Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 7 (3 bộ sách mới) Tuyển tập những bài văn mẫu lớp 7 hay nhất ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Để giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo khi học môn Ngữ văn, Wikihoc.com đã tổng hợp các bài văn mẫu lớp 7 trong chương trình sách mới. Các bài viết rất đa dạng, với nhiều bài viết khác nhau như các đoạn văn cảm nhận; bài văn phân tích đặc điểm nhân vật hay thuyết minh về một quy tắc, luật lệ;…

Văn mẫu lớp 7 (3 bộ sách mới)
Văn mẫu lớp 7 (3 bộ sách mới)

Bạn đọc có thể theo dõi nội dung chi tiết sẽ được chúng tôi đăng tải ngay sau đây. Hy vọng có thể giúp ích cho quá trình tìm hiểu môn Ngữ văn.

Bài 1: Tóm tắt văn bản theo những yêu cầu khác nhau về độ dài

Tóm tắt Bầy chim chìa vôi ngắn gọn

Một đêm nọ, anh em Mon và Mên trằn trọc không ngủ được vì lo lắng cho bầy chim chìa vôi, làm tổ ở bãi cát giữa sông. Cả hai quyết định sẽ đi đến bờ sông ngay trong đêm để mang những chú chim vào bờ. Khi bình minh lên, dải cát vẫn còn lộ ra trên mặt nước, trong khoảnh khắc cuối cùng, những chú chim non bay lên không trung khiến hai đứa trẻ vui mừng, hạnh phúc.

Tóm tắt Bầy chim chìa vôi chi tiết

Khoảng hai giờ sáng, Mon tỉnh giấc, rồi quay sang gọi Mên. Mon lo lắng cho bầy chim chìa vôi làm tổ ở ngoài bờ sông. Mưa lớn khiến tổ chim chìa vôi ở dải cát giữa sông bị nhấn chìm. Sau một lúc trò chuyện, cả hai quyết định sẽ ra bờ sông để đưa những chú chim vào bờ. Từ chiều qua, nước đã dâng lên nhanh hơn. Nước dâng lên đến đâu, chim bố và chim mẹ lại dẫn bầy con tránh nước đến đó. Những chú chim nhảy đến phần cao nhất của dải cát, nhảy lò cò trên những đôi chân mảnh dẻ chưa thật sự cứng cáp. Bỗng nhiên, một con chim non đuối sức, nó rơi xuống như một chiếc lá. Chim mẹ đến gần xòe đôi cánh lượn quanh đứa con và kêu lên như để cổ vũ cho nó. Lúc đôi chân mảnh dẻ và run rẩy của con chim non chạm vào mặt sông thì đôi cánh của nó đập một nhịp quyết định, tấm thân bé bỏng của nó vụt bứt ra khỏi dòng nước và bay lên cao. Khi Mon và Mên chứng kiến cảnh tượng đó, cả hai khóc đã lúc nào mà không biết.

Bài 2: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ

Đoạn văn mẫu số 1

Vẻ đẹp thiên nhiên lúc chuyển mùa được Hữu Thỉnh khắc họa đầy tinh tế qua bài thơ Sang thu. Nhà thơ đã cảm nhận tín hiệu của mùa thu qua từng giác quan với khứu giác (hương ổi), xúc giác (gió se), thị giác (sương chùng chình qua ngõ). Từng câu thơ giúp người đọc hình dung về một sự chuyển biến của vạn vật lúc giao mùa. Dưới mặt đất, dòng chảy của con sông trở nên chậm hơn, không cuồn cuộn như lúc hè về. Trên bầu trời, từng đàn chim sải cánh bay bắt đầu trở nên vội vã, âu lo tìm về phương nam tránh cái lạnh. Ấn tượng nhất phải kể đến chi tiết đám mây “vắt nửa mình sang thu”, dường như đám mây cũng đang phân vân, nửa đang nghiêng về mùa hạ nửa muốn ngả về mùa thu. Đọc đến khổ thơ cuối, dòng cảm xúc của tác giả bắt đầu chuyển sang suy tư, triết lí. Các hiện tượng tự nhiên “nắng”, “mưa”, “sấm” là biểu tượng cho những biến cố xảy đến với con người trong cuộc sống. Còn “hàng cây đứng tuổi” chính là hình ảnh của những con người đã từng trải, đã bước qua thời tuổi trẻ. Bài thơ “Sang thu” đã gợi lên những cảm nhận tinh tế về sự chuyển biến của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu, để lại cho người đọc nhiều cảm xúc.

Đoạn văn mẫu số 2

Đến với bài thơ “Con chim chiền chiện” của Huy Cận, người đọc đã cảm nhận tình yêu thiên nhiên. Chim chiền chiện hiện lên với những hình ảnh độc đáo, mang vẻ sống động và chân thực. Tiếng chim vang vọng khắp không gian, được cảm nhận đầy tinh tế. Không chỉ vậy, tác giả còn sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa, khiến cho chim chiền chiện giống như một người bạn đang trò chuyện với con người. Chúng cũng đang làm tốt nhiệm vụ của mình, gieo những niềm vui đến với thế gian, cánh chim bay mãi đến trời xanh dường như không biết mệt mỏi. Qua những dòng thơ bốn chữ ngắn gọn, tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc bức thông điệp rằng con người cần phải sống giao hòa với thiên nhiên, cũng như trân trọng thiên nhiên.

Bài 3: Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học

Bài văn mẫu số 1

Nguyễn Ngọc Thuần là một cây bút chuyên sáng tác cho trẻ em. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ. Nổi bật trong truyện là nhân vật người bố được khắc họa vô cùng chân thực, sinh động.

Qua những câu văn đầu tiên, người bố hiện lên với tình yêu thiên nhiên. Nhà của “tôi” có một khu vườn rất rộng. Người bố đã trồng rất nhiều hoa. Buổi chiều ra đồng về, bố thường dắt tôi ra vườn tưới nước cho cây. Tình yêu của người bố dành cho khu vườn cũng giống như dành cho đứa con.

Bên cạnh đó, nhân vật này còn là một một người tinh tế, kiên nhẫn. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, người bố vẫn dành thời gian để trò chuyện và chia sẻ với đứa con của mình. Bố đã nghĩ ra những trò chơi thú vị để dạy con cách cảm nhận thiên nhiên. Ông đã bảo con nhắm mắt lại, sau đó dẫn cậu đi đến để chạm từng bông hoa một rồi đoán xem đó là hoa gì. Từ trải nghiệm đó, đứa con đã nhận ra được bài học ý nghĩa về sự yêu thương và biết ơn trong cuộc sống. Sau đó, người bố lại nghĩ ra một trò chơi khác, thay vì chạm thì bây giờ con sẽ chỉ được ngửi rồi gọi tên. Khi đã thuần thục, bố khen cậu là người có chiếc mũi tuyệt nhất thế giới. Lúc đó, nhân vật tôi cũng nhận ra rằng chính những bông hoa là người đưa đường, dẫn lối cho cậu trong khu vườn.

Không chỉ vậy, người bố còn rất nhân hậu, giàu tình yêu thương. Chính bố đã cứu thằng Tí thoát chết. Với những món quà của Tí, bố đã đón nhận bằng một niềm trân trọng và nâng niu. Mặc dù rất ít khi ăn ổi nhưng vì đó là món quà của Tý nên bố đã vui vẻ thưởng thức nó. Khi nhận được câu hỏi thắc mắc của “tôi”, bố đã giải thích cho tôi hiểu về ý nghĩa của những món quà: “Một món quà bao giờ cũng đẹp. Khi ta nhận hay cho một món quà, ta cũng đẹp lây vì món quà đó…”.

Có thể thấy, nhân vật người bố trong “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là một người cha tuyệt vời, một tấm gương đáng để học theo.

Bài văn mẫu số 2

Bầy chim chìa vôi là một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Nhân vật chính trong truyện là Mon – một cậu bé nhân hậu, giàu tình tinh yêu.

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 6: Kể về gia đình mình (Dàn ý + 17 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 6

Nội dung của truyện kể về việc Mon tỉnh giấc, rồi quay sang gọi Mên. Mon lo lắng cho bầy chim chìa vôi làm tổ ở ngoài bờ sông. Mưa lớn khiến tổ chim chìa vôi ở dải cát giữa sông bị nhấn chìm. Sau một lúc trò chuyện, cả hai quyết định sẽ ra bờ sông để đưa những chú chim vào bờ. Từ chiều qua, nước đã dâng lên nhanh hơn. Nước dâng lên đến đâu, chim bố và chim mẹ lại dẫn bầy con tránh nước đến đó. Cứ thế, chúng tiến đến phần cao nhất của dải cát. Đến sáng, bầy chim đã bứt khỏi dòng nước, bay lên cao. Tấm thân của nó vụt ra khỏi mặt nước, bay cao hơn hẳn lần cất cánh đầu tiên. Chứng kiến cảnh đó, Mon và Mên đều cảm thấy hạnh phúc, sung sướng.

Có thể thấy, dù còn nhỏ tuổi, nhưng Mon lại rất hiểu chuyện. Cậu biết suy nghĩ, lo lắng cho đàn chim chìa vôi làm tổ ở ngoài sông. Mon lo lắng những chú chim có thể bị nước sông cuốn trôi. Những câu hỏi của Mon dành cho anh trai đã thể hiện được điều đó: “Anh bảo mưa to không?”, “Nước sông lên có to không?”, “Bãi cát giữa sông đã ngập chưa, bầy chim còn ở đấy không?”. Dù cậu đã tự nghĩ đến những chuyện vui khác, nhưng vẫn nghĩ đến bầy chim: “Những con chim chìa vôi non bị chết đuối mất”.

Điều này cũng xuất phát từ tình yêu thương các loài động vật của cậu bé Mon. Cậu đã đề nghị anh Mên: “Hay mình mang chúng nó vào bờ?” và rồi cậu quả quyết: “Mình phải đem chúng nó vào bờ, anh ạ”. Thế rồi, Mon và Mên cùng nhau ra ngoài bờ sông để Khi nhìn thấy bầy chim đã an toàn, Mon đã khóc khi nhìn thấy bầy chim chìa vôi có thể cất cánh bay lên, đó là giọt nước mắt của hạnh phúc và niềm vui.

Tác giả đã thông qua lời nói và hành động cụ thể để làm nổi bật nét đặc điểm, tình cách của nhân vật Mon. Ngoài ra ngôn từ trong sáng, hình ảnh gần gũi, quen thuộc cũng góp phần miêu tả cậu bé một cách chân thực, sinh động.

Như vậy, qua nhân vật Mon, tác giả đã gửi gắm thông điệp ý nghĩa, giá trị đến người đọc. Đó chính là bài học về tình yêu thương và trân trọng thiên nhiên.

Bài 4: Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc

Bài văn mẫu số 1

Người bố có cách thể hiện tình yêu với con cái thật khác so với người mẹ. Nếu mẹ có vẻ dịu dàng, thì bố lại luôn nghiêm khắc. Dù vậy, tình yêu thương của bố cũng không thua kém so với mẹ.

Gia đình của tôi gồm có bốn thành viên. Đó là bố, mẹ, anh Tùng và tôi. Năm nay, bố bốn mươi lăm tuổi. Bố có dáng người cao nhưng hơi gầy. Khuôn mặt vuông chữ điền, mái tóc cắt ngắn đã điểm vài sợi bạc. Làn da ngăm đen vì những tháng ngày vất vả làm việc. Vầng trán cao toát lên vẻ cương nghị. Tôi thích nhất là đôi bàn tay to lớn, chai sần nhưng tràn đầy ấm áp.

Theo lời nhận xét của mẹ, bố là một người khó tính, nguyên khắc và cẩn thận. Dù vậy, bố cũng rất lãng mạn và tâm lí. Là một bác sĩ, công việc của bố luôn bận rộn. Nhưng bố vẫn dành thời gian cho gia đình. Bố luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ việc nhà với mẹ. Mỗi khi có bài tập khó, em thường nhớ bố hướng dẫn. Mỗi khi rảnh rỗi, bố lại đưa cả nhà đi chơi. Bố cũng rất giỏi nấu ăn. Món tủ của bố là sườn xào chua ngọt. Đó cũng là món tôi thích nhất. Từ nhỏ đến lớn, bố đã dạy cho anh Tùng và tôi rất nhiều điều bổ ích. Bố đã rèn luyện cho chúng tôi trở thành những đứa trẻ ngoan ngoãn và tự lập.

Thời gian qua đi, bố ngày càng có tuổi. Có nhiều lúc đi làm về, tôi cảm nhận được sự mệt mỏi của bố. Nhưng bố chưa bao giờ than vãn. Mà bố vẫn luôn là điểm tựa vững chắc của hai mẹ con.

Người bố quả thật luôn dành cho con tình yêu thương đặc biệt. Bởi vậy, chúng ta phải luôn dành sự yêu thương và kính trọng cho họ.

Bài văn mẫu số 2

Những sự việc xảy ra trong cuộc đời đều đem đến một bài học cho mỗi người. Và em cũng đã trải qua một sự việc khiến em nhớ mãi.

Đầu năm học lớp bảy, gia đình của em chuyển vào Nam sống. Em phải học ở một ngôi trường mới. Do tính cách khá nhút nhát, em chưa làm quen được với nhiều bạn trong lớp. Em còn nhớ đó ngày hôm đó, lớp em có giờ kiểm tra môn Ngữ Văn. Khi em đang ngồi ôn tập lại bài thì nghe thấy có bạn gọi tên mình:

– Thúy Hạnh ơi, cậu có bút bi màu đen không? Cho tớ mượn một chiếc với. Lát nữa có giờ kiểm tra mà bút của tớ hết mực mất rồi. Chẳng có bạn nào đem theo bút bi đen cả.

Em quay lại thì nhận ra đó là Hà Phương – người bạn ngồi phía sau em. Cả chỉ chào hỏi nhau khi em mới chuyển vào lớp. Dù vậy, em vẫn vui vẻ mở hộp bút của mình ra, rồi đưa bạn chiếc bút còn lại của mình.

– Mình có! Cho bạn mượn này!

Bạn mỉm cười rồi nhìn hỏi em:

– Mình cảm ơn bạn nhé!

Em nói với bạn:

– Không có gì đâu!

Sau giờ kiểm tra hôm đó, vào giờ ra chơi, Hà Phương trả bút cho em. Bạn còn chủ động bắt chuyện với em. Cả hai đã trò chuyện rất vui vẻ. Em nhận ra mình và Phương có rất nhiều điểm chung. Kể từ hôm đó, chúng em đã trở thành những người bạn tốt của nhau.

Sự việc xảy ra lần đó đã giúp em làm quen thêm được một người bạn mới. Em rất trân trọng tình bạn với Hà Anh. Em cũng mong rằng cả hai sẽ luôn là những người bạn tốt của nhau.

Bài 5: Viết văn bản tường trình

Mẫu số 1

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

…, ngày… tháng… năm…

BẢN TƯỜNG TRÌNH

Kính gửi: Giáo viên chủ nhiệm lớp 7A2.

Em là: Nguyễn Đức Anh, học sinh lớp 7A2, Trường THCS Hà Đông xin phép được tường trình lại vụ việc đánh nhau đã xảy ra.

Trong giờ ra chơi ngày hôm qua, em và bạn Đỗ Tuấn Hùng đã xảy ra xích mích. Do tức giận, em đã lao vào đánh bạn, khiến bạn bị thương. Sau đó, em cảm thấy vô cùng hối hận về hành động của mình. Em xin lỗi cam đoan những thông tin trong bản tường trình này là đúng sự thật. Em xin chịu mọi trách nhiệm và hứa lần sau sẽ không tái phạm!

Người làm tường trình

Đức Anh

Nguyễn Đức Anh

Mẫu số 2

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

…, ngày… tháng… năm 20…

BẢN TƯỜNG TRÌNH

(Về việc mất xe đạp nơi gửi xe ở trường)

Kính gửi:

– BGH trường THCS: …

– Giáo viên chủ nhiệm lớp 7A: …

Em là Nguyễn Khôi Nguyên, học sinh trường THCS Hai Bà Trưng, xin phép tường trình lại việc sau:

Sáng ngày… tháng… năm 20… , em đi xe đạp đến trường học. Em để xe ở nhà xe và quên không khóa xe. Đến giờ tan học, em lấy xe để ra về nhưng không thấy chiếc xe của mình.

Em xin cam đoan điều vừa tường trình là đúng sự thật. Em mong được BGH nhà trường và cô giáo chủ nhiệm giúp đỡ trong việc tìm lại chiếc xe đạp bị mất.

Người viết tường trình

Nguyên

Nguyễn Khôi Nguyên

Bài 6: Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến một nhân vật lịch sử

Bài văn mẫu số 1

Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam vốn tự hào với truyền thống yêu nước của dân tộc. Trong bất cứ thời đại nào, đất nước cũng có những bậc anh hùng đứng lên lãnh đạo nhân dân đánh bại kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Một trong số đó phải kể đến Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn.

Tham khảo thêm:   Cách nấu canh chua cá trắm với dưa chua cực ngon đơn giản tại nhà

Trần Quốc Tuấn (1231? – 1300), tước Hưng Đạo Đại Vương. Ông là con trai của thân vương An Sinh Vương – Trần Liễu. Ông sinh ra trong một thời kì “hỗn loạn” của nhà Trần. Năm 1285 và năm 1287, quân Nguyên – Mông xâm lược nước ta, lần nào ông cũng được Trần Nhân Tông cử làm Tiết chế thống lĩnh các đạo quân, cả hai lần đều thắng lợi vẻ vang. Vào đời vua Trần Anh Tông, ông về trí sĩ ở Vạn Kiếp (nay là xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) rồi mất ở đấy. Nhân dân tôn thờ ông là Đức thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều trên đất nước.

Trần Quốc Tuấn được biết đến là một người thông minh, văn võ song toàn. Ông chính là một danh tướng kiệt xuất của dân tộc thời Trần, góp công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên của dân tộc. Không chỉ vậy, ông cũng có nhiều tác phẩm hay, chủ yếu liên quan đến binh pháp. Các tác phẩm của ông gồm Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Hịch tướng sĩ), Binh gia diệu lý yếu lược (Binh thư yếu lược), Vạn Kiếp tông bí truyền thư (Sách bí truyền của tông phái Vạn Kiếp, đã bị thất lạc).

Có rất nhiều tích truyện kể về Trần Quốc Tuấn. Trong đó, chúng ta có thể kể đến việc Trần Quốc Tuấn viết “Hịch tướng sĩ”. Bài hịch được viết vào khoảng trước cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ hai (1285). Mục đích của Trần Quốc Tuấn nhằm khích lệ tướng sĩ học tập cuốn Binh thư yếu lược (Sách tóm tắt những điều cốt yếu về binh pháp) cũng do chính ông soạn.

Nội dung chính của “Hịch tướng sĩ” phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Điều đó được thể hiện qua lòng căm thù giặc, ý chí quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược. đưa ra những tấm gương thể hiện sự trung thành của các vị tướng thời trước. Sau đó ông nêu lên tội ác của quân giặc, bộc lộ nỗi lòng của mình trước hoàn cảnh của đất nước. Ông chỉ ra sự sai trái trong hành động, suy nghĩ của các tướng sĩ. Cuối cùng là lời kêu gọi tướng sĩ học tập theo “Binh thư yếu lược”.

Có thể thấy rằng, Trần Quốc Tuấn không chỉ là một người tài ba anh dũng còn là một vị tướng hết lòng vì vận mệnh đất nước. Ông là một vị anh hùng kiệt xuất, được thế giới tôn vinh là một trong những vị tướng vĩ đại nhất mọi thời đại.

Bài văn mẫu số 2

Tiến quân ca là một trong những sáng tác tâm đắc nhất của tôi. Bài hát được ra đời trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt, cũng như đánh dấu một bước ngoặt lớn của cuộc đời của tôi.

Trong một khoảng thời gian khá dài, tôi đã đánh mất đi những khát vọng và ước mơ của tuổi trẻ. Khi đó, cuộc sống chỉ chìm trong những ngày tháng tuyệt vọng, chán nản. Giữa lúc tôi muốn bỏ cuộc, tôi đã gặp được anh Ph. D. – một người bạn rất thân thiết đã khiến cuộc đời của tôi thay đổi.

Anh Ph.D. đã giới thiệu tôi quen biết với anh Vũ Quý, người đã theo dõi con đường hoạt động nghệ thuật của tôi lâu năm. Chúng tôi đã có một buổi trò chuyện, với tôi vô cùng quý giá, để từ đó, tôi đã tìm ra hướng đi mới cho bản thân – đi theo cách mạng. Khao khát của tôi là được cùng với đồng đội cầm súng tiêu diệt kẻ thù, nhưng nhiệm vụ của tôi lại là sáng tác nghệ thuật.

Thời điểm đó, khoa quân chính kháng Nhật sắp mở, cần một bài hát để khích lệ tinh thần cho quân đội cách mạng. Tôi đã từng sáng tác khá nhiều bài hát về tinh thần yêu nước như: Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, Tiếng rừng… tuy nhiên tôi lại chưa từng viết về cách mạng. Dù vậy, tôi dùng hết tất cả lòng nhiệt thành để sáng tác nên bài hát “Tiến quân ca”.

Anh Ph.D. là người đã chứng kiến toàn bộ quá trình sáng tác bài hát. Còn anh Vũ Quý là người đầu tiên được biết đến bài hát. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi chính là người đầu tiên xướng âm ca khúc. Cả ba đều vô cùng xúc động.

Tôi không ngờ rằng, chỉ sau một thời gian rất ngắn, vào ngày 17 tháng 8 năm 1945, Tiến quân ca được hàng nghìn người hòa nhịp cất cao tiếng hát trước quảng trường Nhà hát Lớn. Trong một lúc, những tờ truyền đơn in Tiến quân ca được phát cho từng người trong hàng ngũ công chức dự mít tinh. Khi ấy, tôi đứng lẫn vào trong đám đông quần chúng trước cửa Nhà hát Lớn. Tôi đã nghe thấy giọng hát quen thuộc của anh bạn tôi – Ph. D. qua loa phóng thanh. Lần thứ hai là ngày 19 tháng 8, hàng ngàn người và các em thiếu nhi cùng hát tiến quân ca. Sau này, khi bài hát “Tiến quân ca” được chọn làm Quốc ca chính thức của nước Việt Nam, tôi càng lấy làm vinh dự và tự hào.

Bài hát “Tiến quân ca” đã ra đời trong thời đại lịch sử đất nước được đánh dấu bởi “một buổi bình minh mới” của dân tộc.

Bài 7: Viết bài văn trình bày cảm xúc đối với một sự việc để lại cho em ấn tượng sâu sắc

Bài văn mẫu số 1

Trong cuộc sống, mỗi người hẳn đều đã từng mắc phải sai lầm. Tôi cũng vậy, nhưng nhờ có lỗi lầm đó, tôi đã nhận ra được một bài học quý giá.

Sự việc xảy ra vào tiết sinh hoạt cuối tuần trước. Hôm đó, cô giáo bận việc nên đã yêu cầu cả lớp tự quản. Vốn ham chơi, tôi đã rủ Cường trốn tiết đi chơi điện tử. Chúng tôi trèo tường ra ngoài, rồi vào quán điện tử gần cổng trưởng chơi. Tôi chọn một chỗ khuất trong cùng. Cả hai đang ngồi chơi rất say sưa thì bỗng nghe thấy một giọng nói quen thuộc:

– Minh và Cường, sao các em lại ở đây?

Tôi quay lại thì phát hiện ra là cô Thúy – giáo viên chủ nhiệm của lớp tôi. Tôi cảm thấy lo lắng, gọi Cường ngồi bên cạnh đứng dậy:

– Thưa cô, chúng em…

Cả hai ngập ngừng không nói được gì. Tôi lén nhìn cô Thúy. Khuôn mặt của cô toát ra sự sự thất vọng. Cô nói:

– Thôi, các em mau trở lại lớp cho cô. Ngày mai đến trường, cô sẽ nói chuyện với các em sau.

Cả hai nhanh chóng quay lại lớp học. Hôm sau đến lớp, tôi cảm thấy rất lo lắng. Sau giờ học, cô đã gọi chúng tôi ra để nói chuyện riêng. Cô còn nói sẽ gọi điện để trao đổi với phụ huynh vào buổi tối.

Suốt buổi học hôm đó, tôi cảm thấy thấp thỏm không yên. Buổi tối, khi cả nhà đang ngồi xem vô tuyến thì có tiếng chuông điện thoại. Tôi ngồi trên phòng hồi hộp chờ đợi. Mẹ là người nghe máy. Nghe tiếng mẹ thì đúng là cô giáo đã gọi đến thật. Nghe cuộc điện thoại xong, mẹ đã nói chuyện với bố nhưng tôi không nghe rõ được lời mẹ. Tôi cảm thấy vô cùng lo lắng. Mẹ gọi tôi xuống nhà.

Mẹ nhẹ nhàng nói:

– Vừa nãy, cô giáo có gọi điện đến để trao đổi về tình hình học tập của con.

Tôi không dám nói gì, chỉ đứng im chờ đợi những lời trách mắng. Nhưng không, tôi chỉ nghe thấy bố nhẹ nhàng nhắc nhở:

– Cô giáo đã nói về việc con trốn học để đi chơi game. Việc này khiến bố mẹ cảm thấy rất thất vọng.

Sau đó, bố đã kể cho tôi nghe về việc khi bố còn nhỏ cũng đã từng ham chơi rồi trốn học. Nhưng ông bà nội đã khuyên bảo để giúp bố nhận ra sai lầm. Cả việc cuộc sống ngày xưa vất vả ra sao, nhưng ông bà vẫn cố gắng làm lụng để nuôi bố ăn học. Tôi lắng nghe những câu chuyện của bố mà cảm thấy ân hận về việc làm của mình vô cùng. Tôi nghẹn ngào nói với bố mẹ lời xin lỗi, cũng như lời hứa sẽ chăm chỉ học hành. Bố mẹ mỉm cười nhìn tôi, rồi động viên tôi.

Tham khảo thêm:   Tiếng Anh 7 Unit 2: Skills 2 Soạn Anh 7 trang 24, 25 sách Kết nối tri thức với cuộc sống

Sau sự việc xảy ra khiến tôi nhận ra bản thân cần phải thay đổi. Tôi trở nên trưởng thành hơn: chăm chỉ học tập, biết giúp đỡ bố mẹ… Đây đúng là một bài học đáng nhớ đối với tôi.

Bài văn mẫu số 2

“Thời gian trôi qua mau chỉ còn lại những kỷ niệm. Kỷ niệm thân yêu ơi, sẽ còn nhớ mãi tiếng thầy cô. Bạn bè mến thương ơi, sẽ còn nhớ những lúc giận hờn. Để rồi mai chia xa lòng chợt dâng niềm thiết tha. Nhớ bạn bè, nhớ mái trường xưa…”. Những câu hát trong bài “Mong ước kỷ niệm xưa” đã gợi nhắc cho tôi nhớ về ngày khai trường dưới mái trường Trung học cơ sở.

Sự việc xảy ra vào một buổi sáng mùa thu tuyệt đẹp. Thời tiết mát mẻ, dễ chịu vô cùng. Tôi thức dậy thật sớm, chuẩn bị sách vở đầy đủ và mặc bộ đồng phục mới tinh. Đúng bảy giờ, tôi đạp xe đến trường. Trên đường đi, tôi cảm thấy thật háo hức, cũng đầy lo âu. Ngày hôm nay, tôi đã chính thức trở thành một học sinh Trung học cơ sở. Thật đáng tự hào biết bao!

Con đường đến trường vốn đã quen thuộc. Trường Tiểu học của tôi cũng nằm gần đây. Trước đây, tôi thường được mẹ đèo đi học trên con đường này. Nhưng hôm nay, tôi đã lớn hơn và tự mình đạp xe đến trường. Chỉ khoảng mười lăm phút, tôi đã đến trường. Trước cổng trường thật đông đúc người, đó là những học sinh và cả phụ huynh đưa con đến trường. Khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, hân hoan. Hôm nay, ngôi trường thật đẹp. Sân trường đã được quét dọn sạch sẽ. Những hàng ghế được xếp ngay ngắn. Trên sân khấu có treo một tấm băng rôn màu xanh. Ở đó có gắn dòng chữ màu trắng: “LỄ KHAI GIẢNG” ở chính giữa. Phía bên dưới là tên trường “THCS….”. Hai bên sân khấu cũng được treo những lá cờ đỏ thắm. Chiếc trống nằm im một góc. Ngay cả nó cũng đã được trang trí bằng một chiếc nơ màu đỏ rất đẹp.

Buổi lễ khai giảng bắt đầu vào đúng bảy giờ ba mươi phút. Một hồi trống giòn giã vang lên yêu cầu học sinh ổn định chỗ ngồi. Những tiết mục văn nghệ do các anh chị học sinh trình bày đã mở đầu cho buổi lễ khai giảng. Tiếp đến là phần tổng kết về năm học cũ, cũng như mục tiêu của năm học mới của cô Hoa – tổng phụ trách. Sau phần phát biểu của cô, tôi sẽ đại diện cho học sinh khối lớp sáu phát biểu cảm nghĩ. Tôi cảm thấy khá hồi hộp Đây là lần đầu tiên tôi đứng phát biểu trước đông người như vậy. Nhưng nhờ có sự động viên của cô giáo tổng phụ trách, tôi đã có thêm sự tự tin. Phần trình bày của tôi đã rất trôi chảy, còn nhận được tràng pháo tay của mọi người nữa. Lần đầu tiên, tôi có cơ hội đứng trước toàn trường, thay mặt cho học sinh khối sáu, trình bày cảm nhận của mình. Đây chính là một niềm vinh dự của tôi.

Nhưng ngày hôm đó, tôi cảm thấy ấn tượng nhất với lời phát biểu của thầy hiệu trưởng. Những lời nói sâu sắc mà quý giá giúp cho mỗi học sinh nhận thức rõ về trách nhiệm của mình. Buổi lễ khai giảng kết thúc bằng tiếng trống trường giòn giã do chính thầy hiệu trưởng đánh. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ âm thanh của tiếng trống trường khi đó.

Buổi lễ khai giảng là một kí ức đẹp đẽ trong quãng đời học sinh của tôi. Nó sẽ trở thành hành trang quý giá để tôi có thể vững bước trong chặng đường tương lai phía trước.

Bài 8: Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động

Bài văn mẫu số 1

Những trò chơi giúp con người thư giãn, giải trí. Mỗi trò chơi đều có những quy tắc và luật lệ riêng, trò chơi chuyền cũng vậy.

Chơi chuyền, hay còn gọi là đánh chắt, đánh thẻ là một trò chơi dân gian phổ biến với trẻ em, nhưng chủ yếu là các bạn nữ. Trò chơi này xuất hiện từ rất lâu về trước và có luật chơi khá đơn giản.

Số lượng người chơi có thể là một người, hoặc có thể từ hai đến năm người chơi thay phiên nhau. Để chơi chuyền cần chuẩn bị dụng chơi bao gồm mười que nhỏ gọi là que chuyền và một quả nặng. Que chuyền có thể được vót bằng tre hoặc nứa, thân nhỏ và dài. Quả nặng để chơi chuyền ngày xưa được sử dụng bằng quả cà, quả bưởi còn nhỏ…

Người chơi chuyền chỉ cần ngồi tại chỗ không cần di chuyển. Vì vậy, trò chơi ở bất cứ đâu như trong nhà, lớp học hoặc sân trường… Tuy nhiên trò chơi chuyền có hành động tung và đỡ bóng nên cần tránh các không gian bị vướng ở phía trên, để bóng không đánh trúng.

Trò chơi chuyền gắn liền với bài đồng dao cùng tên với lời thơ khá dài. Vì vậy trước khi chơi, người chơi nên được học thuộc trước lời đồng dao. Khi chơi, chúng ta sẽ oẳn tù tì để sắp xếp thứ tự chơi. Ở mỗi lượt, người chơi cần trải qua mười bàn chuyền một tay và mười bàn chuyền hai tay.

Mỗi bàn chuyền một tay cần tiến hành hai hành động là giải que truyền xuống chân và nhặt que truyền. Giải que chuyền là hành động đầu tiên của mỗi bàn. Người chơi sẽ duỗi thẳng một chân, dùng tay ngược lại với chân cầm cả quả nặng và mười que chuyền. Sau đó, người chơi sẽ tung quả nặng lên cao (nhưng không làm rơi que chuyền). Trong lúc quả nặng bay lên không trung, người chơi nhanh chóng dùng tay chải mười que chuyền dọc ống chân đang duỗi. Khi quả nặng rơi xuống, lại nhanh tay dùng chính tay ban đầu để đỡ quả nặng. Tiếp đến, người chơi cần tiến hành nhặt que chuyền. Quả nặng được cầm ở một tay, sau đó tung lên không trung. Trong lúc quả nặng trên không trung, người chơi nhanh chóng dùng chính tay vừa cầm để lấy số que cần nhặt ở mỗi bàn. Sau khi hết mười bàn chuyền một tay, người chơi sẽ chuyển sang chuyền bằng hai tay cũng bằng cách tung quả năng lên cao, đồng thời dùng hai tay nắm mười que chuyền ở giữa và xoay một đến hai vòng tại chỗ. Bàn chuyền này cũng sẽ thực hiện mười lần.

Trò chơi chuyền giúp rèn luyện trí nhớ, tư duy và cùng với đó mang đến cho trẻ sự nhanh nhẹn, dẻo dai, khéo léo. Có thể khẳng định, chơi chuyền là một trò chơi bổ ích, thú vị.

Bài văn mẫu số 2

Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống văn hóa. Điều đó được thể hiện qua nhiều phương diện khác nhau. Một trong số đó có thể kể đến các trò chơi dân gian.

Bịt mắt bắt dê là một trò chơi đã xuất hiện từ lâu. Trong những bức tranh xưa, chúng ta đã thấy được hình ảnh cô bé, cậu bé đang trò này. Đây là một trò chơi mang tính tập thể cao, với sự tham gia của nhiều người chơi. Cách gọi “bắt dê” cũng có ý nghĩa riêng. Loài dê có bản tính hiền lành, nhút nhát nhưng khá linh hoạt và rất thích vận động. Vì vậy, người bắt được dê cần có sự nhanh nhẹn, tinh ý và chiến thuật. Mở mắt để bắt dê đã khó, bịt mắt để bắt được dê lại càng khó khăn hơn.

Trò chơi này thường được chơi ở những nơi rộng rãi, ví dụ như sân trường, công viên… Những người chơi sẽ nắm tay nhau để tạo ra một vòng tròn. Tất cả những người chơi sẽ oẳn tù xì để quyết định xem ai là người làm. Người thua sẽ phải bịt mắt lại bằng một chiếc khăn để không nhìn thấy. Những người còn lại đứng thành vòng tròn quanh người bị bịt mắt. Mọi người chạy xung quanh người bị bịt mắt đến khi nào người đó hô “đứng lại” thì họ phải đứng lại, không được di chuyển nữa. Nếu người làm bắt được “dê” và đoán đúng tên thì người đó sẽ phải ra “bắt dê”.

Bịt mắt bắt dê là trò chơi giúp rèn luyện phản xạ, cũng như sự nhanh nhẹn của người chơi. Không chỉ vậy, trò chơi này còn giúp gắn kết mọi người với nhau.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 7 (3 bộ sách mới) Tuyển tập những bài văn mẫu lớp 7 hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *