Bạn đang xem bài viết ✅ Phương pháp phân tích một bài thơ, đoạn thơ Cách phân tích thơ đạt điểm cao ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Cách phân tích một đoạn thơ, bài thơ đạt điểm cao là tài liệu vô cùng hữu ích mà hôm nay Wikihoc.com xin giới thiệu đến các bạn học sinh tham khảo.

Cách phân tích một đoạn thơ, bài thơ hay bao gồm những yếu tố cần chú ý khi phân tích thơm các bước phân tích thơ, dàn ý chi tiết kèm theo một số mẫu dàn ý minh họa. Thông qua tài liệu này các bạn có thêm nhiều nguồn tư liệu ôn tập nắm vững kiến thức cơ bản để nhanh chóng biết cách viết phân tích đoạn thơ hay. Bên cạnh đó các bạn xem thêm Cách thay thế từ/cụm từ trong bài nghị luận văn học.

Hiện nay tình trạng “diễn xuôi” các câu thơ trong quá trình phân tích, cảm nhận các văn bản thơ vẫn còn diễn ra rất phổ biến. Vì vậy, bài viết này sẽ gợi ý cho các bạn một số vấn đề để tránh được việc diễn xuôi các câu thơ trong quá trình phân tích.

I. Những yếu tố cần chú ý khi phân tích thơ

– Cuộc đời tác giả.

– Hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

– Thể thơ: lục bát, tự do, thơ 5 chữ…

– Hình ảnh thơ: Ví dụ như hình ảnh người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp – Mĩ trong Đồng chí hay Bài thơ về tiểu đội xe không kính, hình ảnh người bà trong “Bếp lửa”…

– Chi tiết thơ:

– Giọng điệu: gồm có giọng hào hùng, nhẹ nhàng, xót thương, bi lụy, triết lý…

– Vần (nhịp) thơ.

– Ngôn ngữ thơ: Gồm có ngôn ngữ bình dân, ngôn ngữ bác học…

– Bố cục: Đây là phần quan trọng nhất để các em tìm ý cho bài cảm nhận của mình (Có thể chia theo khổ, chia theo đoạn, câu…).

=> Tất cả các đặc điểm trên ở tác phẩm nào cũng có những mức độ đậm nhạt của các đặc điểm này trong mỗi tác phẩm là khác nhau. Thêm vào đó, các em cần chú ý dựa vào đề bài yêu cầu gì để lựa chọn các đặc điểm trên cho phù hợp theo sở trường và khả năng của mình.

II. Kiến thức cần có trước khi làm bài

1. Kiến thức về tác giả:

– Tên, bút danh, năm sinh, năm mất, gia đình…

– Xã hội mà tác giả sống và sáng tác…

– Khuynh hướng sáng tác, chủ đề sáng tác.

– Các tác phẩm tiêu biểu.

2. Kiến thức về tác phẩm:

– Thuộc thơ (nếu đề bắt chép thuộc bài, đoạn, câu sau đó cảm nhận, phân tích…).

– Hoàn cảnh sáng tác

– Nội dung chính của tác phẩm

– Nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm

– Một số tác giả, tác phẩm cùng chủ đề để so sánh đối chiếu (nếu có)

=> Tất cả các kiến thức này các em đã được trang bị ở trường thông qua tiết học dưới sự dẫn dắt của giáo viên. Lưu ý các em một điều lượng kiến thức này rất quan trọng, mỗi giáo viên sẽ hệ thống kiến thức bài học theo một cách riêng nhưng nhìn chung kiến thức là giống nhau ở mỗi tác phẩm.

III. Các bước phân tích một bài thơ, đoạn thơ, câu thơ

Cách 1

Bước 1: Tìm hiểu đề (xác định yêu cầu của đề bài)

Xác định yêu cầu đề bài là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng không thể bỏ qua khi làm bài phân tích bài thơ, đoạn thơ cũng như với tất cả các dạng bài tập làm văn khác.

* Khi phân tích bài thơ, đoạn thơ các em cần đọc kĩ đề bài để xác định yêu cầu của đề bài gồm có:

– Bài thơ ấy cần phần tích (Đặc biệt chú ý đến: tên bài thơ, tác giả)

– Đối tượng cần phân tích:

  • Xét về hình thức: câu thơ, khổ thơ hay bài thơ
  • Xét về nội dung: nội dung chính, hình ảnh trong bài thơ, cảm xúc của nhân vật trữ tình…

=> Khi đã xác định được yêu cầu của đề bài, việc phân tích và triển khai nội dung bài viết của các em cũng được tập trung, bám sát đề và dễ “ăn” điểm hơn.

* Ví dụ: Phân tích hình tượng chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

Qua tìm hiểu đề, ta xác định được:

  • Bài thơ cần phân tích: Bài thơ về tiểu đội xe không kính
  • Tác giả: Phạm Tiến Duật
  • Đối tượng cần phân tích: Hình tượng chiếc xe không kính

Bước 2: Lập dàn ý

Việc lập dàn ý cho bài phân tích không chỉ giúp các em ghi lại những ý tưởng, nội dung cho bài phân tích mà còn hỗ trợ trực tiếp cho quá trình viết bài. Dựa vào dàn ý đã xây dựng, các em có thể triển khai bài phân tích theo đúng dự kiến/ý tưởng ban đầu. Từ đó có thể đảm bảo đúng và đủ ý, cũng như tính mạch lạc, thống nhất của bài viết.

* Cấu trúc dàn ý:

  • Mở bài: Giới thiệu về đối tượng cần phân tích (Có thể giới thiệu trực tiếp hoặc gián tiếp – nhưng cần giới thiệu đúng vấn đề cần phân tích).
  • Thân bài: Triển khai nội dung bài phân tích.
  • Kết bài: Đánh giá bài thơ, đoạn thơ hoặc trình bày khái quát cảm nhận về bài thơ, đoạn thơ ấy.

* Cách lập dàn ý chi tiết:

1. Mở bài:

Trong phần mở bài các em cần có các nội dung chủ yếu sau:

– Giới thiệu qua về tác giả.

– Giới thiệu nội dung chính của tác phẩm.

– Nội dung ý nghĩa của đoạn, câu thơ các em chuẩn bị phân tích (nếu đề cho ra đoạn, câu thơ)

– Bắt vào phần đề bài yêu cầu.

Lưu ý: Phần mở bài cần tự nhiên, đủ nội dung và sáng tạo.

2. Thân bài:

Đây là phần quan trọng nhất, khó nhất chính vì thế cũng chiếm nhiều điểm nhất và trong bài viết của các em cũng thể hiện lỗi “diễn xuôi” thơ nhiều hơn cả. Để khắc phục được tình trạng này trước khi làm bài các em nên lập dàn ý theo cách:

– Soi chiếu bài thơ, đoạn thơ, câu thơ của đề yêu cầu phân tích vào các đặc điểm đã nêu ở phần I. để rút ra điều các em cần cảm nhận từ yêu cầu của đề bài.

– Đoạn đầu tiên của thân bài các em nên trình bày khái quát nội dung nghệ thuật của cả tác phẩm, đặc biệt là các đề chỉ yêu cầu phân tích đoạn, câu thơ.

– Đưa các nội dung chính của bài thơ, đoạn thơ thành các luận điểm lớn, nếu đề yêu cầu cảm nhận đoạn thơ, câu thơ, thì các em chia nhỏ các nội dung có trong đoạn, trong câu, biến chúng thành các luận điểm lớn đề đi sâu cảm nhận.

– Mỗi đoạn văn các em nên viết theo cách diễn dịch hoặc quy nạp, nhớ trình bày rõ câu chốt, câu diễn giải, câu dẫn chứng, câu khái quát nội dung đoạn các em vừa phải khái quát được nội dung đoạn mình vừa viết, vừa phải liên hệ được với nội dung mà đề yêu cầu, mỗi khi chuyển đoạn mới phải có liên kết đoạn.

– Phần thân bài các em cần triển khai khoảng bốn đến 5 đoạn, dựa vào khả năng viết của mình, nhào nặn những nội dung cơ bản trong mỗi đoạn thành sản phẩm mang đậm cái tôi của chính mình trong bài viết.

3. Kết bài:

– Khái quát được nội dung đề yêu cầu.

– Từ những gì đã cảm nhận em rút ra được bài học rút ra cho bản thân hoặc liên hệ với cuộc sống.

Bước 3: Phân tích câu thơ, khổ thơ, bài thơ

* Đọc lại bài thơ, đoạn thơ: Đọc lại bài thơ, đoạn thơ để tái hiện kiến thức, khơi dậy cảm hứng cho bài phân tích. Những cảm nhận về hình ảnh, chi tiết đặc sắc trong bài thơ sẽ là tư liệu, nguồn cảm hứng quan trọng cho các em khi phân tích.

* Phân tích chi tiết từng câu thơ, ý thơ:

– Đi sâu phân tích từng câu thơ, ý thơ, tìm ra nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trong câu thơ ấy giúp cho bài phân tích được chi tiết, sâu sắc hơn.

  • Khi phân tích một bài thơ dài: các em có thể phân tích theo khổ thơ, sau khi khái quát nội dung của khổ thơ ấy, các em có thể lựa chọn một vài câu thơ đặc sắc hoặc ấn tượng nhất trong cảm nhận của mình để phân tích.
  • Đối với đoạn thơ, các em có thể chia tách thành từng ý nhỏ, có thể theo câu thơ hoặc theo nội dung của đoạn thơ.

– Phân tích bài thơ các em cũng có thể dựa vào cấu trúc của thể thơ. Chẳng hạn thơ tứ tuyệt có cấu trúc: khai thừa chuyển hợp; thể thơ thất ngôn bát cú có thể phân tích đề thực luận kết, thể thơ lục bát phân tích theo câu 6 câu 8…

Ví dụ: Phân tích bài thơ Qua đèo ngang có thể phân tích theo kiểu 2 cặp:

  • Hai câu đề: Cái nhìn chung về cảnh vật Đèo Ngang.
  • Hai câu thực: Cảnh vật và cuộc sống con người ở Đèo Ngang.
  • Hai câu luận: Tâm trạng của tác giả.
  • Hai câu kết: Nỗi cô đơn tột cùng của tác giả.

– Đưa ra nhận định, đánh giá bài thơ: Nhận định, đánh giá ý chính của bài thơ cũng là một bước quan trọng giúp cho bài viết được chặt chẽ, logic, mạch lạc hơn. Ví dụ trước khi chuyển sang phân tích hai câu thơ cuối, các em cần chốt lại nội dung, ý chính của 2 câu thơ đầu.

– Các bước đánh giá:

  • Bước 1: Đánh giá đoạn thơ ấy hay hoặc dở ở chỗ nào(nếu hay thì nó xúc động ở tình cảm, tư tưởng gì?).
  • Bước 2: Vì sao (Cái hay, cái độc đáo được toát nên bởi nội dung như thế nào, nhờ những phương diện nghệ thuật nào?).
  • Bước 3: Tác dụng: Khẳng định vai trò đóng góp của đoạn thơ đối với sự thành công của tác phẩm, tác giả, đối với nền văn học dân tộc, đối với cuộc sống… (Tùy từng trường hợp cụ thể).

Cách 2: 

Đối với đề bài phân tích đoạn thơ hoặc một khía cạnh của bài th, ngoài phần giới thiệu những kiến thức cơ bản liên quan đến tác giả, tác phẩm ở mở bài, phần đánh giá chung về nội dung, nghệ thuật và khẳng định sức sống, sự bất tử của tác phẩm, tác giả ở phần kết bài thì ở phần triển khai (thân bài) HS nên vận dụng 5 bước sau đây:

Bước 1, nhận xét khái quát bài thơ/đoạn thơ. Gồm các mặt như thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu nói chung. Đặc biệt là bố cục gồm bao nhiêu ý chính và định hướng cách phân tích theo bố cục như thế nào (cắt ngang, bổ dọc, hay kết hợp cả hai).

Bước 2, lần lượt phân tích theo định hướng bố cục trên. Thao tác này gồm các bước: lời dẫn hay chuyển ý, trích ngữ liệu thơ. Phải trích dẫn đầy đủ, chính xác.

Bước 3, diễn toàn bộ phần trích dẫn thơ ra văn xuôi. Phải diễn trôi chảy, đúng ý nghĩa, hay. Đáng nói là nhiều bài làm của HS chỉ dừng lại ở thao tác này nên chưa có chiều sâu và thường bị giám khảo nhận xét là “chỉ mới diễn xuôi”. (lồng vào bước 4)

Bước 4, bám vào những từ ngữ, hình ảnh trọng tâm, các biện pháp nghệ thuật… để phân tích sâu, kỹ. Đây là bước cơ bản nhất, nó thể hiện khả năng cảm thụ về thơ ca của người viết. Muốn bài làm có chiều sâu phải phát huy hiệu quả của bước này. (lồng vào bước 3)

Bước 5, so sánh, đối chiếu để làm nổi bật đoạn thơ. Có nhiều cách liên hệ, so sánh như về các hình ảnh, chi tiết, nghệ thuật trong bài thơ, ngoài bài thơ; so sánh với cùng một tác giả, khác tác giả hoặc những tác phẩm cùng viết về đề tài…

Sau khi vận dụng xong các bước trên cũng nên có tiểu kết để đáng giá chung về nội dung và nghệ thuật. Và cứ như thế, tiếp tục áp dụng 5 bước này cho các phần tiếp theo.

Các bước trên chặt chẽ như một bàn tay 5 ngón, trình tự từ ngón cái đến ngón út. Đó là kỹ năng phân tích thơ hợp lý và hiệu quả.

Cách 3

Bước 1: Tìm Hiểu Đề Bài (Xác Định Yêu Cầu Đề Bài)

– Xác định yêu cầu đề bài là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng không thể bỏ qua khi làm bài phân tích bài thơ, đoạn thơ cũng như với tất cả các dạng bài tập làm văn khác.

– Khi phân tích bài thơ, đoạn thơ các em cần đọc kĩ để xác định yêu cầu của đề bài (Bài thơ ấy là bài thơ nào? Tác giả, hoàn cảnh sáng tác bài thơ, Đối tượng cần phân tích). Khi đã xác định được yêu cầu của đề bài, việc phân tích, triển khai nội dung bài viết của các em cũng được tập trung, bám sát đề và dễ “ăn” điểm hơn.

Ví dụ:

Đề bài: Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

– Qua tìm hiểu đề bài ta có thể xác định:

  • Bài thơ cần phân tích: Vội vàng
  • Tác giả: Xuân Diệu
  • Đối tượng cần phân tích: Vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ

Bước 2: Lập Dàn Ý Cho Bài Phân Tích

Việc lập dàn ý cho bài phân tích không chỉ giúp các em ghi lại những ý tưởng, nội dung cho bài phân tích mà còn hỗ trợ trực tiếp cho quá trình viết bài. Dựa vào dàn ý đã xây dựng, các em có thể triển khai bài phân tích theo đúng dự kiến/ý tưởng ban đầu; Đảm bảo tính mạch lạc, thống nhất của bài viết, tránh bỏ sót những nội dung quan trọng.

Tham khảo thêm:   Công văn 2568/TCHQ-TXN Vướng mắc về thuế đối với hàng gia công và hàng tạm nhập tái xuất

– Các em có thể xây dựng dàn ý dựa trên cấu trúc 3 phần:

  • Mở bài: Giới thiệu về đối tượng cần phân tích (Có thể giới thiệu trực tiếp hoặc gián tiếp).
  • Thân bài: Triển khai nội dung bài phân tích.
  • Kết bài: Đánh giá bài thơ, đoạn thơ hoặc trình bày khái quát cảm nhận về bài thơ, đoạn thơ ấy.

Bước 3: Bắt Tay Vào Quá Trình Phân Tích Bài Thơ, Đoạn Thơ

– Đọc lại bài thơ, đoạn thơ:

Đọc lại bài thơ, đoạn thơ để tái hiện kiến thức, khơi dậy cảm hứng cho bài phân tích. Những cảm nhận về hình ảnh, chi tiết đặc sắc trong bài thơ sẽ là tư liệu, nguồn cảm hứng quan trọng cho các em khi phân tích.

Ví dụ: Phân tích vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Vội vàng, các em có thể tái hiện kiến thức, khơi dậy cảm nhận về bức tranh sự sống dạt dào, đẹp đẽ qua khổ thơ:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

– Phân tích chi tiết từng câu thơ, ý thơ:

Đi sâu phân tích từng câu thơ, ý thơ, tìm ra nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trong câu thơ ấy giúp cho bài phân tích được chi tiết, sâu sắc hơn. Khi phân tích một bài thơ dài, các em có thể phân tích theo khổ thơ, sau khi khái quát nội dung của khổ thơ ấy, các em có thể lựa chọn một vài câu thơ đặc sắc hoặc ấn tượng nhất trong cảm nhận của mình để phân tích. Đối với đoạn thơ, các em có thể chia tách thành từng ý nhỏ, có thể theo câu thơ hoặc theo nội dung của đoạn thơ.

Phân tích bài thơ các em cũng có thể dựa vào cấu trúc của thể thơ. Chẳng hạn thơ tứ tuyệt có cấu trúc: Khai-thừa-chuyển-hợp; thể thơ thất ngôn bát cú có thể phân tích theo 2 cặp câu.

Ví dụ: Phân tích bài thơ Đi đường, các em có thể triển khai theo cấu trúc Khai-thừa-chuyển-hợp như sau:

+ Câu thứ nhất: Khai mở ra ý thơ

– Đi đường mới trải nghiệm được những nỗi gian lao của con người trên hành trình ấy.

  • Câu thứ 2: Câu thừa mở rộng, triển khai – Chỉ ra những khó khăn, thử thách mà người tù phải trải qua.
  • Câu thơ thứ 3: Câu chuyển ý- Khi con người đã vượt qua được hết những khó khăn, chinh phục được hết lớp núi lên đến đỉnh cao chót vót
  • Câu thơ thứ 4: Câu hợp (Có quan hệ sâu sắc với câu chuyển –> tạo thành 1 cặp câu thâu tóm nội dung, ý nghĩa toàn bài): Vượt qua hết những khó khăn, muôn dặm nước non sẽ được thu hết vào tầm mắt.

– Đưa ra nhận định, đánh giá bài thơ:

Nhận định, đánh giá ý chính của bài thơ cũng là một bước quan trọng giúp cho bài viết được chặt chẽ, logic, mạch lạc hơn. Chẳng hạn trước khi chuyển sang phân tích hai câu thơ cuối, các em cần chốt lại nội dung, ý chinh của 2 câu thơ đầu.

Các em có thể thực hiện đánh giá theo 3 bước sau:

  • B1: Đánh giá đoạn thơ ấy hay hoặc dở ở chỗ nào(nếu hay thì nó xúc động ở tình cảm, tư tưởng gì?)
  • B2: Vì sao (Cái hay, cái độc đáo được toát nên bởi nội dung như thế nào, nhờ những phương diện nghệ thuật nào?)
  • B3: Tác dụng: Khẳng định vai trò đóng góp của đoạn thơ đối với sự thành công của tác phẩm, tác giả, đối với nền văn học dân tộc, đối với cuộc sống… (Tùy từng trường hợp cụ thể)

IV. Một số cách thức phân tích đoạn thơ, bài thơ

1. Phân tích từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ, giọng điệu, nhịp điệu trong từng câu thơ, khổ thơ

* Phân tích từ ngữ:

– Từ ngữ chính là chất liệu đầu tiên tạo nên ý nghĩa thơ. Mọi tư tưởng, tình cảm của tác giả đều được ký thác vào hệ thống từ ngữ của đoạn thơ, bài thơ.

– Ví dụ: Khi miêu tả hành vi và bản chất con buôn của Mã Giám Sinh, Nguyễn Du đã dùng từ thật sâu cay:

“Ghế trên ngồi tót sỗ sàng
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra”

(Truyện Kiều, Nguyễn Du)

  • “Ngồi tót”: cách ngồi sỗ sàng, trịch thượng, vô văn hóa, thiếu lễ độ. Hành vi trên cho thấy, Mã Giám Sinh là một con người ít học vô lại, nhân cách kém cỏi, tầm thường chứ không phải là một sinh viên trường Quốc Tử Giám nho nhã, học thức như hắn nói.
  • “Sổ sàng”: ngồi thoải mái, không kiêng nể gì. Hành vi thất kính, vô văn hóa, thiếu lễ độ.
  • “Kíp”: giục giã, vội vàng, vô cùng cấp bách. Ỷ tiền khinh người.

=> Như vậy chỉ với việc miêu tả qua hệ thống ngôn ngữ, Nguyễn Du đã vạch trần được bản chất của Mã Giám Sinh, đó chỉ là một tên vô loại, ít học và có gì đó gian trá, bịp bợm, bởi những lời nói của hắn trước sau không có sự thống nhất.

* Phân tích hình ảnh thơ và biện pháp tu từ:

– Ý nghĩa thơ còn được ẩn giấu trong hình ảnh thơ và các biện pháp tu từ được sử dụng. Thơ nói bằng hình ảnh và ẩn ý nghệ thuật. Đó mới là thơ, là nghệ thuật ngôn từ.

– Ví dụ: Khi thể hiện niềm yêu kính và tự hào đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhà thơ Viễn Phương viết:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”

(Viếng lăng Bác, Viễn Phương)

  • Với thủ pháp ẩn dụ, Viễn Phương đã nâng cao cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, đồng thời thể hiện niềm tôn kính thiêng liêng đối với vị cha già dân tộc.
  • “Mặt trời” trong câu thứ nhất là mặt trời của tự nhiên có tác dụng chiếu sáng và đem lại sự sống cho muôn vật, muôn loài. Còn “mặt trời” trong câu thơ thứ hai là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho Bác Hồ vĩ đại. Bởi từ trong cuộc đời và con người Bác cũng toát ra một thứ ánh sáng kì diệu vô cùng rực rỡ. Đó là ánh sáng của chân lý cách mạng có thể xua tan mọi bất công, bạo tàn và soi đường dẫn lối đưa 25 triệu con người đi từ bóng đêm nô lệ đến được ánh sáng của tự do, hòa bình, công lý.
  • Bác mãi là vầng dương bao la, chói ngời vĩ đại. Suốt cả cuộc đời Người đã hy sinh hạnh phúc của bản thân, gia đình để dấn thân vào con đường Cách mạng đầy hiểm nguy, thử thách để tìm ra con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc. Có thể nói bằng hình ảnh đó, tác giả Viễn Phương đã thể hiện một cách sâu sắc tình cảm yêu thương, tôn kính của nhà thơ đối với Bác.

* Phân tích giọng điệu thơ:

– Giọng điệu thơ góp phần bộc lộ tư tưởng, tình cảm bài thơ, đồng thời tạo nên sự đồng cảm sâu sắc giữa người đọc và tác giả bài thơ.

– Đó có thể là giọng điệu chân thành, tha thiết, sâu lắng (Bếp lửa, Viếng lăng Bác…). Có thể là giọng hồn nhiên, sôi nổi, tinh nghịch (Bài thơ tiểu đội xe không kính,…). Hoặc đau xót, buồn bã, tuyệt vọng (Kiều ở lầu Ngưng Bích,…)

2. Liên tưởng, so sánh những câu thơ cần phân tích với một số câu thơ có nội dung tương đồng hoặc tương phản

* So sánh tương đồng:

* So sánh tương phản:

Ví dụ: So sánh điểm giống và khác nhau về hình ảnh anh bộ đội trong hai bài thơ “Đồng chí” và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

– Giống nhau:

  • Chung mục đích chiến đấu: Vì nền độc lập của dân tộc.
  • Đều có tinh thần vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.
  • Họ rất kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu.
  • Họ có tình cảm đồng chí, đồng đội sâu nặng.

– Khác nhau:

  • Người lính trong bài thơ “Đồng chí” mang vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của người lính xuất thân từ nông dân.
  • Người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” luôn trẻ trung sôi nổi, vui nhộn với khí thế mới mang tinh thần thời đại.

V. Những kiến thức bổ sung để phân tích thơ

Yêu cầu cao nhất của một bài phân tích thơ là phải viết đúng và viết hay. Viết đúng đã khó, viết cho hay lại càng khó hơn. Để bài phân tích đạt hiệu quả cao, ngoài những kỹ năng cơ bản phân tích thơ, người làm văn phải đảm bảo yêu cầu về những kiến thức hỗ trợ khác. Kiến thức càng phong phú thì việc phân tích càng sâu sắc. Có thể nêu ra một số lĩnh vực kiến thức sau:

1. Kiến thức văn học sử

– Văn học là một hiện tượng lịch sử ra đời và phát triển theo thời gian. Tiếp nhận một tác phẩm văn học nói chung, tác phẩm thơ nói riêng không nên tách nó ra khỏi phạm trù lịch sử, không nên xem nó như một cá thể độc lập, thoát li hẳn mối quan hệ, ràng buộc của xã hội.

– Kiến thức về văn học sử bao gồm là những hiểu biết về các trào lưu văn học, giai đoạn văn học, thời kì văn học; nó còn là những hiểu biết có hệ thống về từng tác giả cụ thể. Đứng trước một tác phẩm thơ, người làm văn phải biết huy động sở biết của mình về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, nó thuộc thời kì, giai đoạn và trào lưu văn học nào, cuộc đời và quá trình sáng tác của tác giả ra sao để từ đó nhận xét và đánh giá các vấn đề về phương diện lịch sử cũng như nghệ thuật trong thi phẩm.

Thực tế, trong chương trình sách giáo khoa về văn học, những kiến thức về văn học sử vẫn còn ít, chưa có tính hệ thống. Người học nếu cầu tiến tất phải tự tìm tòi, nghiên cứu ở những sách vở khác.

2. Kiến thức lí luận văn học

– Lí luận văn học là một bộ môn công cụ, giúp độc giả có cơ sở thâm nhập vào thi phẩm. Loại kiến thức này khá nhiều và tương đối phức tạp. Việc vận dụng kiến thức này vào bài làm khá linh hoạt và tùy theo từng trường hợp mà có yêu cầu khác nhau. Trước hết, trong bài làm văn, người viết thường xuyên sử dụng các thuật ngữ, khái niệm của lí luận văn học, như: hư cấu, điển hình, hình ảnh, hình tượng… Nếu không có sự hiểu biết đầy đủ, người viết sẽ dùng sai khái niệm.

– Ở mức độ phức tạp hơn, khi làm bài người viết phải có kiến thức lí luận để lý giải một vấn đề nào đó trong tác phẩm thơ, ví như: cái tâm và cái tài của nhà thơ, bản chất của thơ ca, cá tính sáng tạo của nhà thơ. Để làm được những vấn đề đó, ta phải hiểu căn bản về các vấn đề lí luận như nguồn gốc thơ ca, đối tượng phản ánh, đặc trưng ngôn ngữ thơ …

– Nguyễn Tuân từng nhận định: “Theo tôi nghĩ, thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng ở loại cụ thể hữu hình. Nhưng nó khác với cái cụ thể của văn. Cũng mọc lên từ đống tài liệu thực tế, nhưng từ một cái hữu hình, nó thức dậy những cái vô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó mở ra được cái diện không gian thời gian trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp”.

(Thời và thơ Tú Xương)

3. Kiến thức và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ

Ngôn ngữ là phương tiện để con người thể hiện những điều mình đã tư duy. Bài phân tích thơ đúng và hay tuỳ thuộc rất lớn vào kiến thức và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của người viết. Thật khó diễn đạt trọn vẹn cái điều mình nhìn thấy, cảm thấy, tư duy thấy. Thực tế, rất nhiều lúc ngôn ngữ diễn đạt không theo kịp tư duy. Để khắc phục những bất cập này, người làm văn phải có ý thức thường xuyên tích lũy vốn ngôn ngữ, trau dồi kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Kiến thức về ngôn ngữ giúp người viết vừa xâm nhập vào tác phẩm, vừa diễn đạt những điều mình cảm nhận được từ tác phẩm. Riêng ở mặt sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt, yêu cầu người viết phải viết đúng và hay theo các cấp độ sau:

– Dùng từ: Yêu cầu người viết phải biết dùng từ độc đáo. Sẽ rất chán nản cho người đọc khi một bài viết không dùng được một từ cho hay, cho độc đáo. Dùng từ hay thì mới có đoạn hay rồi bài hay. Từ hay là từ dùng đúng lúc, đúng chỗ, lột tả được cái thần thái của vấn đề nào đó trong bài thơ, làm cho câu văn có hồn, có sinh khí, làm cho người đọc sung sướng thán phục. Hạ được từ “có thần”, giá trị của bài viết được nâng lên đáng kể. Thử xem và học tập cách dùng chữ của các nhà phê bình:

* Viết câu:

– Phương tiện ngôn ngữ cơ bản để diễn ý là câu. Một câu luôn diễn đạt một nội dung nào đấy.

– Muốn cách diễn đạt khỏi đơn điệu nhàm chán người viết phải biết cách sử dụng nhiều kiểu câu. Tính linh hoạt trong việc sử dụng câu ở chỗ: tuỳ từng lúc, từng nơi, tuỳ giọng văn của từng đoạn mà có những loại câu tương ứng. Khi người viết muốn biểu đạt tình cảm của mình thì dùng câu cảm thán; lúc muốn gây sự chú ý cho người đọc ta có thể dùng câu nghi vấn để đặt vấn đề và tự trả lời để giải quyết vấn đề; khi muốn nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ theo nhiều mối quan hệ ta dùng câu có cặp quan hệ từ: tuy nhưng, càng thì càng, không những mà còn, nếu thì …, khi muốn khái quát vấn tổng hợp đề ta dùng kiểu câu có tính chất quy nạp toàn thể với các từ mở đầu: nhìn chung, đại thể, về cơ bản, phần lớn …

Tham khảo thêm:   KHTN 8 Bài 47: Bảo vệ môi trường Giải KHTN 8 Kết nối tri thức trang 191, 192, 193, 194

– Ngôn ngữ làm văn phân tích thơ cũng phải có tính tạo hình và gợi cảm: Về mặt khoa học, bài phân tích thơ là loại văn của tư duy logic. Văn ý phải rõ ràng, sáng sủa, lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục lý trí. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bài phân tích thơ chỉ trình bày một cách khô khan máy móc, chối bỏ cảm xúc và hình ảnh. ngôn ngữ phân tích thơ thiết nghĩ cũng phải có chất thơ, phải hấp dẫn lôi cuốn người đọc bằng từ ngữ có tính tạo hình và giàu sức biểu cảm. Ví dụ:

“Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời thi ca Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình”.

(Chế Lan Viên)

“Nếu chúng ta liệt Tú Xương vào loại đỉnh thơ Nôm, thì “Sông lấp” chính là cái bóng cây hiên ngang trên sườn non đó vậy. Dẫn thơ Tú Xương mà vô tình hoặc cố ý đánh rớt bài “Sông lấp”, tức là bước lên lầu táp, mở của tầng này tầng kia mà quên mất cái chuông trên vọng lâu vậy”.

(Nguyễn Tuân, Thời và thơ Tú Xương)

Những lời bình luận, đánh giá trên phải chăng có sức sống riêng, ám ảnh độc giả là nhờ ngôn ngữ của nó giàu chất tạo hình và biểu cảm?

4. Kiến thức về các bộ môn liên quan:

– Sóng Hồng định nghĩa: “Thơ là nhạc là hoạ là điêu khắc theo một phong cách riêng”.

– Định nghĩa này cho thấy thơ ca liên quan đến các ngành nghệ thuật khác. Hơn thế, thơ ca luôn chứa đựng nhiều vấn đề, phạm trù xã hội khác nhau. Do vậy, để có thể xâm nhập trọn vẹn vào tác phẩm thơ, chúng ta cần phải có hiểu biết về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, như: Lịch sử, Địa lý, Triết học, Đạo đức học … Những kiến thức này là những luận cứ (vừa tiềm tàng vừa hiện thực) góp phần soi sáng các hiện tượng thơ ca.

VI. Dàn ý phân tích thơ

DÀN Ý SỐ 1

I. Mở bài:

– Giới thiệu sơ lược về tác giả: tên tuổi, bút danh, vị trí trong nền văn học, chủ đề sáng tác, phong cách sáng tác, những đóng góp của tác giả đối với phong trào văn học, giai đoạn văn học và nền văn học dân tộc.

– Giới thiệu tổng quát về bài thơ: hoàn cảnh xuất xứ, đại ý, nội dung chính của đoạn thơ/bài thơ. Dẫn vào đoạn thơ, bài thơ cần phân tích: trích lại bài thơ (nếu ngắn) còn khổ thơ thì phải ghi lại tất cả.

II. Thân bài:

– Khái quát về vị trí trích đoạn hoặc bố cục, mạch cảm xúc chủ đạo của khổ thơ, bài thơ.

– Giới thiệu vấn đề nghị luận và phương hướng nghị luận.

– Phân tích bài thơ/đoạn thơ: trích thơ rồi lần lượt phân tích những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ, v.v…. trong từng câu thơ, giải mã đúng từ ngữ, hình ảnh đó để giúp người đọc cảm thấy được những cái hay, cái đặc sắc về nội dung, nghệ thuật cảu bài thơ.

Lưu ý: Nên phân tích từ nghệ thuật đến nội dung, khi phân tích phải dựa vào từ ngữ có trong bài thơ, hoàn cảnh ra đời, phong cách sáng tác của tác giả để tránh suy diễn miên man, không chính xác, cụ thể:

* Phân tích khổ thơ thứ nhất :

+ Nêu nội dung chính của khổ thơ thứ nhất:

(Trích thơ…)

+ Áp dụng các thủ pháp phân tích thơ để phân tích những hình ảnh, từ ngữ, biện pháp nghệ thuật tu từ, nhịp điệu, v.v. trong từng câu thơ; giải mã những từ ngữ, hình ảnh đó có ý nghĩa gì, nó hay, đặc sắc ở chỗ nào.

+ Liên hệ, so sánh với những bài thơ cùng chủ dề.

+ Chuyển sang khổ thứ hai.

* Phân tích khổ thơ thứ hai:

+ Cách làm bốn bước tương tự khổ thứ nhất.

+ Rồi cứ tiếp tục như thế đến hết bài.

(Lưu ý: đôi khi có thể phân tích hai khổ thơ cùng một lúc nếu hai khổ thơ cùng một ý nghĩa)

– Nhận xét đánh giá bài thơ:

+ Đánh giá về nội dung, tư tưởng của bài thơ. (Nét đặc sắc về nội dung của bài thơ là gì? Thành công/hạn chế?)

+ Đánh giá về nghệ thuật. (Thành công/hạn chế?)

+ Đánh giá về phong cách tác giả. (Qua bài thơ em thấy tác giả là người như thế nào; có thể nói thêm những đặc điểm về phong cách nghệ thuật và đóng góp của nhà thơ trên văn đàn lúc bấy giờ).

III. Kết bài:

+ Khẳng định lại toàn bộ giá trị về nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

+ Liên hệ bản thân và cuộc sống (nếu có).

DÀN Ý SỐ 2

A. MỞ BÀI

Thường theo cách gián tiếp và thường gồm hai bước:

Bước 1: Có thể theo thao tác diễn dịch, quy nạp hoặc so sánh…

– Nếu dùng thao tác diễn dịch thì có thể dẫn vào đề theo ba cách sau:

  • Giới thiệu khái quát về thân thế, sự nghiệp của tác giả, về tác phẩm hoặc chỉ iới thiệu tác phẩm, giá trị của tác phẩm.
  • Giới thiệu hoàn cảnh lịch sử, xã hội, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
  • Giới thiệu xuất xứ của tác phẩm (hoặc đoạn trích)

Bước 2: Chép nguyên văn tác phẩm hay đoạn trích (nếu ngắn) hoặc chép câu đầu, câu cuối, ở giữa hai câu này có một hàng dấu chấm lửng (nếu là tác phẩm, đoạn trích khá dài) hoặc giới thiệu nhân vật, khía cạnh phân tích (nếu đề ra yêu cầu phân tích một nhân vật hay một khía cạnh về nội dung nghệ thuật của tác phẩm).

B. THÂN BÀI

Đây là phần phân tích chi tiết tác phẩm. Có thể phân tích theo một trong ba cách đã nói ở trên.

– Cách cắt ngang’. thường áp dụng cho một bài thơ ngắn hoặc tác phẩm có bố cục, đoạn mạch rõ ràng.

– Cách bổ dọc. thường áp dụng cho tác phẩm tự sự.

– Cách kết hợp cắt ngang với bổ dọc. thường áp dụng cho tác phẩm mà nhiều ý tưởng đan xen vào nhau khó tách bạch thành từng đoạn mạch theo ý được.

Lưu ý:

* Nếu phân tích tác phẩm trữ tình phần thân bài có thè vận dụng cách sau:

– Nêu chủ đề tác phẩm.

– Phân tích giá trị nội dung của tác phẩm.

– Phân tích giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

– Đánh giá, nhận xét chung.

* Nếu phân tích tác phẩm tự sự phần thân bài có thể vận dụng cách sau:

– Khái quát chủ đề tác phẩm.

– Phân tích đoạn mạch chủ yếu của tác phẩm (trên cơ sở chủ đề, có thể tìm ý trong bài thơ để phân tích. Có thể phân tích theo ý nhỏ, có thể phân tích theo khổ thơ. Khi phân tích nên đi từ việc phát hiện từ ngữ, hình ảnh thơ, những biện pháp nghệ thuật để đến cái đích là bộc lộ nội dung tác phẩm. Những ý nhỏ trong phần phân tích này bao giờ cũng được sắp xếp mạch lạc, hợp lí góp phần bộc lộ chủ đề.)

– Nhận xét đánh giá.

* Dạng tổng quát phần thân bài của kiểu bài phân tích tác phẩm văn học như sau:

(I) Phân tích tác phẩm (hoặc đoạn trích)

(1). Nêu chủ đề và phân tích ý nghĩa của chủ đề (nhận xét khái quát bước đầu)

(2). Phân tích các khía cạnh (ý) của chủ đề:

a) Khía cạnh 1:

– Nêu ý

– Phân tích các chi tiết biểu hiện theo hướng kết hợp phân tích nội dung và nghệ thuật.

– Tiểu kết, bình giá, chuyển ý.

b) Khía cạnh 2:

– Nêu ý

– Phân tích các chi tiết biểu hiện theo hướng kết hợp phân tích nội dung và nghệ thuật.

– Tiểu kết, bình giá, chuyển ý.

c) Khía cạnh 3:

– Nêu ý

– Phân tích các chi tiết biểu hiện theo hướng kết hợp phân tích nội dung và nghệ thuật.

– Tiểu kết, bình giá, chuyển ý.

(3) Tổng hợp các khía cạnh đã phân tích ớ trên.

(II) Đánh giá tác phẩm (hoặc đoạn trích)

(1) Nêu giá trị của tác phẩm:

(a) Giá trị nội dung.

(b) Giá trị nghệ thuật.

(c) Giá trị của đoạn trích trong việc biểu hiện tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm).

(2) Nêu giá trị của tác phẩm lúc ra đời và hiện nay.

– Đối với cuộc sống.

– Đối với sự phát triển văn học.

(3). Chỉ ra hạn chế về nội dung, nghệ thuật (nếu có).

C. KẾT BÀI

– Tóm tắt những thành công và hạn chế (nếu có) của tác phẩm để đánh giá chung.

– Phát biểu cảm nghĩ, ấn tượng sâu sắc nhất của bản thân về tác phẩm.

– Rút ra bài học tư tưởng, tình cảm… đối với bản thân.

Dàn ý số 3

I. Mở bài :

+ Giới thiệu tác giả và bài thơ, đoạn thơ cần phân tích (chép nguyên văn đoạn thơ trong đề bài, nếu là đoạn thơ dài thì chỉ cần chép hai câu đầu, chấm chấm, rồi chép câu cuối).

+ Giới thiệu ý kiến bàn về bài thơ ( nếu đề bài yêu cầu nghị luận về ý kiến )

+ Giới thiệu vấn đề phân tích

+ Nếu là dạng đề so sánh hai bài thơ, hai đoạn thơ thì mở bài phải giới thiệu cả hai tác giả và hai bài thơ.

Phần mở bài chỉ cần nêu ngắn gọn nét chính về tác giả tác phẩm ( vài dòng )

II. Thân bài :

+ Khái quát về phong cách tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung chính, … của bài thơ

+ Nêu vị trí đoạn thơ, thể thơ, chú ý âm điệu, giọng điệu

+ Phân tích cụ thể :

Có thể bổ ngang : phân tích từng khổ, từng dòng, nếu là thơ Đường luật thì phân tích theo từng cặp Đề – Thực- Luận -Kết .Riêng đối với thơ tứ tuyệt (ví dụ một số bài thơ của Hồ Chí Minh trong Nhật kí trong tù), cách thức thông thường là chia theo cấu trúc: khai, thừa, chuyển, hợp; hoặc chia thành hai câu đầu và hai câu cuối (tuỳ từng bài cụ thể).

Có thể bổ dọc bài thơ : Phân tích theo hình tượng, theo nội dung xuyên suốt bài thơ.Đưa các nội dung chính của bài thơ, đoạn thơ thành các luận điểm lớn, nếu đề yêu cầu cảm nhận đoạn thơ, câu thơ, thì các em chia nhỏ các nội dung có trong đoạn, trong câu, biến chúng thành các luận điểm lớn để đi sâu cảm nhận.

Chú ý những hình ảnh biểu tượng, những lối nói ví von so sánh, những biện pháp nghệ thuật tiêu biểu . Cần bám sát từ ngữ, âm thanh, vần , nhịp điệu, cấu tứ,… của bài thơ để phân tích. Khi phân tích thì thao tác giảng giải, cắt nghĩa là quan trọng nhất, nhằm giúp cho người đọc hiểu được ý nghĩa của các hình ảnh biểu tượng, ý nghĩa của từ ngữ, câu thơ, đoạn thơ.

Trong quá trình phân tích, luôn luôn hướng đến sự tổng hợp, khái quát ở từng cấp độ sao cho thích hợp để rồi tiến tới những khái quát lớn của toàn bài. Phân tích phải đi kèm với đánh giá và bình luận, tránh diễn nôm bài thơ.Mỗi đoạn văn các em nên viết theo cách diễn dịch hoặc quy nạp, nhớ trình bày rõ câu chốt, câu diễn giải, câu dẫn chứng, câu khái quát nội dung đoạn, câu chuyển đoạn linh hoạt.

III. Kết bài: Đánh giá khái quát về bài thơ, đóng góp riêng của tác giả

VII. Mẫu dàn ý phân tích đoạn thơ, bài thơ.

Ví dụ: Dàn ý phân tích 8 câu thơ đầu trong bài Việt Bắc

1. Mở Bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu và tác phẩm Việt Bắc.

– Giới thiệu nhận định cần chứng minh

Thân Bài

a. Giải thích ý kiến đánh giá

– Giọng thơ tâm tình ngọt ngào.

– Nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc.

– Dù viết về đề tài chính trị gắn với sự kiện lịch sử tháng 10 năm 1954 nhưng bài thơ Việt Bắc nói chung và tám câu thơ đầu tiên vẫn hiện lên chất chứa cảm xúc của sự ngọt ngào, tha thiết.

b. Phân tích, bình luận về giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc trong 8 câu thơ đầu

– Bốn câu thơ đầu: là lời của những người ở lại – nhân dân Việt Bắc.

  • Điệp cấu trúc câu: “Mình về mình có nhớ ta?”, “Mình về mình có nhớ không?”.
  • Sự láy đi láy lại của câu hỏi tu từ đã xoáy sâu vào nỗi nhớ và sự day dứt khôn nguôi.
  • “Mười lăm năm ấy” gợi tháng ngày đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi.
  • Những hình ảnh “cây”, “núi”, “sông”, “nguồn” quen thuộc gợi nhắc lối sống ân nghĩa thủy chung.

→ Giọng điệu tâm tình, thủ thỉ tràn đầy cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến của đồng bào Việt Bắc.

– Bốn câu thơ sau là lời của người đi – các cán bộ chiến sĩ cách mạng.

  • Đại từ “ai” ngân vang cùng sự “tha thiết” đã nhấn mạnh vào tình cảm, cảm xúc đặc biệt.
  • Những tính từ miêu tả cảm xúc như “bâng khuâng”, “bồn chồn”.
  • Tất cả mọi cảm xúc dường như nén lại: “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”.

– Giọng điệu tâm tình được tạo nên bởi nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc

  • Sử dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo và linh hoạt thể thơ lục bát – thể thơ dân tộc.
  • Kết cấu bài thơ được kiến tạo theo lối đối đáp giao duyên qua cặp đại từ “mình – ta”

c. Đánh giá về giọng thơ và nghệ thuật trong thơ Tố Hữu

– Giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết quyện hòa và gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc.

– Góp phần thể hiện đặc trưng trữ tình – chính trị trong phong cách thơ Tố Hữu.

– Tạo nên giá trị đặc sắc của tác phẩm Việt Bắc.

3. Kết Bài

Đánh giá về tính trữ tình – chính trị trong thơ Tố Hữu

Ví dụ 2: Dàn ý phân tích bài thơ Trao duyên

Tham khảo thêm:   Luke bao nhiêu tuổi trong Street Fighter 6?

I. Mở bài

  • Giới thiệu tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều: Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc danh nhân văn hóa thế giới, Truyện Kiều được xem là kiệt tác của nền văn học được dịch ra nhiều thứ tiếng.
  • Giới thiệu đoạn trích Trao duyên: Vị trí, nội dung

II. Thân bài

1. Lời nhờ cậy và thuyết phục Thúy Vân của Thúy Kiều (12 câu thơ đầu)

a. Hai câu đầu: Lời nhờ cậy của Thúy Kiều

* Lời lẽ trao duyên

– Cậy: + Là một thanh trắc với âm điệu nặng nề, gợi sự quằn quại, đau đớn, khó nói >< nhờ, mong (thanh bằng)

+ Cũng mang hàm nghĩa là trông mong, giúp đỡ nhưng cậy còn mang thêm sắc thái hàm ý về sự hi vọng tha thiết, sự gửi gắm đầy tin tưởng

– Chịu: Nài ép, bắt buộc, không thể không nhận >< nhận: mang tính tự nguyện

* Cử chỉ trao duyên

– Lạy, thưa:

  • Là thái độ kính cẩn, trang trọng với người bề trên hoặc với người mình hàm ơn.
  • Hành động của Kiều tạo ra sự trang nghiêm, thiêng liêng cho điều sắp nói ra

→ Qua cách nói thể hiện sự thông minh, khéo léo của Thúy Kiều

→ Sự tài tình trong cách sử dụng từ ngữ của Nguyễn Du

b. Mười câu tiếp: Lí lẽ trao duyên của Kiều.

* 4 câu thơ tiếp: Kể về mối tình với chàng Kim

– Thành ngữ: “ Giữa đường đắt gánh tương tư”

– Hình ảnh: “Mối tơ thừa”

– Hành động: “ Quạt ước, chén thề”

→ Bằng những thành ngữ, những điển tích, những ngôn ngữ giàu hình ảnh đã vẽ nên một mối tình nồng thắm nhưng mong manh, dang dở và đầy bất hạnh của Kim – Kiều

* 6 câu thơ sau: Những lí do khiến Kiều trao duyên cho em.

– Gia đình Kiều gặp biến cố lớn “sóng gió bất kì”

– Kiều buộc phải chọn 1 trong 2 con đường là “hiếu” và “tình”, Kiều đành chọn hi sinh tình.

→ Kiều đã gợi ra tình cảnh ngang trái, khó xử của mình để Vân thấu hiểu.

– “Ngày xuân em hãy còn dài”

→ Vân vẫn còn trẻ, còn cả tương lai phía trước

– “Xót tình máu mủ thay lời nước non”

→ Kiều thuyết phục em bằng tình cảm ruột thịt.

– Thành ngữ “Thịt nát xương mòn” và “ Ngậm cười chín suối”: nói về cái chết đầy mãn nguyện của Kiều

→ Kiều viện đến cả cái chết để thể hiện sự cảm kích thật sự của mình khi Vân nhận lời

⇒ Cách lập luận hết sức chặt chẽ, thấu tình cho thấy Thúy Kiều là người sắc sảo tinh tế, có đức hi sinh, một người con hiếu thảo, trọng tình nghĩa.

– Nội dung: 12 câu thơ đầu là diễn biến tâm trạng phức tạp của Kiều trong lúc nói lời trao duyên

– Nghệ thuật: Sử dụng các điển tích, điển cố, các thành ngữ dân gian, ngôn ngữ tinh tế, chính xác giàu sức thuyết phục, lập luận chặt chẽ.

2. Kiều trao kỉ vật và dặn dò Vân (14 câu thơ tiếp theo)

a. Sáu câu đầu: Kiều trao kỉ vật

– Kỉ vật; Chiếc vành, bức tờ mây

→ Kỉ vật đơn sơ mà thiêng liêng, gợi quá khứ hạnh phúc.

– Từ “giữ – của chung – của tin”

  • “Của chung” là của Kim, Kiều nay là cả của Vân nữa
  • “Của tin” là những vật gắn bó gợi tình yêu thiêng liêng của Kim – Kiều: mảnh hương, tiếng đàn

→ Thể hiện sự giằng xé trong tâm trạng Thúy Kiều. Kiều chỉ có thể gửi gắm mối duyên dang dở cho Vân chứ không thể trao hết tình yêu mặn nồng xưa kia giữa nàng và Kim Trọng.

b. Tám câu thơ tiếp: Lời dặn dò của Kiều

* Kiều dự cảm về cái chết

– Hàng loạt các từ ngữ, hình ảnh gợi về cái chết: hiu hiu gió, hồn, nát thân bồ liễu, dạ đài, người thác oan

→ Dự cảm không lành về tương lai, sự tuyệt vọng tột cùng. Kiều tưởng tượng ra cảnh mình chết oan, chết hận. Hồn không sao siêu thoát được bởi trong lòng đang nặng lời thề ước với Kim Trọng

→ Ta thấy được sự đau đớn, đầy tuyệt vọng của Kiều, đồng thời thể hiện tấm lòng thủy chung một lòng hướng về Kim trọng của Kiều

* Thúy Kiều dặn dò Thúy Vân

– “Đền nghì trúc mai”: Đền ơn đáp nghĩa.

– “Rưới xin giọt nước”: Tẩy oan cho chị.

→ Nỗi bứt rứt, dằn vặt trong lòng Kiều. Lúc này, Kiều như càng nhớ, càng thương Kim Trọng hơn bao giờ hết.

Tóm lại: Nội dung: 14 câu thơ tiếp là một khối mâu thuẫn lớn trong tâm trạng Thúy Kiều: trao kỉ vật cho em mà lời gửi trao chất chứa bao đau đớn, giằng xé và chua chát.

– Nghệ thuật: Cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh giàu giá trị biểu cảm, độc thoại nội tâm.

3. Tám câu thơ cuối: Kiều trở về thực tại đau xót khi nhớ tới Kim Trọng

– Hình thức: Lời thơ chuyển từ đối thoại sang độc thoại

– Tâm trạng: Nàng ý thức rõ về cái hiện hữu của mình: “trâm gãy gương tan”, “tơ duyên ngắn ngủi”, “phận bạc như vôi”, “nước chảy hoa trôi lỡ làng”

→ Hình ảnh gợi tả số phận đầy đau khổ, dở dang, bạc bẽo, lênh đênh trôi nổi

– Nghệ thuật đối lập: quá khứ >< hiện tại

→ Khắc sâu nỗi đau của Kiều trong hiện tại.

– Các hành động

  • Nhận mình là “người phụ bạc”
  • Lạy: cái lạy tạ lỗi, vĩnh biệt khác với cái lạy nhờ cậy lúc đầu
  • Hai lần gọi tên Kim Trọng: tức tưởi, nghẹn ngào, đau đớn đến mê sảng.

→ Kiều quên đi nỗi đau của mình mà nghĩ nhiều đến người khác, đó chính là đức hy sinh cao quý

♦ Tiểu kết

– Nội dung: Tâm trạng đau đớn đến cùng cực của Thúy Kiều khi hường về tình yêu của mình và Kim Trọng.

– Nghệ thuật: Sử dụng từ ngữ biểu cảm, thành ngữ, câu cảm thán, các điệp từ.

III. Kết bài

  • Khái quát nội dung và nghệ thuật của đoạn trích
  • Trình bày suy nghĩ, cảm nhận của bản thân: Đây là trích đoạn hay và cảm động nhất của Truyện Kiều, đem lại nhiều xúc cảm nơi người đọc.

Ví dụ 3: Dàn ý phân tích Bình Ngô Đại cáo

I. Mở bài:

– Giới thiệu về tác gia Nguyễn Trãi: Là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, tài ba, nhà văn nhà thơ với sự nghiệp sáng tác đồ sộ.

– Khái quát về tác phẩm: Là áng thiên cổ hùng văn, là bản tuyên ngôn hùng hồn của dân tộc.

II. Thân bài:

a. Tiền đề lý luận

* Tư tưởng nhân nghĩa

– “Nhân nghĩa” là phạm trù tư tưởng của Nho giáo chỉ mối quan hệ giữa người với người dựa trên cơ sở tình thương và đạo lí.

– “Nhân nghĩa” trong quan niệm của Nguyễn Trãi

  • Kế thừa tư tưởng Nho giáo: “yên dân” – làm cho cuộc sống nhân dân yên ổn, hạnh phúc
  • Cụ thể hóa với nội dung mới đó là trừ bạo – vì nhân dân diệt trừ bạo tàn, giặc xâm lược.

→ Với nét nghĩa tiến bộ, mới mẻ Nguyễn Trãi đã bóc trần luận điệu xảo trá của giặc Minh đồng thời phân biệt rõ ràng ta chính nghĩa, địch phi nghĩa.

→ Tạo cơ sở vững chắc cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn – là cuộc khởi nghĩa nhân nghĩa, vì cuộc sống của nhân dân mà diệt trừ bạo tàn.

* Chân lý về độc lập dân tộc

– Nguyễn Trãi đã xác định tư cách độc lập của nước Đại Việt bằng một loạt các dẫn chứng thuyết phục: Nền văn hiến lâu đời, cương vực lãnh thổ riêng biệt, phong tục Bắc Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, lịch sử lâu đời trải qua các triều đại Triệu, Đinh, Lý, Trần, hào kiệt đời nào cũng có.

→ Bằng cách liệt kê tác giả đưa ra các chứng cứ hùng hồn, thuyết phục khẳng định dân tộc Đại Việt là quốc gia độc lập, đó là chân lý không thể chối cãi.

– Các từ ngữ “từ trước, đã lâu, vốn xưng, đã chia” đã khẳng định sự tồn tại hiển nhiên của Đại Việt.

– Thái độ của tác giả:

  • So sánh các triều đại của Đại Việt ngang hàng với các triều đại của Trung Hoa.
  • Gọi các vị vua Đại Việt là “đế”: Trước nay hoàng đế phương Bắc chỉ xem vua nước Việt là Vương.

→ Thể hiện ý thức về chủ quyền độc lập cao độ của tác giả.

– Sử dụng phép liệt kê, dẫn ra những kết cục của kẻ chống lại chân lý: Lưu Cung, Triệu Tiết, Toa Đô, Ô Mã,…

→ Là lời cảnh cáo đanh thép, đồng thời cũng thể hiện niềm tự hào bởi những chiến công của nhân dân Đại Việt.

b. Soi chiếu lý luận vào thực tiễn.

* Tội ác của giặc Minh.

– Tội ác xâm lược: Từ “nhân, thừa cơ” cho thấy sự cơ hội, thủ đoạn của giặc Minh, chúng mượn chiêu bài “phù Trần diệt Hồ” để gây chiến tranh xâm lược nước ta.

→ Vạch trần luận điệp bịp bợm, cướp nước của giặc Minh.

– Tội ác với nhân dân:

  • Khủng bố, sát hại người dân vô tội: Nướng dân đen, vùi con đỏ
  • Bóc lột bằng thuế khóa, vơ vét tài nguyên, sản vật nước ta
  • Phá hoại môi trường, tiêu diệt sự sống
  • Bóc lột sức lao động, phá hoại sản xuất.

→ Sử dụng biện pháp liệt kê tố cáo những tội ác dã man của giặc.

→ Gợi hình ảnh đáng thương, tội nghiệp, khổ đau của nhân dân

→ Nỗi xót xa, đau đớn, thương cảm đối với nhân dân, sự căm phẫn đối với kẻ thù của tác giả.

* Lòng căm thù giặc của nhân dân.

– Hình ảnh phóng đại “trúc Nam Sơn không ghi hết tội, nước Đông Hải không rửa sạch mùi” lấy cái vô cùng của tự nhiên để nói về tội ác của giặc Minh.

– Câu hỏi tu từ “lẽ nào…chịu được”: Tội ác không thể dung thứ của giặc.

→ Thái độ căm phẫn, uất nghẹn không bao giờ tha thứ của nhân dân ta

⇒ Đoạn văn là bản cáo trạng đanh thép về tội ác của giặc Minh

c. Diễn biến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

* Hình tượng người anh hùng Lê Lợi

– Nguồn gốc xuất thân: là người nông dân áo vải “chốn hoang dã nương mình”

– Lựa chọn căn cứ khởi nghĩa: “Núi Lam Sơn dấy nghĩa”

– Có lòng căm thù giặc sâu sắc, sục sôi: “Ngẫm thù lớn há đội trời chung, căm giặc nước thề không cùng sống…”

– Có lý tưởng, hoài bão lớn lao, biết trọng dụng người tài: “Tấm lòng cứu nước…dành phía tả”.

– Có lòng quyết tâm để thực hiện lí tưởng lớn “Đau lòng nhức óc…nếm mật nằm gai…suy xét đã tinh”.

→ Hình tượng Lê lợi vừa là con người bình dị đời thường, vừa là người anh hùng khởi nghĩa. Hình tượng Lê Lợi cũng là linh hồn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi cho thấy tính chất nhân dân của cuộc khởi nghĩa.

* Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

– Giai đoạn đầu cuộc khởi nghĩa:

  • Khó khăn về quân trang, lương thực: lương hết mấy tuần, quân không một đội
  • Tinh thần của quân và dân: Gắng chí, quyết tâm (Ta gắng chí khắc phục gian nan), đồng lòng, đoàn kết (sử dụng 2 điện tích dựng cần trúc, hòa nước sông)

→ Giai đoạn đầu đầy khó khăn, thử thách, nhờ sự lạc quan, đồng lòng, đoàn kết, biết dựa vào dân đã giúp nghĩa quân Lam Sơn vượt qua mọi khó khăn.

– Giai đoạn phản công và giành thắng lợi

  • Những chiến thắng ban đầu: Trận Bạch Đằng, miền Trà Lân tạo thanh thanh thế cho nghĩa quân và trở thành nỗi khiếp đảm cho kẻ thù “sấm vang chớp giật, trúc chẻ tro bay”.
  • Nghĩa quân liên tiếp giành nhiều thắng lợi to lớn, tiêu diệt giặc ở những thành mà chúng chiếm đóng “Trần Trí, Sơn Thọ…thoát thân” và tiêu diệt quân chi viện của giặc “Đinh Mùi…tự vẫn”.

→ Biện pháp liệt kê tái hiện không khí chiến trận máu lửa, sục sôi với những chiến thắng giòn giã liên tiếp của quân ta cũng như sự thất bại nhục nhã, ê chề của địch.

+ Sự thất bại nhục nhã, thảm thương của giặc Minh:

  • Nghệ thuật cường điệu, phóng đại cực tả sự thiệt hại, tổn thất to lớn của quân thù. Đó là những thất bại nhục nhã, ê chề “thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm, bêu đầu, bỏ mạng,..”.
  • Thất bại thảm hại, khốn đốn, cửi áo giáp xin hàng “Thượng thư Hoàng Phúc…xin cứu mạng”
  • Tướng giặc tham sống sợ chết xin hàng.

+ Khí thế vang dội và cách ứng xử của quân dân ta:

  • Cách nói cường điệu, phóng đại: “Gươm mài đá đá núi cũng mòn, voi uống nước nước sông phải cạn, đánh một trận….”, ca ngợi khí thế hào sảng, ngút trời của quân ta.
  • Thực thi chính sách nhân nghĩa “Thần vũ chẳng giết hại…nghỉ sức”. Đây là cách ứng xử vừa nhân đạo vừa khôn khéo của nghĩa quân Lam Sơn, nó vừa khiến ta thấy được tính chất chính nghĩa của nghĩa quân vừa là sự chuẩn bị cần thiết cho chính sách ngoại giao sau này.

→ Nghệ thuật đối lập đã thể hiện rõ những nét đối cực trong cuộc chiến giữa ta và địch, từ tính chất cuộc chiến cho đến khí thế, sức mạnh, những chiến công và cách ứng xử

→ Niềm tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc của tác giả.

d. Niềm tin, ý chí.

– Giọng điệu trang trọng, hào sảng cho thấy niềm tin và những suy tư sâu lắng của tác giả

– Sử dụng những hình ảnh về tương lai đất nước như “xã tắc từ đây vững bền, giang sơn từ đây đổi mới, thái bình vững chắc”, các hình ảnh của vũ trụ “kiền khôn, nhật nguyệt, ngàn thu sạch làu”

→ Đất nước, vũ trụ đang vận động theo hướng tươi sáng, tốt đẹp hơn.

→ Đây không chỉ là lời tuyên bố kết thúc còn là niềm tin tưởng, lạc quan về sự nghiệp xây dựng đất nước.

e. Nghệ thuật

– Sử dụng sáng tạo và thành công thể cáo

– Kết hợp hài hòa giữa yếu tố chính trị và yếu tố văn chương.

– Sử dụng các biện pháp liệt kê, phóng đại, đối lập,..

III. Kết bài:

  • Khái quát nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
  • Liên hệ với “Nam quốc sơn hà”, bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Phương pháp phân tích một bài thơ, đoạn thơ Cách phân tích thơ đạt điểm cao của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *