Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 9: Nghị luận xã hội về vai trò của người thầy trong xã hội hiện nay (6 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 9 hay nhất ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Nghị luận xã hội về vai trò của người thầy trong xã hội hiện nay gồm 6 mẫu hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều thông tin bổ ích, hiểu rõ hơn những công lao to lớn, những vất vả của thầy cô.

Người thầy

Thầy giáo, cô giáo như người cha, người mẹ thứ hai, họ đã không quản vất vả để truyền đạt kiến thức, chỉ bảo, dạy dỗ chúng ta thành tài. Vậy các em có suy nghĩ gì về vai trò của người thầy trong xã hội hiện nay? Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Wikihoc.com để ngày càng học tốt môn Văn 9.

Nghị luận xã hội về vai trò của người thầy – Mẫu 1

Dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học, đề cao đạo học và đạo lí làm người. Bởi thế, người thầy có một vị trí cao trong xã hội, được mọi người kính trọng, tin tưởng và tôn quý, hình thành nên truyền thống tôn sư trọng đạo từ bao đời nay. Người thầy có vai trò quyết định sự thành bại ở mỗi con người. Khẳng định điều đó, nhân dân có câu: “Không thầy đố mày làm nên”.

Nếu chúng ta nhìn nhận nó dưới góc độ của nghĩa đen thì chúng ta chỉ nghĩ rằng nội dung của nó là đề cao việc học tập và vai trò của người thầy. Phải có thầy chỉ bảo người học sinh mới có thể làm nên sự việc. Đề cao vai trò và ơn đức của người thầy còn có nhiều tục ngữ khác như: “Trọng thầy mới được làm thầy”; “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Mấy ai là kẻ không thầy. Thế gian thường nói đố mày làm nên”,…

Hiểu một cách sâu sắc, “thầy” ở đây không phải chỉ đơn thuần là người dạy văn hóa ở trường mà là tất cả những dạy bảo ta về nhân cách, về cuộc đời. Thầy là người đã có công truyền đạt kinh nghiệm hiểu biết cho chúng ta. Còn “học” ở đây không phải là học chữ mà là học toàn diện. “Mày” là người được chỉ bảo, được dìu dắt.

Rõ ràng, người thầy luôn đóng vai trò to lớn trong thành công của mỗi con người. Chính nhờ có thầy truyền đạt tri thức, chỉ dạy đạo lí ở đời mà con người mới có hiểu biết, sống đúng đắn với luân lí ở đời, xây dựng cuộc sống cao đẹp, văn mình và hạnh phúc. Hãy tưởng tượng, một xã hội không có thầy giáo, khống có ai gìn giữ cương luật, không có trường học, con người không ai đi học thì đạo đức sẽ bị phỉ báng, con người trở nên thô bạo và tàn nhẫn như thế nào?

Tổng thống Nam Phi Man-de-la cũng đã từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”. Điều đó khẳng định tri thức là sức mạnh. Và cũng có nghĩa là chính người thầy với kiến thức, tài năng và đức độ của mình đủ sức rèn luyện và đào tạo ra những con người có đủ sức mạnh để làm thay đổi thế giới này.

Kiến thức kinh nghiệm dù lớn hay nhỏ, dù thế nào đi chăng nữa thì nó không phải tự nhiên mà có, phải được đúc kết từ nhiều năm. Không có thầy, không có người đi trước chí bảo thì không ai có thể trau dồi cho mình một lượng kiến thức để mình phát triển thành một người toàn diện.

Câu chuyện “Người thầy đầu tiên”, một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Chyngyz Aytmatov là một minh chứng rõ ràng rằng một người thầy giỏi sẽ có ảnh hưởng đến rất nhiều con người. Nếu không có thầy giáo Đuy-sen đầy nhiệt tâm và quả cảm đó thì cô bé An-tư-nai đâu trở thành một người toàn diện như thế. An-tư-nai sẽ không có cơ hội để hiểu biết thế giới quanh mình, dù cô thông minh thật đấy. Người thầy ấy bằng cả sự hi sinh và máu của mình để chuẩn bị tương lai cho một cô học trò.

Con người dù có thông minh đến thế nào đi chăng nữa thì họ vẫn không thể phủ nhận rằng thành tựu mà họ đạt được là có vai trò của người thầy.Đó dường như là quy luật. Thành tựu càng lớn thì vai trò người thầy càng được thể hiện rõ nét và cao hơn. Đằng sau một người học trò giỏi luôn có một người thầy giỏi.

Chúng ta có thể thấy được điều này qua tiểu sử và những gì mà các nhà bác học đã để lại. Không ai có thể bác bỏ rằng các nhà bác học như Niu-tơn, người đã tìm ra những phát minh vĩ đại, hay Lai-bơ-nít, người khởi xướng ra máy tính điện tử hiện đại – ấy không phải là thiên tài. Nhưng, họ không thể một mình đi đến thành tựu của mình mà không có sự chỉ dẫn của những người đi trước. Đặc biệt là thầy của họ rất giỏi nữa là khác.

Chúng ta không thể tìm thấy một ví dụ nào để có thể phủ nhận vai trò của người thầy. Dù là những thiên tài khoa học như E-di-son, New-ton, Fa-ra-day; những chính trị gia lỗi lạc như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Abraham Lincoln, thánh Gandhi, Hồ Chí Minh; những nhà văn kiệt xuất như Nguyễn Du, Victor Hugo, Balzac,… cũng đều được giáo dục bởi những người thầy. Nếu không có những người thầy ấy, có thể họ vẫn thành công nhưng không thể trở nên vĩ đại như thế.

Tuy nhiên, câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” có phần tuyệt đối hóa vai trò của người thầy đối với thành công của mỗi con người. Trong cuộc sống, có biết bao con người đã tự mình học tập và vươn tới thành công. Với ý chí chí và nghị lực phi thường, họ lấy bản thân làm trung tâm, tự phát hiện nhu cầu học tập và làm chủ quá trình học tập của mình. Họ lấy sách vở làm bầu bạn, công việc làm thực nghiệm và xem cuộc sống là một người thầy nghiêm khắc và vĩ đại. Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận, đó là những cá nhân hiếm hoi trong hàng tỷ con người. Không có cách nào khác tốt hơn để phát triển giáo dục và tri thức của một đất nước ngoài việc rèn luyện và đào tạo những người thầy giỏi. Chí có những tinh hoa mới có thể tạo ra những tinh hoa.

Bởi thế, chúng ta cần nhận thức một điều là phải hiểu đúng ý nghĩa của câu tục ngữ. Nhất là “thầy” chúng ta cần có cái nhìn đúng về từ này. “Thầy” là người dạy ta nhân cách, hiểu biết, chỉ bảo ta những điều tốt đẹp. Là người dẫn ta đến với những tương lai tươi sáng.

Với trình độ ngày càng phát triển của khoa học ngày nay thì việc trang bị kiến thức đầy đủ, đòi hỏi sự hiểu biết cao là điều kiện cơ bản của sự phát triển xã hội. Và cũng là dịp để chúng ta tiếp thu những tinh hoa văn hóa của khoa học hiện đại. Bởi thế, chúng ta cần phải vực dậy những ý thức, những tình cảm tốt đẹp ấy. Đây là một việc làm thiết thực nhất mà chúng ta có thể góp phần bảo vệ truyền thông và phẩm chất tốt đẹp của mình nói riêng và cho cả dân tộc nói chung.

“Không thầy đố mày làm nên” là một lời khuyên sâu sắc, thể hiện sâu sắc truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta; đồng thời có giá trị định hướng về phương pháp học tập, giúp con người vươn tới thành công.

Nghị luận xã hội về vai trò của người thầy – Mẫu 2

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng đội ngũ trí thức, người ví tri thức như là “tài sản quý hiếm của dân tộc”. Trong đó Người đặc biệt đề cao vai trò của các thầy cô giáo – những người tham gia chủ yếu và trực tiếp vào sự nghiệp trồng người.

Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Còn gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang, ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa chữa”.

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 9: Đóng vai anh thanh niên kể lại truyện Lặng lẽ Sa Pa Dàn ý & 9 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất

Tuy vậy, không phải ai học trường Sư phạm ra cũng có thể trở thành giáo viên tốt, không phải cứ có kiến thức hơn người khác là có thể làm giáo viên tốt, không phải cứ được Nhà nước xét tuyển và trả lương theo mã ngành là có thể làm giáo viên tốt, không phải cứ đứng trên bục giảng là có thể làm giáo viên tốt…

Làm giáo viên là nghề rất “dễ” theo quan niệm của một số người, bởi họ chỉ cần đứng trên bục “chém gió”, hoặc ngồi vào bàn giáo viên đọc giáo trình cho học trò nghe, hết giờ thì về, không cần quan tâm đến học trò có nghe không, có nghe được gì không, có hiểu gì không, những điều nghe được có bổ ích không, có đúng không. Bởi vì học trò có em không biết thật, có em biết thầy, cô nói sai, nói dở mà không dám phản đối, vì tôn trọng thầy cô, vì sợ bị trù dập, vì muốn yên thân… Thậm chí có những người đọc nguyên những lời trong sách cho học trò nghe rồi đệm vài từ ậm à cửa miệng theo thói quen, hoặc kể những câu chuyện tào lao để gây cười là chủ yếu, còn chính họ cũng không hiểu về điều mình vừa đọc để có thể giảng dạy cho học trò hiểu. Có người rất “dũng cảm” có thể giảng bài bất cứ khi nào, môn nào. Hễ có người nhờ lên lớp thay vì bận là họ nhận lời liền, làm liền. Họ không biết hoặc cố tình không biết một điều hết sức đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng là: những hành động của mình đã góp phần không nhỏ, hoặc trực tiếp xóa đi niềm tin, sự hào hứng nhiệt thành – một trong những thứ quý giá nhất của những người trẻ tuổi – những người họ gọi là “học trò” trên con đường khám phá muôn màu của cuộc sống, tìm kiếm tri thức của nhân loại.

Thật sự, nếu làm đúng yêu cầu, trách nhiệm mà xã hội giao phó thì nghề giáo là một nghề không hề đơn giản. Bởi vì nó đòi hỏi người giáo viên phải có cả đức và tài, thật sự giỏi cả về chuyên môn cũng như có năng lực sư phạm, đồng thời phải luôn luôn gương mẫu về đạo đức và có tình thương yêu học trò, tận tâm tận lực với nghề. Không những thế, giáo viên để làm tốt công việc của mình đòi hỏi phải luôn rèn luyện, cập nhật, bổ sung thêm tri thức để có thể hướng cho học trò của mình khi vào đời không trở nên lạc lõng, xa lạ với xã hội, để giúp các em tiến lên bắt kịp với thời đại và luôn luôn giữ được niềm tin, tạo dựng lại niềm tin vào những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống.

Trong Đại hội chiến sĩ thi đua toàn ngành Giáo dục ngày 21-2-1956, Bác Hồ đã ân cần căn dặn: “Các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu”. Trong bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên năm 1959, Người cũng nhắc nhở: “giáo viên ngày nay không phải là “gõ đầu trẻ kiếm cơm”, mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc. Nhiệm vụ ấy rất là vẻ vang. Các cô, các chú phải ngày càng tiến bộ để dạy cho con em ngày càng tiến bộ, nếu không thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến con em. Nên Người căn dặn: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hoá, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức.

“Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, lời Hồ Chủ tịch dạy chúng ta như một chân lý của thời đại. Nhưng muốn giúp cho các thế hệ học sinh có thể góp công để xây dựng đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”, ngoài sự nỗ lực của các em còn phụ thuộc rất nhiều vào sự cố gắng của cả các thầy cô giáo. Đừng chỉ biết trách thế hệ trẻ bây giờ thế này thế nọ, trước hết các thầy cô cũng cần phải nhìn lại chính mình, soi xét chính mình để sống, lao động và học tập sao cho xứng với danh hiệu cao quý mà xã hội đã tôn vinh, để xứng đáng là “nhà giáo”, là thầy cô yêu kính của học trò.

Nghị luận xã hội về vai trò của người thầy – Mẫu 3

Comenxki từng viết: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Nói như thế mới biết được vai trò của nghề giáo là quan trọng như thế nào. Bởi họ nắm trong tay sứ mệnh giáo dục, chỉ dẫn mỗi con người,ảnh hưởng đến cả một thế hệ tương lai sau này. Chính vì vậy, cả thầy và trò đều có mối quan hệ mật thiết và để cá nhân có thể phát triển được thì cần phải tôn trọng lẫn nhau. Nhưng điều đáng buồn là trong xã hội hiện nay, hình ảnh người thầy đang dần xuống cấp nghiêm trọng.

Chắc hẳn các bạn vẫn chưa quên vụ việc cô giáo Lê Na xúc phạm học viên và mới đây thôi, dư luận vẫn còn đang bàn tán về việc: “Cô giáo Tiếng anh chửi học viên là con lợn”. Những vụ việc như vậy có thể xuất phát từ sự nóng tính, dễ mất bình tĩnh và dễ bị kích động của những người thầy giáo, cô giáo. Xét ở góc độ khách quan mà nói, họ cũng là con người bình thường, họ cũng có nhữg khiếm khuyết và không thể kiềm chế được bản thân. Và không chỉ có những người thầy sai, ngay cả học viên cũng có lỗi. Nhưng dù thế nào, để những sự việc như vậy xảy ra, hình ảnh người thầy vô tình mất điểm. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cô giáo dạy tôi lớp 4, lớp 5. Cô vẫn nói là: “Sự nghiêm khắc của tôi đến sau này các anh các chị mới hiểu được.” Nhưng trải qua từng ấy năm, chúng tôi vẫn hoàn toàn không hiểu. Xin thưa, đó không phải là sự nghiêm khắc mà là quát nạt, mắng mỏ và chà đạp cả về thể xác và tinh thần. Chúng tôi vẫn nhớ như in sự sợ hãi năm nào, khi cả lớp đang mải nói chuyện thì cô lườm một cái, rồi ném thước vào bạn nào cười to nhất. Tôi cũng từng bị cô xúc phạm là: “Cái loại môi dày”. Đến bây giờ, chuyện đó vẫn khiến tôi cảm thấy khá là khó chịu khi nhớ về. Cô nói là cô như thế chúng tôi mới học hành chăm chỉ được, nhưng không, chúng tôi càng sợ hãi, càng tìm cách lẩn trốn vấn đề thay vì đối mặt với nó.Lúc ôn thi học sinh giỏi, chúng tôi phải ngồi quanh thành cái bàn tròn, từng người từng người lên bảng chữa một. Chúng tôi sợ cái cảm giác không làm được bài rồi bị miệt thị khủng khiếp. Nên đứa nào đứa nấy, đếm xem bài nào vào mình rồi mở đáp án ra học thuộc, xong lên bảng chữa. Mỗi kì thi, không còn là một sân chơi nữa, mà là áp lực, là nỗi sợ. Sợ điểm kém, sợ thua bạn thua bè, nhưng sợ tất cả những thứ ấy là vì sợ cô.

Ngay từ khi còn bé, tôi đã phải gặp một người giáo viên như thế nên thực sự không tránh khỏi sự đánh đồng rằng tất cả mọi giáo viên đều như thế. May mắn rằng sau khi lên cấp hai, tôi thực sự không phải trải qua cảm giác ấy một lần nào nữa. Tất cả các thầy cô đều khá thoáng và thoải mái. Một vài người hơi khó tính, một vài người hơi nghiêm khắc nhưng tất cả họ đều thú vị, cá tính và làm đa dạng những khía cạnh của một giáo viên. Cho dù thế nào thì không ai xúc phạm học sinh cả. Những năm cấp hai, tôi cảm thấy vai trò của người thầy có tác động thực sự rất mạnh mẽ, họ có thể truyền cảm hứng hoặc giập tắt nó. Tôi biết được điều ấy thông qua cô chủ nhiệm đồng thời là giáo viên dạy Văn, rồi cô Hằng dạy Toán… Tôi phát hiện mọi khoảng cách giữa giáo viên và học sinh hóa ra có thể gần đến thế. Sau mỗi tiết học hay giờ ra chơi, chúng tôi có thể lên bàn giáo viên, hỏi họ mọi vấn đề và được giải đáp. Thậm chí họ còn rất vui khi được hỏi và nhiệt tình trả lời. Và chúng tôi không còn sợ, cũng không còn giấu dốt, chúng tôi không sợ bị chê cười vì mình không hiểu những điều đơn giản đến thế. Điều mà trước đây mỗi khi nói ra lại sợ: “Bài này mà không biết làm à?”.

Thầy cô không chỉ là thầy cô, họ còn là bạn, là bè. Trường tôi có cô L, cô rất teen. Đứa nào thích đứa nào, cô biết hết. Cô không ngăn cấm, mà chỉ nói lên làm thế nào cho đúng, để không ảnh hưởng học hành. Cô cùng chúng tôi chia sẻ tất tần tật mọi khúc mắc trong cuộc sống, ở cái độ tuổi mà sớm nắng chiều mưa với tư cách là một người từng là học sinh, một người cũng từng trải qua những cảm giác như thế.

Tham khảo thêm:   Thuyết minh về chùa Dâu ở Bắc Ninh (Dàn ý + 5 mẫu) Thuyết minh danh lam thắng cảnh lớp 9

Đối với tôi, từ khi vào cấp hai, bản thân đã nhận sự tác động của thầy, cô và đã thay đổi rất nhiều. Phải kể đến đó là cô giáo chủ nhiệm, cũng là giáo viên dạy Ngữ Văn của tôi. Trước kia, tôi không mặn mà gì với môn Ngữ văn cho lắm. Tôi cảm thấy sự phân tích các văn bản một cách kĩ càng quá là không cần thiết. Nhiều khi, tôi chán ngấy cái cảnh phân tích từng từ ngữ một, từ nào đặc sắc, biện pháp tu từ nào hay hay đủ thứ cảm nhận trời ơi đất hỡi. Tôi cũng tự hỏi, liệu tác giả khi viết có nghĩ nhiều như thế không? Nhưng dần dần, dưới cách dạy của cô, tôi nhận ra học văn không hẳn chỉ như mình nghĩ. Văn học cũng có nhiều điều thú vị. Đọc được câu chuyện hay, nó có tác động đến nhận thức của mình không? –Có chứ. Cũng nhờ có cô, tôi không còn cảm thấy mình học Văn tệ nữa. Cô là người giới thiệu cho tôi cái hay của việc đọc sách và những quyển sách cô đọc. Nhờ có cô, tôi bắt đầu đọc những cuốn đầu tiên, và đọc trở thành một thói quen cho đến hiện tại. Tôi cố gắng cảm nhận những điều mình đọc, và bây giờ nếu cầm trên tay những cuốn sách về chủ đề Hiện thực, tôi không còn cảm thấy nó quá khô khan nữa. Bằng cách nào đó, tôi biến việc học Văn, học cách viết và học cách diễn đạt trở nên tự nhiên và cần thiết đối với mình. Cũng có một chuyện, tôi cảm thấy rất biết ơn cô, đó là cô chưa bao giờ tạo bất cứ áp lực gì trong các kì thi của tôi cả. Lần tôi thi Học sinh giỏi Văn, tôi khá sợ. Một phần là do dư chấn trước đây nên tôi sợ điểm kém, rồi sợ không có giải gì thì sao, xấu hổ chết. Cô bảo đừng có lo, cứ thi hết sức. Rồi cô dặn cả bọn: “Các em không có giải, không sao. Nhưng cô không cần các em tiểu xảo”. Rồi kì thi cũng hoàn thành tốt hơn tôi nghĩ và may mắn hơn là tôi còn vào được vòng trong. Nhưng lần thi này lại quá sức tệ hại. Ở bài nghị luận xã hội, tôi xác định sai thông điệp của câu chuyện. Tôi đã viết nó theo một hướng khác đi, một hướng tôi cảm nhận và nó hoàn toàn lạc đề. Tôi cứ ngỡ là cô sẽ mắng nhưng mà cô cười, bảo không sao, thế là ổn rồi. Có thể là cô còn hy vọng nhiều hơn thế nhưng cô không nói, sợ tôi buồn, hoặc vì lí do gì khác.

Viết ra những điều này, tôi chỉ muốn khẳng định rằng làm thầy, không phải là gõ đầu trẻ. Làm thầy không chỉ đơn giản là việc dạy bằng khối óc mà còn dạy bằng trái tim nhiệt thành. Thầy không đơn giản là thầy mà còn là bạn, là người truyền cảm hứng cho học sinh đến tận tương lai sau này. Và bắt đầu của tất cả những điều ấy là sự thấu hiểu, sẻ chia, đồng cảm, sự nghiêm khắc đúng mực chứ không phải bằng bạo lực hay những lời nhục mạ, miệt thị các em. Và các bạn học sinh, hãy tôn trọng thầy cô và hiểu cho sự vất vả, hi sinh của họ!

Nghị luận xã hội về vai trò của người thầy – Mẫu 4

Mỗi người chúng ta đều trải qua quá trình học tập và quá trình đó sẽ thật khó khăn, truân chuyên biết bao nếu chúng ta không có sự giúp đỡ của các thầy cô giáo – những người giúp ta chập chững làm quen với kiến thức về thế giới xung quanh. Vì thế ta có thể thấy vai trò của người thầy cô trong nhà trường và việc giáo dục, truyền đạt kiến thức cho học sinh là vô cùng quan trọng.

Thầy cô – những bậc đàn anh đi trước, những người có trình độ hiểu biết cao, là người dạy cho học sinh những kiến thức cơ bản phong phú, bao điều hay lẽ phải, hướng dẫn cho học sinh từng bước đi lên vững chắc. Dân gian ngày xưa có câu “Không thầy đố mày làm nên” đã cho thấy vai trò và trách nhiệm của người thầy cô là rất to lớn: Không chỉ cung cấp kiến thức, thầy cô còn dạy bảo ta nên người toàn diện, định hướng hình thành nhân cách mỗi con người chúng ta, góp phần xây dựng những nhân tài của tương lai mai sau.

Và ngày nay, xã hội ngày càng phát triển đưa vai trò của người thầy ngày càng lên cao. Kiến thức là một biển trời rộng lớn bao la, một học sinh không thể nào tự nắm bắt chọn lọc. Thì lúc đó vai trò của người thầy càng thể hiện rõ hơn, họ sẽ là người chỉ đường dẫn lối đưa học sinh đến gần hơn với kiến thức. Một người thầy có trách nhiệm là không chỉ dạy chữ mà còn biết quan tâm, chăm sóc tìm hiểu về học sinh bằng cả trái tim và lòng bao dung. Biết đánh thức tiềm năng trong mỗi học sinh, khơi dậy và phát triển cái nội lực của học sinh. Qua đó đã cho thấy vai trò của người thầy trong nhà trường ngày nay đó là người mở đường để người học tự thân vận động nhiều hơn. Gieo hạt nhưng hạt muốn vươn thành cây thì phải dựa vào chính bản thân mình. Dạy cho học sinh biết tự học, tự đọc sách, tìm tòi, tra cứu phát hiện ra những điều mới mẻ, sáng tạo ra nhiều phương pháp học hiệu quả. Nghĩa là giúp học sinh phát triển trí tuệ tư duy, tiếp thu kiến thức một cách chủ động chứ không phải thụ động dù là tri thức tiên tiến. Chính vì nhờ thầy cô, những đam mê, năng khiếu tiềm ẩn đâu đó trong ta mới được khơi dậy. Bên cạnh đó, một người thầy tốt là người có tấm lòng nhiệt huyết hết mình với nghề, truyền đạt cho học sinh bằng tất cả kiến thức mình có. Am hiểu học sinh, tìm ra những phương pháp hay giúp học sinh hiểu bài sâu và nhanh, khắc phục những khuyết điểm và tạo ra nhiều ưu điểm. Ân cần khuyên bảo khi học sinh mắc lỗi, không gây quá nhiều áp lực cho học sinh hay áp đặt học sinh một cách máy móc. Chính vì thế người thầy, người cô được ví như người cha người mẹ thứ hai của chúng ta. Họ cũng dành cho ta tình yêu thương nồng nhiệt, tốn nhiều công sức để truyền đạt kiến thức cho ta bằng cả tấm lòng.

Ngoài vai trò truyền đạt kiến thức của thầy cô thì vai trò của học sinh cũng quan trọng không kém. Là vì dù thầy cô tâm huyết tới đâu mà học sinh không có ý thức tiếp thu thì công sức của thầy cô cũng bằng thừa. Ta có thể thấy sự tác động qua lại giữa học sinh và thầy cô, thầy cô dạy hay học sinh càng có tinh thần học tập, và ngược lại học sinh học tốt học giỏi giáo viên sẽ có thêm động lực trong việc giảng dạy.

​Qua đó ta có thể thấy vai trò của người thầy người cô trong nhà trường là rất rất quan trọng và cần thiết cho mỗi chúng ta. Vì thế để nhớ đến công ơn dạy dỗ của người thầy nước ta đã lấy ngày 20-11 để mọi người cùng nhau nhớ về những công lao dưỡng dạy của các thầy cô giáo năm xưa. Chúng ta phải biết nhớ ơn thầy cô: học thật tốt và thành công trong cuộc sống đó là cách thể hiện lòng biết ơn thiết thực nhất. Một lời nói lễ phép, một câu chào hỏi lễ phép cũng làm thầy cô thấy ấm lòng mà không cần phải quá cầu kỳ hay phức tạp, tốn kém, đối với thầy cô như thế là đủ.

Con đường đến với tri thức vốn gập ghềnh, gian nan. Trên con đường ấy thầy là người dẫn đường chỉ lối, người luôn đồng hành bên ta, giữ một vị trí quan trọng trong tâm thức của mỗi con người. Cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý”. Tóm lại, ta có thể thấy vai trò của người thầy trong việc truyền thụ kiến thức trong trường học là vô cùng thiết yếu.

Nghị luận xã hội về vai trò của người thầy – Mẫu 5

Trong xã hội, người thầy mang một vai trò rất quan trọng trong việc tu dưỡng, rèn luyện, hình thành, phát triển, hoàn thiện nhân cách của lứa tuổi học sinh. Điều đó cũng được ông cha ta quan niệm, khẳng định từ hàng nghìn đời nay. Chính vì vậy trong kho tàng tục ngữ, ca dao dân ca Việt Nam có câu: “Không thầy đố mày làm nên” để bộc lộ rõ nét điều đó.

Câu tục ngữ trên mang hình thức thách đố nhưng bản chất lại là câu khẳng định, nó còn mang cấu trúc kiểu phủ định, thuộc loại câu hỏi tu từ. Hai từ: “thầy” – “mày”, từ “mày” không có ý nghĩa hạ thấp giá trị học sinh mà để đi liền với chữ “thầy” cho vần và dễ nhớ.

Tham khảo thêm:   KHTN 8 Bài 8: Acid Giải KHTN 8 Kết nối tri thức trang 35, 36, 37, 38

Câu tục ngữ này nêu lên vai trò quan trọng của người thầy đối với nền giáo dục và học sinh, đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta phải biết ơn, kính trọng thầy cô giáo. Không chỉ vậy, câu tục ngữ này còn mang giá trị truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam từ rất lâu đời.

Thầy không chỉ là người dạy dỗ chúng ta về kiến thức mà còn là người dạy ta đạo đức, phẩm chất, giá trị mỗi con người. Học chữ, học làm việc, tất cả mọi cái học đều phải có thầy. Có thể nói thầy như thế hệ đi trước, trải qua biết bao kinh nghiệm trong cuộc sống, nay truyền thụ lại kiến thức cho học sinh, mở đường chỉ lối, giúp ta có con đường đúng đắn nhất để đi. Công lao đó không gì sánh nổi. Những ngày đầu tiên bước vào lớp, thầy đã dìu dắt, dạy dỗ, chỉ bảo. Thầy dạy học đếm, học viết, học đánh vần. Lên lớp cao, thầy dạy cho chúng ta những điều sâu sắc. Suốt quá trình học tập thì thầy là người luôn sát cánh bên ta, trợ giúp, nâng đỡ, chắp cánh cho ta bay vào tương lai. Không một người học sinh nào có thể thành đạt vào đời mà không có sự kèm cặp của thầy. Tất nhiên là nếu thầy dạy cho chúng ta mà chúng ta không biết tiếp nhận, không biết vận dụng thì công sức của thầy cũng chỉ là không. Chính vì vậy chúng ta cần phải biết rằng tâm huyết của thầy dành cho chúng ta là hết mình nên chúng ta cũng phải nỗ lực, cố gắng, chịu khó để không phụ lòng những công ơn đó. Công lao của thầy đối với sự nghiệp sau này của học sinh là vô cùng lớn, nó chính là mầm mống của sự thành đạt. Khi một người thầy hết lòng vì học sinh thì đó chính là niềm đam mê yêu nghề của thầy và cũng là tư tưởng lớn trong nền giáo dục.

Chúng ta có được ngày hôm nay cũng chính là do sự dìu dắt của thầy. Thầy đã truyền thụ kiến thức, rèn giũa những phẩm chất cao quý tốt đẹp trong mỗi con người chúng ta để chúng ta trở thành những viên kim cương sắc bén, đã được gọt giũa, luôn toả sáng trong đường đời, và cũng chính điều đó nhắc nhở chúng ta hãy biết kính trọng người thầy ở mọi lúc mọi nơi, hình ảnh của người thầy phải đi vào sự tôn kính trong mỗi chúng ta. Hãy biết vận dụng vốn kiến thức của thầy đã truyền thụ kết hợp với khả năng vốn có của bản thân để tạo nên một sự thành đạt rực rỡ trong cuộc đời của mình. Đó chính là những gì thầy mong muốn, gửi gắm niềm tin ở ta. Và nó cũng thể hiện lòng tôn kính một cách sắc nét nhất đối với thầy. Câu tục ngữ này mang giá trị trường tồn cùng thời gian và trong bất kì hoàn cảnh nào thì nghĩa của nó cũng luôn được chấp nhận, khẳng định. Không chỉ vậy, câu tục ngữ còn mang hình thức giản dị, âm điệu vui nhộn, nhưng ẩn chứa trong đó là biết bao nỗi niềm, tâm sự của ông cha ta.

Nói tóm lại câu tục ngữ này muốn nói với chúng ta một điều sâu sắc nhất. Đó chính là hãy hiểu được vai trò giá trị của người thầy, hãy biết suy nghĩ một cách toàn diện nhất để có những thái độ bộc lộ sự kính trọng đối với thầy, không chỉ là lời nói, mà còn bằng hành động. Hãy thể hiện rằng, chúng ta là những con người văn minh, biết đạo lí làm người và xứng đáng là người con đất Việt.

Nghị luận xã hội về vai trò của người thầy – Mẫu 6

Nước ta vốn có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, truyền thống đó vẫn được bảo tồn và phát triển, người thầy vẫn luôn được Nhân dân yêu mến và ca ngợi. Từ xưa đến nay, trong dân gian ai cũng thuộc câu: “không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Cả đến khi công thành doanh toại, người ta cũng nhắc nhau: “Mười năm rèn luyện sách đèn, công danh gặp bước chớ quên ơn thầy”.

Trong xã hội phong kiến – khi mà tri thức là thầy, thầy là tri thức, thầy có quyền ban phát tri thức cho người học. Thì thời đại ngày nay, tri thức không còn nằm độc quyền trong tay người thầy nữa mà bản thân người học có thể tìm kiếm tri thức ở nhiều nguồn khác nhau, người thầy lúc này chỉ là người làm cầu nối, là một trong những kênh để cung cấp tri thức cho người học.

Ngày nay, xã hội càng phát triển vai trò của người thầy ngày càng được nâng lên. Kiến thức là một biển trời rộng lớn bao la, người học không thể nào tự nắm bắt chọn lọc. Thì lúc đó vai trò của người thầy càng thể hiện rõ hơn, họ sẽ là người chỉ đường dẫn lối đưa người học đến gần hơn với bến bờ tri thức.

Đất nước ta trong quá trình mở cửa hội nhập quốc tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Việt Nam trên đà phát triển đòi hỏi cần phải có một đội ngũ trí thức hùng hậu, có kiến thức, trình độ chuyên môn, khoa học – kỹ thuật, đạo đức nghề nghiệp. Đây là đội ngũ có trọng trách phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh và xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa; đưa đất nước sánh bước cùng các nước trong khu vực và trên thế giới. Để thực hiện thành công vấn đề trên thì đòi hỏi phải đào tạo cho được những con người có “đức” có “tài” đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; và để đào tạo được đội ngũ trí thức thì cần phải có đội ngũ thầy, cô giáo có năng lực chuyên môn và tâm huyết với nghề trong sự nghiệp trồng người.

Người thầy có trách nhiệm không chỉ dạy chữ mà còn biết quan tâm, chăm sóc tìm hiểu người học bằng cả trái tim và lòng bao dung. Biết đánh thức tiềm năng trong mỗi người học, khơi dậy và phát triển cái nội lực của người học. Qua đó đã cho thấy vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đó là người mở đường để người học tự thân vận động nhiều hơn. Gieo hạt nhưng hạt muốn vươn thành cây thì phải dựa vào chính bản thân mình. Dạy cho người học biết tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi, tra cứu phát hiện ra những điều mới mẻ, sáng tạo ra nhiều phương pháp học hiệu quả. Nghĩa là giúp người học phát triển trí tuệ tư duy, tiếp thu kiến thức một cách chủ động chứ không phải thụ động trong tiếp nhận tri thức.

Để làm được điều đó thì đòi hỏi người thầy phải tự rèn luyện mình cho xứng đáng với vai trò của người thầy. Muốn người khác tôn trọng mình thì trước hết bản thân mình phải đáng được tôn trọng. Người thầy phải mô phạm, đức độ, mẫu mực trong hành vi, đối với đồng nghiệp phải khiêm tốn, đoàn kết, nhân ái,… đối với người học phải hết lòng yêu thương, chỉ bảo, đối với người khác phải có lối sống giản dị, lành mạnh, trong sáng, đối với công việc phải tận tụy, có kỷ luật, sáng tạo và luôn giữ mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng, xã hội, để mọi người tôn trọng và kính nể.

Đất nước ta trong quá trình mở cửa hội nhập và tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển đất nước, thì vai trò của người thầy lại càng mang trọng trách nặng nề hơn. Thế kỷ XXI, là thế kỷ bùng nổ thông tin khoa học – kỹ thuật, nên đòi hỏi người thầy phải không ngừng nắm bắt những thông tin khoa học – kỹ thuật để làm phong phú hơn vốn kiến thức của mình phục vụ cho công tác giảng dạy. Muốn vậy, mỗi thầy, cô giáo cần phải tự học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Có như vậy, mới nâng cao vai trò của người thầy trong sự nghiệp trồng người. Ngược lại, nếu người thầy không chịu khó trong việc tự bồi dưỡng kiến thức, tìm hiểu thông tin khoa học – kỹ thuật của thời đại thì sớm hay muộn gì người thầy sẽ có nguy cơ bị xã hội đào thải.

Xã hội xưa hay xã hội hiện đại, thì vai trò và địa vị của người thầy đều được mọi người tôn trọng. Vì người thầy có trọng trách nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài góp phần tích cực trong việc xây dựng xã hội lành mạnh, văn minh và tiến bộ. Nghề dạy học là nghề được mọi người tôn trọng và đề cao: “Trong tất cả các nghề cao quý thì nghề dạy học là nghề cao quý nhất”.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Nghị luận xã hội về vai trò của người thầy trong xã hội hiện nay (6 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 9 hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *