Người bà thường gắn bó với tuổi thơ của mỗi người. Những kỉ niệm về bà thật đáng trân trọng. Chính vì vậy, Wikihoc.com sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 6: Kể về bà của em.
Tài liệu bao gồm dàn ý và 15 bài văn mẫu, có thể giúp ích cho các em học sinh lớp 6 khi hoàn thiện bài viết của mình. Nội dung chi tiết ngay sau đây.
Dàn ý kể về bà của em
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về người bà của em.
2. Thân bài
a. Đôi nét về người bà
- Tuổi tác, nghề nghiệp.
- Ngoại hình: dáng người đầy đặn, khuôn mặt phúc hậu, làn da đã có nhiều nếp nhăn…
- Tính cách: hiền từ, nhân hậu…
b. Kỉ niệm về người bà
- Khi còn nhỏ: bà chăm sóc, kể chuyện…
- Khi lớn lên: bà đưa đi chơi, dạy học…
=> Bà giống như một điểm tựa tinh thần của con cháu.
3. Kết bài
Nêu tình cảm dành cho người bà.
Kể về bà của em – Mẫu 1
Bà ngoại là người mà tôi cảm thấy yêu mến và kính trọng nhất trong gia đình. Tuổi thơ của tôi là những năm tháng gắn bó, chia sẻ rất nhiều kỉ niệm đẹp đẽ bên bà.
Bà của tôi đã bảy mươi hai tuổi. Nhưng sức khỏe của bà vẫn còn rất tốt. Bà có dáng người khá đầy đặn. Chiếc lưng đã còng xuống vì những năm tháng lao động vất vả. Khuôn mặt trông thật hiền từ, phúc hậu. Làn da nhăn nheo đã in hằn dấu vết của thời gian. Mái tóc bà bạc trắng của bà uôn được búi gọn gàng sau gáy. Đôi mắt đã không còn tinh tường như trước, nhưng tôi vẫn cảm nhận được vẻ trìu mến, dịu dàng.
Tôi rất thích được nghe bà kể chuyện.. Những câu chuyện cổ tích về cô Tấm dịu hiền, chàng Thạch Sanh dũng cảm hay cậu bé thông minh… được bà kể lại thật hấp dẫn. Bà của tôi rất hiền và nhân hậu. Bà luôn dành cho con cháu tình yêu thương. Khi con cháu mắc sai lầm, bà luôn có những lời khuyên đúng đắn đối với tôi. Mỗi lúc buồn phiền chuyện gì đó tôi hay kể với bà, được bà âu yếm và an ủi.
Bà ngoại của tôi là một người tần tảo, lại hiền từ. Bà luôn bao dung cho những sai lầm của con cháu. Khi chúng tôi làm điều không tốt, bà lại khuyên bảo thật nhẹ nhàng. Kỉ niệm tôi còn nhớ nhất về bà đó là buổi học đầu tiên, tôi được bà đưa đến trường. Bà đã động viên và an ủi để giúp tôi mạnh mẽ và tự tin hơn.
Tôi cảm thấy yêu thương bà ngoại vô cùng. Tôi mong bà sẽ luôn khỏe mạnh, hạnh phúc để sống thật lâu bên chúng tôi. Bởi bà chính là một điểm tựa tinh thần vô cùng vững chắc không chỉ đối với riêng tôi mà còn là mọi người trong gia đình.
Kể về bà của em – Mẫu 2
Mọi người trong gia đình em đều rất yêu thương nhau. Nhưng người mà em yêu thương nhất là bà ngoại của em.
Bà em đã gần bảy mươi tuổi, nhưng bà vẫn còn minh mẫn lắm. Dáng người bà nhỏ. Lưng của bà đã bị còng xuống. Bà có một khuôn mặt phúc hậu. Mái tóc đã bạc trắng. Làn da in hằn dấu vết của thời gian nhưng vẫn toát lên vẻ hồng hào tươi sáng. Đôi mắt của bà đã mờ đục đi nhiều. Đôi bàn tay với nhiều nếp nhăn nheo nhưng rất ấm áp.
Em vẫn còn nhớ rất nhiều kỉ niệm của bà. Hồi bé, bà đã bồng bế, dìu dắt yêu thương em hết lòng. Chỉ tiếc rằng bắc nam xa cách em không có dịp về thăm bà nhiều hơn. Em còn nhớ hồi nhỏ, vì bố mẹ có nhiều việc bận nên đã gửi em về quê cho ông bà chăm sóc. Bà là người thương chúng em nhất nhà. Khi đi đâu chơi bà cũng dẫn chị em chúng em theo. Thuở ấy bệnh của bà còn chưa trở nặng, bà vẫn đi chợ mỗi buổi sớm, có lúc bà đưa em theo, có lúc để chúng em ở nhà rồi mang về cho chúng em cái bánh rán, cốc chè đậu hay là nắm xôi bọc trong lá chuối… Dù đã lâu rồi không còn ăn những thứ quà quê dân dã ấy, thế nhưng em vẫn nhớ mãi mùi vị ngon ngọt. Những ngày em bị ốm, bà cũng là người chăm lo hết mực. Bà còn thức trắng đêm để canh cho em được giấc ngủ ngon lành.
Bà ngoại cũng chính là một điểm tựa tinh thần của mọi thành viên trong gia đình. Em mong rằng bà sẽ luôn khỏe mạnh để có thể sống bên cạnh chúng em thật lâu.
Kể về bà của em – Mẫu 3
Trong gia đình, người tôi yêu quý nhất chính là bà ngoại. Bà là người phụ nữ hiền hậu, luôn yêu thương con cháu.
Bà tôi mắt đã lòa, tay chân lập cập. Nhưng sớm nào tôi cũng thấy bà chống gậy đi dạo quanh nhà. Tôi hỏi thì mẹ nói bà năng tập thể dục, để chống chọi căn bệnh viêm khớp quái ác đã đeo đuổi suốt thời trẻ. Ba tôi thì nói khác, số bà là vậy, một đời vất vả, quần quặt với chuyện cửa nhà, bếp núc, rồi đến chuyện ruộng đồng, con cá, con tôm… Bây giờ già cả vẫn không quen ngồi một chỗ.
Tôi là con út trong nhà, nên được bà chiều nhất. Mỗi lần ba cầm cây roi lăm lăm khi biết tôi trốn học vì mê chơi. Tôi liền chạy đến bên bà để được bảo vệ. Bà ngăn ba, mắng tui vài câu, đánh nhẹ mấy cái vào mông rồi thôi. Vì thế mà tôi tránh được những trận đòn hết sức nghiêm khắc.
Năm tôi học lớp bốn, mắt bà trắng đục không nhìn thấy đường. Bác sĩ khuyên nên để bà đi mổ mắt. Bà đồng ý nhưng tôi thấy bà có vẻ lo lắng lắm. Mấy ngày trên giường bệnh chờ đến lượt mổ cả nhà tui luôn túc trực bên bà. Có hôm ba mẹ bận việc chỉ còn mình tôi với bà, tôi nằm gọn trong vòng tay nhăn nheo của bà để được nũng nịu và được nghe kể chuyện đời xưa.
Bà hay nói với tôi: “Bà mổ mắt để được nhìn rõ cu Bi của bà”. Tôi lại chạy đến ôm lấy bà. Vậy mà không hiểu sao có lần tôi lại bật ra câu hỏi ngô nghê: “Lỡ mắt bà không sáng được nữa thì sao?” Bà vuốt nhẹ đôi gò má múp míp của tôi, cười móm mém: “Thì con sẽ là đôi mắt của bà, bé ạ!”
Ca mổ thành công nhưng vài năm sau thì bà mất. Cho đến khi trưởng thành tôi vẫn không sao quên được bóng dáng và những ký ức thân thương về bà. Tui luôn gắng giữ gìn và trui rèn cho mình một đôi mắt “sáng”, tràn đầy lạc quan và tin yêu trước cuộc đời, trước mọi người, trước những ánh nhìn…Tất cả là những bài học vô giá mà tôi thấm thía một cách lặng lẽ từ bà trong những ngày bà nằm viện.
Tôi sẽ vì bà, vì bản thân tôi mà sống thật tốt. Cũng như để xứng đáng và khắc ghi mãi mãi trọn vẹn lời giao ước: Con sẽ là đôi mắt của bà…
Kể về bà của em – Mẫu 4
“Bà hiền như suối trong” – Đây là câu thơ mà em rất thích. Bởi vì em rất yêu bà của em. Bà cũng chính là người gắn bó với em nhất từ khi còn thơ bé.
Bà em là một người phụ nữ tần tảo, đầy nghị lực. Bà luôn phải chống chọi với lưng còng. Tóc bà bạc phơ. Hai má bà đã hóp, thái dương hơi nhô. Trên khuôn mặt bà đã có nhiều nếp nhăn nhưng bà vẫn có những nét đẹp của bà thời con gái. Đó là khuôn mặt hình trái xoan, chiếc mũi cao và hàm răng đều. Tuy lưng bà còng, chân đi chậm nhưng bà vẫn tham công tiếc việc, chẳng mấy khi ngồi không. Từ sáng sớm, bà đã dậy cho gà ăn, nấu cơm, đun nước, quét nhà, quét sân… Mọi việc xong xuôi thì bà lại vác cuốc ra vườn cặm cụi xới đất, nhổ cỏ, tưới cây, bón phân cho cây.
Bà rất hiền và tốt bụng. Với con, với cháu bà yêu thương hết mực. Lần nào em về với bà, bà cũng có bánh hay kẹo cho em. Khi thì kẹo lộc của bà đi lễ chùa, khi thì bánh của các bác về thăm nhà biếu bà. Đặc biệt bà chẳng bao giờ quên hỏi han về việc học hành của em và công việc của bố mẹ em. Bà luôn căn dặn nhắc nhở em về cách cư xử với mọi người và phải chăm học. Với hàng xóm láng giềng, bà luôn thăm hỏi, chia sẻ khi ốm đau; giúp đỡ người kém may mắn, gia đình khó khăn.
Em luôn kính trọng và mong bà sống lâu bởi em luôn hiểu rằng: tình thương yêu bà dành cho em là vô tận.
Kể về bà của em – Mẫu 5
Hai tiếng bà ngoại trong tôi là hai từ vô cùng đẹp và thiêng liêng. Cả tuổi ấu thơ của tôi đều gắn liền với những kỉ niệm về bà yêu quý. Những kỉ niệm ấy được bà vun đắp và gieo trồng tạo nên một góc đẹp trong tâm hồn tôi. Đó là những lời tự tận đáy lòng mà tôi muốn nói với bà – bà tuyệt vời nhất trong trái tim tôi.
Bà tôi năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Tóc bà trắng như những bà tiên trong các câu chuyện cổ tích. Lưng bà còng lắm rồi. Làn da nhăn nheo với nhiều chỗ có chấm đồi mồi. Bà đã hy sinh cả tuổi xuân, tần tảo, bươn chải, thức khuya dậy sớm nuôi nấng mẹ và các dì tôi. Đôi mắt bà không còn tinh tường như trước nhưng cái nhìn thì vẫn như ngày nào: trìu mến và nhân hậu. Đôi bàn tay thô ráp, chai sần bởi suốt đời lặn lội, vất vả kiếm cơm áo cho các con.
Nghe mẹ kể lại tôi nhỏ xíu bố mẹ đi làm xa tôi khóc suốt, bà thì cũng có tuổi thế mà ngày nào cũng phải thức để dỗ dành kể chuyện hát ru cho tôi ngủ. Cho tới tận bây giờ cái mùi trầu thơm đượm bà nhai vẫn còn mơn man trong tâm hồn tôi. Ngày còn thơ bé, tôi được sống trong vòng tay yêu thương vô bờ bến của bà. Đêm nào tôi cũng chìm trong giấc ngủ êm đềm nhờ những câu chuyện cổ tích bà kể. Sáng sớm, bà gọi tôi dậy đi học. Lời gọi: “Cháu ơi, dậy đi nào, đã đến giờ đi học rồi” luôn làm tôi tỉnh táo sau giấc ngủ dài. Bà dắt tay, đưa tôi đến trường. Chờ cho cánh cổng trường khép hẳn, bà mới an tâm ra về. Chiều chiều, vẫn cái dáng đi lặng lẽ ấy, bà đưa tôi trở về nhà. Mỗi khi ở cạnh bà, tôi cảm thấy ấm áp vô cùng. Có lần bị ngã, tôi đã nằm ăn vạ rất lâu. Bà lấy con lật đật và bảo: “Con lật đật luôn biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Cháu của bà cũng vậy, đúng không nào? Cháu được như con lật đật là bà rất vui”. Nghe lời bà, tôi nín khóc và tự đứng dậy. Bà cười móm mém “Cháu ngoan lắm, lại đây bà phủi đất cho nào”. Những hôm học khuya, buồn ngủ quá, tôi gục luôn xuống bàn thiếp đi. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang đắp chăn, nằm trên giường. Trên bàn học, đèn đã tắt từ lúc nào, sách vở được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Bà đã bế tôi lên giường, xếp lại sách vở cho tôi. Bà luôn chăm lo việc nhà. Mẹ tôi không muốn bà làm, sợ bà mệt nhưng bà không nghe. Tôi mong mình lớn thật nhanh để đỡ đần cho bà nhưng nhiều khi, tôi lại ước ao thời gian trôi thật chậm để tôi mãi mãi nằm trong vòng tay yêu thương của bà
Bà rất vui tính, thường kể cho cả nhà nghe những chuyện hài hước. Bà cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm, vì vậy, ai cũng yêu quý bà. Bà yêu thương tôi nhưng không nuông chiều. Có lần, tôi không nghe lời bà. Cả tuần, bà không nói với tôi một câu nào. Sang tuần sau, bà gọi tôi vào phòng, giảng giải cho tôi biết đâu là điều hay lẽ phải. Tôi cảm thấy ăn năn, xấu hổ vì để bà buồn
Tôi thương bà nhiều lắm. Trong trái tim tôi trước đây, bây giờ, và mãi mãi bà sẽ luôn là bà tiên đẹp nhất, hiền nhất và đáng kính nhất. Sự yêu thương niềm vui của bà sẽ mãi lan tỏa xung quanh làm rạng ngời tâm hồn tôi.
Kể về bà của em – Mẫu 6
Bà nội em năm nay tuy tuổi đã ngoài sáu mươi nhưng vẫn còn dẻo dai, nhanh nhẹn lắm. Mái tóc bạc của bà búi cao sau đầu. Gương mặt bà phúc hậu, ánh mắt thật hiền từ, độ lượng.
Bà chỉ sinh được một mình bố em nên khi bố em chuyển công tác, bà đã từ biệt mái nhà, mảnh vườn thân quen để theo con cháu lên thành phố. Bố em là kỹ sư xây dựng nên thường xuyên phải công tác xa nhà. Mẹ em là công nhân, ngày làm tám tiếng trong xưởng máy. Bà thay bố mẹ em chăm sóc chúng em, từ việc ăn ở đến việc học hành. Sáng sáng, bà đánh thức em và bé Thắng dạy, giục đánh răng, rửa mặt, thay quần áo sạch sẽ, gọn gàng. Rồi bà cho hai chị em ăn sáng. Mỗi khi các cháu đi học, bà không quên khuyên nhủ các cháu phải chăm ngoan.
Bà dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, chu tất. Xong xuôi, bà xách giỏ đi chợ. Số tiền chi tiêu hằng ngày tuy ít ỏi nhưng do bà khéo thu xếp nên bữa nào chúng em cũng được ăn cơm dẻo, canh ngon. Buổi trưa đi học về, bà cháu, mẹ con quây quần bên mâm cơm, đầm ấm biết chừng nào! Suốt ngày, bà chẳng lúc nào ngơi tay. Việc nhà tạm ổn, bà lại lúi húi bên thúng đồ may. Bà khâu lại cho em chiếc áo sứt chỉ, đính lại cho bé Thắng chiếc khuy. Đêm nào trước khi đi ngủ, bà cũng dành mười lăm, hai mươi phút kể chuyện cổ tích cho chúng em nghe. Giọng kể của bà ấm áp và truyền cảm lạ thường. Bà đưa em vào thế giới huyền ảo của những chuyện như “Cây khế, Tấm Cám”.
Thỉnh thoảng, bố em về thăm, thấy nhà cửa ngăn nắp, con cái sạch sẽ, chăm ngoan, bố vui lắm. Bố em nói lời chân thành cảm ơn bà thì bà chỉ mỉm cười hiền hậu:
– Có gì đâu! Mẹ cố gắng giúp gia đình để con yên tâm công tác.
Bố mẹ em quý bà lắm. Bố mẹ thường bảo nếu không có bà thì gia đình em sẽ gặp không ít khó khăn.
Vất vả, khó nhọc là thế nhưng bà em chẳng đòi hỏi gì nhiều. Bà chỉ có một ao ước là thỉnh thoảng được về thăm quê hương, làng xóm. Bố em hứa Tết này sẽ thu xếp để cả gia đình về quê ăn Tết. Nghe vậy, bà rất mừng.
Em và bé Thắng luôn nghe theo lời bà dạy để làm bà vui lòng. Mỗi khi được điểm 10, em khoe bà thì lại được bà âu yếm xoa đầu khen: “Cháu bà giỏi lắm!”
Rồi bà mỉm cười, trông bà hiền hậu như một bà tiên trong cổ tích. Em yêu quý và biết ơn bà biết chừng nào!
Kể về bà của em – Mẫu 7
Trong gia đình, người mà em yêu quý nhất đó là bà của em. Bà là người gần gũi với em, chăm lo cho em từ thuở em mới lọt lòng. Bà ru em bằng những lời ru êm dịu.
Bà em năm nay đã già rồi, mái tóc đã bạc phơ vì bươn chải với thời gian. Khuôn mặt đầy đặn, đẹp lão. Vầng trán cao đã có nhiều nếp nhăn. Em nghĩ rằng, mỗi nếp nhăn trên gương mặt bà là một chuỗi ngày dài vất vả. Đôi mắt bà không còn tinh anh nữa nhưng đôi mắt ấy thật dịu hiền khó tả. Đôi mắt đầy yêu thương, trìu mến.
Tuy lưng hơi còng nhưng bà đi lại rất nhanh nhẹn. Đáng chú ý nhất là đôi tay khéo léo của bà. Đôi bàn tay ấy đã chai sần, những ngón tay gầy gầy, xương xương nhưng bà làm biết bao nhiêu là việc. Bà rất thích lao động, ít nghỉ ngơi. Bà thích làm bánh, nấu ăn, dọn dẹp đồ dùng gọn gàng, ngăn nắp.
Những ngày thơ ấu, em được sống trong tình yêu bao la của bà. Bà bao giờ cũng yêu quý và chăm sóc em. Bằng những câu ca dao ru hò êm ái, những câu chuyện cổ tích ly kỳ, bà đã đưa em vào giấc ngủ say nồng. Bà yêu thương tất cả mọi người, hay giúp đỡ người nghèo khó. Bà mong em học giỏi, thành tài. Bà dạy em những điều hay, lẽ phải. Bà nhắc nhở em phải biết đạo lý, kính trên nhường dưới, vâng lời thầy cô giáo, hòa nhã với bạn bè. Bà thường lấy những câu chuyện đời thường thể hiện điều nhân nghĩa để giáo dục em.
Tấm lòng nhân hậu của bà đã làm tâm hồn em thêm phong phú, đã truyền thêm sức mạnh cho em để vững bước đi lên. Gia đình em ai cũng thích bà, làm theo điều mong muốn của bà. Em vẫn thường tha thẩn theo bà, lúc quét nhà, khi nhặt rau, múc nước giúp bà. Em thầm mong sao cho bà em đừng già thêm nữa.
Kể về bà của em – Mẫu 8
Trong gia đình của mình, người gắn bó với em nhất có lẽ chính là bà ngoại. Vì vậy, em luôn dành cho bà một tình cảm yêu thương sâu sắc.
Bà ngoại năm nay tròn bảy mươi tuổi. Bà là có nước da rất đẹp trắng trẻo, hồng hào. Gương mặt hiền từ, phúc hậu. Tiếng nói của bà nhẹ nhàng, tình cảm. Mái tóc của bà nay đã bạc, nhưng vẫn mượt mà, bà búi gọn trông rất ưa nhìn. Bà nói thời con gái tóc bà xanh mượt, dài chấm gót. Mắt bà vẫn tinh anh, chỉ khi nào đọc báo thì bà mới đeo kính lão.
Bà có đôi bàn tay khéo léo. Hái hoa, tỉa cành, bắt sâu cho hoa, đôi bàn tay bà làm nhanh thoăn thoắt. Bà bảo: “Chăm hoa như chăm con trẻ, phải nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa chứ… ”. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà đã mấy lần đi Đà Lạt tìm mua giống hoa quý. Vườn hoa của bà có rất nhiều loài hoa, đẹp nhất, thích nhất là những luống hoa hồng, hoa cúc… đúng là muôn hồng nghìn tía.
Tính bà cần cù, thức khuya dậy sớm đã thành thói quen. Mọi người trong gia đình, ai cũng kính yêu, quý trọng bà. Hè nào lên Hà Nội thăm bà. Bà cũng hỏi han, chăm sóc chị em tôi chu đáo.
Tôi rất yêu thương bà. Cũng hy vọng bà luôn giữ gìn sức khỏe để có thể sống lâu trăm tuổi.
Kể về bà của em – Mẫu 9
Trên đường đi học về em chợt thấy một bạn nhỏ đang nắm tay bà của mình, vừa đi vừa ríu rít kể chuyện ở lớp cho bà nghe. Lúc đó, nỗi nhớ bà trong lòng em dâng lên. Bao kỉ niệm với bà ùa về trong ký ức.
Năm nay bà đã hơn bảy mươi tuổi. Làn da bà nâu sạm hằn rõ những dấu vết của thời gian. Đôi tay bà gầy guộc. Dáng người nhỏ lúc nào cũng tất bật, vội vã. Bà em là một người nhân hậu, bà rất chu đáo, hay quan tâm đến mọi người xung quanh. Bà có nụ cười rất phúc hậu. Với con cháu lúc nào bà cũng hết mực yêu thương. Mỗi buổi sáng thức dậy bà đều quét tước, dọn dẹp quanh nhà, cho gà ăn. Đến trưa bà lại chuẩn bị bữa cơm chờ mọi người đi làm về.
Bà em là một người giàu lòng thương người. Hàng xóm ai gặp khó khăn bà cũng sẵn sàng giúp đỡ. Với ai bà cũng rất cởi mở nên mọi người trong xóm cũng thường hay lui tới nhà bà em để trò chuyện. Bà thương con cháu lắm. Vì gia đình em ở thành phố nên mỗi năm chỉ về nhà vài ba lần lần vào dịp nghỉ lễ. Những ngày em về quê bà rất nuông chiều em, bà chuẩn bị bao nhiêu đồ ăn ngon cho em. Mỗi sáng thức dậy, em lại được cùng bà ra vườn hái rau về nấu bữa sáng cho cả nhà. Đến khi nhà em chuẩn bị lên xe trở về thành phố, bà dặn dò cẩn thận mọi thứ. Mỗi lần như thế, bà lại đứng lặng để nhìn theo chiếc xe khách đến khi xe chạy khuất phía cuối đường. Em biết lúc ấy bà đã khóc, bà quay mặt đi để không ai nhìn thấy những giọt nước mắt của mình. Em chỉ muốn chiếc xe ngừng lăn bánh để được ở bên bà thật lâu.
Em nhớ có lần em mắc lỗi, bị bố mẹ mắng em đã trốn cả một buổi trưa, không về ăn cơm. Không ngờ đến lúc trở về bà vẫn ngồi trước hiên nhà chờ em. Không những thế bà còn đợi em về để cùng ăn vì nghĩ em không hay ăn cơm một mình. Hôm đó em cảm thấy mình thật có lỗi với bà. Vì sự bướng bỉnh của mình mà bà phải chịu khổ cực. Kể từ đó dù có giận đến đâu em cũng cố gắng bình tĩnh và suy nghĩ kĩ mọi việc. Ngày thường bà cũng dạy cho em sự kiên trì, tỉ mỉ qua từng việc làm của bà. Em học được từ bà rất nhiều đức tính tốt.
Trong nhà hễ có ai ốm là bà chăm sóc tận tình, chu đáo. Có những đêm em bị ốm, bà đã thức trắng để trông cho em ngủ. Bà bón từng miếng cháo, dỗ dành em từng chút một. Cảm giác sao mà ấm áp đến thế. Có bà ở bên mọi thứ thật yên bình. Em luôn nhớ mãi những câu chuyện cổ tích bà hay kể, những câu chuyện đã nuôi dưỡng tâm hồn em từ thuở thơ bé. Bà còn hay kể chuyện từ ngày bà còn trẻ, chúng em ngồi quanh phản tròn xoe mắt lắng nghe bà kể từng chi tiết. Chúng em thấy hứng thú lắm bởi câu chuyện nào bà kể cũng thú vị.
Em luôn muốn được sống bên bà để được bà yêu thương chăm sóc và có thể chăm sóc, phụng dưỡng bà. Em muốn có bà bên cạnh như bạn nhỏ kia để được ríu rít tâm sự mọi chuyện vui buồn ở lớp cho bà nghe.
Kể về bà của em – Mẫu 10
Trong đời này, ai chẳng có một người bà. Và tôi cũng vậy, ngoài tình yêu thương mà bố mẹ dành cho, tôi còn được sống trong tình thương yêu trìu mến của bà. Vì điều kiện gia đình, tôi phải chuyển nhà, không được ở bên bà nhưng hình ảnh bà luôn khắc sâu trong trái tim tôi.
Bà tôi năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Tóc bà trắng như những bà tiên trong các câu chuyện cổ tích. Lưng bà còng lắm rồi. Làn da nhăn nheo với nhiều chỗ có chấm đồi mồi. Bà đã hy sinh cả tuổi xuân, tần tảo, bươn chải, thức khuya dậy sớm nuôi nấng mẹ và các dì tôi. Đôi mắt bà không còn tinh tường như trước nhưng cái nhìn thì vẫn như ngày nào: trìu mến và nhân hậu. Đôi bàn tay thô ráp, chai sần bởi suốt đời lặn lội, vất vả kiếm cơm áo cho các con.
Ngày còn thơ bé, tôi được sống trong vòng tay yêu thương vô bờ bến của bà. Đêm nào tôi cũng chìm trong giấc ngủ êm đềm nhờ những câu chuyện cổ tích bà kể. Hay mỗi buổi sáng bà dắt tay, đưa tôi đến trường. Chờ cho cánh cổng trường khép hẳn, bà mới an tâm ra về. Chiều chiều, vẫn cái dáng đi lặng lẽ ấy, bà đưa tôi trở về nhà. Mỗi khi ở cạnh bà, tôi cảm thấy ấm áp vô cùng.
Có lần bị ngã, tôi đã nằm ăn vạ rất lâu. Bà lấy con lật đật và bảo: “Con lật đật luôn biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Cháu của bà cũng vậy, đúng không nào? Cháu được như con lật đật là bà rất vui”. Nghe lời bà, tôi nín khóc và tự đứng dậy. Bà cười móm mém “Cháu ngoan lắm, lại đây bà phủi đất cho nào”. Những hôm học khuya, buồn ngủ quá, tôi gục luôn xuống bàn thiếp đi. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang đắp chăn, nằm trên giường. Trên bàn học, đèn đã tắt từ lúc nào, sách vở được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Bà đã bế tôi lên giường, xếp lại sách vở cho tôi.
Bà luôn chăm lo việc nhà. Mẹ tôi không muốn bà làm, sợ bà mệt nhưng bà không nghe. Tôi mong mình lớn thật nhanh để đỡ đần cho bà nhưng nhiều khi, tôi lại ước ao thời gian trôi thật chậm để tôi mãi mãi nằm trong vòng tay yêu thương của bà
Bà rất vui tính, thường kể cho cả nhà nghe những chuyện hài hước. Bà cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm, vì vậy, ai cũng yêu quý bà. Bà yêu thương tôi nhưng không nuông chiều. Có lần, tôi không nghe lời bà. Cả tuần, bà không nói với tôi một câu nào. Sang tuần sau, bà gọi tôi vào phòng, giảng giải cho tôi biết đâu là điều hay lẽ phải. Tôi cảm thấy ăn năn, xấu hổ vì để bà buồn. Sau chuyện đó, tôi tự hứa với mình, không bao giờ được phụ công lao tình cảm của bà.
Bà thích chăm sóc cây cảnh, Sáng sáng, bà dậy sớm tưới cây trên sân thượng. Những chồi non, nụ hoa không phụ công chăm sóc của bà, luôn tưng bừng khoe sắc thắm. Những lúc rảnh rỗi, bà ngồi ngắm không biết chán những cái cây đang dần dần lớn lên.
Tối tối, khi đi ngủ, bà thường kể chuyện cho tôi. Nghe các câu chuyện của bà, tôi như được hoá thân vào các nhân vật, khi thì là cô Tấm dịu hiền, khi lại là cô tiên tốt bụng. Bà mua cho tôi rất nhiều sách, nhờ đó kiến thức của tôi được rộng mở hơn.
Giờ đây, khi Hà Nội vào đông lạnh giá, ở nơi xa, tôi luôn lo bà có mặc đủ ấm không, bà ngủ có ngon giấc không… Tôi mong bà sống mãi bên tôi. Bà ơi, cháu yêu bà nhất trên thế gian này. Bà là người bà tuyệt vời nhất.
Kể về bà của em – Mẫu 11
Mọi người trong gia đình tôi đều rất yêu thương nhau. Nhưng người mà tôi yêu mến và kính trọng nhất là bà nội của tôi.
Năm nay, đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng bà còn rất khoẻ. Da bà nhăn nheo, ngăm đen. Tôi vẫn đùa, đấy là chứng tích của thời gian. Khác với những người bà cùng tuổi, bà tôi có mái tóc đen, dài, lúc nào cũng được búi gọn sau gáy. Vầng trán cao, đôi mắt to đã có phần mờ đục. Đặc biệt nụ cười với hàm răng nhuộm đen làm bà thêm phúc hậu. Đôi bàn tay xương xương với những vết chai sần vì làm lụng vất vả. Bà ăn mặc rất giản dị, nhiều khi chỉ là những bộ đồ nâu đã cũ. Mỗi khi mẹ tôi biếu tiền để mua quần áo, bà thường lắc đầu và bảo: “Mẹ già rồi, không cần nhiều quần áo, con để tiền đó lo cho bọn trẻ”.
Bà nội tôi rất thích chăm sóc cây xanh. Sáng sáng, bà thường tự tay tưới tắm và bắt sâu cho cây. Một lần, cái Anh, em họ tôi hỏi bà: “Bà ơi, tại sao bà quý những cái cây này thế. Có khi nào bà yêu chúng hơn bọn cháu không?”. Bà nhìn chúng tôi, bảo: “Sao thế được, tất nhiên là bà phải yêu các cháu bà hơn rồi. Những cái cây này chỉ là thú vui của bà thôi. Đây là những cái cây ông để lại khi mất. Bà thay ông chăm sóc chúng”.
Bà rất yêu chúng tôi. Hồi tôi còn bé, bà đã thay mẹ, chăm bằm tôi từng li từng tí. Hằng đêm, bà đưa tôi vào giấc ngủ qua những khúc hát ru. Mỗi lần tôi ốm, bà xuống chăm nom tôi để mẹ đi làm. Bà ngồi bên giường, dỗ dành, đút cho tôi từng thìa cháo nhỏ. Suốt những năm tuổi thơ, tôi đã lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà. Sau này, khi không còn ở bên tôi thường xuyên nữa nhưng cứ mỗi lần xuống nhà tôi chơi, bà lại mang rất nhiều quà quê lên cho tôi và hàng xóm láng giềng. Ai cũng yêu quý và kính nể bà.
Bà rất nhân hậu. Có lần, nhìn thấy một em bé ăn xin từ xa, bà vội bước lại cho bé tiền và bảo bé đi mua gì ăn cho đỡ đói. Đợi em đi khỏi, bà nói với tôi: “Cháu đã nhìn thấy em đó chưa? Bà đoán chắc em bé đó chỉ tầm tuổi cháu thôi, thế mà đã phải ra đường ăn xin. Thật tội nghiệp. Nếu từ nay về sau, cháu gặp ai cơ nhỡ, khó khăn, cháu nhớ giúp người ta. Họ cũng là người như chúng ta, chẳng qua cuộc sống của họ không được may mắn, cháu không bao giờ được kì thị, chế giễu người ta”.
Vì rất yêu quý bà nên tôi rất thích được về quê. Tôi chỉ mong luôn được gặp bà, được nghe những câu chuyện cổ tích của bà, được nằm trong lòng bà, thiu thiu ngủ qua tiếng ru à ơi của bà. Tôi rất yêu bà, Tôi mong sẽ không bao giờ phải xa bà.
Kể về bà của em – Mẫu 12
Mỗi lần thấy những túi bánh đa tôi lại nhớ đến người bà kính yêu của tôi. Bà tôi năm nay đã gần bảy mươi nhưng vẫn còn minh mẫn và rất yêu thương con cháu. Da mặt nhăn nheo, cái miệng móm méo lúc nào cũng nhai trầu đỏ tươi, mái tóc bà đã bạc gần hết.
Ngày tôi còn bé, ngày đó bà vẫn còn khỏe lắm. Bà thường đi chợ và mua quà bánh cho tôi. Tôi luôn ngóng bà về vào những buổi chiều. Bà tôi ngày đó bán hàng mã và cau trầu. Bánh đa – là món mà không chỉ tôi mà bọn trẻ con thời đó đều rất khoái khẩu, bởi nó được nướng trên những hòn than đỏ lòm, ngọn lửa xanh lè của các bà cụ hành nghề lâu năm rất giòn và ngon. Mỗi lần thấy bà thấp thoáng ở đầu ngõ, tôi đã chạy òa ra ôm lấy bà và đón lấy xâu bánh đa giòn rụm.
Bây giờ bà đã già, chỉ ở nhà đi đi lại lại để con cháu chăm sóc. Bà còn kể cho tôi nghe vô số chuyện cổ tích có cô Tấm, nàng Tiên, ông Bụt. Cả những lúc khó khăn bom đạn, những lúc ba bữa mới được một bát cơm, cuộc sống cực khổ, khắc nghiệt cũng được bà tôi kể lại giúp tôi hiểu rõ hơn về cuộc đời cơ cực của nhân dân ta trong thời kì bom đạn. Bà tôi kể, vào thời bình bà cũng đi bán bánh đa nhưng vì nhiều lí do mà bà chuyển sang nghề bán hàng mã, và cho đến giờ bà vẫn bán. Nhưng tôi có được biết qua mẹ tôi, đó là bà tôi cũng nướng bánh đa rất ngon và giòn, không bao giờ bị cháy cả.
Có lẽ vì vậy mà sự gắn bó của tuổi thơ tôi với những túi bánh đa thật ngon. Bà tôi thật hiền và nhân hậu. Bà rất yêu thương con cháu, luôn có những lời khuyên đúng đắn đối với tôi. Mỗi lúc buồn phiền chuyện gì đó tôi hay kể với bà, được bà âu yếm và nói điều hay lẽ phải, cái đúng cái sai, tôi thấy thật thoải mái và yêu bà hơn.
Tình cảm gia đình, tình cảm máu chảy ruột mềm mà khó có gì có thể sánh nổi. Bà luôn là người tôi yêu quý, kính trọng và biết ơn. Người đã cho tôi tuổi thơ tươi đẹp, tất cả đều hiện lên trong kí ức của tôi. Ở bên bà tôi luôn có cảm giác ấm áp, được an ủi chở che, một cảm giác thật an toàn. Tình yêu của bà dành cho con, cho cháu thật bao la. Tình cảm đó tôi không thể nào đền đáp hết. Tuổi thơ tôi thật đẹp, trong câu chuyện đấy có bà, người đã góp phần quan trọng tạo nên một tôi của bây giờ.
Tôi đã lớn và đi học nhưng vẫn muốn bà âu yếm và vuốt ve như hồi bé. Bây giờ bà tôi đã già đi nhiều, sức khỏe cũng không còn được như trước. Tôi mong sao bà tôi sống thật lâu và mạnh khỏe. “Cháu yêu bà nhiều lắm”.
Mỗi khi nhớ lại những kỉ niệm về bà, lòng tôi không sao khỏi bồi hồi về những kỉ niệm đã gắn bó với bà trong suốt thời gian tôi bên cạnh bà, khi lớn lên bà đã quan tâm và chăm sóc tôi mỗi ngày, hình ảnh về bà tôi không bao giờ có thể quên được, bà luôn tần tảo, chăm sóc và chăm lo cho tôi, hình ảnh đó sẽ giúp tôi nhớ mãi về bà.
Bà là người bà tần tảo, luôn thương yêu con cháu, bà luôn hết lòng vì những người xung quanh, bà của tôi được rất nhiều người yêu quý, có lần bà đã dẫn tôi đi chợ quê. Và tôi nhớ mãi những khoảnh khắc đó, hình ảnh đó sẽ làm tôi nhớ mãi về bà, bà là người mẹ, người bà luôn yêu thương tôi hết mực. Tôi sẽ không bao giờ có thể quên được những cảm xúc và kỉ niệm với người bà của mình, bà là người trao cho tôi niềm tin để tôi có thể cố gắng và học tập tốt mỗi ngày.
Bà tôi người phụ nữ của gia đình, cả cuộc đời bà luôn hết mình với gia đình nhỏ bé của mình, luôn tần tảo chỉ bảo con cháu khi mà có ai làm gì đó sai. Bà hiền lành, nhẹ nhàng và từ tốn, không bao giờ bà cáu gắt với chúng tôi. Tôi rất yêu quý bà của tôi.
Kể về bà của em – Mẫu 13
Bà ngoại là người mà em yêu thương, kính trọng nhất trong cuộc đời. Bởi bà đã chăm sóc em từ khi còn nhỏ cho đến tận bây giờ.
Năm nay, bà ngoại của em sáu mươi tuổi. Trước đây, bà em là một giáo viên tiểu học nhưng hiện tại bà đã về hưu. Bà của em có dáng người thanh mảnh. Khuôn mặt trái xoan đã in hằn dấu vết của thời gian. Mái tóc dài của bà giờ đã điểm những sợi tóc trắng. Nhưng với em, bà vẫn còn xinh đẹp lắm. Em thích nhất là nụ cười rạng rỡ của bà.
Bố mẹ thường xuyên phải đi công tác xa nhà. Một tay bà đã chăm sóc em từ miếng ăn đến giấc ngủ. Bà thường kể có lúc em ốm, quấy khóc khiến mà mẹ em không sao giỗ được. Chỉ đến khi bà ngoại bế thì em mới chịu nín. Bà cũng là người luôn ở bên chứng kiến từng bước trưởng thành của em: lúc em tập đi, tập nói… Em vẫn nhớ những khi được ngủ cùng bà, nghe bà kể chuyện. Giọng kể của bà thật hấp dẫn. Những câu chuyện cổ tích mà bà kể đến bây giờ em vẫn còn thuộc lòng.
Điều quý giá nhất chính là bà đã dạy cho em nhiều bài học bổ ích. Bà dạy em phải biết tôn trọng mọi người xung quanh. Bà còn dạy phải biết chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Nhờ có bà mà em cũng tự giác hơn trong học tập. Có những khi gặp phải một bài tập khó, em cũng nhờ đến sự giúp đỡ của bà.
Em biết rằng bà rất yêu thương em. Chính vì vậy, em luôn cố gắng ngoan ngoãn, học giỏi để bà vui lòng. Em luôn mong bà có thể thật khỏe mạnh để ở bên em thật lâu.
Kể về bà của em – Mẫu 14
Gia đình có vai trò quan trọng đối với mỗi con người. Bởi ở đó có những người luôn yêu thương chúng ta. Với em, gia đình là nơi có bà nội – người yêu thương em nhất trên đời.
Bà em đã gần bảy mươi tuổi, nhưng bà vẫn còn minh mẫn lắm. Dáng người bà nhỏ, lưng của bà đã bị còng xuống. Đó là dấu ấn còn lại của cả một cuộc đời nhọc nhằn vất vả. Biết bao năm tháng bà đã làm việc cần mẫn để nuôi gia đình. Bà có một khuôn mặt phúc hậu. Mái tóc đã bạc trắng. Làn da in hằn dấu vết của thời gian nhưng vẫn toát lên vẻ hồng hào tươi sáng. Đôi mắt của bà đã mờ đục đi nhiều. Nhưng cái nhìn trìu mến không vì thế mà bị phai nhòa, em có thể cảm nhận được từ ánh nhìn của bà là cả bầu trời yêu thương với con cháu. Trong mắt của em, bà vẫn đẹp – một vẻ đẹp hiền từ như những bà tiên trong truyện cổ tích.
Đôi bàn tay với những nếp nhăn nheo nhưng rất ấm áp. Đôi bàn đại đã làm lụng lo cơm ăn áo mặc cho cả gia đình. Em vẫn thường ngồi bên nghe bà kể chuyện, rồi nắm lấy bàn tay bà áp lên gò má của mình. Hơi ấm mà bàn tay mà mang lại như một nguồn sức sống ấm nóng sưởi ấm tâm hồn em. Những vất vả trong cuộc sống vẫn không làm mất đi sức khỏe và sự minh mẫn của bà. Bà nội của em vẫn có thói quen tập thể dục buổi sáng đều đặn. Bà vẫn nhớ rõ những câu chuyện ngày xưa để kể cho em nghe. Nhờ có bà mà em đã thấu hiểu hơn nỗi khổ cực của nhân dân ta trong những năm chiến tranh ác liệt. Buổi tối đến, em thường ngủ cùng bà, rúc đầu vào cánh tay của bà nghe bà kể cho những câu chuyện cổ tích.
Bà nội đã chăm sóc từ khi em còn rất nhỏ. Cho đến bây giờ, bà cũng là người dạy dỗ em những bài học bổ ích. Em lớn lên nhờ có sự chăm sóc ân cần và ấm áp, nhờ những cái ôm động viên, những cái xoa đầu khích lệ. Bà còn dạy em phải biết yêu thương, biết chia sẻ với mọi người. Nhờ có sự động viên của bà mà em đã cố gắng học tập thật tốt để tương lai sẽ trở thành một người có ích cho xã hội.
Em hy vọng bà sẽ luôn khỏe mạnh để sống với em thật lâu hơn nữa. Từ tận đáy lòng, em muốn gửi lời yêu thương đến người bà của mình.
Kể về bà của em – Mẫu 15
Có lẽ tuổi thơ của mỗi đứa trẻ đều sẽ gắn bó với ông bà. Đó là những người thân đã đem đến cho chúng ta thật nhiều kỉ niệm. Đối với tôi, bà ngoại chính là một điểm tựa tinh thần quý giá.
Năm nay, bà đã gần bảy mươi tuổi. Nhưng sức khỏe của bà vẫn còn rất tốt. Trước khi nghỉ hưu, bà là một giáo viên tiểu học. Bà có dáng người khá đầy đặn. Khuôn mặt trông rất phúc hậu. Làn da đã có nhiều nếp nhăn. Mái tóc dài bạc trắng luôn được buộc gọn gàng. Đôi bàn tay nhiều vết chai sần vì những năm tháng vất vả. Đôi mắt không còn tinh tường như trước. Bà của tôi là một người hiền lành. Bà rất hay giúp đỡ mọi người xung quanh. Trong xóm, mọi người đều rất quý mến bà.
Đối với riêng tôi, bà là cả khoảng trời kỉ niệm tuổi thơ. Khi còn nhỏ, bố mẹ thường bận công việc. Bà là người đã chăm sóc tôi từ cái ăn đến giấc ngủ. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ giọng hát ru ngọt ngào của bà. Lớn hơn, tôi lại nhớ những tối nằm nghe bà kể chuyện. Những truyện cổ tích về cô Tấm, chàng Thạch Sanh. Sau mỗi câu chuyện, bà lại rút ra cho tôi một bài học ý nghĩa. Bà đã dạy cho tôi rất nhiều điều bổ ích. Bà dạy tôi phải biết tôn trọng mọi người xung quanh. Bà còn dạy phải biết chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Nhờ có bà mà tôi cũng tự giác hơn trong học tập.
Là người lớn tuổi nhất trong gia đình, nên khi con cháu mắc sai lầm, bà sẽ đưa ra những lời khuyên đúng đắn. Mỗi lúc buồn phiền chuyện gì đó bà cũng là nơi để chúng tôi chia sẻ. Lời động viên của bà giúp mọi người cảm thấy tự tin hơn, mạnh mẽ hơn. Các thành viên trong gia đình đều rất kính trọng, yêu thương bà. Tình yêu của bà dành cho con, cho cháu cũng thật bao la và sâu nặng.
Tôi rất kính trọng và yêu mến bà ngoại. Tôi mong sao bà luôn sống khỏe mạnh, vui vẻ. Tôi sẽ cố gắng học tập thật tốt để bà luôn cảm thấy tự hào về đứa cháu của mình.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 6: Kể về bà của em Dàn ý & 15 bài văn mẫu lớp 6 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.