Ngày 21/10/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1385/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020.
Theo đó, phạm vi của Đề án là thực hiện hỗ trợ cho khoảng 3.513 thôn, bản, ấp của 363 xã khó khăn đạt dưới 10 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 564 thôn, bản, ấp thuộc 52 xã dưới 5 tiêu chí. Nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo và tải Quyết định tại đây.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1385/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH 1385/QĐ-TTg
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ THÔN, BẢN, ẤP CỦA CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN KHU VỰC BIÊN GIỚI, VÙNG NÚI, VÙNG BÃI NGANG VEN BIỂN VÀ HẢI ĐẢO XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VÀ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2018 – 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020;
Căn cứ Quyết định số 1760/QĐ-TTg ngày 10 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 – 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên Đề án: Hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 – 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án).
2. Địa bàn thực hiện: Đề án được thực hiện trên địa bàn các thôn, xóm, bản, buôn, ấp (sau đây gọi chung là thôn) thuộc các xã đặc biệt khó khăn, đạt dưới 10 tiêu chí nông thôn mới (tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2017) khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, trong đó bao gồm các xã thuộc phạm vi của các Đề án xây dựng nông thôn mới vùng đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể:
– Đề án “Xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới tỉnh Điện Biên, nhằm phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng giai đoạn 2016 – 2020” (Quyết định số 1573/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ);
– Đề án “Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 27 xã khu vực biên, giới tỉnh Nghệ An nhằm phát triển, kinh tế – xã hội đảm bảo quốc phòng – an ninh, giai đoạn 2017 – 2020” (Quyết định số 61/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ);
– Đề án thí điểm kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, gắn với xây dựng nông thôn mới các xã biên giới Việt – Trung trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định số 1510/QĐ-UBND ngày 04 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai);
– Đề án Xây dựng nông thôn mới các xã CT229, xã còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và các xã khó khăn tỉnh Bắc Kạn (Quyết định số 465/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ).
3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2018 đến năm 2020.
4. Mục tiêu của Đề án và khung tiêu chí nông thôn mới cấp thôn thuộc phạm vi của Đề án:
a) Mục tiêu chung:
Góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu cả nước không còn xã dưới 05 tiêu chí và trực tiếp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân tại các thôn của các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
b) Mục tiêu cụ thể:
– Tại các xã thuộc phạm vi đề án, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm ít nhất 5% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020);
– Đến năm 2020, thu nhập của người dân tại các xã thuộc phạm vi Đề án tăng ít nhất từ 1,6 đến 1,8 lần so với năm 2015.
– Các thôn đạt được các mục tiêu sau:
+ Có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả gắn với liên kết vùng nguyên liệu hoặc mô hình phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng, mô hình mỗi làng một sản phẩm;
+ Cơ bản hoàn thành một số công trình hạ tầng thiết yếu cấp thôn phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân (điện, nước sinh hoạt và hạ tầng phục vụ sản xuất);
+ Phấn đấu 50% thôn trong phạm vi Đề án được công nhận hoàn thành tiêu chí nông thôn mới cấp thôn do Ủy ban nhận dân tỉnh ban hành;
c) Khung tiêu chí nông thôn mới cấp thôn thuộc phạm vi Đề án:
– Nhóm tiêu chí về tổ chức cộng đồng:
+ Có Ban phát triển thôn hoạt động theo quy chế do cộng đồng bầu và được Ủy ban nhân dân xã công nhận;
+ Có quy ước, hương ước thôn, được đại đa số (khoảng 95%) người dân thông qua và cam kết thực hiện;
+ Có kế hoạch thực hiện từng tiêu chí hàng năm và cả giai đoạn, được Ủy ban nhân dân xã xác nhận, được lập theo phương pháp có sự tham gia của cộng đồng. Bản kế hoạch đánh giá đầy đủ hiện trạng thôn, các nguồn nội lực của thôn, kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2018 – 2020 và lộ trình từng năm, dự toán kinh phí thực hiện trong đó có sự tham gia đóng góp của cộng đồng.
– Nhóm tiêu chí thực hiện các hoạt động phát triển thôn:
+ Mô hình sản xuất: Có mô hình sản xuất, kinh doanh tập trung, hiệu quả, gắn với liên kết vùng nguyên liệu của thôn theo định hướng của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm hoặc mô hình phát triển du lịch cộng đồng;
+ Kinh tế hộ: Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1,6 đến 1,8 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề có việc làm đạt so với tiêu chí nông thôn mới cấp xã: Tùy điều kiện thực tế tại các xã thuộc phạm vi Đề án, các tỉnh xây dựng định mức phù hợp với khả năng phấn đấu thực hiện về các chỉ tiêu này;
+ Môi trường và cảnh quan nông thôn: Cải tạo cảnh quan sạch – xanh – đẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường các nơi công cộng;
+ Văn hóa, an ninh trật tự: Có các tiêu chí đánh giá mức độ và hiệu quả của các hoạt động gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thông của cộng đồng; giữ vững an ninh, trật tự, không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội;
+ Một số cơ sở hạ tầng thiết yếu (giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thu gom rác thải, có công trình cấp nước sạch …) đạt chuẩn theo quy định.
5. Phạm vi của Đề án: Thực hiện hỗ trợ cho khoảng 3.513 thôn, bản, ấp của 363 xã khó khăn đạt dưới 10 tiêu chí khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của 36 tỉnh, trong đó có: 564 thôn, bản, ấp thuộc 52 xã dưới 5 tiêu chí (có danh sách chi tiết kèm theo).
6. Nội dung hỗ trợ:
a) Các nội dung hỗ trợ trực tiếp:
– Nhóm nội dung về phát triển sản xuất: Hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất tập trung liên kết gắn với vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương và tổ chức nhân rộng những mô hình này trên cơ sở phát triển các sản phẩm đặc trưng, là lợi thế của địa phương theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; phát triển mô hình làng du lịch văn hóa hóa cộng đồng;
– Hỗ trợ xây dựng công trình thiết yếu nhằm nâng cao đời sống sinh hoạt của người dân ở các thôn, bản, bao gồm nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.
b) Các nội dung lồng ghép:
– Nâng cao năng lực cộng đồng: Tập huấn các kỹ năng phát triển cộng đồng cho Ban phát triển thôn, người có uy tín trong cộng đồng; đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn mới mô hình, yêu cầu cụ thể và phù hợp với nhu cầu của thị trường;
– Phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội thôn: Xây mới và nâng cấp một số công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa và nhu cầu sinh hoạt của người dân trong thôn (điện, đường trục thôn, bản, ấp; đường ngõ xóm; công trình về môi trường, cơ sở vật chất văn hóa thôn…)
7. Nguồn vốn, cơ chế huy động và phân bổ:
a) Đề án, được hỗ trợ thực hiện từ các nguồn vốn sau:
– Vốn ngân sách trung ương:
+ Vốn bổ sung để hỗ trợ trực tiếp cho các thôn: Khoảng 1.400 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (khoảng 40% trong tổng số vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016 – 2020) của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được giao cho các tỉnh có các xã đặc biệt khó khăn thuộc phạm vi hỗ trợ của Đề án tại Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 (đợt 2) và Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.
Căn cứ phương án sử dụng vốn dự phòng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và điều kiện thực tế, Ủy ban nhân dân tỉnh thuộc phạm vi hỗ trợ của Đề án chủ động xây dựng phương án bổ sung kinh phí hỗ trợ cụ thể để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
+ Vốn phân bổ hàng năm từ ngân sách trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Được bố trí từ kế hoạch vốn ngân sách trung ương hàng năm phân bổ cho các địa phương theo hệ số ưu tiên để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.
+ Vốn lồng ghép từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình dự án khác có cùng đối tượng.
– Vốn ngân sách địa phương: Bố trí trong tổng vốn ngân sách địa phương đối ứng trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đảm bảo tối thiểu bằng nguồn vốn ngân sách trung ương giao bổ sung để thực hiện Đề án.
– Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của các ngân hàng thương mại; từ chương trình hỗ trợ tín dụng đặc thù cho vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để thực hiện Đề án.
– Huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện Đề án (doanh nghiệp, cộng đồng và người dân…).
– Vốn huy động từ các tổ chức quốc tế.
b) Các nội dung được đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách trung ương phải có sự tham gia đối ứng của cộng đồng bằng tài sản hoặc ngày công lao động trên nguyên tắc tự nguyện. Khuyến khích các địa phương áp dụng hình thức việc làm công để tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập khi tham gia ngày công lao động để thi công công trình.
8. Một số giải pháp thực hiện Đề án:
a) Về tuyên truyền, vận động:
– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về ưu tiên, tăng nguồn lực hỗ trợ các thôn, bản về xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để góp phần đạt mục tiêu của Chương trình đến năm 2020; phát huy vai trò chủ thể và tinh thần chủ động vươn lên của người dân và cộng đồng.
– Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nâng cao nhận thức cộng đồng tại các thôn về xây dựng nông thôn mới gắn với chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
b) Khẩn trương tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các thôn so với tiêu chí của tỉnh ban hành, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể cho từng năm và cả giai đoạn 2018 – 2020, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Về xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu:
– Ngân sách trung ương tập trung hỗ trợ các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt cộng đồng và cải thiện điều kiện sống trực tiếp cho người dân;
– Lồng ghép các chương trình, dự án, cũng như huy động doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ chi phí vận chuyển nguyên vật liệu tới khu vực thi công của các thôn.
– Đẩy mạnh việc phân cấp, giao cho cộng đồng và người dân trực tiếp thực hiện các công trình của thôn có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp theo quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020;
– Xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc cơ chế kiểm tra, giám sát quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm minh đối với các hành vi sai phạm có liên quan.
d) Về phát triển sản xuất, tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người dân:
– Hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương;
– Ưu tiên hỗ trợ các hộ có điều kiện, có năng lực phát triển sản xuất: Lãi suất vay vốn, mua vật tư, hỗ trợ thăm quan, tập huấn, đào tạo nghề… để phát triển sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương, làm cơ sở để nhân rộng;
– Thúc đẩy phát triển các mô hình làng du lịch văn hóa cộng đồng gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và lợi thế của vùng, miền;
– Có chính sách hỗ trợ bảo quản sau thu hoạch và các hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
đ) Về nâng cao năng lực:
– Nâng cao năng lực và hướng dẫn cho Trưởng thôn, thành viên Ban phát triển thôn, người có uy tín trong cộng đồng để có thể triển khai các nội dung của Đề án, trong đó chú trọng tập huấn về các kỹ năng;
– Chú trọng công tác đào tạo nghề, nhất là phát huy những nghề truyền thống ở thôn, bản;
– Gắn các hoạt động đào tạo, tập huấn với thăm quan mô hình, hoàn cảnh thực tế và các hoạt động phát triển thôn.
e) Đẩy mạnh những giải pháp khích lệ cán bộ, người dân tự giác tham gia, tạo động lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Đề án thông qua các hình thức thi đua, khen thưởng kịp thời các cá nhân tổ chức tiêu biểu.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Các bộ, cơ quan trung ương:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
– Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tham mưu, theo dõi, chỉ đạo và hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện Đề án gắn liền với triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
– Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án phân bổ cụ thể nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 đã được giao để hỗ trợ thực hiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt;
– Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành trung ương có liên quan triển khai thí điểm một số mô hình phát triển làng du lịch văn hóa cộng đồng gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và lợi thế của vùng, miền;
– Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, định kỳ hàng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của các địa phương theo thẩm quyền. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
– Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cân đối, ưu tiên nguồn vốn ngân sách của các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và hàng năm để bố trí cho các tỉnh thực hiện Đề án theo đúng tiến độ, thời gian quy định;
– Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất tìm nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ cho các tỉnh thực hiện Đề án (bao gồm cả các dự án ODA), hướng dẫn việc sử dụng, thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành.
c) Bộ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn triển khai chương trình hỗ trợ tín dụng đặc thù cho vùng khó khăn thuộc phạm vi của Đề án theo đề xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành.
d) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:
– Hướng dẫn các địa phương cân đối, lồng ghép nguồn vốn ngân sách trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và các chương trình an sinh, xã hội trên địa bàn để ưu tiên hỗ trợ các thôn thực hiện các nội dung của Đề án;
– Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành trung ương liên quan kiểm tra, giám sát việc lồng ghép các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 để thực hiện hỗ trợ cho các thôn thuộc phạm vi của Đề án.
đ) Ủy ban Dân tộc:
Phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi, hướng dẫn, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh để bố trí lồng ghép nguồn lực từ Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020 (Dự án 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020) nhằm tăng cường hỗ trợ các thôn thuộc phạm vi Đề án.
e) Các bộ, ngành khác có liên quan:
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam huy động nguồn lực để tập trung thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo đến năm 2020 (phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% số thôn, bản có điện).
Các bộ, ngành trung ương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước được giao, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh chủ động lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư trên cùng địa bàn để tập trung thực hiện các nội dung của Đề án đảm bảo hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực.
g) Các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam:
– Các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương, người dân tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ phát triển sản xuất và nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng khó khăn;
– Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam ưu tiên hỗ trợ các hộ thuộc đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn các xã khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, về nước sạch; hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân vay vốn hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; chủ động rà soát, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng chương trình hỗ trợ tín dụng đặc thù cho vùng khó khăn thuộc phạm vi của Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc phạm vi của Đề án
a) Khẩn trương chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng của các thôn thuộc các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để thực hiện.
b) Chỉ đạo các sở, ngành có liên quan xây dựng tiêu chí thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới, quy trình xét công nhận, công bố thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trên cơ sở khung tiêu chí nông thôn mới cấp thôn được quy định tại điểm c khoản 4 Điều 1 của Quyết định này và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
c) Ban hành kế hoạch cụ thể hàng năm và giải pháp hợp lý để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu không còn xã dưới 5 tiêu chí, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các huyện, xã để thực hiện.
d) Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chủ động lồng ghép nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án khác (bao gồm cả nguồn vốn ODA), cũng như huy động các nguồn vốn hợp pháp để hỗ trợ thực hiện Đề án.
đ) Chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan ở cấp tỉnh bổ sung nội dung hỗ trợ cụ thể đối với các thôn thuộc phạm vi Đề án vào kế hoạch hoạt động hàng năm.
e) Phân công thành viên Ban chỉ đạo tỉnh theo dõi, kiểm tra giám sát, tổng hợp tình hình, xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc, không để xảy ra nợ đọng, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện hỗ trợ và đầu tư các dự án.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh không thuộc phạm vi của Đề án
Chủ động rà soát lại hiện trạng các thôn, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, có điều kiện khó khăn, các xã mới đạt dưới 10 tiêu chí để tập trung chỉ đạo, hỗ trợ thực hiện theo các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.
4. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội
a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, ưu tiên bố trí nguồn lực chương trình, dự án của ngành để tập trung hỗ trợ thực hiện Đề án.
b) Tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các nội dung của Đề án, trong đó, phát động những phong trào thi đua cải tạo cảnh quan, giữ gìn an ninh, trật tự, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế, phát huy được những lợi thế sẵn có của thôn, bản, ấp góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
c) Thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện về kết quả thực hiện Đề án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định 1385/QĐ-TTg Danh sách 3.513 thôn, bản, ấp được hỗ trợ xây dựng nông thôn mới của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.