Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm (Dàn ý + 4 mẫu) Những bài văn hay lớp 12 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm gồm dàn ý và 4 bài văn mẫu hay nhất. Qua bài văn suy nghĩ về Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm siêu hay trong bài viết dưới đây do Wikihoc.com tổng hợp sẽ giúp các bạn học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi kiến thức, biết cách viết bài văn nghị luận hay, đủ ý.

Suy nghĩ về Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm dưới đây sẽ là tư liệu hữu ích, giúp các bạn học sinh tự tin không phải lo nghĩ quá nhiều về việc làm sao để viết được bài văn hay. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn mẫu bình luận về quan điểm không kết bạn với những người học yếu.

Dàn ý Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm

1. Mở bài:

– Nêu câu nói: “bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương hoa” – con người khi trao đi yêu thương cho người khác, tức là họ cũng đã nhân lại yêu thương cho mình, và con người đó luôn có được những điều tốt đẹp cho bản thân và cho những người xung quanh nữa.

2. Thân bài:

– Giải thích:

+ Hoa hồng: đó là một loài hoa, một loài hoa đẹp tượng trưng cho tình yêu thương của con người với con người. Hoa hồng nói riêng và những loài hoa nói chung đại diện cho những điều tốt đẹp, và có thể là cả tấm lòng của một con người.

+ Tặng: đó là hành động mà con người trao cho con người một điều gì đó.

+ Phảng phất hương hoa: luôn lưu giữ được mùi hương, cái đẹp, tình yêu thương, sự thanh thản, niềm vui cho bản thân mình.

=> nghĩa đen: Một con người khi tặng một bông hoa hồng – đại diện cho cái đẹp, trên tay mình cho người khác thì luôn đem lại cho bản thân mình mùi hương thơm của chính bông hoa đó. Hương thơm đó khi cho đi rồi thì sẽ không hề bị mất đi mà vẫn sẽ được lưu giữ lại, phảng phất mùi thơm bên cạnh người đã tặng hoa.

=> Nghĩa bóng: khi ta cho đi bất cứ điều gì ta đang có, thì ta cũng sẽ nhận lại được chính tình yêu thương mà ta đã cho đi. Trái tim luôn rộng mở với tất cả mọi thứ thì sẽ có thể thấy được sự thanh thản nơi tâm hồn mình. Khi cho đi, không phải là ta đã mất đi mà chính là “cho đi và luôn được nhận lại”, cho đi tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ, và ta sẽ nhận lại niềm hạnh phúc cho bản thân.

– Ý nghĩa của câu nói đến mỗi người: giúp mỗi người nhận ra rằng mình sẽ nhận được nhiều hạnh phúc khi cho đi, và sẽ luôn vui khi trao đi tình yêu thương cho bất cứ một ai.

– Liên hệ bản thân và xã hội:

+ Bạn đã bao giờ hành động như câu nói trên hay chưa? Và khi làm được thì tâm hồn bạn có thấy thanh thản không?

+ Ngoài xã hội có những con người luôn mong muốn cống hiến cho xã hội, làm nhiều việc tốt, và họ luôn nhận lại cho mình niềm vui.

3. Kết bài:

– Khẳng định lại vấn đề và mở rộng.

Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm – Mẫu 1

Thượng đế đã trao cho loài người một thứ vũ khí để chống lại mọi khó khăn, khắc nghiệt của cuộc sống: đó là trái tim. Có một trái tim để đón nhận yêu thương, có một trái tim để cảm nhận được yêu thương, và yêu thương sẽ trở thành sức mạnh. Thế nhưng có ai đó chỉ thích đón nhận yêu thương chỉ từ một phía. Sự ích kỷ nhỏ nhen sẽ khiến không ít người có thể hiểu được rằng khi ta trao tặng cũng là ta đón nhận một điều gì đấy, bởi lẽ: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”.

Trong đời sống hằng ngày, bàn tay ta trao tặng bao nhiêu là thứ khác nhau cho những người xung quanh. Và hương thơm là hệ quả của việc trao tặng hoa hồng. Đóa hoa hồng ngát hương khi được trao đi thì bàn tay ta vẫn còn phảng phất cái hương thơm ngào ngạt của nó. Hoa hồng đây chính là ẩn dụ cho tình yêu thương. Còn hương thơm chính là điều tốt đẹp mà ta đón nhận được khi ta trao đi tình yêu thương đó. Nói một cách khái quát, khi ta trao tình yêu cho người khác, khi lòng ta rộng mở, tình yêu thương của ta sẽ trở thành sức mạnh. Như trong lời đề tựa cho cuốn sách Chichen soup for the soul của Karl Menninger: “Tình yêu thương là phương thuốc nhiệm màu cho cho tất cả chúng ta, cho cả người trao lẫn người nhận nó”.

Người biết trao tặng hoa hồng, trao tặng yêu thương là người giàu có về tâm hồn. Giúp đỡ người khác, mang đến hạnh phúc cho người khác chính là cách để tô đẹp tâm hồn mình. Vậy, nếu chỉ trao tặng thì đến lúc nào đấy tình yêu có cạn kiệt không? Vâng! Tất nhiên là không như vậy, bởi lẽ hoa hồng dù đã trao đi thì vẫn còn phảng phất hương thơm trên tay người trao tặng. Yêu thương trao đi là yêu thương nhận lại mãi mãi. Ta mang đến cho người khác sự tốt đẹp, đấy có thể là một ánh mắt quan tâm lo lắng hay cử chỉ ân cần. Biểu hiện của yêu thương có muôn hình vạn trạng. Yêu thương tràn ngập khắp nơi, có nhiều cách để trao tặng. Vậy, ta đón nhận được gì? Phải chăng chính là tình yêu – trái tim của người mà ta trao tặng? Và cũng có khi chỉ đơn giản là cảm giác hạnh phúc, hài lòng về điều mình làm được cho người khác? Dù sao đi nữa, những thứ vô hình ấy mà ta nhận lại sẽ mãi là bất diệt. Tiền bạc, địa vị vật chất sẽ hao mòn theo thời gian nhưng yêu thương lại theo thời gian được bồi đắp mà lớn dần. Người giàu có nhất trên thế giới chính là người có được nhiều hương thơm nhất từ những đóa hồng mà mình đã trao đi.

Những đóa hồng yêu thương ấy của trái tim con người đã viết nên bao câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Có một người đàn ông nơi vùng đất Bến Tre, dù chẳng khá giả gì nhưng lại giàu có lòng yêu thương – ông Lê Huỳnh. Ông Bụt trong đời thường ấy đã bỏ công đi khắp nơi vận động xây dựng những ngôi trường cho trẻ em khuyết tật. Ông tự mình vận động xin học bổng cho trẻ em nghèo khó. Biết bao đứa trẻ nghèo vùng quê nghèo Bến Tre đã trưởng thành nhờ tình thương nhận được từ trái tim nhân hậu của ông, như lời ai đó đã nói: “Mỗi người đều có thể trở nên vĩ đại, chỉ cần trái tim bạn chan chứa lòng khoan dung và tâm hồn bạn tràn ngập một tình yêu thương”. Từ một con người rất bình thường, ông Lê Huỳnh đã trở thành một ông Bụt giữa đời thường. Và ông đã được một tổ chức nhân đạo của Nhật Bản trao tặng giải thưởng cao quý dành cho những người đã có nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Dù sống chỉ có một mình, không vợ con nhưng ông không hề cô đơn. Giờ ở Bến Tre, ông là người đông con cháu nhất; mỗi chiều về, trên đường có bao đứa trẻ gọi ông là “ông nội”, “ông ngoại”, có những người đã trưởng thành gọi ông bằng tiếng “Ba” thật đầm ấm, trìu mến, yêu thương. Đấy phải chăng chính là hương thơm từ những “đóa hồng” mà ông Lê Huỳnh đã trao tặng cho cuộc đời?

Tham khảo thêm:   Tiếng Anh 9 Unit 1: Looking back Soạn Anh 9 trang 14, 15

Hay, với chương trình “Ước mơ của Thúy”, cô bé Thúy mắc bệnh ung thư máu, sắp phải xa lìa cuộc đời mà vẫn cố gắng “làm một điều gì đó” cho những đứa trẻ bất hạnh có số phận nghiệt ngã như mình. Thúy vận động tổ chức một buổi trình diễn để quyên góp giúp ở những bệnh nhi nghèo mắc bệnh ung thư. Một đứa trẻ phải chịu nhiều bất hạnh như thế mà còn muốn trao tặng cho đời một cái gì đấy, và đó chính là tình yêu thương. Nay cô bé đã không còn, nhưng chương trình mang tên “Ước mơ của Thúy” vẫn được tiếp tục. Có lẽ không ai có thể quên cô bé ấy, em sống mãi trong lòng mọi người. Đấy chính là hương thơm bất diệt của đóa hồng mà Thúy đã trao.

Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống. Câu chuyện trong Chiếc lá cuối cùng của O’ Henry thật cảm động; khi mà tình yêu thương được lên ngôi nơi một phố trọ nghèo, cái phố trọ ấy thật gần gũi bởi cuộc đời đã bước vào văn chương. Cụ Behrman hi sinh cả sự sống của mình để đem lại cho Giônxi niềm tin vào cuộc sống – đúng hơn là sự sống của chính cô. Cô gái ấy đã chiến thắng được cái chết và lại tiếp tục thực hiện những ước mơ của mình. Chính là nhờ từ “đóa hồng” của cụ Behrman. Điều kỳ diệu ấy đã khiến cho sự ra đi của cụ mới nhẹ nhàng, thanh thản vô cùng. Ông họa sĩ già ra đi trong sự mãn nguyện bởi tình cảm yêu thương, lòng biết ơn của Giônxi và Xiu dành cho cụ mãi là đóa hồng ngát hương giữa đời. Vâng! Hương thơm đóa hồng của lòng yêu thương trắc ẩn kia là mãi mãi.

Vậy mà, một điều đáng buồn là không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của yêu thương, ý nghĩa của trao tặng: “Dù thiên đường cũng sẽ chẳng là gì nếu nơi ấy không có chỗ cho trái tim ngự trị”. Người ta thích đón nhận, người ta thích tích lũy cho bản thân. Cái bản ngã nhỏ nhen đôi khi chi phối và mang đến cho con người những quan niệm sống sai lệch. Nếu trong xã hội này ai cũng thích giữ khư khư những thứ tốt đẹp cho riêng mình thì xã hội ấy mới thật đáng sợ. Người ta không nhận ra rằng những điều tốt đẹp chỉ giữ được khi nó được trao đi. Khi ta trao tức là ta đã nhận được một được một điều gì đấy. Câu nói: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm” là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh cho con người về một quan niệm nhân sinh. Hãy trao tặng tất cả những gì bạn có, đừng chần chừ hay e ngại bởi những gì bạn nhận được còn nhiều hơn thế nữa. Ai cũng có quyền trao đi hoa hồng, ai cũng có quyền nhận lấy hương thơm. Hãy mở lòng ra với mọi người, với cuộc đời. Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Hãy để tình yêu thương tràn ngập cả thế giới này, hãy để những đóa hồng của bạn luôn ngào ngạt hương thơm. Hạnh phúc chính là khi ta trao nó cho người khác. Vâng! “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”. Câu nói ấy chứa đựng một quan niệm nhân sinh đúng đắn, đáng cho ta xem nó như một phương châm sống. Điều ấy sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc đời này, bởi lẽ yêu thương là thứ vĩnh hằng duy nhất trên thế gian này.

Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm – Mẫu 2

Chúng ta là con người, với những cá tính riêng và những nét độc lập, nhưng không đồng nghĩa với việc ta tách rời cộng đồng, ta vị kỉ, ích kỉ chỉ biết nghĩ đến bản thân, chỉ biết nhận mà không biết cho đi. Bởi thế, chúng ta cần thấu hiểu được rằng: “Bàn tay ta tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”

Bông hồng là hình ảnh ẩn dụ cho những điều tốt đẹp, niềm vui, hạnh phúc. Bông hồng cho đi hay chính là việc biết sẻ chia những điều quý giá, tốt đẹp mà hạnh phúc đầy yêu thương đến người khác để tâm hồn mình, vương vấn những mùi hương, có nghĩa tâm hồn được nhận lại sự thanh thản, bình yên và an lành từ tâm hồn. đó là một cách sống đầy nhân văn và cao thương, bởi nó ca ngợi và cổ động khích lệ chúng ta hãy biết trao đi, biết sẻ chia những điều yêu thương hạnh phúc trong cuộc sống để tâm hồn được an lành, thư thái, thanh thản, và cũng để niềm vui được nhân đôi.

Đúng là như vậy, trong cuộc sống con người luôn tồn tại trong mối quan hệ với cộng đồng, không thể đơn lẻ duy nhất. chính vì vậy chúng ta nhận nhiều sự tác động từ bên ngoài, hơn nữa con người là một sinh thể yếu đuối, môi trường sống lại ngày càng phức tạp và dữ dội, chính vì vậy ta cần biết cho đi để khi cho đi ta được nhận lại từ người khác sự yêu thương, bảo vệ để cứu sống lấy chính mình. Hãy nghĩ mà xem, cuộc sống này được tạo nên từ muôn vàn những vật chất khác nhau, và ta đang hưởng thụ chính thành quả của một quá trình đằng sau đầy mệt nhọc. Vậy nên, ta không thể sống ích kỉ, vị kỉ chỉ biết nhận mà không biết cho đi, không biết trao yêu thương, hạnh phúc niềm vui cho người khác. Như vậy ta rẽ trở thành con quỷ dữ của lòng tự ái, sống ích kỉ với người khác, sẽ chẳng khác gì số phận của biển chết kia.

Khi trao đi bông hồng, ta cảm thấy thanh thản, nhẹ nhõm vì mình đã có đôi chút cống hiến cho con người và xã hội, chứ không phải chỉ là một kẻ ăn không ngồi rồi. tình yêu thương trao đi, tấm lòng thêm rộng mở. Niềm vui trao đi sự hạnh phúc càng được trọn vẹn, nhân đôi. Bông hồng ấy cũng có thể là nỗi buồn, sự đau khổ biết sẻ chia với mọi người để kịp đón nhận sự thấu cảm, không rơi vào bế tắc, bi kịch đến cô độc cùng đường. Bông hồng trao đi, là một tấm lòng không vị kỉ, không chỉ cầu thì cá nhân đã có ý thức hướng đến cộng đồng. Hãy thử nghĩ xem, nếu xã hội này chỉ biết giữ mãi bông hồng thì chẳng phải sớm muộn gì chúng cũng sẽ héo úa, tàn phai đó ư.

Tham khảo thêm:  

Nhưng không phải cứ trao đi bông hồng một cách hờ hững, vô tâm vô cảm là xong. Vấn đề là ở sự chân thành và yêu thương thành thật, là ở khát vọng muốn cống hiến cho đời chứ không phải là việc cố gắng chứng tỏ ta là người tốt, để hãnh tiến với đời. Cuộc sống cần sự chân thành, và hơn thế tiếng nói của trái tim càng cần thành thật, có như vậy tâm hồn ta mới không bị giày xéo bởi những sự lối dừa mà ta đã tạo ra. Thành thật trao đi bông hồng, mùi hương là phần thưởng xứng đáng cho bạn, mùi hương tỏa ra từ chính tâm hồn thân yêu và đáng quý của bạn. khi ấy, tự nhiên tâm hồn bạn là một bông hồng cho đời, chẳng cần tìm kiếm đâu xa.

Và bạn làm điều ấy bằng cách nào, trước hết là từ bỏ cái tôi to đùng của mình, biết sống hài hòa, nhân ái. Sống yêu thương, nhân ái với cộng đồng. không giữ sự ích kỉ, không có thái độ sợ hơn thua, thiệt hơn để mong dành nhiều lợi ích về phần mình. Chỉ một lần vậy thôi, ta có còn là người tốt?

Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm – Mẫu 3

Chúng ta đã được học rất nhiều những bài học về cho và nhận nhưng đâu phải ai trong chúng ta cũng có thể cho đi bất cứ điều gì một cách dễ dàng bởi cho đi tức là chịu mất đi một điều gì đó. Nhưng bạn à, bàn tay ta tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm, cho đi một thứ, ta có thể mất đi thứ ấy nhưng thứ được nhận lại còn đáng quý hơn nhiều.

Sự thật đó là khi ta cầm bông hồng của mình trong tay dù có trao tặng nó cho một người mà ta yêu quý thì trên tay ta, mùi hương hoa hồng để lại không hề mất đi cho dù ta không còn giữ hoa hồng đó nữa. Bông hồng là biểu tượng cho cái đẹp, ở đây nó để chỉ những điều đẹp đẽ nhất mà con người có thể làm cho nhau. Hành động trao đi là hành động vô cùng cao thượng, là hành động cho trong Cho và Nhận. Trao đi bông hồng nghĩa là hành động cao thượng trao yêu thương, hạnh phúc đến mọi người. Và khi ta trao đi tình cảm, yêu thương, trao đi một điều gì đó của bản thân ta để mong muốn đem đến một điều tốt đẹp cho một người khác thì ta không hề mất đi một thứ gì mà còn nhận được cảm giác hạnh phúc khi làm điều tốt, niềm vui khi giúp đỡ người khác, niềm hân hoan khi trở thành một người thực sự có ích cho xã hội. Vậy, cả câu nói này có nghĩa là, khi ta trao đi yêu thương, trao đi những điều mà nhằm mục đích đem lại hạnh phúc cho người khác thì ngay bản thân ta cũng vì việc tốt mà mình đã làm mà có được những điều hạnh phúc từ đó.

Cho và Nhận có lẽ không phải là hai thái cực đối nghịch mà chúng tồn tại song hành như hai bản thể không thể nào tách rời. Cho không có nghĩa là ta đánh mất, cho là trao tặng. Thực ra cho không phải là một hành động gì đó quá xa vời mà chỉ những người giàu có hay phi thường mới làm được bởi đôi khi ta cho đi đâu phải là cho đi tiền bạc, của cải. Bông hồng mà ta trao đi có thể là một nụ cười cảm thông, một ánh nhìn đồng cảm, một cái nắm tay thân ái, một cái ôm chặt sâu hay một tình cảm nồng nàn. Chỉ đơn giản như vậy thôi, khi ta làm mỗi ngày một chút những việc ấy, ta thấy cuộc sống mình như đầy tràn hơn, ta hạnh phúc biết bao khi chỉ vì một lời an ủi động viên nhỏ của ta mà kéo một người ra khỏi vực sâu tuyệt vọng, chỉ một li nước nhỏ của ta có thể khiến cho bác lái xe đỡ nóng bức, có thể nở nụ cười tươi tắn. Cho nhiều nhất chính là tình cảm nhưng khi tình cảm cho đi, ta không mất đi một chút nào mà thậm chí còn nhận lại biết bao tình cảm khác. Nhận được những tình cảm ấy, ta lại hạnh phúc biết bao trước việc làm nhỏ bé của mình đã giúp đỡ cho biết bao nhiêu người được niềm vui. Dư vang hạnh phúc của việc tốt mà mình làm sẽ còn đọng lại mãi.

Sống trên đời không thể không biết trao đi một thứ gì, chính trao đi mới cho ta nhận được nhiều điều. Nếu sống ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình, con người rồi sẽ có ngày rơi vào bi kịch giống như Biển Chết, cả đời chỉ biết giữ lấy hạnh phúc cho riêng mình không bao giờ chia sẻ nên cũng không bao giờ được sẻ chia. Những người như vậy, không hiểu được giá trị của việc cho và nhận và sẽ mãi mãi không thể cảm nhận được mùi hương nồng nàn của bông hồng trao đi.

Ngay hôm nay hãy trao đi những đóa hoa hồng đẹp nhất để trao yêu thương đến nơi mà bạn muốn, sau cùng trên đôi tay mình, hương thơm tuyệt vời sẽ còn vương vấn mãi.

Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm – Mẫu 4

Trong cuộc sống với những bộn bề lo toan, vất vả, đôi lúc con người ta quên đi hết những vẻ đẹp giản dị chân chất, quên đi cả cách đối xử chân thành, tử tế với những người xung quanh. Chẳng cần là việc gì to tát lớn lao, chỉ cần là những lời hỏi thăm, những lời động viên an ủi nhau những lúc yếu lòng, nhưng nhiều khi thật khó khăn, cuộc sống đã khiến tâm hồn con người trở nên lạnh lùng hơn với những nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng trên đôi vai mệt mỏi. Có một câu châm ngôn mà tôi thường vẫn rất tâm đắc: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”, mang một tầng nghĩa ẩn dụ rất sâu sắc về việc cho đi mà chưa cần hồi đáp.

Hoa hồng là một loài hoa rất đẹp, lại mang một mùi hương thật nồng nàn quyến rũ, hầu như ai nhìn thấy hoa hồng đều bị thu hút bởi vẻ đẹp rất đỗi hấp dẫn ấy. Hoa hồng ở trong câu châm ngôn trên là tượng trưng cho những gì tốt đẹp, trân quý, hạnh phúc nhất trong cuộc sống mà con người dành tặng cho nhau. Bàn tay tặng hoa hồng, với tôi trước hết đó chắc chắn là bàn tay đẹp, người có bàn tay ấy là người có tấm lòng cao thượng, tựa một bông hoa đang tỏa ra một thứ hương thơm ngào ngạt, đó là hương thơm của một tâm hồn đầy nhân hậu và cao thượng. Bàn tay trao hoa hồng là một hình ảnh ẩn dụ về hành động cho đi những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống mà xuất phát từ tấm lòng con người chân thành đối xử với nhau. Ở đây chưa đề cập đến việc nhận lại mà đơn thuần chỉ là cho đi, trao tặng niềm vui, niềm hạnh phúc cho người khác mà chưa cần đến sự hồi đáp, sự cho đi xuất phát từ lòng nhân hậu, lòng yêu thương giữa người với người trong xã hội vốn xô bồ phức tạp này. Vậy có phải rằng khi bạn tặng hoa hồng cho người khác thì bạn hoàn toàn không nhận lại được gì không? Không phải, bạn vẫn nhận được đấy chứ, đôi tay cầm đóa hoa thơm ấy vẫn còn lưu lại chút mùi hương nồng nàn của bông hồng tươi đẹp bạn đã trao tặng cho người khác. Đó chính là niềm hạnh phúc, niềm vui khi bản thân bạn được cho đi, được cống hiến cho xã hội. Đó là lúc bạn nhận ra cuộc sống nào đôi lúc được cho đi, được làm cho người khác vui vẻ, hạnh phúc cũng là một điều tuyệt vời và hân hạnh biết bao. Và chẳng phải ai cũng có đủ nhân ái và tấm lòng vị tha để sẵn sàng cho đi mà không nhận lại, bởi đơn giản tâm hồn họ không có đủ tình yêu, tình thương mến thương, họ còn sống trong cái vỏ bọc của mình, còn quá vị kỷ, sợ rằng lỡ cho đi rồi, người chịu thiệt cuối cùng lại là bản thân mình. Nhưng đó là quan điểm thiển cận và sai lầm, bởi vì như câu châm ngôn đã bày tỏ, tặng hoa hồng chẳng phải tay vẫn lưu lại hương thơm hay sao, hương thơm ấy là niềm hạnh phúc, ý nghĩa từ tâm hồn bạn, đồng thời cũng là lòng biết ơn từ người được nhận. Vì vậy hãy cố gắng cho đi thật nhiều khi còn có thể, còn việc nhận lại là ở chính tâm hồn của mỗi chúng ta có đủ rộng lượng để nhận ra được hay không mà thôi.

Tham khảo thêm:  

Mỗi một con người là một cá thể độc lập, có tâm hồn có suy nghĩ có tâm tư khác biệt làm nên sự đa dạng trong quần thể xã hội. Tuy nhiên, con người không thể sống tách biệt với thế giới bên ngoài mà phải tìm cách hòa nhập, chung sống hòa bình với những cá thể khác để cùng tồn tại và phát triển. Bởi suy cho cùng, con người là một cá thể yếu đuối và mỏng manh, trong khi đó xã hội trên đà phát triển mạnh mẽ, sự phát triển quá mức nhanh và mạnh ấy sẽ dễ dàng nuốt chửng một cá thể nào đó chưa kịp thích nghi với guồng quay cuộc sống. Chính vì vậy, việc cho đi là một trong những phương pháp hữu hiệu giúp con người gây dựng khối đoàn kết trong xã hội, bởi đơn thuần việc cho đi không chỉ giúp nuôi dưỡng tâm hồn, tạo niềm vui niềm hạnh phúc mà nó còn là một trong những cách hay và tinh tế gắn kết con người với nhau bằng tình cảm, bằng tấm lòng chân thành. Nhiều người nhận định rằng, mối quan hệ tình cảm sẽ dễ dàng tan vỡ trong thời buổi hiện nay, nhưng suy xét thật kỹ thì không hẳn thế, bởi so với các mối quan hệ khác như quan hệ lợi ích, tiền bạc,… thì tính ra mối quan hệ tình cảm chí ít còn liên quan đến cảm xúc con người, một khi muốn từ bỏ mối quan hệ nào đó người ta thường phải cân nhắc các khía cạnh đạo đức lương tâm nhiều hơn cả. Nếu một con người thực sự có nhân cách thì mối quan hệ xuất phát từ tình cảm, từ lòng chân thành là mối quan hệ đáng quý và đáng được nâng niu phát triển nhất. Việc cho đi chính là cách người ta gây dựng mối quan hệ tình cảm ấy, cái chúng ta nhận lại chưa hẳn là vật chất nhưng lại là những thứ còn quý giá hơn cả – lòng thương yêu của người được nhận, sự biết ơn, lòng trân trọng, sự bảo vệ che chở trong lúc chúng ta gặp hoạn nạn. Ngược lại, những con người với tấm lòng ích kỷ, chỉ thích nhận nhưng lại ki bo chẳng muốn bỏ ra bất cứ một thứ gì thì sẽ khó có thể tồn tại lâu trong xã hội, nếu có cũng là một cá thể yếu đuối tách biệt, bị xã hội cô lập mà thôi. Vậy nếu bạn cứ mãi muốn nhận mà không muốn cho đi, thì liệu ai sẽ cho bạn mãi, người ta có thể cao thượng cho bạn đến vài lần, nhưng một khi người ấy nhận ra tấm lòng của bạn liệu họ còn đủ nhiệt huyết và tình thương yêu nữa không, vậy ai sẽ giúp đỡ, bảo vệ bạn khi bạn cần đến?

Không biết các bạn có thường xuyên cho hay tặng ai đó điều gì không? Cảm giác ấy thế nào? Với tôi, đó là niềm sung sướng, hạnh phúc tràn ngập trong tâm hồn, đó tuyệt đối không phải xuất phát từ ý nghĩ tầm thường rằng cho đi để có ngày được nhận lại. Đó cũng là sự nhẹ nhõm vì cảm thấy cuộc sống thật có ý nghĩa khi bản thân đã làm được những việc có ích, là cảm giác ấm áp khi nhìn thấy sự hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt đẹp của người được nhận. Đôi khi không phải bông hồng trao tay chỉ nằm gọn trong việc trao tặng vật chất, hay niềm vui mà còn có thể là sự sẻ chia những nỗi niềm đau khổ, những âu lo từ trong sâu thẳm tâm hồn, để người khác được thấu hiểu được san sẻ cùng. Với tôi, việc được lắng nghe và thấu cảm những nỗi lo trong lòng của người khác cũng là một niềm vui sướng và hạnh phúc bởi chúng ta thật may mắn vì đủ tin cậy để họ chia sẻ tâm tư của mình. Bông hồng nào cũng đẹp cũng thơm, nhưng cứ mãi ôm khư khư trong lòng bàn tay thì dù có mỹ miều đến mấy cũng có ngày phai tàn, rơi rụng mà thôi. Thay vì thế chúng ta hãy mạnh dạn trao đi để tô điểm cho đời người, đời mình có phải ý nghĩa hơn biết bao.

Trong cuộc đời mỗi con người, nếu bảo dứt bỏ cái “tôi” cá nhân để sống thì đó không bao giờ là điều dễ dàng và chúng ta cũng không cần thiết phải quyết liệt đến vậy, đơn giản là chỉ cần bạn biết kiềm chế bản thân lại, dẹp bỏ những ý nghĩa quá mức hẹp hòi ích kỷ, muốn người khác mở lòng với bạn thì trước hết bạn phải mở lòng mình ra đã. Tương tự vậy, muốn nhận lại được niềm yêu thương, tin tưởng của người khác thì còn phải xem bông hồng bạn trao tặng người ta có thực sự tươi thắm niềm chân thành, phảng phất hương thơm của một tâm hồn cao thượng hay không.

Mỗi chúng ta hãy cố gắng vun trồng cho mình một khóm hồng thật đẹp, thật thơm và cũng đừng ngại ngần ngắt những bông hoa ấy đem trao tặng cho những người xứng đáng, bởi “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”. Nhiệm vụ của hoa là tô điểm cho cuộc sống thêm màu sắc, nhiệm vụ của chúng ta là đưa những đóa hoa tươi đẹp ấy đến từng đôi tay đang mở rộng chào đón, đừng tiếc công vun trồng bạn nhé!

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm (Dàn ý + 4 mẫu) Những bài văn hay lớp 12 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *