Bạn đang xem bài viết ✅ Nghị định 17/2023/NĐ-CP Hướng dẫn mới về quyền tác giả ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Ngày 26/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó đề cập đến các dạng hành vi xâm phạm quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình.

Theo đó, hành vi xâm phạm quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

– Xâm phạm quyền sao chép toàn bộ hoặc một phần bản ghi âm, ghi hình:

  • Nhân bản, sao chép, trích, ghép toàn bộ hoặc một phần bản ghi âm, ghi hình mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật;
  • Trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 30 và Điều 32 Luật Sở hữu trí tuệ.

– Xâm phạm quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng bản gốc, bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới dạng hữu hình:

  • Phân phối, nhập khẩu để phân phối bản gốc, bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới dạng hữu hình mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật;
  • Trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 30 và Điều 32 Luật Sở hữu trí tuệ.

CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 17/2023/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2023

NGHỊ ĐỊNH 17/2023/NĐ-CP

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỀ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 (sau đây gọi chung là Luật Sở hữu trí tuệ) về quyền tác giả, quyền liên quan.

2. Nghị định này không quy định biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền trong trường hợp Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, Nhà nước đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; trường hợp thuộc giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan thì thực hiện theo quy định tại Điều 35 của Nghị định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với:

1. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan.

3. Cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tác phẩm di cảo là tác phẩm được công bố lần đầu sau khi tác giả chết.

2. Tác phẩm khuyết danh là tác phẩm không có hoặc chưa có tên tác giả (tên khai sinh hoặc bút danh) trên tác phẩm khi công bố.

3. Định hình là sự biểu hiện bằng chữ viết, các ký tự khác, đường nét, hình khối, bố cục, màu sắc, âm thanh, hình ảnh hoặc sự tái hiện âm thanh, hình ảnh dưới dạng vật chất nhất định để từ đó có thể nhận biết, sao chép hoặc truyền đạt.

4. Bản gốc tác phẩm là bản được tồn tại dưới dạng vật chất mà trên đó việc sáng tạo tác phẩm được định hình lần đầu tiên.

5. Bản sao của tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

6. Bản ghi âm, ghi hình là bản định hình các âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác hoặc việc định hình sự tái hiện lại các âm thanh, hình ảnh không phải dưới hình thức định hình gắn với tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự. Bản ghi âm, ghi hình có thể là bản ghi nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; bản ghi chương trình biểu diễn nghệ thuật; bản ghi lại hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế.

7. Bản sao của bản ghi âm, ghi hình là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

8. Công bố tác phẩm, cuộc biểu diễn đã định hình, bản ghi âm, ghi hình là việc phát hành với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan bản sao tác phẩm, cuộc biểu diễn đã định hình, bản ghi âm, ghi hình dưới bất kỳ hình thức nào với số lượng hợp lý đủ để công chúng tiếp cận được tùy theo bản chất của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình. Tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm kiến trúc được coi là đã công bố nếu tác phẩm đó được đặt tại nơi công cộng với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả cho công chúng tiếp cận và có thể sao chép.

Việc biểu diễn tác phẩm sân khấu, âm nhạc; trình chiếu tác phẩm điện ảnh; đọc trước công chúng tác phẩm văn học; phát sóng tác phẩm văn học, nghệ thuật; trưng bày tác phẩm mỹ thuật; xây dựng công trình từ tác phẩm kiến trúc chưa được coi là công bố tác phẩm.

9. Tác phẩm của tổ chức, cá nhân nước ngoài được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam là tác phẩm chưa được công bố ở bất kỳ nước nào khác trước khi công bố tại Việt Nam.

10. Tác phẩm của tổ chức, cá nhân nước ngoài được công bố đồng thời tại Việt Nam là tác phẩm được công bố tại Việt Nam trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở bất kỳ nước nào khác.

11. Tái phát sóng là việc truyền dẫn phát sóng lại sau thời gian phát sóng hoặc tiếp sóng chương trình cùng thời gian phát sóng của một tổ chức phát sóng.

12. Tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa là tín hiệu vệ tinh mang chương trình được truyền đi mà một trong hai đặc tính âm thanh, hình ảnh hoặc cả hai đặc tính này đã được biến đổi, thay đổi nhằm mục đích ngăn cản những người không có thiết bị giải mã tín hiệu vệ tinh hợp pháp thu trái phép chương trình được truyền trong tín hiệu đó.

13. Quyền lợi vật chất khác là các lợi ích mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan được hưởng ngoài tiền bản quyền như việc nhận giải thưởng, nhận sách biếu khi xuất bản, nhận vé mời xem chương trình biểu diễn, trình chiếu tác phẩm điện ảnh, trưng bày, triển lãm tác phẩm.

14. Yếu tố xâm phạm là yếu tố được tạo ra từ hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

15. Hành vi bị xem xét là hành vi bị nghi ngờ xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và bị đưa ra xem xét nhằm kết luận đó có phải là hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hay không.

16. Đối tượng bị xem xét là đối tượng bị nghi ngờ xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và bị đưa ra xem xét nhằm kết luận đó có phải là đối tượng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hay không.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan

1. Hỗ trợ tài chính để mua bản quyền cho các cơ quan, tổ chức nhà nước có nhiệm vụ phổ biến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có giá trị tư tưởng, khoa học, giáo dục và nghệ thuật phục vụ lợi ích công cộng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

2. Ưu tiên đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức làm công tác quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa phương.

3. Ưu tiên đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

4. Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Tăng cường giáo dục kiến thức về quyền tác giả, quyền liên quan trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo.

5. Huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động khuyến khích sáng tạo, khai thác, chuyển giao, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nâng cao năng lực hệ thống bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

6. Ưu đãi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; thúc đẩy thực hiện việc chuyển đổi định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận tác phẩm.

Tham khảo thêm:   Viết đoạn văn nêu lí do em thích một câu chuyện về tình cảm gia đình hoặc tình bạn Luyện tập viết đoạn văn nêu lí do thích một câu chuyện - Tiếng Việt 4 CTST

Điều 5. Trách nhiệm và nội dung quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan, có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan;

b) Chủ trì, phối hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Nhà nước và xã hội trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan;

c) Quản lý, khai thác quyền tác giả đối với tác phẩm, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu hoặc đại diện quản lý; nhận chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức, cá nhân cho Nhà nước theo quy định của pháp luật;

d) Chấp thuận việc sử dụng tác phẩm khuyết danh; tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã công bố của tổ chức, cá nhân Việt Nam trong trường hợp không thể tìm được hoặc không xác định được chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan;

đ) Hướng dẫn việc cung cấp, hợp tác, đặt hàng, sử dụng và đảm bảo quyền tác giả đối với tác phẩm, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng;

e) Chấp thuận việc dịch tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại theo quy định tại Phụ lục Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật;

g) Quản lý hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan;

h) Phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền do tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan xây dựng;

i) Cấp, cấp lại, cấp đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan;

k) Lập và quản lý Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan; chứng thực bản quyền;

l) Xuất bản và phát hành Niên giám đăng ký về quyền tác giả, quyền liên quan;

m) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan quản lý, chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ về quyền tác giả, quyền liên quan; khen thưởng về quyền tác giả, quyền liên quan;

n) Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật, cơ chế, chính sách về quyền tác giả, quyền liên quan; hướng dẫn nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về quyền tác giả, quyền liên quan;

o) Tổ chức hoạt động thống kê về quyền tác giả, quyền liên quan và các ngành công nghiệp văn hóa được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan;

p) Tổ chức hoạt động thông tin, truyền thông về quyền tác giả, quyền liên quan và các ngành công nghiệp văn hóa được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan;

q) Quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động giám định về quyền tác giả, quyền liên quan; cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan; Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan;

r) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan;

s) Thực hiện hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán, ký kết, gia nhập và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan; đề xuất xử lý các vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và các quốc gia khác về quyền tác giả, quyền liên quan;

t) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chính phủ giao.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương, có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật, cơ chế, chính sách về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương. Chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học, hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương;

c) Tổ chức các hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương; thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân về quyền tác giả, quyền liên quan; tổ chức thực hiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này;

d) Hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tiến hành các thủ tục về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương;

đ) Thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo, vi phạm các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương;

e) Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

5. Cục Bản quyền tác giả là cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.

Chương II

QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Mục 1. QUYỀN TÁC GIẢ

Điều 6. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

1. Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ:

a) Tác phẩm văn học, khoa học và tác phẩm khác thể hiện dưới dạng chữ viết bao gồm: Tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn; bút ký, ký sự, tùy bút, hồi ký; thơ, trường ca; kịch bản; công trình nghiên cứu văn hoá, văn học, nghệ thuật, khoa học và các bài viết khác;

b) Sách giáo khoa là tác phẩm được xuất bản, cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng làm tài liệu dạy học chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông;

c) Giáo trình là tài liệu giảng dạy, học tập, nghiên cứu chính có nội dung phù hợp với chương trình đào tạo, bồi dưỡng được người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp duyệt, lựa chọn hoặc được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;

d) Tác phẩm thể hiện dưới dạng ký tự khác là tác phẩm thể hiện bằng chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu tốc ký và các ký hiệu tương tự thay cho chữ viết mà cá nhân, tổ chức tiếp cận có thể hiểu và sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau.

2. Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.

3. Tác phẩm báo chí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.

4. Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.

5. Tác phẩm sân khấu quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm: Chèo, tuồng, cải lương, múa, múa rối, múa đương đại, ba lê, kịch nói, opera, kịch dân ca, kịch hình thể, nhạc kịch, xiếc, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

6. Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm có nội dung, được biểu hiện bằng hình ảnh động liên tiếp hoặc hình ảnh do các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tạo ra; có hoặc không có âm thanh và các hiệu ứng khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh. Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh là một phần của tác phẩm điện ảnh đó.

Tác phẩm điện ảnh không bao gồm bản ghi hình nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử; bản ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế.

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 12: Đoạn văn trình bày quan điểm Tri thức con học được sẽ là vũ khí trong tay Viết đoạn văn 200 chữ hay nhất

7. Tác phẩm mỹ thuật quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục bao gồm:

a) Hội họa: Tranh sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu, màu nước, giấy dó và các chất liệu khác;

b) Đồ họa: Tranh khắc gỗ, khắc kim loại, khắc cao su, khắc thạch cao, in độc bản, in đá, in lưới, tranh cổ động, thiết kế đồ họa và các chất liệu khác;

c) Điêu khắc: Tượng, tượng đài, phù điêu, đài, khối biểu tượng;

d) Nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện nghệ thuật đương đại khác.

Tác phẩm hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức nghệ thuật đương đại khác tồn tại dưới dạng độc bản. Tác phẩm đồ họa có thể được thể hiện tới phiên bản thứ 50, được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả.

8. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp bao gồm: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, bộ nhận diện và bao bì sản phẩm; hình thức thể hiện của nhân vật); thiết kế thời trang; thiết kế mang tính mỹ thuật gắn liền với tạo dáng sản phẩm; thiết kế nội thất, trang trí nội thất, ngoại thất mang tính mỹ thuật. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được thể hiện dưới dạng tạo dáng sản phẩm mang tính mỹ thuật, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực tương ứng và không bao gồm tạo dáng bên ngoài của sản phẩm bắt buộc phải có để thực hiện chức năng của sản phẩm.

9. Tác phẩm nhiếp ảnh quy định tại điểm h khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác. Tác phẩm nhiếp ảnh có thể có chú thích hoặc không có chú thích.

10. Tác phẩm kiến trúc quy định tại điểm i khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm thuộc loại hình kiến trúc, bao gồm:

a) Bản vẽ thiết kế kiến trúc về công trình hoặc tổ hợp các công trình, nội thất, phong cảnh;

b) Công trình kiến trúc.

11. Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ quy định tại điểm k khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, các loại công trình khoa học và kiến trúc.

12. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại điểm 1 khoản 1 Điều 14 và khoản 1 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ là các loại hình nghệ thuật ngôn từ;

b) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ là các loại hình nghệ thuật biểu diễn như chèo, tuồng, cải lương, múa rối, điệu hát, dân ca, làn điệu âm nhạc; điệu múa, dân vũ, vở diễn, trò chơi dân gian, lễ hội dân gian, hội làng, các hình thức nghi lễ dân gian khác.

Điều 7. Tác phẩm phái sinh

Tác phẩm phái sinh quy định tại khoản 2 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có, bao gồm:

1. Tác phẩm dịch là tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của tác phẩm được dịch.

2. Tác phẩm phóng tác là tác phẩm mô phỏng theo nội dung của tác phẩm được phóng tác, có thể được chuyển từ thể loại này sang thể loại khác hoặc sửa đổi trong cùng một thể loại, bao gồm cả sửa đổi bố cục tác phẩm để làm cho tác phẩm phù hợp với điều kiện khác nhau của việc khai thác, sử dụng.

3. Tác phẩm biên soạn là tác phẩm được soạn ra từ một phần hoặc toàn bộ các tác phẩm đã có theo chủ đề nhất định và có thể có bình luận, đánh giá.

4. Tác phẩm chú giải là tác phẩm được sáng tạo từ việc làm rõ nghĩa và nội dung một số từ, câu hoặc sự kiện, điển tích, địa danh nêu tại tác phẩm được chú giải.

5. Tác phẩm tuyển chọn là tác phẩm được chọn lọc từ các tác phẩm đã có của một hoặc nhiều tác giả theo thời gian hoặc chủ đề nhất định, bao gồm cả tác phẩm tuyển tập, hợp tuyển.

6. Tác phẩm cải biên là tác phẩm được soạn lại, viết lại, chuyển soạn lại hoặc thay đổi hình thức diễn đạt khác với tác phẩm được dùng để cải biên theo mục đích, yêu cầu nhất định trong trường hợp cụ thể.

7. Tác phẩm chuyển thể là tác phẩm được chuyển từ loại hình này sang loại hình khác hoặc tác phẩm được thể hiện bằng thủ pháp nghệ thuật khác với tác phẩm được chuyển thể trong cùng một loại hình.

Điều 8. Đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả

1. Tin tức thời sự thuần túy đưa tin quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật Sở hữu trí tuệ là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, tin vặt, số liệu sự thật, chỉ mang tính chất đưa tin, không có tính sáng tạo.

2. Văn bản hành chính quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật Sở hữu trí tuệ được hiểu như sau:

a) Quy trình là trình tự phải tuân theo để tiến hành công việc;

b) Hệ thống là tập hợp nhiều yếu tố, đơn vị cùng loại hoặc cùng chức năng, có quan hệ hoặc liên hệ với nhau chặt chẽ, làm thành một thể thống nhất;

c) Phương pháp là cách thức nghiên cứu, nhìn nhận các hiện tượng của tự nhiên và đời sống xã hội;

d) Khái niệm là ý nghĩ phản ánh ở dạng khái quát các sự vật và hiện tượng của hiện thực và những mối liên hệ giữa chúng;

đ) Nguyên lý là định luật cơ bản có tính chất tổng quát, chi phối một loạt hiện tượng, là những ý tưởng hoặc lý thuyết ban đầu quan trọng và được coi là xuất phát điểm cho việc xây dựng những lý thuyết khác.

Điều 9. Quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác

Trong trường hợp tác giả tự thực hiện việc định hình bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác dưới hình thức bản ghi âm, ghi hình, thì tác giả được hưởng quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác, đồng thời là chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Điều 10. Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh

1. Những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 21 của Luật Sở hữu trí tuệ có quyền đứng tên trên tác phẩm điện ảnh, được nêu tên khi tác phẩm điện ảnh được công bố, sử dụng. Trường hợp bắt buộc do cách thức sử dụng tác phẩm điện ảnh thì có thể không nêu tên toàn bộ diễn viên điện ảnh và người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Trường hợp thỏa thuận về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm điện ảnh theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 21 của Luật Sở hữu trí tuệ, biên kịch, đạo diễn không được lợi dụng quyền nhân thân của mình ngăn cản việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm phù hợp với các điều kiện về sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm điện ảnh.

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với kịch bản, tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong tác phẩm điện ảnh chỉ có thể cấm hành vi xuyên tạc kịch bản, tác phẩm âm nhạc hoặc sửa đổi, cắt xén kịch bản, tác phẩm âm nhạc gây phương hại đến danh dự, uy tín của họ.

3. Quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh quy định tại điểm e khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc cho thuê để khai thác, sử dụng có thời hạn.

Điều 11. Quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc

1. Tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ; chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Tác giả và tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sáng tạo tác phẩm kiến trúc có thể thỏa thuận về việc sửa chữa tác phẩm kiến trúc.

Điều 12. Quyền tác giả đối với chương trình máy tính

1. Tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ.

2. Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ; chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Tham khảo thêm:   Quyết định số 14/2008/QĐ-TTG về kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2020

3. Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp bản sao chương trình máy tính được sửa lỗi trên bản sao chương trình máy tính đó trong trường hợp cần thiết cho việc sử dụng.

4. Quyền cho thuê chương trình máy tính quy định tại điểm e khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc cho thuê để khai thác, sử dụng có thời hạn.

5. Quyền cho thuê đối với chương trình máy tính không áp dụng trong trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chủ yếu để cho thuê quy định tại điểm e khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ như chương trình máy tính gắn với việc vận hành bình thường các loại phương tiện giao thông hoặc các máy móc, thiết bị kỹ thuật khác.

Điều 13. Quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian

1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ được bảo hộ không phụ thuộc vào việc định hình.

2. Sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc sưu tầm, nghiên cứu, biểu diễn, giới thiệu giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.

3. Dẫn chiếu xuất xứ loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc chỉ ra nguồn gốc, địa danh của cộng đồng cư dân nơi tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian được hình thành.

Điều 14. Quyền nhân thân

1. Quyền đặt tên cho tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Việc đặt tên cho tác phẩm không được vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.

2. Quyền được nêu tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ áp dụng cả khi tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh. Khi công bố, sử dụng tác phẩm phái sinh phải nêu tên thật hoặc bút danh của tác giả của tác phẩm được dùng làm tác phẩm phái sinh.

3. Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc phát hành bản sao tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào với số lượng hợp lý đủ để công chúng tiếp cận được tùy theo bản chất của tác phẩm, do tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc do cá nhân, tổ chức khác thực hiện với sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

Điều 15. Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng

Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ được hiểu như sau:

1. Đối với tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ, tác phẩm thể hiện dưới dạng chữ viết quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ: Là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc thuyết trình, trình bày làm cho công chúng tiếp cận, cảm nhận được tác phẩm bằng thính giác nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm, bao gồm cả việc cảm nhận từ bên ngoài không gian nơi đang diễn ra việc thuyết trình, trình bày qua màn hình, loa hoặc thiết bị kỹ thuật tương tự.

2. Đối với tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ: Là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc biểu diễn làm cho công chúng tiếp cận, cảm nhận được tác phẩm bằng thính giác hoặc trình bày tác phẩm trên sân khấu cho công chúng nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm, bao gồm cả việc cảm nhận từ bên ngoài không gian nơi đang diễn ra việc biểu diễn qua màn hình, loa hoặc thiết bị kỹ thuật tương tự.

3. Đối với tác phẩm điện ảnh quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ: Là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc trình chiếu làm cho công chúng tiếp cận, cảm nhận được tác phẩm điện ảnh thông qua các phương tiện kỹ thuật nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm.

4. Đối với tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh quy định tại các điểm g và h khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ: Là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc triển lãm, trưng bày, trình chiếu để công chúng xem bản gốc hoặc bản sao của tác phẩm.

Điều 16. Quyền của đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả

1. Các đồng tác giả đồng thời là đồng chủ sở hữu quyền tác giả thỏa thuận về việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm theo quy định tại khoản 3 Điều 12a của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Các đồng tác giả không đồng thời là đồng chủ sở hữu quyền tác giả thì các đồng tác giả thỏa thuận về việc thực hiện quyền nhân thân, các đồng chủ sở hữu quyền tác giả thỏa thuận về việc thực hiện quyền tài sản đối với tác phẩm theo quy định tại khoản 3 Điều 45 và khoản 3 Điều 47 của Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Các đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả không được phản đối việc cho phép khai thác, sử dụng tác phẩm theo cách thông thường và vì lợi ích chung.

4. Đồng chủ sở hữu quyền tác giả có thể tuyên bố bằng văn bản về việc từ bỏ quyền của mình đối với tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ và thông báo cho các đồng chủ sở hữu quyền tác giả khác biết. Quyền của đồng chủ sở hữu quyền tác giả đã tuyên bố từ bỏ được tự động chuyển giao cho các đồng chủ sở hữu quyền tác giả khác.

Điều 17. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm di cảo

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm di cảo thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Điều 18. Chủ sở hữu quyền tác giả

Chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại Điều 36 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam.

3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam.

4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Mục 2. QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 19. Quyền của người biểu diễn

1. Quyền sao chép trực tiếp cuộc biểu diễn đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 29 của Luật Sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra các bản sao khác từ bản ghi âm, ghi hình đó.

2. Quyền sao chép gián tiếp cuộc biểu diễn đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 29 của Luật Sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra các bản sao khác không từ bản ghi âm, ghi hình đó như việc sao chép từ chương trình phát sóng, mạng thông tin điện tử, mạng viễn thông, mạng Internet và các hình thức tương tự khác.

3. Quyền truyền đạt đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 29 của Luật Sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc phổ biến cuộc biểu diễn chưa được định hình đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào ngoài phát sóng.

Điều 20. Sử dụng chương trình phát sóng

1. Chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44 của Luật Sở hữu trí tuệ là tổ chức phát sóng đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để phát sóng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Khi sử dụng các tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình để sản xuất chương trình phát sóng, tổ chức phát sóng phải thực hiện nghĩa vụ với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng khác theo quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 31 của Luật Sở hữu trí tuệ để tái phát sóng hoặc truyền qua cáp, trên mạng thông tin điện tử, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác thực hiện theo thỏa thuận và các quy định pháp luật liên quan. Việc sửa đổi, cắt xén, bổ sung chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng khác để tái phát sóng hoặc truyền qua cáp, trên mạng thông tin điện tử, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác phải có sự thỏa thuận với chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng.

………………

Tải file tài liệu để xem thêm nội dung Nghị định 17/2023/NĐ-CP

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị định 17/2023/NĐ-CP Hướng dẫn mới về quyền tác giả của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *