Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình Dàn ý & 14 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

TOP 14 bài Nghị luận về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn ý nghĩa của cuộc sống hòa bình, để chúng ta biết trân trọng, giữ gìn và bảo vệ hòa bình.

Hòa bình

Hòa bình là sự bình an, vui vẻ không có đổ máu, chiến tranh, khủng bố, cướp bóc, bóc lột. Khi sống trong hòa bình sẽ thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội và nhân văn. Vậy mời các em cùng tham khảo bài viết dưới đây của Wikihoc.com để ngày càng học tốt môn Văn 9.

Dàn ý nghị luận về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình

I. Mở bài

– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: hòa bình là sợi dây kết nối toàn cầu.

II. Thân bài

1. Giải thích

* Hòa bình là gì?

  • Hòa bình không đơn giản chỉ là không có chiến tranh. Hòa bình là khi chúng ta đang sống hòa thuận và không có sự đấu đá lẫn nhau. Nếu mỗi người trong thế giới được yên ổn, đó sẽ là một thế giới hòa bình.
  • Hòa bình còn có nghĩa là đang sống sự thinh lặng nội tâm. Hòa bình là tình trạng bình tĩnh và thư thái của trí óc.
  • Hòa bình bắt đầu nơi mỗi người chúng ta. Xuyên qua thinh lặng và sự suy nghĩ đúng đắn về ý nghĩa của nó, chúng ta có thể tìm được nhiều cách mới mẻ và sáng tạo để tạo thuận lợi cho sự hiểu biết về các mối quan hệ và sự hợp tác với tất cả mọi người.

* Vì sao hòa bình lại là sợi dây kết nối toàn cầu?

– Về thế giới:

  • Thế giới sống trong hòa bình sẽ thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội và nhân văn.
  • Khi mà mỗi đất nước đều yên ổn để có thể phát triển mọi mặt thì đất nước ấy sẽ không gây hại, xâm lấn gì đến những đất nước khác, từ đó tạo nên nền hòa bình trên thế giới, các quốc gia đều hợp tác với nhau.

– Về cá nhân:

  • Sống trong hòa bình, con người sẽ có cuộc sống hạnh phúc yên ổn…
  • Khi mọi người cảm thấy thoải mái về đời sống vật chất và tinh thần thì sẽ nhìn lại mọi người xung quanh nhiều hơn, quan tâm chăm sóc họ nhiều hơn. Từ đó họ sẽ có mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh.

2. Phân tích và chứng minh

– Khi thế giới sống trong hòa bình thì sẽ ra sao?

  • Tinh thần yên ổn, sống thoải mái…
  • Mọi người đều an cư lạc nghiệp, đất nước ngày càng phát triển về mọi mặt.

– Khi thế giới không có hòa bình thì sẽ như thế nào?

  • Tiếng bom đạn sẽ vang lên khắp mọi nơi khiến cho loài người bước đến bên bờ vực của sự chết chóc.
  • Con người sẽ không thể an cư lạc nghiệp, phát triển kinh tế – xã hội. Từ đó dẫn đến đất nước sẽ không thể phát triển.
  • Những tệ nạn xã hội sẽ diễn ra khắp mọi nơi mà không có ai kiểm soát, cướp bóc hoành hành, một xã hội không có đạo đức và pháp luật sẽ diễn ra.
  • Con người sẽ dần bị tha hóa vì tìm kiếm miếng ăn để nuôi cho cái thân này tồn tại, tha hóa vì tranh chấp quyền lực, sự hơn thua, giết hại chính đồng loại của mình…

=> Con người không có sự bình yên trong tâm hồn.

  • Môi trường bị xuống cấp nghiêm trọng.

=> Con người không có nơi để sinh sống, để tìm ra nguồn thức ăn…

– Dẫn chứng những người đã tham gia tích cực việc bảo vệ nền hòa bình trên thế giới:

  • Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là một minh chứng điển hình cho những người suốt đời bảo vệ hòa bình.
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh – người đã hết lòng vì sự hòa bình của nước nhà mà bôn ba khắp mọi miền đất để tìm ra chân lý dìu dắt nhân dân ta đứng lên chiến đấu giành lại nền hòa bình của đất nước.

3. Bình luận

– Lên án những hành vi làm tổn hại đến sự hòa bình của thế giới và sự bình yên trong tâm hồn mỗi cá nhân.

– Bài học nhận thức và hành động:

  • Bản thân không làm những việc gây tổn hại đến người khác, bên cạnh đó cần quan tâm nhiều hơn đến mọi người xung quanh.
  • Tích cực ủng hộ những hành động bảo vệ cho nền hòa bình trên thế giới.
  • Tham gia các hoạt động tập thể, giao lưu với các bạn ngoại quốc để tạo nên mối quan hệ tốt đẹp.

III. Kết bài

Khẳng định lại hòa bình chính là sợi dây kết nối thế giới, đồng thời khuyến khích mọi người bảo vệ nền hòa bình trên thế giới.

Đoạn văn nghị luận về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình

Trong muôn vàn điều tốt đẹp mà cuộc đời mang lại cho mỗi người có lẽ hòa bình chính là món quà vô giá nhất. Vậy hòa bình là gì? Nó có ảnh hưởng như thế nào tới mỗi con người? Hòa bình là trạng thái bình yên, không có bạo loạn hay xung đột quân sự. Chỉ khi có được hòa bình, con người mới có thể sống trong điều kiện tốt nhất, không phải chịu nỗi đau mất mát, chia li như trong chiến tranh và thoải mái theo đuổi đam mê của riêng mình. Đó cũng chính là lý do tại sao trên thế giới hiện nay luôn có những tổ chức, cá nhân đấu tranh không ngừng nghỉ vì một nền hòa bình bền vững cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ. Kailash Satyarthi – nhà vận động chống nạn bóc lột trẻ em ở Ấn Độ; Malala Yousafzai – cô bé 17 tuổi dám đối đầu với Taliban để giành lại bình yên cho vùng thung lũng Swat, Pakistan; tổng thống Mexico với nỗ lực không ngừng nghỉ trong công cuộc hòa giải dân tộc… Điều tốt đẹp mà hòa bình mang lại có lẽ không thể nào phủ nhận được. Vậy nhưng tại sao trên thế giới luôn có những cuộc xung đột vũ trang. Phải chăng vì muốn bành trướng thế lực, vì lợi ích cá nhân của một nhóm người. Dù là gì thì cuối cùng nỗi tang thương vẫn sẽ là những người dân vô tội. Vậy tại sao mỗi cá nhân không hòa mình trong một sức mạnh chung hướng đến hòa bình cho mỗi quốc gia dân tộc. Muốn vậy trước hết chúng cần sống yêu thương, xóa bỏ nghi kị cũng như chủ nghĩa cá nhân để cùng chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Bởi đúng như Ralph Waldo Emerson từng nói: “Hòa bình không thể đạt được qua bạo lực, nó chỉ có thể đạt được qua sự thông hiểu”.

Nghị luận về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình – Mẫu 1

Trong cuộc sống ngày nay, sự hòa bình trong cuộc sống vẫn là điều quý giá và đáng được bảo vệ. Thật vậy, đối với sự phát triển ổn định và lâu dài của một xã hội, quốc gia, nhân dân thì sự bình yên là nền tảng của hạnh phúc, là gốc rễ của sự phát triển lâu dài, thịnh vượng. Trên thực tế, cuộc sống hòa bình của Việt Nam vẫn đã và đang được duy trì tốt bởi các lực lượng cảnh sát, dân quân, bộ đội và còn bởi chính những người dân bình thường khác nữa

Hòa bình là trạng thái không có xung đột, không có chiến tranh mà là sự bình yên, ổn định, đặt nền tảng cho sự phát triển lâu dài, bền vững của xã hội, đất nước. Ở Việt Nam, phần lớn tầng lớp nhân dân vẫn đang được hưởng sự bình yên và hạnh phúc đó. Trẻ em được đến trường, người lớn đi làm, nhà nhà vui vẻ, làm việc, thi đua và đóng góp cho sự phát triển đất nước. Tất cả đều bắt đầu từ sự hòa bình mà chúng ta được hưởng. Trên mảnh đất Việt Nam này, hiện nay ta không còn phải đối mặt với sự hiểm nguy của bom đạn, của sự hy sinh chết chóc nữa. Ta có thể tận hưởng sự mát mẻ của trận mưa rào ngày hè, tận hưởng tiếng chim hót sáng sớm và ngắm nhìn bông hoa mới nở. Tất cả đều là nhờ sự bình yên trong cuộc sống. Sự bình yên đó được gìn giữ bởi lực lượng công an, lực lượng bộ đội,… Họ đều đã và đang làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an ninh, duy trì sự bình an trong cuộc sống, để cho cuộc sống an tâm đi làm, đi học của mọi người. Công việc của họ dù vất vả nhưng đó là nhiệm vụ giữ gìn hòa bình cao quý, dù là nơi biển xa hay trên đất liền, ở biên giới. Hiện nay, trên nhiều quốc gia vùng Trung Đông vẫn còn những trận chiến tàn khốc, những trận đánh bom kinh hoàng đe dọa đến sự hạnh phúc và cuộc sống của nhân dân. Vì thế, bảo vệ và duy trì cuộc sống hòa bình là trách nhiệm và bổn phận của bất cứ của mọi nhân dân trên hành tinh này.

Tóm lại, cuộc sống hòa bình là điều quý giá bậc nhất trên thế gian này. Chúng ta cần hành động vì một cuộc sống hòa bình trên thế gian này.

Nghị luận về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình – Mẫu 2

Có lẽ ai đã từng trải qua những năm tháng bom rơi đạn lạc mới hiểu hết được ý nghĩa của hai tiếng “hòa bình” đối với cuộc sống của nhân loại.

Chắc hẳn ai cũng đã từng được nghe, từng được học về những bài thơ, bài hát ca ngợi về hòa bình thế giới. Nhưng liệu đã mấy ai thực sự hiểu được giá trị của chúng hay chưa? Nếu từng xem những bộ phim về chiến tranh, về lịch sử hẳn bạn sẽ thấy sợ hãi cảnh bom rơi, tiếng súng nổ. Khi mà những đứa trẻ đang ngồi trong lớp học phút trước, phút sau đã vội vã chui vào hầm trú ẩn. Làm sao có những giờ phút được thảnh thơi bàn học như chúng ta thời bây giờ.

Hòa bình mà chúng ta đang có là sự đánh đổi của biết bao nhiêu sinh mạng của ông cha. Biết bao người đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Đó là lý do vì sao khi học môn lịch sử, chúng ta được tìm hiểu về những con người đã hy sinh trong từng trận chiến. Hẳn bạn còn nhớ những cô gái ngã ba Đồng Lộc đã ngã xuống khi chỉ vừa mười tám, đôi mươi. Sự hy sinh cao cả họ đã được lưu lại trong sử sách, trong những áng thơ văn.

Có thể nói, chiến tranh đã lấy đi của chúng ta quá nhiều thứ. Đó là tình yêu, là tuổi trẻ, là máu và nước mắt. Chẳng phải lấy ví dụ ở đâu xa khi đất nước Việt Nam là một minh chứng điển hình cho những hậu quả mà chiến tranh gây ra. Hãy nhớ đến cảnh đói khổ của người dân Việt Nam năm 1945. Đó chính là những hệ lụy mà chiến tranh gây ra cho con người. Hơn hai triệu đồng bào Việt Nam chết đói. Họ gầy đến rộc người, chỉ còn da bọc xương. Cuối cùng rồi họ cũng chết. Cái chết mòn trong sự khổ đau. Hôm nay, nhờ có hòa bình mà chúng ta mới có được cơm ăn, mới có được áo mặc, mới có được một cuộc sống sung túc và đủ đầy.

Việt Nam không phải là đất nước duy nhất trên thế giới từng rơi vào cảnh tang tóc do chiến tranh gây ra. Ngay cả những nước lớn như Nhật Bản, Mỹ, Đức… cũng đều cùng chung số phận. Đơn cử như hai quả bom nguyên tử của nước Mỹ đã biến hai thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki rơi vào cảnh tượng tan hoang, chết chóc.

Cho đến tận thời điểm hiện tại, chiến tranh vẫn là một nỗi ám ảnh đối với mỗi người. Tàn dư của những cuộc chiến tranh thế giới để lại là không hề nhỏ. Thế hệ những người trẻ Việt Nam ngày nay vẫn là những người trực tiếp phải gánh chịu. Chẳng hạn có những em nhỏ từ khi sinh ra đã không được lành lặn do chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Bản thân những người gây ra chiến tranh hẳn đã phải trả giá cho những tội ác của họ. Nhưng còn những người dân lương thiện, những người mong có một cuộc sống hòa bình, họ có lỗi lầm gì mà phải gánh chịu những thiệt thòi như vậy? Câu hỏi này xin được dành cho tất cả mọi người.

Nếu như chiến tranh chỉ reo rắc cho con người những nỗi khổ đau thì hòa bình mang đến cho con người niềm vui và hạnh phúc. Nhưng, hòa bình của một quốc gia, của một dân tộc có tồn tại được lâu bền hay không còn phụ thuộc vào nền hòa bình của toàn thế giới. Con người đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, vậy tại sao không biết yêu thương, đùm bọc nhau để cùng tiến bộ và phát triển. Chiến tranh sẽ chỉ làm cho tất cả mọi người phải đau khổ mà thôi.

Tham khảo thêm:   4 cách làm trân châu đen tại nhà mềm dẻo, dai ngon, không dính

Cũng như bạn, tôi khao khát được sống trong một thế giới hòa bình. Ở đó, mỗi ngày tôi được đến trường, được gặp gỡ thầy cô và bè bạn. Tôi được học tập và có cho mình thêm nhiều kiến thức thú vị để làm hành trang bước vào đời. Ở đó, mỗi ngày tôi được ăn những bữa cơm đầm ấm bên gia đình thân yêu của mình. Tôi được kể cho bố mẹ nghe những câu chuyện thường ngày ở trường. Ở đó, tôi có được những giấc ngủ ngon. Tôi có hoài bão, có mơ ước và tôi có thời gian để có thể theo đuổi ước mơ của mình.

Bạn cũng như tôi, hẳn bạn cũng có những ước mơ. Chúng ta cần hòa bình để có thể thực hiện ước mơ của mình. Hay đơn giản nhất, chúng ta hãy cùng ước mơ về một hòa bình cho toàn nhân loại. Vì chỉ có hòa bình, chúng ta mới có một cuộc sống bình yên.

Nghị luận về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình – Mẫu 3

Đất nước phát triển trong hòa bình, không có xung đột, không có chiến tranh, không đói nghèo luôn là mục tiêu hướng đến của các quốc gia trên thế giới. Chỉ trong hòa bình, đất nước mới phát huy hết được sức mạnh tổng hợp của mình, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Giữ gìn hòa bình đất nước là trách nhiệm của mọi công dân, đặc biệt là đối với với thế hệ thanh niên, chủ nhân tương lai của đất nước. Trách nhiệm của thanh niên không những gìn giữ hòa bình đất nước mà bằng những hành động tích cực của mình giữ gìn và củng cố nền hòa bình của thế giới.

Hoà bình là tình trạng không có chiến tranh hay xung đột vũ trang, là mối quan hệ hiểu biết, tôn trọng, bình đẳng và hợp tác giữa các quốc gia – dân tộc, giữa con người với con người. Hiểu một cách đơn giản, một quốc gia hòa bình là khí quốc gia ấy không có xung đột hoặc nội chiến ở nước; không có xung đột hoặc chiến tranh với các quốc gia khác. Đồng thời, đất nước không tiềm ẩn những nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội.

Theo đó, nhà triết học Johan Galtung đã đưa ra một khái niệm khác về nền hòa bình thực sự của một đất nước. Theo Johan Galtung, trạng thái hòa bình của các quốc gia chỉ là tương đối. Một nền hòa bình chủ động đích thực là khi quốc gia ấy hoàn toàn chủ động xây dựng hòa bình bằng các nguồn lực từ bên trong. Xã hội sống hòa bình nhờ biết lựa chọn một triết lý phát triển, một cấu trúc thể chế phù hợp, cùng các giá trị văn hóa tương ứng có khả năng hình thành và duy trì trạng thái đó.

Thanh niên là lực lượng đông đảo nhất của xã hội. Thanh niên có tri thức, sức khỏe, giàu khát vọng, năng động và sáng tạo sẽ là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ nền hòa bình đất nước. Chính thanh niên sẽ là thế hệ kế tục cha anh làm chủ đất nước. Thanh niên cũng chính là lực lượng nòng cốt tham gia giữ gìn và bảo vệ hòa bình đất nước nếu có xảy ra chiến tranh. “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai” (Hồ Chí Minh). Bởi thế, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thanh niên đối với nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đất nước là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Trong thời đại ngày nay, tình hình thế giới trở nên vô cùng phức tạp. Ở nhiều khu vực đang diễn ra những xung đột gay gắt. Các tổ chức phản động và khủng bố hoạt động mạnh mẽ. Mâu thuẫn về lãnh thổ và lợi ích kinh tế của các nước diễn ra kịch liệt. Một vài quốc gia chủ động phát triển vũ khí hạt nhân vô cùng nguy hiểm. Tất cả các hoạt động ấy khiến cho tình hình an ninh thế giới trở nên bất ổn, nền hòa bình bị đe dọa nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, giáo dục và nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ hòa bình đất nước là một nhiệm vụ cấp bách, cần phải làm ngay.

Được sống trong hòa bình là khát vọng mãnh liệt của các quốc gia và của cả nhân loại. Bởi hòa bình đem lại cuộc sống bình yên và tự do. Chỉ trong hòa bình, con người mới được tự do học tập, tự do làm việc và khẳng định bản thân, cuộc sống mới được ấm no hạnh phúc.

Ngược lại, chiến tranh chỉ mang lại đau thương, chết chóc, đói nghèo, bệnh tật và sự hủy diệt khủng khiếp. Không những tài sản bị mất mát mà sinh mệnh con người cũng hết sức mong manh. Không có tai họa nào khủng khiếp bằng chiến tranh. Không có nỗi sợ hãi nào đáng sợ hơn cuộc sống không có tự do. Chiến tranh là thảm họa của loài người, là hiểm họa hủy diệt nền văn minh, có thể đưa loài người đến bờ vực diệt vong.

Trước hết, để có thể tích cực tham gia giữ gìn và bảo vệ hòa bình đất nước, giữ gìn thành quả cách mạng và cuộc sống yên bình như ngày nay, thanh niên phải ý thức rõ ý nghĩa và vai trò của hòa bình đối với đất nước, đối với đời sống dân tộc và trách nhiệm của bản thân đối với việc giữ gìn và bảo vệ nền hòa bình ấy. Như Bác Hồ đã nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đất nước được độc lập tự do là cơ sở để xây dựng và phát triển hòa bình.

Thế hệ trẻ hôm nay phải không ngừng nâng cao trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ trước.

Giá trị của hòa bình là không gì sánh được. Con người thực sự có đầy đủ quyền hạn, được tự do sống và làm việc để nhận về những giá trị mình mong muốn, được tôn trọng và bảo vệ khi sống trong một đất nước hòa bình. Hòa bình của đất nước chính là sinh mệnh của mỗi con người. Hãy ra sức giữ gìn và bảo vệ lấy nó như giữ gìn và bảo vệ sự sống của chính mình.

Nghị luận về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình – Mẫu 4

Từ xưa đến ngày nay vẫn luôn tồn tại hai trật tự song hành trên thế giới là chiến tranh và hòa bình. Khi trải qua những mất mát của chiến tranh, con người mới nhận ra ý nghĩa của cuộc sống hòa bình.

Vậy thì hòa bình là gì? Chắc hẳn các bạn cũng hiểu hòa bình là tự do, bình đẳng, không có những cuộc bạo lực chiến tranh hay xung đột… từ đó con người được sống trong hạnh phúc, hòa bình, yên ấm.

Theo con tàu không gian dẫn lối ta về với trang lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta hàng nghìn năm qua, mọi người hẳn đều thấy được hiện thực tàn khốc mà chiến tranh mang đến: bao nhiêu người đã hy sinh trên chiến trường, còn mất cha mất mẹ, không được quan tâm chăm sóc và học hành mà những điều đứa trẻ ngây thơ nên được hưởng, vợ xa cách chồng một thân nuôi con nhỏ và mẹ già, nhưng bà mẹ ngày nhớ đêm mong con trở về…

Không biết bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi, những nỗi buồn khó nói thành lời mà chỉ biết giấu kín. Bao nhiêu khoản tiền chi ra cho những việc phi nghĩa trong khi nhân dân chịu cảnh đói khổ…

Vì vậy mà con người chúng ta vẫn luôn khao khát một thế giới hòa bình, hạnh phúc. Tuy nhiên vẫn luôn có những thế lực (cá nhân hoặc tập thể) không nhận thấy hậu quả của những cuộc xung đột, chiến tranh mà vì tham vọng của mình kích động các cuộc ẩu đả, gây mất trật tự hơn nữa và chiến tranh giữa các quốc gia, dân tộc… Bảo vệ hòa bình có thể xem là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi con người. Chúng ta cần phải có ý thức hơn trong việc gìn giữ hòa bình để xây dựng một xã hội tốt đẹp, tươi sáng hơn.

Hãy luôn ghi nhớ rằng: “Hòa bình chính là niềm hạnh phúc to lớn nhất của nhân loại”. Mỗi người hãy nâng cao trách nhiệm để bảo vệ nền hòa bình của nhân loại.

Nghị luận về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình – Mẫu 5

Bạn có biết rằng, chúng được được đến trường như ngày hôm nay đó là vì chúng ta đang được sống trong thời bình. Có thể nói, ai đã từng trải qua những năm tháng bom rơi đạn lạc mới hiểu hết được ý nghĩa của hai tiếng hòa bình. Nhưng chúng ta lại càng phải tìm hiểu về giá trị của hòa bình nhiều hơn để biết trân quý những gì mà chúng ta đang có.

Chúng ta từng được nghe, từng được học về những bài thơ, bài hát ca ngợi về hòa bình thế giới. Nhưng liệu đã mấy ai thực sự hiểu được giá trị của chúng hay chưa? Nếu từng xem những bộ phim về chiến tranh, về lịch sử hẳn bạn sẽ thấy sợ hãi cảnh bom rơi, tiếng súng nổ. Khi mà những đứa trẻ đang ngồi trong lớp học phút trước, phút sau đã vội vã chui vào hầm trú ẩn. Làm sao có những giờ phút được thảnh thơi bàn học như chúng ta thời bây giờ.

Hòa Bình mà chúng ta đang có là sự đánh đổi của biết bao nhiêu sinh mạng của ông cha. Biết bao người đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Đó là lý do vì sao khi học môn lịch sử, chúng ta được tìm hiểu về những con người đã hy sinh trong từng trận chiến. Hẳn bạn còn nhớ 10 cô gái của ngã ba Đồng Lộc đã ngã xuống khi chỉ vừa mười tám, đôi mươi. Sự hy sinh cao cả của 10 cô gái này đã được lưu lại trong sử sách, trong những áng thơ văn.

Có thể nói, chiến tranh đã lấy đi của chúng ta quá nhiều thứ. Đó là tình yêu, là tuổi trẻ, là máu và nước mắt. Nhưng cũng chính trong chiến tranh, con người ta mới càng khát khao hơn được sống trong cảnh hòa bình.

Hãy nhớ đến cảnh đói khổ của người dân Việt Nam năm 1945. Đó chính là những hệ lụy mà chiến tranh gây ra cho con người. Đói và khát, người dân nhiều ngày nhịn đói. Họ gầy đến rộc người, chỉ còn da bọc xương. Cuối cùng rồi họ cũng chết. Cái chết mòn trong sự khổ đau. Hôm nay, nhờ có hòa bình mà chúng ta mới có được cơm ăn, mới có được áo mặc, mới có được một cuộc sống xung túc và đủ đầy.

Việt Nam không phải là đất nước duy nhất trên thế giới từng rơi vào cảnh tang tóc do chiến tranh gây ra. Ngay cả những nước lớn như Nhật Bản, Mỹ, Đức,… cũng đều cùng chung số phận. Đơn cử như 2 quả bom nguyên tử của nước Mỹ đã biến 2 thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki rơi vào cảnh tượng tan hoang và chết chóc.

Cho đến tận thời điểm hiện tại, chiến tranh vẫn là một nỗi ám ảnh đối với mỗi người. Tàn dư của những cuộc chiến tranh thế giới để lại là không hề nhỏ. Thế hệ những người trẻ Việt Nam ngày nay vẫn là những người trực tiếp phải gánh chịu. Chẳng hạn có những em nhỏ từ khi sinh ra đã không được lành lặn do chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Bản thân những người gây ra chiến tranh hẳn đã phải trả giá cho những tội ác của họ. Nhưng còn những người dân lương thiện, những người mong có một cuộc sống hòa bình, họ có lỗi lầm gì mà phải gánh chịu những thiệt thòi như vậy? Câu hỏi này xin được dành cho tất cả mọi người.

Nếu như chiến tranh chỉ reo rắc cho con người những nỗi khổ đau thì hòa bình mang đến cho con người niềm vui và hạnh phúc. Nhưng, hòa bình của một quốc gia, của một dân tộc có tồn tại được lâu bền hay không còn phụ thuộc vào nền hòa bình của toàn thế giới. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, vậy tại sao không biết yêu thương, đùm bọc nhau để cùng tiến bộ và phát triển. Chiến tranh sẽ chỉ làm cho tất cả mọi người phải đau khổ mà thôi.

Cũng như bạn, tôi khao khát được sống trong một thế giới hòa bình. Ở đó, mỗi ngày tôi được đến trường, được gặp gỡ thầy cô và bè bạn. Tôi được học tập và có cho mình thêm nhiều kiến thức thú vị để làm hành trang bước vào đời. Ở đó, mỗi ngày tôi được ăn những bữa cơm đầm ấm bên gia đình thân yêu của mình.

Tôi được kể cho ba mẹ nghe những câu chuyện thường ngày ở trường. Ở đó, tôi có được những giấc ngủ ngon. Tôi có hoài bão, có mơ ước và tôi có thời gian để có thể theo đuổi ước mơ của mình. Bạn cũng như tôi, hẳn bạn cũng có những ước mơ. Chúng ta cần hòa bình để có thể thực hiện ước mơ của mình. Hay đơn giản nhất, chúng ta hãy cùng ước mơ về một hòa bình cho toàn nhân loại. Vì chỉ có hòa bình, chúng ta mới có một cuộc sống bình yên.

Tham khảo thêm:   Đọc: Điều ước của vua Mi-đát - Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo Tiếng Việt lớp 4 Chân trời sáng tạo tập 2 Bài 5

Nghị luận về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình – Mẫu 6

Victor Hugo từng khẳng định rằng: “Hòa bình là đức hạnh của nhân loại”. Quả thật, con người – không phân biệt màu da, dân tộc đều cần được sống một cuộc sống hòa bình.

Hòa bình là khái niệm được sử dụng khi không có xung đột, hay bạo lực giữa các cá nhân hay nhóm người. Hòa bình thường đặt trong thế đối lập với chiến tranh. Nhưng ý nghĩa của nó không chỉ dừng lại ở đó, hòa bình còn là khi chúng ta sống hòa thuận với nhau, không có sự đấu đá lẫn nhau. Nền hòa bình được nhắc đến trong phạm vi của một quốc gia, một châu lục và lớn nhất là của toàn nhân loại.

Cuộc sống hòa bình có vai trò vô cùng quan trọng. Đối với thế giới, khi nhân loại sống trong hòa bình mới có điều kiện để phát triển đến kinh tế, xã hội và văn hóa. Khi một đất nước được yên bình, không có xung đột vũ trang với các nước khác sẽ tạo nền hòa bình chung cho toàn nhân loại. Thế giới đã từng chứng kiến hai cuộc đại chiến: Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) và Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) đã gây ra biết bao nhiêu đau khổ cho nhân loại: hàng triệu người thiệt mạng, hàng nghìn công trình kiến trúc bị phá hủy, nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng sau chiến tranh, người dân sống trong đói nghèo, khổ cực… Thế mới thấy được, sức hủy diệt khủng khiếp của chiến tranh. Còn đối với bản thân mỗi người, khi được sống trong hòa bình, chúng ta sẽ được sống trong điều kiện đầy đủ vật chất, được học tập, làm việc và tham gia các hoạt động giải trí vui chơi…

Khi thế giới xảy ra chiến tranh, con người sẽ phải đối mặt với cái chết. Những tệ nạn xã hội sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn và không thể kiểm soát được. Con người dần trở nên tha hóa, mất đi tình yêu thương đồng loại chỉ vì họ phải đấu tranh để sinh tồn. Thậm chí, tệ hại hơn là họ sẽ bị tổn thương về tinh thần. Nhiều người lính khi bước ra khỏi cuộc chiến đã gặp phải những dư chấn trong tâm hồn: ám ảnh về cái chết, bạo lực… Đồng thời, thiên nhiên bị tàn phá, môi trường trở nên ô nhiễm bởi những vũ khí chiến tranh như bom nguyên tử, chất độc màu da cam… Lịch sử nhân loại đã trải qua hàng trăm năm mới có được sự phát triển như ngày hôm nay. Nhưng chỉ cần một cuộc chiến tranh diễn ra, cũng có thể phá hủy mọi thứ trong một giây một phút. Quả mới thấy được, hai chữ “hòa bình” có ý nghĩa như thế nào.

Chẳng vì thế mà bao đời nay, từ buổi đầu dựng nước, dân tộc Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền hòa bình, độc lập cho đất nước. Từ những tấm gương như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Bộ Lĩnh, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn… trong quá khứ chống lại kẻ thù phương Bắc. Đến Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… trong hiện tại chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Họ đều là những tấm gương sáng đã dành cả cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Dân tộc Việt Nam không phải là một dân tộc hiếu chiến. Con người Việt Nam luôn yêu chuộng và khao khát hòa bình. Nhưng khi có một kẻ thù muốn xâm phạm, phá vỡ nền hòa bình đó, thì nhân dân Việt Nam sẵn sàng đứng lên để bảo vệ nền độc lập, hòa bình của quốc gia.

Đối với bản thân tôi, may mắn được sinh ra khi đất nước đã hòa bình. Nhớ đến thế hệ cha ông đã nằm xuống để con cháu được hưởng cuộc sống hòa bình, hạnh phúc như ngày hôm nay, tôi thêm biết ơn và trân trọng cuộc sống lúc này. Cũng như tôi tự nhủ cố gắng học tập, tu dưỡng đạo đức để góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng đất nước phát triển.

Hòa bình – chỉ một từ thật đơn giản nhưng lại mang những ý nghĩa lớn lao. Mỗi người hãy ý thức để bảo vệ nền hòa bình trên thế giới.

Nghị luận về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình – Mẫu 7

“Heal the world
Hãy hàn gắn thế giới này
Make it a better place
Làm nó trở thành nơi tốt đẹp hơn
For you and for me
Cho bạn và cho tôi
And the entire human race
Và cho cả nhân loại”

Đó là những lời ca thật ý nghĩa trong bài hát “Heal the world” của Ông hoàng nhạc Pop – Michael Jackson. Những lời ca với thông điệp tốt đẹp dành cho con người hãy cùng chung sức khi đối mặt với những hiểm họa rình rập đến cuộc sống hòa bình của nhân loại.

Hòa bình – một khái niệm biểu hiện về sự hòa hợp xã hội, khi không có sự đối đầu và nghiêm trọng nhất là xảy ra xung đột vũ trang trên thế giới. Nó được đặt trong thế đối lập với chiến tranh. Nền hòa bình mà nhân loại có được ngày hôm nay là do sự hi sinh của biết bao con người đã ngã xuống để đấu tranh.

Thế giới có hòa bình, đất nước mới có điều kiện để phát triển các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa – xã hội, giáo dục… Cũng như con người mới được sống một cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần. Khi sống trong hòa bình, mỗi người không còn cảm thấy lo lắng hay sợ hãi. Trẻ em có thể được học tập, vui chơi và được phát triển một cách toàn diện nhất.

Chiến tranh đã cướp đi rất nhiều thứ của con người. Đó là sự sống, bình yên và hạnh phúc. Đầu tiên, con người sẽ phải đối mặt với việc cái chết luôn rình rập mỗi ngày. Một cuộc chiến tranh xảy ra khiến cho nền an ninh, trật tự xã hội sẽ khó được kiểm soát khiến cho tệ nạn xã hội xuất hiện nhiều hơn. Con người chỉ nghĩ đến việc làm sao để sinh tồn, mất đi lòng yêu thương người khác. Môi trường bị phá hủy nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến những loài động vật hoang dã…
Hiểu được sự nguy hiểm của chiến tranh, chúng ta cần ý thức được việc bảo vệ nền hòa bình hiện tại của nhân loại. Mỗi người hãy chung tay, đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc “hàn gắn thế giới” – hàn gắn vết thương chiến tranh và bảo vệ cuộc sống hòa bình.

Nghị luận về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình – Mẫu 8

Chúng ta đang sống trong một môi trường hòa bình, hạnh phúc nhưng có bao giờ bạn tự hỏi hòa bình là gì? Vì sao cần phải trân trọng hòa bình chưa? Hòa bình và chiến tranh là hai khái niệm luôn song hành. Phải trải qua những mất mát, đau thương của chiến tranh mới thấu hiểu được hết ý nghĩa của cuộc sống hòa bình.

Đầu tiên, hòa bình chính là sự bình an vui vẻ không có đổ máu, chiến tranh, khủng bố, cướp bóc, bóc lột, con người được sống trong môi trường tự do hạnh phúc. Ngược lại với trạng thái hòa bình chính là chiến tranh là mùi khói thuốc, hỗn loạn, chết chóc. Nói như vậy để hiểu rằng hòa bình chính là trạng thái và con người chúng ta mong muốn nhất và là điều hạnh phúc nhất.

Hòa bình luôn là biểu tượng của sự bình yên là niềm mơ ước của tất cả mọi người. Con người được sống trong môi trường hòa bình ngày hôm nay thì đó chính là niềm hạnh phúc. Ví như Việt Nam – một dân tộc đã trải qua biết bao đau thương từ những cuộc chiến tranh trong lịch sử. Đặc biệt là hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hai cuộc chiến tranh này đã để lại những nỗi đau thương, mất mát vô cùng lớn cho đất nước ta. Những đau thương ấy đến nay chúng ta vẫn chưa thể khắc phục, chính vì thế cho nên dân tộc ta hơn ai hết hiểu rõ nhất về tầm quan trọng của hòa bình.

Không những Việt Nam chúng ta mà toàn thể nhân dân ưa chuộng hòa bình trên thế giới đều mong muốn có một thế giới hòa bình, chan chứa tình thương. Ở đó con người sẽ được sống hạnh phúc được thấy nụ cười trên môi em thơ, hạnh phúc trên đôi mắt hằn chân chim của người già. Đau thương từ chiến tranh đã và đang lùi dần vào quá khứ thay vào đó là một thế giới hòa bình, phát triển như hôm nay. Vì vậy, mỗi người hãy biết trân quý những phút giây hạnh phúc bình yên mình đang sống, hãy cống hiến và tận hưởng những điều tốt đẹp nhất của thế giới này, của nhân loại mang lại.

Hãy kiên quyết đấu tranh với những thế lực phản động, âm mưu diễn biến hòa bình để phát động chiến tranh. Đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay cần tỉnh táo hơn với những âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch hòng bạo loạn lật đổ. Để được sống như ngày hôm nay, được sống trong những phút giây hòa bình chính là nhờ công lao của biết bao vị anh hùng dân tộc đã ngã xuống, cho nên cần kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu hòng phá hoại nền hòa bình đó.

Hòa bình là điều mong ước của toàn thể nhân loại. Và mỗi người đang được sống trong những giây phút ấy thì hãy sống cho thật xứng đáng với những gì đã được nhận hôm nay, sống chan hòa nhân ái như Tố Hữu đã từng viết:

“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau
Đảng cho ta trái tim giàu
Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay!”

(Bài ca mùa xuân 1961, Tố Hữu)

Nghị luận xã hội về hòa bình

Lịch sử nhân loại nhiều thế kỉ qua đã có nhiều biến động đáng chú ý. Để có được nền hòa bình như hiện nay, chúng ta đã phải trải qua nhiều cuộc chiến khốc liệt. Chính vì thế, chúng ta cần biết trân trọng nền hòa bình mà mình đang được hưởng.

Hòa bình là trạng thái bình yên khi con người và các quốc gia hòa thuận với nhau, cùng nhau hợp tác phát triển, kết giao bạn hữu. Môi trường hòa bình là môi trường đáng sống nhất của con người mà ai cũng hướng đến. Trên thế giới đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu và để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho con người mà lịch sử đã ghi chép lại khiến chúng ta ám ảnh.

Chiến tranh có sức tàn phá nặng nề, thiệt hại to lớn, mất mát, rạn nứt tình người, chính vì thế con người cần có nhận thức đúng đắn và ngăn chặn sớm mọi mầm mống của chiến tranh cũng như có ý thức bảo vệ nền hòa bình, độc lập hiện có của đất nước mình. Con người được sống trong hòa bình là một niềm may mắn, hạnh phúc, chính vì thế, chúng ta cần phải biết trân trọng cuộc sống từng ngày cũng như cố gắng rèn luyện bản thân để trở thành một công dân tốt có ích cho xã hội. Hiện nay khi chúng ta được sống trong thời bình nhưng chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên mỗi người cần có nhận thức, ý thức bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước mình, sẵn sàng đứng lên bảo vệ đất nước. Có hành vi ngăn chặn, lên án những hành vi làm nhen nhóm lên cuộc chiến tranh, chủ trương sống vì hòa bình.

Các bạn học sinh cần có ý thức học tập, trau dồi bản thân, trở thành một công dân có ích giúp sức cho nước nhà. Cuộc sống có nhiều biến động khó lường, chúng ta cần sống hết mình, cống hiến tối đa để cuộc sống tốt đẹp hơn cũng như nước nhà được vững mạnh hơn.

Nghị luận về giá trị của hoà bình

Cuộc sống của chúng ta hôm nay. Được đổi bằng biết bao nhiêu chiến sĩ đã hi sinh anh dũng để giành lại độc lập cho tổ quốc. Là biết bao nhiêu máu đã chảy khắp chiều dài đất nước. Giá trị của hòa bình là một điều tuyệt vời nhất mà nhân dân chúng ta đã đánh đổi bằng xương máu để giành được.

Biết bao nhiêu năm trời, dân tộc ta phải chịu áp bức. Những đau thương mất mát mà chúng ta phải chịu là vô cùng to lớn. Chiến tranh, đô hộ đã tàn phá cuộc sống của chúng ta. Làm cho đất nước ta trở nên cực kì bi thảm. Nhưng dù phải chịu những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Thì ước muốn hòa bình, tự do, độc lập vẫn luôn cháy trong tim mỗi con người Việt Nam.

Giá trị của hòa bình ngày hôm nay. Là sự đánh đổi của biết bao nhiêu thế hệ. Là sự hi sinh, gian khổ của biết bao nhiêu người. Hòa bình, hai từ nghe sao thật thân thương, gần gũi. Đất nước hòa bình, người dân không phải chịu cảnh đô hộ, chà đạp. Cuộc sống của con người cũng dần phát triển hơn. Đất nước cũng phát triển không ngừng theo nhịp điệu của thế giới.

Những gì mà hòa bình mang lại cho một đất nước là hết sức to lớn. Nó mang lại cho con người cảm giác hạnh phúc, thoát khỏi lo toan, sợ hãi. Bởi hòa bình, sẽ chẳng phải chịu những đau thương vì bị chà đạp vì bọn xâm lược. Cũng không phải chịu những nỗi đau chiến tranh. Cuộc sống hòa bình, là thứ mà con người ai cũng muốn có được.

Tham khảo thêm:   Tổng hợp đầy đủ kiến thức tính chất kết hợp của phép nhân trong toán học

Hòa bình là thứ mà bất cứ ai cũng muốn. Cuộc sống tự do tự tại, muốn làm gì thì làm. Có thể đi bất cứ đâu mà chúng ta muốn, ăn gì mà chúng ta thèm. Hòa bình là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của con người. Muốn có hòa bình, con người phải đấu tranh. Chỉ có đấu tranh không ngừng nghỉ, con người mới đạt được nó.

Hạnh phúc xuất phát từ những điều rất giản đơn. Và hòa bình đem lại hạnh phúc. Con người ai mà chẳng muốn mình được hạnh phúc. Chính bởi vì ước muốn ấy, cho nên, hòa bình là thứ quý giá nhất.

Chúng ta đang sống trong một đất nước hòa bình. Nhưng đâu đó, vẫn có những thành phần chống phá nhà nước. Muốn làm cho đất nước rơi vào khủng hoảng. Vì vậy, muốn giữ cho một đất nước hòa bình cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, dân tộc. Đặc biệt là những người trẻ tuổi, những chủ nhân tương lai của đất nước. Bởi những người trẻ là những người dễ tiếp thu những tri thức mới, cũng là người dễ bị lôi kéo nhất. Chúng ta cần có lập trường vững vàng, để có thể có những biện pháp phù hợp giải quyết các vấn đề liên quan tới hòa bình.

Muốn bảo vệ được hòa bình trước tiên, chúng ta cần có một lòng yêu nước. Lòng tự hào dân tộc, và ý chí quyết tâm bảo vệ dân tộc. Một quốc gia có bền vững hay không, dựa vào sự đoàn kết của dân tộc. Như bao đời cha ông ta, đã đoàn kết lại và đánh đuổi biết bao nhiêu kẻ thù xâm lược.

Hòa bình là điều mà bất cứ ai cũng đều muốn có được. Bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng mong muốn được có hòa bình. Nó là động lực để tất cả mọi người có thể làm bất cứ điều gì bảo vệ. Hòa bình làm cho con người gắn kết lại với nhau hơn. Sẻ chia, giúp đỡ nhau, hay sẵn sàng hi sinh vì hòa bình.

Là những công dân của đất nước hình chữ S thơ mộng. Dù phải trải qua bao nhiêu khó khăn đi chăng nữa. Thì chúng ta cũng đã giành lại được hòa bình cho dân tộc. Việc của các thế hệ tiếp theo, là tích cực phát huy tinh thần dân tộc. Làm tốt nhiệm vụ của mình, để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Vì tổ quốc còn là chúng ta cũng còn.

Cuộc sống có thể khó khăn, vất vả. Nhưng chúng ta có thể vượt qua được. Còn nếu không có hòa bình, chúng ta sẽ chẳng thể làm được gì. Hòa bình đem lại cho chúng ta tất cả. Và có hòa bình, chúng ta mới có thể yêu thương.

Suy nghĩ về giá trị của hoà bình trong cuộc sống hiện nay

Chúng ta thật là may mắn biết bao nhiêu khi chúng ta đang được sống trong một xã hội thật hòa bình biết bao nhiêu. Nhưng tôi và bạn đã bao giờ chúng ta dường như cũng tự đặt câu hỏi rằng tại sao chúng ta có hòa bình không? Hay những câu đơn giản là hòa bình là gì chưa?

Trong cuộc sống ta như thấy được nhắc đến hòa bình và muốn được hiểu hòa bình là gì thì trên hết ta cũng phải hiểu được chiến tranh. Bởi chiến tranh chính là mặt trái của hòa bình. Nếu như ta biết được chiến tranh là gì thì ta cũng có thể định nghĩa được hòa bình một cách rõ ràng nhất.

Hòa bình chúng ta được hiểu đó cũng chính là sự bình an vui vẻ không có đổ máu, chiến tranh, khủng bố, cướp bóc, bóc lột và ta như nhận thấy được mỗi một con người được sống trong môi trường tự do hạnh phúc. Ngược lại với hòa bình đó chính là chiến tranh, một cuộc hỗn chiến giữa hai bên và có đổ máu. Đó chính là cảnh tang thương và không ai mong muốn xảy ra trên thế giới này. Ta như nhận thấy được rằng hòa bình luôn là biểu tượng của sự bình yên là niềm mơ ước của tất cả mọi người chúng ta. Có lẽ rằng chính chúng ta được sống trong môi trường hòa bình ngày hôm nay được biết đến cũng chính là niềm hạnh phúc của chúng ta. Dễ dàng có thể nhận thấy được chính dân tộc của chúng ta đã trải qua biết bao đau thương từ những cuộc chiến tranh trong lịch sử. Đặc biệt hơn nữa ta như thấy được đó đồng thời cũng chính là hai cuộc chiến tranh gần đây nhất là cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhận định rằng trong hai cuộc chiến tranh này đã để lại những nỗi đau thương, đồng thời nó dường như cũng đã để lại cho chúng ta biết bao những mất mát vô cùng lớn cho nhiều thời thế hệ. Có thể thấy được rằng chính những đau thương ấy đến nay chúng ta vẫn chưa thể khắc phục được hoàn toàn. Vẫn có những gia đình mà những người con năm xưa họ đã xung phong đi chiến đấu mà chẳng một ai trở về. Vẫn còn đó những người mẹ, người vợ, người con như mong ngóng con, ngóng chồng, ngóng cha trở về. Nhưng biết đâu được sự ra đi đó lại là mãi mãi.

Ta dường như cũng thấy được rằng không những Việt Nam chúng ta chúng ta mà ngay cả chính toàn thể nhân dân ưa chuộng hòa bình trên thế giới đều mong muốn có một thế giới hòa bình, đồng thời nó cũng như lại chan chứa tình thương. Ở đó ta như thấy được mỗi con người ta được sống hạnh phúc được thấy nụ cười trên môi em thơ. Không những thế lại còn có những hạnh phúc trên đôi mắt hằn chân chim của người già cả nữa. Thực sự mà nói thì đau thương từ chiến tranh đã và đang như lùi dần vào quá khứ xa xôi mà đã như thay vào đó là một thế giới hòa bình, và nó cũng đã phát triển như hôm nay. Để được sống trong xã hội hòa bình và phát triển như hôm nay chính là nhờ máu xương của những vị anh hùng đã anh dũng hy sinh cho dân tộc ta. Họ đã từng một thời máu lửa khí thế khi Tổ quốc cần, họ ra đi với tư thế vui tươi, đi trận mạc mà không hề nao núng:

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai

Tất cả chúng ta cũng hãy thật là cố gắng để có thể kiên quyết đấu tranh với những thế lực phản động. Hay đó chính là việc chiến thắng những âm mưu diễn biến hòa bình để phát động chiến tranh. Đặc biệt hơn thế, ta như cũng nhận thấy được đó cũng chính là thế hệ trẻ hôm nay cần tỉnh táo hơn với những âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch hòng bạo loạn lật đổ đất nước và Đảng cộng sản của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa.Có lẽ rằng trong mỗi chúng ta dường như cũng đã và đang được sống trong môi trường hòa bình thật yên bình và hạnh phúc biết bao nhiêu. Vậy thì hà cớ gì phải làm những điều hủy hoại hòa bình, phát động chiến tranh. Chúng ta nên nhớ rằng để được sống như ngày hôm nay, được sống trong những phút giây hòa bình như ngày hôm nay đó cũng chính là nhờ công lao của biết bao vị anh hùng dân tộc đã ngã xuống để bảo vệ nền hòa bình. Tất cả chúng ta cần kiên quyết đấu tranh với âm mưu diễn biến hòa bình hiện nay. Hãy mãi giữ hòa bình trên đất nước thân yêu mà cha ông ta đã cố giành lại được. Như chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta hãy cùng nhau giữ lấy nước”.

Hòa bình thực sự chính là điều mong ước của toàn thể nhân loại chứ không phải của riêng một quốc gia hay cá nhân nào cả. Hòa bình thực sự là một điều thiêng liêng mà cả nhân loại bao đời nay mong muốn hướng đến. Đất nước có hòa bình thì nhân dân sống trong đất nước đó mới có thể ổn định gây dựng cuộc sống ấm lo và cũng thật hạnh phúc. Hãy chung tay bảo vệ hòa bình trên trái đất bạn nhé!

Nghị luận về trân trọng hòa bình

Chúng ta đang sống trong một môi trường hòa bình, hạnh phúc nhưng có bao giờ bạn tự hỏi hòa bình là gì? Vì sao chúng ta phải trân trọng hòa bình chưa? Trong lịch sử của chúng ta khái niệm hòa bình luôn đi kèm cùng khái niệm chiến tranh.

Tuy nhiên là con người thì không ai mong muốn chiến tranh xảy ra mà chúng ta đều mong muốn một cuộc sống hòa bình tốt đẹp. Hòa bình chính là sự bình an vui vẻ không có đổ máu, chiến tranh, khủng bố, cướp bóc, bóc lột, con người được sống trong môi trường tự do hạnh phúc. Ngược lại với trạng thái hòa bình chính là chiến tranh là mùi khói thuốc, hỗn loạn, chết chóc.

Nói như vậy để các bạn hiểu rằng hòa bình chính là trạng thái và con người chúng ta mong muốn nhất và là điều hạnh phúc nhất. Hòa bình luôn là biểu tượng của sự bình yên, là niềm mơ ước của tất cả mọi người. Chúng ta được sống trong môi trường hòa bình ngày hôm nay chính là niềm hạnh phúc của chúng ta. Dân tộc của chúng ta đã trải qua biết bao đau thương từ những cuộc chiến tranh trong lịch sử. Đặc biệt là hai cuộc chiến tranh gần đây nhất là cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hai cuộc chiến tranh này đã để lại những nỗi đau thương, mất mát vô cùng lớn cho nhiều thời thế hệ. Những đau thương ấy đến nay chúng ta vẫn chưa thể khắc phục, chính vì thế cho nên dân tộc ta hơn ai hết hiểu rõ nhất về tầm quan trọng của hòa bình. Không những Việt Nam chúng ta mà toàn thể nhân dân ưa chuộng hòa bình trên thế giới đều mong muốn có một thế giới hòa bình, chan chứa tình thương. Ở đó con người ta được sống hạnh phúc được thấy nụ cười trên môi em thơ, hạnh phúc trên đôi mắt hằn chân chim của người già.

Đau thương từ chiến tranh đã và đang lùi dần vào quá khứ thay vào đó là một thế giới hòa bình, phát triển như hôm nay. Chúng ta hãy trân quý những phút giây hạnh phúc này, hãy cống hiến và tận hưởng những điều tốt đẹp nhất của thế giới này, của nhân loại mang lại. Hãy kiên quyết đấu tranh với những thế lực phản động, âm mưu diễn biến hòa bình để phát động chiến tranh. Đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay cần tỉnh táo hơn với những âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch hòng bạo loạn lật đổ. Chúng ta đang được sống trong môi trường hòa bình hà cớ gì phải làm những điều hủy hoại hòa bình, phát động chiến tranh. Chúng ta được sống như ngày hôm nay, được sống trong những phút giây hòa bình chính là nhờ công lao của biết bao vị anh hùng dân tộc đã ngã xuống, cho nên chúng ta cần kiên quyết đấu tranh với âm mưu diễn biến hòa bình hiện nay. Hòa bình là điều mong ước của toàn thể nhân loại. Và chúng ta đang được sống trong những giây phút ấy thì hãy sống cho thật xứng đáng với những gì chúng ta đã được nhận hôm nay, sống chan hòa nhân ái như Tố Hữu đã từng viết: “Có gì đẹp trên đời hơn thế,Người với người sống để yêu nhau”.

Có thể tóm lại rằng tất cả những ước mong, những khao khát về một thế giới hòa bình sẽ luôn là niềm khao khát cháy bỏng của mọi người dân chân chính trên thế giới vì họ hiểu rằng “Hòa bình là đức hạnh của nhân loại, Chiến tranh là tội ác”.

Nghị luận về Giá trị của hoà bình trong cuộc sống hiện nay

Con người là yếu tố cấu thành nên xã hội. Những hành động, việc làm của con người có những tác động trực tiếp đến xã hội. Để có được một xã hội hòa bình, hạnh phúc như hiện nay, con người đã phải đánh đổi nhiều mồ hôi, nước mắt và cả xương máu. Chính vì thế, ta có thể khẳng định hòa bình có vai trò và giá trị to lớn trong cuộc sống hiện nay.

Hòa bình chính là trạng thái, môi trường sống lí tưởng của con người, nơi mà con người cùng nhau chung sống, yêu thương nhau, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau, không sử dụng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ, cùng nhau chung sống và xây dựng một xã hội văn minh, bình đẳng, giúp đỡ nhau phát triển. Hòa bình có vai trò và ý nghĩa vô cùng to lớn đối với mỗi người, mỗi vùng quê, mỗi quốc gia và toàn thế giới. Nếu chiến tranh khiến con người chia cắt, nhiều người phải bỏ mạng ở chiến trường thì hòa bình là trạng thái sống mà con người không phải lo lắng đến vấn đề bạo lực vũ trang, nỗ lực, tập trung phát triển bản thân, xây dựng quê hương đất nước.

Con người sống trong xã hội hòa bình sẽ có đầy đủ điều kiện để thể hiện điểm mạnh, năng lực của bản thân, cống hiến cho đất nước, cho xã hội. Trong môi trường hòa bình, con người được hòa nhập vào nhiều nền văn hóa khác nhau, được học hỏi, giao lưu để mở mang tầm hiểu biết. Có môi trường hòa bình, đời sống con người mới được chăm lo, con người mới có thể nghĩ đến những giá trị cao đẹp khác. Từ những nghĩa cử cao đẹp trên của hòa bình, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia hãy có ý thức giữ gìn, bảo vệ nền hòa bình của mình và xây dựng một xã hội trên nền tảng tình hữu nghị bền đẹp.

Bên cạnh đó, ta cũng cần thẳng thắn phê phán những hành vi xâm phạm lãnh thổ, khơi nguồn chiến tranh để không chỉ thế hệ chúng ta bây giờ mà con cháu mai sau cũng có thể có được nền hòa bình và môi trường sống lí tưởng để có thể phát triển toàn diện. Cuộc sống rất ngắn ngủi, hãy trân trọng những điều tốt đẹp mình hiện có và cống hiến nhiều hơn cho xã hội ngay từ hôm nay.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình Dàn ý & 14 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *