Nghị định 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập. Nghị định 78 có hiệu lực từ ngày 5/9/2013 và thay thế Nghị định 37/2007/NĐ-CP và 68/2011/NĐ-CP.
Quy định mới kê khai tài sản, thu nhập trong Nghị định 78/2013/NĐ-CP
Với mục đích minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập.
Theo quy định này, sẽ có 9 nhóm đối tượng phải thực hiện kê khai tài sản, thu nhập (quy định cũ là 11 nhóm đối tượng).
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định thêm các loại tài sản, thu nhập phải kê khai như:
- Tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi các cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài mà giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên.
- Các khoản nợ phải trả có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
- Tổng thu nhập trong năm.
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 78/2013/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 07 năm 2013 |
NGHỊ ĐỊNH 78/2013/NĐ-CP
VỀ MINH BẠCH TÀI SẢN, THU NHẬP
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13;
Theo đề nghị của Tổng thanh tra Chính phủ;
Chính phủ ban hành Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập,
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những quy định về minh bạch tài sản, thu nhập tại Mục 4 Chương II Luật phòng, chống tham nhũng, bao gồm việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai Bản kê khai; giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm; xác minh tài sản, thu nhập; xử lý vi phạm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong tổ chức thực hiện.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (sau đây gọi tắt là Người có nghĩa vụ kê khai) được quy định tại Điều 7 Nghị định này; cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc kê khai, công khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập, xử lý vi phạm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Kê khai tài sản, thu nhập” là việc ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, nguồn gốc tài sản tăng thêm theo Mẫu “Bản kê khai tài sản, thu nhập” ban hành kèm theo Nghị định này.
2. “Công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập” là việc công bố thông tin trong Bản kê khai tài sản, thu nhập (sau đây gọi tắt là Bản kê khai) bằng những hình thức được quy định tại Nghị định này.
3. “Giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm” là việc tự giải thích, chứng minh của Người có nghĩa vụ kê khai về việc hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm so với lần kê khai trước đó.
4. “Xác minh tài sản, thu nhập” là việc xem xét, đánh giá, kết luận của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về tính trung thực, chính xác của việc kê khai tài sản, thu nhập theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định này.
Điều 4. Mục đích, nguyên tắc kê khai tài sản, thu nhập
1. Mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.
2. Người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm tự kê khai các thông tin theo quy định tại mẫu Bản kê khai và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai.
3. Tài sản, thu nhập phải kê khai là tài sản, thu nhập thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng của bản thân, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên tại thời điểm hoàn thành Bản kê khai.
4. Giá trị tài sản, thu nhập kê khai được tính bằng tiền phải trả khi mua, khi nhận chuyển nhượng, xây dựng hoặc giá trị ước tính khi được cho, tặng, thừa kế.
Điều 5. Trách nhiệm của Người có nghĩa vụ kê khai
1. Kê khai trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn các thông tin về số lượng, giá trị tài sản, thu nhập và những biến động về tài sản, thu nhập phải kê khai theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định này.
2. Giải trình trung thực, đầy đủ, kịp thời về các nội dung liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập; nguồn gốc tài sản tăng thêm khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền.
3. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập.
4. Thực hiện quyết định xử lý vi phạm quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền.
Điều 6. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời; tẩu tán tài sản; che dấu thu nhập dưới mọi hình thức.
2. Khai thác, sử dụng trái pháp luật Bản kê khai; lợi dụng việc minh bạch tài sản, thu nhập để gây mất đoàn kết nội bộ; gây khó khăn, cản trở việc xác minh tài sản, thu nhập; xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của người được xác minh hoặc để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
3. Cố ý làm sai lệch nội dung, hủy hoại Bản kê khai.
4. Làm sai lệch hồ sơ, kết quả xác minh; tiết lộ thông tin của hồ sơ xác minh tài sản, thu nhập khi chưa được phép của người có thẩm quyền.
Chương 2.
KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP
Điều 7. Người có nghĩa vụ kê khai
1. Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
2. Cán bộ, công chức từ Phó trưởng phòng của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
3. Sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó tiểu đoàn trưởng, người hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó tiểu đoàn trưởng trở lên trong Quân đội nhân dân; sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó tiểu đoàn trưởng, Phó trưởng công an phường, thị trấn, Phó đội trưởng trở lên trong Công an nhân dân.
4. Người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên tại bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ quan báo, tạp chí, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
5. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề của Nhà nước.
6. Thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, người giữ chức danh quản lý tương đương từ Phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp nhà nước, người là đại diện phần vốn của Nhà nước, phần vốn của doanh nghiệp nhà nước và giữ chức danh quản lý từ Phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp nhà nước.
7. Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự, cán bộ địa chính, xây dựng, tài chính, tư pháp – hộ tịch xã, phường, thị trấn.
8. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm toán viên nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên nhà nước.
9. Người không giữ chức vụ quản lý trong các cơ quan nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong các lĩnh vực quy định tại Danh mục ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 8. Tài sản, thu nhập phải kê khai.
1. Các loại nhà, công trình xây dựng:
a) Nhà, công trình xây dựng khác đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu;
b) Nhà, công trình xây dựng khác chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên người khác;
c) Nhà, công trình xây dựng khác đang thuê hoặc đang sử dụng thuộc sở hữu của Nhà nước.
2. Các quyền sử dụng đất:
a) Quyền sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng;
b) Quyền sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên người khác.
3. Tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi các cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài mà giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên.
4. Tài sản ở nước ngoài.
5. Ô tô, mô tô, xe máy, tầu, thuyền và những động sản khác mà Nhà nước quản lý (theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký) có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
6. Kim loại quý, đá quý, cổ phiếu, các loại giấy tờ có giá trị chuyển nhượng khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
7. Các khoản nợ phải trả có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
8. Tổng thu nhập trong năm.
Điều 9. Trình tự, thủ tục kê khai, tiếp nhận Bản kê khai
1. Hàng năm, chậm nhất là ngày 30 tháng 11, đơn vị, bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ lập danh sách Người có nghĩa vụ kê khai trình người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phê duyệt; gửi mẫu Bản kê khai, hướng dẫn và yêu cầu Người có nghĩa vụ kê khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được mẫu Bản kê khai, việc kê khai phải được hoàn thành và nộp về cho đơn vị, bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Bản kê khai, đơn vị, bộ phận phụ trách công tác tổ chức cán bộ kiểm tra tính đầy đủ các nội dung phải kê khai; trường hợp Bản kê khai chưa đúng quy định (theo mẫu) thì yêu cầu kê khai lại, thời hạn kê khai lại là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Đơn vị, bộ phận phụ trách công tác tổ chức cán bộ lưu bản chính hoặc bản sao theo thẩm quyền, gửi 01 bản sao đến cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi sẽ công khai Bản kê khai để thực hiện việc công khai theo quy định.
4. Việc kê khai tài sản, thu nhập phải hoàn thành chậm nhất là ngày 31 tháng 12 hằng năm.
Điều 10. Quản lý, sử dụng Bản kê khai
1. Bản kê khai được lưu cùng hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức; Người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm lưu giữ bản sao Bản kê khai của mình; đối với Người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện cấp ủy quản lý (theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ) thì đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ sao y 02 bản, nộp bản gốc cho ban tổ chức cấp ủy cùng cấp, lưu 01 bản sao tại đơn vị mình, gửi 01 bản sao cho cơ quan kiểm tra cấp ủy cùng cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ (để phục vụ công tác giám sát và xác minh theo quy định).
Khi Người có nghĩa vụ kê khai được điều động sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì Bản kê khai của người đó phải được chuyển giao cùng hồ sơ cán bộ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mới. Khi Người có nghĩa vụ kê khai nghỉ hưu, thôi việc thì Bản kê khai của người đó được lưu giữ theo quy định về quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức.
2. Bản kê khai được sử dụng trong các trường hợp sau:
a) Phục vụ cho việc bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, kỷ luật đối với Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập;
b) Phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền trong việc công khai, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xác minh, kết luận, xử lý về hành vi tham nhũng;
c) Phục vụ yêu cầu khác liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ.
Điều 11. Thủ tục khai thác, sử dụng Bản kê khai
1. Khi cần khai thác, sử dụng Bản kê khai đã lưu cùng hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, người thực hiện việc khai thác, sử dụng phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu khai thác, sử dụng, trong đó ghi rõ họ, tên, chức vụ của người đến khai thác, sử dụng và mục đích của việc khai thác, sử dụng.
2. Việc khai thác, sử dụng Bản kê khai được tiến hành tại cơ quan quản lý Bản kê khai; nếu cần thiết phải khai thác, sử dụng tại nơi khác thì phải được sự đồng ý của người có thẩm quyền quản lý Người có nghĩa vụ kê khai và phải có biên bản giao nhận Bản kê khai.
3. Việc khai thác, sử dụng Bản kê khai phải phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định này.
Điều 12. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc kê khai, công khai, quản lý Bản kê khai
1. Tổ chức, chỉ đạo việc kê khai, công khai kịp thời, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định này.
2. Chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định về kê khai, công khai Bản kê khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý theo quy định của pháp luật.
3. Chỉ đạo việc quản lý, sử dụng, khai thác Bản kê khai theo quy định.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị định 78/2013/NĐ-CP Minh bạch tài sản, thu nhập của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.