Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 11: Phân tích hai câu luận và hai câu kết bài thơ Tự tình 2 (Dàn ý + 4 mẫu) Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Phân tích hai câu luận và hai câu kết bài thơ Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương gồm dàn ý và 4 bài văn mẫu siêu hay, đạt điểm cao của các bạn học sinh giỏi lớp 11. Chắc chắn qua 4 bài phân tích 4 câu cuối Tự tình 2 các bạn sẽ có thêm nhiều tư liệu học tập, rèn luyện, củng cố kỹ năng viết văn phân tích ngày một tiến bộ hơn.

Phân tích 4 câu cuối bài Tự tình chúng ta càng thấy được tài năng của Hồ Xuân Hương đã đưa ngôn ngữ dân gian, tiếng nói đời thường vào lời ca, bình dị hoá và Việt hoá thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Bà xứng đáng là “Bà chúa thơ Nôm” của nền thi ca dân tộc. Ngoài ra các bạn tham khảo thêm một số bài văn mẫu khác như: phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Tự tình 2, phân tích bài thơ Tự tình 2. Chúc các bạn học tốt.

Dàn ý phân tích hai câu luận và hai câu kết

I. Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm bài thơ Tự tình 2

– Giới thiệu vị trí của đoạn trích (2 câu luận và 2 câu kết bài Tự tình)

II. Thân bài

1. Hai câu luận

“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.”

+ Những sinh vật bé nhỏ như đám rêu kia mà vẫn không chịu phận nhỏ bé, hèn mọn, không chịu yếu mềm. Tất cả như đang muốn bứt thoát hẳn lên: rêu phải mọc “xiên ngang mặt đất”, đá đã rắn chắc lại phải rắn chắc hơn, lại phải nhọn hoắt để “đâm toạc chân mây”.

+ Nghệ thuật đảo ngữ càng làm nổi bật sự phẫn uất của đá, của rêu và cũng là sự phẫn uất của tâm trạng con người.

+ Kết hợp với việc sử dụng những động từ mạnh (xiên, đâm) với các bổ ngữ độc đáo (ngang, toạc) thể hiện rất rõ sự bướng bỉnh và ngang ngạnh => Đá, rêu như đang oán hờn, như đang phản kháng quyết liệt với tạo hoá.

=> Có thể nói, trong hoàn cảnh bi thảm nhất, thơ Hồ Xuân Hương vẫn ẩn chứa mạnh mẽ một sức sống, một khát khao.

2. Hai câu kết

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!”

+ “Ngán” là chán ngán, là ngán ngẩm. Xuân Hương ngán nỗi đời éo le, bạc bẽo bởi xuân đi rồi xuân lại lại, tạo hoá đang chơi một vòng quay nhàm chán như chính chuyện duyên tình của con người.

+ Từ xuân vừa chỉ mùa xuân, vừa được dùng với nghĩa chỉ tuổi xuân. Với thiên nhiên, xuân đi rồi xuân lại nhưng với con người thì tuổi xuân đã qua không bao giờ trở lại. Hai từ “lại” trong cụm từ “xuân đi xuân lại lại” cũng mang hai nghĩa khác nhau. Từ “lại” thứ nhất là thêm một lần nữa, trong khi đó, từ “lại” thứ hai nghĩa là trở lại. Mùa xuân trở lại nhưng tuổi xuân lại qua đi, đó là cái gốc sâu xa của sự chán ngán.

+ Trong câu thơ cuối, nghệ thuật tăng tiến làm cho nghịch cảnh của nhân vật trữ tình càng éo le hơn: mảnh tình – san sẻ – tí – con con. Mảnh tình – vốn đã ít, đã bé, đã không trọn vẹn lại còn phải “san sẻ” thành ra gần như chẳng còn gì (tí con con) nên càng xót xa, tội nghiệp => Câu thơ nói lên cả nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội xưa, khi cảnh chồng chung vợ chạ đối với họ không phải là xa lạ.

III. Kết bài

– Nêu cảm nhận chung

Phân tích hai câu luận và hai câu kết – Mẫu 1

Có lần khi đọc thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhà thơ Tế Hanh đã viết một bài thơ để ca ngợi bà có tựa đề Hồ Xuân Hương như sau:

“Kính chào chị Hồ Xuân Hương
Ôi một tài thơ cỡ khác thường
“Xiên ngang mặt đất” câu thơ nhọn
“Dê cỏn buồn sừng” chữ hóc xương
Không chịu cam tâm làm phận gái
Chế giễu nam nhi cả một phường
“Bà chúa thơ Nôm” ai sánh kịp
Ra ngoài lề lối của văn chương”

Quả thật, thơ của Hồ Xuân Hương đúng như những gì mà Tế Hanh đã hết lòng ca ngợi, mà tiêu biểu trong đó phải kể đến là chùm thơ Tự tình, với bài Tự tình 2 là được biết nhiều hơn cả. Nếu như hai câu luận và hai câu thực là nỗi cô đơn, buồn tủi, sự ê chề bẽ bàng của nhân vật trữ tình trước nghịch cảnh tình duyên không vẹn tựa một lời than vãn, chán chường. Thì đến hai câu luận và hai câu kết ta lại thấy được trong đó cái cá tính mạnh mẽ, sự phản kháng của nhà thơ với cái éo le của số phận người phụ nữ, sợ quãng đời xuân sắc qua mau, mà tình duyên không tới đủ.

Đọc hai câu thơ luận:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Ta dường như cảm nhận được sự phẫn uất, bực bội của nhân vật trữ tình thể hiện qua những hình ảnh thiên nhiên vốn bình thường, thế mà nay lại mang cả một nỗi niềm đè nén của nhà thơ. Lối nói đảo ngược cấu trúc càng thể hiện được cái lòng chán ghét, uất ức của Hồ Xuân Hương được đẩy lên cao trào. Đó dường như là sự phẫn nộ và sự phẫn nộ ấy lan vào cả cảnh vật, cả đất trời. Thiên nhiên cũng như đang phẫn nộ cùng con người, còn con người vốn đã mang cái lòng tức giận thì nhìn đâu cũng thấy cảnh phản kháng, sự vùng lên thật mạnh mẽ tựa núi lửa phun trào. Và vì vậy, người đọc có cảm giác cả con người lẫn thiên nhiên đều hợp lực mà thách thức tất thảy mọi thứ xung quanh mình. Giọng thơ thì ngang ngạnh, bướng bỉnh thể hiện qua các từ như “Xiên ngang”, “Đâm toạc”, vốn vị trí của chúng là vị ngữ nhưng lại được tác giả đảo lên trên đầu càng nhấn mạnh cái sự mạnh mẽ của thiên nhiên sẵn sàng phá vỡ tất cả những gì ngăn trở chúng. Xét lại nhân vật trữ tình, nếu trong mắt nhà thơ có thể mường tượng ra những cảnh vốn bình thường, rêu mọc, đá núi xiên qua mây mù trong một cái khí tức bất mãn, bực bội đến vậy thì chắc hẳn tâm trạng của tác giả phải nổi giông, nổi bão chứ chẳng thường. Rêu thì vốn mềm yếu, lại nhỏ bé, còn đá muôn đời vẫn tĩnh tại, dường như chẳng mấy ai để ý đến sự tồn tại của chúng, đó cũng chính là đại diện cho cái thân phận tội nghiệp của người phụ nữ khi xưa. Nhưng giờ đây rêu lại trở nên thật mạnh mẽ cứng cáp, đá cũng thôi im lặng mà đâm toạc cả chân mây, trong một cái không gian rộng lớn như vậy đá và rêu bỗng trở nên mạnh mẽ, phi thường, như thoát khỏi cái xác yếu ớt, hèn kém để bước vào một tầm cao mới. Đây chính là cái khao khát của Hồ Xuân Hương, hai câu thơ tưởng đơn giản, nhưng lại chính là những câu thơ tả cảnh ngụ tình, trước là nỗi tức giận, phẫn uất, sau là cái khao khát mãnh liệt được thoát ra khỏi sự đè ép của chế độ phong kiến, trở nên mạnh mẽ chống lại xã hội, chống lại trời đất, để được tự do thể hiện cái cá tính, được tự do sống là chính mình.

Tham khảo thêm:   Toán lớp 4 Bài 94: Ôn tập về hình học và đo lường Giải Toán lớp 4 Cánh diều tập 2 trang 93, 94, 95

Sau tất cả nỗi uất giận, tưởng như giông bão thì Hồ Xuân Hương lại quay về với cái thực tại chán ngán của bản thân mình trong hai câu thơ kết, trong một cái vòng luẩn quẩn không lối thoát, trong cái nỗi sầu của phận đàn bà.

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”

Hồ Xuân Hương đã “ngán” lắm rồi cái thói đời éo le, bạc bẽo, cái sự tuần hoàn lặp lại của mùa xuân tạo hóa. Ta có thể tinh tế nhận ra rằng ở đây Hồ Xuân Hương cũng có một cái ý nghĩ thật tân tiến, mà về sau Xuân Diệu cũng có những quan điểm rất tương đồng. Âý là quy luật của thời gian, của tuổi trẻ. Mùa xuân của thiên nhiên, của trời đất đi rồi lại trở về, nhưng tuổi xuân của con người thì khác, đặc biệt là tuổi xuân, sắc đẹp của người phụ nữ đã qua đi rồi thì nào có trở lại, rồi con người ta sẽ già, sẽ mất đi. Hỏi thế thì làm sao mà Hồ Xuân Hương không “ngán” cho được. Nghịch cảnh ấy càng trở nên éo le hơn trong câu thơ cuối: “Mảnh tình san sẻ tí con con”. Vốn “Mảnh tình” nó đã bé nhỏ lắm rồi thế mà lại còn bị “san sẻ” thành từng “tí con con”, nó ít ỏi đến đáng thương, đáng hận. Điều đó ít nhiều gợi nhắc đến cuộc đời làm lẽ của Hồ Xuân Hương, bà lấy chồng hai lần và lần nào cũng làm lẽ cho người ta, thường xuyên phải chịu cảnh phòng không gối chiếc, nhìn chồng vui vẻ với phụ nữ khác. Hơn thế nữa bà còn phải chịu cảnh sớm tang chồng, khi duyên tình chưa bén bao lâu. Tất cả đã để lại trong lòng nhà thơ một nỗi đau xót, nỗi tủi hờn cho thân phận phụ nữ trái ngang, tài hoa bạc mệnh của mình. Đồng thời cũng là tấm lòng xót xa chung cho những thân phận phụ nữ đầy rẫy khổ đau, thiệt thòi trong cái xã hội phong kiến bất công, lạc hậu và tù túng.

Tóm lại, Tự tình 2 nói riêng và chùm thơ Tự tình nói chung là tiếng nói thật ấn tượng của Hồ Xuân Hương về nỗi đau thân phận, về nỗi niềm tủi hờn của người phụ nữ trong chế độ phong kiến xưa. Đồng thời qua đó nhà thơ càng khẳng định, nhấn mạnh được những vẻ đẹp tiềm ẩm trong phẩm chất, tâm hồn của họ. Đó là sự tài năng, cá tính mạnh mẽ, muốn vượt qua số phận éo le, lòng khát khao hạnh phúc, tình yêu thật nồng nàn.

Phân tích hai câu luận và hai câu kết – Mẫu 2

Trong hệ thống những bài thơ mang chứa tâm sự của Hồ Xuân Hương, “Tự tình” là một trong những bài thơ hay nhất. Bài thơ thể hiện nỗi buồn, nỗi cô đơn thấm thía của người yêu đời, tràn đầy sức sống nhưng gặp cảnh ngộ éo le, một con người luôn khao khát tình yêu nhưng chỉ gặp toàn dang dở, bất hạnh. Đó còn là sự bất hạnh của một mơ ước không thành

Hai câu luận là hình ảnh của tâm tư dậy sóng:

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Tác giả đã dùng động từ mạnh: xiên ngang, đâm toạc để miêu tả một thiên nhiên đầy sức sống. Biện pháp đảo ngữ đã nhấn mạnh hành động dữ dội trong nỗi bi phẫn sâu xa. Đó cũng là hình ảnh ẩn dụ cho cái tôi khao khát bứt phá cái giới hạn của người phụ nữ và muốn xé toạc cái thành kiến đóng váng cả ngàn năm phong kiến để tự khẳng định mình, để tìm đến chân trời dân chủ và hạnh phúc. Cái “tôi” không chịu an phận, chủ động đi tìm hạnh phúc thật là mới mẻ. Tính cách này còn được thể hiện ở bài thơ khác:

Giơ tay với thử trời cao thấp,
Xoạc cẳng do xem đất vắn dài.

Khát khao cũng chỉ là khao khát, nhà thơ quay về thực tại để đối diện với thân phận:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con.

Những người có ý thức về giá trị sự sống thường rất sợ thời gian. Thời gian qua mau mà cuộc đời mãi quạnh hiu chẳng có thay đổi gì, cơ hội tìm kiếm hạnh phúc càng khó. Từ xuân có hai nghĩa: mùa xuân và tuổi xuân. Mùa xuân của đất trời tuần hoàn lặp lại còn tuổi xuân sẽ mãi ra đi. Trong tình cảnh này, lòng người càng thêm chán ngán:

Ngày xuân tuổi hạc càng cao
Non xanh nước biếc càng ngao ngán lòng

(Nguyễn Khuyến)

Từ ngán đặt ở đầu câu với trọng âm của nó có ý nghĩa nhân mạnh tâm trạng chán chường. Từ lại thứ nhất là trợ từ có nghĩa là thêm lần nữa, từ lại thứ hai là động từ. nghĩa là trở về. Cụm từ xuân lại lại mang ý nghĩa biểu cảm tâm trạng đang bị dày vò, day dứt. Trong khi ấy mảnh tình đã nhỏ mà cũng phải san sẻ nên chỉ còn tí con con. Từ láy cỏn con là quá nhỏ còn điệp từ con con là nhỏ dần, đến lúc sẽ chẳng còn thấy nữa. Nên biện pháp tăng tiến trong câu thơ cho thấy thân phận làm lẽ thật tội nghiệp, hạnh phúc đang hao mòn dần và dự báo sẽ chẳng còn.

Qua bài thơ này, ta càng thấy rõ Hồ Xuân Hương đã đưa ngôn ngữ dân gian, tiếng nói đời thường vào lời ca, bình dị hoá và Việt hoá thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Bà xứng đáng là “Bà chúa thơ Nôm” của nền thi ca dân tộc.

Tham khảo thêm:   Bản đồ xe bus TP HCM Bản đồ các tuyến xe buýt TP HCM mới nhất 2019

Phân tích 4 câu thơ cuối bài Tự tình – Mẫu 3

Hồ Xuân Hương là một trong những nữ thi sĩ xuất sắc của Việt Nam, số lượng tác phẩm bà để lại khá nhiều, và phong cách sáng tác thơ chủ yếu của bà là tả cảnh ngụ tình. Bà còn được biết đến với hình ảnh của một nữ nhà thơ viết nhiều về thân phận người phụ nữ, là người dũng cảm đề cao vẻ đẹp, sự hi sinh và đức hạnh của người phụ nữ, đồng thời lên tiếng bênh vực cho họ và phê phán lên án gay gắt chế độ xã hội cũ. Tự tình 2 là một trong những bài thơ hay, chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc của chính tác giả điều này được thể hiện rõ nhất qua 4 câu thơ cuối bài.

4 câu thơ đầu bài gợi ra một không gian bao la, mờ mịt từ bom thuyền ở nơi dòng sông đến khắp mọi chòm xóm, thôn làng. Thì đến hai câu luận tác giả lấy cảnh để ngụ tình. Đây là hai câu thơ tả cảnh “lạ lùng” được viết ra giữa đêm khuya trong một tâm trạng chán nản, buồn tủi:

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Thế giới hình tượng của thơ Xuân Hương bao giờ cũng hoạt động mạnh mẽ và huyên náo như thế. Đó là không gian, thời gian trần tục, trần thế nên luôn luôn vận động, sôi sục, đối lập với không khí tĩnh lặng, phi thời gian của cổ thi (“Mõ thảm không khua mà cũng cốc – Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om?”; “Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc – Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo”; “Gió giật sườn non khua lắc cắc – Sóng dồn mặt nước vỗ long bong”,… Ngay cả màu sắc trong thơ Xuân Hương nhiều khi cũng như muốn gào lên, muốn hét lên: “Cửa son đỏ loét tùm hum nóc – Hòn đá xanh rì lún phún rêu”; “Một trái trăng thu chín mõm mòm – Nẩy vừng quế đỏ, đỏ lòm lom”,…).

Tuy nhiên, âm thanh hay màu sắc, dù sao tự nó cũng phát ra tiếng động hoặc hiện thành xanh, vàng, trắng, đỏ,… Nhà thơ chỉ cần phóng đại thật to, tô cho thật đậm để trở thành âm thanh, màu sắc độc đáo của Xuân Hương. Nhưng dưới ngòi bút của nữ sĩ họ Hồ, ngay cả những vật hoàn toàn tĩnh lại, hoàn toàn bất động cũng đột nhiên trở thành những sinh vật biết cựa quậy, biết vùng vẫy, biết phá phách: “Xiên ngang mặt đất rêu từng đám – Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”. Thủ pháp đảo ngữ được sử dụng ở đây càng nhấn mạnh tính hoạt động mạnh mẽ, dữ dội của thế giới nghệ thuật Hồ Xuân Hương.

Vậy là cái tôi đầy sức sống mà bị dồn nén của Xuân Hương từ những câu đề, qua hai câu thực, đến những câu luận, cứ nổi lên dần: lúc đầu là nỗi chán chường, ngán ngẩm “Trơ cái hồng nhan với nước non”, tiếp đó là tâm trạng bực dọc, bồn chồn, muốn say mà không say được, trong khi đêm thì tàn mà trăng vẫn khuyết: “Chén rượu hương đưa say lại tỉnh – Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”. Cuối cùng là nỗi bức bối, niềm phẫn uất muốn vùng lên phá phách. Khát vọng sống của con người này, yêu cầu thực hiện triệt để tính cách, cá tính của người đàn bà đặc biệt này, chẳng những chế độ phong kiến không dung nổi, mà đến trời đất cũng trở nên chật hẹp.

Không phải ngẫu nhiên mà Xuân Hương thường đặt nhân vật của mình đối diện với thiên nhiên rộng lớn, kề vai với vũ trụ mênh mông (“Thân em vừa trắng lại vừa tròn – Bảy nổi ba chìm với nước non”; “Gan nghĩa giãi ra cùng nhật nguyệt – Khối tình cọ mãi với non sông”; “Văng vẳng bên tai tiếng khóc chồng – Nín đi kẻo thẹn với non sông”; “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn – Trơ cái hồng nhan với nước non”,… Ấy là một con người có kích cỡ đặc biệt, không phải chỉ của bản thân mình hay của một gia đình, một làng, một xã, mà còn là của nhân dân, của đất nước, của Tạo hoá, của vũ trụ. Có nghĩ như vậy, ta mới hiểu được vì sao Xuân Hương có thể tự đặt mình từ thế đứng rất cao với thái độ và giọng điệu hết sức kẻ cả khi đối thoại với đời, dù đó là những bậc hiền nhân quân tử, là Thái thú Sầm Nghi Đống, là những đấng anh hùng (“Mát mặt anh hùng khi tắt gió”) thậm chí là vua, là chúa (“Chúa dấu, vua yêu một cái này” – Vịnh cái quạt).

Nhưng Xuân Hương, dù tư tưởng có thể đi trước thời đại, nhưng trong đời thực vẫn không thể vượt khỏi thân phận của mình. Vì thế, những hành vi phá phách, nổi loạn dù táo tợn thế nào cũng chỉ là những vùng vẫy trong giới hạn của ngôn từ mà thôi. Nhà thơ đành chấp nhận số phận của mình bằng một tiếng thở dài ngao ngán:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!

Nhưng Xuân Hương đích thực là nhà thơ của mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu của sự sống tươi ròng, của tinh thần lạc quan, yêu đời. Đó cũng chính là chất dân gian đậm đặc của hồn thơ này. Đọc thơ Xuân Hương, thấy có đủ cả buồn khổ, đắng cay, chán chường, căm uất, đủ cả oán thù, phẫn nộ, thậm chí muốn tung hết tất cả, phá phách tất cả…, nhưng không bao giờ mất hết niềm tin ở cuộc đời, ở sự sống. Điều ấy có thể cảm nhận rất rõ ở thế giới nghệ thuật hết sức sống động của nữ sĩ, một thế giới không bao giờ hoàn toàn vắng lặng: nếu không có tiếng chuông chùa văng vẳng, tiếng mõ, tiếng trống cầm canh thì cũng có tiếng “gà gáy trên bom”, tiếng “sóng dồn mặt nước”, tiếng “gió giật sườn non”, hay “cành thông gió thốc”,…

Và nếu lắng nghe còn thấy “Rúc rích thây cha con chuột nhắt – Vo ve mặc mẹ cái ong bầu”,… Một thế giới hình tượng sống động, luôn cựa quậy, luôn hoạt động: “Cỏ gà lún phún leo quanh mép – Cá diếc le te lách giữa dòng”; “Xiên ngang mặt đất rêu từng đám – Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”; “Gan nghĩa dãi ra cùng nhật nguyệt – Khối tình cọ mãi với non sông”,… Một thế giới đầy màu sắc trẻ trung, hồng hào, tươi tốt, chan chứa xuân sắc, xuân tình,… Tất cả đều được phát hiện và đánh giá theo một quan điểm mỹ học độc đáo của Xuân Hương: lấy vẻ đẹp thanh tân, khoẻ khoắn, phồn thực, tự nhiên của cơ thể người đàn bà giữa tuổi xuân làm chuẩn. Trong thế giới nghệ thuật ấy, tiếng khóc không hẳn là lời tuyệt vọng và cái chết không hề muốn ngăn đường sự sống (Khóc ông phủ Vĩnh Tường, Khóc Tổng Cóc,…).

Tham khảo thêm:   Tìm hiểu về phương pháp vi kim tảo biển và những lợi ích cho làn da

Đúng là Tự tình (bài II) đã kết thúc bằng một lời chua chát: “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại – Mảnh tình san sẻ tí con con”. Nhưng như thế là tuổi xuân chưa hết, tình xuân vẫn đầy.

Xưa thường có câu: “Chữ rằng, xuân bất tái lai”. Nhưng Xuân Hương lại nói “xuân đi xuân lại lại”, có nghĩa là người đàn bà vẫn còn có cái để chờ đợi, để ước ao, tuy rằng hạnh phúc mong đợi ấy chưa bao giờ được hưởng trọn vẹn: “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”.

Qua phân tích 4 câu thơ cuối bài Tự tình ta cảm nhận được phong cách cũng như tư tưởng của Hồ Xuân Hương đặc biệt là những vấn đề xoay quanh người phụ nữ. Qua đây chúng ta cũng thấy được một Hồ Xuân Hương vừa yếu mềm nhưng cũng thật ngang tàng mạnh mẽ khi dám bộc lộ những suy nghĩ của chính mình.

Phân tích 4 câu thơ cuối bài Tự tình – Mẫu 4

Nhà phê bình văn học Hegel đã từng nói: “Thi ca là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn đã trở nên tự do, không bó buộc vào nhận thức giác quan về vật chất bên ngoài. Thay vì thế nó diễn ra riêng tư trong không gian bên trong và thời gian bên trong của tác giả và cảm xúc”.

Đúng, văn chương đích thực phải là thứ văn chương “chín đủ cảm xúc” (Xuân Diệu), cũng là thứ văn khi đọc lên mà ta như thấy được cả thế giới tâm hồn, tình cảm của người cầm bút, nhất định phải là thứ văn mà sau khi gấp lại, người ta vẫn bâng khuâng mãi khôn nguôi. Bốn câu cuối bài Tự Tình II của Hồ Xuân Hương là một kiểu văn như thế. Nó khiến ta xúc động nghẹn ngào trước những tâm sự cay đắng của người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến, đồng thời trân trọng vẻ đẹp và khát vọng sống của họ.

Xuân Hương là thế, một người phụ nữ không bao giờ chịu thua hoàn cảnh, luôn tìm cho mình một lối đi khác người, rất ngông, rất lạ đó, làm sao có thể để nỗi đau lấn át lí trí, tâm hồn? Trong tột cùng của khổ đau, cô độc, nữ sĩ vẫn tin ở chính mình, tìm thấy nguồn sức mạnh lớn lao để làm động lực:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”

Đưa con mắt lạc lõng ngắm nhìn mọi vật xung quanh, nhân vật trữ tình thấy “rêu từng đám” đang xiên ngang mặt đất, “đá” đang đâm toạc chân mây. “Xiên ngang, đâm toạc” là những động từ rất mạnh, cùng nghệ thuật đảo ngữ được sử dụng rất đắt đã diễn tả được sức mạnh của sự sinh tồn trong những vật nhỏ bé, đơn sơ.

Màu xanh non của rêu hiện diện trên sắc màu xám xịt của đất như khẳng định sức sống mãnh liệt của rêu. Không những thế, nó còn như biểu hiện của một tia hy vọng nhỏ bé nhưng hết sức thiết tha thoát khỏi xã hội đương thời phàm tục, dơ bẩn, cũng chính là thoát khỏi kiếp sống cô độc, lẻ loi như đang bóp nghẹt tuổi xuân của người phụ nữ.

Những hòn đá rắn rỏi chen vào khung trời rộng lớn nhưng trống trải cũng đủ làm khung cảnh trở nên sinh động hơn bao giờ hết. Chỉ với hai hình ảnh giản dị, nhỏ bé nhưng nữ sĩ đã đưa người đọc từ sự xót xa trước những khổ đau của người phụ nữ sang trân trọng sức mạnh tinh thần, vẻ đẹp tính cách của họ.

Đó cũng chính là một trong những nét độc đáo tạo nên cái “ngông” trong thơ của Hồ Xuân Hương. Tạo cho người đọc cảm giác mạnh, bất ngờ, đúng là chỉ có được trong nữ sĩ có một không hai của văn học Việt Nam. Hai câu thơ cuối cùng:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”

Nhưng cho dù có thể hiện mình mạnh mẽ và đầy niềm tin như thế nào nhưng người phụ nữ vẫn không thể phủ nhận hiện thực khắc nghiệt. Hai câu cuối cùng cất lên như một tiếng thở dài đầy chua xót, đắng cay, ngán ngẩm về kiếp sống của một kiếp hồng nhan bị giam cầm trong hai từ “định mệnh”. Tuổi xuân- nhan sắc, hai thứ một khi đã ra đi thì không bao giờ có thể quay lại.

Mùa xuân của thiên nhiên đất trời như đã được lập trình để quay trong một vòng tuần hoàn không có điểm kết thúc, nhưng trớ trêu thay, mùa xuân của đời người lại hữu hạn, xuân năm ngoái có thể là sự cách biệt với xuân năm nay. Chính vì vậy, mỗi mùa xuân đi qua, người phụ nữ lại càng một héo hon, già nua trong sự vui tươi, hồi sinh của đất trời. Qua đây ta cũng thấy được ý thức của con người về bản thân mình với tư cách cá nhân, có ý thức về giá trị của tuổi thanh xuân và sự sống.

Mảnh tình có ý diễn tả chút tình cảm nhỏ nhoi nhưng ở đây lại phải san sẻ, cuối cùng chỉ còn lại là tí con con không đáng kể. Đọc câu thơ, ta thấy thấm trong từng câu chữ la tâm trạng xót xa của một người phụ nữ tài hoa bạc mệnh Hồ Xuân Hương. Cuộc đời của người phụ nữ ấy là một chuỗi những đắng cay tủi nhục, là cuộc đời của những dòng nước mắt lăn dài: qua hai lần đò đều không viên mãn. Làm lẽ ông Tổng Cóc, sau đó là ông phủ Vĩnh Tường nhưng cả hai lần, người phụ nữ bất hạnh này đều không có được hạnh phúc tương xứng.

Nhưng ẩn sâu trong từng câu chứ không phải là một sự tuyệt vọng, đau xót, càng không phải bởi vì đó chính là Hồ Xuân Hương- người phụ nữ mạnh mẽ, bản lĩnh, có đủ dũng cảm để đương đầu lại với cả hiện thực phong kiến, cả những quy tắc lễ giáo ràng buộc. Ta như thấy những tia hy vọng tuy nhỏ bé nhưng hết sức mạnh mẽ, có cơ sở: thi sĩ vẫn muốn tiếp tục đem san sẻ với mong ước chân thành để cho nhân tình thế thái đỡ xanh như lá, bạc như vôi.

Bốn câu cuối bài thơ “Tự tình” không những thành công trên phương diện nội dung mà ở phương diện nghệ thuật cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Cách sử dụng từ ngữ của Hồ Xuân Hương hết sức giản dị, giàu sức biểu cảm, táo bạo nhưng cũng không kém phần tinh tế. Cách sử dụng từ ngữ cũng góp phần tạo nên tính đa thanh của tác phẩm: khi thì tủi hổ phiền muộn, lúc phản kháng bức xúc, khi lại chua chát chán chường nhưng vẫn ánh lên niềm lạc quan hy vọng.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 11: Phân tích hai câu luận và hai câu kết bài thơ Tự tình 2 (Dàn ý + 4 mẫu) Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *