Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn nghị luận về hiện tượng nghiện game online Dàn ý & 12 Đoạn văn nghị luận về hiện tượng đời sống ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

TOP 12 Đoạn văn nghị luận về hiện tượng nghiện game online SIÊU HAY, ấn tượng nhất của các bạn học sinh trong cả nước, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn về những tác hại, hậu quả nghiêm trọng mà nghiện trò chơi điện tử gây ra.

Nghiện game

Nghiện game online có thể gây ra các ảo giác làm cho các em có những hành vi không đúng đắn, khiến việc học giảm sút, tâm lý rối loạn. Vì vậy, các em cần kiểm soát thời gian chơi sao cho hợp lý. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Wikihoc.com để ngày càng học tốt môn Văn 9:

Dàn ý Đoạn văn nghị luận về hiện tượng nghiện game online

1. Mở đoạn

Giới thiệu vấn đề: hiện tượng nghiện game

2. Thân đoạn

a. Giải thích vấn đề

  • Khái niệm “game”: là cách gọi các trò chơi sử dụng các thiết bị điện tử để tạo ra một hệ thống tương tác mà người chơi có thể chơi.
  • Khái niệm “nghiện”: là sự lặp lại liên tục của một hành vi bất chấp hậu quả xấu hoặc sự rối loạn thần kinh để dẫn đến những hành vi như vậy
  • Giải thích “nghiện game”: là tình trạng không thể kiểm soát cảm giác thèm chơi game, chơi liên tục và ưu tiên việc chơi game hàng đầu trong cuộc sống của người chơi đến mức lệ thuộc vào game và ngày càng cô lập bản thân với gia đình, bạn bè và xã hội.

b. Thực trạng vấn đề

  • Nhiều học sinh, sinh viên dành hàng giờ mỗi ngày cho việc chơi game mà bỏ bê học hành
  • Học sinh, sinh viên bỏ học để chơi game
  • Bị tiêm nhiễm hành vi xấu thông qua các trò chơi bạo lực

c. Nguyên nhân

  • Các trò chơi đa dạng, hấp dẫn, kích thích sự khám phá của giới trẻ
  • Lứa tuổi học sinh chưa được trang bị tâm lý vững vàng, dễ bị lạc mình trong thế giới ảo
  • Nhu cầu chứng tỏ bản thân và ganh đua với bạn bè
  • Gia đình và nhà trường chưa quan tâm, quản lý học sinh chặt chẽ…

d. Hậu quả

  • Học sinh bỏ bê việc học hành, kết quả học tập ngày càng sa sút…
  • Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe: hỏng mắt, mệt mỏi… do chơi game quá 180 phút mỗi ngày
  • Dễ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội…
  • Ảo game, có những hành vi thô bạo giống trong trò chơi…

e. Giải pháp

  • Cần có biện pháp giáo dục, nâng cao ý thức cho học sinh
  • Bản thân chúng ta cần tự ý thức được việc chơi game để giải trí và có thể kiếm ra tiền chứ không phải nghiện game bỏ bê học hành, công việc…

g. Phản đề

  • Không phải cứ chơi game nhiều là xấu, nhiều người đã thành công trong việc phát triển game, kiếm tiền nhờ vào việc thi đấu các bộ môn thể thao điện tử Esports…

3. Kết đoạn

  • Liên hệ bản thân

Đoạn văn suy nghĩ về nghiện game online

Trò chơi điện tử (game) vốn là một trò giải trí lành mạnh song hiện tượng đam mê trò chơi này mà sao nhãng học hành và gây nhiều hậu quả tai hại đã trở thành một vấn đề bức xúc ở lứa tuổi học sinh. Được so sánh tương tự với việc nghiện ma túy, chứng nghiện game online được các nhà khoa học xem xét đưa vào một trong những loại bệnh lý tâm thần. Nguyên nhân là do chơi game online quá lâu trong thời gian dài sẽ dẫn đến nhiều tác hại cả về sức khỏe lẫn tinh thần, gây rối loạn tâm sinh lý. Hơn thế nữa, việc tâm lý của người chơi game bị ảnh hưởng, dễ dẫn đến các hành vi lệch lạc, bạo lực như giết người, cướp của… đã diễn ra trong thời gian vừa qua mà thủ phạm là các game thủ tuổi đời còn rất trẻ. Và việc này thật đáng lo ngại, nghiện game có thể dẫn đến học tập sa sút nghiêm trọng, bỏ bê việc học, dành thời gian để “cày” game quá nhiều còn dẫn đến đầu óc không còn được tỉnh táo. Tiền mất tật mang, thế giới game sẽ chẳng mang lại cho bạn bất cứ được điều gì có ích, chỉ toàn những điều tai hại…. Thật nguy hiểm phải không nào?

Đoạn văn nghị luận 200 chữ về hiện tượng nghiện game online

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ như hiện nay, trò chơi điện tử càng trở nên phổ biến trong xã hội, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh, thanh – thiếu niên. Trò chơi điện tử là các trò chơi giải trí được chơi trên các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, smartphone,… Trò chơi điện tử có hình thức khá đa dạng, độ hấp dẫn cao với hệ thống đồ họa kích thích thị giác, thao tác mượt mà, tạo hứng thú cho người chơi. Như một tờ giấy có hai mặt, trò chơi điện tử khi được con người sử dụng vừa có những lợi ích tích cực, nhưng lại vừa tiềm ẩn những hậu quả tiêu cực. Về mặt tích cực, trò chơi điện tử là một dạng của hoạt động giải trí, giúp con người có thể thư giãn, giảm stress sau những giờ học, giờ làm việc mệt mỏi. Không chỉ vậy, trò chơi điện tử cũng có tác dụng kích thích tư duy, trí não và sự nhạy cảm trong phản xạ của con người. Thế nhưng, do cách sử dụng chưa hợp lý của con người mà vô tình, trò chơi điện tử đã gián tiếp tạo ra những tệ nạn, thói xấu trong xã hội. Có thể lấy ví dụ là tình trạng nghiện game, nghiện chơi điện tử ở lứa tuổi học sinh. Rất nhiều em học sinh dành quá nhiều thời gian cho các trò chơi điện tử, thậm chí bỏ học, trốn học, ăn trộm tiền của bố mẹ, bạn bè để đi chơi điện tử, nạp thẻ game,… Tình trạng này gây ra hậu quả khôn lường, không chỉ ảnh hưởng đến tình hình học tập của học sinh mà còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách của con người, an ninh trật tự của xã hội. Chính vì vậy, mỗi chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn về trò chơi điện tử và tạo cho mình lối sống văn minh, cao đẹp.

Tham khảo thêm:   Các dạng bài tập về Nitơ - Photpho Bài tập về Nitơ Hóa 11

Đoạn văn nghị luận về nghiện game online – Mẫu 1

Game là những trò chơi trên máy tính, được sáng tạo với mục đích giúp con người giải trí, thư giãn đầu óc sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng. Game cũng như một loại cám dỗ, để lại những hậu quả khôn lường. Trước hết, nó ảnh hưởng đến sức khỏe của người chơi. Chơi nhiều có thể bị cận thị, thiếu ngủ, đầu óc không tỉnh táo, tinh thần mệt mỏi, lâu ngày còn có thể sinh trầm cảm. Hơn nữa, chơi game còn tốn thời gian và tiền bạc. Vì dành quá nhiều thời gian cho game, học sinh dễ chểnh mảng, sa sút trong việc học hành, ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Nghiện game cũng là nguyên nhân sinh ra nhiều thói hư tật xấu, làm suy đồi nhân cách, đạo đức của người học sinh. Không có tiền chơi game, nhiều bạn nói dối, ăn trộm tiền của bố mẹ, trốn học để chơi game. Tình cảm gia đình, thầy trò vì thế mà rạn nứt, để lại vết thương khó có thể hàn gắn. Mỗi học sinh để không sa chân vào con đường nghiện game cần có ý thức trong việc học hành, tích cực rèn luyện đạo đức, coi học là nhiệm vụ chính, chơi game chỉ để giải trí, giải tỏa áp lực và có thời gian chơi phù hợp. Nghiện game là một hiện tượng đáng báo động ngày nay. Mỗi chúng ta hãy là một người chơi khôn ngoan, đưa game trở về mục đích tốt đẹp ban đầu của nó.

Đoạn văn nghị luận về nghiện game online – Mẫu 2

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, bên cạnh những hiệu quả, thành tựu lớn như công nghệ 4.0, tự động hóa,… thì game hay trò chơi điện tử lại nổi lên như một hiện tượng tiêu cực của xã hội, đặc biệt là với học sinh. Game là từ tiếng anh, để chỉ trò chơi điện tử nói chung, nghĩa là các trò chơi sử dụng thiết bị điện tử để tạo ra một hệ thống tương tác mà người chơi có thể chơi. Hiện tượng nghiện game là hiện tượng tâm lí rối loạn, dành quá nhiều đam mê, tâm trí vào các trò chơi điện tử. Hiện tượng nghiện game thường xảy ra ở giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên. Biểu hiện của hiện tượng này là người chơi dành quá nhiều thời gian, tiền bạc vào việc chơi game. Ở lứa tuổi học sinh, chúng ta có thể thấy tình trạng các em bỏ học, trốn học, ăn trộm tiền của bố mẹ, bạn bè để chơi game, nạp thẻ vào game,…Nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Game với những đặc điểm nổi trội như đa dạng hình thức, lôi cuốn, hấp dẫn với hệ thống đồ họa, thao tác và cách thức chơi gây tác động mạnh vào thị hiếu của người chơi. Cũng cần xét đến bản thân người chơi chưa có chính kiến, chưa hiểu rõ về hoạt động giải trí dẫn đến việc nghiện game không kiểm soát. Riêng đối với các em học sinh thì nguyên nhân của nghiện game còn đến từ sự thiếu quan tâm của phụ huynh, thầy cô, chưa có phương pháp giáo dục đúng đắn, nghiêm khắc. Game là một trong những hoạt động giải trí được xã hội chấp nhận, thế nhưng nghiện game lại gây ra những hậu quả khôn lường đối với cả bản thân người chơi lẫn xã hội. Chính vì vậy, chúng ta – thế hệ học sinh cần phải hiểu rõ bản chất của game nói riêng và hoạt động giải trí nói chung, sử dụng nó một cách văn minh, hợp lý nhất.

Đoạn văn nghị luận về nghiện game online – Mẫu 3

Trò chơi điện tử (game) đang được giới trẻ hết sức ưa chuộng, ra đời với mục đích đem đến sự giải trí cho con người sau những giờ làm việc căng thẳng. Nhưng đối với một bộ phận giới trẻ, trò chơi điện tử đang để lại những hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần. Trước hết, khi dành quá nhiều thời gian cho chúng, người chơi sẽ mất đi thời gian để học tập, tham gia các hoạt động xã hội cũng như dễ gặp tật khúc xạ, cột sống. Đồng thời, dưới tác động từ các yếu tố bạo lực, nhân cách của họ – đặc biệt là trẻ chưa đến tuổi vị thành niên – sẽ dễ bị thay đổi, trở nên cộc cằn, hung hãn hơn. Nhưng đó vẫn chưa phải điều kinh khủng nhất, một khi đã nghiện trò chơi điện tử, người chơi sẽ không còn thiết gì đến cuộc sống xung quanh, bỏ bê tất cả công việc và tìm đủ mọi cách để được đắm mình trong thế giới của những “anh hùng, chiến binh, thủ lĩnh. Chắc hẳn, dư luận xã hội vẫn chưa quên vụ án hai anh em họ ở Thái Nguyên giết bà để lấy tiền chơi game hay việc một nam công nhân giết người yêu để lấy tiền trả nợ do chơi trò chơi điện tử. Đó là những hồi chuông mạnh mẽ, cảnh tỉnh mọi người về mối hiểm họa ẩn tàng trong phương thức giải trí phổ biến bậc nhất hiện nay. Đứng trước hiện tượng này, tất cả chúng ta cần ý thức được tác hại của trò chơi điện tử để tránh sa đà vào nó, tích cực tham gia vào các hoạt động thể chất hoặc dành thời gian cho việc đọc sách. Xây dựng nếp sống lành mạnh, sống gắn bó se chia với những người xung quanh, thoát khỏi sự lệ thuộc vào thế giới ảo. Có như vậy chúng ta mới hạn chế được những tác hại từ trò chơi điện tử.

Đoạn văn nghị luận về nghiện game online – Mẫu 4

Game được hiểu là những trò chơi điện tử được các lập trình viên có đầu óc máy tính, sáng tạo phong phú tạo nên. Nghiện game là hiện tượng đang phổ biến rộng khắp. Nó còn được cảnh báo nguy hiểm như nghiện thuốc phiện, khiến cho người chơi mê muội vào nó, không còn để ý xung quanh. Tại Việt Nam, hiện trạng học sinh nghiện game vô cùng phổ biến. Ta có thể bắt gặp những quán nét đầy những thanh thiếu niên còn đang mặc bộ đồng phục trắng ngồi trong các quán nét chơi hàng giờ liền, có nhiều người chơi qua ngày. Hay có thể thấy những clip trên mạng quay lại cảnh những quán net đầy những học sinh, hay cảnh bố mẹ cầm roi, quát mắng mà vẫn cố chơi cho nốt. Những quán điện tử xuất hiện tần số nhiều hơn, được trang bị nhiều máy tính công nghệ cao hơn, phục vụ cho “nhu cầu” của học sinh. Hiện tượng nghiện game ngày càng phổ biến bởi nhiều lý do. Game ngày càng được sáng tạo đầy phong phú. Theo thị yếu của người chơi, những người tạo ra nó không ngừng sáng tạo những trò điện tử đầy màu sắc, đầy hấp dẫn. Trò chơi đa dạng nhiều thể loại : trí tuệ, hành động,… Tính đa dạng, mới mẻ của game thu hút, hấp dẫn với lứa tuổi học sinh thích tìm hiểu điều mới. Học sinh ý thức còn kém trong việc quản lý thời gian chơi của mình, không thể ngừng chơi, không thể làm chủ bản thân mình. Học sinh cũng còn thiếu nhận thức về tính nguy hại của các trò điện tử. Hơn thế cha mẹ quản lý lỏng lẻo, buông thả con cái. Nhiều bậc phụ huynh mải mê với công việc mà quên mất quan tâm đến con khiến nhiều học sinh vì cô đơn mà tìm đến trò chơi điện tử.

Tham khảo thêm:   Tổng hợp 10 món mặn ngon bổ rẻ dễ làm cho những ngày không biết ăn gì

Đoạn văn nghị luận về nghiện game online – Mẫu 5

Chúng ta đang sống trong xã hội thông tin, thời đại công nghệ 4.0 đã thay đổi mọi mặt của cuộc sống, thế nhưng bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận thì sự phát triển của công nghệ cũng làm nảy sinh nhiều tệ nạn tiêu cực, một trong số đó là nghiện game online. Game online là những trò chơi điện tử mà người chơi có thể dễ dàng tham gia khi có một chiếc điện thoại, máy tính có kết nối internet. Nghiện game lại là hiện tượng tâm lí rối loạn khi người chơi dành quá nhiều thời gian, tâm trí cho những trò chơi tiêu khiển. Nghiện game xuất hiện ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng phổ biến nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên và học sinh. Không chỉ gây lãng phí thời gian, tiêu tốn nhiều tiền bạc mà nghiện game còn khiến cho con sa sút trong học tập, ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Đã có không ít những trường hợp trốn học, nói dối, lấy trộm tiền của bố mẹ để chơi game ở những bạn học sinh. Đây là một thực trạng đáng buồn và cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh. Tình trạng nghiện game xuất hiện nhiều ở học sinh bên cạnh do tâm lí ham vui của người chơi còn có một phần trách nhiệm của phụ huynh khi đã lỏng lẻo trong việc quản lí, giáo dục con. Game online vốn là những trò chơi giải trí nhằm giúp con người giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi của cuộc sống. Thế nhưng việc lạm dụng game, đặc biệt là các dòng game bạo lực lại là hành động đáng lên án. Vì vậy, mỗi chúng ta cần nhận thức rõ được vai trò cũng như tác động tiêu cực nếu lạm dụng quá mức việc chơi game. Hãy chơi game như một hình thức thư giãn sau những giờ học tập mệt mỏi, phải biết lựa chọn những trò chơi lành mạnh và quản lí được quỹ thời gian của bản thân để game online trở thành công cụ giải trí hữu ích thay vì một thứ “thuốc độc” hủy hoại cuộc sống, tương lai của chúng ta.

Đoạn văn nghị luận về nghiện game online – Mẫu 6

Để phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí của con người, ngày càng có nhiều những trò chơi điện tử được ra mắt. Về bản chất, game online không hề xấu, nó được ra đời nhằm giúp con người thư giãn sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng. Thế nhưng, đáng buồn thay, một bộ phận giới trẻ ngày nay lại coi game online là một thứ tiêu khiển mà lãng phí quá nhiều thời gian, tâm trí, tiền bạc vào đó. Nghiện game có thể gây ra những hậu quả vô cùng nguy hiểm cả về thể chất và tinh thần. Dễ dàng nhận thấy nhất, đó là việc sa sút trong học tập, công việc. Việc học sao có thể tiến bộ, chất lượng công việc sao có thể tốt nếu con người mãi sa đà vào những trò chơi vô bổ trên Internet. Nghiện game còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chơi game trong thời gian quá lâu có thể gây ảnh hưởng đến thị giác, cột sống,…Nguy hiểm hơn cả là tình trạng đắm chìm trong game khiến cho con người lệch lạc trong suy nghĩ, hành động, đặc biệt những trò chơi bạo lực trong game có thể gây ra những tác động vô cùng nguy hiểm đến người chơi. Dư luận đã từng xôn xao trước những vụ án đau lòng như thanh niên Nghiêm Viết Thành giết bố để có tiền chơi game, hay vụ án nam công nhân giết người yêu để trả nợ cho trò chơi điện tử. Game online có thể gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ. Sử dụng đúng cách game online là mang đến những giây phút thư giãn, giải trí, thế nhưng nếu lạm dụng quá mức nó có thể trở thành con dao sắc bén phá hoại cả tiền đồ, tương lai, gây ra những đau khổ, mất mát không thể bù đắp. Nhận thức được những tác hại của game online, mỗi chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận lại hành vi của chính mình, tránh xa những trò chơi điện điện tử, đặc biệt là những trò chơi bạo lực nguy hiểm. Thay vì sa đà vào những trò chơi vô bổ, chúng ta có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách, tham gia vào các hoạt động xã hội bổ ích; có ý thức xây dựng lối sống lành mạnh, giao lưu kết bạn với những người xung quanh để thoát vượt qua những cám dỗ của thế giới ảo.

Đoạn văn nghị luận về nghiện game online – Mẫu 7

Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, game hay trò chơi điện tử đang trở thành hiện tượng tiêu cực đối với xã hội, đặc biệt là với học sinh. Hiện tượng nghiện game là vấn đề tâm lý rối loạn khi người chơi dành quá nhiều đam mê, tâm trí vào các trò chơi điện tử. Thông thường, hiện tượng này xảy ra ở giới trẻ, đặc biệt là học sinh và thanh thiếu niên, và được biểu hiện bằng việc dành quá nhiều thời gian và tiền bạc vào việc chơi game. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể bắt nguồn từ đặc tính hấp dẫn và lôi cuốn của game với hệ thống đồ họa và cách thức chơi, ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị hiếu của người chơi. Bên cạnh đó, sự thiếu kiểm soát và chưa có chính kiến của người chơi cũng là một nguyên nhân khác. Đối với học sinh, nguyên nhân của nghiện game còn đến từ sự thiếu quan tâm và giáo dục đúng đắn của phụ huynh và thầy cô giáo. Mặc dù game là một hoạt động giải trí được xã hội chấp nhận, nghiện game lại gây ra những hậu quả khôn lường đối với cả bản thân người chơi lẫn xã hội. Vì vậy, chúng ta cần hiểu rõ bản chất của game và hoạt động giải trí nói chung, sử dụng chúng một cách văn minh và hợp lý nhất. Đặc biệt, các học sinh cần được giáo dục đúng đắn về việc sử dụng game và các hoạt động giải trí khác.

Tham khảo thêm:  

Viết đoạn văn về hiện tượng nghiện game

Trò chơi điện tử đang là xu hướng được giới trẻ ưa chuộng, mang lại sự giải trí sau giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, với một số người chơi trẻ, trò chơi điện tử gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thể chất và tinh thần. Việc dành quá nhiều thời gian cho trò chơi này không chỉ làm mất đi thời gian học tập và tham gia các hoạt động xã hội, mà còn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như tật khúc xạ hay cột sống. Ngoài ra, các yếu tố bạo lực trong trò chơi có thể ảnh hưởng đến nhân cách của người chơi, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, khiến họ trở nên cộc cằn và hung hãn hơn. Tuy nhiên, điều kinh khủng nhất chính là khi người chơi trở nên nghiện trò chơi điện tử, họ sẽ không còn quan tâm đến cuộc sống xung quanh và bỏ bê tất cả công việc, cuộc sống của mình để đắm mình trong thế giới ảo của những anh hùng, chiến binh hay thủ lĩnh. Vụ án hai anh em họ ở Thái Nguyên giết bà để lấy tiền chơi game và một nam công nhân giết người yêu để trả nợ do chơi trò chơi điện tử đã cảnh tỉnh mọi người về mối hiểm họa ẩn tàng trong phương thức giải trí phổ biến này. Chúng ta cần ý thức rõ ràng về tác hại của trò chơi điện tử và tham gia vào các hoạt động thể chất hoặc đọc sách để tránh sa đà vào nó. Chỉ có cách sống lành mạnh, sống gắn bó và tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào thế giới ảo, chúng ta mới có thể giảm thiểu được những tác hại từ trò chơi điện tử.

Đoạn văn nghị luận về nghiện game online chi tiết

Trong sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, xã hội cùng sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã mang đến cho con người, đặc biệt là giới trẻ nhiều cơ hội để học tập, phát triển và hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực vẫn nảy sinh những hạn chế tiêu cực, một trong số đó có thể kể đến là hiện tượng nghiện game online. Nghiện game là tình trạng đam mê quá mức các trò chơi điện tử, người chơi sẽ đắm chìm trong thế giới ảo mà không kiểm soát được hành vi của bản thân. Hiện nay có một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên nghiện game online, họ coi việc chơi game là thú vui tiêu khiển mà dành hết thời gian, tiền bạc, tâm trí vào việc chơi game, từ đó lơ là việc học tập, bỏ lỡ những cơ hội việc làm, cơ hội để phát triển. Bản chất của game online không xấu, nó được ra đời nhằm giúp con người giải trí, thư giãn sau những giờ làm việc, học tập mệt mỏi, căng thẳng. Thế nhưng chính việc sử dụng không đúng cách của con người đã biến game online thành một “thứ tệ nạn” có thể gây tác động xấu đến nhận thức, nhân cách và ảnh hưởng đến tương lai của con người. Mỗi ngày có hàng trăm nghìn tài khoản game được lập ra, trong đó số lượng lớn là học sinh. Điều đáng nói là có rất nhiều bạn lựa chọn dòng game bạo lực có thể gây tác động xấu đến nhận thức, làm lệch lạc trong suy nghĩ, hành động. Nghiện game không chỉ gây lãng phí thời gian mà còn ảnh hưởng đến chất lượng học tập, công việc. Nguy hiểm hơn, nghiện game có thể gây ra những ảo giác khiến cho người chơi có những nhận thức, hành vi lệch lạc: trộm cắp, bạo lực…Để hạn chế những tác động nguy hiểm của nghiện game online, mỗi cá nhân cần nhận thức đúng đắn tác hại của game, kiểm soát được hành vi của của bản thân, không sa đà quá mức vào các trò tiêu khiển. Mặt khác, các bậc phụ huynh cũng cần dành nhiều thời gian để quản lí các hoạt động học tập, vui chơi của con, hạn chế cho con sử dụng điện thoại, internet. Nghiện game có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe, gây ra những suy nghĩ, hành động lệch lạc, thậm chí có thể hủy hoại cả tương lai. Vì vậy mỗi cá nhân cần ý thức được hành động của bản thân, cần nỗ lực học tập, phấn đấu cho những mục tiêu, ước mơ đẹp để trở thành những người có ích cho xã hội.

Viết đoạn văn nghị luận về hiện tượng nghiện game

Công nghệ thông tin bùng nổ, kéo theo các trò chơi điện tử tràn lan khắp mọi nơi khiến vấn nạn nghiện game xuất hiện gây nhức nhối xã hội. “Game” là cách gọi các trò chơi sử dụng các thiết bị điện tử để tạo ra một hệ thống tương tác mà người chơi có thể chơi. Nghiện game là tình trạng không thể kiểm soát cảm giác thèm chơi game, chơi liên tục và ưu tiên việc chơi game hàng đầu trong cuộc sống của người chơi đến mức lệ thuộc vào game và ngày càng cô lập bản thân với gia đình, bạn bè và xã hội. Nhiều học sinh, sinh viên dành hàng giờ mỗi ngày hoặc thậm chí là bỏ học, bỏ làm để chơi game, bị tiêm nhiễm và học theo các hành vi bạo lực trong trò chơi điện tử. Nguyên nhân là do các trò chơi ngày càng đa dạng, hấp dẫn, kích thích sự khám phá của giới trẻ, lứa tuổi học sinh chưa được trang bị tâm lý vững vàng, dễ bị lạc mình trong thế giới ảo, gia đình và nhà trường chưa quan tâm, quản lý học sinh chặt chẽ… Nghiện game dẫn đến hậu quả khôn lường: kết quả học tập ngày càng sa sút, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, dễ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội vì ảo game… Để khắc phục tình trạng này, nhà trường và gia đình cần có cần có biện pháp giáo dục, nâng cao ý thức cho học sinh, bản thân chúng ta cần tự nhận thức được việc chơi game để giải trí và có thể kiếm ra tiền chứ không phải nghiện game bỏ bê học hành, công việc. Tuy nhiên, không phải cứ chơi game nhiều là xấu, nhiều người đã thành công trong việc phát triển game, kiếm tiền nhờ vào việc thi đấu các bộ môn thể thao điện tử Esports… Vì vậy, hãy nhận thức được đúng mục đích của trò chơi điện tử và không để bản thân sa đà vào game một cách tiêu cực.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn nghị luận về hiện tượng nghiện game online Dàn ý & 12 Đoạn văn nghị luận về hiện tượng đời sống của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *