó nội dung: Rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh phù hợp với lứa tuổi của học sinh.

Căn cứ nhiệm vụ năm học 20…-20… của ngành, của trường về việc chú trọng: Rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh.

Rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh là một việc làm hết sức cần thiết của xã hội, các em không chỉ biết học giỏi về kiến thức mà còn phải được tôi luyện những kĩ năng sống qua đó tạo cho các em một môi trường lành mạnh, an toàn, tích cực, vui vẻ để trang bị cho các em vốn kiến thức, kĩ năng, giá trị sống để bước vào đời tự tin hơn.

4-Cơ sở thực tiễn:

Ngày nay học sinh rất ít có hoài bão, ước mơ. Phụ huynh vì bận nhiều công việc nên ít quan tâm giúp đỡ con em trong các hoạt động cần thiết, làm cho các em rất rụt rè thiếu tự tin khi giao tiếp họăc tham gia các hoạt động bởi các em bị cuốn hút theo các trò chơi điện tử và hệ thống ảo trên hệ thống Internet. Đây là những trò chơi làm cho các em xa lánh với môi trường sống thực tế và thiếu sự tương tác giữa con người với con người, kĩ năng xã hội của học sinh ngày càng kém. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh trở nên ích kỉ, không quan tâm đến cộng đồng. Câu hỏi mà chúng ta thường đặt ra cho học sinh tiểu học là ngoài những kiến thức phổ thông về toán, khoa học và nhân văn, học sinh cần học điều gì để giúp các em hội nhập với xã hội, trở thành công dân có ích cho cộng đồng. Vì thế đây cũng là nỗi lo lắng, đặt ra cho giáo viên lớp một những suy nghĩ, trăn trở.

Khi bắt đầu tìm hiểu về rèn luyện kĩ năng sống hiệu quả cho học sinh trong lớp tôi gặp phải một số thách thức sau:

Đó là học sinh vừa rời trường mẫu giáo làm quen với môi trường tiểu học, mọi sinh hoạt nề nếp đều xa lạ chưa vào một kỉ luật nhất định, các em khá rụt rè chưa quen với cách học cũng như mạnh dạn bày tỏ ý kiến. Khi phát biểu các em nói không rõ ràng, trả lời trống không, không tròn câu và không nói lời cảm ơn, xin lỗi với cô, ban bè. Ngoài ra, một trở ngại nữa là phụ huynh trong lớp có một số bố mẹ thì quá nuông chiều, ngược lại một số phụ huynh vì bận nhiều công việc nên ít quan tâm giúp đỡ con em trong các hoạt động cần thiết. Nhiều em đến trường tỏ ra nói nhiều vì ở nhà các em không có người trò chuyện, chia sẻ …

Bên cạnh những khó khăn trên cũng có thuận lợi nhất định đó là: tôi nhận được một tập thể học sinh khá ngoan và biết vâng lời, các em gần gũi với cô giáo. Bên cạnh đó tôi có được sự ủng hộ của phụ huynh trong việc cùng nhà trường giáo dục các em. Ngoài ra Ban lãnh đạo nhà trường luôn theo sát, quan tâm, hỗ trợ cho giáo viên trong công tác giảng dạy cũng như giáo dục. Chính vì thế tôi luôn cố gắng làm sao rèn cho các em kĩ năng sống, giúp các em có một niềm tin, phát triển một cách toàn diện để trở thành con người năng động, sáng tạo phù hợp với một xã hội hiện đại đang phát triển.

5-Nội dung nghiên cứu:

Từ tình hình thực tiễn trên, tôi đã cố gắng tìm nhiều biện pháp rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh thông qua các tiết dạy của các môn học, những giờ sinh hoạt nhằm đem lại hiệu quả cao. Để thực hiện tốt việc rèn luyện các kĩ năng sống, đem lại kết quả cao tôi nhận thấy cần phải áp dụng một số biện pháp sau:

Tham khảo thêm:   Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Hóa học Sở GD&ĐT Hải Dương (Có đáp án) Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Hóa học

Biện pháp 1: Gần gũi và tạo mối thân thiện với học sinh

Đầu tiên, sau khi tôi nhận lớp, để tạo sự gần gũi và gắn kết giữa học sinh và giáo viên chủ nhiệm, tôi sắp xếp nhiều thời gian cho học sinh được giới thiệu về bản thân, động viên khuyến khích các em chia sẻ với nhau về những sở thích, ước mơ tương lai cũng như mong muốn của tôi với các em. Đây là hoạt động giúp cô trò chúng tôi hiểu nhau, đồng thời tôi muốn tạo một môi trường học tập thân thiện – Nơi “Trường học thật sự trở thành ngôi nhà thứ hai của các em, các thầy cô giáo là những người thân trong gia đình”. Đây cũng là một điều kiện theo tôi là rất quan trọng để phát triển khả năng giao tiếp của học sinh. Bởi học sinh không thể mạnh dạn, tự tin trong một môi trường mà giáo viên luôn gò bó và áp đặt.

Tiếp theo trong tuần đầu tôi cho học sinh tự do lựa chọn vị trí ngồi của mình để qua đó phần nào nắm được đặc điểm tính cách của các em: mạnh dạn hay nhút nhát, thụ động, thích thể hiện hay lãng mạn…Và tiếp tục qua những tuần học sau, tôi chú ý quan sát những biểu hiện về thái độ học tập, những cử chỉ, hành vi tại vị trí ngồi mà các em chọn để bắt đầu có điều chỉnh phù hợp.

Việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh có thể thực hiện trong bất cứ lúc nào, giờ học nào. Để việc rèn luyện diễn ra một cách thường xuyên và đạt hiệu quả cao tôi tiếp tục:

Biện pháp 2: Rèn kĩ năng sống hiệu quả qua việc tích hợp vào các môn học

Trên đây là những bước chuẩn bị đầu tiên của tôi. Để giáo dục kĩ năng sống cho học sinh có hiệu quả tôi vận dụng vào các môn học, tiết học, nhất là các môn như: Tiếng Việt, Đạo đức; Tự nhiên và xã hội; An toàn giao thông ….

Trong chương trình lớp một, ở môn Tiếng Việt, tất cả các bài đều có phần luyện nói theo chủ đề như là: Tự giới thiệu; Bé và bạn bè; Mai sau khôn lớn; Vâng lời cha mẹ; Giúp đỡ cha mẹ; Nghề nghiệp của cha mẹ; Những người bạn tốt; Sức khỏe là vốn quý nhất hay trong các bài tập đọc … được lồng cụ thể qua các tình huống giao tiếp. Tôi chỉ gợi mở sau đó cho các em tự nói một cách tự nhiên hoàn toàn không gò bó áp đặt.

Như khi dạy Tiếng Việt chủ đề nói: “Bé Tự giới thiệu“, hay môn Đạo đức bài: “Em là học sinh lớp một” tôi đưa ra nội dung: “Em hãy nói về bản thân em và làm quen với mọi người”. Sau vài lời khuyến khích đầu tiên, tôi tổ chức cho các em đứng thành vòng tròn tự giới thiệu về tên và sở thích của từng em và làm quen với các bạn xung quanh. Lúc đầu các em rất ái ngại không tự tin khi nói về mình nhưng tôi nhắc nhở những điều cần chú ý trong khi giao tiếp, cộng thêm một môi trường hoà đồng thân thiện các em thực hiện rất tốt, không còn những cái nhìn ái ngại. Thay vào đó là những cánh tay tự tin cùng câu nói chắc gọn: “Mình tên là gì, mình học ở đâu, mình thích và không thích điều gì….”

Các kĩ năng được phát triển từ dễ đến khó. Sau bài học giới thiệu bản thân là những bài học như khám phá bản thân, tư duy hiệu quả và đặc biệt kĩ năng làm việc đồng đội. Tôi luôn tạo không khí thân thiện, áp dụng việc đổi mới phương pháp tạo điều kiện cho các em mạnh dạn, tự lập, tự khẳng định và phát huy mình hơn qua việc học nhóm.

Hay khi dạy bài: “Cảm ơn, xin lỗi ” môn Đạo đức: tôi cho học sinh chuẩn bị những hộp thư: Cảm ơn, xin lỗi và tổng kết lại vào cuối tiết. Em nào nhận được nhiều lời cảm ơn nhất sẽ được tuyên dương. Không những vậy tôi tổ chức cho các em trao đổi:

– Em nói lời cảm ơn, xin lỗi khi nào?

– Bạn đã cảm ơn em về điều gì? Em cảm thấy như thế nào khi được bạn cảm ơn, xin lỗi?… qua đó các em sẽ bộc lộ những suy nghĩ của mình.

Rèn kĩ năng sống có hiệu quả còn được tôi vận dụng khá nhiều trong trong các môn học thông qua xử lí tình huống hay các trò chơi học tập có nội dung gần gũi với cuộc sống hằng ngày của các em.

Như trong môn Tự nhiên và xã hội:

Ở bài: “Ăn uống hằng ngày” tôi cho học sinh thảo luận nhóm và lên thực đơn cho các bữa ăn trong một ngày: Sáng, trưa, tối dưới sự trợ giúp của giáo viên. Sau khi học sinh nhận xét thực đơn của nhau, học sinh sẽ khắc sâu kiến thức về một bữa ăn đầy đủ cần đảm bảo các chất …

Các em làm việc tích cực, vui vẻ, tự mỗi em nói được tiếng nói, suy nghĩ của mình với bạn bè, với thầy cô một cách tự tin mạnh dạn. Việc rèn luyện các kĩ năng này đã tạo ra được thói quen tốt cho bản thân mỗi em, các em tham gia một cách chủ động tích cực vào quá trình học tập, tạo điều kiện cho các em chia sẻ những kinh nghiệm, ý kiến hay để giải quyết một vấn đề nào đó.

Hiệu quả đào tạo kĩ năng sống không đo đếm được bằng những con số chính xác nhưng được thể hiện bằng những biểu hiện cụ thể: các em có ý thức, thái độ khác với mọi người trong gia đình; luôn hoà đồng với bạn bè; tự tin khi nói năng … đó chính là hiệu quả từ đào tạo kĩ năng sống. Việc sinh hoạt theo nhóm tạo môi trường làm việc thân thiện, giúp các em cải thiện hành vi giao tiếp thông qua các hoạt động trao đổi diễn ra thường xuyên. Các em trở nên thân thiện, từ đó giúp bầu không khí học tập, lao động trở nên sôi động hơn. Tham gia sinh hoạt theo nhóm giúp các em học sinh hưng phấn hơn trong học tập và tạo nên cách ứng xử hợp lý trong mọi tình huống. Khi sinh hoạt nhóm, tôi luôn đưa ra nhiều tình huống tạo sự phát triển tư duy cho các em. Đó cũng là cách tạo sự gần gũi giữa các em với nhau.

Tham khảo thêm:   Nghị quyết 91/NQ-CP 2020 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020

Ngoài ra tôi chú ý Rèn luyện sức khoẻ và ý thức bảo vệ sức khoẻ, kĩ năng phòng chống tai nạn giao thông và các thương tích khác qua các môn học: Ai cũng biết rằng sức khỏe là tài sản vô cùng quí báu của mỗi con người. Học tập tốt, đạo đức tốt là những điều học sinh phải đạt được thì rèn luyện sức khỏe tốt cho học sinh là điều phải được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên có được một sức khỏe tốt và bảo vệ được nó thì thật không dễ. Dù vậy không có nghĩa là không làm được, nhiều khi sức khỏe của các em phụ thuộc vào những điều rất giản dị. Đó chính là giáo dục một lối sống khoa học. Tôi rèn luyện sức khoẻ cho các em qua các tiết:

Ở môn Tự nhiên và xã hội: Các bài: “Vệ sinh thân thể; Hoạt động và nghỉ ngơi; Ôn tập con người và sức khoẻ; Trời nắng, trời mưa…” giáo dục các em hiểu rằng thân thể sạch sẽ giúp cho chúng ta khoẻ mạnh, biết những việc nên làm và không nên làm để cơ thể luôn sạch sẽ, có ý thức tự giác làm vệ sinh cá nhân hằng ngày, tự giác thực hiện nếp sống vệ sinh, khắc phục những hành vi có hại cho sức khoẻ. Biết tham gia các hoạt động và nghỉ ngơi một cách hợp lí để có sức khoẻ tốt. Có ý thức bảo vệ sức khoẻ khi đi dưới trời nắng, trời mưa.

Ngoài ra để các em có kĩ năng phòng chống tai nạn giao thông, đuối nước và các thương tích khác tôi đã giáo dục các em thông qua các tiết: An toàn giao thông, Tự nhiên và xã hội, hướng dẫn các em phòng chống tai nạn giao thông và các thương tích khác bằng cách đưa ra những tình huống cho các em xử lí.

Chẳng hạn:

– Khi đi qua ngã tư có đèn tín hiệu gặp đèn đỏ người và xe phải như thế nào?

– Khi nào thì người và xe mới được phép đi?

– Trẻ em dưới 7 tuổi phải đi cùng với ai khi đi trên đường phố và khi qua đường? Đi bộ qua đường em phải đi ở đâu?

– Khi đi bộ em đi ở đâu? Nếu đường không có vỉa hè thì thế nào?

– Em có nên chơi đùa trên đưòng phố không? Có leo trèo qua dãi phân cách và chơi gần dãi phân cách không? Vì sao?

– Việc chơi gần đường ray xe lửa có nguy hiểm không? Nguy hiểm như thế nào?

– Khi ngồi trên xe máy em phải như thế nào? Em hãy nêu cách đội mũ bảo hiểm? Nêu sự cần thiết phải đội mũ bảo hiểm?

– Các em đã nhìn thấy tai nạn trên đường chưa? Theo các em vì sao tai nạn xảy ra?

– Giáo dục cho các em tránh các tai nạn trên đường: không được chạy lao ra đường, không được bám bên ngoài ô tô, không được thò tay, chân, đầu ra ngoài khi đi trên tàu, xe, ghe, đò …

Như vậy, các em có thể tự lập, xử lí được những vấn đề đơn giản khi gặp phải.

Ở bài: “An tòan khi ở nhà ” môn Tự nhiên và xã hội: các em được đóng vai xử lí tình huống khi có tai nạn khi ở nhà như: Cầm dao nhọn cắt quả bị chảy máu, hay trông em giúp mẹ nhưng em đến gần bếp lửa… Các nhóm sẽ thảo luận nhóm sau đó lên thể hiện ,những em còn lại quan sát và có nhận xét đối với những tình huống mà các bạn mình vừa xử lí để rút ra kĩ năng cấp cứu khi có những trường hợp xấu xảy ra.

Một điều nữa theo tôi cũng khá quan trọng là kĩ năng ứng xử có văn hoá cũng là lối sống lành mạnh mà các em cần phải được đào tạo,vì thế tôi tiếp tục:

Biện pháp 3: Rèn kĩ năng sống hiệu quả qua các tiết sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục, vui chơi:

Ngay những ngày đầu tiên khi các em vào lớp học, tôi đã phát động các phong trào: “Nói lời hay làmviệc tốt” qua cách ứng xử lễ phép như biết đi thưa về trình, chào hỏi những người lớn tuổi, biết xin lỗi khi có khuyết điểm, cám ơn khi được tặng quà, vui vẻ hoà nhã với bạn bè … và tổng kết vào các tiết sinh hoạt lớp. Tôi học cách lắng nghe, tìm hiểu nguyên nhân, và dùng lời lẽ mềm mỏng bằng những tình cảm, cử chỉ yêu thương của mình khi yêu cầu điều gì đó với học sinh. Tránh hành hung, nói nặng lời để các em bớt đi tính hung hăng đối với những học sinh nghịch ngợm, mắc lỗi.

Để rèn kĩ năng sống có hiệu quả tôi còn vận dụng thông qua các hoạt động ngoài giờ học. Đó là qua các buổi ngoại khóa của trường, lớp: Nhà trường tổ chức tuyên truyền, vận động tham gia qua các mô hình: diễn tiểu phẩm trong đêm văn nghệ cho học sinh tham gia; tuyên truyền bằng hình thức trực quan sinh động qua tranh ảnh, sách báo và tổ chức triển lãm ngay tại phòng truyền thống trường. Xây dựng nhiều mô hình thiết thực và hữu ích như mô hình câu lạc bộ: Vì bạn bè quanh ta, mô hình phòng chống tệ nạn xã hội, bạn giúp bạn, … Tất cả đều gắn với nội dung phòng chống tệ nạn xã hội trong học sinh. Các mô hình này được tuyên truyền đến từng học sinh giúp các em hiểu rõ về những tác hại và cách phòng chống. Phải phòng ngừa, ngăn chặn những tệ nạn xã hội trong học sinh là điều ai cũng nhận thấy được, nhưng vấn đề là ở sự quyết tâm cao, là các biện pháp thiết thực, cụ thể và hiệu quả từ trong mỗi gia đình, mỗi nhà trường và rộng ra hơn nữa là ý thức trách nhiệm của toàn xã hội. Gia đình, nhà trường, xã hội hãy cùng nhau góp sức để các em vững tin hơn trong cuộc sống.

Ngoài ra những buổi chào cờ, tôi khuyến khích các em xung phong trả lời những câu hỏi mà cô Tổng phụ trách hay hỏi …

Không những thế , tôi còn khuyến khích các em cùng chia sẻ những cảm nhận, những suy nghĩ, những quan sát của mình với cô với bạn một cách thoải mái, tự nhiên không gò bó, áp đặt. Hoặc ở những giờ sinh hoạt lớp, giờ ra chơi tôi cùng các em tham gia những trò chơi dân gian hay cùng chia sẻ với nhau những cuốn sách hay.

Như vậy bằng nhiều hình thức khác nhau, tôi luôn cố gắng rèn cho học sinh những kĩ năng cơ bản có hiệu quả, thể hiện rõ nét ở sự tiến bộ của học sinh trong nhận thức, trong cư xử, đối xử tốt với bạn bè, người lớn và linh hoạt xử lí trong mọi trường hợp.

Tham khảo thêm:   Đề thi học sinh giỏi Giải toán trên Máy tính cầm tay cấp tỉnh Gia Lai môn Toán lớp 12 (2010 - 2011) Sở GD&ĐT Gia Lai

Một điều không thể thiếu để tạo sự hưng phấn, vui vẻ, phấn khởi , giúp các em có ý thức cao trong việc rèn luyện các kĩ năng tôi luôn chú ý:

Biện pháp 4: Động viên khen thưởng

Để động viên, khuyến khích học sinh thực hiện tốt việc rèn luyện các kĩ năng, ngay từ buổi họp phụ huynh đầu năm học tôi đưa ra kế hoạch rèn luyện cho các em lớp tôi phụ trách. Trao đổi với Ban phân hội phụ huynh cùng phối hợp và dành một khoảng riêng để khen thưởng kịp thời động viên các em để tạo cho các em có một động cơ tốt trong việc duy trì thực hiện. Tôi theo dõi hằng ngày các em có biểu hiện tốt tôi ghi vào sổ, trong tiết sinh hoạt cuối tuần cho các em bình chọn những bạn thực hiện tốt sẽ được một bông hoa điểm mười.

Mỗi học kỳ tôi tổng kết 1 lần (năm 4 kì) để khen thưởng những em đã đạt nhiều hoa điểm mười bằng những phần quà nhỏ. Các em rất vui và hãnh diện khi được tặng những bông hoa điểm tốt và những món quà của cô giáo tặng. Vì thế các em không ngừng thi đua cố gắng thực hiện tốt để được nhận những bông mà cô giáo thưởng. Đây là một hình thức động viên về tinh thần rất giá trị và hiệu quả. Các em sẽ nhanh nhẹn hơn, có đạo đức tốt hơn, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tự tin hơn trong cuộc sống.

6-Kết quả thực hiện

Qua việc thực hiện các biện pháp trên, đến giữa học kì II, tôi thấy các em có tiến bộ rõ rệt. Đa số các em đều có ý thức tốt trong việc rèn luyện các kĩ năng, được thể hiện rõ qua: Việc sinh hoạt hằng ngày trên lớp, trong nhiều nghi thức lời nói, các em biết vận dụng những lời nói thân thiện vào thực tế, những lời chào, cảm ơn hay xin lỗi… đã trở thành thói quen, được các em vận dụng hằng ngày; Của phụ huynh học sinh thể hiện qua phiếu thăm dò (phần phụ lục), việc đánh giá của các giáo viên bộ môn, của cô giáo tổng phụ trách khi nhận xét về các em học sinh lớp 1/3. Cuối học kì I lớp tôi được xếp vị thứ nhất dẫn đầu khối Một, phụ huynh học sinh rất vui mừng phấn khởi với kết quả này của lớp.

7-Kết luận:

Rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh là một việc làm hết sức cần thiết của xã hội, các em không chỉ biết học giỏi về kiến thức mà còn phải được tôi luyện những kĩ năng sống qua đó tạo cho các em một môi trường lành mạnh, an toàn, tích cực, vui vẻ .Việc giáo dục kĩ năng sống ngay từ lớp nhỏ sẽ rút ngắn thời gian để trang bị cho các em vốn kiến thức, kĩ năng, giá trị sống để làm hành trang bước vào đời. Chính vì vậy, các thầy cô giáo tiểu học luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng. Vì thế theo tôi để làm tốt việc rèn kĩ năng sống cho học sinh, mỗi thầy cô giáo cần phải: – Xác định rõ tầm quan trọng của việc rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh.

– Nắm vững những đặc trưng về phương pháp và hình thức tổ chức dạy các kĩ năng giao tiếp, ứng xử vào các môn học và các hoạt động khác.

– Tập trung vào việc đầu tư sọan giảng, lồng ghép kĩ năng sống vào các môn học.

– Luôn tạo mọi điều kiện để các em có thể bày tỏ, thể hiện mình, tham gia tốt các buổi hoạt động ngoại khóa của trường, lớp.

– Điều quan trọng là mỗi thầy cô giáo phải rèn cho mình tác phong sinh hoạt chuẩn mực, phải hết lòng thương yêu, gần gũi với học sinh.

Sống, học tập, lao động là những vấn đề thiết yếu mà tôi luôn cố gắng để ươm mầm cho thế hệ trẻ. Bởi trẻ em là hạnh phúc của gia đình, tương lai của đất nước, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, là nhân tố để cây đời mãi mãi xanh tươi. Việc chăm sóc và giáo dục trẻ em, bồi dưỡng trẻ em trở thành công dân tốt của đất nước là một công việc vô cùng quan trọng mà mỗi giáo viên chúng tôi phải cùng có trách nhiệm.

8-Đề nghị:

Là giáo viên, tôi hiểu rõ tầm quan trọng trong công tác trồng người. Vì thế, bản thân tôi luôn cố gắng trau dồi sách vở, học hỏi từ đồng nghiệp cũng như đúc kết kinh nghiệm giảng dạy của bản thân, nâng cao đạo đức và chuyên môn. Tôi đã luôn tôn trọng và kiên nhẫn, nhất là tạo cơ hội cho các em được nói, được diễn đạt, bày tỏ thoải mái ở mọi nơi mọi lúc để các em có cơ hội phát triển một cách toàn diện.

Về phía nhà trường: Theo phương châm giáo dục hiện nay là: “Học để biết, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” nên: Nhà trường luôn phát động phong trào này hơn nữa dưới nhiều hình thức.

Về phía phụ huynh:

Trước hết là cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc rèn luyện kĩ năng sống cho con em, tạo một chỗ dựa vững chắc để trẻ chia sẻ, bày tỏ, luôn phối kết hợp với nhà trường trong việc giáo dục và rèn luyện cho các em, theo dõi mọi biểu hiện của trẻ để có sự giáo dục cho phù hợp.

Việc rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh luôn được xem là chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của đội ngũ giáo viên từ nhiều năm nay. Tuy nhiên việc rèn luyện cho các em học sinh vẫn còn thiếu những biện pháp cụ thể. Hưởng ứng cuộc vận động về chủ đề năm học, qua các buổi tập huấn về việc rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh của phòng giáo dục ,của trường bản thân tôi đã cố gắng áp dụng những kinh nghiệm, sáng tạo thêm những phương pháp mới nhằm nâng cao nhiều kĩ năng sống tốt cho học sinh từ môi trường giáo dục ở nhà trường, giáo dục và xây dựng cho các em có năng lực tốt, lối sống lành mạnh để các em có thể tự lập, tự tin hơn trong cuộc sống, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho các em, gia đình và xã hội.

Người viết

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Sáng kiến kinh nghiệm: Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 qua các môn học Sáng kiến kinh nghiệm lớp 1 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *