Bạn đang xem bài viết ✅ Nghị định 70/2023/NĐ-CP Một số thay đổi trong thủ tục xác định nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Ngày 18/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo đó quy định mới về thời gian báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

  • So với Nghị định 152/2020/NĐ-CP thì Nghị định 70/2023/NĐ-CP đã rút ngắn thời gian báo cáo giải trình xuống còn ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài.
  • Đồng thời, trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài về vị trí, chức danh công việc, hình thức làm việc, số lượng, địa điểm thì phải báo cáo trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài. (Trước đây là ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài)

CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 70/2023/NĐ-CP

Hà Nội ngày 18 tháng 9 năm 2023

NGHỊ ĐỊNH 70/2023/NĐ-CP

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 152/2020/NĐ-CP NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 2020 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM VÀ TUYỂN DỤNG, QUẢN LÝ NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM LÀM VIỆC CHO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 20 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

1. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 3 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 3 như sau:

“a) Tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.”.

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 3 như sau:

“5. Giám đốc điều hành là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Người đứng đầu và trực tiếp điều hành ít nhất một lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.”.

c) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 6 Điều 3 như sau:

“a) Được đào tạo ít nhất 1 năm và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:

“Điều 4. Sử dụng người lao động nước ngoài

1. Xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài

a) Trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài về vị trí, chức danh công việc, hình thức làm việc, số lượng, địa điểm thì người sử dụng lao động phải báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo Mẫu số 02/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài.

b) Trường hợp người lao động nước ngoài quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 8 Điều 154 của Bộ luật Lao động và các khoản 1, 2, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 Điều 7 Nghị định này thì người sử dụng lao động không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

c) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, việc thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập trong thời gian ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc. Nội dung thông báo tuyển dụng bao gồm: vị trí và chức danh công việc, mô tả công việc, số lượng, yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, mức lương, thời gian và địa điểm làm việc. Sau khi không tuyển được người lao động Việt Nam vào các vị ví tuyển dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc theo Mẫu số 03/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.”.

Tham khảo thêm:   Sáng kiến kinh nghiệm: Giúp trẻ mẫu giáo làm quen với chữ cái Mẫu sáng kiến kinh nghiệm cấp Mầm non

3. Bổ sung khoản 3 Điều 6 như sau:

“3. Trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc, người sử dụng lao động phải báo cáo qua môi trường điện tử về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài đến làm việc theo Mẫu số 17/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.”.

4. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 7 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 của Điều 7 như sau:

“6. Được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy hoặc làm nhà quản lý, giám đốc điều hành tại cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam; các cơ sở, tổ chức được thành lập theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 14 Điều 7 như sau:

“14. Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các công việc sau:

a) Giảng dạy, nghiên cứu;

b) Làm nhà quản lý, giám đốc điều hành, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam.”.

5. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 9 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 như sau:

“1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo Mẫu số 11/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều địa điểm thì trong văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động phải liệt kê đầy đủ các địa điểm làm việc.”

b) Sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 4 Điều 9 như sau:

“a) Giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành theo quy định tại khoản 4, 5 Điều 3 Nghị định này bao gồm 3 loại giấy tờ sau:

Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận thành lập hoặc quyết định thành lập hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương;

Nghị quyết hoặc Quyết định bổ nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

b) Giấy tờ chứng minh chuyên gia, lao động kỹ thuật theo quy định tại khoản 3, 6 Điều 3 Nghị định này bao gồm 2 loại giấy tờ sau:

Văn bằng hoặc chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận;

Văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về số năm kinh nghiệm của chuyên gia, lao động kỹ thuật hoặc giấy phép lao động đã được cấp hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã được cấp.”.

c) Sửa đổi, bổ sung tên khoản 8 Điều 9 như sau:

“8. Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài trừ trường hợp người lao động nước ngoài quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định này.”.

d) Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 8 Điều 9 như sau:

“e) Đối với người lao động nước ngoài làm việc theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 Nghị định này thì phải có văn bản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam và phù hợp với vị trí công việc dự kiến làm việc hoặc giấy tờ chứng minh là nhà quản lý theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này.”.

đ) Bổ sung điểm c khoản 9 Điều 9 như sau:

“c) Đối với người lao động nước ngoài là chuyên gia, lao động kỹ thuật đã được cấp giấy phép lao động và đã được gia hạn một lần mà có nhu cầu tiếp tục làm việc với cùng vị trí công việc và chức danh công việc ghi trong giấy phép lao động thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động mới gồm các giấy tờ quy định tại khoản 1, 2, 5, 6, 7, 8 Điều này và bản sao giấy phép lao động đã được cấp.”.

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 11 như sau:

“2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo Mẫu số 12/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Giấy phép lao động có kích thước khổ A4 (21 cm x 29,7 cm), gồm 2 trang: trang 1 có màu xanh; trang 2 có nền màu trắng, hoa văn màu xanh, ở giữa có hình ngôi sao. Giấy phép lao động được mã số như sau: mã số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và mà số Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo Mẫu số 16/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; 2 chữ số cuối của năm cấp giấy phép; loại giấy phép (cấp mới ký hiệu 1; gia hạn ký hiệu 2; cấp lại ký hiệu 3); số thứ tự (từ 000.001).

Trường hợp giấy phép lao động là bản điện tử thì phải phù hợp với quy định của pháp luật liên quan và đáp ứng nội dung theo Mẫu số 12/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.”.

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12 như sau:

“3. Thay đổi một trong các nội dung sau: họ và tên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa điểm làm việc, đổi tên doanh nghiệp mà không thay đổi mã số doanh nghiệp ghi trong giấy phép lao động còn thời hạn.”.

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 17 như sau:

“Một trong các giấy tờ quy định tại khoản 8 Điều 9 Nghị định này chứng minh người lao động nước ngoài tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động theo nội dung giấy phép lao động đã được cấp trừ trường hợp người lao động nước ngoài làm việc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định này.”.

9. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 22 như sau:

“b) Tổ chức được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.”.

10. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 27 như sau:

“b) Tổ chức được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu thực hiện việc tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thì báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.”.

Tham khảo thêm:   Đáp án trắc nghiệm tập huấn môn Giáo dục công dân 9 sách Cánh diều Tập huấn sách giáo khoa lớp 9 năm 2024 - 2025

11. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 30 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 30 như sau:

“a) Thực hiện chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động; cấp, cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:

Làm việc cho người sử dụng lao động quy định tại điểm g khoản 2 Điều 2 và người sử dụng lao động quy định tại điểm c, d, e khoản 2 Điều 2 Nghị định này do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cho phép thành lập;

Làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.”.

b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 30 như sau:

“c) Thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về tuyển dụng, quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ trung ương đến địa phương và quản lý người Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.”.

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 30 như sau:

“3. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng:

a) Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền quản lý người lao động nước ngoài, người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo an ninh, trật tự địa bàn các vùng chiến lược, trọng điểm, địa bàn xung yếu về quốc phòng.

b) Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng phối hợp với các lực lượng chức năng quản lý, kiểm tra người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam và người lao động nước ngoài vào làm việc ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh, biên giới quốc gia của Tổ quốc.”.

d) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 30 như sau:

“a) Định kỳ hằng tháng cung cấp thông tin về người lao động nước ngoài được cấp thị thực ký hiệu gồm: DN1, DN2, LV1, LV2, LĐ1, LĐ2, ĐT1, ĐT2, ĐT3, ĐT4 vào làm việc cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tới Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;”.

đ) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 6 Điều 30 như sau:

“a) Thực hiện chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động; cấp, cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:

Làm việc cho người sử dụng lao động quy định tại điểm a, b, h, i, k, l khoản 2 Điều 2 và cơ quan, tổ chức quy định tại điểm c, d, e khoản 2 Điều 2 Nghị định này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập;

Làm việc cho người sử dụng lao động tại nhiều địa điểm trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.”.

12. Sửa đổi, bổ sung một số mẫu như sau:

a) Sửa đổi Mẫu số 01/PLI; Mẫu số 02/PLI; Mẫu số 07/PLI; Mẫu số 08/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thành Mẫu số 01/PLI; Mẫu số 02/PLI; Mẫu số 07/PLI; Mẫu số 08/PLI Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bổ sung Mẫu số 16/PLI và Mẫu số 17/PL1 vào Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.

13. Thay thế, bổ sung một số từ, cụm từ tại các điểm, khoản, điều, phụ lục sau đây:

a) Thay thế cụm từ “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” tại khoản 1 Điều 5 bằng cụm từ “Sở Lao động – Thương binh và Xã hội”; Thay thế cụm từ “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo” bằng cụm từ “Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị” tại khoản 2 Điều 5;

b) Thay thế cụm từ “khoản 4, 6 và 8 Điều 154” bằng cụm từ “khoản 4 và khoản 6 Điều 154” và cụm từ “3 ngày” thành cụm từ “3 ngày làm việc” tại khoản 2 Điều 8;

c) Thay thế cụm từ “dịch ra tiếng Việt và có chứng thực” bằng cụm từ “dịch ra tiếng Việt và công chứng hoặc chứng thực” tại điểm e khoản 3 Điều 8;

d) Thay thế cụm từ “dịch ra tiếng Việt và chứng thực” bằng cụm từ “dịch ra tiếng Việt và công chứng hoặc chứng thực” tại khoản 10 Điều 9 và khoản 4 Điều 23;

đ) Thay thế cụm từ “Giấy tờ quy định tại khoản 3 và 4 Điều này” bằng cụm từ “Giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều này” tại khoản 5 Điều 13;

e) Thay thế cụm từ “dịch ra tiếng Việt” bằng cụm từ “dịch ra tiếng Việt và công chứng hoặc chứng thực” tại khoản 5 Điều 13 và khoản 8 Điều 17;

g) Thay thế cụm từ “Bản sao có chứng thực hộ chiếu” bằng cụm từ “Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc bản sao hộ chiếu có xác nhận của người sử dụng lao động” tại điểm d khoản 3 Điều 8; khoản 7 Điều 9 và khoản 5 Điều 17;

h) Thay thế cụm từ “20. Mức lương:…..VNĐ” bằng cụm từ “20. Lương bình quân/tháng:…..triệu đồng” tại Mẫu số 11/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP;

i) Thay thế cụm từ “Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố………” bằng cụm từ “Sở Lao động – Thương binh và Xã hội…” tại Mẫu số 03/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP;

k) Thay thế cụm từ “Cục trưởng/Chủ tịch UBND cấp tỉnh” bằng cụm từ “Cục trưởng/Giám đốc”, cụm từ “Theo đề nghị tại văn bản số” thành cụm từ “Theo đề nghị và các nội dung thông tin cung cấp tại văn bản số” tại Mẫu số 03/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP;

l) Thay thế cụm từ “Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố…” bằng cụm từ “Sở Lao động – Thương binh và Xã hội…” tại Mẫu số 04/PLI, Mẫu số 05/PLI, Mẫu số 06/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP;

m) Thay thế cụm từ “TM. UBND tỉnh, thành phố…/Chủ tịch” bằng cụm từ “Giám đốc” tại Mẫu số 06/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.

n) Bổ sung cụm từ “(Doanh nghiệp/tổ chức) xin cam đoan những thông tin nêu trên là đúng sự thật. Nếu sai, (doanh nghiệp/tổ chức) xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật” sau mục 24 Mẫu số 09/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.

o) Bổ sung cụm từ “Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an)” tại mục “Nơi nhận” Mẫu số 13/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.

14. Bãi bỏ một số điểm, khoản sau:

a) Bãi bỏ khoản 4 Điều 13;

b) Bãi bỏ điểm c, d, đ khoản 5 và điểm g khoản 6 Điều 30;

Tham khảo thêm:   Tiếng Anh 10 Unit 8: Looking Back Soạn Anh 10 trang 94 sách Kết nối tri thức với cuộc sống

c) Bãi bỏ điểm a khoản 6a Điều 30 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Điều 2. Bãi bỏ một số quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế

1. Bãi bỏ đoạn mở đầu “Cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế” và cụm từ “tiếp nhận báo cáo tình hình sử dụng người lao động nước ngoài” tại điểm đ khoản 2 Điều 68.

2. Bãi bỏ đoạn “tiếp nhận báo cáo giải trình của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế về nhu cầu sử dụng người nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người Việt Nam chưa đáp ứng được” tại điểm c khoản 3 Điều 68.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 9 năm 2023.

2. Điều khoản chuyển tiếp:

Đối với báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động; cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động mà người sử dụng lao động nước ngoài đã nộp cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: VT, KGVX (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

PHỤ LỤC

(Kèm theo Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ)

Mẫu số 01/PLI

Về việc giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

Mẫu số 02/PLI

Về việc giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

Mẫu số 07/PLI

Báo cáo tình hình sử dụng người lao động nước ngoài.

Mẫu số 08/PLI

Báo cáo tình hình người lao động nước ngoài.

Mẫu số 16/PLI

Mã số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và mã số Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Mẫu số 17/PLI

Báo cáo tình hình người lao động nước ngoài đến làm việc.

Mẫu số 01/PLI

TÊN DOANH NGHIỆP/TỔ CHỨC
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ………
V/v giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài

…, ngày … tháng … năm …

Kính gửi: ……………..(1)……………..

Thông tin về doanh nghiệp/tổ chức: tên, mã số doanh nghiệp/số giấy phép thành lập hoặc đăng ký, cơ quan/tổ chức thành lập, loại hình doanh nghiệp/tổ chức (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài/doanh nghiệp trong nước/cơ quan, tổ chức/nhà thầu), tổng số lao động đang làm việc tại doanh nghiệp/tổ chức, trong đó số lao động nước ngoài đang làm việc, địa chỉ, điện thoại, fax, email, website, thời hạn của giấy phép kinh doanh/hoạt động, lĩnh vực kinh doanh/hoạt động có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, người nộp hồ sơ của doanh nghiệp/tổ chức để liên hệ khi cần thiết (số điện thoại, email).

Báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài như sau:

1. Vị trí công việc 1: (Lựa chọn 1 trong 4 vị trí công việc: nhà quản lý/giám đốc điều hành/chuyên gia/lao động kỹ thuật).

(i) Chức danh công việc (do doanh nghiệp/tổ chức tự kê khai, ví dụ: kế toán, giám sát công trình…):

(ii) Số lượng (người):

(iii) Thời hạn làm việc (từ ngày/tháng/năm đến ngày/tháng/năm):

(iv) Hình thức làm việc (2):

(v) Địa điểm làm việc (liệt kê cụ thể các địa điểm (nếu có) và ghi rõ từng địa điểm theo thứ tự: số nhà, đường phố, xóm, làng; xã/phường/thị trấn; quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh; tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương):

(vi) Lý do sử dụng người lao động nước ngoài:

– Tình hình sử dụng người lao động nước ngoài tại vị trí công việc 1 (nếu có) (3):

– Mô tả vị trí công việc, chức danh công việc:

– Yêu cầu về trình độ:

– Yêu cầu về kinh nghiệm:

– Yêu cầu khác (nếu có):

– Lý do không tuyển được người Việt Nam vào vị trí dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài (4)

  1. Vị trí công việc 2: (nếu có) (liệt kê giống mục 1 nêu trên)
  2. Vị trí công việc 3:… (nếu có) (liệt kê giống mục 1 nêu trên)

(Doanh nghiệp/tổ chức) xin cam đoan những thông tin nêu trên là đúng sự thật. Nếu sai, (doanh nghiệp/tổ chức) xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đề nghị …. (5) xem xét và chấp thuận.

Xin trân trọng cảm ơn./.


Nơi nhận:
– Như trên;
– Lưu: ………..

ĐẠI DIỆN DOANH NGHIỆP/TỔ CHỨC
(Ký và ghi rõ họ tên, đóng dấu)

……………

Tải file tài liệu để xem thêm Nghị định 70/2023/NĐ-CP

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị định 70/2023/NĐ-CP Một số thay đổi trong thủ tục xác định nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *