Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 6: Phân tích tác phẩm Vượt thác của Võ Quảng Dàn ý & 5 bài văn hay lớp 6 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Đoạn trích “Vượt thác” trích trong tác phẩm Quê nội của nhà văn Võ Quảng sẽ được tìm hiểu trong chương trình Ngữ văn lớp 6.

Phân tích tác phẩm Vượt thác

Wikihoc.com sẽ giới thiệu đến các em học sinh tài liệu Bài văn mẫu lớp 6: Phân tích tác phẩm Vượt thác, hy vọng có thể giúp ích trong quá trình tìm hiểu về tác phẩm trên.

Dàn ý phân tích tác phẩm Vượt thác

I. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả Đoàn Giỏi.

– Giới thiệu về văn bản “Vượt thác” (xuất xứ, tóm tắt, khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật…).

II. Thân bài

1. Con thuyền qua đoạn sông phẳng lặng trước khi tới chân thác

– Cảnh dòng sông:

  • Cánh buồm nhỏ căng phồng, thuyền rẽ sóng lướt bon bon như đang nhớ núi rừng.
  • Những chiếc thuyền chất đầy cau tươi, dây mây, dầu rái, những chiếc thuyền chở mít, chở quế.
  • Thuyền nào cũng xuôi chầm chậm.

– Cảnh hai bên bờ:

  • Ở ngã ba sông, chung quanh là những bãi dâu trải ra bạt ngàn.
  • Càng về ngược, vườn tược càng um tùm.
  • Dọc sông, những chòm cây cổ thụ dáng mãnh liệt, đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước.
  • Núi cao.

=> Thiên nhiên đa dạng phong phú, giàu sức sống, vừa nguyên sơ vừa cổ kính.

2. Thuyền qua đoạn sông nhiều thác dữ

* Hoàn cảnh: thuyền đến Phường Rạnh, thuyền chuẩn bị vượt nhiều thác nước.

* Nhân vật dượng Hương Thư:

– Ngoại hình:

  • Cởi trần.
  • Như pho tượng đồng đúc.
  • Các bắp thịt cuồn cuộn.
  • Hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa.

– Hành động:

  • Co người phóng sào.
  • Thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt.
  • Ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh, hùng vĩ.

=> Đẹp, khỏe, dũng mãnh.

3. Thuyền khi đã đi qua thác dữ

– Con người: chú Hai vứt sào, ngồi xuống thở không ra hơi.

– Thiên nhiên:

  • Dòng sông chảy quanh co dọc những núi cao sừng sững.
  • Dọc sườn núi, những cây to mọc giữa những bụi lúp xúp, nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước.

III. Kết bài

– Nội dung: Bài văn miêu tả cảnh vượt thác của con thuyền trên sông Thu Bồn, làm nổi bật vẻ hùng dũng và sức mạnh của con người lao động trên nền cảnh thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ.

– Nghệ thuật: so sánh, nhân hóa, điểm nhìn trên con thuyền theo hành trình vượt thác rất tự nhiên, sinh động, trí tưởng tượng phong phú,….

Phân tích tác phẩm Vượt thác – Mẫu 1

“Vượt thác” trích từ chương XI trong truyện “Quê nội”, một trong những tác phẩm thành công nhất của Võ Quảng. Truyện viết về cuộc sống ở một làng quê ven sông Thu Bồn (làng Hoà Phước), tỉnh Quảng Nam vào những ngày sau Cách mạng tháng Tám 1945 và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với đoạn trích này, tác giả đã làm nổi bật vẻ hùng dũng và sức mạnh của con người lao động trên nền cảnh thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ.

Tác giả miêu tả dòng sông Thu Bồn và quang cảnh hai bên bờ trong một cuộc vượt thác của con thuyền do dượng Hương Thư chỉ huy, từ làng Hoà Phước lên thượng nguồn để lấy gỗ về dựng trường học cho làng. Qua đó làm nổi bật vẻ hùng dũng và sức mạnh của con người lao động trên cái nền là khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Nghệ thuật tả cảnh, tả người xuất phát từ điểm nhìn trên con thuyền theo hành trình vượt thác nên rất tự nhiên, sinh động. Cuộc hành trình được kể lại theo trình tự thời gian. Con thuyền qua đoạn sông phẳng lặng trước khi đến chân thác, ngược dòng sông từ bến làng Hoà Phước, qua đoạn sông êm ả ở vùng đồng bằng, rồi vượt đoạn sông có nhiều thác ghềnh ở vùng núi, sau cùng lên tới khúc sông khá phẳng lặng không còn thác dữ.

Có thể coi bức tranh thiên nhiên được miêu tả trong bài văn này là một bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Đứng trên con thuyền, tác giả ngắm bầu trời và dòng sông, trong lòng trào lên một cảm xúc mãnh liệt. Hơi văn cuồn cuộn như con thuyền lướt sóng: “Cánh buồm nhỏ căng phồng. Thuyền rẽ sóng lướt bon bon như đang nhớ núi rừng phải lướt cho nhanh để về cho kịp”.

Đoạn sông ở vùng đồng bằng thật êm đềm, hiền hoà thơ mộng, thuyền bè tấp nập. Hai bên bờ là những bãi dâu trải ra bạt ngàn đến tận những làng xa tít. Là miền quê trù phú: “Thỉnh thoảng chúng tôi gặp những thuyền chất đầy cau tươi, dây mây, dầu rái, những thuyền chở mít, chở quế. Thuyền nào cũng xuôi chậm chậm. Càng về ngược, vườn tược càng um tùm…”.

Đến đoạn nhiều thác ghềnh thì cảnh vật hai bên bờ sông cũng thay đổi: “Những chòm cổ thụ đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước, rồi núi cao đột ngột hiện ra như chắn ngang trước mặt”. Ở đoạn sông có nhiều thác dữ, tác giả đặc tả hình ảnh dòng nước: “Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn. Dòng chảy dữ dội đã được tác giả miêu tả thật ấn tượng”.

Giữa khung cảnh hoang dã và dữ dội ấy, hình ảnh con người hiện lên thật đẹp, thật khoẻ. Sự hiểm trở hiện lên qua việc miêu tả những động tác dũng mãnh của dượng Hương Thư và mọi người khi chống thuyền vượt thác: “Dượng Hương Thư đánh trân đứng sau lái co người phóng chiếc sào xuống lòng sông nghe một tiếng “xoạc”! Thép đã cấm vào sỏi! Dượng Hương ghì chặt trên đầu sào, lấy thế trụ lại, giúp cho chú Hai và thằng Cù Lao phóng sào xuống nước. Chiếc sào của dượng Hương dưới sức chống bị cong lại. Nước bị cản văng bọt tứ tung, thuyền vùng vằng cứ chực trụt xuống, quay đầu chạy về lại Hòa Phước”.

Điều đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả ở đoạn này là sự phối hợp miêu tả cảnh vật thiên nhiên với hoạt động của con người đưa thuyền ngược dòng, vượt thác. Cảnh thiên nhiên hiện lên thật đẹp đẽ và phong phú. Trung tâm của bức tranh là hình ảnh con người mà nổi bật là vẻ rắn rỏi, dũng mãnh của dượng Hương Thư: “Những động tác thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt. Thuyền cố lẩn lên. Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ”.

Nhân vật dượng Hương Thư được tác giả tập trung khắc hoạ nổi bật trong cuộc vượt thác. Dượng Hương Thư vừa là người đứng mũi chịu sào quả cảm lại vừa là người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm. Tác giả tập trung miêu tả các động tác, tư thế và ngoại hình nhân vật này với nhiều hình ảnh so sánh vừa khái quát vừa gợi cảm. So sánh như một pho tượng đồng đúc thể hiện ngoại hình gân guốc, vững chắc của nhân vật. Còn so sánh giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ lại thể hiện vẻ dũng mãnh, tư thế hào hùng của con người trước thiên nhiên. Tác giả còn so sánh hình ảnh dượng Hương Thư khi vượt thác khác hẳn với hình ảnh của dượng lúc ở nhà để càng làm nổi bật vẻ đẹp khỏe khoắn, kiên cường của nhân vật.

Tham khảo thêm:   Tổng hợp các món ăn từ cá chép, bỏ túi để nấu cả tháng không bao giờ ngán

Hình ảnh dòng sông vẫn chảy quanh co giữa những núi cao nhưng đã bớt hiểm trở và đột ngột mở ra một vùng ruộng đồng khá bằng phẳng như để chào đón con người sau cuộc vượt thác thắng lợi. Ở đoạn đầu, khi con thuyền đã qua đoạn sông êm ả, sắp đến khúc sông có nhiều ghềnh thác thì phong cảnh hai bờ cũng đổi khác và những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước vừa như báo trước về một khúc sông dữ hiểm, vừa như mách bảo con người dồn nén sức mạnh chuẩn bị vượt thác. Còn ở đoạn cuối, hình ảnh những chòm cổ thụ lại hiện ra trên bờ khi con thuyền đã vượt qua nhiều thác dữ, thì lại mọc giữa những bụi lúp xúp nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước. Nghệ thuật so sánh làm nổi bật sự tương phản trong nét đẹp của thiên nhiên và biểu hiện được tâm trạng hào hứng, phấn chấn của con người vừa vượt qua được những thác ghềnh nguy hiểm, tiếp tục đưa con thuyền tiến lên phía trước.

Bài văn miêu tả dòng sông Thu Bồn và cảnh quan hai bên bờ theo hành trình của con thuyền qua những vùng địa hình khác nhau nhưng tập trung nhiều nhất vào cảnh vượt thác. Qua đó tác giả làm nổi bật hình ảnh của con người lao động trên cái nền là khung cảnh sông núi miền Trung hùng vĩ và nên thơ.

Phân tích tác phẩm Vượt thác – Mẫu 2

Võ Quảng sinh năm 1920, quê ở tỉnh Quảng Nam, là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Bài “Vượt thác” trích từ chương XI của truyện “Quê nội” (1974). Tên bài văn do người biên soạn đặt. Truyện viết về cuộc sống ở một làng quê ven sông Thu Bồn (làng Hòa Phước) tỉnh Quảng Nam, miền Trung Trung Bộ vào những ngày sau Cách mạng tháng Tám 1945 và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hai câu văn mở đầu xác định điểm cuối nguồn bắt đầu về thượng nguồn của dòng sông, cũng là hai câu giới thiệu kinh nghiệm đầu của nghề lái đò: “Thuyền về ngược thì nhờ hướng gió, về xuôi thì nương theo dòng chảy của sông”. Dượng Hương Thư – nhân vật chính trong đoạn văn này có thừa kinh nghiệm ấy. Bởi vậy, “gió nồm vừa thổi”, gió đông nam thổi từ biển vào đất liền là dượng đã nhổ sào, giương cánh buồm nhỏ đón gió cho: “Thuyền rẽ sóng lướt bon bon núi rừng phải lướt cho nhanh để về cho kịp”. Câu văn so sánh bằng phép nhân hóa thể hiện thuyền cùng người nhớ quê, đồng thời giới thiệu khoảng đường sông xa mà người và thuyền phải vượt qua.

Những đoạn vàn còn lại, Võ Quảng tả cảnh làng xóm hai bên bờ sông, cùng với dượng Hương Thư, chú Hai và thằng Cù Lao vượt thác. Đó là cảnh ngã ba sông với “những bãi đậu trải ra bạt ngàn đến tận những làng xa tít” là cảnh lâu lâu lại gặp những thuyền xuôi theo con nước chở “đầy cau tươi, dây mây, dầu rái, những thuyền chở nút, chở quế”. Câu văn giới thiệu giao thông đường thủy vừa giới thiệu sản phẩm của vùng quê miền núi Quảng Nam. Trái cây vườn thì có cau tươi, mít, dây mây, dầu rái, quế là quà tặng của núi rừng. Đấy là nguồn lợi về kinh tế. Rồi “những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước. Núi cao như đột ngột hiện ra chắn ngang trước mặt”. Câu văn nhân hóa khiến tâm hồn người đọc lắng lại. Câu văn so sánh khiến người đọc ngỡ ngàng trước sự hùng vĩ của núi sông. Cả hai hình ảnh như là dấu hiệu của tự nhiên báo trước chặng đường khó khăn: “Thuyền chuẩn bị vượt nhiều thác nước”.

Hai đoạn văn kế tiếp, Võ Quảng tập trung viết về dượng Hương Thư và chuyên vượt thác cổ Cò. Mô tả ngọn thác này nhà văn viết: “Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn”. Hình ảnh so sánh ấy biểu thị mức độ nguy hiểm của dòng thác. Dòng nước chảy “đứt đuôi rắn” kia cho thấy dòng thác giữa hai vách đá dựng đứng đang trườn trên đá có mỏm nhô ra khiến dòng nước gãy khúc.

Nguy hiểm ở khúc gãy này chờ đợi người vượt thác, lúc này là dượng Hương Thư “như một pho tượng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn”. Sự so sánh ấy làm nổi bật sức dẻo dai của người thường xuyên sống cùng sông nước, nắng gió. về tính tình thì “dượng Hương Thư ở nhà, nói năng nhỏ nhẻ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ”. Nhưng khi vượt thác thì hoàn toàn khác hẳn. Trước hết, dượng là người nhận ra mức độ chết người khi vượt thác. Bởi vậy, bao nhiêu kinh nghiệm đều được dượng đưa ra. Từ việc chuẩn bị bữa cơm trước khi vượt thác cho chắc bụng. Có chuẩn bị như thế mới có sức khỏe đế “có khi suốt buổi phải chống liền tay không phút hở”. Đó là cách tối ưu để bảo vệ mạng sống con người và của cải có trên thuyền. Rồi chuyện vượt thác bắt đầu. Những hình ảnh sống động của dượng Hương Thư, chú Hai và thằng Cù Lao vào trang văn. “Dượng Hương Thư đánh trần đứng sau lái có người phóng chiếc sào xuống lòng sông nghe một tiếng xoạc”. Tiếp theo là những hình ảnh như tuôn trào sức mạnh cơ thế của dượng tập trung “ghì chặt trên đầu sào” để lấy thế cho thuyền không bị sức mạnh của dòng nước tống lui, giúp cho chú Hai và thằng Cù Lao phóng sào xuống đẩy thuyền đi tới. Vậy mà chiếc sào “bị cong lại”, còn chiếc thuyền thì “vùng vầng cứ chực tụt xuống”. Cái mặt, cái đôi mắt của dượng Hương Thư bị biến dạng khi “hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ”.

Cuộc chiến giữa con người và thác dữ không chỉ trong chốc lát. Mô tả một lần phóng sào, răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra… cũng là miêu tả nhiều lần. Mỗi lần thuyền nhích lên được một khoảng ngắn là mỗi lần phái dồn sức như thế và dượng Hương Thư xứng đáng là “một hiệp sĩ’ trước thiên nhiên “oai linh hùng vĩ” như rặng Trường Sơn. Cả ba người, nhất là dượng Hương Thư, phải chiến đấu dũng cảm, dai dẳng như thế, phải “thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt” như thế “cho đến chiều tối, thuyền vượt qua khỏi thác Cổ Cò”. Thế là đã qua chặng đường nguy hiểm, con người đã vượt được thác để tiến về phía trước, để đạt đến mục đích. Đoạn văn mang hơi thở của người vượt thác, còn bây giờ thì “dòng sông cứ chảy quanh co”. Núi cao sừng sững vẫn còn đó nhưng sông nước thì đã hiền hòa. “Dọc sườn núi, những cây to mọc giữa những bụi lúp xúp nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước”, một hình ảnh so sánh để nhân hóa những cây đa cây đề sông núi như bóng dáng các thế hệ tiền tố hỗ trợ chí khí cho thế hệ đời sau vượt qua mọi gian khó trong đời sống chí nhân, trong sự nghiệp dựng nước và bảo vệ đất nước. Nhịp văn, từ ngữ trong đoạn văn cuối bài dịu lại như chú Hai thở không ra hơi đang trở lại trạng thái thoải mái và cũng như dòng sông chảy “qua nhiều lớp núi, đồng ruộng lại mở ra”

Nghệ thuật nhân hóa và so sánh đã làm tăng sức hấp dẫn và ý nghĩa nội dung của chuyến vượt thác đơn thuần. Người đọc cảm nhận phía sau những dòng văn miêu tả ấy không chỉ có nét đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, ý chí vượt khó của con người mà còn có cả quà tặng của núi rừng Trường Sơn cho những con người đã cùng gắn bó.

Phân tích tác phẩm Vượt thác – Mẫu 3

Văn bản “Vượt thác” trích từ chương XI truyện dài “Quê nội” của nhà văn Võ Quảng. Tác phẩm đã khắc họa thiên nhiên và con người nơi đây với những nét đẹp.

Tham khảo thêm:   Các loại câu trong tiếng Anh Phân loại câu trong tiếng Anh

Con sông được nói đến là sông Thu Bồn thuộc tỉnh Quảng Nam. Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân làng Hòa Phước chủ trương xây trường học cho con em mình. Dượng Hương Thư được cắt cử đưa thuyền lên Dùi Chiêng mua gỗ đem về xây trường học. Đoàn đi Dùi Chiêng có bốn người: Dượng Hương Thư, chú Hai Quân và hai thiếu niên là Cù Lao và Cục. Cảnh vượt thác Cổ Cò được miêu tả và cảm nhận qua cảm xúc và tâm hồn của Cục. Đây là lần đầu tiên trong đời chú, một chuyến lên rừng, vượt thác đầy háo hức và thú vị. Chất thơ trên trang văn Võ Quảng dào dạt qua cảnh “Vượt thác” này.

Cảnh xuất phát rất gợi. Thuyền trưởng – dượng Hương “nhổ sào” khi “gió nồm vừa thổi”. Hình ảnh cánh buồm rất đẹp, đầy khí thế: “Cánh buồm nhỏ căng phồng”. Đó là cảnh “buồm căng gió lộng”.Con thuyền được nhân hóa “đang nhớ núi rừng” nên “rẽ sóng lướt bon bon”, như nóng ruột “phải lướt cho nhanh để về cho kịp”. Đó cũng là tâm trạng háo hức của chú bé Cục trong cuộc “viễn du” này.

Con thuyền ngược dòng, cảnh sắc thiên nhiên nối tiếp xuất hiện. “Ngã ba sông chung quanh là những bãi dâu trải ra bạt ngàn đến những làng xa tít”. Tác giả không nói đến chân trời, đến màu xanh, đến mênh mông của dòng sông mà ta vẫn cảm nhận được. Một miền quê trù phú trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa hiện ra gợi lên sự ấm no thanh bình. Tâm hồn mỗi chúng ta bâng khuâng liên tưởng. Một câu cổ thi: “Ngàn dâu xanh ngắt một màu…” (Chinh phụ ngâm). Một cảnh sắc làng quê bên hữu ngạn sông Đuống: “Xanh xanh bãi mía bờ dâu…” (Hoàng Cầm). Hoặc là ngã ba con sông La, quê hương nhà thơ Huy Cận thuộc Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh:

“Tới ngã ba sông, nước bốn bề,
Nửa chiều gà lại gáy bên đê.
Làng xa lặng lẽ sau tre trúc;
Bến cũ thuyền em sắp ghé về…”

Gợi mở liên tưởng là một nét đẹp trong câu văn xuôi của Võ Quảng. Do đó, chất thơ từ cảnh vật, từ tâm hồn đồng hiện. Bé Cục nhìn thấy bao la cảnh lạ. Những con thuyền xuôi dòng “chất đầy cam tươi, dây mây, dầu rái”. Có những thuyền “chở mít, chở quế”. Con sông Thu Bồn là mạch máu, là nguồn sống xứ Quảng. Vì chở đầy, chở nặng lâm thổ sản, nên “thuyền nào cũng xuôi chậm chậm”. Một cuộc sống ấm no, một miền rừng hào phóng… Càng ngược dòng sông, cảnh sắc sông núi càng đầy sức sống, hữu tình nên thơ. Vườn tược tốt tươi “um tùm”. Những chòm cổ thụ “dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước”. Cổ thụ được nhân hóa gợi tả vẻ đẹp hùng vĩ, thâm nghiêm của chốn đại ngàn rừng thiêng, rừng thẳm. Gần 200 năm về trước, một nữ sĩ tài ba đã viết:

“Xanh om cổ thụ tròn xoe tán,
Trắng xóa tràng giang phẳng lặng lờ”

(Bà Huyện Thanh Quan)

Đã sắp đến chân thác rồi. Lòng sông như thắt lại. Tầm mắt người đi thuyền bị thu hẹp dần. “Núi cao như đột ngột hiện ra chắn ngay trước mặt”. Đó là lúc dượng Hương, chú Hai Quân, bé Cù Lao, bé Cục đã đưa con thuyền ngược dòng Thu Bồn đến Phường Rạnh. Mọi người, nhất là bé Cục đã “Đi một đoạn đàng học một sàng khôn”, đã nhìn thấy bao cảnh lạ của quê hương.

Phần tiếp theo nói về cảnh vượt thác cổ Cò. Cuộc vượt thác thực sự là một cuộc chiến đấu căng thẳng, dữ dội. Vốn nhiều kinh nghiệm vượt thác băng ghềnh, vị thuyền trưởng “sai nấu cơm ăn để được chắc bụng”,phải chuẩn bị vì “nước còn to”, “phải chống liền tay không phút hở”. Vũ khí là con thuyền và ba chiếc sào tre đầu bịt sắt. Dòng thác thật đáng sợ: “Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn”. “Chảy đứt đuôi rắn” là cách nói so sánh của dân gian gợi tả dòng thác phóng từ cao xuống, nước chảy mạnh và xiết, cuồn cuộn như xoắn lại, như đứt tung ra. Dượng Hương Thư là người chỉ huy cuộc vượt thác trông thật đẹp, vẻ đẹp oai phong, gân guốc, mạnh mẽ. Người thì “đánh trần”. Động tác rất nhanh và mạnh: “con người phóng chiếc sào xuống lòng sông nghe một tiếng “xoạc!”.Tư thế rất dẻo dai cường tráng: “ghì chặt trên đầu sào, lấy thế trụ lại,…”. Chiếc sào “còn lại”. Dượng Hương Thư đã “giúp cho chú Hai và thằng Cù Lao phóng sào xuống nước”. Giữa dòng thác “nước bị cản văng bọt tứ tung”, ba thủy thủ đã chèo chống cật lực, mà có lúc “thuyền vùng vằng chực trụt xuống, quay đầu chạy về lại Hòa Phước”.Con thuyền được nhân hóa để cực tả cuộc vượt thác vô cùng gian truân, vất vả, cả ba tay chèo rất thiện nghệ, phối hợp nhịp nhàng: “Những động tác thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt”. “Nhanh như cắt” là thành ngữ gợi tả sự nhanh nhẹn, mạnh mẽ, sắc bén; những con sào lao xuống, phóng xuống, rút lên liên tục rất nhanh và dứt khoát. Dượng Hương Thư được đặc tả qua hàng loạt chi tiết như những nét khắc, nét tạc: Các bắp thịt thì “cuồn cuộn”, hàm răng thì “cắn chặt”, quai hàm thì “bạnh ra”, cặp mắt thì “nảy lửa”,… Đó là hình ảnh một vị thuyền trưởng rất dũng mãnh, quyết đoán và tài ba, không chịu lùi bước trước dòng thác mạnh, đã làm chủ cuộc sống, làm chủ thiên nhiên. Trong sinh hoạt đời thường, dượng Hương hiền lành, khiêm tốn: “nói năng nhỏ nhẹ, tính nết nhu mì, ai nói cũng vâng vâng dạ dạ”. Cảnh vượt thác đã phát lộ thêm một nét đẹp tính cách của dượng. Tác giả “Quê nội” đã sử dụng hai hình ảnh so sánh thoát sáo: “Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc”, “như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ”để ca ngợi vẻ đẹp của một con người chân chính trong lao động. Và đó là cảm nghĩ, lòng kính trọng, sự ngưỡng mộ của bé Cục đối với Dượng Hương Thư thân thiết của mình. Trong “Quê nội”, nhà văn Võ Quảng hai lần tả cảnh vượt thác băng ghềnh, cả hai lần đều ấn tượng. Sau nửa thế kỷ, đọc trang văn của Võ Quảng, tuổi thơ gần xa cảm thấy mình đang cùng Cù Lao và Cục ngược sông Thu Bồn, vượt thác, thăm thú sông núi đại ngàn xứ Quảng. Ta thấy, tác giả sống hồn nhiên, sống hết mình với tuổi thơ, với trang văn của mình.

Vượt qua thác Cổ Cò thì chiều tối. Một ngày vượt thác vất vả đã dần trôi qua. Chú Hai “vứt sào, ngồi xuống thở không ra hơi”. Dòng sông Thu Bồn ở vùng Trung Phước “cứ nhảy quanh co dọc những núi cao sừng sững”. Sông như hẹp lại. Nước sông cuồn cuộn, không chảy băng băng mà là “nhảy quanh co”, như đang múa lượn. Một lần nữa, tác giả lại nói về cổ thụ tạo nên một so sánh – liên tưởng thú vị: “Dọc sườn núi, những cây to mọc giữa những bụi lúp xúp nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước”. Rừng xanh như đang vẫy gọi. Chốn đại ngàn với núi cao, thác hiểm không còn màu sắc huyền bí mà trở nên thân thiết, gắn bó với con người miền xuôi. Qua thác Cổ Cò là đến Trung Phước, cảnh quan lại mở ra, trải dài trải rộng. Câu văn cũng nhẹ nhàng thanh thoát: “Qua nhiều lớp núi, đồng ruộng lại mở ra”… phải dừng chân để nghỉ ngơi: “Đã đến Trung Phước”. Câu văn rút ngắn lại còn bốn chữ đầy gợi cảm. Đoàn lữ hành tạm dừng chân trên đường đi lấy gỗ.

Đọc trang văn “Vượt thác” giống như đang cùng Cù Lao và Cục vượt thác trên sông Thu Bồn hơn nửa thế kỷ trước.

Tham khảo thêm:   Toán lớp 5: Ôn tập Khái niệm về phân số trang 3 Giải Toán lớp 5 trang 3, 4

Phân tích tác phẩm Vượt thác – Mẫu 4

Tác phẩm “Vượt thác” của nhà văn Võ Quảng đã khắc họa cảnh sắc thiên nhiên và con người Việt Nam. Bằng bút pháp nghệ thuật tả cảnh, tả người của tác giả làm cho bài văn trở nên sinh động hơn với vẻ đẹp hùng vĩ, vẻ đẹp anh dũng của người dân lao động trên sông Thu Bồn.

Vượt thác là một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ trên dòng sông Thu Bồn. Ở đó người ta thấy được “những bãi dâu bạt ngàn đến tận những làng xa tít”. Khung cảnh như mở ra một nơi nhộn nhịp thuyền bè qua lại với những chuyến đò chở giây mây, dầu rái, quế. Tất hòa vào một nhịp sống năng động ở nơi đây. Dọc bờ sông “những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước” Những chòm cổ thụ được tác giả nói ở đầu và cuối đoạn văn đều mang một dụng ý riêng. Ở đoạn đầu nó như báo hiệu sự khó khăn thử thách đang chờ trước mắt con người. Thuyền phải vượt qua nhiều thác dữ. Nước ngày một lên cao phóng giữa hai hai vách đá dựng đứng. Dượng Hương một mình với cơn lũ thuyền cứ vùng vằng cứ chực tụt xuống. Và cho đến chiều tối, thì con thuyền cũng vượt qua khỏi thác cổ cò. Ở những dòng cuối này người ta lại thấy ” dọc sườn núi, những cây to mọc giữa những bụi lúp xúp nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước” cảnh vật như hòa vào niềm vui chung cùng con người, chiếc thuyền đã vượt qua cơn thác lũ, con người đã chiến thắng được thiên nhiên .

Ở tác phẩm ” Vượt Thác” Tác giả không chỉ miêu tả cảnh thiên nhiên tươi đẹp hùng vĩ mà hơn tất cả đó hình ảnh tươi đẹp của con người, sức mạnh to lớn chiến thắng mọi thiên tai. Dượng Hương Thư như một người hùng bước ra từ ngòi bút của nhà văn.

Trước khi vượt qua thác dữ, dượng Hương được sai nấu cơm ăn cho chắc bụng còn có sức chèo thuyền. “Dượng Hương Thư đánh trần đứng sau lái có người phóng chiếc sào xuống lòng sông nghe một tiếng “xoạc”! Thép đã cắm vào sỏi! Dượng Hương ghì chặt trên đầu sào, lấy lại thế trợ giúp chú hai và thằng Cù Lao phóng sào xuống nước. Chiếc sào của dượng Hương dưới sức chống nó cong lại. Nước bị cản văng bọt tứ tung, thuyền vùng vằng cứ chực trụt xuống quay đầu quay về lại Hòa Phước” . Hình ảnh dượng Hương với những động tác thuần thục vượt qua cơn lũ rõ ràng và nhanh như cắt. “Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ.” Dượng hương Thư hoàn toàn khác với một dượng Hương Thư ở nhà, nói năng nhỏ nhẹ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ, trong cơn thác lũ người ta thấy một người anh hùng gan dạ, dũng cảm và có kinh nghiệm sức khỏe khi băng qua con thác dữ. Tác giả như vẽ nên một nét đẹp hoàn mỹ – nét đẹp của người dân lao động có thể chiến thắng vượt qua mọi gian nguy.

Đọc xong tác phẩm “Vượt thác” của Võ Quảng cho ta thấy được cảnh vượt thác của con thuyền trên sông Thu Bồn, làm nổi bật vẻ đẹp hùng dũng và sức mạnh của con người lao động trên nền cảnh thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ. Với nghệ thuật đặc sắc nhà văn đã tả cảnh, tả người từ điểm nhìn trên con thuyền theo hành trình vượt thác rất tự nhiên và sinh động.

Phân tích tác phẩm Vượt thác – Mẫu 5

Bài văn “Vượt thác” trích trong chương XI của truyện “Quê nội” đã miêu tả cảnh vượt thác của con thuyền trên sông Thu Bồn. Đồng thời, Võ Quảng đã làm nổi bật vẻ hùng dũng và sức mạnh của con người lao động trên nền cảnh thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ thông qua nhân vật dượng Hương Thư.

Cuộc hành trình vượt thác được kể lại theo trình tự thời gian. Con thuyền qua đoạn sông phẳng lặng trước khi đến chân thác, ngược dòng sông từ bến làng Hoà Phước, qua đoạn sông êm ả ở vùng đồng bằng, rồi vượt đoạn sông có nhiều thác ghềnh ở vùng núi, sau cùng lên tới khúc sông khá phẳng lặng không còn thác dữ. Khi đứng trên con thuyền nhìn ngắm bầu trời và dòng sông, trong lòng trào lên một cảm xúc mãnh liệt. Hình ảnh những “cánh buồm nhỏ căng phồng” hay con thuyền “rẽ sóng lướt bon bon như đang nhớ núi rừng phải lướt cho nhanh để về cho kịp”. Tiếp đến, hai bên bờ là những bãi dâu trải ra bạt ngàn đến tận những làng xa tít. Miền quê trù phú với những con thuyền chất đầy cau tươi, dây mây, dầu rái, những thuyền chở mít, chở quế. Những chòm cổ thụ đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước, rồi núi cao đột ngột hiện ra như chắn ngang trước mặt. Đặc biệt là những đoạn sông có nhiều thác dữ, tác giả đã miêu tả thật ấn tượng: “Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn”.

Đặc biệt trong khung cảnh thiên nhiên ấy, con người hiện lên thật tuyệt vời. Đó là hình ảnh của dượng Hương Thư là một tay chèo có kinh nghiệm. Hình ảnh dượng khi vượt thác khác hẳn với lúc ở nhà “nói năng nhỏ nhẹ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ ở nhà”. Có lẽ vì hiểu được sự vất vả của công việc mà dượng Hương “đã sai người nấu cơm để ăn cho chắc dạ”, phòng cho chuyện “mùa nước còn to, có khi suốt buổi phải đứng chống liền tay không phút hở”. Sau khi chuẩn bị xong xuôi, dượng Hương Thư trở lại với tư thế của người cầm đầu, vô cùng mạnh mẽ, dứt khoát phóng chiếc sào tre đầu bịt sắt của mình thật mạnh xuống nước. Tiếng “xoạc” ngọt bén ấy là minh chứng cho cái sức mạnh của dượng lúc phóng sào. Dòng sông Thu Bồn trong mùa nước lớn chảy càng mạnh. Việc chèo thuyền ngược dòng thật sự là hết sức khó khăn và cần phải có sự phối hợp linh hoạt “những động tác rút sào thả sào rập ràng nhanh như cắt”, không khỏi khiến người đọc thán phục và thấy được sự cấp bách, cam go trong lao động của những người chèo thuyền trên sông nước. Hình ảnh dượng Hương Thư khi vượt thác được nhà văn khắc họa với những nét đẹp. Đó là sự rắn chắc, vững chãi, mang hơi thở sông nước hiện ra thông qua việc so sánh với “pho tượng đồng đúc”, vẻ đẹp sức mạnh thể chất thể hiện qua chi tiết tả thực “các bắp thịt cuồn cuộn”. Đặc biệt sự uy dũng trong lao động, tinh thần quyết tâm, kiên cường của nhân vật được bộc lộ rất rõ nét trong hình ảnh “hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, đôi mắt nảy lửa ghì ngọn sào…”. Từ đó người đọc thấy được sự nặng nhọc, khó khăn vô cùng của công việc chèo thuyền ngược sông mà không phải ai cũng đủ sức mạnh cũng như tinh thần mạnh mẽ để làm được. Với dượng Hương Thư, công việc chèo đò này cũng giống như chuyện chinh chiến. Sông nước chính là chiến trận của dượng. Dượng đã phô diễn hết tài năng, sức mạnh để chiến đấu, lấy sào làm vũ khí, khí thế dũng mãnh như một “hiệp sĩ Trường Sơn oai linh hùng vĩ”. Điều đó khiến cho người đọc không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi của dượng Hương Thư.

Như vậy, qua phân tích trong, đoạn trích đã khắc họa cảnh vượt thác của con thuyền trên sông Thu Bồn, làm nổi bật vẻ hùng dũng và sức mạnh của con người lao động trên nền cảnh thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 6: Phân tích tác phẩm Vượt thác của Võ Quảng Dàn ý & 5 bài văn hay lớp 6 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *