Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 7: Chứng minh câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì rạng Dàn ý & 11 bài văn mẫu lớp 7 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là một câu tục ngữ ngắn gọn nhưng giàu ý nghĩa. Vì vậy, Wikihoc.com sẽ giới thiệu Bài văn mẫu lớp 7: Chứng minh câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.

Chứng minh câu Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng
Chứng minh câu Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng

Nội dung bao gồm dàn ý và 11 bài văn mẫu sau đây, các bạn học sinh lớp 7 sẽ có thêm ý tưởng để hoàn thiện bài viết của mình. Mời tham khảo ngay sau đây.

Dàn ý chứng minh Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng

1. Mở bài

Dẫn dắt để giới thiệu câu tục ngữ “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng”.

2. Thân bài

– Ý nghĩa của câu tục ngữ: Mượn hình ảnh “mực” và “đèn” để khuyên nhủ con người bài học trong cuộc sống. Nếu chúng ta gần những cái xấu xa thì chúng ta cũng trở nên xấu xa và hư hỏng như vậy. Còn khi chúng ta gần những cái tốt, cái đẹp thì chúng ta sẽ có những điều tốt đẹp và tươi sáng.

– Dẫn chứng chứng minh:

  • Những đứa trẻ hư chơi với nhau sẽ hư, chơi với những đứa trẻ hư sẽ trở nên hư hỏng.
  • Những đứa trẻ tốt, sáng sủa chơi với nhau thì chỉ có tốt đẹp và sáng hơn.
  • Những đứa trẻ xấu khi chơi với những đứa trẻ tốt cũng sẽ trở nên tốt đẹp.

– Liên hệ bản thân:

  • Biết lựa chọn một người bạn tốt để chơi.
  • Cố gắng rèn luyện để trở thành một người có ích cho xã hội.

3. Kết bài

Đánh giá về câu tục ngữ “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng”.

Chứng minh Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng – Mẫu 1

Môi trường có ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của mỗi người. Chính vì vậy, ông cha ta đã có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” để gửi gắm bài học quý giá.

Ý nghĩa của câu tục ngữ là một người khi thường xuyên tiếp xúc với người xấu thì ta sẽ bị nhiễm thói hư tật xấu, còn nếu tiếp xúc với những người tốt ta sẽ học hỏi và học được nhiều điều hay từ họ. Qua đó, câu tục ngữ muốn khuyên nhủ thế hệ sau phải biết học hỏi những điều tốt đẹp, đúng đắn và tránh xa những cái xấu xa, không lành mạnh.

Khi chúng ta sống trong một môi trường xấu, tiếp xúc với người có nhiều thói hư tật xấu thì dễ trở nên sa ngã, sai lầm. Và ngược lại, nếu chúng ta sống trong một môi trường tốt, tiếp xúc với những người có lối sống lành mạnh, nhân cách tốt đẹp thì sẽ trở học được nhiều điều đáng giá, trở thành người có ích. Cụ thể như trong gia đình, cha mẹ chính là tấm gương để con cái học tập. Ở trường học, thầy cô hay bạn bè sẽ là những người có ảnh hưởng đến chúng ta. Việc lựa chọn và xây dựng một môi trường tốt là điều vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, không phải ai ở môi trường tốt cũng sẽ là người tốt, sống ở môi trường xấu thì cũng sẽ là người xấu, vấn đề nằm ở bản lĩnh, lập trường của chính mỗi con người:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Những tấm gương tiêu biểu trong quá khứ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ – họ là những bậc ẩn sĩ đã rời xa chốn xô bồ, tìm về với chốn quê hương sống cuộc đời thanh tịnh. Hoặc như Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, một lòng kiên trung cho dù phải chịu nhiều khó khăn, vất vả.

Câu tục ngữ tuy ngắn gọn nhưng là một lời khuyên vô cùng đúng đắn. Mỗi người hãy ghi nhớ để có được bài học giá trị và sâu sắc cho bản thân.

Chứng minh Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng – Mẫu 2

Môi trường có ảnh hưởng đến mỗi con người. Do đó, ông cha ta đã có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là một lời khuyên vô cùng đúng đắn.

Câu tục ngữ muốn nói đến ảnh hưởng của môi trường đối với con người. “Mực” gợi đến những điều xấu xa, “đèn” gợi đến những điều tốt đẹp. Chúng ta sống trong môi trường xấu, thường xuyên tiếp xúc với người xấu thì sẽ bị nhiễm thói hư tật xấu. Ngược lại, chúng ta sống trong môi trường tốt, tiếp xúc với những người tốt thì ta sẽ học hỏi được điều tốt hay, trở thành người có ích.

Môi trường thực sự có ảnh hưởng đến nhân cách, đạo đức của mỗi người. Chắc hẳn chúng ta đều biết đến cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam. Cậu được sinh ra trong một gia đình có truyền thống học tập, cả bố mẹ đều là giảng viên đại học. Họ đã có cách dạy dỗ và định hướng đúng đắn để cậu trở thành một con người tài năng, giỏi giang. Ngoài kia, cũng có rất nhiều bạn trẻ được sống trong môi trường tốt, được giáo dục tốt đã trở thành người có ích, thành đạt cho xã hội. Ngược lại, nếu sống trong môi trường xấu, con người sẽ bị nhiễm thói hư, tật xấu. Hình ảnh Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên là một dẫn chứng điển hành. Từ một người nông dân hiền lành, với ước mơ rất giản dị, Chí Phèo đã bị nhà tù thực dân nhào nặn trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, khiến cho ai cũng phải sợ hãi.

Nhưng chúng ta vẫn có thể bắt gặp một số người không chịu ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh – “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ… Họ đều là những con người đã lựa chọn rời xa chốn quan trường để tìm về với thiên nhiên đẹp đẽ, không màng những bon chen quyền lực, địa vị.

Cuộc sống là một bức tranh muôn màu. Sẽ có những người tô lên đó những màu sắc rực rỡ, nhưng cũng sẽ có những người tô lên đó gam màu tối sẫm. Và lời răn dạy của câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là hoàn toàn đúng đắn.

Chứng minh Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng – Mẫu 3

Tục ngữ được coi là chiếc túi khôn của nhân loại. Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là một lời khuyên nhủ đúng đắn, sâu sắc.

Mực và đèn là hình ảnh mang tính biểu tượng. Mực gợi đến những điều tăm tối, xấu xa. Còn đèn gợi về những điều sáng rõ, tốt đẹp. Như vậy, ý nghĩa của câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” muốn nói đến ảnh hưởng của môi trường đối với con người. Chúng ta sống trong môi trường xấu, thường xuyên tiếp xúc với người xấu thì ta sẽ bị nhiễm thói hư tật xấu. Còn chúng ta sống trong môi trường tốt, tiếp xúc với những người tốt thì ta sẽ học hỏi được điều tốt hay, trở thành người có ích.

Câu tục ngữ là một lời nhận xét hoàn toàn đúng đắn, thể hiện kinh nghiệm sống phong phú của ông cha ta. Môi trường có vai trò với việc hình thành nhân cách của con người. Trong gia đình, cha mẹ là tấm gương để con cái noi theo. Còn ở trường học, thầy cô sẽ vai trò giáo dục, định hướng cho học sinh. Ngoài ra, bạn bè cũng sẽ ảnh hưởng đến mỗi người. Một người bạn tốt sẽ giúp chúng ta học được nhiều điều hay lẽ phải để sống tốt đẹp hơn, cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống. Còn người bạn xấu sẽ kéo chúng ta sa ngã vào tệ nạn xã hội, học thói hư tật xấu, trở nên ích kỉ để rồi cuộc đời trở chìm trong những đêm dài tăm tối…

Tham khảo thêm:   Soạn bài Những đứa trẻ Soạn văn 9 tập 1 bài 17 (trang 229)

Tuy vậy, không phải ai cũng chịu ảnh hưởng của môi trường. Có những người vẫn giữ gìn được nhân cách tốt đẹp. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng ngời. Suốt những năm tháng bôn ba nước ngoài để tìm đường cứu nước, Bác vẫn luôn giữ vững phẩm chất cao đẹp, lối sống giản dị, đạo đức cách mạng. Điều đó khiến cho chúng ta càng cảm thấy khâm phục, kính trọng Bác nhiều hơn.

Như vậy, câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là bài học quý báu cho mỗi người. Chúng ta phải biết giữ gìn và phát huy nó một cách tối đa để có thể trở thành những con người có ích cho xã hội này.

Chứng minh Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng – Mẫu 4

Tục ngữ đã gửi gắm những kinh nghiệm được ông cha ta đúc kết từ trong cuộc sống hàng ngày. Và câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” cũng thể hiện được điều đó.

Từ hai hình ảnh “mực” và “đèn” câu tục ngữ đưa ra lời răn dạy thế hệ sau phải biết học hỏi những điều tốt đẹp, đúng đắn và tránh xa những cái xấu xa, không lành mạnh.

Môi trường có ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển nhân cách của một con người. Nếu như trong gia đình, cha mẹ chính là tấm gương để con cái nói theo. Thì ở trường học, thầy cô lại chính là người có ảnh hưởng đến mỗi học sinh. Đặc biệt là bạn bè sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến mỗi người. Có ai đó đã từng nói rằng: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào”. Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, nhân dân ta có nhiều câu ca dao mang nội dung giáo dục về vấn đề này:

“Thói thường gần mực thì đen
Anh em bạn hữu phải nên chọn người”

Câu chuyện về Lưu Bình, Dương Lễ là một ví dụ điển hình cho thấy sự ảnh hưởng của bạn bè.

Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu ảnh hưởng của môi trường. Có những người vẫn giữ gìn được nhân cách tốt đẹp, giống như đóa hoa sen vậy:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng của dân tộc. Dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhưng người vẫn giữ được tinh thần yêu nước, ý thức cách mạng và nhân cách cao đẹp. Hoặc chúng ta có thể kể đến cái tên Nguyễn Văn Trỗi – người thợ điện ở thành phố Sài Gòn hoa lệ, vẫn không chút mảy may xao động bởi cuộc sống hào nhoáng, những thủ đoạn lọc lừa xảo trá. Anh chọn cho mình con đường Cách mạng, chấp nhận chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng mà mình theo đuổi… Tấm gương của anh và biết bao gương sáng khác đã trở thành bài học cho bao thế hệ cháu con học tập.

Còn đối với một học sinh như tôi, câu tục ngữ đã giúp tôi có được sự lựa chọn đúng đắn trong việc lựa chọn bạn bè. Đồng thời xác định cho mình một thế đứng vững vàng trước những tác động tiêu cực của môi trường xung quanh để luôn luôn “gần mực” mà vẫn không “ đen” và “ gần đèn” để luôn tỏa sáng.

Qua chứng minh trên, câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” chính là lời khuyên quý giá. Chúng ta hãy ghi nhớ để có thể trở thành những người có nhân cách cao đẹp.

Chứng minh Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng – Mẫu 5

Đôi khi, con người thường chịu ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường. Bởi vậy thế hệ đi trước đã đưa ra một lời khuyên vô cùng quý giá: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Câu tục ngữ sử dụng hai hình ảnh đối lập nhau là “mực” – ý chỉ cái đen tối, xấu xa và “đèn” ý chỉ cái trong sáng, tốt đẹp. Ông cha ta đã nhắn nhủ rằng sống trong môi trường xấu cũng dễ trở thành người xấu và ngược lại, sống trong môi trường tốt sẽ trở thành người tốt.

Chắc hẳn bạn đọc yêu thích văn học đều sẽ biết đến truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Nhân vật Chí Phèo được xây dựng vốn là một anh nông dân hiền lành, làm thuê cho nhà bá Kiến. Chỉ vì một chuyện ghen tuông không đâu mà Chí Phèo bị bá Kiến đẩy vào tù. Sau bao năm trở về quê cũ Chí Phèo thay đổi hẳn đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chính nhà tù của thực dân Pháp đen tối khắc nghiệt đã làm thay đổi con người của Chí Phèo. Môi trường ngục tù đầy chỉ toàn những con người ranh ma, độc ác đã có tác động tiêu cực đến Chí. Thế mới thấy được môi trường xấu có khả năng làm tha hóa con người.

Hay trong câu chuyện “Mẹ hiền dạy con”, mẹ thầy Mạnh Tử đã chọn cho con sống gần trường học nên Mạnh Tử lễ phép chăm chỉ học hành. Còn trong thực tế cuộc sống, chúng ta có thế thấy được rằng học sinh sống trong tập thể lớp, trường có nhiều bạn tốt được giáo dục chu đáo sẽ trở thành người tốt. Gia đình sống hòa thuận con cái sẽ chăm ngoan, xã hội tốt đẹp sẽ có công dân tốt. Ngược lại, nếu sống trong môi trường gia đình bạn bè không tốt con người sẽ bị ảnh hưởng, thay đổi theo chiều hướng xấu.

Nhưng cũng có rất nhiều người không chịu ảnh hưởng của môi trường. Họ sống “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ… Đó là những bậc Nho sĩ đã lựa chọn lối sống ở ẩn để có thể giữ trọn khí tiết, không bon chen công danh với đời.

Còn đối với mỗi học sinh, vai trò của gia đình và nhà trường là vô cùng quan trọng. Chính cha mẹ, thầy cô là những người có ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của mỗi học sinh. Bởi vậy mà cha mẹ, thầy cô phải là những tấm gương tốt với những hành vi chuẩn mực. Bản thân học sinh cũng cần tiếp thu những điều tốt, lựa chọn những người bạn tốt để chơi…

Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” đưa ra một lời khuyên hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta cần ghi nhớ câu tục ngữ này để có thể trở thành những người có ích cho xã hội.

Chứng minh Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng – Mẫu 6

Một trong những lời khuyên quý giá của ông cha ta đã để lại cho con cháu là: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Đây là lời khuyên quý giá của ông cha ta về cách sống của con người.

Mượn hình ảnh “mực” và “đèn” để qua đó nói về điều xấu xa và tốt đẹp trong xã hội. Khi con người sống trong môi trường xấu cũng dễ trở thành người xấu và ngược lại, sống trong môi trường tốt sẽ trở thành người tốt. Câu tục ngữ đã cho thấy sự ảnh hưởng của môi trường đối với con người.

Chúng ta có thể bắt gặp những dẫn chứng tiêu biểu trong các tác phẩm văn học Việt Nam. Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên là một nhân vật như vậy. Vốn là một anh nông dân hiền lành chất phát chỉ vì lòng ghen của bá Kiến mà bị đẩy vào tù. Sau bao nhiêu năm trở về quê cũ Chí Phèo đã thay đổi hoàn toàn cả về nhân hình lẫn nhân tính: “Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết!…”. Hắn đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chính nhà tù của thực dân Pháp đen tối khắc nghiệt đã làm thay đổi con người của Chí Phèo.

Tham khảo thêm:   Cha Eun Woo và những bộ phim tạo nên tên tuổi

Còn truyện “Mẹ hiền dạy con” đã chứng minh rõ nét nhất cho “gần đèn thì rạng”. Mạnh Tử khi còn bé sống gần trường học nên lễ phép chăm chỉ học hành, giả sử người mẹ của Mạnh Tử cho cậu sống gần chợ hay ở nghĩa địa thì chưa chắc sau này Mạnh tử đã trở thành bậc hiền tài của Trung Quốc. Còn trong thực tế cuộc sống, chúng ta có thế thấy được rằng học sinh sống trong tập thể lớp, trường có nhiều bạn tốt được giáo dục chu đáo sẽ trở thành người tốt. Gia đình sống hòa thuận con cái sẽ chăm ngoan, xã hội tốt đẹp sẽ có công dân tốt. Nếu sống trong môi trường gia đình bạn bè không tốt con người sẽ bị ảnh hưởng, thay đổi theo chiều hướng xấu.

Dù vậy, vẫn có những con người không chịu sự chi phối của hoàn cảnh. Họ có phẩm chất vô cùng thanh cao. Ví dụ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ… Họ đều là những con người đã lựa chọn rời xa chốn quan trường để tìm về với thiên nhiên đẹp đẽ, không màng những bon chen quyền lực, địa vị.

Như vậy, câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” hoàn toàn đúng đắn. Đó chính là lời khuyên ý nghĩa dành cho con người trong cuộc sống.

Chứng minh Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng – Mẫu 7

Kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam đã khuyên nhủ con người nhiều bài học đạo lí. Một trong những câu tục ngữ nói về mối quan hệ của con người với môi trường xung quanh chính là: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.

Mực và đen là hai hình ảnh trái ngược nhau. Mượn hình ảnh trên, ông cha ta đã đưa ra lời khuyên cho con cháu rằng nếu ta ở trong môi trường tốt thì ta sẽ trở thành người tốt, còn nếu xung quanh ta là những thứ xấu xa thì ta cũng sẽ trở thành người xấu.

Không thể phủ nhận rằng, môi trường sống sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến con người. Mọi thứ diễn ra xung quanh bạn sẽ được tiếp nhận và truyền lên não. Những hành động lặp đi, lặp lại tạo thành thói quen trong môi trường đó mà bạn thường xuyên nhìn sẽ phần nào ảnh hưởng đến bạn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng của dân tộc. Dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhưng người vẫn giữ được tinh thần yêu nước, ý thức cách mạng và nhân cách cao đẹp. Hoặc chúng ta có thể kể đến cái tên Nguyễn Văn Trỗi – người thợ điện ở thành phố Sài Gòn hoa lệ, vẫn không chút mảy may xao động bởi cuộc sống hào nhoáng, những thủ đoạn lọc lừa xảo trá. Anh chọn cho mình con đường Cách mạng, chấp nhận chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng mà mình theo đuổi… Tấm gương của anh và biết bao gương sáng khác đã trở thành bài học cho bao thế hệ cháu con học tập.

Chúng ta có thể lấy ví dụ từ cuộc sống hàng ngày. Trong một gia đình, nếu bố mẹ hòa thuận, yêu thương nhau. Họ cùng nhau giáo dục con cái thì chắc chắn những đứa con sẽ phát triển tốt hơn. Bởi bố mẹ chính là tấm gương để con cái noi theo. Ngược lại, nếu trong gia đình nếu bố mẹ bất hòa, hay cãi nhau, không quan tâm đến con cái thì đứa trẻ lớn lên sẽ gặp phải những ám ảnh về tâm lý, không thể phát triển lành mạnh. Không chỉ là mối quan hệ giữa những người thân, mà còn cả mối quan hệ giữa bạn bè. Có ai đó đã từng nói rằng: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào”. Bạn bè cũng là những người có ảnh hưởng đến chúng ta. Với những người bạn tốt, họ sẽ giúp đỡ, khuyên nhủ và chỉ dạy cho con người những điều đúng đắn, tốt đẹp. Bản thân mỗi người khi thấy bạn bè cố gắng học tập, làm việc tốt cũng sẽ cùng làm theo. Ngược lại, khi chơi với một người bạn xấu thường xuyên trốn học, nói tục chửi bậy…, chúng ta cũng dễ dàng bị lôi kéo.

Tóm lại, câu tục ngữ là một khẳng định đúng đắn của cha ông ta mà không chỉ đúng trong quá khứ, hiện tại mà còn cả mai sau. Bởi vậy, mỗi người hãy ghi nhớ để có thể trở thành những con người có ích cho xã hội.

Chứng minh Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng – Mẫu 8

Ông cha ta đã có những lời khuyên quý giá cho con người về cách sống. Một trong số đó là câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.

Câu tục ngữ đã mượn hai hình ảnh quen thuộc với con người là “mực” và “đèn” để từ đó gửi đến một bài học. Môi trường sống có ảnh hưởng đến con người. Nếu như tiếp xúc với môi trường không tốt, thì dần chúng ta cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, và ngược lại. Do đó con người trưởng thành tốt hay xấu đều là do môi trường tạo nên.

Câu tục ngữ là một lời khuyên vô cùng đúng đắn. Điều đó được thể hiện trong đời sống của ông cha ta từ xưa đến nay. Trong gia đình nếu bố mẹ hòa thuận, yêu thương nhau, lễ phép với ông bà thì con cái cũng sẽ ngoan ngoãn kính trọng những người lớn tuổi. Nếu gia đình không hòa thuận, thậm chí có cả hành vi bạo lực gia đình thì sẽ gây ra những tổn thương về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của đứa trẻ sau này. Nhiều kẻ sát nhân đều có một tuổi thơ không mấy vui vẻ khi sống trong một gia đình không hạnh phúc. Hay như việc lựa chọn bạn để chơi cũng vậy. Một người bạn tốt sẽ khiến cho cả hai ngày càng trở nên tốt đẹp. Một người người bạn chăm chỉ, cần cù học tập thì ta cũng học tập, thi đua với bạn vậy là cả hai cùng tiến bộ. Còn chơi với những người chỉ biết chơi đùa, lêu lổng thì chúng ta cũng sẽ sa vào những cuộc chơi bời những lời rủ rê từ đám bạn.

Một trong những tấm gương tiêu biểu có thể kể đến Nguyễn Bỉnh Khiêm – một vị quan tài giỏi xin rút lui khỏi chốn quan trường về ở ẩn vì ông sợ rằng chốn quan trường mưu mô sẽ kéo ông theo nó, biến ông thành một kẻ mưu mô, tham lam:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người tới chốn lao xao”

Tuy vậy, vẫn có những người không chịu ảnh hưởng của môi trường xung quanh”

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Thế mới hiểu được điều quan trọng nhất vẫn là bản lĩnh của mỗi người. Chúng ta cần tự chủ và cẩn thận khi tiếp xúc với sự việc, với con người. Xa lánh cái xấu chứ không xa lánh con người, xa lánh các bạn có khuyết điểm.

Câu tục ngữ mang đến một bài học quý báu, khuyên răn con người những điều hay lẽ phải. Đây cũng là cơ sở để rèn luyện những phẩm chất tốt của bản thân và nâng cao tầm hiểu biết.

Chứng minh Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng – Mẫu 9

Tục ngữ là “chiếc túi khôn” của nhân loại. Mỗi câu tục ngữ đều chứa đựng những bài học sâu sắc về cuộc sống, một trong số đó là câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Đầu tiên “mực” thì có màu đen khi ta không cẩn thận bị làm bẩn ra áo hay ra tay thì rất khó tẩy sạch nên thực tế ông cha ta mượn nó để so sánh với hành động xấu xa. Còn “đèn” là vật phát ra ánh sáng tượng trưng cho điều tốt đẹp, sáng sủa. Như vậy, câu tục ngữ là lời khẳng định, một người khi thường xuyên tiếp xúc với người xấu thì ta sẽ bị nhiễm thói hư tật xấu, còn nếu tiếp xúc với những người tốt ta sẽ học hỏi và học được nhiều điều hay từ họ.

Ông cha ta đã từng khẳng định: “Dạy con từ thuở còn thơ”. Khi một đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình có điều kiện giáo dục tốt, sẽ phát triển tính cách theo chiều hướng tích cực và ngược lại. Hay như trong môi trường học tập, ngay cả khi một đứa trẻ được sống trong một trường có văn hóa được giáo dục tốt thì học trong một môi trường có nhiều bạn có thói quen xấu hay không được giáo dục tốt thì cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều đến việc hình thành tính cách của em đó.

Tham khảo thêm:  

Câu chuyện chọn nhà của thầy Mạnh Tử vẫn còn đó. Thầy Mạnh Tử lúc nhỏ nhà ở gần nghĩa địa, thấy người đào, chôn, lăn, khóc về nhà cũng bắt chước theo. Người mẹ thấy vậy liền dọn nhà ra ở gần chợ. Khi ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước nô nghịch cách buôn bán. Người mẹ thấy thế liền dọn nhà ra cạnh trường học. Ở cạnh trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép. Người mẹ bây giờ mới vui lòng. Một hôm, thấy nhà hàng xóm giết lợn, Mạnh Tử về nhà hỏi mẹ người ta giết lợn làm gì. Bà mẹ lỡ lời nói rằng để cho con ăn, biết mình đã sai khi nói dối con liền ra chợ mua thịt lợn về cho con ăn. Lại một lần, thầy Mạnh Tử bỏ học về nhà chơi. Người mẹ đang ngồi dệt cửi thấy vậy liền cầm dao cắt đứt tấm vải. Bà bảo với con rằng con đi học mà bỏ dở cũng giống như tấm vải này. Từ hôm đó, thầy Mạnh Tử học hành chăm chỉ rồi sau này trở thành một bậc đại hiền. Quả là “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Ngày nay trong xã hội mà ta đang sống vẫn còn không ít những người nhắm mắt chạy theo đồng tiền để thỏa mãn lòng tham của mình mà đánh mất đi đạo đức và nhân cách của mình thậm chí là mất cả sự nghiệp. Vì vậy trong quan hệ ta phải sáng suốt để không phải ân hận về sau.

Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là một lời khuyên quý giá. Chúng ta hãy biết lựa chọn những điều tốt đẹp cho cuộc sống của mình. Đồng thời cố gắng rèn luyện để trở thành một người có ích cho xã hội.

Chứng minh Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng – Mẫu 10

Kho tàng tục ngữ, ca dao có một vai trò quan trọng trong cuộc sống đã đem đến những bài học ý nghĩa. Một trong số đó là câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Từ hai hình ảnh tương phản nhau “mực” và “đèn” thể hiện hai hàm ý đối ngược nhau nhằm nhắc nhở chúng ta về cái xấu, cái xấu. Ông cha ta muốn khuyên nhủ thế hệ sau phải biết học hỏi những điều tốt đẹp, đúng đắn và tránh xa những cái xấu xa, không lành mạnh.

Có thể thấy rằng môi trường có vai trò với việc hình thành nhân cách của con người. Từ xưa đến nay, ông cha ta đã ý thức được điều đó. Nếu như trong một gia đình, cha mẹ chính là tấm gương để con cái nói theo. Thì ở trường học, thầy cô lại chính là người có ảnh hưởng đến học sinh. Đặc biệt nhất là bạn bè:

“Thói thường gần mực thì đen
Anh em bạn hữu phải nên chọn người”

Chắc hẳn không ai là không biết đến câu chuyện tình bạn cảm động của Lưu Bình và Dương Lễ. Lưu Bình và Dương Lễ là hai người bạn tâm giao từ thuở nhỏ. Nhà Dương Lễ nghèo khó, còn Lưu Bình lại giàu có nên thường đưa bạn về nhà ăn cùng mâm, học cùng đèn, tình bạn hữu rất gắn bó. Lưu Bình cậy gia đình giàu có nên ham chơi, còn Dương Lễ lại chăm chỉ đèn sách. Dương Lễ thi đỗ được bổ nhiệm làm quan. Còn Lưu Bình thì thi trượt nên ngày càng chán nản. Chính vì vậy, Dương Lễ đã ngầm giúp đỡ bạn mình. Sau này, đến khi Lưu Bình tu chí học hành và đỗ đạt, mới nhận ra mình có được ngày hôm nay là nhờ có được sự giúp đỡ của người bạn năm xưa. Ngược lại, nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao – vốn là một người nông dân hiền lành. Nhưng do chịu hoàn cảnh của xã hội mà đại diện là bá Kiến – kẻ đã tiếp tay cho nhà tù thực dân đẩy Chí vào con đường lưu manh, tha hóa – để rồi hắn dần trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu ảnh hưởng của môi trường. Có những người vẫn giữ gìn được nhân cách tốt đẹp, giống như đóa hoa sen vậy:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Bác Hồ chính là một dẫn chứng điển hình. Dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhưng người vẫn giữ được tinh thần yêu nước, ý thức cách mạng và nhân cách cao đẹp. Hoặc chúng ta có thể kể đến cái tên Nguyễn Văn Trỗi – người thợ điện ở thành phố Sài Gòn hoa lệ, vẫn không chút mảy may xao động bởi cuộc sống hào nhoáng, những thủ đoạn lọc lừa xảo trá. Anh chọn cho mình con đường Cách mạng, chấp nhận chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng mà mình theo đuổi… Tấm gương của anh và biết bao gương sáng khác đã trở thành bài học cho bao thế hệ cháu con học tập.

Trong xã hội hiện đại, nhiều giá trị nhân văn tốt đẹp đã bị thay đổi. Chính nhờ có câu tục ngữ trên là một lời khuyên bảo sâu sắc, giúp cho con người có bài học bổ ích. Đồng thời có một cách nhìn đúng đắn về mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách của bản thân. Còn đối với một học sinh như tôi, câu tục ngữ đã giúp em ý thức cần phải lựa chọn những người bạn đúng đắn để chơi. Đồng thời xác định cho mình một thế đứng vững vàng trước những tác động tiêu cực của môi trường xung quanh để luôn luôn “gần mực” mà vẫn không “ đen” và “ gần đèn” để luôn tỏa sáng.

Qua chứng minh trên, câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là một lời khuyên vô cùng đúng đắn. Con người hãy ghi nhớ để học tập, rèn luyện bản thân để ngày một tốt hơn.

Chứng minh Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng – Mẫu 11

Ông cha ta đã gửi gắm những lời khuyên quý giá qua những câu tục ngữ. Một trong số đó là “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.

Câu tục ngữ mượn hình ảnh “mực” và “đèn” để nói đến những điều “xấu” và “tốt” trong cuộc sống. Nếu con người gần với điều xấu hoặc tốt thì dễ chịu ảnh hưởng – hay nói cách khác là môi trường sẽ chi phối đến con người. Từ đó, ông cha ta muốn khuyên nhủ thế hệ sau phải biết học hỏi những điều tốt đẹp, đúng đắn và tránh xa những cái xấu xa, không lành mạnh.

Câu tục ngữ là một lời khuyên vô cùng đúng đắn. Trong một gia đình, cha mẹ chính là tấm gương để con cái học theo. Chắc hẳn chúng ta không ai không biết đến cái tên Đỗ Nhật Nam. Cậu bé được mệnh danh là thần đồng khi còn rất nhỏ tuổi. Không thể phủ nhận được rằng, điều đó xuất phát từ việc Đỗ Nhật Nam được sống trong một môi trường tốt khi cả bố mẹ đều là giảng viên đại học, họ đã có cách dạy dỗ và định hướng đúng đắn để cậu trở thành một con người tài năng, giỏi giang.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người không chịu ảnh hưởng bởi môi trường. Dù sống trong hoàn cảnh nào, họ vẫn giữ được nhân cách tốt đẹp. Câu tục ngữ trên là một lời khuyên bảo sâu sắc, giúp cho con người có bài học bổ ích. Đồng thời có một cách nhìn đúng đắn về mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách của bản thân. Nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ suốt mấy chục năm sống ngay trong hang ổ quân thù là bè lũ bán nước Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu và chính phủ ngụy quyền Sài Gòn – tay sai của đế quốc Mĩ xâm lược. Nhưng ông vẫn giữ nguyên vẹn là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mưu trí, dũng cảm để góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Quả thật, câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” đã nhắc nhở mỗi người bài học vô cùng quý giá. Chúng ta cần tỉnh táo, và cần phải sống như loài hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 7: Chứng minh câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì rạng Dàn ý & 11 bài văn mẫu lớp 7 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *