Bạn đang xem bài viết ✅ Hỏi đáp về sách giáo khoa lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống 14 câu hỏi về SGK lớp 2 năm 2021 – 2022 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Hỏi đáp về sách giáo khoa lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống gồm 14 câu hỏi thường gặp về sách Toán, Tiếng Việt, Giáo dục thể chất. Nhờ đó, sẽ giúp thầy cô hiểu hơn về bộ sách để soạn giáo án, cũng như giảng dạy hiệu quả trong năm học 2021 – 2022 sắp tới.

Ngoài ra, thầy cô có thể tham khảo thêm hỏi đáp SGK lớp 2 bộ Chân trời sáng tạo, cùng 33 câu hỏi đáp về Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy mời thầy cô cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Wikihoc.com:

Hỏi đáp về sách Toán lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Câu 1. Biên soạn SGK Toán 2 Kết nối tri thức với cuộc sống theo quan điểm, định hướng mới như thế nào?

– Bộ SGK môn Toán ở cấp Tiểu học nói chung và lớp 2 nói riêng được biên soạn đáp ứng các yêu cầu chung đối với SGK mới:

+ Tuân thủ định hướng đổi mới giáo dục phổ thông với trọng tâm là chuyển nền giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp HS hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực.

+ Bám sát các tiêu chuẩn SGK mới theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 22 tháng 12 năm 2017.

– Tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt trong SGK môn Toán của bộ sách này thể hiện qua thông điệp “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Với thông điệp này, các tác giả thể hiện quan điểm đổi mới SGK theo mô hình phát triển phẩm chất và năng lực của người học, nhưng không xem nhẹ vai trò của kiến thức. Kiến thức trong SGK không chỉ cần hiểu và ghi nhớ, mà phải là “chất liệu” quan trọng nhắm đến mục tiêu của giáo dục là giúp HS hình thành, phát triển các phẩm chất và năng lực mà các em cần có trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Theo cách tiếp cận đó, kiến thức được đưa vào sách bảo đảm:

1) phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và trải nghiệm của người học;

2) phản ánh những vấn đề của cuộc sống, trong đó chú ý cập nhật những thành tựu của khoa học và công nghệ, phù hợp nền tảng văn hoá và thực tiễn Việt Nam;

3) giúp người học vận dụng để giải quyết những vấn đề của cuộc sống từ các cấp độ và phương diện khác nhau: cá nhân và xã hội, tinh thần (đạo đức, giá trị nhân văn) và vật chất (kĩ năng, nghề nghiệp).

– SGK Toán 2 được biên soạn nhắm tới ba mục tiêu:

+ Giúp HS yêu thích môn Toán, hứng thú học Toán.

+ Giúp HS hiểu được ý nghĩa của việc học Toán và tính thực tiễn của toán học.

+ Giúp HS phát triển năng lực toán học: năng lực tư duy, phân tích, tổng hợp,…, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Câu 2. SGK Toán 2 Kết nối tri thức với cuộc sống có những điểm gì mới?

Trước hết phải khẳng định về nội dung cơ bản (so với SGK Toán 2 – Chương trình 2000) không có gì thay đổi. Sách Toán 2 Kết nối tri thức với cuộc sống vẫn giữ ổn định, kết thừa và phát huy những ưu điểm của Chương trình, SGK hiện hành theo định hướng đổi mới của Chương trình, SGK 2018 đối với môn Toán cấp Tiểu học đã quy định.

Sự khác biệt của Chương trình, SGK Toán 2 Kết nối tri thức với cuộc sống thể hiện chủ yếu ở cấu trúc nội dung và cách tiếp cận về phương pháp dạy học theo quan điểm, định hướng đã nêu ở Câu 1.

Một số điểm mới của SGK Toán 2 Kết nối tri thức với cuộc sống so với SGK Toán 2 hiện hành:

  • Về cấu trúc sách và cấu trúc bài học

– SGK Toán 2 thiết kế các nội dung theo chủ đề, mỗi chủ đề được biên soạn theo từng bài thay vì tiết học. Cách tiếp cận này sẽ giúp GV chủ động, linh hoạt hơn trong giảng dạy tuỳ theo thực tế của lớp học.

– Cấu trúc mỗi bài thường gồm các phần: Phần Khám phá giúp HS tìm hiểu kiến thức mới, phần Hoạt động giúp HS thực hành kiến thức ở mức độ cơ bản, phần Trò chơi giúp HS thực hành, củng cố kiến thức và phần Luyện tập giúp HS ôn tập, vận dụng và mở rộng kiến thức thông qua hệ thống các bài tập cơ bản và nâng cao.

  • Xây dựng tuyến nhân vật xuyên suốt

Tuyến nhân vật xuyên suốt được xây dựng giúp HS cảm thấy gần gũi và tương tác nhiều hơn với cuốn sách, bao gồm: hai chị em Mai, Mi và hai bạn Việt và Nam học cùng lớp Mai và bạn Rô-bốt, nhân vật đặc biệt rất thông minh và tinh nghịch. Các bạn nhỏ trong bộ sách sẽ lớn lên theo từng lớp và hi vọng sẽ trở thành những người bạn thân thiết của mỗi HS trong những năm tháng học trò.

  • Nội dung luôn được gắn với thực tiễn

Nhiều nội dung trong sách Toán 2 luôn gắn với thực tiễn nhằm giúp HS thấy sự gần gũi của toán học với cuộc sống hằng ngày, hiểu được ý nghĩa của việc học toán.

  • Hỗ trợ đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học

Các nội dung của cuốn sách được lồng ghép nhiều hoạt động, trò chơi toán học giúp GV cùng HS có thể trải nghiệm và tổ lớp học một cách đa dạng góp phần đổi mới phương pháp hình thức tổ chức dạy học.

  • Lồng ghép, tích hợp nội môn và liên môn

– Nhiều nội dung lồng ghép giữa ba mạch kiến thức nhằm giúp HS củng cố các kiến thức, kĩ năng toán học một cách vững chắc.

– Nhiều nội dung lịch sử, địa lí, văn học, văn hoá, đạo đức, khoa học và công nghệ được lồng ghép không chỉ giúp HS cảm thấy sự gần gũi của toán học mà còn tăng thêm hiểu biết, vốn sống cho các em. Ví dụ:

  • Minh hoạ sách được chú trọng

Do đặc thù của sách tiểu học đòi hỏi sách phải đẹp, hấp dẫn nên công tác minh hoạ đặc biệt được chú trọng. Nhiều hình minh hoạ trong sách được thiết kế có bối cảnh, đảm bảo nội dung toán học, có tính logic và thẩm mĩ cao, đồng thời còn ẩn chứa nhiều nội dung giáo dục. Từng chi tiết nhỏ như tính phù hợp về trang phục đối với bối cảnh, vùng miền,… đều được cân nhắc rất kĩ lưỡng.

  • Định hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá

Sách có giới thiệu hệ thống các bài tập thực hành, luyện tập phong phú, đa dạng nhằm định hướng,hỗ trợ đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá.

Câu 3. Nội dung dạy học của Chương trình, SGK Toán 2 Kết nối tri thức với cuộc sống được cấu trúc theo các chủ đề/bài học như thế nào?

– SGK Toán 2 được biên soạn bám sát theo quan điểm chung của bộ sách là “Kết nối tri thức với cuộc sống”, trong đó đảm bảo tính cơ bản, sáng tạo và thực tiễn.

– Về cấu trúc nội dung SGK Toán 2 có điểm đổi mới căn bản so với Toán 2 hiện hành là thiết kế nội dung dạy học theo các chủ đề, mỗi chủ đề được biên soạn theo từng bài học, mỗi bài học gồm nhiều tiết học (thay vì một tiết học như trước). Cách thiết kế này sẽ giúp GV linh hoạt hơn trong giảng dạy tuỳ theo tình hình thực tế của lớp học.

– Cụ thể nội dung dạy học Toán 2 Kết nối tri thức với cuộc sống có cấu trúc gồm 14 chủ đề (học kì 1: 7 chủ đề, học kì 2: 7 chủ đề), với 75 bài học (học kì 1: 36 bài học gồm 90 tiết, học kì 2: 39 bài học gồm 85 tiết).

Tham khảo thêm:   Bài giảng điện tử môn Tin học 10 sách Kết nối tri thức với cuộc sống (Cả năm) Giáo án PowerPoint Tin học 10

Hỏi đáp về sách Tiếng Việt lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Câu 1. Sách giáo khoa Tiếng việt 2 bộ Kết nối tri thức biên soạn theo quan điểm nào?

Tiếng Việt 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, được biên soạn theo những quan điểm chủ đạo sau đây:

a. Đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Tiếng Việt 2 được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (Tiếng Việt ở cấp tiểu học) 2018 với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của HS. Nội dung Tiếng Việt 2 đáp ứng các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học được quy định trong Chương trình Tiếng Việt lớp 2. Các bài học được thiết kế theo cách tạo cơ hội cho HS tăng cường tham gia vào các hoạt động giao tiếp tự nhiên. Một số kiến thức sơ giản về tiếng Việt và văn học được tích hợp trong quá trình dạy học đọc, viết, nói và nghe. Các ngữ liệu được lựa chọn và sắp xếp phù hợp với khả năng tiếp nhận của HS, giúp các em sử dụng tiếng Việt để giao tiếp hiệu quả; bước đầu hình thành, phát triển năng lực văn học, các năng lực chung, đồng thời bồi dưỡng ở HS các phẩm chất tốt đẹp.

b. Phát huy tính tích cực của người học. Tiếng Việt 2 chú ý phát huy tính tích cực của HS trong học tập thông qua các hoạt động phù hợp với đặc điểm nhận thức và cách học của HS tiểu học. Những hoạt động này rất đa dạng, có tính chất và vai trò khác nhau trong quá trình học tập của HS, từ khởi động (giúp HS huy động những hiểu biết, trải nghiệm của các em để tiếp nhận bài học mới); đến luyện tập, vận dụng (giúp HS thực hành để phát triển các kĩ năng và vận dụng để giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống của chính các em).

c. Chú trọng dạy học tích hợp và phân hoá.

Các nội dung trong Tiếng Việt 2 được chọn lọc theo hướng tinh giản ở mức hợp lí, chú trọng dạy học tích hợp và dạy học phân hoá. Định hướng dạy học tích hợp trong Tiếng Việt 2 được thể hiện như sau:

– Tích hợp giữa các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe ở lớp 2 và kết nối với kĩ năng đọc, viết, nói và nghe mà HS đã đạt được ở lớp 1. Các nội dung học tập có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong từng bài học và giữa các bài học trong từng chủ điểm. Sự tích hợp trong Tiếng Việt 2 không chỉ thể hiện trên bình diện nội dung bài học mà còn thể hiện cả trên bình diện phương pháp và kĩ thuật dạy học. Nhiều hoạt động trong sách vừa có mục tiêu phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học, vừa có mục tiêu phát triển một số năng lực chung như: năng lực tự chủ và tự học, năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Chẳng hạn, ở hoạt động đọc hiểu, HS có thể đóng vai để kể lại suy nghĩ, việc làm của nhân vật, để nói lại lời đối thoại của các nhân vật, để nêu nhận xét về nhân vật, sự việc. Trong nhiều bài học, HS còn được giao nhiệm vụ giải quyết một tình huống có thực (đơn giản) trong đời sống để các em tập vận dụng các kiến thức, kĩ năng mới được học vào giải quyết các vấn đề đặt ra với các em hàng ngày.

– Tích hợp nội dung các môn học và hoạt động giáo dục khác trong cùng một khối lớp với kiến thức, kĩ năng Tiếng Việt. Nhiều bài học trong Tiếng Việt 2 đã tích hợp nội dung của một số môn học như Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Âm nhạc, Mĩ thuật. Các em có cơ hội vận dụng hiểu biết về môi trường tự nhiên, hành vi ứng xử theo chuẩn mực với người thân, thầy cô, bạn bè và những người xung quanh; khả năng cảm nhận màu sắc, đường nét của tranh ảnh,… để đọc hiểu và thực hành viết, nói và nghe trong khi học Tiếng Việt. Để giúp HS phát triển năng lực một cách phù hợp, yêu cầu dạy học phân hoá cũng được chú trọng trong Tiếng Việt 2. Nhiều nội dung thực hành, nhiều nhiệm vụ học tập tạo cơ hội cho HS có thể thực hiện bằng nhiều cách, hoàn thành ở nhiều mức độ, yêu cầu khác nhau tuỳ theo năng lực, sở trường của mỗi HS.

Câu 2. SGK Tiếng Việt 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống kế thừa Tiếng Việt 1 như thế nào?

a. Nhất quán với phương châm Kết nối tri thức với cuộc sống. Nội dung các bài học tạo cơ hội phát huy vốn hiểu biết và trải nghiệm của HS trong việc tiếp nhận bài học mới. Các kiến thức, kĩ năng của mỗi bài học được kết hợp một cách tự nhiên với hiểu biết, trải nghiệm của các em. Tất cả các bài học đều bắt đầu từ những điều HS quan tâm, những điều các em đã biết, muốn biết để từ đó hướng vào những điều các em cần biết. Đến lượt mình, những kiến thức và kĩ năng mới có được từ đọc, viết, nói và nghe lại giúp các em giải quyết những vấn đề trong đời sống của chính các em, nhất là kĩ năng đọc sách và tự học, kĩ năng viết, kĩ năng trao đổi.

b. Các bài học được triển khai theo chủ điểm. Hệ thống chủ điểm đa dạng, phong phú, bao quát được nhiều lĩnh vực trong đời sống của HS, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá thế giới của các em, giúp các em mở rộng hiểu biết về nhiều mặt phù hợp với lứa tuổi của mình. Tên các chủ điểm rất gợi mở và hấp dẫn. Nội dung các chủ điểm vừa gắn với đời sống thực tiễn và những giá trị văn hóa và Việt Nam vừa đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo nên những con người có được các phẩm chất và năng lực để sống tốt và làm việc hiệu quả trong thế kỉ XXI.

c. Cũng như Tiếng Việt 1, nội dung các bài học trong Tiếng Việt 2 không chia thành các “phân môn” như Tập đọc, Kể chuyện, Chính tả, Tập làm văn,… mà được tổ chức theo các mạch tương ứng với các hoạt động giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe). Cách tiếp cận này giúp cho hoạt động dạy học ngôn ngữ gần với giao tiếp thực tế, vì vậy tạo được hứng thú ở người học và nâng cao hiệu quả dạy học.

d. Hoạt động đọc VB được tổ chức theo 3 bước: khởi động, đọc VB và hoạt động sau khi đọc. So với Tiếng Việt 1, do yêu cầu phát triển kĩ năng đọc cho HS được nâng cao, Tiếng Việt 2 thiết kế hệ thống câu hỏi đọc hiểu đa dạng hơn, cấp độ tư duy cao hơn. Sau khi đọc VB, ngoài hoạt động chính là trả lời câu hỏi, HS còn có thể luyện từ, luyện câu và thực hành một số nghi thức lời nói được quy định trong chương trình. Các hoạt động thực hành này dựa trên ngữ liệu là VB đọc và những tình huống giao tiếp gợi ra từ VB đọc.

đ. Ngữ liệu được chọn lựa kĩ lưỡng, phù hợp với hiểu biết và trải nghiệm của người học; giúp HS có cơ hội kết nối với trải nghiệm cá nhân. Nhờ đó, ngoài việc giúp HS phát triển hiệu quả các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe, ngữ liệu trong Tiếng Việt 2 còn góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng cho HS tình yêu quê hương, đất nước; tình yêu gia đình, bạn bè; tình yêu thiên nhiên;… Các em cũng được phát triển kĩ năng quan sát, tư duy suy luận, kĩ năng giải quyết vấn đề và sáng tạo.

e. Tiếng Việt 2 thiết kế các nội dung dạy học theo định hướng mở, tạo cơ hội cho GV vận dụng các phương pháp dạy học tích cực và tổ chức các hoạt động dạy học một cách linh hoạt theo điều kiện của nhà trường và khả năng học tập của những đối tượng HS khác nhau. Sách cũng đổi mới định hướng đánh giá kết quả học tập của HS, nhắm đến mục tiêu then chốt là đánh giá được sự tiến bộ của HS trong quá trình học tập để phát triển phẩm chất và năng lực, nhất là năng lực sử dụng tiếng Việt.

Tham khảo thêm:   Hướng dẫn chơi Tử Thanh Song Kiếm trên BlueStacks

g. Tiếng Việt 2 cũng tiếp tục chú ý dành thời gian cho hoạt động Đọc mở rộng. Với Đọc mở rộng, HS được khuyến khích tự tìm sách, báo để đọc và có cơ hội chia sẻ kết quả đọc với các bạn trong nhóm và lớp. h. Tương tự Tiếng Việt 1, SGK Tiếng Việt 2 chú trọng đến kênh hình. Sách thiết kế các hình ảnh đạt tính thẩm mĩ cao, tạo điều kiện phát huy năng lực của HS, đem lại hứng thú cho cả thầy và trò trong quá trình dạy học.

Câu 3. Sách giáo khoa tiếng việt 2 có cấu trúc như thế nào?

Tiếng Việt 2 được thiết kế thành 2 tập, tập một dành cho học kì I (18 tuần, trung bình mỗi tuần 10 tiết), tập hai dành cho học kì II (17 tuần, trung bình mỗi tuần 10 tiết).

Tập một có 32 bài học, được sắp xếp theo 4 chủ điểm và học trong 16 tuần, mỗi tuần 2 bài. Ngoài ra, có 1 tuần ôn giữa học kì và 1 tuần ôn tập, đánh giá cuối học kì. Ở đầu sách có Lời nói đầu; cuối sách có bảng thuật ngữ (Một số thuật ngữ dùng trong sách) và bảng tra cứu tên riêng nước ngoài.

Tập hai có 30 bài học, được sắp xếp theo 5 chủ điểm và học trong 15 tuần, mỗi tuần 2 bài. Ngoài ra, có 1 tuần ôn giữa học kì và 1 tuần ôn tập, đánh giá cuối học kì. Cuối sách có bảng thuật ngữ (Một số thuật ngữ dùng trong sách) và bảng tra cứu tên riêng nước ngoài.

b. Ngoài việc sắp xếp các bài học theo chủ điểm, Tiếng Việt 2 cũng chú ý đến sự cân bằng về thể loại hay loại VB đọc trong mỗi chủ điểm và trong cả bộ sách. Tập một có 32 VB (không tính VB dùng trong các tuần ôn tập và đánh giá cuối học kì), trong đó có 5 VB thông tin, 13 VB thơ, 14 VB truyện và các thể loại văn học khác. Tập hai có 30 VB (không tính VB dùng trong các tuần ôn tập và đánh giá cuối học kì), trong đó có 8 VB thông tin, 8 VB thơ, 14 VB truyện và các thể loại văn học khác. Tính chung cả hai tập có 62 VB (không tính VB dùng trong các tuần ôn tập và đánh giá cuối học kì), trong đó có 13 VB thông tin, 21 VB thơ, 28 VB truyện và các thể loại văn học khác. Các VB thuộc các thể loại, loại VB khác nhau thường được phân bố đan xen để hạn chế tình trạng HS phải đọc liên tục các VB cùng một thể loại, loại VB trong khoảng thời gian dài.

c. Bên cạnh các mục Đọc, Viết, Nói và nghe, Tiếng Việt 2 còn thiết kế mục Luyện tập để HS được thực hành, vừa đáp ứng yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe; vừa đáp ứng yêu cầu cung cấp một số kiến thức sơ giản về tiếng Việt và văn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, môn Tiếng Việt ở lớp 2.

Câu 4. Bài học trong SGK Tiếng việt 2 có cấu trúc như thế nào?

Tiếng Việt 2 thiết kế mỗi tuần 2 bài học: Bài thứ nhất học trong 4 tiết, gồm: Đọc, Viết (tập viết chữ hoa), Nói và nghe (kể chuyện hoặc luyện nói theo chủ điểm). Bài thứ hai học trong 6 tiết, gồm: Đọc, Viết (nghe – viết chính tả, bài tập chính tả), Luyện tập (luyện phát triển vốn từ, luyện đặt câu và luyện viết đoạn), Đọc mở rộng.

a. Đọc Ở mạch Đọc có 3 phần: Khởi động trước khi đọc, Đọc VB, và Hoạt động sau khi đọc (Trả lời câu hỏi và Luyện tập theo văn bản đọc). Hệ thống câu hỏi đọc hiểu được thiết kế đa dạng. Ngoài câu hỏi tự luận theo cách truyền thống, còn có câu hỏi trắc nghiệm khách quan (áp dụng chủ yếu cho những câu hỏi có thể khó nếu HS phải trả lời theo hình thức tự luận) và câu hỏi được thiết kế kèm tranh minh hoạ, HS vừa phải hiểu VB vừa phải hiểu nội dung tranh để trả lời. Sau khi đọc VB, ngoài hoạt động chính là trả lời câu hỏi, HS còn có thể luyện từ, luyện câu và thực hành một số nghi thức lời nói được quy định trong chương trình. Đối với VB đọc là thơ thì sau khi đọc VB còn có hoạt động học thuộc lòng một hai khổ thơ.

b. Viết Ở bài 4 tiết có tập viết chữ hoa và viết câu có chữ hoa tương ứng. Ở bài 6 tiết có nghe – viết chính tả một đoạn ngắn và thực hiện các bài tập chính tả âm, vần. Ngoài ra có viết đoạn. Quy trình luyện viết đoạn thường bắt đầu hoạt động nói trước khi viết với những hướng dẫn, gợi ý bằng tranh ảnh hoặc câu hỏi, giúp HS chuẩn bị nội dung để viết đoạn ngắn theo yêu cầu. Tiếng Việt 2 đưa phần viết đoạn vào mục Luyện tập cùng với luyện từ và câu, nhằm giúp HS vận dụng ngay kiến thức, kĩ năng về từ và câu mà các em vừa có được vào thực hành viết đoạn.

c. Nói và nghe Hoạt động nói và nghe được thiết kế thành mục riêng ở bài 4 tiết, chủ yếu được triển khai dưới hình thức nghe kể chuyện và kể lại câu chuyện đã nghe hoặc kể lại câu chuyện đã đọc. Ở một số bài có hoạt động nói theo chủ điểm. Ở hoạt động kể chuyện, yêu cầu cần đạt về kĩ năng kể chuyện được chia thành 2 mức độ tương ứng với hai học kì. Ở học kì I, HS được yêu cầu nghe kể một câu chuyện đơn giản và kể lại 1 – 2 đoạn của câu chuyện đó. Ở học kì II, nghe kể một câu chuyện rồi kể lại từng đoạn của câu chuyện và toàn bộ câu chuyện. Sau kể chuyện ở lớp, có phần vận dụng, chủ yếu là HS kể lại câu chuyện hoặc kể về một nhân vật trong câu chuyện đã nghe cho người thân hoặc viết 2 – 3 câu liên quan đến câu chuyện.

Ở hoạt động luyện nói theo chủ điểm, HS được nói và nghe về những chủ điểm mà các em có nhiều trải nghiệm, chẳng hạn: Tuần 1: Nói về những ngày hè của em; Tuần 6: Nói về ngôi trường của em; Tuần 26: Nói về các hoạt động bảo vệ môi trường.

Ngoài kĩ năng kể chuyện và nói theo chủ điểm, kĩ năng sử dụng nghi thức lời nói và kĩ năng trình bày, trao đổi, tương tác được tích hợp qua nhiều hoạt động học tập trong cả bài 4 tiết và bài 6 tiết.

d. Luyện tập Hoạt động Luyện tập được thiết kế thành mục riêng ở bài 6 tiết, trong đó HS được thực hiện các bài tập về từ, câu và luyện viết đoạn văn theo hướng dẫn. Khác với phần Luyện tập theo VB đọc ở cả bài 4 tiết và bài 6 tiết, ngữ liệu từ ngữ và câu ở phần Luyện tập này tuy vẫn cần phù hợp với chủ điểm, nhưng không phụ thuộc vào VB đọc mà có tính chất mở. Các nội dung luyện tập về từ ngữ (chỉ sự vật, hoạt động, đặc điểm), về câu (gồm cả dấu câu) được triển khai có tính hệ thống, bảo đảm tính khoa học và phù hợp với nhận thức của HS lớp 2. Các bài tập luyện từ ngữ và câu được biên soạn còn nhằm mục đích cung cấp “nguyên liệu” cho phần viết đoạn, tạo cơ hội để HS vận dụng trực tiếp và hiệu quả vào hoạt động viết đoạn.

đ. Đọc mở rộng Mỗi tuần học đều có hoạt động Đọc mở rộng. Đây được coi là nội dung vận dụng của bài học 6 tiết.

Hỏi đáp về sách Giáo dục thể chất lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Câu 1: SGK Giáo dục thể chất 2 –Kết nối tri thức với cuộc sống có những điểm gì mới?

Trả lời:

Một số điểm mới của SGK Giáo dục thể chất 2 – Kết nối tri thức với cuộc sống:

– Bám sát vào Chương trình giáo dục phổ thông môn Giáo dục thể chất theo mô hình phát triển phẩm chất và năng lực người học; theo định hướng kết nối tri thức với cuộc sống và mục tiêu của phong trào thể thao Olympic là “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”. Thông qua môn học, bước đầu hình thành ở học sinh khát khao có một cơ thể khoẻ mạnh, cường tráng, giống như các anh chị vận động viên thể thao; giúp các em biết cách chăm sóc sức khoẻ, có kĩ năng vận động đúng đắn, hướng tới một môn thể thao ưa thích, tạo hứng khởi để học tập các môn và vui chơi trong suốt cả năm học.

Tham khảo thêm:   Thông tư 13/2016/TT-BKHĐT Quy định chế độ báo cáo trực tuyến, quản lý hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước

– Nội dung của sách được thiết kế theo phần, chủ đề, mỗi chủ đề được biên soạn theo từng bài, mỗi bài dạy trong một số tiết (thay vì 1 tiết như trước đây). Mỗi nội dung, hệ thống các bài tập thực hành, trò chơi được thiết kế theo định hướng phát triển năng lực, mang tính trực quan, gắn với thực tiễn, đảm bảo phục vụ cho tất cả các đối tượng học sinh sử dụng.

– Cấu trúc mỗi bài gồm 4 hoạt động: Mở đầu (khởi động và chơi các trò chơi bổ trợ khởi động); Kiến thức mới (nội dung bài học); Luyện tập (tập luyện, chơi trò chơi vận động để củng cố nội dung bài học và phát triển thể lực); Vận dụng (củng cố và khắc sâu kiến thức đã học qua các bài tập, tình huống thực tế). Cách tiếp cận này sẽ giúp giáo viên linh hoạt hơn trong giảng dạy tuỳ theo thực tế của lớp học.

– Các nội dung của cuốn sách được lồng ghép rất nhiều hoạt động, trò chơi giúp học sinh cùng giáo viên có thể trải nghiệm và tổ chức lớp học một cách đa dạng.

Nhiều nội dung văn học, âm nhạc, tự nhiên – xã hội, bảo vệ môi trường được lồng ghép không chỉ giúp học sinh cảm thấy sự gần gũi của các hoạt động thể dục thể thao quanh ta mà còn tăng thêm hiểu biết, vốn sống cho các em.

Nội dung Kiến thức chung về Giáo dục thể chất gồm Vệ sinh cá nhân và Đảm bảo an toàn trong tập luyện, được thiết kế để dạy lồng ghép trong mỗi buổi tập (Phần mở đầu hoặc Phần kết thúc) với những câu hỏi, hình vẽ gợi mở, gắn với cuộc sống.

– Do đặc thù của sách tiểu học, công tác minh hoạ đặc biệt được chú trọng đảm bảo tính xuyên suốt, tính lôgic và thẩm mĩ cao trong toàn bộ cuốn sách. Từng chi tiết nhỏ như kĩ thuật động tác, tư thế thân người, góc nhìn, phù hợp lứa tuổi, bối cảnh gần gũi với thực tế,… đều được cân nhắc rất kĩ lưỡng.

Câu 2: Lần đầu tiên có SGK cho môn học này, vậy SGK Giáo dục thể chất 2 giúp gì cho GV, HS và phụ huynh HS?

Trả lời:

– Mục tiêu của bài học GDTC là HS phải quan sát được tranh hoặc làm mẫu để tự tìm hiểu kĩ thuật cơ bản của động tác,…, vì thế SGK GDTC 2 là tài liệu trợ giảng đắc lực cho GV khi giảng dạy, là người thầy thứ hai của HS.

– Là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho phụ huynh HS, tăng cường tương tác giữa phụ huynh và HS, biết được GV dạy những gì và con cần phải tập được gì.

– Giúp cho HS nắm bắt được động tác sắp học và nắm chắc động tác đã học.

– Nếu HS quên động tác, chưa nắm bắt được thì thông qua SGK, HS có thể xem lại được động tác.

Câu 3: Tiết học GDTC thường diễn ra ở sân tập, vậy SGK Giáo dục thể chất 2 – Kết nối tri thức với cuộc sống được sử dụng vào khi nào?

Trả lời:

Hãy coi SGK GDTC giống như trang thiết bị học tập khác của môn học. Trước khi vào tiết học, GV thường cùng HS chuẩn bị các dụng cụ phù hợp với nội dung của bài học và để vào nơi quy định. Học đến nội dung nào thì HS tự lấy dụng cụ hoặc hoặc nhóm trưởng phát dụng cụ cho các bạn. Với SGK GDTC cũng vậy, có nơi để quy định theo từng tổ.

Mặt khác, sau khi học ở trên lớp, HS về nhà có thể xem SGK để có thể nắm chắc động tác đã học, hoặc xem trước động tác sẽ học, hoặc tham khảo trò chơi để chơi.

Chẳng hạn: Khi tập động tác khó, GV cho cán sự và các nhóm trưởng lấy SGK phát cho các bạn trong nhóm để quan sát tranh trong sách. GV hướng dẫn HS quan sát và thảo luận về động tác, cách tập. Sau đó, HS cất sách vào đúng nơi quy định.

Câu 4:Trong Chương trình và SGK Giáo dục thể chất 2 – Kết nối tri thức với cuộc sống đã phân chia thời lượng của từng nội dung. Vậy các trường có được phép điều chỉnh thời lượng đó không?

Trả lời:

Thời lượng của từng chủ đề / phần thì không được phép điều chỉnh, nhưng thời lượng của từng bài / nội dung trong chủ đề đó thì được phép điều chỉnh.

Ví dụ: Chủ đề Đội hình đội ngũ quy định thời lượng bằng 20% thì phải dạy trong 14 tiết, SGK Giáo dục thể chất 2 – Kết nối tri thức với cuộc sống chia thành 4 bài với thời lượng của các bài là khác nhau. GV có thể thay đổi thời lượng của 4 bài đó nếu thấy phù hợp.

Câu 5:Phương pháp dạy học Giáo dục thể chất 2 – Kết nối tri thức với cuộc sống có thay đổi gì so với phương pháp dạy học của chương trình cũ?

Trả lời:

Phương pháp dạy học có một vài thay đổi. SGK GDTC 2 đòi hỏi đối với GV cần tích hợp, sử dụng kiến thức một số môn học khác, sáng tạo và linh hoạt khi xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học; GV phải là người thiết kế, tổ chức, cố vấn, trọng tài, hướng dẫn, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để HS tích cực tham gia, tự mình trải nghiệm, phát hiện bản thân và phát triển.

Ở đây các phương pháp như: dạy học nêu vấn đề (trong phần mở đầu), tập luyện theo nhóm, tổ (trong phần luyện tập), tập luyện theo tranh ảnh, video (trong hoạt động ngoại khóa) được ưu tiên sử dụng so với các phương pháp truyền thống như: giảng giải, trực quan, làm mẫu, tập luyện có định mức lượng vận động, lặp lại và biến đổi, tập luyện vòng tròn…

Ví dụ, trong tất cả các chủ đề / bài học, Sách chỉ nêu yêu cầu cần đạt, nội dung kiến thức và số tiết dạy của bài, còn dạy cái gì, chọn bài tập nào, trò chơi nào, lượng vận động ra sao, sử dụng phương pháp nào trong từng phần của tiết học GV có thể linh hoạt lựa chọn và chủ động tổ chức, miễn sao làm cho HS “chơi mà học, học mà chơi” trong tiết học/ bài học ấy mà vẫn đạt được yêu cầu kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì là được.

Câu 6: SGK Giáo dục thể chất 2 –Kết nối tri thức với cuộc sống đưa ra 2 môn thể thao tự chọn, vậy các trường không có điều kiện thì dạy như thế nào?

Trả lời:

Theo Thông tư 32, Chương trình có tính mở nên tùy vào điều kiện của Nhà trường, yêu cầu của HS để chọn môn thể thao tự chọn cho phù hợp.

Trong chủ đề Thể thao tự chọn, SGK GDTC 2 – Kết nối tri thức với cuộc sống chỉ đưa 2 môn thể thao (Bóng rổ và Bơi). GV có thể chọn một trong hai môn này, cũng có thể chọn một môn khác, sao cho môn thể thao đó được HS yêu thích, nhà trường có phong trào, có điều kiện về trang thiết bị và được Hội phụ huynh ủng hộ.

Câu 7: Có nên dạy các động tác quỳ, ngồi cơ bản hay không (vì dễ gây phản cảm, mất thẩm mĩ, điều kiện sân bãi khó đảm bảo,…)?

Trả lời:

– Đây là nội dung có trong Chương trình nên bắt buộc phải dạy.

– Đây là động tác trang bị cho HS các kĩ năng mới nhất là trong cuộc sống, GV dạy HS học động tác này cần vận dụng vào thực tế cho HS.

Chẳng hạn: Khi được trang bị kĩ năng này rồi, HS sẽ có cách khi gặp các sự cố trong học tập như: vấp ngã bị khụyu gối, HS có thể chống đỡ được như ngẩng đầu, chống tay, cuộn tròn lưng…

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Hỏi đáp về sách giáo khoa lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống 14 câu hỏi về SGK lớp 2 năm 2021 – 2022 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *