Bánh trôi nước là một bài thơ nổi tiếng khi nói về số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Tác phẩm được tìm hiểu trong chương trình Ngữ văn lớp 7.
Wikihoc.com sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 7: Cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước, bao gồm dàn ý và 8 bài văn mẫu, mời tham khảo nội dung chi tiết dưới đây.
Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương.
Dàn ý cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước
I. Mở bài
Hồ Xuân Hương là nữ thi sĩ nổi tiếng của nước ta cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, được ca ngợi là “Bà chúa thơ Nôm”. Bài thơ “Bánh trôi nước” là một trong những tác phẩm chữ Nôm đặc sắc. Nhà thơ đã mượn hình ảnh bánh trôi để kín đáo phản ánh thân phận phụ thuộc và phẩm giá cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
II. Thân bài
1. Cảm nhận về hình ảnh bánh trôi nước và quá trình làm bánh
- Hình dáng bên ngoài: vừa trắng, vừa tròn
- Nguyên liệu: vỏ ngoài làm bằng bột nếp, nhân bằng đường đỏ
- Quá trình luộc : luộc trong nước sôi, chìm nổi vài lần là chín.
=> Hình ảnh đẹp đẽ và trong trắng của bánh trôi nước.
2. Cảm nhận vẻ đẹp, thân phận của người phụ nữ Việt Nam.
Tác giả mượn đặc điểm của bánh trôi để miêu tả vẻ đẹp, số phận của người phụ nữ Việt Nam:
- Vẻ đẹp hình thể: đẹp, trong trắng, dịu dàng, thuỳ mị: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”.
- Số phận bất hạnh: long đong, chìm nổi, sống phụ thuộc, không có quyền quyết định cuộc đời mình: “Bảy nổi ba chìm với nước non”.
=> Người phụ nữ mang vẻ đẹp tâm hồn nhưng lại chịu nhiều gian truân và khổ cực.
- Vẻ đẹp tâm hồn: sự trong trắng, thuỷ chung, son sắt: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.
=> Khẳng định phẩm chất trong sạch, cao quý của người phụ nữ, lời thách thức đối với thế lực tàn bạo đang chà đạp lên quyền sống và nhân phẩm của người phụ nữ.
III. Kết bài
Cảm nhận chung về bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương.
Cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước – Mẫu 1
“Bánh trôi nước” là một trong những bài thơ nổi của Hồ Xuân Hương. Bài thơ vừa cho thấy vẻ đẹp và số phận người phụ nữ trong xã hội cũ, đồng thời cho thấy tấm lòng nhân văn cao cả của bà: yêu thương trân trọng người phụ nữ.
Bài thơ có hai lớp nghĩa chính, lớp nghĩa thứ nhất là lớp nghĩa tả thực, miêu tả bánh trôi nước từ hình dáng cho đến cách làm. Bánh trôi có hình tròn, màu trắng. Làm bánh trôi bằng cách viên thành hình tròn nhỏ vừa ăn, bên trong bánh trôi là một viên đường nhỏ, thường được làm bằng đường phên hoặc đường phèn. Khi luộc thấy bánh lên tức là bánh đã chín. Bài thơ đã mô tả một cách chân thực, chính xác về món ăn dân dã, quen thuộc của nhân dân ta.
Nhưng ẩn đằng sau lớp nghĩa tả thực đó lại là lớp nghĩa ẩn dụ hết sức tinh tế, sâu sắc, hình ảnh bánh trôi cũng chính là hình ảnh biểu tượng cho người phụ nữ. Mở đầu bài thơ tác giả sử dụng mô típ quen thuộc trong văn học dân gian “Thân em”. Hai chữ thân em nói lên nỗi đau thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa. Tiếng thơ của Hồ Xuân Hương có sự đồng điệu, gặp gỡ với những tiếng hát than thân trong ca dao:
“Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”.
Hay như:
“Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”
Việc Hồ Xuân Hương sử dụng các ngữ liệu dân gian vừa khiến cho thơ bà gần gũi, mềm mại với đời sống, mặt khác làm cho tiếng thơ trở nên da diết, thấm đầy chất nhân bản, trở thành tiếng thơ của bao người.
Ngay từ câu thơ đầu tiên của bài, bà đã khẳng định vẻ đẹp của người phụ nữ: trắng, tròn, họ mang vẻ đẹp phúc hậu, hiền từ. Lời khẳng định này cũng cho thấy bà rất có ý thức về bản ngã của mình nói riêng và của những người phụ nữ nói chung.
Mang vẻ đẹp về hình thức, ý thức được vẻ đẹp đó, nhưng số phận của họ lại hết truân chuyên, vất vả:
“Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”
Thân phận của họ cũng chẳng khác gì những tấm lụa đào, hạt mưa sa,… người con gái trong xã hội cũ không được tự quyết định số phận, hạnh phúc của mình. Khi ở nhà họ phụ thuộc vào cha mẹ, cha mẹ đặt đâu họ phải ngồi ở đó, đến lúc đã yên bề gia thất số phận của họ lại tiếp tục bị phụ thuộc vào người chồng. Những người phụ nữ này thật nhỏ bé và đáng thương, cuộc đời chìm nổi với biết bao sóng gió, hạnh phúc của bản thân không được tự mình quyết định.
Mặc dù cuộc sống không được suôn sẻ, luôn gặp phải những sóng gió nhưng những người phụ nữ ấy lại mang trong mình những phẩm chất hết sức tốt đẹp:
“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Họ là những người phụ nữ luôn mang trong mình tấm lòng trong trắng, tốt đẹp, dù gặp cảnh ngộ nào cũng vẫn giữ được tấm lòng son sắt, thủy chung. Chữ son như một điểm sáng, nhãn tự trong bài, làm bừng sáng nét đẹp về nhân cách, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam.
Bài thơ sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, ngôn ngữ cô đọng, hàm súc. Sử dụng nghệ thuật ẩn dụ đặc sắc. Kết hợp linh hoạt các mô típ của văn học dân gian khiến cho bài thơ vừa giản dị, gần gũi vừa mang dáng dấp uyên bác, tài hoa. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm
Qua tác phẩm này ta có thể thấy Hồ Xuân Hương là người hết sức trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ không chỉ ở phẩm chất mà ngay cả vẻ đẹp bề ngoài. Đồng thời lời thơ tha thiết cũng là tiếng nói cảm thông với số phận chìm nổi, bị lệ thuộc của người con gái. Qua đây còn lên án xã hội cũ đã đè nén, áp bức, tước bỏ quyền được lựa chọn cuộc sống, hạnh phúc của con người.
Cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước – Mẫu 2
Thân phận người phụ nữ là đề tài muôn thuở được văn học vô cùng quan tâm. Từ nền tảng văn học dân gian với những bài ca dao than thân trách phận của người phụ nữ cho đến thơ ca trung đại những số phận, cảnh ngộ ấy vẫn để lại nỗi ám ảnh trong lòng người đọc. Nhắc đến những bài thơ viết về chủ đề ấy ta không thể không kể tới tác phẩm “bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương. Là nhà thơ phụ nữ viết về số phận của những người phụ nữ cho nên bài thơ của bà vừa có sự trải nghiệm, vừa có sự trân trọng, ngợi ca lại vừa cảm thông, thấu hiểu.
“Bánh trôi nước” là một trong rất nhiều những bài thơ viết về thân phận người phụ nữ của bà chúa thơ Nôm. Bài thơ mở đầu với mô típ quen thuộc trong ca dao than thân “thân em”, vừa bình dị vừa khiêm nhường mang đậm chất nữ tính. Giống như những tiếng than trong ca dao, bài thơ cất lên như một lời bộc bạch về thân phận người phụ nữ. Hình ảnh chiếc bánh trôi hiện lên vừa đẹp vừa chân thực trong hai câu thơ đầu tiên:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non”
Vẻ đẹp của chiếc bánh trôi nước cũng như quy trình làm bánh được tác giả tái hiện rất cụ thể, sinh động. Bánh trôi có màu trắng tinh khiết của bột nếp, được nhào nặn tròn trịa rất xinh xắn, khi cho vào nước nguội bánh chìm xuống, nhưng đến khi nước sôi lên, bánh chín sẽ nổi trên mặt nước. Bánh trôi vốn là loại bánh dân dã, bình dị thân thuộc với đời sống con người nhưng qua con mắt tinh tế, nhạy cảm của nữ sĩ họ Hồ bỗng được gắn với vẻ đẹp và cuộc đời của người phụ nữ. Cũng giống như chiếc bánh trôi kia, người phụ nữ cũng mang vẻ đẹp trắng trẻo, tròn đầy, trong trắng, phúc hậu. Điệp từ “vừa” được nhắc lại hai lần trong câu thơ có ý nghĩa nhấn mạnh vẻ đẹp thân thể và phẩm chất của người phụ nữ. Cách dùng từ khéo léo không chỉ phô ra vẻ đẹp mà còn cho thấy niềm tự hào, sự tự ý thức về vẻ đẹp của người phụ nữ. Trong văn học xưa nay, rất hiếm khi người phụ nữ dám bạo dạn, tự tin trực tiếp nói lên vẻ đẹp của mình như thế, đó chính là nét cá tính độc đáo trong thơ Hồ Xuân Hương. Với những vẻ đẹp ngoại hình và nhân phẩm ấy, đáng lí ra, người phụ nữ phải được nâng niu và hưởng hạnh phúc, thể nhưng xã hội phong kiến bất công đã không cho họ có được điều ấy. Tác giả đã vận dụng sáng tạo thành ngữ dân gian “bảy nổi ba chìm” gợi liên tưởng đến cuộc đời long đong, lận đận, bấp bênh của người phụ nữ. Họ phải sống cuộc đời chìm nổi bởi lẽ có bao giờ của người phụ nữ được làm chủ cuộc đời của mình.
Chính vì cuộc đời nhiều bất công, lắm éo le ngang trái cho nên Hồ Xuân Hương đã thẳng thắn thay lời người phụ nữ cất lên tiếng nói than thân cùng sự khẳng định tấm lòng son sắt của người phụ nữ.
“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.
Giống như chiếc bánh trôi kia không được làm chủ số phận của mình, rắn nát hay đẹp đẽ đều do bàn tay của người nặn, người phụ nữ cũng không tự quyết định được số phận của mình. Cặp từ đối lập “rắn – nát” được đảo cấu trúc đặt đặt lên đầu câu nhằm nhấn mạnh những sự éo le, phụ thuộc trong cuộc đời người phụ nữ. Những thiết chế phong kiến khắt khe với quan niệm trọng nam khinh nữ, đạo lí tam tòng tứ đức đã trói buộc cuộc đời người phụ nữ, tước đi cuộc sống tự do, hạnh phúc của họ. Những người phụ nữ ấy không được phép sống vì mình mà phải sống và phụ thuộc vào người khác, họ xem đó như một định mệnh, nhẫn nhịn, cam chịu mà chấp nhận lấy. Thế nhưng, điều đáng quý, đáng trân trọng nhất ở người phụ nữ đó là phẩm chất bên trong của họ. “Tấm lòng son” chính là hình ảnh hoán dụ cho tấm lòng thủy chung, son sắt, trong sáng của người phụ nữ. Dù bị chà đạp bất công nhưng người phụ nữ vẫn giữ được giữ được nét đẹp tâm hồn của mình, cũng giống như những chiếc bánh trôi kia, dù rắn hay nát, chìm hay nổi thì vẫn không thể thay đổi hương vị của chiếc bánh. Hai từ “mặc dầu – mà em” trong hai câu thơ cho thấy sự cố gắng vươn lên số phận để bảo toàn nhân cách của người phụ nữ. Vẻ đẹp nhân phẩm ấy thật đáng trân trọng, ngợi ca!
Với nghệ thuật miêu tả tài tình, cách chơi chữ đầy nghệ thuật, hình ảnh ẩn dụ độc đáo cùng cách sử dụng thành ngữ điêu luyện, bài thơ “bánh trôi nước’ của Hồ Xuân Hương đã ca ngợi vẻ đẹp ngoại hình và nhân phẩm người phụ nữ thông qua hình ảnh chiếc bánh trôi nước. Bên cạnh đó, nhà thơ còn lên tiếng tố cáo xã hội phong kiến bất công chà đạp cuộc đời người phụ nữ. Tiếng nói ngợi ca vẻ đẹp người phụ nữ của Hồ Xuân Hương cho đến ngày hôm nay vẫn còn vang vọng, khi xã hội nam nữ bình đẳng, người phụ nữ được làm chủ được cuộc đời mình nhưng tấm lòng son sắt, hi sinh của người phụ nữ vẫn luôn ngời sáng.
Cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước – Mẫu 3
Nhà thơ Xuân Diệu rất mê thơ Hồ Xuân Hương. Ông đã dành nhiều thời gian để thưởng thức, nghiên cứu thơ Xuân Hương và rất tâm đắc với cái biệt danh mà ông đặt cho nữ sĩ: Bà chúa thơ Nôm.
Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nổi tiếng của nước ta vào cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, cùng thời với đại thi hào Nguyễn Du. Chế độ phong kiến ở giai đoạn suy tàn đã bộc lộ mặt trái đầy xấu xa, tiêu cực. Là người giàu tâm huyết với con người và cuộc đời, Hồ Xuân Hương đã gửi gắm vào thơ những điều suy tư trăn trở trước hiện thực phức tạp của xã hội, trước số phận bất hạnh của con người, nhất là phụ nữ. Bài thơ Bánh trôi nước phản ánh thân phận đau khổ, phụ thuộc của người phụ nữ và ngợi ca phẩm chất cao quý của họ.
Bánh trôi là thứ bánh quen thuộc, dân giã của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Gạo nếp xay nhuyễn thành bột, lọc cho mịn, để thật ráo rồi bẻ thành từng miếng nhỏ, nặn tròn cỡ quả cà pháo, nhân làm bằng đường thẻ có màu nâu đỏ. Cho bánh vào nồi nước sôi, luộc chín, vớt ra nhúng sơ vào nước lạnh rồi xếp vào đĩa. Lúc nguội, bánh ăn dẻo và thơm ngọt. Người xưa cho rằng đây là thứ bánh tinh khiết, có thể dùng để cúng. (Mùng 3 tháng 3 Âm lịch có tục cúng trời đất, tổ tiên bằng bánh trôi, bánh chay và hoa quả).
Bài thơ Bánh trôi nước thuộc loại thơ vịnh vật (giống như Quả mít, Cái quạt, Con ốc nhồi…). Hồ Xuân Hương chịu ảnh hưởng sâu sắc của cách diễn đạt trong thơ ca dân gian:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non”
Chiếc bánh trôi vừa trắng, vừa tròn, thật đẹp đẽ, đáng yêu nhưng đằng sau những chi tiết rất thực ấy lại là điều Hồ Xuân Hương muốn nói: người phụ nữ và thân phận họ. Xưa nay, phụ nữ được coi là phái đẹp, là tinh hoa của Tạo hóa. Bởi vậy, nhìn chiếc bánh trôi nước xinh xắn, ta dễ dàng liên tưởng đến vẻ đẹp trong trắng của người con gái đang xuân.
Cũng giống như chiếc bánh trôi bao lần chìm nổi, người phụ nữ xưa phải chịu số phận bảy nổi ba chìm trong xã hội trọng nam khinh nữ đầy bất công. Lễ giáo phong kiến đã tước đoạt quyền tự do, buộc họ phải sống lệ thuộc vào người khác. Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Đã vậy, những thế lực đen tối luôn đẩy họ vào nghịch cảnh đau thương. Người phụ nữ trong thơ Xuân Hương cũng cùng chịu chung số phận với người phụ nữ trong thơ Nguyễn Du: Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!
Không được làm chủ số phận của mình, người phụ nữ nào có khác chi chiếc bánh trôi ngon hay dở là do tay kẻ làm ra nó: Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn. Nhưng điều đáng nói lại là chuyện khác, chuyện tấm lòng son. Nhân bánh trôi làm bằng đường thẻ màu nâu sẫm. Khi bánh chín, lớp vở bằng bột nếp có màu trắng trong, nhìn thấy rõ màu của nhân. Ví nhân bánh như tấm lòng son thì cái ẩn ý mà tác giả muốn gửi gắm đã bộc lộ ra. Hồ Xuân Hương kín đáo khẳng định rằng dù có bị chà đạp, vùi dập, dù cuộc đời có ba chìm bảy nổi đến đâu chăng nữa thì người phụ nữ vẫn giữ nguyên vẹn phẩm giá cao quý của mình. Cách nói khiêm nhường mà chứa đựng một ý chí kiên định biết chừng nào. Đồng thời nó như một lời thách thức ngấm ngầm mà quyết liệt với cả xã hội phong kiến bạo tàn:
“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”
Bài thơ tứ tuyệt chỉ có bốn câu, hai mươi tám chữ mà hàm chứa bao ý nghĩa. Nữ sĩ Xuân Hương với cái nhìn nhân văn, với quan điểm tiến bộ và thái độ dũng cảm hiếm có đã phác họa thành công chân dung đẹp đẽ về người phụ nữ Việt Nam. Tư tưởng tiến bộ của Xuân Hương đã được thể hiện qua nghệ thuật thơ sắc sảo, điêu luyện. Điều đó khiến thơ của bà sống mãi trong lòng người đọc.
Cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước – Mẫu 4
Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn học đặc biệt và là một trong những nhà thơ nổi tiếng của văn học trung đại nói riêng, văn học dân tộc nói chung. Trong các sáng tác của bà, bài thơ em yêu thích nhất và ấn tượng nhất là bài thơ “Bánh trôi nước”.
Câu thơ đầu là hình ảnh của chiếc bánh trôi nước dưới con mắt của thi nhân.
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn”
Chiếc bánh trôi nước được miêu tả ưa hai nét ngắn gọn mà cụ thể “trắng, tròn”. Nó diễn tả được hình dáng đầy đặn và màu sắc đẹp đẽ của chiếc bánh trôi. Cụm từ “thân em” mở đầu khiến bài thơ có mô típ giống như ca dao than thân của văn học dân gian. Từ đó mà gợi nhắc ta về lớp nghĩa sâu xa của cái thơ đầu. Nó phải chăng còn là hình ảnh ẩn dụ cho vẻ đẹp bên ngoài của người phụ nữ đương thời. Trong văn học trung đại xưa thường tránh đề cập đến sắc nhưng tác giả đã không ngần ngại mà miêu tả sắc đẹp tròn đầy, khỏe mạnh của người phụ nữ với một thái độ trân trọng ngợi ca hết mực. Đó là sự nhân đạo của Hồ Xuân Hương.
Nhưng sắc đẹp vẫn không thể thay đổi vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội ấy. Họ sinh ra đã là người mang thân phận nhỏ bé, phụ thuộc.
“Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”
Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” cùng phép đăng đối hài hòa của hai câu thơ đã góp phần khắc họa nỗi vất vả, chìm nổi lênh đênh của số phận người con gái. Họ bị cuộc đời dày vò vùi dập, thậm chí ngay cả cuộc đời mình “rắn” hay “nát” thì vẫn phải dựa vào người khác. Chiếc bánh trôi kia cũng phải trải qua bao nhiêu đau đớn, chịu bao gian truân khổ ải thì cũng là cuộc đời của người phụ nữ. Họ luôn bị phụ thuộc, không có quyền gì đối với cuộc đời của mình. Qua đó, tác giả bày tỏ lòng cảm thương sâu sắc và lên tiếng tố cáo xã hội phong kiến bất nhân, tước quyền làm người của những người phụ nữ. Nhưng mặc dù bị vùi dập bị bẻ nát thì trong tâm hồn họ vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ đẹp.
“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Tấm lòng son ở đây là tấm lòng trong sáng và đẹp đẽ. Dù hoàn cảnh có khắc nghiệt, tàn nhẫn đến mức nào đi chăng nữa tâm hồn người phụ nữ vẫn luôn được giữ gìn và làm phát triển hơn. Người phụ nữ đẹp cả về cốt cách lẫn bên ngoài, từ đó khẳng định phụ nữ là vẻ đẹp của tạo hóa và họ là những người vẫn đáng thương vừa đáng ngưỡng mộ, ngợi ca. Từ đó, Hồ Xuân Hương thể hiện niềm tự hào phái nữ và lên tiếng đòi quyền tự chủ cho những người phụ nữ.
Bài thơ ngắn gọn cô đọng hàm súc lời ít ý nhiều nhưng lại mở ra một bức tranh toàn vẹn về vẻ đẹp của người phụ nữ. Qua đó ta thêm hiểu hơn và trân trọng tài năng, tâm huyết của thi nhân dành cho người phụ nữ.
Cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước – Mẫu 5
Hồ Xuân Hương là một người phụ nữ tài hoa, thông minh của nền văn học Trung đại Việt Nam. Chính nhờ sự tài hoa đó bà được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm với một loạt các tác phẩm nổi tiếng nói về tiếng lòng, giá trị, nhân phẩm người phụ nữ trong xã hội xưa. Một trong những tác phẩm chữ Nôm đặc sắc của bà là Bánh trôi nước. Bài thơ phản ánh cuộc sống đau khổ tột cùng của người phụ nữ đồng thời ca ngợi tấm lòng son sắt và thủy chung của những người phụ nữ ấy.
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Với những người dân Việt, chắc hẳn không còn xa lạ với loại bánh trôi nước. Món bánh này xuất phát từ vùng đồng bằng Bắc Bộ với công thức đơn giản nhưng rất dễ ăn. Với màu trắng tinh khiết của bánh người xưa quan niệm đây là thứ bánh tinh khiết, được sử dụng dâng lên bàn thờ tổ tiên để thể hiện lòng thành kính. Xuất thân từ nữ giới, sống
vào cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX khi chế độ phong kiến ở giai đoạn suy tàn, bộc lộ mặt trái đầy xấu xa, tiêu cực Hồ Xuân Hương đã cảm nhận rõ sự phức tạp của xã hội, số phận bất hạnh của con người, nhất là phụ với thân phận đau khổ, phụ thuộc:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non”
Bánh trôi nước có vỏ ngoài trắng, tròn, nhân bên trong đỏ son. Dùng nước để luộc chín bánh, khi bánh sống thì chìm sâu dưới đáy, khi chín thì nổi lên mặt nước. Với biện pháp tu từ so sánh “thân em” như bánh trôi nước để nói lên thân phận nhỏ bé, heo hắt của người phụ nữ trong xã hội xưa. “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” làm nổi bật ý nghĩa: cũng giống như chiếc bánh trôi vừa trắng, vừa tròn, thật đẹp đẽ, đáng yêu, người phụ nữ trong xã hội xưa luôn là phái đẹp, là tinh hoa cả tạo hóa, trong trắng. Nhưng ẩn sau vẻ đẹp đó là sự “bảy nổi ba chìm với nước non”. Với biện pháp đảo ngữ “Bảy nổi ba chìm” đã khắc họa đậm nét hình ảnh chiếc bánh trôi lênh đênh, phiêu dạt với nước non. Từ đó, cho ta những suy nghĩ xót xa về số phận bảy nổi ba chìm trong xã hội trọng nam khinh nữ đầy bất công. Chính lễ giáo phong kiến của xã hội cũ đã tước đoạt quyền tự do của người phụ nữ, buộc họ phải sống lệ thuộc vào người khác. Không chỉ có Hồ Xuân Hương lên tiếng về thân phận người phụ nữ mà Nguyễn Du cũng có những đồng cảm với họ:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Dường như bất lực với số phận, người phụ nữ trong xã hội xưa dường như buông xuôi, phó mặc cho số phận:
“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Vẫn là mượn hình ảnh bánh trôi nước để nói về thân phận phụ nữ. Khi không được quyết định số phận, làm chủ cuộc đời của mình, người phụ nữ khác chi chiếc bánh trôi ngon hay dở là do tay kẻ làm ra nó bởi người phụ nữ xưa đâu được tự lựa chọn chồng cho mình mà phải theo ý cha mẹ, không được lựa chọn công việc để làm mà phải theo ý chồng,… Để rồi “Bảy nổi ba chìm” với nước non như thế, bánh trôi nước vẫn giữ được màu đỏ sẫm của đường thẻ. Khi bánh chín, lớp vở bằng bột nếp có màu trắng trong, nhìn thấy rõ màu của nhân. Khi tác giả so sánh nhân bánh như tấm lòng son thì cái ẩn ý mà tác giả muốn gửi gắm đã kín đáo bộc lộ rằng dù có bị chà đạp, vùi dập, bị lệ thuộc đến đâu chăng nữa thì người phụ nữ Việt Nam vẫn giữ nguyên vẹn phẩm giá cao quý của mình. Mặc dù thân phận nhỏ bé nhưng người phụ nữ có một ý chí kiên định biết chừng nào. Đồng thời đây như một lời thách thức ngấm ngầm mà quyết liệt với cả xã hội phong kiến bạo tàn. Để rồi, đến ngày nay, trải qua bao nhiêu năm của bề dày lịch sử, người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn giữ gìn được cốt cách thanh cao, giá trị trong trắng của bản thân. Chính nhờ cốt cách này đã làm nên vẻ đẹp của phụ nữ Việt, giúp phụ nữ Việt tự tin khẳng định giá trị bản thân với phụ nữ khắp thế giới. Để từ đó, ngày nay xã hội đã công nhận giá trị và tôn vinh vẻ đẹp, cốt cách của người phụ nữ Việt.
Dù ở chế độ, xã hội nào đi chăng nữa người phụ nữ Việt Nam luôn đẹp. Qua bài thơ đã thể hiện tư tưởng tiến bộ, đầy nhân văn của Hồ Xuân Hương với nghệ thuật thơ sắc sảo, điêu luyện. Điều đó khiến thơ của bà sống mãi trong lòng người đọc.
Cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước – Mẫu 6
Viết về người phụ nữ là một đề tài quen thuộc. Hồ Xuân Hương cũng đã đóng góp vào đề tài trên bài thơ “Bánh trôi nước”. Tác phẩm đem đến nhiều cảm nhận sâu sắc cho người đọc.
Bài thơ viết về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, đó là một thân phận nổi trôi, phù du và vận mệnh, cuộc sống của mình họ không được tự định đoạt mà hoàn toàn là do những người đàn ông, những người chồng của họ.
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non”
Mở đầu bài thơ, nhà thơ Hồ Xuân Hương đã gợi mở những hình ảnh của những chiếc bánh trôi nước. Bánh trôi nước là loại bánh làm bằng bột gạo nếp, qua bàn tay của những người nghệ nhân thì khi nặn xong chúng có hình dạng tròn trịa cùng một màu trắng đặc trưng của gạo. Nhà thơ Hồ Xuân Hương đã mượn hình ảnh của những chiếc bánh trôi nước để nói về cuộc sống và số phận của những người phụ nữ trong xã hội xưa. Hiểu như thế ta có thể thấy qua hình ảnh tròn, trắng của những chiếc bánh trôi gợi ra vẻ đẹp bên ngoài, vẻ đẹp hình thể của những người phụ nữ.
Nhưng đối nghịch với vẻ đẹp đầy sức sống đó lại là một số phận, tương lai đầy mịt mờ, tăm tối: “Bảy nổi ba chìm với nước non”. Về ý nghĩa tả thực, ta có thể hiểu đây là là quá trình luộc chín bánh, hoàn thành bước cuối cùng. Nhưng đây cũng chỉ là một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng. Bởi nó gợi ra số phận, cuộc đời đầy thăng trầm, biến đổi của những người phụ nữ. Như đã nói, trong xã hội xưa, sinh ra trong thân phận của người phụ nữ vốn đã là một thiệt thòi, bất công.
Bởi từ khi sinh ra đến lúc dựng vợ gả chồng thì họ hoàn toàn không được quyết định bất cứ vấn đề gì, kể cả tình yêu, đối tượng kết hôn, hạnh phúc của cả cuộc đời mình, vì trong xã hội xưa có quan niệm “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, hay “xuất giá tòng phu”, nghĩa là một khi đã lấy chồng thì mọi việc đều phải theo chồng. Vì vậy mà số phận thăng hay trầm đều hoàn toàn dựa vào người chồng của mình:
“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Đến câu thơ này thì ý niệm của hai câu thơ đầu được thể hiện, triển khai một cách rõ nét, cụ thể hơn. Nếu như những chiếc bánh trôi tròn, méo, rắn, nát đều phụ thuộc vào tay người nặn, nếu như được họ cẩn trọng, nâng niu thì khi hoàn thành chiếc bánh sẽ có hình tròn mà màu trắng trong. Ngược lại, nếu người nghệ nhân vô tâm, hời hợt thì chiếc bánh sẽ bị méo mó, và khi luộc trong nước sẽ bị vỡ. Đối với người con gái trong xã hội xưa cũng vậy, nếu may mắn gặp được người cũng biết yêu thương, trân trọng thì cuộc sống của học sẽ hạnh phúc, vui vẻ; còn khi lấy phải người chồng độc đoán, vũ phu thì họ sẽ có cuộc sống đau khổ, bất hạnh. Nhưng dẫu cuộc sống có bất biến, phù du thì những người con gái ấy vẫn giữ được vẻ đẹp trong trắng thủy chung trong tâm hồn. Đến đây thì hình ảnh của những người phụ nữ trong xã hội xưa được hoàn thiện, không chỉ có vẻ đẹp ngoại hình mà vẻ đẹp tâm hồn của họ rất đáng được trân trọng.
Qua bài thơ, Hồ Xuân Hương cũng thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với thân phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
Cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước – Mẫu 7
Hồ Xuân Hương được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Một trong tác phẩm nổi bật của bà là bài thơ “Bánh trôi nước”. Tác phẩm đã thể hiện sự trân trọng trước vẻ đẹp, phẩm chất trong trắng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa. Đồng thời, tác giả cũng bày tỏ niềm thương cảm cho cuộc đời lận đận của họ:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Khi đọc bài thơ, chúng ta có thể thấy được Hồ Xuân Hương đang miêu tả cách làm ra một chiếc bánh trôi. Hình ảnh chiếc bánh trôi hiện lên với màu sắc (vừa trắng), hình dáng (vừa tròn). Cùng với đó là cách thức làm bánh luộc bánh trong nước, khi nào bánh nổi lên mặt nước có nghĩa là đã chín. Bên trong nhân bánh thường được làm bằng đường phên. Viên bánh rắn hay nát phụ thuộc vào tay người nắn có khéo léo.
Nhưng ẩn sâu bên trong hình ảnh đó, Hồ Xuân Hương còn muốn nói đến vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa. Cách dùng cụm từ “thân em” mang dáng dấp của ca dao xưa:
“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”
Hoặc có thể là:
“Thân em như ớt chín cây
Càng tươi ngoài vỏ, càng cay trong lòng”
Dù là ca dao hay trong thơ Hồ Xuân Hương, việc mở đầu bằng cụm từ “thân em” đều xuất phát từ niềm thương cảm, xót xa cho số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa. Họ là những con người nhỏ bé trong xã hội. Cuộc đời trôi nổi, bấp bênh và không được tự quyết định cuộc sống của bản thân, chịu sự chi phối của người khác.
Tiếp đến, Hồ Xuân Hương cũng thật khéo léo khi sử dụng thành ngữ “bảy nổi ba chìm” gợi ra một cuộc đời vất vả, gặp nhiều gian truân. Câu thơ “rắn nát mặc dầu tay kẻ nạn” đã nói lên số phận phải phụ thuộc vào người khác, không được tự mình quyết định. Dù vậy thì người phụ nữ vẫn luôn “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Đó là lời khẳng định về tấm lòng thủy chung, son sắc.
Bài thơ đã gợi mở cho người đọc thấy được vẻ đẹp của người phụ nữ từ ngoại hình đến tâm hồn. Cùng với đó là số phận vất vả, long đong của họ trong xã hội phong kiến. Từ đó, chúng em thêm cảm thông và trân trọng hơn những người phụ nữ xung quanh mình.
Bánh trôi nước là một tác phẩm giàu giá trị nhân văn sâu sắc. Bài thơ đem đến cho người đọc những ấn tượng, và càng thêm yêu mến thơ ca của Hồ Xuân Hương.
Cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước – Mẫu 8
Số phận người phụ nữ được nói đến nhiều trong thơ ca Việt Nam. Một trong những tác phẩm tiêu biểu phải kể đến bài thơ “Bánh trôi nước” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, với hai nét nghĩa tả thực và ẩn dụ. Chiếc bánh trôi được nhà thơ miêu tả với màu sắc (vừa trắng), hình dáng (vừa tròn). Cùng với đó là cách thức làm bánh – luộc bánh trong nước, khi nào bánh nổi lên mặt nước có nghĩa là đã chín. Bên trong nhân bánh thường được làm bằng đường phên. Bánh trôi khi chín rắn hay nát là do người nặn có được khéo léo. Tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng kì công để có thể hoàn thành một bát bánh trôi hoàn hảo.
Nhưng qua hình ảnh chiếc bánh trôi, chúng ta còn thấy được một nét nghĩa khác – hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Ca dao xưa cũng đã từng nhắc đến:
“Thân em như dải lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
Hay Nguyễn Du đã từng viết:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Dù là ca dao hay trong thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương cũng đều cho thấy số phận bất hạnh của người phụ nữ. Họ là những con người tài sắc vẹn toàn, mà lại phải chịu kiếp sống long đong. Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” đã làm rõ hơn về số phận vất vả, gặp nhiều gian truân. Thậm chí, họ còn không được tự quyết định cuộc đời của mình mà phải “rắn nát mặc dầu tay kẻ nạn” – phụ thuộc vào người khác, không được tự mình quyết định. Điều đó khiến chúng ta càng thêm thương xót, đồng cảm hơn cho người phụ nữ trong xã hội xưa.
Câu thơ cuối như một lời khẳng định: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Dù cuộc đời có khổ cực, nhưng người phụ nữ vẫn luôn giữ được tấm lòng thủy chung, son sắc. Điều đó khiến chúng ta càng thêm cảm phục, ngưỡng mộ họ.
Như vậy, Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương đã đem đến cho người đọc những ấn tượng sâu sắc. Đây quả là một bài thơ hay, giàu ý nghĩa nhân văn cao đẹp.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 7: Cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước (Dàn ý + 8 mẫu) Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.