Bạn đang xem bài viết ✅ Bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận câu nói Mọi tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian Tài liệu ôn thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận câu nói Mọi tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian là tài liệu cực kì hữu ích mà hôm nay Wikihoc.com muốn giới thiệu đến các bạn học sinh lớp 12 cùng tham khảo.

Đây là tài liệu vô cùng hữu ích gồm dàn ý chi tiết kèm theo 3 bài văn mẫu được chúng tôi tổng hợp từ những bài văn mẫu hay nhất của các bạn học sinh trên toàn quốc. Hi vọng qua tài liệu này các bạn đã có được những sự tham khảo để làm văn tốt hơn. Chúc các bạn thành công, học tập tốt.

Dàn ý Mọi tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian

Mọi tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian

I. Mở bài

– Giới thiệu vấn đề: Của cải làm ra nếu không tiết kiệm thì cũng hết…

– Dẫn câu nói của Mac: “Mọi tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian”

– Chuyển ý

II. Thân bài:

1) Giải thích

– Tiết kiệm là 1 trong những phẩm chất cơ bản của con người

– Tiết kiệm là sử dụng của cải, vật chất 1 cách hợp lý, đúng mức, phù hợp với nhu cầu sống và làm việc

– Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, keo kiệt, coi trọng đồng tiền 1 cách quá đáng, chi tiêu dè dặt, thiếu thốn

– Câu nói của Mac: Tiền tài, của cải đến 1 lúc nào đó rồi cũng hết. Nếu chúng ta biết chi tiêu, sử dụng phù hợp, tức là chúng ta đã tiết kiệm được khoảng thời gian mà mình làm ra những thứ đó.

2) Phân tích

– Thời gian gắn liền với từng hoạt động sống của con người. Muốn hoàn thành 1 công việc dù lớn hay nhỏ cũng đều cần có thời gian

– Nếu chúng ta lãng phí thời gian vào những việc vô ích, thì chúng ta đã đánh mất 1 phần trong cuộc đời mình

– Thời gian qua đi không thể lấy lại được. Nhân dân ta từ xưa cũng đã nhận thức được vấn đề này rất rõ: “Thời gian là vàng bạc”

– Sử dụng thời gian để học tập, lao động tốt thì chúng ta sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất,đào tạo được cho đất nước nhiều người tài giỏi.

– Người học sinh đi học mà lười biếng thì sau này sẽ chẳng làm được gì, chỉ còn biết hối tiếc khoảng thời gian đã trôi qua vô ích.

– Mỗi con người chỉ có 1 cõi đời để sống, học tập và lao động. Vậy nên, ta phải biết sử dụng thời gian để khi “nhắm mắt xuôi tay” không còn phải hối hận.

– Câu nói đó còn khuyên ta nên biết sử dụng của cải làm ra một cách hợp lý, để không phải lãng phí khoảng thời gian mình đã cực khổ lao động làm ra những thứ ấy.

3) Chứng minh, dẫn chứng

– Kể từ sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam ta đã cố gắng xây dựng, phát triển kinh thế. Tuy vậy, đất nước chúng ta vẫn còn chậm phát triển so với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới.

– Trong khoảng thời gian đất nước khó khăn, toàn quốc ta đã vận động phong trào “1 miếng khi đói bằng 1 gói khi no”, tiết kiệm lương thực và chia cho đồng bào. Việc tiết kiệm lương thực như vậy sẽ kéo dài thời gian, tạo điều kiện cho nông dân làm việc.

– Leonardo chỉ ngủ 15 phút sau mỗi 4 tiếng đồng hồ làm việc. Như vậy, ông đã tiết kiệm được 1 khoảng thời gian để dành cho công việc nghiên cứu khoa học, nghệ thuật.

4) Bình luận, phê phán

– Câu nói của C.Mac là hoàn toàn đúng đắn.

– Tiết kiệm là việc làm vô cùng thiết thực trong hoàn cảnh XH hiện nay. Nước ta đang đề cao chủ trương tiết kiệm trong toàn Đảng, toàn dân, tiết kiệm là quốc sách.

– Tiết kiệm là biểu hiện của nếp sống văn minh, văn hóa.

– Những người không biết quý trọng thời gian, lãng phí cuộc đời mình là những kẻ đáng phê phán

– Người học sinh đi học mà không chú tâm học hành, phung phí thời gian vào các trò chơi vô bổ, tụ tập, phá hoại đã khiến cho cái nhìn vào nền giáo dục VN trở nên xấu hơn rất nhiều. Thời trẻ mà không dành thời gian chuyên tâm cho việc học, khi lớn lên nhận thức được thì cũng không còn sớm nữa.

5) Bài học

* Nhận thức

– Tiết kiệm là việc làm cần thiết mà mỗi người đều nên thực hiện

– Bản thân mỗi người phải nhận thức được giá trị của thời gian mà sống và làm việc thật tốt

– Tuyên truyền, vận động mọi người cùng thực hiện như Hồ Chủ tịch đã căn dặn: “Tiết kiệm thời giờ, sức lao động và tiền của”.

* Hành động

– Nhà nước luôn đề cao ích lợi của việc tiết kiệm, có những chính sách phù hợp để tuyên truyền

– Là học sinh, cần dành nhiều thời gian cho việc học để trở thành người tài giỏi, giúp ích cho gia đình và XH.

– Bản thân mỗi người sẽ có những cách tiết kiệm khác nhau, quan trọng là chúng ta phải ý thức được.

III. Kết bài

– Tóm lại, câu nói của C.Mac là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý trong thời đại công nghệ hóa, hiện đại hóa ngày nay.
Mỗi người chúng ta nên thực hiện theo lời dạy của C.Mac, phải biết tiết kiệm để nhằm phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Tham khảo thêm:   Quyết định 2001/QĐ-BGDĐT Chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học

Mọi tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian – Mẫu 1

Mọi tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian

Cuộc sống của con người mỗi ngày một thay đổi, của cải vật chất ngày càng nhiều nhưng tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận. Nếu chúng ta không biết tiết kiệm thì làm ra bao nhiêu cũng hết. C.Mac nói : “Mọi tiết kiệm, suy cho cùng là tiết kiệm thời gian”. Câu nói của Cac Mac khẳng định thời gian là quý nhất.

Trước hết, chúng ta phải hiểu thế nào là tiết kiệm ?. Tiết kiệm là một trong những phẩm chất cơ bản của con người. Tiết kiệm là sử dụng tiền bạc, của cải vật chất, sức lao động, thời gian… một cách hợp lí, đúng mức, không lãng phí.

Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, keo kiệt, không phải là coi trọng đồng tiền một cách quá đáng, việc cần chi tiêu cũng không dám chi tiêu, gặp lúc cần đóng góp cũng không đóng góp.
Tiết kiệm cũng không phải là dè xẻn, để dành, cất kín tiền bạc dư thừa mà ngược lại, cần làm cho nó sinh sôi nảy nở. Người dân nào cũng có tiền chưa dùng đến, nên đem gửi vào ngân hàng, vào quỹ tiết kiệm, sẽ ích nước lợi nhà, theo tinh thần của câu khẩu hiệu : “Tiết kiệm là quốc sách”.

Các Mac nói : “Mọi tiết kiệm, suy cho cùng là tiết kiệm thời gian” bởi vì thời gian gắn liền với từng con người và từng việc cụ thể. Muốn hoàn thành một công việc nào đó, dù lớn hay nhỏ, chúng ta đều cần phải có thời gian. Ví dụ : học sinh học năm năm thì hết bậc Tiểu học, bốn năm thì hết bậc Trung học cơ sở, ba năm mới hết bậc Trung học phổ thông. Người nông dân sau ba tháng gieo trồng, chăm sóc mới thu hoạch được một vụ lúa. Không có thời gian thì chúng ta không làm được việc gì cả. Từ xưa, dân gian cũng đã khẳng định : “Thì giờ là vàng bạc”.

Vậy thời gian là yếu tố quan trọng không thể thiếu để chúng ta học tập, lao động và tạo ra những của cải vật chất, tinh thần quý giá cho cá nhân, cho xã hội. Sử dụng một khoảng thời gian cho một công việc nào đó nhưng không đạt kết quả theo ý muốn thì ta buộc phải làm lại từ đầu. Như vậy là ta đã đánh mất thời gian, đánh mất một phần của cuộc đời mình.
Trong quãng đời đi học, nếu chúng ta lười biếng, không chịu nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô thì liệu khi bước vào đời, chúng ta có đủ năng lực để tự nuôi sống bản thân và đóng góp cho xã hội ?. Lúc ấy, dẫu có muốn học lại từ đầu thì chắc cũng không dễ dàng gì.
Sử dụng thời gian để học tập tốt, lao động tốt thì chúng ta sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất và tinh thần, góp phần dựng xây đất nước ngày càng giàu đẹp.

Có thời gian là có tất cả. Thời gian qua đi không lấy lại được. Mỗi con người chỉ có một quỹ thời gian nhất định để sống, học tập và lao động. Vậy trong suốt thời gian ấy, chúng ta phải làm gì để đến “khi nhắm mắt xuôi tay, không phải ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí ?” (“Thép đã tôi thế đấy” – Otsterropski). Đó là câu hỏi lớn đặt ra cho cả đời người, do đó chúng ta phải biết quý thời gian mình đang sống.

Trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay, câu nói của Cac Mac càng có giá trị như một chân lí. Việt Nam vốn là một nước có nền kinh tế tiểu nông lạc hậu. Sau hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ kéo dài suốt mấy chục năm, nền kinh tế nước ta lại càng nghèo nàn, lạc hậu. Chính vì vậy, chúng ta cần tranh thủ thời gian để khôi phục và phát triển mọi lĩnh vực của đất nước. Kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến nay, nhân dân ta đã bắt tay vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong hòa bình theo đường lối đổi mới, mở cửa nên bước đầu đã có cuộc sống ấm no. Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo chậm phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, đi đôi với những cố gắng phát triển kinh tế, khoa học, kĩ thuật. Nhà nước ta đã đề cao chủ trương tiết kiệm trong toàn Đảng, toàn dân, coi tiết kiệm là quốc sách, là một trong những biện pháp cơ bản hàng đầu để xây dựng đất nước.

“Tiết kiệm là quốc sách”, bởi vì tiết kiệm đem lại lợi ích to lớn cho con người và xã hội. Với một quốc gia như Việt Nam thì tiết kiệm lại càng quan trọng và cần thiết. Tiết kiệm để tích lũy vốn, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, từng bước đưa đất nước đi lên. Chúng ta có thể huy động vốn từ nhiều nguồn như vay mượn của nước ngoài hay hợp tác đầu tư… nhưng nguồn vốn trong nước vẫn là cơ bản, mà nguồn vốn của nhân dân chỉ có được bằng cách chi tiêu hợp lí và tiết kiệm.

Tiết kiệm là việc làm vô cùng cần thiết. Đảng và Nhà nước kêu gọi các cơ quan, đoàn thể hãy tiết kiệm tối đa, không mua ô tô loại sang, không xây dựng công sở thật lớn, không trang bị những đồ dùng đắt tiền, không tổ chức tiệc tùng lãng phí… Những công trình lớn được xây dựng đúng tiến độ thi công, bảo đảm đúng chất lượng tốt tiết kiệm cho ngân quỹ quốc gia. Những cuộc họp đúng giờ, ngắn gọn là tiết kiệm thời gian. Một dây chuyền sản xuất hợp lí là tiết kiệm công sức lao động.

Tham khảo thêm:   11 câu phân tích kế hoạch bài dạy môn Ngữ văn THPT 11 câu kế hoạch dạy học THPT - GDPT 2018

Tiết kiệm là biểu hiện của nếp sống văn minh, văn hóa. Xưa nay, những kẻ có thói xấu ném tiền qua cửa sổ đều mau chóng thất cơ lỡ vận, còn những người biết chi tiêu hợp lí và thực sự tiết kiệm thì ngày càng giàu có. Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã căn dặn toàn dân phải “tiết kiệm thời giờ, sức lao động và tiền của”.

Mỗi người có những cách thức khác nhau để thực hành tiết kiệm. Chủ doanh nghiệp tiết kiệm tiền của, sức lao động, hợp lí hóa sản xuất. Người nội trợ chi tiêu hợp lí để tiết kiệm ngân quỹ gia đình. Còn học sinh chúng ta phải làm gì để thực hành tiết kiệm ?. Điều quan trọng nhất là nên dành nhiều thời gian để : “Học, học nữa, học mãi”; phải biết sắp xếp một cách hợp lí giờ học, giờ chơi, giờ lao động. Giữ gìn trường lớp, bàn ghế, đồ dùng học tập… là tiết kiệm cho nhà trường. Bảo quản sách vở, quần áo, xe cộ để cha mẹ đỡ tốn tiền mua sắm cũng là tiết kiệm. Chăm chỉ học tập, lao động vừa là giúp đỡ cha mẹ, vừa là giúp đất nước tiết kiệm tiền của để đào tạo một con người. Có muôn ngàn cách để tiết kiệm, miễn là chúng ta phải có ý thức tự giác.

Câu nói của Cac Mac đúng với mọi hoàn cảnh, mọi quốc gia. Trong nhịp sống khẩn trương của thời đại công nghiệp, chúng ta lại càng phải thường quyên rèn luyện ý thức tiết kiệm.
Không chỉ tự mình thực hành tiết kiệm mà chúng ta nên vận động mọi người cùng hưởng ứng chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí tiền của Nhà nước, nhất là lãng phí thời gian. Tiết kiệm không chỉ là việc làm quan trọng, cấp thiết mà còn là một trong những phẩm chất cần có của mỗi con người nếu muốn thành công trong sự nghiệp. Vì thế, ủng hộ chủ trương tiết kiệm của Nhà nước cũng là biện pháp để chúng ta rèn luyện phẩm chất tốt đẹp của con người mới.

Mọi tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian – Mẫu 2

Mọi giá trị vật chất, mọi giá trị tinh thần trong xã hội xưa và nay, đều do con người làm ra, sáng tạo nên. Mọi giá trị ấy cần được sử dụng một cách hợp lí, trân trọng, không xa hoa lãng phí. Và phải tiết kiệm. Tiết kiệm như thế nào? Đây là ý kiến của Các Mác: “Mọi tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian “, Một ý kiến thật sâu sắc, chí lí.

Ta thường nghĩ tiết kiệm cơm, áo, gạo, tiền. Tiết kiệm mọi thứ của cải vật chất như vàng bạc châu báu. Đã mấy ai nghĩ đến tiết kiệm thời gian, như Mác nghĩ, Mác nói.

Tiết kiệm là thế nào? Hoàng Phê trong “Từ điển Tiếng Việt” đã giải nghĩa như sau: “Tiết kiệm là sử dụng dũng mức, không phí phạm sức lực, của cải, thời gian ”. Qua đó, ta biết có ba thứ cần phải tiết kiệm, đó là tiết kiệm sức lực, tiết kiệm của cải, tiết kiệm thời gian. tại sao “Mọi tiết kiệm, suy cho cùng là tiết kiệm thời gian ”?

Thời gian là vàng. Thời gian một đi không trở lại. Lời nói được nói ra, mũi tên được bắn đi và thời gian trôi qua không bao giờ trở lại được. Người xưa đã nhắc nhở như vậy.

Đời người rất ngắn và hữu hạn? Nhân sinh bách tuế. Nhưng đã mấy ai sống đến trăm năm? “Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy/ Kiếp phù du trông thấy cũng nực cười ” (Cao Bá Quát). Lượng thời gian: giây, phút, ngày, đêm, tuần, tháng, mùa, năm – thì lại là giống nhau, ai cũng như ai. Chỉ có cách sử dụng thời gian, quan niệm về thời gian của mọi người, của nhiều người, trong chúng ta chưa giống nhau, không giống nhau. Có người cho rằng: “Trâm năm là ngắn, một ngày dài ghê!”. Có người lại nghĩ: “Thời gian thấm thoắt thoi đưa, như ngựa chạy, như nước chảy qua cầu ”.

Tiết kiệm thời gian là quan trọng nhất vì thời gian đi qua không bao giờ trở lại. Vả lại con người phụ thuộc vào thời gian, có thời gian mới có sự sống, và qua thời gian, con người
mới sáng tạo ra mọi giá trị vật chất và mọi giá trị tinh thần. Thời gian là nhịp sống và cõi sống, nên “mọi tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian

Tuổi thơ cần có thời gian để khôn lớn, trưởng thành. ‘‘Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi” (Tục ngữ). Tuổi thơ cần thòi gian để học tập, để trở thành con ngoan, trò giỏi. Thanh thiếu niên cần 12 năm, 15 năm, 20 năm học hành để trở thành tri thức. Phải siêng năng, chuyên cần, chăm chỉ học hành. Khổng chơi bời, lêu lổng, không lười học. Phải biết quý trọng thời gian, tiết kiệm thời gian, dành cho học tập. Nếu không sẽ bị dốt nát, ngu si, làm đầy tớ cho thiên hạ.

Lao động là vẻ vang. Lao động là sáng tạo. Nhờ lao động mà con người được ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày một giàu có. Nhưng lao động cũng cần thời gian và phải tiết kiệm thời gian. Phải ngày làm 8 giờ. Phải thức khuya dậy sớm. Nhà nông phải một nắng hai sương, phải dầm mưa dãi nắng. Có tiết kiệm thời gian, có tranh thủ thời gian mới có ngô khoai đầy bồ, lúa đầy kho, mới no ấm:

‘‘Lao xao gà gáy rạng ngày,
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu.
Bước chân xuống cánh đồng sâu,
Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu ra cày.
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng? ”
(Ca dao)

Những năm 60, 70 của thế kỉ trước, tuy có nhũng câu khẩu hiệu rất đẹp, rất kêu như: “Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”, nhưng nông dân cày, bừa,… theo kẻng, nên ruộng đất bị bỏ hoang, thiếu lương thực, phải ăn bo bo! Thảm cảnh ấy là do bệnh “duy ý, cách quản lí áp đặt, bao cấp và nô lệ ngoại bang, là do không biết tiết kiệm thời gian và quý trọng sức người, sức của nhân dân. Các “dự án treo” hiện nay để hoang hóa, cỏ mọc hàng trăm, hàng nghìn ha đất màu mỡ của nông dân, trong lúc bà con dân cày đang thiếu đất đai để canh tác, đến địa phương nào ta cũng thấy rõ. Xây dựng các khu công nghiệp nhưng phải có quy hoạch đúng, phải nhớ “tấc đất tấc vàng”. Thời chiến hay thời bình đều phải biết quý trọng từng giọt mồ hôi, từng giọt máu của đồng bào chiến sĩ. Bệnh quan liêu giấy tờ lâu nay là một vấn nạn làm phiền hà nhân dân, làm phí phạm thời giờ, tiền của, công sức của nhân dân, làm mất lòng tin của dân. Cuộc cải cách hành chính hiện nay tuy đã thu được một số thành tích bước đầu, nhưng không thể dừng lại ở mức đó. Chống tệ nạn tham ô lãng phí không chỉ làm sạch dần bộ máy công quyền mà còn là để tiết kiệm tiền của, ngân sách của quốc gia, của nhân dân; là để tiết kiệm thời gian của hàng triệu người trong xã hội.

Tham khảo thêm:   Thông tư 03/2020/TT-BYT Quy định mới về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc

Các báo chí, cho biết việc tổ chức hội hè hiện nay phát triển rầm rộ khắp mọi nơi; ở nước ta có đến gần một vạn lễ hội hàng năm! Lễ hội kéo dài. Hàng triệu người đi lễ hội. Tiền “âm phủ” rải khắp đền chùa miếu mạo! Văn hóa lễ hội bị xuống cấp. Nếu biết rằng “mọi tiết kiệm, suy cho cùng là tiết kiệm thời gian ” thì có lẽ những người có trách nhiệm hiện nay không thể, không nên để xảy ra hiện trạng đó. Vì tâm linh hay vì đồng tiền, có nhiều người đã nêu lên câu hỏi đó.
Tóm lại, phải siêng năng, chăm chỉ học hành, làm ăn. Phải tiết kiệm tiền của, sức người. Cần kiệm phải là nếp sống, phải là đạo lí. Và bất kì ai, lứa tuổi nào cũng phải biết: Thời gian là vàng; thời gian trôi qua nhanh; phải biết tiết kiệm thời gian, coi tiết kiệm thời gian là trước hết, trên hết mọi thứ, mọi việc phải tiết kiệm.

Mọi tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian – Mẫu 3

Về vấn đề tiết kiệm, Các Mác, nhà triết học vĩ đại người Đức trong thế kỉ XIX đã có một ý kiến rất hay: “Mọi tiết kiệm, suy cho cùng là tiết kiệm thời ỳ an”.

Mọi tiết kiệm trong cuộc sống là những tiết kiệm nào? Như nhiều người thường nghĩ đó là tiết kiệm tiền bạc, lương thực, thực phẩm. Tiết kiệm cái ăn, cái mặc, mọi sự chi tiêu hàng ngày. Không nên hoang phí, xa hoa, xa xỉ. Tiết kiệm vật chất chưa đủ, lại còn phải biết tiết kiệm sức người. Coi thường mồ hôi, sức lao động, tính mạng của con người là một tội ác. Lê Tương Dực, Vũ Như Tô xây cửu Trùng Đài làm cho trăm họ đói khổ, hàng nghìn người bị chết… là một tội ác, nên cả hai đã phải đền tội.

Nhân dân ta có nhiều câu tục ngữ nói về tiết kiệm rất hay, mang ý nghĩa sâu sắc:

– “Buôn tàu buôn hè chẳng bâng ăn dè hà tiện”.

– “Miệng ăn, núi lở’.

– “Được mùa chớ phụ ngô khoai,

Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”.

– “Nước sông công lính”.

Có biết phòng xa, có biết quý trọng sức người, sức của thì mới có ý thức tiết kiệm. Nhưng tiết kiệm không có nghĩa là bủn xỉn, chẳng dám ăn, dám mặc, dám tiêu…

Tiết kiệm vật chất chưa đủ, mà còn phải biết tiết kiệm thời gian. Đúng như Mác đã nói: “Mọi tiết kiệm, xét cho cùng là tiết kiệm thời gian”.Thời gian là vàng ngọc. Có thời gian là có tất cả. Dùng thời gian để học tập, để nấu sử sôi kinh. “Học ngày chưa đủ còn tranh thủ học đêm”.Dùng thời gian để lao động. Lao động cật lực trong 8 giờ vàng ngọc, ta sẽ có những bát cơm đầy dẻo thơm, sẽ có áo quần lành ấm và đẹp, có vật dụng và tiền bạc để chi tiêu, làm cho cuộc sống đầy đủ, ngày hạnh phúc. Dành thời gian để nghỉ ngơi, giải trí, để bồi dưỡng tinh thần, thể lực.

Thời giờ một đi không trở lại. Biết tiết kiệm thời gian nên không thể lãng phí thời gian, sống vô công rồi nghề, lười biếng, chỉ biết ăn chơi du hí, cờ bạc rượu chè, nghiện hút… hết ngày này qua tháng khác:

“Đời người cố một gang tay,
Ai hay ngủ ngày còn được nửa gang”.
(Tục ngữ)

Tiết kiệm thời gian có nghĩa là biết quý trọng tuổi xuân. Thi sĩ Xuân Diệu đã viết:

“Xuân dương tới nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất,
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật Không cho dài thời trẻ của nhân gian”…
(Vội vàng)

Tuổi trẻ, tuổi thanh xuân là đẹp nhất, đáng yêu nhất. Mỗi con người chỉ có một thời hoa niên. Biết tiết kiệm thời gian để học tập, lao động, sáng tạo, vui chơi làm cho tuổi xuân thêm đẹp, thêm hạnh phúc.

Tóm lại, ta không được phí phạm tài sản vật chất. Ta càng không được lãng phí thời gian. Thời gian là nguồn sống, nguồn sáng tạo. Hơn bao giờ hết, ta càng thấm thìa câu nói của Mác: “Mọi tiết kiệm, xét cho cùng là tiết kiệm thời gian”.Biết tiết kiệm thời gian mới biết làm chủ bản thân, đó là cách sống văn minh nhất.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận câu nói Mọi tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian Tài liệu ôn thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *