Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 9: Đóng vai Lục Vân Tiên kể lại Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Sơ đồ tư duy) Dàn ý & 8 bài văn mẫu hay lớp 9 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

TOP 8 bài Đóng vai Lục Vân Tiên kể lại Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 nắm được nội dung chính, dễ dàng nhập vai Lục Vân Tiên kể về việc đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga.

Lục Vân Tiên

Qua đó, còn giúp các em rèn kỹ năng kể chuyện theo ngôi thứ nhất, cùng trí tưởng tượng của mình ngày càng thêm phong phú hơn. Vậy mời các em cùng theo dõi 8 bài văn nhập vai Lục Vân Tiên kể lại truyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga bằng văn xuôi trong bài viết dưới đây của Wikihoc.com:

Đề bài: Em hãy đóng vai Lục Vân Tiên kể lại truyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga bằng văn xuôi theo ngôi kể thứ nhất.

Sơ đồ tư duy đóng vai Lục Vân Tiên kể lại truyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Sơ đồ tư duy đóng vai Lục Vân Tiên kể lại truyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga 

Dàn ý Kể lại truyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

1. Mở bài

  • Nhập vai nhân vật Lục Vân Tiên (xưng tôi) và dẫn dắt vào câu chuyện, gặp gỡ Kiều Nguyệt Nga

2. Thân bài

– Giới thiệu bản thân

  • Tên Lục Vân Tiên, quê ở huyện Đông Thành
  • Nhận tin triều đình mở khoa thi nên xin thầy xuống núi ứng thí

– Trên đường về thăm cha mẹ, tình cờ gặp toán cướp Phong Lai

  • Giặc cướp hung tàn, cướp bóc, làm hại dân lành
  • Bản thân tức giận, bẻ nhánh cây bên đường làm gậy rồi xông vào làng
  • Đe dọa lũ cướp không được làm hại dân lành, bị chúng bao vây, không cho trốn thoát
  • Vận dụng võ nghệ, đánh tan lũ cướp, giết Phong Lai, khiến lũ lâu la bỏ chạy tán loạn

– Gặp gỡ Kiều Nguyệt Nga

  • Nghe tiếng khóc than nên tiến đến hỏi chuyện
  • Biết được người trong xe là Kiều Nguyệt Nga và tỳ nữ Kim Liên. Trên đường về vâng lời cha làm tri phủ ở huyện Hà Khê thì gặp nạn
  • Kiều Nguyệt Nga muốn lạy tạ, ngỏ ý mời về nhà cha để đền ơn

– Từ chối và nói lên suy nghĩ về mục đích làm việc nghĩa, chí khí anh hùng

3. Kết bài

  • Tâm trạng sau cuộc gặp gỡ và suy nghĩ khát vọng lập công danh, giúp ích cho đời.

Kể lại truyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – Mẫu 1

Tôi tên là Lục Vân Tiên. Nghe triều đình mở khoa thi nên xin thầy cho xuống núi. Trên đường đi gặp toán cướp Phong Lai đang bắt nạt dân làng bèn xông vào cứu người bị nạn. Bọn cướp hung hăng đao kiếm lăm lăm vào, tôi chỉ kịp bẻ vội khúc cây bên đường làm vũ khí. Vốn là người giỏi võ nên tôi dễ dàng đánh tan bọn cướp, kẻ cầm đầu cũng phải bỏ mạng. Khi đó tôi nghe tiếng khóc trong xe,, thấy hai cô gái vẫn đang sợ hãi. Lúc đó, tôi mới tới gần xe động viên an ủi hai người. Hỏi chuyện ra mới biết cô gái đó là con của quan chi phủ Hà Khê. Nay trên đường về nhà gặp cha chẳng may gặp nạn. Đó là tiểu thư Kiều Nguyệt Nga . Cô mong được đền ơn cứu mạng của tôi nhưng tôi từ chối. Tôi vốn là nam tử hán, xưa nay làm ân chưa bao giờ có ý muốn được báo đáp. Nói đoạn, tôi liền đi khỏi.

Kể lại truyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – Mẫu 2

Tôi tên là Lục Vân Tiên. Một lần, trên đường trở về nhà khi đi dọc đường gặp toán cướp đang bắt nạt dân làng bèn xông vào cứu người bị nạn. Bọn cướp hung hăng đao kiếm lăm lăm vào, tôi chỉ kịp bẻ vội khúc cây bên đường làm vũ khí .Nhưng vốn là người giỏi võ nên tôi né được những cú đánh của bọn cướp Phong Lai. Và không lâu sau ,tôi đã đánh tan bọn cướp kẻ cầm đầu cũng phải bỏ mạng. Khi đó hai cô gái đang ngồi trong xe mới hoàn hồn nhưng vẫn còn sợ. Lúc đó, tôi mới tới gần xe động viên an ủi 2 cô gái. Hỏi chuyện ra mới biết cô gái đó là con của quan chi phủ Hà Khê. Nay trên đường về nhà gặp cha chẳng may gặp nạn. Đó là tiểu thư Kiều Nguyệt Nga . Cô mong được đền ơn cứu mạng của tôi nhưng tôi từ chối . Tôi vốn là nam tử hán, xưa nay làm ân chưa bao giờ có ý muốn được báo đáp. Nói đoạn, tôi liền đi khỏi.

Kể lại truyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – Mẫu 3

Cuộc sống chính là chuỗi tiếp nối những sự việc bất ngờ mà sau mỗi một sự kiện ta lại cảm thấy cuộc đời mình lại có những biến động dù hay dù nhiều. Có những sự việc khi trôi qua nhẹ nhàng như nước chảy lắng vào tâm trí ta rồi phai mờ theo thời gian, cũng có những sự việc xảy ra khiến cuộc đời ta thay đổi theo một hướng khác, khiến ta mãi mãi không quên. Cuộc đời tôi đã thay đổi sau khoảnh khắc định mệnh ấy, khoảnh khắc tôi gặp được người con gái của đời mình.

Tôi là Lục Vân Tiên – Một chàng trai trẻ vỏn vẹn mười sáu tuổi được sinh ra tại quận Đông Thành. Tuổi nhỏ là thế, nhưng tôi lại khát khao lập công danh, giúp ích cho đời rất lớn thế nên bản thân dù văn thông võ thạo vẫn không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, hy vọng có ngày được mang chút tài cán bé mọn này giúp nước giúp dân.

Năm tôi mười sáu tuổi, triều đình mở khoa thi, tôi xin phép thầy được xuống núi tham dự, hy vọng có ngày tên được khắc trên bảng vàng một cách kiêu hãnh. Trước ngày vào kinh ứng thí, tôi quyết định về thăm cha mẹ – những người đã ban cho tôi được hình hài và cuộc sống hôm nay. Thế nhưng vừa đặt chân xuống núi tôi đã nghe bên tai tiếng khóc la thảm thiết phá tan không gian bao trùm nơi đây. Tôi tò mò chặn đường một người đang hoảng hốt bỏ chạy để nắm sự tình. Thấy tôi không phải dân nơi đây, lại đi bằng đường núi nên ắt hẳn là từ núi xuống, ông cụ run run nói với dáng vẻ gấp gáp:

– Cậu từ trên núi xuống, hẳn không biết sự tình nơi này. Có một toán cướp hung bạo ngang nhiên cướp của dân lành. Mau mau đi khỏi kẻo lại rước họa vào thân…

Chưa nói hết lời ông lão đã sợ hãi rời đi, nhưng lúc này tôi cũng đã nắm sơ bộ ngọn nguồn câu chuyện. Lửa giận trong tôi bừng bừng cháy lên bởi nhớ lời thầy dặn phải biết bênh vực dân lành, gặp chuyện bất bình biết ra tay tương trợ. Giặc cướp hung tàn như thế này, những người dân thiện lương kia làm sao có thể chống chọi.

Không một chút chần chừ, tôi bẻ vội một nhánh cây rắn chắc ven đường với cơn giận sục sôi vội xông vào làng nơi những tên cướp vô nhân tính kia đang tác oai tác quái. Vừa xông vào làng vừa hét lớn:

– Đảng hung đồ kia! Thanh thiên bạch nhật, tụi bây chớ quen làm thói hồ đồ mà hại đến người dân vô tội.

Thấy một tên vô danh từ đâu xuất hiện dám cầm cây chăm chăm vào mình, khẩu khí lại lớn, lũ cướp thoáng bất ngờ trong giây lát. Tưởng chừng chúng sẽ chùn bước mà dừng tay nhưng tên cướp hung tợn, mặt đỏ phừng phừng, trợn mắt cầm thanh gươm sắc chỉ thẳng vào tôi mà nói với chất giọng đe dọa:

– Thằng nào to gan dám lớn tiếng can dự? Nhiều chuyện chớ trách hậu quả vạ thân. Truyền quân bốn phía bắt nó lại.

Tên cướp cầm đầu vừa ra lệnh, tiếng hò hét vang lên vang trời, cả trái, phải, trước, sau tôi đều bị bao vây không một kẽ hở. Không rõ có bao nhiêu tên nhưng bọn chúng mặt tên nào cũng lăm lăm, kiên quyết không cho tôi cơ hội tháo chạy thoát thân. Gươm giáo sắc lạnh va chạm nhau đến rợn người. Nét mặt tên nào cũng đầy gớm ghiếc và kinh tởm khiến tôi nhớ như in dẫu đã biết bao năm kể từ ngày ấy. Nhớ lại từng bài học của thầy đã được trau dồi bấy nhiêu năm, tôi bình tĩnh, lắng đọng quan sát tình hình.

Bao nhiêu thế võ được học thời khắc này đây chính là thứ sẽ cứu mạng tôi, đánh trái chặn phải, trước sau công thủ càn quét. Lũ cướp hữu dũng vô mưu, chẳng mấy chốc đã không còn khẩu khí, nét mặt hung tợn như lúc đầu, không lâu sau chúng đã rơi vào thế yếu. La liệt những tên bị tôi đánh đến ngã quỵ, không đứng dậy nổi. Tiếng kêu la thảm thiết xé nát cả bầu trời, những tên còn lại sau khi chứng kiến trình độ võ thuật của tôi cũng e dè không dám đến gần.

Tham khảo thêm:  

Đến chừng đánh đến thảm hại, chúng mới vứt vội gươm giáo, tháo chạy tìm đường thoát thân. Tướng cướp Phong Lai bị tôi một gậy không kịp trở tay, phải dùng chính mạng sống để trả giá cho hành vi bất lương của mình.

Lũ cướp đã tháo chạy, tiếng kêu la cũng dứt, không khí trở nên im ắng, yên bình như thuở đầu. Thế nhưng, giữa sự yên bình tôi lại nghe thấy tiếng than khóc oai án, lại gần mới biết là phát ra từ xe ngựa gần đó. Tôi tiến đến gần xe ngựa để hiểu rõ sự tình:

– Không biết là ai đang ở trong xe than khóc?

– Xin thưa tôi là người ngay thẳng, giữa đường gặp nạn nên sa vào tay quân hung đồ. Xe ngựa chật hẹp, cúi đầu trăm lạy xin cứu giúp.

Trong xe vọng ra tiếng nói, tôi đoán chừng đó là nha hoàn của một tiểu thư đài cát nào đó. Không muốn cả hai tiếp tục sợ hãi, tôi lên tiếng an ủi để giảm bớt căng thẳng:

– Giặc cướp lâu là ta đã đánh tan. Nàng là phận nữ nhi, nam nữ không tiện tùy ý gặp mặt, xin hãy ngồi đó khoan ra ngoài. Không biết tiểu thư là con gái nhà ai? Đi đâu mà gặp tai ương bất ngờ. Nàng tên họ là gì? Có việc quan trọng hay sao mà lại đi qua chốn này? Lại chẳng hay hai nàng ai là thầy ai là tớ?

Đoán chừng cả hai còn đang nghi ngại, chần chừ chốc lát tôi mới nghe được tiếng đáp lời. Trong xe có một tiểu thư khuê cát và một nha hoàn, tiểu thư tên Kiều Nguyệt Nga là con gái người tri phủ ở miền Hà Khê, quê nhà ở quận Tây Xuyên, nàng nha hoàn tên là Kiêm Liên.

Theo lời kể, tôi được biết rằng cha Kiều Nguyệt Nga mới cho người viết thư, tỏ ý muốn rước nàng về để yên bề gia thất vì tuổi của nàng là độ tuổi rất hợp để dựng vợ gả chồng theo quan niệm xưa. Kiều Nguyệt Nga vâng lời cha nên không quản đường xá xa xôi nhọc công khởi hành ngay nhưng chẳng may trên đường lại gặp nạn.

Trên đường đi vô tình lại gặp toán cướp hung hãn kia, đoán chừng đây là kiệu của dòng máu trâm anh thế phiệt nên cả chủ và tớ đều bị giữ lại, thế nhưng may mắn gặp được tôi nên được giải nguy. Nàng cảm động ân đức cứu mạng, định bước ra khỏi xe khấu đầu tạ ơn nhưng vì lễ giáo phong kiến khắt khe, nam nữ thọ thọ bất tương thân nên tôi vội ngăn cản. Soát thấy không có vàng bạc hay thứ đồ có giá trị nào mang theo, nàng khéo léo trình bày, ngỏ ý muốn mời tôi ghé thăm nhà ở Hà Khê để đền ơn.

Nghe cách nàng trình bày, không có để nhận ra nàng là người được uốn nắn kỹ càng trong một gia đình gia giáo, từng câu từng chữ thốt ra đều thể hiện được sự học thức được thể hiện tinh tế, là người có đạo đức, thấu tình đạt lý.

Thế nhưng làm ơn thì há dễ trông người trả ơn, xuất phát từ mục đích dẹp bạo cứu dân tôi bèn khước từ. Hành hiệp trượng nghĩa là việc mà bất cứ ai cũng nên làm khi gặp tình huống tương tự, nào lợi dụng nghĩa cử cao đẹp ấy mà mưu cầu danh lợi hay tạo cho mình thêm chút tiếng tăm. Nam nhi trượng nghĩa, thấy việc xấu thì xả thân cứu giúp đó là việc nên làm, là nghĩa của một anh hùng.

Tôi khéo léo từ chối, cảm ơn cả hai cô nương yếu thế rồi nói lời tạm biệt, tiếp tục hành trình trở về quê thăm bố mẹ. Lòng tôi cứ lâng lâng mãi cảm xúc tự hào vì đã xả thân làm việc nghĩa, trả lại yên bình cho những người dân lành. Con đường phía trước ắt hẳn còn dài nhưng lần này xuống núi tôi quyết tâm đỗ đạt rạng danh bố mẹ và thầy, mang tài trí giúp quê hương.

Kể lại truyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – Mẫu 4

Cuộc đời mỗi chúng ta luôn xuất hiện những cuộc gặp gỡ bất ngờ. Để rồi người chúng ta vô tình tương ngộ trong cuộc gặp gỡ đó có thể sẽ trở thành một người quan trọng trong số mệnh của chúng ta. Tôi cũng tình cờ rơi vào một cuộc gặp như thế. Và người con gái tôi gặp được khi ấy mãi đến sau này vẫn ghi dấu sâu sắc trong lòng tôi.

Tôi sinh ra và lớn lên ở quận Đông Thành, cha mẹ đặt tên là Lục Vân Tiên. Từ nhỏ, tôi đã khát khao lập được nhiều công danh, giúp ích cho đời. Dù văn thành võ thạo, tôi vẫn không ngừng cố gắng rèn luyện. Chỉ mong có ngày được đem tài năng giúp dân giúp nước.

Năm 16 tuổi, nghe tin triều đình mở khoa thi, tôi bèn xin phép thầy xuống núi, hăng hái muốn nhanh chóng có được công dạn. Trước ngày vào kinh ứng thí, tôi quyết định về thăm cha mẹ. Thế nhưng, vừa đặt chân xuống núi, tiếng khóc la thảm thiết đã từ khu vực lân cận vọng lại. Tôi tò mò giữ lại một người đang hoảng hốt bỏ chạy để tìm hiểu ngọn nguồn.

Thấy tôi không phải người bản xứ, lại vừa từ trên núi xuống, ông cụ run run khuyên nhủ:

– Cậu từ trên núi xuống, hẳn không biết sự tình nơi này. Có một toán cướp hung bạo, ngang nhiên cướp của dân lành. Mau mau đi khỏi, kẻo lại rước họa vào thân…

Ông lão chưa nói hết lời đã vội vã chạy đi. Lửa giận trong tôi bùng cháy dữ dội. Sư phụ đã dạy phải biết bênh vực dân lành, gặp hoạn nạn phải ra tay tương trợ. Huống chi giặc cướp hung tàn, người dân hiền lành vô tội sao có thể tránh thoát khỏi tay chúng? Không chần chừ nghĩ ngợi gì thêm, tôi bẻ một cành cây rắn chắc ven đường làm gậy rồi nhanh chóng xông về phía làng lũ cướp đang hoành hành, quát lớn:

– Đảng hung đồ kia! Thanh thiên bạch nhật, tụi bây chớ quen làm thói hồ đồ mà hại đến người dân vô tội

Thấy một người bất ngờ xông ra cản đường, lũ cướp thoáng dừng lại. Những tưởng chúng sẽ biết đường dừng tay. Ngờ đâu tên tướng cướp hung tợn, mặt đỏ phừng phừng, trợn mắt cầm thanh gươm sắc chỉ thẳng vào tôi đe dọa:

– Thằng nào to gan dám lớn tiếng can dự? Nhiều chuyện chớ trách hậu quả vạ thân. Truyền quân bốn phía bắt nó lại.

Tiếng hò hét vừa vang lên, cả toán cướp đã bao vây tứ phía, kiên quyết không cho tôi có cơ hội tháo chạy. Không rõ có bao nhiêu người, chỉ thấy chúng mặt đằng đằng sát khí. Gươm giáo sắc lạnh va chạm vào nhau. Khuôn mặt tên nào tên ấy đầy gớm ghiếc và hung tợn. Nhớ bao năm thầy dạy, tôi bình tĩnh quan sát. Đánh trái chặn phải, trước sau công thủ càn quét. Lũ cướp hữu dũng vô mưu, khó khăn chống đỡ đòn đánh của tôi, chẳng mấy chốc đã rơi vào thế yếu. Nhiều tên gục ngã không đứng dậy nổi. Nhiều tên kêu la thảm thiết, e dè không dám tiến lên. Đến khi bị đánh đến thảm hại, chúng mới vứt hết gươm giáo, tháo chạy tán loạn. Tướng cướp Phong Lai bị tôi một gậy không kịp trở tay, bỏ mạng.

Lũ cướp đã chạy xa, âm thanh hỗn loạn biến mất, nghe tiếng than khóc trong xe ngựa gần đó, tôi bèn lại gần hỏi thăm.

– Không biết là ai đang ở trong xe than khóc.

– Xin thưa tôi là người ngay thẳng, giữa đường gặp nạn nên sa vào tay quân hung đồ. Xe ngựa chật hẹp, cúi đầu trăm lạy xin cứu giúp.

Trong xe vọng ra tiếng nói của một người con gái, nghe giọng thì có lẽ là nha hoàn cùng tiểu thư nhà nào đó. Không làm khó thêm, tôi nhanh chóng giải thích ngay:

– Giặc cướp lâu la ta đã đánh tan. Nàng là phận nữ nhi, nam nữ không tiện tùy ý gặp mặt, xin hãy ngồi đó khoan ra ngoài. Không biết tiểu thư con gái nhà ai? Đi đâu mà gặp tai ương bất ngờ. Nàng tên họ là gì? Có việc quan trọng hay sao mà lại đi qua chốn này? Lại chẳng hay hai nàng ai là thầy ai là tớ?

Chần chừ chốc lát, tôi mới nghe được câu trả lời. Trong xe có hai chủ tớ, tiểu thư là Kiều Nguyệt Nga, con gái tri phủ ở miền Hà Khê, quê nhà ở quận Tây Xuyên. Người còn lại là nàng hầu Kim Liên. Cha Kiều Nguyệt Nga mới cho người gửi thư, tỏ ý muốn rước nàng về định bề gia thất. Kiều Nguyệt Nga nghe lời cha nên đồng ý nên dù đường xá xa xôi cũng không ngại ngần.

Trên đường đi lại chẳng may gặp cướp, chủ tớ bị bắt lại, may mắn gặp tôi nên được giải nguy. Nàng cảm động ân đức cứu mạng, định bước ra xe khấu đầu tạ ơn, tôi vội ngăn cản. Không có vàng bạc mang theo, nàng khéo léo trình bày, ngỏ ý mời tôi ghé qua nhà ở Hà Khê để đền ơn. Từng câu từng lời đều thể hiện là người con gái có gia giáo, tài đức, thấu tình đạt lí.

Tham khảo thêm:  

Song xét đến ý muốn tự nguyện trừ bạo giúp dân, tôi bèn khước từ. Xả thân hành hiệp trượng nghĩa là đạo lí nên làm, nào có mưu cầu danh lợi thiệt hơn. Nam nhi đầu đội trời, chân đạp đất, thấy việc nghĩa không từ nan, thấy người gặp nạn quyết ra tay ứng cứu, đó mới là nghĩa khí của anh hùng.

Tôi nói rõ lòng mình rồi từ biệt chủ tớ hai người, tiếp tục lên đường về thăm cha mẹ. Lòng tôi hăm hở nhiều cảm xúc, vui sướng vì đã làm được việc nghĩa, hóa giải an nguy cho người dân vô tội. Đồng thời cũng cảm phục người con gái khéo léo, dịu dàng. Con đường phía trước vẫn còn dài, lần này xuống núi, tôi tự nhủ sẽ làm rạng danh thầy dạy, đem tài trí giúp ích cho cuộc đời.

Kể lại truyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – Mẫu 5

Tôi tên là Lục Vân Tiên, người ở quận Đông Thành. Mười sáu tuổi, trong lòng tôi biết bao hăm hở muốn được lập nhiều công danh và giúp ích cho đời. Mấy năm học cùng thầy trên núi, dù văn võ đã thành thạo, nhưng lúc nào tôi vẫn luôn tự nhủ cần phải học tập và rèn luyện thêm nữa. Tháng năm trôi qua, tôi ngày càng trưởng thành hơn, thầy tôi rất hài lòng và tin tưởng tôi sẽ đem tài năng giúp dân giúp nước.

Năm ấy, khi nghe tin triều đình mở khoa thi, tôi đã rất hăng hái xin phép thầy xuống núi. Trước khi lên kinh đô, tôi về thăm cha mẹ. Vừa xuống núi, tôi đã nghe thấy tiếng người dân khóc than thảm thiết. Họ kéo nhau chạy tán loạn vào rừng để trốn. Thấy thế, tôi liền giữ một ông cụ đang hốt hoảng bỏ chạy lại để tìm hiểu sự tình. Ông cụ khuyên tôi rằng: “- Cháu hãy chạy đi nếu không muốn chết ! Lũ cướp rất đáng sợ, chúng trang bị rất nhiều vũ khí, chúng đang tàn phá nhà cửa và cướp bóc của cải của dân làng chúng tôi. Cậu hãy chạy mau đi, nghe lời lão đi! Hiện có một cô gái nghe nói xinh đẹp lắm đang bị chúng bắt lại và bị cướp hết vàng bạc rồi. Thôi lão đi đây….”

Vừa dứt lời, ông lão đã tức tốc chạy đi. Nghe thấy thế, ngọn lửa giận dữ trong tôi bùng cháy. Lũ cướp đang không biết hung bạo thế nào nhưng nhìn thấy dân làng hỗn loạn, sợ hãi, tôi thầm nghĩ chúng cũng tàn ác lắm. Nhất định tôi không thể bỏ qua chuyện này được, phải giúp họ thôi.

Không kịp nghĩ ngợi lâu, tôi ghé qua bên đường bẻ một cành cây dài làm gậy rồi nhanh như chớp xông vào giữa đám cướp quát lớn: “- Bớ đảng hung đồ kia! Tụi bây chớ quen làm thói hồ đồ mà hại dân vô tội”. Tôi nói vậy để bọn chúng nhận ra những việc làm sai trái của mình và cũng là đang mở ra cho chúng một con đường để thoát thân. Ngờ đâu tên tướng cướp mắt trợn ngược đầy hung tợn, mặt đỏ phừng phừng cầm thanh gươm sắc bén chỉ vào tôi và quát: “- Mày là thằng nào mà dám tới đây lớn tiếng thế? Không việc gì của mày mà can vào. Khôn hồn thì đi ngay chứ không đừng trách ta”. Nói rồi, tên tướng cướp hò hét bọn lâu la bao vây bốn phía quyết không cho tôi đường tháo chạy.

Trong vòng vây, bọn chúng người cầm gươm, người cầm giáo đằng đằng sát khí hô vang: “GIẾT! GIẾT! GIẾT!”. Tiếng gươm khua sắc lạnh, tiếng cười hét điên loạn, những khuôn mặt gớm ghiếc, nhưng ánh mắt chế nhạo nhìn tôi chằm chằm. Rồi chúng cứ thế mà xông vào, vung gươm, giáo nhằm tôi mà đâm. Tôi bình tĩnh quan sát. Bọn chúng tuy đông nhưng là bọn hữu dũng vô mưu, bất tài vô dụng, chỉ lấy đông hiếp yếu chứ chẳng tài cán gì. Rất nhanh, tôi cầm cây gậy đánh hết bên trái rồi đánh bên phải, triển hết tài nghệ mà thầy tôi đã truyền dạy.

Cứ thế, tôi tả xung hữu đột, đánh trước đánh sau, càn quét bốn phía. Những đòn đánh tuyệt diệu như rồng cuộn, hổ vồ làm chúng không biết đường đỡ, bị trúng đòn sợ đến kinh hồn. Nhiều tên gục ngã tại chỗ không gượng dậy nổi. Nhiều tên khác kêu la thảm thiết, thất thần không dám xông vào nữa cứ dè chứng bên ngoài mà hò hét.

Tôi tiếp tục vung gậy tới tấp. Chiếc gậy trong tay cứ vun vút lao vào đầu, vào người chúng. Đau quá, chúng vứt hết gươm giáo mà bỏ chạy tán loạn để thoát thân. Tên tướng cướp Phong Lai cũng bị tôi đánh cho một trận sống dở chết dở. Biết không địch nổi, hắn hò hét lũ lâu la bỏ chạy, không dám nhìn lại.

Dẹp xong lũ cướp hung tợn, tôi ân cần hỏi người gặp nạn. Hỏi ra thì mới biết nàng là Kiều Nguyệt Nga, người ở quận Tây Xuyên còn người kia là nàng hầu Kim Liên. Cha Kiều Nguyệt Nga là tri phủ ở miền Hà Khê. Ông mới cho người gửi thư rước nàng về để định bề gia thất. Dù không phải là người mà nàng muốn gắn bó nhưng vì là ý cha nên nàng đành chấp thuận. Nàng Nguyệt Nga thật là một cô gái hiếu thuận và đức hạnh.

Nàng kể rằng đang trên đường về nhà vâng lời cha thì chẳng may lại bị bắt lại, rất may tôi có mặt kịp thời giải nguy cho. Cảm ân đức giải nguy cứu mạng, Kiều Nguyệt Nga định bước ra khấu đầu, tôi liền ngăn cản. Nàng cảm kích lắm mời tôi ghé qua nhà nàng ở Hà Khê để đền ơn cho tôi. Vừa nghe nàng nói vậy, tôi liền cười lớn khước từ bởi việc tôi làm là tự nguyện, là vì thấy việc bất nghĩa thì không thể không xả thân chứ nào mong cầu lợi danh. Bậc anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất, thấy việc nghĩa quyết không từ nan, thấy người gặp nạn quyết ứng cứu, đó mới là nghĩa khí kẻ làm trai.

Tôi cảm tạ tấm chân tình ấy của nàng rồi từ biệt để lên đường về thăm cha mẹ. Trên đường đi, lòng tôi tràn ngập hân hoan vì vừa làm được một việc tốt, lại cũng vừa kiểm chứng tài nghệ đã luyện tập bấy lâu. Tôi đã giúp ích cho dân làng rồi. Tôi sẽ lại hăm hở lên đường để thi thố tài năng, cứu giúp những người khốn khó, diệt trừ lũ bạo ngược. Tôi chỉ mong nhân dân mãi luôn có được cuộc sống ấm no mà thôi. Lần này xuống núi, nhất định tôi sẽ làm rạng danh thầy, quyết ứng thí thành công, đem sức giúp ích cho đời.

Kể lại truyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – Mẫu 6

Tôi tên là Lục Vân Tiên, người ở quận Đông Thành. Tôi là một chàng trai mười sáu tuổi, mong muốn lập được nhiều công danh và giúp ích cho đời. Mấy năm nay tôi vẫn theo thầy học tập trên núi, dù văn võ đã thành thạo, nhưng lúc nào tôi vẫn luôn tự nhủ cần phải học tập và rèn luyện thêm nữa.

Khi ấy, nghe tin triều đình mở khoa thi, tôi đã rất hăng hái xin phép thầy xuống núi. Trước khi lên kinh đô, tôi về thăm cha mẹ. Vừa xuống núi, tôi đã nghe thấy tiếng người dân khóc than thảm thiết. Họ kéo nhau chạy tán loạn vào rừng để trốn. Thấy thế, tôi liền giữ một ông cụ đang hốt hoảng bỏ chạy lại để hỏi han sự tình. Ông cụ khuyên tôi rằng: – “Cháu hãy chạy đi nếu không muốn chết ! Lũ cướp đáng sợ lắm. Cậu hãy chạy mau đi, nghe lời lão!. Thôi lão đi đây….”

Vừa dứt lời, ông lão đã tức tốc chạy đi. Lũ cướp không biết hung bạo và tàn ác thế nào nhưng nhìn thấy dân làng hỗn loạn, sợ hãi thế kia, ngọn lửa giận dữ trong tôi bùng cháy. Tôi không thể bỏ qua chuyện này được.

Không kịp nghĩ ngợi lâu, tôi bẻ một cành cây bên đường làm gậy rồi nhanh như chớp xông vào giữa đám cướp quát lớn: – “Bớ đảng hung đồ kia! Tụi bây chớ quen làm thói hồ đồ mà hại dân vô tội”. Tôi tức giận quát nhưng cũng muốn cho chúng một con đường thoát thân. Nào ngờ đâu tên đứng đầu mắt trợn ngược đầy hung tợn, mặt đỏ phừng phừng cầm thanh gươm sắc bén chỉ vào tôi và quát: – “Mày là thằng nào mà dám tới đây lớn tiếng thế? Tụi ta chẳng làm gì mày mà mày dám tới đây gây sự với bọn ta?”. Nói rồi tên cướp hò hét bọn lâu la bao vây bốn phía quyết không cho tôi đường tháo chạy.

Thấy vậy tôi bèn lâm trận, bọn chúng người cầm gươm, người cầm giáo đằng đằng sát khí hô muốn bao vây muốn đâm tôi. Tôi cầm cây gậy đánh hết bên trái rồi đánh bên phải làm chúng vỡ trận, sợ hãi vứt hết gươm giáo mà bỏ chạy tán loạn để thoát thân. Tên tướng cướp thất thần định chạy trốn cũng bị tôi đánh cho một gậy liền thân vong.

Dẹp xong lũ cướp hung tợn, tôi nghe thấy tiếng khóc trong xe bèn lại gần ân cần hỏi han. Hỏi ra thì mới biết nàng là Kiều Nguyệt Nga, người ở quận Tây Xuyên còn người kia là nàng hầu Kim Liên. Cha Kiều Nguyệt Nga là tri phủ ở miền Hà Khê. Ông mới cho người gửi thư rước nàng về để định bề gia thất. Dù không phải là người mà nàng muốn gắn bó nhưng vì là ý cha nên nàng đành chấp thuận. Nàng Nguyệt Nga thật là một cô gái hiếu thảo và đức hạnh, tôi ngưỡng mộ nàng vô cùng. Nàng kể rằng đang trên đường về nhà vâng lời cha thì chẳng may lại bị bắt lại, rất may tôi có mặt kịp thời giải nguy cho. Vì thế, nàng cảm kích lắm mời tôi ghé qua nhà nàng ở Hà Khê để dễ bề đền ơn.

Tham khảo thêm:  

Vừa nghe nàng nói vậy, tôi liền khước từ bởi việc tôi làm chỉ vì thấy chuyện bất bình ra tay cứu giúp. Tôi cảm tạ tấm chân tình ấy của nàng rồi từ biệt để lên đường về thăm cha mẹ . Và thật không thể ngờ rằng lần gặp tình cờ này lại là duyên phận của tôi và nàng Kiều Nguyệt Nga xinh đẹp, đức hạnh.

Kể lại truyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – Mẫu 7

Trong cuộc đời mỗi người đều có những cuộc gặp gỡ bất ngờ. Chúng ta sẽ chẳng thể ngờ được một cuộc tương ngộ trong vô tình lại kết nối hai người thành mối lương duyên tốt đẹp. Tôi cũng đã từng có một cuộc gặp gỡ như thế. Cuộc gặp ấy đã để lại trong tôi những kí ức sâu đậm về người con gái xinh đẹp, hiền dịu.

Tôi tên là Lục Vân Tiên, là người đến từ quận Đông Thành. Ước mơ từ thuở nhỏ của tôi chính là được lập nhiều công danh, giúp ích cho cuộc đời. Dù đã thành thạo văn võ, nhưng tôi vẫn chưa từng thấy đủ và không ngừng rèn luyện. Chỉ mong sao có một ngày được cống hiến toàn bộ sức trẻ để giúp dân giúp nước.

Năm tôi 16 tuổi, triều đình mở khoa thi. Nghe tin, tôi liền xin phép thầy được xuống núi để hoàn thành ước mơ lập được công trạng. Trước khi tiến về thành, tôi định qua thăm cha mẹ một chút. Nhưng rồi, vừa đi xuống núi, tôi đã nghe thấy tiếng khóc la thảm thiết từ khu vừng nơi lân cận vọng lại. Vừa hay một người đang hoảng hốt bỏ chạy, tôi đã giữ người ấy lại để hỏi rõ ngọn nguồn.

Ông cụ thấy tôi không phải người bản xứ, vừa run run vừa khuyên nhủ:

– Cậu từ núi xuống, hẳn là chẳng hiểu sự tình ở nơi đây. Nơi đây có một toán cướp rất hung bạo, chúng thường ngang nhiên cướp của dân lành. Khuyên cậu nên đi lối khác để tránh rước họa vào thân.

Ông lão vừa nói vọng lại vừa vội vã chạy đi. Nghe được điều này, lửa giận trong tôi bùng cháy dữ dội. Tôi từ nhỏ đã được sư phụ chỉ dạy phải biết giúp dân lành, người khác gặp hoạn nạn phải ra tay tương trợ. Huống chi đây là bọn giặc cướp hung tàn, chúng dám bắt nạt người dân hiền lành vô tội. Nghĩ rồi, tôi không chần chừ bẻ một nhánh cây rắn chắc ven đường làm vũ khí rồi nhanh chóng đi giải vây cho dân làng.

Vừa xông vào lũ cướp, tôi vừa quát lớn:

– Bọn hung đồ kia! Giữa thanh thiên bạch nhật, chúng bây chớ quen thói hàm hồ mà hại đến dân làng vô tội.

Lũ cướp lúc này thoáng chút bất ngờ vì một người lạ mặt xông đến. Nhưng rồi, chúng chẳng hề dừng tay mà càng thêm hung tợn. Một tên trong đám cướp kia mặt đỏ phừng phừng, trợn mắt cầm thanh gươm chỉ thẳng vào tôi:

– Mày là ai mà dám can dự? Nhiều chuyện thì chớ trách hậu quả vạ thân – nói rồi quay sang đồng bọn – Bây mau bắt nó lại!

Hắn vừa hét lên, cả toán cướp đã bao vây tôi từ tứ phía. Mặt tên nào tên nấy đều đằng đằng sát khí. Tôi vẫn không hoảng sợ trước bọn cướp này, bình tĩnh quan sát thế trận. Bọn chúng khá đông, nhưng võ công cũng không đáng lo ngại. Chúng đánh trái thì tôi chặn phải, trước sau công thủ càn quét. Chúng khó khăn đỡ từng đòn đánh của tôi, chỉ thoáng chốc đã rơi vào thế yếu. Đến khi chúng biết không thể đánh lại, thì vứt hết gươm giáo chạy toán loạn. Tướng cướp Phong Lai định đánh lén tôi từ sau thì cũng bị ngay một gậy không kịp trở tay và bỏ mạng tại đây.

Khi lũ cướp đã không còn thấy bóng dáng, âm thanh hỗn loạn của chúng cũng bị cuốn đi, thì tôi mới nghe được tiếng khóc trong xe ngựa gần đó. Thấy thế, tôi liền lại gần hỏi thăm:

– Không biết là ai đang ở trong xe?

– Xin thưa, tôi là người ngay thẳng. Tôi đang đi thì gặp nạn giữa đường, thế là sa vào tay quân hung đồ. Xe ngựa chật hẹp, xin cúi đầu trăm lạy xin cứu giúp cho.

Từ trong xe vọng ra giọng nói của một người con gái. Tôi nhanh chóng giải thích:

– Giặc cướp lâu la đã bị ta đánh tan. Nàng là nữ nhi, nam nữ xưa nay không tiện gặp mặt một cách tùy ý. Xin nàng hãy ngồi trong đó chớ ra ngoài. Không biết nàng là tiểu thư nhà ai, đi đâu mà gặp phải tai ương bất ngờ? Nàng tên họ là gì? Cần việc gì quan trọng mà phải đi ngang chốn này?

Người trong xe dường như đang chần chừ giây lát, nhưng rồi cũng giải đáp thắc mắc của tôi. Trong xe gồm có một tiểu thư tên Kiều Nguyệt Nga, là con gái của tri phủ Hà Khê, còn người còn lại là một tỳ nữ tên Kim Liên. Cha của nàng vừa mới gửi thư, tỏ ý rước nàng về định bề gia thất. Vâng lời cha, nàng dù đường xá xa xôi cũng không ngần ngại.

Nhưng trên đường lại gặp phải toán cướp, may mắn được tôi giải nguy. Vì cảm động ân đức cứu mạng, nàng định bước ra xe khấu đầu tạ ơn. Nghe vậy, tôi liền ngăn cản. Rồi nàng lại ngỏ ý mời tôi ghé nhà cha để đền ơn giúp đỡ. Nghe lời nàng nói, tôi liền có thiện cảm bởi nàng là một người con gái có gia giáo, tài đức, lại thấu tình đạt lý.

Song, tôi giúp người vì lòng tự nguyện, vì đạo lý trừ bạo giúp dân, nên chẳng cần phải đáp ơn. Xả thân vì nghĩa là chuyện đấng nam nhi nên làm, nào có mưu cầu danh lợi thiệt hơn. Đó là nghĩa khí anh hùng mà tôi luôn giữ trong mình.

Tôi nói rõ lòng mình với cả hai chủ tớ, rồi từ biệt để tiếp tục lên đường về thăm cha mẹ. Sự việc bất ngờ trên khiến tôi cảm thấy vô cùng mãn nguyện, vui sướng vì đã làm được việc nghĩa. Đồng thời, tôi cũng vô cùng cảm phục người con gái dịu dàng, khéo léo vừa gặp. Phía trước vẫn còn một chặng đường dài, tôi vừa bước hiên ngang vừa tự nhủ sẽ làm rạng danh thầy dạy, đem sức mình giúp cho đời, cho người.

Kể lại truyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – Mẫu 8

Trong tác phẩm Lục vân Tiên, tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lên hình tượng một con người lý tưởng với những vẻ đẹp toàn diện, mà nổi bật lên trong những vẻ đẹp đó chính là tính chính nghĩa cao đẹp. Trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã tái hiện lại phẩm chất tốt đẹp đó qua hành động trừ bạo cho dân, và tôi là một trong những nhân vật của câu chuyện ấy.

Tên Lục Vân Tiên, quê ở huyện Đông Thành. Tuổi nhỏ là thế, nhưng tôi lại khát khao lập công danh, giúp ích cho đời rất lớn thế nên bản thân dù văn thông võ thạo vẫn không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, hy vọng có ngày được mang chút tài cán bé mọn này giúp nước giúp dân.

Năm tôi mười sáu tuổi, triều đình mở khoa thi, tôi xin phép thầy được xuống núi tham dự, hy vọng có ngày tên được khắc trên bảng vàng một cách kiêu hãnh. Trên đường về thăm cha mẹ, tình cờ gặp toán cướp Phong Lai. Giặc cướp hung tàn, cướp bóc, làm hại dân lành. Bản thân tức giận, bẻ nhánh cây bên đường làm gậy rồi xông vào làng. Đe dọa lũ cướp không được làm hại dân lành, bị chúng bao vây, không cho trốn thoát. Vận dụng võ nghệ, đánh tan lũ cướp, giết Phong Lai, khiến lũ lâu la bỏ chạy tán loạn.

Và rồi tôi gặp gỡ Kiều Nguyệt Nga, , người ở quận Tây Xuyên còn người kia là nàng hầu Kim Liên. Cha Kiều Nguyệt Nga là tri phủ ở miền Hà Khê. Ông mới cho người gửi thư rước nàng về để định bề gia thất. Dù không phải là người mà nàng muốn gắn bó nhưng vì là ý cha nên nàng đành chấp thuận. Nàng Nguyệt Nga thật là một cô gái hiếu thảo và đức hạnh, tôi ngưỡng mộ nàng vô cùng. Nàng kể rằng đang trên đường về nhà vâng lời cha thì chẳng may lại bị bắt lại, rất may tôi có mặt kịp thời giải nguy cho. Vì thế, nàng cảm kích lắm mời tôi ghé qua nhà nàng ở Hà Khê để dễ bề đền ơn.

Nghe tiếng khóc than nên tiến đến hỏi chuyện. Biết được người trong xe là Kiều Nguyệt Nga và tỳ nữ Kim Liên. Trên đường về vâng lời cha làm tri phủ ở huyện Hà Khê thì gặp nạn. Kiều Nguyệt Nga muốn lạy tạ, ngỏ ý mời về nhà cha để đền ơn. Từ chối và nói lên suy nghĩ về mục đích làm việc nghĩa, chí khí anh hùng.

Lòng tôi cứ lâng lâng mãi cảm xúc tự hào vì đã xả thân làm việc nghĩa, trả lại yên bình cho những người dân lành. Con đường phía trước ắt hẳn còn dài nhưng lần này xuống núi tôi quyết tâm đỗ đạt rạng danh bố mẹ và thầy, mang tài trí giúp quê hương. Và từ đó, ta nhận thấy được Lục Vân Tiên là hình tượng tuyệt đẹp được khắc họa thông qua mô típ quen thuộc ở truyện thơ Nôm truyền thống.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Đóng vai Lục Vân Tiên kể lại Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Sơ đồ tư duy) Dàn ý & 8 bài văn mẫu hay lớp 9 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *