Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 7: Đoạn văn về ngày Nhà giáo Việt Nam (12 mẫu) Những bài văn hay lớp 7 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Hôm nay, Wikihoc.com sẽ giới thiệu Bài văn mẫu lớp 7: Đoạn văn về ngày Nhà giáo Việt Nam.

Đoạn văn về ngày 20/11
Đoạn văn về ngày 20/11

Tài liệu sẽ bao gồm 12 đoạn văn mẫu lớp 7 hay nhất. Mời các bạn tham khảo nội dung chi tiết được chúng tôi đăng tải sau đây để có thêm ý tưởng cho bài viết của mình.

Đề bài: Em hãy viết một đoạn văn ngắn về ngày Nhà giáo Việt Nam 20-10 để bày tỏ tình cảm với thầy cô cùng gửi tới những lời chúc tốt đẹp nhất cho ngày đặc biệt này. 

Đoạn văn về ngày Nhà giáo Việt Nam – Mẫu 1

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam. Ngày 20 tháng 11 được chọn làm ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong ngày này, mỗi người sẽ gửi lời tri ân đến các thầy, cô giáo của mình. Họ chính là những người có vai trò quan trọng trong cuộc đời của chúng ta. Thầy cô không chỉ dạy dỗ bài học về kiến thức, kĩ năng mà còn cả những bài học làm người. Những bông hoa điểm mười hay lời cảm ơn chân thành chính là món quà ý nghĩa nhất đối với thầy, cô.

Đoạn văn về ngày Nhà giáo Việt Nam – Mẫu 2

Ngày Nhà giáo Việt Nam – 20 tháng 11 đã trở thành một dịp lễ lớn của thầy cô và học sinh. Vào dịp này, các trường học sẽ tổ chức những buổi lễ mít tinh kỉ niệm rất long trọng. Các thầy cô cũng nhận được lời cảm ơn, những bó hoa hay món quà bày tỏ lòng biết ơn từ học trò của mình. Đó là nguồn động lực to lớn để mỗi thầy, cô giáo tiếp tục vững tin với sự nghiệp trồng người đầy khó khăn, vất vả. Ở bất cứ đâu, chúng ta cũng sẽ thấy được tình yêu thương, sự kính trọng và niềm xúc động hiện diện trên khuôn mặt của cả thầy và trò. Đối với riêng tôi, ngày Nhà giáo Việt Nam là một dịp quan trọng. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn, vô cùng kính trọng đến thầy cô của mình.

Đoạn văn về ngày Nhà giáo Việt Nam – Mẫu 3

Trong những kỉ niệm của em thì kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 là ngày mà em không thể nào quên. Nó đã để lại cho em nhiều điều thú vị và đặc biệt là một bài học đáng nhớ. Em vốn là một học sinh khá giỏi trong lớp, được thầy bạn quý mến. Vào ngày 20 tháng 11, em mang một bó hoa lớn và một món quà cũng lớn đến tặng cô Yến – Giáo viên chủ nhiệm lớp em, ai nhìn món quà cũng phải trầm trồ khen ngợi, em rất lấy làm hãnh diện. Các bạn học sinh khác cũng ùa vào tặng hoa cho các thầy cô. Bỗng Nhi – đứa bạn thân của em nói: “Mày không tặng quà các thầy cô giáo khác à? Sao mày tặng mỗi cô Yến thôi vậy?”. Em nghe Nhi nói thế thì ra vẻ không hài lòng: “Các thầy cô chỉ dạy môn phụ thôi, tặng quà làm gì!”. Lúc đó, cô Yến đi ngang qua, cô liền nhẹ nhàng đến bên và nói: “Hoa này, các thầy cô dù dạy môn chính hay phụ đều đem đến cho em nhiều kiến thức bổ ích. Chính vì vậy, em nên kính trọng, yêu quý tất cả các thầy cô”. Nghe cô nói mà em cảm thấy cay cay ở khóe mắt, em tự trách bản thân tại sao lại có những hành động như vậy. Không cần suy nghĩ thêm nữa, em vội chạy thật nhanh về phía cửa hàng bán hoa mua thật nhiều hoa để tặng thầy cô giáo. Làm xong, em cảm thấy thật tự hào và vui. Ngày hôm ấy là ngày mà em không thể nào quên được.

Tham khảo thêm:  

Đoạn văn về ngày Nhà giáo Việt Nam – Mẫu 4

Ngày mai đã là ngày 20 tháng11 rồi, lòng em nao nức làm sao. Những kỉ niệm đẹp đẽ khó quên giữa thầy trò lại chợt ùa về. Quên sao được cái lúc em mới vào lớp Một, cô đã dắt tay em vào lớp. Quên sao được những bài giảng ngọt ngào mang theo mùi hương dịu êm hoà quyện với một tình yêu thương hết sức ấm áp và xinh đẹp. Quên sao được khi em lỡ có nghịch bẩn hay làm hư sách vở, thay vì giận dữ, cô lại vui vẻ mà giúp em rửa tay và làm sạch vở. Làm sao có thể quên được mỗi buổi trưa, cô lại đến bên cạnh các học trò nhỏ mà hỏi thăm, chăm chút, lo lắng từng giấc ngủ. Những kỉ niệm mãi khắc ghi trong trí nhớ! Em háo hức đợi đến 20 tháng 11 biết mấy, nó là ngày mà bọn em có thể bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc nhất tới thầy cô. Đó là khoảnh khắc mà chúng em phải thực hiện bằng được, với một sự tôn kính và bày tỏ lòng chúng em đối với thầy cô, cảm ơn thầy cô vì những điều thầy cô đã dạy, đã cùng chúng em ôm ấp những hi vọng đẹp đẽ ngày nào. Cám ơn thầy cô. Nhân ngày 20 tháng 11, chúng em luôn mong thầy cô mạnh khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ trồng người.

Đoạn văn về ngày Nhà giáo Việt Nam – Mẫu 5

Trong cuộc đời của mỗi con người, nếu như cha mẹ là hai đấng sinh thành có công nuôi dưỡng ta từ nhỏ đến lớn thì thầy cô cũng có công không nhỏ. Thầy cô là những người dạy cho ta biết chữ, biết thế nào là lẽ phải trên đời, biết đối nhân xử thế. Đối với những học sinh còn cắp sách đến trường như chúng em thì thầy cô chính là những người cha, người mẹ thứ hai của chúng em. Tục ngữ, ca dao Việt Nam ta có nhiều câu hay nói về thầy cô: “Kính thầy mới được làm thầy” hay “Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”. Thật vậy, nếu không có thầy cô chỉ dạy thì chúng em sẽ không biết chữ. Thầy cô là những người đã dìu dắt chúng em đi trên con đường học vấn. Từ chỗ chưa biết gì, chúng em dần dần biết chữ, biết đọc, biết viết, biết làm văn, làm toán, biết được những kiến thức phong phú vô tận của nhân loại. Thầy cô đã giúp cho chúng em có được chìa khóa để mở cửa tri thức của cuộc sống. Thầy cô đã vun đắp ước mơ cho chúng em, đưa chúng em đến đỉnh cao của kiến thức, của một tương lai tươi đẹp sau này. Mọi người vẫn thường nói thầy cô là những người lái đò đưa học sinh qua sông. Mỗi khi năm học kết thúc là thầy cô đã đưa học sinh – những con đò cập bến. Hết chuyến đò này đến chuyến đò khác, thầy cô đã đưa biết bao nhiêu chuyến đò trong cuộc đời mình, biết bao thế hệ học trò đã được thầy cô dìu dắt. Công ơn của thầy cô thật là to lớn. Ngày lễ 20 tháng 11 gần sắp tới, chúng em sẽ cố gắng học giỏi để dành tặng cho thầy cô những bông hoa điểm mười tươi thắm. Đó là sự thể hiện lòng biết ơn của chúng em đối với thầy cô. Chúng em sẽ cố gắng chăm chỉ học tập để không khỏi phụ lòng thầy cô đã có công dạy bảo chúng em bao tháng ngày qua.

Đoạn văn về ngày Nhà giáo Việt Nam – Mẫu 6

Trong một năm học có rất nhiều ngày đặc biệt nhưng có lẽ ngày đặc biệt ý nghĩa nhất chính là ngày 20 tháng 11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong không khí xao động của ngày này, hẳn là không ít các bạn học sinh lại ngồi lại suy ngẫm về thầy cô giáo. Tôi cũng vậy. Tôi quên làm sao được những lúc cô tôi đứng trên bục giảng, giảng bài từng li từng tí. Tôi nhớ làm sao những lúc bụi phấn cứ nhè nhẹ bay bay để rồi lắng lại rơi trên mái tóc yêu thương kia của thầy cô. Lúc ấy, tưởng chừng như thầy cô già đi nhanh quá. Thật sự, đối với tôi mà nói học ai thì học nhưng học thầy cô là trên hết. Tôi vẫn còn nhớ rõ những bí quyết mà thầy cô dạy, những vườn văn chương thầy cô đưa đến, những công thức thú vị trong toán học dễ dàng như làm bánh. Những kí ức ấy làm sao quên được. Kỉ niệm lúc tôi bị cô đánh hay bị rầy và la mắng vì tội ham chơi quên làm bài tập và cả những lúc được cô khen khi đạt loại học sinh giỏi vẫn còn đấy, vẫn in sâu trong trái tim tôi cái bóng gầy gầy, khom khom của thầy cô mỗi sớm mai soạn bài. Ngày 20 tháng 11, lòng tôi lại dậy lên một thứ cảm xúc khó tả nhưng tôi biết hẳn rằng cái cảm xúc ấy chính là lòng biết ơn, một sự tôn trọng và yêu quý thầy cô – người lái đò tri thức đưa học sinh qua bến bờ thành công.

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 11: Phân tích ý nghĩa nhan đề Hạnh phúc của một tang gia (Dàn ý + 8 mẫu) Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng

Đoạn văn về ngày Nhà giáo Việt Nam – Mẫu 7

Ngày 20 tháng 11 – ngày Nhà giáo Việt Nam là thời điểm để học sinh dành sự tri ân cho thầy cô giáo của mình. Tục ngữ, ca dao Việt Nam ta có nhiều câu hay nói về thầy cô: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy)

Hay:

“Muốn sang phải bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”

Thật vậy, thầy cô là những người đã dìu dắt học trò đến với con đường của kiến thức. Không chỉ vậy, thầy cô còn dạy dỗ học trò nên người. Họ giống như những người lái đò cần mẫn, đã đưa học trò đến với bến bờ của thanh công. Công ơn của thầy cô thật là to lớn. Khắc ghi công ơn to lớn của thầy cô giáo – ngày 20 tháng 11 hàng năm được lấy là ngày Nhà giáo Việt Nam. Các thế hệ học trò trong ngày này thường dành tặng những lời cảm ơn, những bông hoa điểm mười đến thầy cô của mình. Đó chính là phần thưởng quý giá nhất cho sự cố gắng của các thầy, các cô.

Đoạn văn về ngày Nhà giáo Việt Nam – Mẫu 8

Một trong những ngày lễ lớn trong năm – ngày 20 tháng 11, ngày Nhà giáo Việt Nam giành để tri ân thầy cô giáo – những người lái đò cần mẫn. Người cha, người mẹ có công ơn sinh thành dưỡng dục, còn người thầy sẽ là người khuất sau bước đi của ta, đồng hành và cung cấp cho ta những kho tri thức quý báu để chinh phục những ngọn núi của cuộc đời. Đến trường, ta đâu chỉ được học những kiến thức về văn hóa, xã hội mà đó trong từng lời giảng thấm trong câu chữ là tấm lòng của người giáo viên nhân dân mong gửi gắm cho ta những bài học làm người sâu sắc để ta trưởng thành. Có ai qua sông mà không bao giờ phải nhờ đò, có ai lớn lên mà không qua những lời giảng của thầy cô? Những đêm ngày “giáo án gối đầu giường” ấy luôn nung nấu và cũng chỉ bồn chồn một tâm niệm làm sao cho chúng ta cập bến thành công, cho xứng với công cha nghĩa mẹ, với hy vọng của dân tộc. Họ đến và đi thầm lặng, họ yêu và thương chúng ta vô điều kiện, họ chỉ đơn giản là những người làm vườn, cặm cụi vun trồng, bón, xới để ta là những mầm xanh được phát triển khỏe mạnh ra hoa kết trái tốt lành. Chính vì vậy, ngày Nhà giáo Việt Nam là một sự kiện trọng đại đối với mỗi học sinh, thầy cô. Bởi đó là lúc học sinh có thể dành những lời tri ân sâu sắc đến thầy cô của mình. Thầy cô – hai tiếng bình thường sao mà thiêng liêng quá. Mỗi học trò hãy cố gắng chăm chỉ học tập để không khỏi phụ lòng thầy cô đã có công dạy bảo chúng em bao tháng ngày qua:

Tham khảo thêm:  

“Thầy cô như thể mẹ cha
Kính yêu, chăm sóc mới là trò ngoan”

Đoạn văn về ngày Nhà giáo Việt Nam – Mẫu 9

Tục ngữ, ca dao Việt Nam ta có nhiều câu hay nói về thầy cô: “Kính thầy mới được làm thầy”. Quả vậy, thầy cô giáo có vai trò quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Họ là những người lái đò thầm lặng miệt mài đưa học trò đến với bến bờ của tri thức. Không chỉ vậy, thầy cô còn dạy dỗ cho chúng ta những bài học làm người. Công ơn của thầy cô thật là to lớn. Bởi vậy mà hằng năm, ngày 20 tháng 11 đã được lấy là ngày Nhà giáo Việt Nam. Vào những ngày này, chúng ta dành tặng những lời tri ân đến các thầy cô giáo. Những bông hoa điểm mười hay lời cảm ơn chân thành chính là món quà ý nghĩa nhất đối với những người thầy. Và mỗi học sinh hãy cố gắng học tập chăm chỉ để không phụ lòng thầy cô giáo:

“Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy,
Gắng công mà học có ngày thành danh”

Đoạn văn về ngày Nhà giáo Việt Nam – Mẫu 10

Ngày Nhà giáo Việt Nam – 20 tháng 11 là một ngày lễ lớn thầy cô và học sinh. Đó là ngày dành để tri ân những người thầy, người cô đã luôn tận tụy. Vào dịp này, các trường học sẽ tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm. Các thầy cô đều ăn mặc rất lịch sự, trang trọng. Những lời cảm ơn chân thành nhất sẽ được gửi đến các thầy cô giáo. Những bài hát như “Bụi phận”, “Người thầy”… vang lên gợi niềm xúc động dạt dào. Nhiều học sinh cũ về thăm lại thầy cô – những người có công ơn dạy dỗ họ nên người. Tình yêu thương, sự kính trọng và niềm xúc động hiện diện trên khuôn mặt của cả thầy và trò. Nhà Nhà giáo Việt Nam cũng là dịp để các bậc phụ huynh gửi lời tri ân đến những người đã dạy dỗ con cái của họ nên người. Một ngày lễ thật ý nghĩa để tôn vinh thầy cô – những người lái đò thầm lặng đã đưa biết bao chuyến đò đến bờ của thành công.

Đoạn văn về ngày Nhà giáo Việt Nam – Mẫu 11

Vào ngày Nhà giáo Việt Nam – 20 tháng 11 là dịp vô quan trọng của giáo viên và học sinh. Đây là dịp lễ nhằm tri ân các thầy cô giáo – những người lái đò thầm lặng, cần mẫn. Vào dịp này, các trường học đều tổ chức lễ mít tinh để chúc mừng. Nhiều tiết mục văn nghệ được biểu diễn để bày tỏ lòng biết ơn với thầy cô. Sau buổi lễ, học sinh thường tặng thầy cô bó hoa tươi thắm thay cho lời cảm ơn. Những lời cảm ơn hay lời chúc cũng là một cách để thể hiện lòng biết ơn của học trò. Đối với thầy cô, điều quan trọng nhất là nhìn thấy học sinh của mình trở nên ngoan ngoãn, luôn chăm chỉ học tập. Với riêng em, ngày Nhà giáo Việt Nam vô cùng ý nghĩa. Em luôn biết ơn và kính trọng thầy cô với trái tim chân thành nhất.

Đoạn văn về ngày Nhà giáo Việt Nam – Mẫu 12

Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống tôn sư trọng đạo. Bởi vậy, ngày 20 tháng 11 hằng năm được lấy làm ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là dịp để mỗi người dành sự tri ân cho thầy cô giáo. Vào ngày này, các trường học trên khắp cả nước sẽ tổ chức lễ mít tinh. Các thầy cô và học sinh đều ăn mặc trang trọng. Khuôn mặt ai cũng đều hân hoan, phấn khởi. Nhiều thế hệ học trò trở về để thăm thầy cô giáo của mình. Những bó hoa tươi thắm hay lời chúc, lời cảm ơn chính là lời tri ân ngọt ngào đến thầy cô. Nhưng có lẽ, đối với thầy cô, sự trưởng thành của mỗi học trò mới là điều quý giá nhất. Thế hệ học sinh hôm nay cần ý thức giữ gìn và phát huy được truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 7: Đoạn văn về ngày Nhà giáo Việt Nam (12 mẫu) Những bài văn hay lớp 7 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *