Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ về câu hát Sống trong đời sống cần có một tấm lòng Dàn ý & 15 bài văn mẫu lớp 12 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Nghị luận Sống trong đời sống cần có một tấm lòng mang đến 2 dàn ý chi tiết kèm theo 15 mẫu cực hay, giúp cho các em học sinh tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng về văn nghị luận về một vấn đề xã hội ngày một hay hơn.

Suy nghĩ về câu hát Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

TOP 15 bài nghị luận Sống trong đời sống cần có một tấm lòng gồm cả mẫu ngắn gọn và đầy đủ để các bạn tham khảo, lựa chọn theo sức viết của mình, giúp các bạn học môn Ngữ văn tốt hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn khi học. Bên cạnh bài văn nghị luận về việc đọc sách các bạn xem thêm nghị luận về hiện tượng biến đổi khí hậu, suy nghĩ về hình tượng người phụ nữ xưa và nay.

Dàn ý Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Dàn ý mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề nghị luận

– Xã hội ngày càng phát triển, con người càng bị cuốn theo công việc và rất nhiều điều khác khiến họ quên mất đi cuộc sống vui vẻ với những người xung quanh.

– “Sống trong đời cần có một tấm lòng” chưa bao giờ cần tiết như thế trong xã hội hiện nay.

2. Thân bài

a. Giải thích

– “Tấm lòng” ở đây là tình cảm thương yêu, quý mến, là sự chia sẻ, đồng cảm, là những điều tốt đẹp mà chúng ta dành cho nhau.

→ Câu nói đề cao đến vấn đề cho đi mà không cần nhận lại, lòng tốt chỉ đáng trân quý khi ta biết cho đi mà không hề toan tính hay vụ lợi điều gì.

b. Phân tích

  • “Tấm lòng” trong cuộc sống là sự sẻ chia, cho đi yêu thương mà không hề tính toán vụ lợi.
  • “Lá lành đùm lá rách” là truyền thống quý báu mà ông cha ta để lại và hiện nay có rất nhiều hành động ý nghĩa theo đuổi lối sống này.
  • Phê phán những lối sống vô cảm, không quan tâm đến những người xung quanh.

c. Bài học nhận thức và hành động

– “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” là giá trị sống tốt đẹp mà chúng ta cần theo đuổi.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị của nhận định.

………………..

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng – Mẫu 1

Từ thuở xa xưa, khi vạn vật chưa sinh sôi nảy nở, khi muôn thú còn đang ngủ yên trong cái nắng trời rọi chiếu, chính lúc ấy loài người đang được tạo thành. Thượng đế đã dùng bàn tay khéo léo tỉ mỉ để hoàn thiện con người về cả hình dáng bên ngoài lẫn cả tâm hồn bên trong. Và Người đã tạo ra một thứ cốt yếu trong tâm hồn, đó chính là tấm lòng. Tấm lòng để kết nối tình người, tình bạn, tình thân. Tấm lòng mà ta hay nghêu ngao hát trong lời nhạc của Trịnh Công Sơn:

“Sống trong đời sống

Cần có một tấm lòng

Để làm gì? Em biết không?

Để gió cuốn đi”

Câu hát đã đưa lên một vấn đề tấm lòng. Vậy tấm lòng là gì? Tấm lòng là toàn thể tình cảm thân ái, tha thiết hay sâu sắc nhất đối với người mình yêu quý hay cảm phục. Tấm lòng ở con người là một tấm lòng biết chia sẻ, cảm thông, hiểu và giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn. Trịnh Công Sơn đã đưa ra câu hỏi: “Để làm gì? Em biết không?”. Đúng là ở đời ai cũng cần có một tấm lòng, nhưng ít có ai biết được rằng tấm lòng đó để làm gì, tấm lòng của mình có thể mang đến được những gì cho đời? Ông đưa ra câu hỏi và cũng đồng thời giải thích luôn cho nó: “Để gió cuốn đi”. Một sự ví von, gió cuốn tấm lòng ấy bay xa bay mãi, ở đây cái trừu tượng gió thổi không đơn thuần mang nghĩa như thế nó còn nói lên được rằng, chính gió đã giúp ta mở rộng tấm lòng của mình ra không chỉ với những người xung quanh mà còn bay xa tới những chân trời đang có trong thời khó khăn. Tấm lòng của chúng ta có thể giúp họ thêm nghị lực để họ vươn dậy trong cuộc sống, sau bao gian lao thử thách. Câu hát của ông chỉ vỏn vẹn có vài từ nhưng lại bao quát trong đó cả một ngữ nghĩa rộng lớn. Tấm lòng để làm đẹp cho đời cho cuộc sống, cho những người xung quanh và cho ngay cả chính bản thân ta.

Chúng ta thấy rằng ngày nay bản thân ta đang mải miết theo đuổi những vật chất bên ngoài, bị cuốn theo dòng xoáy vô hình của thời gian, lao lực mệt mỏi với đồng tiền để rồi khi thỏa mãn về sự giàu có của chính ta thì ta lại cảm thấy điều mà ta cố gắng giờ đây thật vô ích, thật tẻ nhạt. Ngày qua ngày nó lại vẫn tiếp diễn như một chu kì, ta không cởi mở với bất kỳ ai, chỉ biết làm vì lợi ích của chính bản thân mình, ta sẽ cảm thấy rằng mình đang mắc vào mình những sợi len vô hình để rồi tự chính mình làm nó rối lên. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ rằng hãy tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp, hãy mở rộng tấm lòng, đem nó trải ra với mọi người xung quanh, khi ấy có lẽ rằng ta sẽ cảm thấy thật thoải mái thật dễ chịu. Điều đó làm cho chúng ta cảm thấy rằng, cuộc sống thật đẹp và thật ý nghĩa biết bao. Từng ngày mà chúng ta trôi qua thật dễ dàng và không gặp bất cứ trở ngại nào. Bởi vì chúng ta có tấm lòng, và bởi vì chúng ta biết sử dụng nó. Cũng như Tố Hữu đã từng nói:

Không có gì trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau

Tấm lòng cũng như tình yêu thương của con người với con người. Tấm lòng khái quát tình yêu thương. Đời sống chỉ có nghĩa khi chúng ta biết cho đi tấm lòng của mình. Cũng như một đứa bé trong mẩu chuyện nói rằng: “Việc chia sẻ tấm lòng sẽ khiến ta lớn lao và khi ta không chia sẻ nó sẽ làm ta nhỏ đi”. Câu nói ấy đã khiến cho một số người trong chúng ta hiểu rằng, tấm lòng được sẻ chia sẽ tiếp thêm cho những người bất hạnh một nghị lực sống cũng như tiếp thêm vào tâm hồn ta một niềm vui, một sự hài lòng. Minh chứng cho điều đó là hãng sữa Vinamilk đã không ít lần giúp đỡ các trẻ em gặp khó khăn bằng cách trao tặng sữa, trao tặng đến các em một tình yêu một tấm lòng, để các em có thể nhận ra rằng còn có rất nhiều người vẫn quan tâm và chở che, giúp những ước mơ bay xa. Đó cũng chính là tấm lòng. Không chỉ là tấm lòng của chính bản thân ta mà còn là tấm lòng của tất cả mọi người.

Khi Thượng đế muốn ban tặng bất cứ một điều gì cho con người, Người luôn biết rằng nó sẽ là điều có ích cho toàn nhân loại. Tấm lòng cũng vậy, con người hơn ở loài vật ở chỗ ấy. Hươu nai có tình mẫu tử nhưng không thể có được tấm lòng, tấm lòng là chỉ có ở con người. Ta đã có được diễm phúc đó thì tại sao không giữ cho nó ngày càng tốt đẹp mà lại hủy hoại nó đi. Những học sinh ngày nay, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nhặt mà kéo phe phái để đánh nhau, để rồi đạt được gì? Chỉ là những xây xước những vết thương và cả những giọt nước mắt của người thân. Vậy tại sao chúng ta không dùng tấm lòng để giải quyết nó. Dùng những gì mà tấm lòng có được: sự rộng lượng, lòng khoan dung… để biến nó thành điều tốt đẹp. Bao người khác có thể sử dụng tấm lòng một cách bình thường có khi nhờ nó mà họ còn đạt tới được những thăng hoa trong cuộc sống. Thế thì tại sao ta không làm được như họ. Biết thay đổi dần dần, biết mở lòng thì ta cũng sẽ được như họ. Thời gian sẽ là người bạn đồng hành giúp chúng ta mài giũa được tấm lòng ngày hơn hoàn thiện.

Hãy để tấm lòng của chúng ta cho gió thổi bay, bay đi và sẻ chia sự yêu thương của chúng ta cho tất cả mọi người, giống như câu hát:

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì? Em biết không?
Để gió cuốn đi”

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng – Mẫu 2

Giữa cái lạnh đến cắt da cắt thịt của tiết trời Hà Nội, trong lúc dạo quanh phố phường tôi bất chợt cảm thấy ấm áp trong lòng khi nghe lại lời câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên trong một quán cafe nhỏ: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Lời bài hát da diết, giai điệu sâu lắng như đi sâu vào trong tâm hồn tôi, vẽ lên một điều gì đó đẹp đẽ lắm giữa sự chen lấn, xô bồ của đất Hà thành. Phải chăng người nhạc sĩ thiên tài thế kỷ XX muốn nhắn gửi một điều gì đó qua lời hát bất hủ ấy? Có hay chăng đó là tình yêu thương của con người với con người trong xã hội hiện nay.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng – câu hát nghe sao giản dị mà lại mang đầy dư vị. “Tấm lòng” trong câu hát này, chúng ta phải hiểu theo nghĩa đen. Đó là sự yêu thương, là biết thấu hiểu, cảm thông để sẻ chia và chăm sóc người khác với tất cả sự chân tình. Thực chất bài hát muốn nhắc con người sống trong đời sống cần có một trái tim biết sẻ chia tình yêu thương, có một tấm lòng bao dung độ lượng để cứu giúp những người bất hạnh một cách vô tư, tự nhiên và chân thành. Và khi ấy, chính bản thân chúng ta cũng đã nhận ra yêu thương, nhận lại vạn tấm lòng từ những người xa lạ. Chân thành, chủ động trao đi tình yêu thì thứ bạn nhận lại sẽ là hạnh phúc.

Tham khảo thêm:  

Từ ngàn xưa cho đến nay cuộc sống của con người chẳng lúc nào có thể thiếu đi tình yêu thương, sự cảm thông, lòng trắc ẩn ra đời ngay từ khi con người có mặt trên trái đất này. Nó xuất hiện như một lẽ hiển nhiên và tồn tại cho đến ngày nay. Thế nhưng, có ai từng nghĩ rằng nếu một ngày mai con người mất đi sự thấu hiểu, cảm thông thì trái đất sẽ không còn nụ cười, không bao giờ hạnh phúc. Nhà văn Nga M. Go-rơ-ki đã từng khẳng định: “Nơi lạnh giá nhất không phải là Bắc Cực, đó là vùng đất không có tình yêu. Thiếu vắng tình yêu thương, ta chẳng biết dựa vào vai ai mỗi khi cô đơn, thiếu vắng tình yêu thương không biết chia sẻ với ai trong ngày hạnh phúc. Chúng ta sẽ thiếu vắng một nơi nương náu cho chính tâm hồn mình trong cuộc đời này. Khi không có tình yêu thương con thì con người cũng chẳng khác gì một thứ đồ vật vô tri, con người sẽ trở nên ích kỷ, vô trách nhiệm, đầy tham vọng, sống bon chen, giẫm đạp lẫn nhau vì tư lợi của bản thân. Cho nên sống giữa đời sống cần có một tấm lòng.

Tình yêu thương và sự quan tâm, sẻ chia là tình cảm cao quý đối với cuộc sống của con người. Đó là tình cảm cao đẹp nhất bắt nguồn từ sự vô tư và trong sáng của từng cá thể con người. Tình cảm chân thành, tốt đẹp này sẽ làm cho cuộc sống của con người trở nên vui vẻ và ý nghĩa hơn bao giờ hết. Chỉ một câu thăm hỏi của cha mẹ khi họ có việc buồn cũng làm chúng ta có lòng lạc quan trong cuộc sống. Chỉ cần nụ hôn đầy hạnh phúc của bố mẹ dành cho con là chúng ta cũng cảm thấy nhà mình ngập tràn tình yêu thương. Khi chúng ta đem cả lòng quan tâm để sẻ chia với từng con người thì từ ấy chúng ta đã hình thành được tình yêu thương và gắn bó. Sự cảm thông đối với hoàn cảnh của người khác dường như không bao giờ có giới hạn. Chúng ta vẫn luôn có thể đau lòng với mọi hoàn cảnh trên thế giới, đau lòng cho cả những người mà chúng ta chẳng hề quen biết. Các dự án nhân đạo được thực hiện ở khắp nơi trên thế giới, không bị ngăn cách bởi không gian, biên giới. Tấm lòng là thứ vô hình nhưng lại hiện hữu ở khắp mọi nơi. Điều đầu tiên mà đa số các hoa hậu hiện nay thực hiện sau khi đăng quang là thực hiện các hoạt động thiện nguyện. Ngay sau khi vừa trở về nước sau hành trình 3 tuần chinh phục vương miện Hoa hậu Hoàn vũ 2018, Hoa hậu H’Hen Niê đã tuyên bố dành trọn 100% tiền thưởng của Ban Tổ chức để hỗ trợ học bổng cho các học sinh nghèo. Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã sắp xếp chuyến từ thiện đến Angola ngay sau khi cô ấy đăng quang tại cuộc thi Hoa hậu hòa bình thế giới 2022. Ca sĩ Hà Anh Tuấn đã bỏ ra hàng tỉ đồng để hỗ trợ chương trình: “Như chưa hề có cuộc chia ly”, để giúp đỡ những gia đình bị thất lạc người thân. Trong khi nhiều nghệ sĩ trong showbiz chạy đua trên con đường khoe hàng hiệu thì Hà Anh Tuấn lại đi ngược với họ. Anh nói rằng: “Tại sao chúng ta phải khoe mua được hàng hiệu này, hàng hiệu kia? Tại sao không khoe với nhau rằng tôi đã cứu được bao nhiêu người?”. Vẻ đẹp của một tấm lòng đẹp đã đi vào trong văn học nghệ thuật như một lẽ hiển nhiên không thể thiếu trong các tác phẩm. Sự quan tâm, yêu thương và bao dung của con người là ánh đèn sáng suốt đánh thức con người. Người tù nhân khổ sai Giăng Van-giăng sau một lần gặp mặt với linh mục Mi-ri-en đã được thức tỉnh và bước theo ánh sáng của tình yêu cho hết cuộc đời. Khi mất rồi, ông vẫn để lại chân lý sống cao cả: Trên thế gian này chỉ có một điều duy nhất là tình thương. Tình yêu thương là thứ vô hạn nhất trên cuộc đời này, vượt qua mọi ranh giới không gian và thời gian. Tuy nhiên, trong cuộc sống ngày nay bên cạnh những tấm lòng cao cả thì vẫn luôn tồn tại những người rất thờ ơ, vô trách nhiệm. Sư thầy Thích Khải Tuấn đã nói thế này: “Chúng ta nên cảm thông cho những người xấu, vì sâu bên trong họ cũng đã rất khổ đau rồi”. Có lẽ guồng quay của công việc, của những lo toan cuộc sống đã đè nén, khiến cho họ làm lạc mất sự cảm thông, thấu hiểu mà bản thân họ vốn có. Họ không có đủ sức để quan tâm bất kỳ ai ngoài chính bản thân mình. Họ cũng là những người cần được cảm thông trên cuộc đời này. Nhưng đối với những người bị cuốn vào sức hút của đồng tiền mà làm những điều xấu xa, hại đến người khác thì đáng bị lên án và phê phán. Tấm lòng nhân đạo dành cho người khác thì luôn cần được lan tỏa, nhưng cũng cần lưu ý rằng sự giúp đỡ nếu không đúng người và đúng cách thì đôi khi sẽ phản tác dụng. Có những bạn trẻ vùng núi có điều kiện kinh tế khó khăn, khi nhận được quá nhiều sự trợ giúp của xã hội thì lại đánh mất đi sự chăm chỉ vốn khó, chỉ biết đòi hỏi, hưởng thụ.

Cho nên, trong cuộc sống, sự cảm thông và chia sẻ phải luôn tồn tại theo đúng cách, để tình yêu thương thực sự được lan tỏa đến tất cả mọi người.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng – Mẫu 3

Nhà văn M.Gorki từng nói: “Nơi lạnh giá nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Câu nói này khiến ta suy nghĩ về tình yêu thương giữa người với người và quan điểm trách nhiệm của con người với việc yêu thương mọi người. Bàn về vấn đề này Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đưa ra một quan điểm sống qua bài hát, “Để gió cuốn đi”.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi”.
(Bài hát Để gió cuốn đi)

Nếu ví mỗi con người là một loại quả thì, “tấm lòng” chính là cái nhân ngọt bùi, đậm đà của thứ quả đó. Tấm lòng là tình cảm sự quan tâm chia sẻ yêu thương với mọi người xung quanh biết cảm thông và động lòng trước những cảnh ngộ éo le, bất hạnh. Qua câu hát Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn gửi đến chúng ta một thông điệp, một lời khuyên về quan niệm sống đúng đắn. Sống trên đời phải biết yêu thương, quan tâm, động viên và cảm thông với mọi người xung quanh như vậy cuộc sống mới trở nên hạnh phúc, tươi đẹp và giàu ý nghĩa.

Vậy tại sao chúng ta “sống trên đời sống cần có một tấm lòng”, ông cha ta thường nói “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, cùng sống trên cuộc đời này có người may mắn sống đủ đầy, hạnh phúc, an nhàn, yên vui nhưng cũng có những mảnh đời bất hạnh kém may mắn, gặp nhiều khó khăn, thử thách thậm chí là bất hạnh bi kịch.

Ta được sinh ra trong một gia đình đầy đủ cha mẹ tận tình chăm sóc, bản thân lại khỏe mạnh phát triển tốt đó là những điều tốt đẹp và may mắn mà ai cũng muốn. Nhưng không phải ai cũng có thể tận hưởng được tất cả những điều may mắn đó, đối với chúng ta ngày ăn ba bữa đầy đủ, thức ăn nhiều dinh dưỡng, cơm gạo không bao giờ thiếu có thể là những điều tất yếu điều bình thường mà ta được hưởng hàng ngày. Nhưng có những người họ chẳng có cơm gạo để mà ăn chứ không nói gì đến đồ ăn có chất dinh dưỡng tốt, một ngày lượng cơm thừa ta ăn không hết bỏ đi lại là số cơm gạo mà người nghèo đói mong muốn có trong bữa ăn của mình.

Mùa đông giá lạnh có những người chỉ có mỗi chiếc áo mong manh chống chọi với cái rét buốt của thời tiết, rồi đến những trẻ em mồ côi cha mẹ, lang thang đầu đường xó chợ đang còn nhỏ nhưng vẫn phải chật vật kiếm sống qua ngày, bất hạnh hơn là những người bị tàn tật có thể khiếm khuyết bẩm sinh không có được sức khỏe như những người bình thường khác. Họ là những con người thiệt thòi trong cuộc sống phải chịu tổn thương về thể xác và tinh thần, là những mảnh đời cần được quan tâm che chở. Nadimetlec từng nói, “con hãy lắng nghe nỗi buồn của cành cây héo khô, của chim muông què quặt, của hành tinh lạnh nhất nhưng trước hết con hãy lắng nghe nỗi buồn của con người”.

Xung quanh ta còn biết bao người kém may mắn, bất hạnh, khó khăn, vì vậy chúng ta “cần có một tấm lòng”, một tấm lòng chân thành luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ yêu thương với mọi người. Những điều ta được hưởng hàng ngày đối với ta có thể là điều tất yếu, đương nhiên, nhưng có thể với một số người đó là mong muốn, là khát khao để đến với một cuộc sống trọn vẹn.

Chúng ta “sống trên đời sống cần có một tấm lòng”, ta biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc mọi người thì cuộc sống của ta sẽ trở nên ý nghĩa, tươi đẹp hơn rất nhiều. Bởi lòng yêu thương của con người là vô đáy, nên ta hãy cứ dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất, chân thành nhất, như bông hoa Bồ Công Anh bung ra tỏa hết khi gặp gió, nhờ gió mang tinh nhụy của mình đi khắp muôn nơi gieo rắc sự sống. Khi chúng ta làm việc tốt, biết yêu thương người khác là khi tâm hồn ta cảm thấy rất thoải mái, rất dễ chịu. Đừng bao giờ nghĩ mình cho đi chẳng được nhận lại gì từ họ, nhưng thực chất khi ta làm việc tốt, khi ta quan tâm giúp đỡ người khác điều ta nhận lại được đó là niềm vui, niềm hạnh phúc tuy đơn giản, nhỏ bé nhưng vô cùng quý giá.

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 8: Cảm nhận về nhân vật chị Dậu trong Tức nước vỡ bờ Dàn ý & 3 bài văn cảm nhận về chị Dậu siêu hay

Ca dao Việt Nam có câu:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Tình yêu thương giữa con người với con người là gốc rễ của mọi điều tốt đẹp, ý nghĩa trong cuộc sống. Tình yêu thương sẽ khiến cho những mầm cây được phát triển đẩy xa giá lạnh, khổ đau và làm hồi sinh tiếp thêm sức sống cho vạn vật. Những điều xấu, điều ác trên đời, tất cả là do tình yêu thương con người ở đó chưa có bị những mối lo toan, những ích kỷ, hẹp hòi che lấp mất.

Việt Nam là một đất nước có truyền thống nhân đạo yêu thương con người cao cả và lâu dài, từ thời phong kiến ta đã được biết về những con người rất mực lương thiện, như danh y Lê Hữu Trác. Ông là một người thầy thuốc giàu lòng nhân ái, ông đã từng chữa cho một cậu bé con nhà thuyền chài nghèo bị mắc bệnh đậu mùa rất nặng, người bốc lên mùi xú uế, mỗi khi khám bệnh phải bỏ bộ quần áo trên bờ nhét bông vào hai lỗ mũi cho giảm bớt mùi khó chịu. Thế mà ông vẫn đi lại thăm khám, bốc thuốc chữa bệnh ròng rã hàng tháng trời đến khi cậu bé khỏi hẳn bệnh. Không những ông không nhận một đồng thù lao nào mà còn cho gia đình cậu bé gạo, củi, dầu, đèn. Ta thật cảm kích trước tình thương yêu con người của Lê Hữu Trác ông đã bất chấp mọi trở ngại, khó khăn để chữa bệnh không công cho người nghèo khổ.

Lòng yêu thương con người vẫn được duy trì và truyền thống nhân đạo của con người Việt Nam vẫn được phát huy, ngày nay các tổ chức, các quỹ nhân đạo, các nhà mạnh thường quân, họ luôn dành cho những người nghèo khổ chút hỗ trợ về vật chất, giúp họ trang trải qua ngày và cả các chương trình ủng hộ cho trẻ em nghèo khó, người dân vùng bão lụt. Đó là những việc làm thể hiện tình yêu thương giữa con người với con người, của người Việt Nam trong bất kỳ hoàn cảnh nào xã hội nào.

Tình yêu thương con người là thứ tình cảm giản dị nhưng chân thành nhất, ấm áp nhất. Vậy mà đâu đó trong cuộc sống hàng ngày ta vẫn bắt gặp những hành động, những con người không biết yêu thương con người, kể cả với người thân của mình, con cái hắt hủi cha mẹ, cảm thấy mình chịu gánh nặng khi phải chăm sóc người thân của mình. Đó là người thân, còn với những người xung quanh, một số cá nhân có thái độ thờ ơ, ích kỷ, vô cảm trước khó khăn bất hạnh của người khác. Đã có ai từng nói rằng:

“Có khi nào trên đường đời tấp nập,
Ta vô tình đi lướt qua nhau”,

“Vô tình”, chính là sự thờ ơ ghẻ lạnh đối với những số phận hẩm hiu, khó khăn. Đó là những việc làm, những con người đang bị phê phán và xem thường. Ngoài ra tình yêu thương cũng cần phải thể hiện đúng lúc, đúng chỗ đúng cách.

Một số người luôn thể hiện tình yêu thương con người của mình bằng việc ủng hộ, quyên góp tiền của một cách quá đà, sẽ khiến kinh tế cá nhân bị giảm sút và tạo sự ỷ lại, dựa dẫm cho những người khó khăn, khiến họ có suy nghĩ chỉ chờ vào tiền trợ cấp để sinh sống qua ngày.

Qua lời hát của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cảm thức được ý nghĩa và trách nhiệm của bản thân trong việc biết yêu thương, quan tâm người khác. Chúng ta hãy sống một cuộc sống đầy ý nghĩa, luôn yêu thương chăm sóc người khác, biết xót xa trước những mảnh đời cơ cực và biết đưa tay để cho những người khó khăn bấu víu, nâng đỡ họ vượt qua khó khăn cuộc đời. Là một người trẻ tuổi trước tiên ta hãy sống trách nhiệm với gia đình và người thân, chúng ta hãy yêu thương ông bà, cha mẹ, anh chị em mình, quan tâm chăm sóc ân cần từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất. Sau đó chúng ta cần phải giàu lòng bác ái với mọi người xung quanh, sẵn sàng tham gia các phong trào quyên góp, ủng hộ và chương trình tình nguyện “để gió cuốn đi”, mang yêu thương lan tỏa khắp nơi ta sẽ sống một cuộc sống ý nghĩa và sẽ trở thành một người có ích cho gia đình và xã hội.

Ai sinh ra trên đời cũng có một trái tim, chúng ta hãy luôn giữ cho trái tim đó mang dòng máu nóng, ấm áp, biết yêu thương con người, vì nhau mà sống, “sống có một tấm lòng”, để con người được gần nhau hơn. Như nhà thơ Tố Hữu từng nói.

“Người yêu người sống để yêu nhau”.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng – Mẫu 4

Giữa chiều đông lạnh giá của Hà Nội, tôi chợt ấm lòng khi nghe thấy lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, có lẽ lời bài hát vang lên từ một quán cà phê nào quanh đây nghe mênh mang mà sâu lắng. Người nghệ sĩ thiên tài thế kỉ XX muốn gửi gắm điều gì từ lời hát sâu sắc đó? Phải chăng là tình yêu thương giữa con người với con người?

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng – câu hát ngắn gọn mà lắng nhiều dư âm. Có lê tấm lòng mà Trịnh Công Sơn muốn nói tới ở đây chính là tấm lòng yêu thương, là sự quan tâm, đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ người khác với tất cả sự chân thành. Thực chất câu hát muốn khuyên con người sống trong đời sống cần có một trái tim biết sẻ chia, thương yêu, có một tấm lòng luôn rộng mở đế giúp đỡ người khác một cách chân thành, tự nguyện và nồng nhiệt. Và khi đó, chính mỗi con người cũng sẽ nhận được yêu thương, nhận được vạn tấm lòng từ người khác. Chân thành, tự nguyện trao yêu thương ta sẽ nhận được yêu thương.

Có bao giờ bạn tự hỏi cuộc sống con người sẽ như thế nào khi không có tình yêu thương? Từ xa xưa cho đến bây giờ cuộc sống của con người chưa lúc nào ngừng yêu thương, nhưng giả sử có một ngày con người không quan tâm, sẻ chia, đồng cảm với nhau trái đất sẽ không còn tiếng cười, không còn ấm áp. Nơi nơi ngập tràn băng giá, lạnh lẽo. Nhà văn Nga M. Go-rơ-ki đã từng nói: Nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương. Thiếu vắng tình yêu thương chúng ta biết tựa vào ai những khi vấp ngã, thiếu vắng tình yêu thương chúng ta biết san sẻ cùng ai những niềm vui. Khi không có tình yêu thương con người chẳng khác chi vật vô tri vô giác, con người sống thờ ơ, vô trách nhiệm, đầy lý trí, sống bon chen, chà đạp lên nhau, lúc đó cuộc sống của con người sẽ trở nên cô đơn, trống vắng. Cho nên sống trong đời sống cần có một tấm lòng.

Tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia là tình cảm cao đẹp trong cuộc sống của con người. Đó là tình cảm thiêng liêng, xuất phát từ trái tim chân thành, tự nguyện của mỗi cá nhân con người. Tình cảm thiêng liêng, cao đẹp này sẽ giúp cho cuộc sống của con người trở nên ấm cúng, hạnh phúc hơn. Chỉ một lời hỏi thăm của bạn bè lúc ta có chuyện buồn cũng giúp ta có niềm tin trong cuộc sống. Chỉ cái mỉm cười đầy hạnh phúc của cha mẹ dành cho nhau, ta cũng thấy gia đình mình tràn ngập tình yêu thương. Khi chúng ta dành tấm lòng quan tâm, sẻ chia cho mỗi người, lúc đó chúng ta đã tạo nên sự đồng cảm, gần gũi. Dễ hiểu vì sao mà ta lại rơi nước mắt trước những nạn nhân xấu số của trận sóng thần ở In-đô-nê-xi-a, của trận động đất ở Tứ Xuyên – Trung Quốc. Khoảng cách giữa những con người khác dân tộc, khác màu da, khác tôn giáo được kéo gần, thậm chí là sự gần gũi, gắn bó chính bởi tình yêu, sự quan tâm, cảm thông cho nhau. Dùng tấm lòng để hiểu tấm lòng ta sẽ có được nhiều điều quý giá mà tiền bạc cũng không mua nổi. Sự quan tâm, yêu thương, vị tha của con người là ngọn đuốc sáng thức tỉnh con người. Người tù khổ sai Giăng Van-giăng chỉ một đêm gặp gỡ với giám mục Mi-ri-en đã được cảm hoá đế đi theo ánh sáng của thiên lương đến cuối cuộc đời. Khi chết đi, ông còn gửi lại triết lý sống cao đẹp: Trên đời này chỉ có một thứ đó là tình thương. Ai đã đọc Chiếc lá cuối cùng của o Hen-ri chắc hẳn không quên được hình ảnh chiếc lá thường xuân vẫn kiên cường, tươi xanh sau trận bão tuyết. Chiếc lá mong manh mà dũng cảm, đã đánh thức Giôn-xi niềm khao khát sống. Chiếc lá mãi mãi xanh tươi ấy được vẽ nên bởi tình yêu thương mãnh liệt của bác Bơ-men. Người hoạ sĩ già bất chấp mạng sống để vẽ được chiếc lá trong đêm bão tuyết. Chiếc lá ấy là một kiệt tác – kiệt tác của tình yêu thương.

Từ xa xưa cha ông ta đã từng nhắc nhở: Lá lành đùm lá rách, Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ. Tình yêu thương giữa con người với con người là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Truyền thông này đến ngày nay vẫn được phát huy. Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng có nhiều chương trình nhân đạo đem lại lợi ích, niềm vui cho bao người: Chương trình Thắp sáng ước mơ, Trái tim cho em, Tết vì người nghèo. Tôi đã bao lần rơi lệ khi xem những cuộc đoàn tụ gia đình sau bao năm chia li trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia li. Tôi tự hỏi, điều gì thôi thúc những thành viên biên tập chương trình ấy lặn lội bao khó khăn, vất vả đế đi tìm người thân cho những gia đình có con em bị thất lạc. Chính tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia mới thôi thúc họ làm nên những cuộc trở về xúc động, hàn gắn những vết thương chiến tranh, nối bao nhịp cầu hạnh phúc.

Tham khảo thêm:   Bộ đề thi học kì 1 môn Tiếng Anh lớp 7 năm 2022 - 2023 (Sách mới) 7 Đề kiểm tra tiếng Anh lớp 7 học kì 1 (Có ma trận, đáp án)

Thực tế trong cuộc sống hiện nay có nhiều người sống thờ ơ, vô trách nhiệm. Một phần vì quỹ thời gian của mọi người quá eo hẹp vì vậy không có điều kiện để quan tâm, sẻ chia tới những người xung quanh. Một số khác vì chạy theo vòng xoáy của đồng tiền, của lợi danh sẵn sàng chà đạp lên mọi người xung quanh để đạt được tham vọng. Một số ít trong giới trẻ có điều kiện sống khá giả không hiểu được giá trị cuộc sống, không chịu tìm hiểu và quan tâm tới những người xung quanh, sông thờ 0, chỉ biết đòi hỏi hưởng thụ. Cho nên, cuộc sống hiện đại đang nảy sinh những căn bệnh của thời hiện đại: bệnh vô cảm, bệnh tự kỷ… Dù chỉ là một số ít nhưng những người này cũng tạo nên một khoảng lạnh giá của cuộc sống.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Bạn hãy trao yêu thương bạn sẽ nhận được nhiều yêu thương. Tình yêu thương, sự quan tâm tới mọi người được biểu hiện ở những điều nhỏ nhất, bình dị nhất. Chi một lời hỏi thăm ông bà, cha mẹ bạn đã thể hiện được sự quan tâm của mình. Dắt một cụ già qua đường, chia sẻ đồng tiền mua quà sáng ít ỏi của mình cho em bé ăn xin, bạn cũng đã thể hiện được tình yêu thương của mình. Bạn hãy sống bằng tình yêu thương bắt đầu từ ánh mắt, lời nói và hành động. Một câu chuyện kể rằng có một cậu bé vì giận mẹ đã chạy thẳng vào rừng, nơi rừng sâu cậu hét lên: Ta ghét người và bỗng từ rừng sâu lại vọng lại: Ta ghét người. Sợ quá, cậu chạy về òa vào lòng mẹ và kể. Thế rồi, mẹ cậu bé dắt tay cậu trở lại rừng sâu và bảo cậu: Con hãy nói: Ta yêu người. Lạ thay khi cậu vừa thốt lên thì từ rừng sâu vọng lại: Ta yêu người. Cuộc sống là một định luật: Trao yêu thương sẽ nhận được yêu thương. Bạn hãy yêu thương, hãy quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ người khác, bạn sẽ nhận lại những điều ấy.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng – Mẫu 5

Còn nhớ Trịnh Công Sơn đã có câu hát: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi…” và cũng chính ông đã ngụ ý rằng, chỉ với một tấm lòng nhỏ nhoi ấy thôi, mà con người vượt rất xa những loài vật khác. Nếu mà cũng nhìn đời bằng con mắt ấy, cũng sống theo tôn chỉ ấy, thì xin được trả lời rằng: Người với người sống với trong Tình và Nghĩa. Lời bình luận của ai đó làm người ta giật mình… cái dụng ý hiển nhiên của tác giả bỗng chốc bị lật ngược, bị thay bằng một cách hiểu mới hoàn toàn khác. Quả thật, có lẽ hầu hết ai đọc bài thơ đều thấy khâm phục tác giả, bài thơ ý nhị, giàu ẩn ý nếu không nói là giàu ẩn ý một cách xót xa. Người sống với nhau như thế nào? Người sống với nhau như thế nào? Người sống với nhau như thế nào?

Lướt qua blog của những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn thấy blast là “Sống trên đời cần có một tấm lòng… để làm gì em biết không?… Để gió cuốn đi”. Còn nhớ, cách đây mấy hôm, cũng dạo qua blog của một người bạn, lại là “Sống trên đời cần có một tấm lòng…”. Và đọc được nhiều nơi nữa, nhiều người bạn của tôi cũng nhắc đến câu hát vốn rất thi vị đó. Tôi chợt nghĩ, dạo này con người ta sống có tình lắm, ai ai cũng nhắc nhở bản thân mình, nhắn gửi những người xung quanh là sống cần có tấm lòng. Cho dù tấm lòng đó, chưa cần biết để làm gì, có thể là để cho gió cuốn đi.

Tôi vốn cũng hay nghe nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng thú thật là nhiều khi không hiểu hết những ngôn từ của ông viết ra. Có lúc, tôi đọc những bài cảm nhận của người khác, nghe láng máng những người bạn giải thích cho tôi, tôi mới vỡ lẽ ra một điều rằng, à, té ra nó là như vậy. Nhiều lúc, tôi lại nghĩ, không hiểu có khi lại hay, nếu mọi thứ mà rõ ràng thì còn gì là lãng mạn nữa. Và tôi cũng đâm ra khoái những gì không hiểu, những gì mù mờ, như sương, như gió… chẳng hạn.

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn luôn nhắc nhở bản thân là hãy sống có một tấm lòng, tấm lòng của ông, dành cho cái đẹp dành cho tình yêu, dành cho cuộc sống, dành cho tình bạn. Tôi chưa từng tiếp xúc với ông, có thể là chẳng hiểu chút gì về ông, nhưng đọc những bài viết, hồi ức có liên quan đến ông, tôi nghĩ ông là người tốt, và là người có tấm lòng lắm. Nhưng có thể cho tôi một chút nghi ngờ, cho dù đó là điều không muốn. Nhưng như một triết gia nói là “bạn có thể nghi ngờ mọi điều, nhưng bạn không được phép nghi ngờ rằng, bạn đang nghi ngờ”. Như vậy, tôi có nghi ngờ thì cũng là lẽ thường của tự nhiên…

Tôi nói thế, nhưng không nghĩ là có chút hỗn nào với một bậc trưởng bối, với một nhạc sỹ nổi tiếng nhất nhì trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Tài năng và tấm lòng của ông đã được ông thể hiện qua những bản tình ca ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu cuộc sống và tình người, đã đi vào lòng người bao thế hệ người Việt Nam. Hầu hết những người bạn khi nhắc lại ông đều kính trọng, cảm phục và không một chút lăn tăn lợn cợn. Tôi cũng rất kính phục ông. Về phương diện là một con người, tôi tin, ông là người có tấm lòng…

Tôi biết từ sâu thẳm của con người luôn là hướng thiện và có tấm lòng rộng mở. Có thể vì một lý do nào đó làm cho họ ma quỷ dẫn lối đưa đường, chìm sâu vào những ham muốn tầm thường. Họ tự đánh mất mình từ bao giờ mà không hay.

Tối nay coi bộ phim Người Nhện 3, câu kết của bộ phim, làm cho tôi ấm lòng. Hãy nhớ là lúc bạn khó khăn, lúc bạn đau khổ, thì bạn vẫn luôn luôn có những lựa chọn. Và trong mọi cách lựa chọn, bạn vẫn luôn luôn chọn được con đường mà bạn trở lại là chính mình. Có khi lựa chọn đó trả giá bằng cả mạng sống như anh chàng Harry đã nhiều lần lầm lỗi.

Bạn tôi và tôi nữa, thốt lên, là mình cần sống có tấm lòng. Tấm lòng đó, có thể không cho ai cả, cho gió cuốn đi mà thôi. Tôi hiểu những người bạn của tôi cũng muốn có tấm lòng thật.

Nhưng, đó là lời nói, chỉ là lời nói, và nó sẽ rất đơn giản. Cần có tấm lòng, chứng tỏ tôi là người lãng mạn, và là người có lòng đích thực. Tôi có thể cho người khác biết là tôi luôn có một tấm lòng, để dành cho người xung quanh, để cho gió cuốn đi, có thể mang hương vị tới cho mọi người. Tôi vẫn tin những ai muốn có tấm lòng, là xuất phát từ sự chân thật của họ.

Nhưng cũng chính một vài trong số những người đã thốt lên là, sống trong đời cần có một tấm lòng mà tôi đã chứng kiến, lại có những suy nghĩ mà tôi nghĩ là thực dụng và thiếu tình người nhất. Đó là những người sống quanh tôi, có thể là những người bạn thân có thể là những người thoáng qua, nhưng chứng kiến những suy nghĩ và việc làm của họ, tôi bỗng thấy sự “cần có một tấm lòng” của họ sáo rỗng biết chừng nào.

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ơi, ông ra đi đã để lại cho người Việt Nam biết bao bài hát hay, lay động lòng người, biết bao lời hát lãng mạn, đánh thức lòng nhân trong mỗi người. Nhưng ông có biết không, lời hát của ông, có thể là những lời nói sáo rỗng nhất của một số người, có thể nó là một thứ trang sức đầy tính lãng mạn, cao sang. Ở nơi chín suối, ông chẳng bao giờ muốn điều đó, nhưng sự thực vẫn là vậy.

Ngày nay, có người lấy lời hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn để đánh bóng mình. Có thật xuất phát từ tâm họ hay không, không ai biết cả. Nhưng nếu là người có tấm lòng đích thực, thì không cần lúc nào cũng phải thốt lên là “cần có một tấm lòng…”.

Có những tấm lòng rất thầm lặng mà tôi được biết. Đó là tấm lòng của một chị nhà báo trăn trở với bao số phận, những hoàn cảnh éo le, rồi chị ấy nhận đỡ đầu hai đứa trẻ trong số những đứa trẻ bất hạnh mà chị ấy gặp. Đó là tấm lòng của một gia đình nuôi những người điên… Và có rất nhiều tấm lòng thầm lặng khác nữa trong xã hội chúng ta. Tuyệt nhiên, tôi chẳng thấy những tấm lòng thầm lặng đó thốt lên, “tôi cần có một tấm lòng…”. Bởi vì tấm lòng thật thì nó xuất phát từ con tim.

Và chợt nhìn qua một cảm nhận của một ai đó, lại thấy “sống trên đời cần có một tấm lòng…”. Sáng mai, có thể tôi lại đổi status và blast của tôi là “Sống trên đời, cần có một tấm lòng…”.

…………….

Tải file tài liệu để xem thêm bài văn mẫu hay nhất

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ về câu hát Sống trong đời sống cần có một tấm lòng Dàn ý & 15 bài văn mẫu lớp 12 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *