Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 11: Phân tích bút pháp lãng mạn trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân Dàn ý & 5 bài văn mẫu lớp 11 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Văn mẫu lớp 11: Phân tích bút pháp lãng mạn trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân đã đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ và sâu sắc hơn với cái đẹp, với sự tài hoa trong cuộc đời. Việc vận dụng bút pháp lãng mạn ở Chữ người tử tù khiến tác phẩm mang giọng một giọng điệu dễ đi vào lòng người, đánh vào tâm của mỗi người, tạo được hiệu quả sâu sắc với việc truyền đạt tư tưởng và giáo dục con người.

Bút pháp lãng mạn trong Chữ người tử tù gồm dàn ý chi tiết kèm theo 5 bài văn mẫu hay nhất. Qua đó giúp các bạn lớp 11 cảm nhận được bút pháp nghệ thuật lãng mạn trong Chữ người tử tù. Vậy sau đây là nội dung chi tiết tài liệu, mời các bạn theo dõi tại đây.

Dàn ý phân tích bút pháp lãng mạn trong Chữ người tử tù

1. Mở bài:

– Tác giả: Nguyễn Tuân (1910 – 1987), quê ở Hà Nội. Là nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đời đi tìm cái đẹp và có công đưa thể loại tùy bút, bút ký đạt trình độ cao.

– Tác phẩm: In trong tập Vang bóng một thời (1940) lúc đầu có tên Dòng chữ cuối cùng, sau đổi thành Chữ người tử tù

– Giới thiệu bút pháp lãng mạn trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.

2. Thân bài:

2.1. Sự tương phản giữa lý tưởng và hoàn cảnh thực tại, giữa cái thiện và cái ác, giữa ánh sáng và bóng tối.

Sự tương phản giữa lý tưởng và hoàn cảnh thực tại:

– Huấn Cao, quản ngục, thầy thơ đều có chung cảnh ngộ là sống trong nhà tù thực dân >< nhân cách và lý tưởng cao đẹp.

– Huấn Cao, ngục quan, thầy thơ lại là những hình mẫu lí tưởng của văn học lãng mạn. Sống trong nhem nhuốc, nhơ bẩn >< khí tiết thanh cao, lí tưởng hướng đến cái đẹp, cái cao cả, cái sáng rực của thiên lương.

+ Huấn Cao sống trong ngục chờ ngày xử tử >< phong thái ngạo nghễ, ung dung, sáng bừng lên áng sáng bất tử của thiên lương. Con người ấy đối lập mình với thế giới, với chế độ mà mình đang sống bởi tự ý thức được mình, ý thức được phẩm giá của mình, kiêu hãnh đứng riêng ra cao hơn với xung quanh. Ông đã vượt lên hoàn cảnh để sống với lí tưởng, sống là chính mình.

+ Viên quản ngục và thầy thơ lại đang sống với lí tưởng >< cuộc sống đang níu giữ, kéo ghì mình xuống. Nghề nghiệp, địa vị >< tấm lòng trọng người tài, tấm lòng thiên lương thanh sạch với thú chơi chữ thanh cao.

Sự tương phản giữa cái thiện và cái ác, giữa ánh sáng và bóng tối:

– Ước muốn xin chữ Huấn Cao của viên quản ngục là một dụng ý nghệ thuật mở ra hàng loạt chi tiết để những mảng màu tương phản được bày ra.

– Cảnh cho chữ: cái thiện chiến thắng cái ác, ánh sáng đã lấn át bóng tối và quan trọng hơn là sự phát triển của tính cách nhân vật không còn phụ thuộc vào hoàn cảnh mà đã vượt lên trên hoàn cảnh, làm nên cuộc đảo lộn trật tự ” xưa nay chưa từng có”.

+ Trật tự kỉ cương nhà tù đảo lộn: ngục quan khúm núm, rụt rè, cúi lạy tử tù >< tử tù uy nghi, đĩnh đạc răn dạy ngục quan và ban phát cái đẹp.

+ Không gian nhà tù chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián >< bó đuốc đỏ rực và “ ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ” như ba ngọn bấc khêu lên niềm tin về sự lên ngôi tuyệt đối của cái đẹp.

+ Danh phận, địa vị của nhân vật >< cái đẹp, tâm thế hướng tới ánh sáng, thưởng thức chung một nét chữ, cảm nhận cùng một mùi thơm của mực.

=> Cuộc hội ngộ của những tấm lòng yêu cái đẹp đến say mê.

+ Bóng tối nhà tù nhường chỗ cho ánh sáng, là ánh sáng của tâm hồn con người tỏa ra từ cái đẹp của thiên lương.

+ Nhà tù cặn bã, nhơ bẩn >< Huấn Cao toát lên vẻ đẹp của một người nghệ sĩ, ở viên quản ngục và thầy thơ lại toả lên cái đẹp của lòng biệt nhỡn liên tài, vẻ đẹp của thiên lương còn nguyên vẹn.

2.2 Hình bóng nhà văn trong nhân vật lý tưởng: Huấn Cao

– Con người Nguyễn Tuân ngoài đời cũng như con người trong văn chương, đều tài hoa, nghệ sĩ, ngông cuồng, phóng túng.

+ Tôn sùng cái đẹp, yêu mến những gì thuộc về hoài cổ bởi đã quá bất bình với hiện thực và mất niềm tin vào tương lai.

+ Không chấp nhận cái tầm thường, muốn nổi loạn với tất cả mà ở đây hình mẫu lịch sử của nhân vật Huấn Cao là Cao Bá Quát chỉ còn tiếng vọng. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra ở Huấn Cao, ở viên quản ngục và các nhân vật của Nguyễn Tuân chính tâm hồn ông, chính suy nghĩ và lẽ sống của ông.

3. Kết bài:

– “ Chữ người tử tù” là một thế giới mà trong đó nhân vật lãng mạn vượt lên khỏi hoàn cảnh để hướng đến cái đẹp, đến ánh sáng và thiên lương, sống >< những tầm thường, tăm tối quanh mình.

– Nguyễn Tuân thành công sử dụng bút pháp lãng mạn trong việc sáng tạo hình tượng, gửi gắm đến độc giả thông điệp về sự lên ngôi, chiến thắng hoàn toàn của cái cao cả, cái đẹp, của ánh sáng với những cái xấu xa, nhơ bẩn, thấp hèn.

=> Sức cuốn hút để tác phẩm mãi bất tử cùng thời gian.

Bút pháp lãng mạn trong Chữ người tử tù – Mẫu 1

Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. “Vang bóng một thời” là tác phẩm kết tinh tài năng của Nguyễn Tuân trước Cách mạng, được nhà phê bình Vũ Ngọc phan nhận xét “một văn phẩm đạt gần tới sự toàn thiện, toàn mỹ”, Chữ người tử tù là một tác phẩm trong tập truyện này. Là một nhà nhà văn tài hoa, uyên bác, Nguyễn Tuân đã viết Chữ người tử tù bằng một bút pháp lãng mạn đặc sắc.

Văn học lãng mạn là loại văn học xây dựng hình tượng nhân vật, tình huống sáng tạo ra nhằm thỏa mãn nhu cầu biểu hiện lí tưởng và tình cảm. Các nhà văn lãng mạn thường đi tìm cái đẹp tuyệt mĩ trong những cảnh đời cơ hàn, éo le. Nhân vật hành động theo tưởng tượng chủ quan của người viết, thể hiện cái tôi của người viết, sử dụng hình ảnh, chi tiết truyện giàu cảm xúc.

Trong “Chữ người tử tù” thủ pháp nghệ thuật tương phản đã tạo nên một cốt truyện độc đáo: Cuộc gặp gỡ khác thường giữa nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục, hai nhân vật này trên bình diện xã hội là đối lập nhau: một người là tên đại nghịch đang chờ ngày ra pháp trường; còn một người là đại diện cho trật tự xã hội đương thời. Thủ pháp nghệ thuật tương phản thể hiện rõ nhất trong cảnh tượng cho chữ khiến cảnh tượng ấy trở thành cảnh tượng “trước nay chưa từng có”. Như đã biết, việc viết thư pháp, cho chữ thường diễn ra ở những nơi trang trọng như đại sảnh, thư phòng, vườn hoa… nhưng trong truyện thì cảnh cho chữ diễn ra ở nơi “buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián” . Việc cho chữ thể hiện tấm lòng và khát khao ước mơ về cái đẹp, về một cuộc sống có lí tưởng, hoài bão, ước mơ nhưng lại được trao giữa nơi ngục tù bẩn thỉu, đại diện cho cái xấu xa và độc ác. Huấn Cao vốn được cho là rất “khoảnh” ông ít khi cho chữ nhưng vì cảm động trước tấm lòng biệt nhỡn liên tài của viên quản ngục và ông còn thốt lên “Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Rồi khi cảnh cho chữ diễn ra được miêu tả thật trang nghiêm và chi tiết “ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”, Nguyễn Tuân đã rất tài tình khi miêu tả khung cảnh này bằng việc am hiểu ngôn ngữ thời xưa. Người cho chữ ngày mai ra pháp trường, chân có xiềng, cổ đeo gông “dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh” , còn viên quản ngục lại “khúm núm”. Thật thấy hết sự tài tình của Nguyễn Tuân khi đã miêu tả được trọn vẹn một khung cảnh kì lạ trước nay chưa từng có. Với tấm lòng trân trọng cái đẹp và tôn thờ cái đẹp, ông đã khiến chính người đọc cảm nhận được cái đẹp trong con người Nguyễn Tuân, sự bất diệt của cái đẹp.

Trong cảnh miêu tả, ngôi vị đã bị tráo đổi và gần như biến mất, không còn viên quản ngục và người ngục từ nữa mà ta chỉ thấy được sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối giữa không gian nhà tù ẩm thấp, ánh sáng từ ngọn đuốc, từ nét chữ toát ra và đặc biệt là từ nhân cách cao đẹp của các nhân vật đã thắp sáng nơi đây. Vẽ lên một cảnh tượng đặc biệt lạ lùng đến như vậy, Nguyễn Tuân muốn gửi đến chúng ta thông điệp “cái tài gắn với cái tâm”, có tài thì phải có tâm sức trân trọng và biết tận dụng cái tài ấy, chỉ cần tâm sáng, chỉ cần có một tâm hồn tràn đầy sự trân trọng với cái đẹp thì sá cho hoàn cảnh. Vì cái tâm viên quản ngục sáng đã khiến Huấn Cao nhận ra và càng đáng trân trọng hơn khi “Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tán nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đầu hỗn loạn xô bồ”

Nguyễn Tuân đã xây dựng Huấn Cao trên hình tượng một nhân vật có thật là Cao Bá Quát, một nhân vật vừa có tài văn chương chữ nghĩa vừa ngang tán khí phách nhằm bộc lộ tư tưởng nghệ thuật và diễn đạt trọn chữ “ngông”. Huấn Cao là một nho sĩ tài hoa với cái tài viết chữ nhanh và đẹp, chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm, nó đã thể hiện cả hoài bão tung hoành của một đời. Chữ của ông trở thành khát khao với những người biết thưởng thức cái đẹp. Huấn Cao cũng là một người hiên ngang, khí phách, đầy bản lĩnh và không bao giờ cúi đầu trước cường quyền, tiền bạc, khi bị bắt giam, ông vẫn xuất hiện hiên ngang, trực tiếp, ông chúc mũi gông nặng xuống thềm đá đánh thuỳnh, phá vỡ cả nguyên tắc nơ ngục tù. Khinh thường quản ngục trước sự chu đáo của ông.

Và đặc biệt nổi bật ở Huấn Cao là một thiên lương trong sáng, không sợ quyền thế nhưng lại sợ phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ. Sự hòa hợp giữa khí phách và cái tài đi liền với cái tâm trong sáng của nhân vật đã trở thành biểu tượng rực rỡ của cái đẹp. Bút pháp lãng mạn của Nguyễn Tuân đã tạo nên cho tác phẩm một nội dung mới lạ, nghệ thuật đặc sắc cho tác phẩm. Thể hiện niềm tin mãnh liệt vào sự bất diệt của cái đẹp. Khắc họa được một nhân vật điển hình với những nét độc đáo.

Bằng tài năng của mình, Nguyễn Tuân đã khắc họa và truyền đạt được tất cả tư tưởng nghệ thuật của mình qua từng chi tiết, nhân vật. Tác phẩm đã đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ và sâu sắc hơn với cái đẹp, với sự tài hoa trong cuộc đời. Việc vận dụng bút pháp lãng mạn ở Chữ người tử tù khiến tác phẩm mang giọng một giọng điệu dễ đi vào lòng người, đánh vào tâm của mỗi người, tạo được hiệu quả sâu sắc với việc truyền đạt tư tưởng và giáo dục con người.

Tham khảo thêm:   Phương pháp luyện viết đúng, viết đẹp cho học sinh lớp 1 Cách rèn học sinh lớp 1 viết đúng, viết đẹp

Bút pháp lãng mạn trong Chữ người tử tù – Mẫu 2

Nguyễn Tuân là nhà văn xuất sắc của dân tộc Việt Nam, ông là nhà văn được mệnh danh là người đi tìm cái đẹp trong cái bị tàn lụi, với một tâm hồn lãng mạn và đầy chất nhân văn, ông đã sáng tác nên tác phẩm Chữ người tử tù, với biện pháp nghệ thuật hấp dẫn thu hút sự chú ý của người xem đó là bút pháp lãng mạn.

Với tài năng nghệ thuật sâu sắc, ông đã sáng tác lên tác phẩm thu hút sự chú ý của mọi người vào tài năng trong cách sử dụng ngôn ngữ, cũng như một biện pháp có sức thu hút mạnh mẽ tài năng cũng như phẩm giá của nhà văn. Với tài năng và trách nhiệm với tác phẩm mà mình viết ra ông đã sáng tác nên những tác phẩm đậm chất nhân văn và giàu giá trị sâu sắc, ông không chỉ để cho người đọc thấy được tài năng của mình, mà qua đó người đọc thấy được nghệ thuật về xây dựng cái đẹp, cái đẹp đang bị mất đi, con người đang phải sống trong những khoảng không gian chật hẹp nhưng con người vẫn đang phát huy được cái đẹp trong tâm can của mình.

Với những tình huống đặc sắc, tác phẩm đã phát huy được sức mạnh của nghệ thuật tạo hình, với những đường nét phong phú, và những chi tiết đặc sắc, câu chuyện là sự giao thoa và hòa hợp trong cuộc gặp gỡ giữa viên quản ngục và Huấn Cao. Với một không gian chật hẹp của ngục tù, con người đang phải sống và trải qua những giây phút mà cái đẹp đang bị tàn lụi, những chính những giây phút đó mà con người đang dần phát huy mạnh mẽ tài năng trong việc trưng dụng cái đẹp và người hiền tài.

Với một tình huống truyện độc đáo, và nó tạo nên những cái riêng trong cảm giác của tác giả về việc xây dựng cấu trúc và giá trị cho một tác phẩm, giá trị của tác phẩm không chỉ trong việc tạo dựng nên hình tượng và giá trị trong tác phẩm, mà nó còn để lại cho người đọc một cảm quan nghệ thuật mới về cái đẹp, về con người trong khoảng không gian, tối tăm của tù mà cái đẹp vẫn có điều kiện nảy nở và phát huy mạnh mẽ sức mạnh của mình, điều đó không chỉ để cho chúng ta thấy được tài năng và nghệ thuật được sử dụng trong tác phẩm, tác phẩm nó còn thấm đẫm những giá trị lãng mạn, lãng mạn từ việc sắp xếp lên cốt truyện, nó để cho người đọc có một cái nhìn mới mẻ, về không gian nghệ thuật cũng như giá trị về một tác phẩm thành công.

Nhà văn đã dùng bút pháp lãng mạn trong nhân vật trong tác phẩm của mình, bút pháp lãng mạn xoáy sâu vào giá trị phẩm giá của tâm hồn một con người tài hoa và mang nhiều đức tính tốt đẹp, giá trị đó được chúng ta nhìn nhận lại một cách mới mẻ và có nhiều ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với cuộc sống của con người. Nhân vật trong nghệ thuật sáng tạo của tác giả, hiện lên cũng vô cùng sâu sắc, nó mang một cảm xúc khác lạ đối với các nhân vật khác, nhân vật ở đây được dùng để biểu hiện một nghệ thuật tạo hình, trong cách sáng tạo với những đường nét tinh tế và giàu giá trị, cảm xúc đó đã mang đến cho đọc giả những phát hiện mới mẻ, trong cách xây dựng nhân vật. Dùng lối nói có vẻ lãng mạn và mức độ cường điệu hóa đã gia tăng thêm giá trị cho tác phẩm của nhân vật. Nhân vật Huấn Cao được miêu tả với những nét điển hình về ngoại hình, tính cách của nhân vật qua cách biểu hiện, và giá trị của nó mang đến cho người đọc đó là sự uy nghiêm, tài hoa, và một đức tính của người hiền tài.

Với sự tài hoa, và phẩm chất tốt đẹp ông không sợ những lời dọa nạt của nhân vật của mình, mà luôn thể hiện một thái độ dứt khoát về chính tính cách cũng như sự diễn đạt của mình một cách độc đáo và giàu có về giá trị nhất, ngoại hình cũng là một yếu tố để tôn lên vẻ đẹp của nhân vật trong chính tác phẩm. Nhân vật Huấn Cao biểu lộ lên những tính cách của những nhân vật chính diện, nó thể hiện một thái độ của tác giả trước nhân vật của mình, với bút pháp lãng mạn, nhân vật này hiện lên với một con người vừa có tâm và có tài năng.

Như đối với viên quản ngục nhân vật này hiện lên với một tình cảm đó là yêu cái đẹp, về địa vị có vẻ như đối lập với Huấn Cao, nhưng ông cũng có một tấm lòng biết yêu quý và chân trọng cái đẹp, cái đẹp đó đang trường tồn và nó thể hiện một thái độ tốt đối với chính nhân vật của mình, qua thái độ khúm núm, và tính cách của ông đối với Huấn Cao. Nhân vật trong tác phẩm đã thể hiện được một thái độ dứt khoát trong phong cách nghệ thuật, cũng như những sáng tạo mang lại những giá trị to lớn, và nó để lại ý nghĩa đặc biệt sâu sắc cho chính tác phẩm mà nhân vật này thể hiện trong câu chuyện.

Nhân vật biểu tượng cho sự trân trọng và giữ gìn cái đẹp, với bút pháp lãng mạn nhân vật biểu hiện lên trong những khoảnh khắc tài hoa và năng động mạnh mẽ nhất, nhân vật Huấn Cao cũng là tài năng biểu hiện cho một cái đẹp trường tồn và vĩnh viễn không bao giờ có thể xóa bỏ được, còn quản ngục là người yêu cái đẹp và luôn giữ gìn cái đẹp. Với tài năng và sự miêu tả đầy chất lãng mạn tác giả đã tạo nên những giá trị riêng để miêu tả nghệ thuật tài hoa của chính nhân vật Huấn Cao.

Với tài năng và bút pháp nghệ thuật lãng mạn tác giả đã thể hiện được tài năng cũng như giá trị chính của tác phẩm mà tác giả muốn thể hiện, những tác phẩm đó đã để lại cho người đọc một cái nhìn sâu sắc hơn, về nghệ thuật xây dựng hình tượng, và cách tạo dựng nên tính cách của nhân vật, giá trị của nó tô điểm thêm cho chúng ta thấy được phong cách nghệ thuật của ông. Ông tài hoa trong việc tạo dựng nên tình huống cũng như nhân vật trong tác phẩm, với bút pháp sắc sảo của mình, ông làm gia tăng lên giá trị biểu đạt trong chính tác phẩm của mình.

Bút pháp lãng mạn trong Chữ người tử tù – Mẫu 3

Tập truyện ngắn này của Nguyễn Tuân cũng là một thành tựu rực rỡ của văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 – 1945, hội tụ trong đó những yếu tố thẩm mỹ và nguyên tắc sáng tác của phương pháp sáng tác này. Truyện ngắn “Chữ người tử tù” là một trong số đó.

Trong “Chữ người tử tù” nói riêng và tập truyện ngắn “Vang bóng một thời” nói chung, Nguyễn Tuân đã dựng lại những mảnh của cuộc sống một thời đã qua, một thời vang bóng. Cả một dấu xưa vàng son, quá vãng nay trở về sáng lại trên mỗi trang văn với vẻ đẹp mê hồn, có khi rùng rợn mang đầy nuối tiếc, bâng khuâng. Truyện tuy ngắn nhưng cũng đủ để nhà văn vẽ ra một sự tương phản giữa cái lý tưởng và hoàn cảnh thực tại, giữa cái Thiện và cái Ác, giữa ánh sáng và bóng tối. Nhân vật Huấn Cao, quản ngục, thầy thư lại là một bộ ba nhân vật mà trong đó chỉ Huấn Cao là có tên (một cái tên cũng khá mơ hồ gồm tên gọi tắt của chức vụ (Huấn) đi kèm với họ (Cao)) nhưng vẫn sáng lên như những nốt nhấn giữa một mặt bằng tăm tối. Có thể nói hoàn cảnh nhà lao nói riêng và hoàn cảnh xã hội nói chung đã giam hãm những con người trong sạch đó vào cái lồng thiên địa chật hẹp và bó buộc, là một không gian thù địch và luôn ẩn chứa sức phá hoại đối với cái Tài, cái Đẹp, cái Thiên lương. Nhân vật quản ngục và thư lại là những con người trung gian mà Huấn Cao là nhân vật lý tưởng, mẫu hình lý tưởng đối lập với cuộc sống đang níu giữ, kéo ghì quản ngục và thư lại xuống. Quản ngục và thư lại sống lẫn trong cuộc sống đó, Huấn Cao vượt lên khỏi cuộc sống đó nhưng xét đến cùng họ đều là nhân vật của văn học lãng mạn. Huấn Cao sống một cuộc sống mà bình sinh chọc trời khuấy nước mặc dầu với những hình tít và hành trạng bí ẩn đầy màu sắc truyền thuyết. Con người ấy đối lập mình với thế giới, với chế độ mà mình đang sống bởi tự ý thức được mình, ý thức được phẩm giá của mình, kiêu hãnh đứng riêng ra và cao hơn với xung quanh và cảm thấy cô độc trong niềm kiêu hãnh đó. Tuy quản ngục và thầy thư lại không được như Huấn Cao nhưng họ vẫn là những người xa lạ với hoàn cảnh của mình đang sống. “Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người (…) của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”. Họ sống lạc lõng với xung quanh, là những người chọn nhầm nghề bởi nơi họ sống là một nơi “lẫn lộn (…) khó giữ thiên lương”, là nơi mà những cái thuần khiết bị đày ải giữa một đống cặn bã. Giữa cảnh sống đó, nhân cách và tài năng của Huấn Cao càng rực sáng hơn, Huấn Cao đã vượt lên khỏi những ràng buộc của hoàn cảnh để sống với chính bản thân mình dù rằng ông đang ở trong cảnh tù đày, cá nằm trên thớt. Nguyễn Tuân đã dùng những lời thật đẹp để tả lại khung cảnh “một ngôi sao Hôm nhấp nháy như muốn tụt xuống phía chân trời không định (…); bấy nhiêu âm thanh phức tạp bay cao dần lên khỏi mặt đất tối, nâng đỡ lấy một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ…”. Những câu văn bay bổng, tài hoa đó đã nói lên phần nào lòng yêu mến của nhà văn với các nhân vật lý tưởng của mình.

Truyện ngắn “Chữ người tử tù” là một bức tranh gồm nhiều mảng màu khác nhau, phân rõ tối sáng, đậm nhạt mà trong đó cái Thiện và cái Ác, ánh sáng và bóng tối luôn tương phản với nhau. Có thể nói, ngay ước muốn xin chữ Huấn Cao của viên quản ngục đã là một ý định đầy chất lãng mạn. Ước mơ đó đã là cái nền nâng đỡ cho hàng loạt chi tiết sau này để những mảng màu tương phản được bày ra. Cảnh tượng Huấn Cao cho chữ là tột đỉnh của quan điểm lãng mạn mà tại điểm hội tụ đó cái Thiện chiến thắng cái Ác, ánh sáng đã lấn át bóng tối và quan trọng hơn là sự phát triển của tính cách nhân vật không còn phụ thuộc vào hoàn cảnh. Tính cách, cảm xúc của nhân vật đã vượt lên trên hoàn cảnh. Nguyễn Tuân đã nói đó là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có” và chúng ta có thể nói nếu theo logic thông thường của cuộc sống thì đó là một cảnh tượng “không thể có”. Ở đây các nhân vật đã quên đi tất cả, quên đi địa vị, danh phận, địa điểm mình đang đứng mà chỉ sống với cái đẹp, hướng tới ánh sáng, thưởng thức chung một nét chữ, cảm nhận cùng một mùi thơm của mực. Trong bức tranh sơn dầu đó, Huấn Cao có cái đẹp lan tỏa của một người nghệ sĩ còn viên quản ngục và thầy thư lại có cái đẹp của lòng biệt nhỡn liên tài, vẻ đẹp của thiên lương còn giữ được giữa bao quay cuồng đen trắng. Từ hành động gỡ gông của Huấn Cao ở đầu truyện tới việc Huấn Cao viết chữ ở cuối truyện là sự thống nhất nhân cách của một nhân vật lãng mạn. Quản ngục, thư lại là hai nhân vật nâng đỡ nhưng cũng đẹp và đầy chất thơ – chất thơ của cái đẹp, của tài hoa đối lập và vượt lên khỏi thực tại tầm thường, tăm tối. Câu nói “Xin lĩnh ý” của viên quản ngục khi bị Huấn Cao quát đuổi ra ngoài chỉ đơn thuần là một sự nhũn nhặn nhưng câu nói “Xin bái lĩnh” của chính nhân vật này ở cuối truyện, nói sau khi được Huấn Cao cho chữ và khuyên bảo lại là một nét đẹp của một tâm hồn hướng thiện, yêu mến tài hoa.

Tham khảo thêm:  

Trong sáng tác của các nhà văn lãng mạn, người ta có thể nhận ra được hình bóng nhà văn trong nhân vật lý tưởng của mình. Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” là một nhân vật như thế. Hành trạng một đời tung hoành không biết trên đầu có ai cùng sự tài hoa, ngông nghênh của ông Huấn cũng là một phần tâm hồn Nguyễn Tuân gửi vào trong đó. Con người Nguyễn Tuân ở ngoài đời cũng như con người ông trong văn chương và các nhân vật của ông có những nét chồng khít đến kỳ lạ mà trong đó sự tài hoa, ngang tàng, phóng túng là mẫu số chung của những phân số đó. Con người nghệ sĩ ấy không chấp nhận cái tầm thường xung quanh, muốn nổi loạn với tất cả mà ở đây hình mẫu lịch sử của nhân vật Huấn Cao (một số nhà nghiên cứu nói là Cao Bá Quát) chỉ còn tiếng vọng. Cũng chính con người nghệ sĩ trong Nguyễn Tuân đã giúp ông bỏ đi phần kết của truyện này khi in trên báo, không đưa vào trong tập sách “Vang bóng một thời”. Khi truyện ngắn “Vang bóng một thời” in lần đầu trên báo, sau khi nói “Xin bái lĩnh”, viên quản ngục đã nghĩ rằng mình đã có “lời”, có “lãi” khi biệt đãi Huấn Cao và nhận được bức châm do chính tay Huấn Cao viết. Cái kết này đã bị lược bỏ khi truyện được in thành sách và chính sự lược bỏ đó đã làm cho chuyện thành công hơn, cuốn hút hơn. Truyện cuốn hút vì nó là một khối lãng mạn thực sự mà không bị những ý nghĩ vụ lợi xen vào dù chỉ trong từng chi tiết nhỏ. Đó chính là quan niệm cái Đẹp không gắn liền với cái hữu ích, cái Đẹp đối lập với cái vụ lợi, như Nguyễn Tuân từng nói: “Nghệ thuật là cái mà bọn con buôn coi là vô giá trị…”.

“Vang bóng một thời” là một tiếng vọng đầy cuốn hút trong trào lưu văn học lãng mạn 1930 – 1945 và “Chữ người tử tù” là một tiếng nói góp phần làm nên sự thành công của tập truyện này. Có thể nói rằng, những đặc trưng của phương pháp sáng tác lãng mạn chủ nghĩa không phải đã tập trung đầy đủ ở đây nhưng nhà văn đã thực sự đem chúng ta đến một thế giới mà trong đó nhân vật lãng mạn vượt lên khỏi hoàn cảnh để sống khác biệt với những tầm thường, tăm tối quanh mình. Cái Đẹp, cái Thiện và sự tài hoa đã cùng nhau châu tuần về đó.

Bút pháp lãng mạn trong Chữ người tử tù – Mẫu 4

Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông là một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác. Mỗi lời văn của Nguyễn Tuân đều là những nét bút trác tuyệt như một nét chạm khắc tinh xảo trên mặt đá quý của ngôn ngữ (Tạ Tỵ). Một trong những nét bút trác tuyệt đó là tác phẩm Chữ người tử tù, với biện pháp nghệ thuật hấp dẫn thu hút sự chú ý của người đọc đó là bút pháp lãng mạn.

Bút pháp lãng mạn là phương thức phản ánh hiện thực trong đó nhà văn đề cao trí tưởng tượng, miêu tả thực theo cảm nhận chủ quan. Đặc điểm của bút pháp lãng mạn là khai thác nghệ thuật tương phản đối lập một cách triệt để, tô đậm ấn tượng về cái phi thường dữ dội, hình tượng của bài phải được sáng tạo một cách lãng mạn nhưng phải kết hợp nhuần nhuyễn với chất hiện thực tạo nên vẻ đẹp riêng của văn xuôi lãng mạn. Truyện ngắn Chữ người tử tù kể về nhân vật Huấn Cao là một người tử tù nhưng có tài viết chữ đẹp. Người khắp vùng tỉnh sơn đều đồn rằng: “Chữ ông Huấn đẹp lắm, vuông lắm.” Người quản ngục và thầy thơ say mê nét chữ của Huấn Cao nên đã dành cho ông Huấn sự biệt đãi đặc biệt. Ban đầu, ông Huấn khinh miệt và không nhận sự biệt đãi của quản ngục nhưng rồi ông cũng nhận ra được sự chân thành trong tấm lòng của viên quản ngục nên đã quyết định cho chữ. Cảnh cho chữ diễn ra cho thấy sự trân trọng của người xin chữ và người tử tù đang phóng những nét chữ tài hoa. Sau đó, Huấn Cao khuyên người quản ngục không làm công việc này nữa để giữ được thiên lương trong sạch, người quản ngục cúi đầu: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Thủ pháp nghệ thuật tương phản trong tình huống truyện thật độc đáo và sáng tạo, đó là cuộc gặp gỡ khác thường của hai con người khác thường trong hoàn cảnh éo le, sau này là tri âm tri kỉ lại bị đặt vào hai vị thế đối nghịch: tử tù và cai ngục. Trên bình diện xã hội một người cầm đầu cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại thể chế chính trị đương thời, người kia là viên quan cai ngục đại diện cho bộ máy cai trị của triều đình, là công cụ trấn áp của thể chế chính trị. Trên bình diện nghệ thuật họ là những kẻ tri âm, tri kỷ một người có tài viết chữ đẹp, người kia suốt đời ngưỡng mộ cái tài ấy. Thủ pháp tương phản thể hiện rõ nét nhất trong cảnh tượng Huấn Cao cho chữ viên quản ngục, nó được coi là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.

Vào một đêm khuya vắng lặng tại trại giam tỉnh Sơn chỉ còn tiếng gõ mõ vọng canh, đây là một khoảng thời gian buồn tẻ nhất trong một ngày dài, tất cả vạn vật dường như đã chìm sâu vào im lặng nhường chỗ cho bóng tối thống trị, chỉ còn tiếng gõ mõ đều đều trong canh dài, không một bóng người lai vãng. Khung cảnh nhà giam hiện lên tù túng, chật hẹp, mệt mỏi với từng tiếng thở dài oán thán “buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Thế nhưng chính tại nơi tầm thường, hạ đẳng ấy lại xảy ra một sự việc thật trọng đại, làm rung động trái tim của những con người tài hoa chân chính. Một không gian tối tăm quanh năm không thấy ánh mặt trời, dù là ngày hay đêm đều nhuốm màu bóng tối thì giờ đây có ba người “đang chăm chú trên một tấm bạch còn nguyên vẹn lần hồ”. Buồng giam ngập tràn “khói tỏa như đám cháy nhà”, “ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu”. Dường như họ đang chăm chú với niềm hạnh phúc dâng trào để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ. Sự đối lập giữa tư thế và vị thế của người cho chữ – Huấn Cao và người nhận chữ – viên quản ngục đã được Nguyễn Tuân khắc hoạ thật sinh động, “một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang đậm tô nét chữ trên tấm vải lụa trắng tinh, viên quản ngục “khúm núm”, thầy thơ lại “run run bưng chậu mực”. Có lẽ đứng trước cái đẹp trái tim con người bỗng rung động, như có thứ gì đó bóp nghẹt lại. Từ một viên quản ngục “quyền cao chức trọng” giờ đây phải cúi đầu trước vẻ đẹp tài hoa, trước người tử tù có tấm lòng thiên lương. Có tiếng “thở dài, buồn bã” của Huấn Cao khi những nét chữ cuối cùng đã viết xong, ông nói giọng đĩnh đạc: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi.” Tấm lòng nhân hậu của Huấn Cao đã thức tỉnh, cứu rỗi tâm hồn của những người lương thiện nhưng lạc vào con đường tha hoá, rối ren. Viên quản ngục cảm động, vái người tử tù một vái “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” những giọt nước mắt lăn dài trên má như lời kính trọng sâu sắc dành cho vị anh hùng Huấn Cao.

Hình tượng Huấn Cao tài hoa rất đỗi nghệ sĩ mang một khí phách phi thường, tâm hồn thiên lương trong sáng trên nền nghệ thuật tương phản khác thường. Huấn Cao là nhân vật được xây dựng bằng bút pháp lí tưởng hóa có nguyên mẫu hình tượng Cao Bá Quát – một nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam, vừa có tài văn chương, chữ nghĩa lại ngang tàng khí khái nhằm thể hiện tư tưởng, quan điểm thẩm mĩ, bộc lộ cái “ngông”. Huấn Cao là một nho sĩ tài hoa, là nghệ sĩ chân chính, hiếm có trong nghệ thuật thư pháp. Chữ viết của ông trở thành những bức tranh nghệ thuật và là khát khao của những người say mê cái đẹp. Huấn Cao còn là một người có khí phách phi thường. Hành động thúc thang gông xuống đất dứt khoát, không e dè phá vỡ chốn nghiêm trang của tù ngục, những việc Huấn Cao muốn làm thì không ai ngăn cản được. Khi được viên quản ngục mời rượu thịt ông thản nhiên nhận lấy, coi đó là việc làm trong lúc bình sinh và Huấn Cao coi ngục tù chỉ là chốn dừng chân. Ngoài ra, ông còn có tài bẻ khóa, vượt ngục. Đó không phải là tài lẻ của bọn tiểu nhân bình thường mà đó là khí phách hơn người của Huấn Cao, không có tù ngục nào giam hãm được ông. Ông tỏ thái độ khinh bạc viên quản ngục, không vì vàng ngọc hay quyền thế là ép mình cho chữ, đó là khí phách ở bậc anh hùng “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Không những là một người có khí phách hiên ngang mà Huấn Cao còn là một người có thiên lương trong sáng. Sống ở trên đời không sợ quyền thế, tiền bạc, chỉ sợ phụ một tấm lòng trong thiên hạ. Trong quan niệm của Nguyễn Tuân cái tài phải đi đôi với cái tâm, cái thiện và cái đẹp không thể tách rời nhau. Sự hòa hợp giữa tài năng và khí phách, thiện lương khiến Huấn Cao trở thành biểu tượng rực rỡ của cái đẹp.

Với tài năng và bút pháp nghệ thuật lãng mạn, Nguyễn Tuân đã thể hiện được tài năng cũng như giá trị chính của tác phẩm mà mình muốn thể hiện, những tác phẩm đó đã để lại cho người đọc một cái nhìn sâu sắc hơn về nghệ thuật xây dựng hình tượng, cách tạo dựng nên tính cách của nhân vật, giá trị của nó tô điểm thêm cho chúng ta thấy được phong cách nghệ thuật của ông. Ông tài hoa trong việc tạo dựng nên tình huống cũng như nhân vật trong tác phẩm, với bút pháp sắc sảo của mình, ông đã làm gia tăng lên giá trị biểu đạt trong chính tác phẩm của mình.

Bút pháp lãng mạn trong Chữ người tử tù – Mẫu 5

Khuynh hướng lãng mạn là một khuynh hướng sáng tác nổi bật của văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám – 1945. Song, nói đến lãng mạn trong văn xuôi phải nhắc đến Nguyễn Tuân – nhà văn của sự tài hoa và luôn khát khao cái đẹp. Bút pháp nghệ thuật lãng mạn đã chắp cánh nâng bổng những trang văn ông bay cao bay xa trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Với “ Chữ người tử tù”- một sáng tác nổi tiếng của Nguyễn Tuân, bút pháp nghệ thuật lãng mạn thể hiện rõ ở thủ pháp cường điệu hoá và thủ pháp đối lập đặc sắc.

Bay bổng trong thế giới của những con người tài hoa nghệ sĩ là niềm đam mê của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám. Thú uống trà, thả thơ, chơi hoa… một cách nghệ thuật của người xưa hấp dẫn Nguyễn Tuân như thứ men say càng uống càng nồng. Chơi chữ – thú chơi nghệ thuật đầy thanh cao dĩ nhiên cũng là đối tượng để Nguyễn Tuân chiêm ngưỡng ngợi ca. “Chữ” ở đây là chữ Nho – chữ thánh hiền. “Chữ” ở đây là những khối vuông được viết bằng bút lông nên có nét thanh nét đậm chẳng những có tính tạo hình mà còn thể hiện được cái tâm, cái tài của người viết. Theo ý nghĩa ấy, chơi chữ là thứ nghệ thuật cao cấp chỉ dành chỉ dành cho những người có học, biết thưởng thức cái đẹp của chữ và cái cao siêu của nghĩa. Chọn đề tài ấy với cảm hứng ngợi ca, Nguyễn Tuân đã cường điệu hoá nét tài hoa của nhân vật chính khiến mọi sự xung quanh con người ấy đều trở thành tuyệt mĩ, hoàn hảo: Huấn Cao không chỉ là chuẩn mực có cái Tài mà còn điển hình cho người nho sĩ xưa về cái Đức, cái Tâm, cái nhân cách trong sáng vô biên cải hoá cả bụi trần.

Mở đầu tác phẩm người đọc chưa biết Huấn Cao là ai mà đã nghe danh vang dội bốn phương. Con người được “vùng tỉnh Sơn… vẫn khen”, con người mà “ người ta đồn” “văn võ đều có tài cả”. Con người ấy tài năng đi vào dân gian như một huyền thoại kì diệu. Ông nổi tiếng “viết chữ rất nhanh và rất đẹp”, “chữ ông Huấn Cao đẹp lắm và vuông lắm” và “có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời!”. Chữ Thánh hiền có thể kẻ sĩ nào cũng biết, những viết được chữ Thánh hiền vừa đẹp vừa vuông thì hỏi thử nhân gian mấy người? ấy vậy mà chữ ông Huấn còn được ngợi ca như “một báu vật trên đời”. Điều đó đủ thấy con người ông tài hoa xuất chúng đến nhường nào. Chẳng những thế, ông “còn có tài bẻ khoá và vượt ngục nữa”. Thực ra, đó chỉ là một cách nói thể hiện sức khỏe phi thường và võ công thâm hậu của người tử tù đặc biệt ấy. Chi tiết này càng khiến Huấn Cao trở thành hình mẫu lí tưởng của đấng trượng phu trong xã hội xưa, con người văn võ song toàn được người dân tin yêu kính nể. Nguyễn Tuân đã hé lộ cho người đọc biết tất cả những điều đó về Huấn Cao qua lời kể độc thoại nội tâm của những kẻ quanh năm chỉ biết có tù ngục đọa đầy – viên quản ngục, viên thơ lại – để hơn một lần nhấn mạnh, ghi khắc cái tài hoa tuyệt vời của con người Huấn Cao.

Tham khảo thêm:  

Đã trọn tài, lại vẹn đức, Huấn Cao còn là hình mẫu lí tưởng cho một nhân cách trong sạch và khí phách anh hùng. Bị bắt giam trong ngục, Huấn Cao không hề sợ cường quyền áp bức. “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Câu nói khẳng khái ấy khiến ta nghĩ đến ý thơ thanh cao của Cao Bá Quát “Nhất sinh đệ thủ bái hoa mai”, hay cái nhếch mép “Coi khinh nghìn lực sĩ”, của một nhà thơ Trung Quốc, hay cái ý niệm sâu xa của… “Người đàn ông chỉ có thể quỳ trong hai trường hợp: Để uống nước nguồn và để hái hoa”…dù là ai, họ đều gặp nhau ở vẻ đẹp sáng người của lòng tự trọng, của chữ tâm vuông vức và “thơm mùi mực” mới.

Gặp thời rối ren loạn lạc, chữ Tâm của Huấn Cao đã thống nhất với cái lực cái tài của một con người văn võ song toàn để tạo nên khí phách anh hùng trong thời đại. Con người ấy chẳng phải đã khao khát tự do và dám phá tan tù ngục để tìm tự do đó sao? Cái tài “bẻ khoá” “vượt ngục” thể hiện sâu sắc khao khát tự do, đến nỗi chẳng nhà tù nào kìm giữ nổi. ông đòi tự do cho bản thân mình, còn đòi tự do cho dân làng, cho đồng bào mình nữa. Việc chính quyền phong kiến luôn rình rập, giam giữ kỹ càng Huấn Cao chỉ chứng minh một điều rất lớn: Huấn Cao luôn xả thân vì nghĩa lớn, yêu thương nhân dân, bất bình với chính quyền thối nát suy đồi mà dọc ngang khởi nghĩa không mảy may lo sợ hay hối tiếc.

Bước vào nhà ngục, ông vẫn ngẩng cao đầu ung dung tự chủ, bản lĩnh hiên ngang. Không, đó không phải là con người “điếc không sợ súng”, ông biết và “đợi một trận lôi đình báo thù và những thủ đoạn tàn bạo của quản ngục” nhưng chính người quản ngục đã ý thức “những người chọc trời khuấy nước, đến trên đầu người ta, người ta còn chẳng biết đến ai nữa”. Huấn Cao thực sự là một con người hiên ngang khí phách.

Con người “chọc trời khuấy nước ấy” tưởng chỉ biết có đao gươm hay những chuyện quốc gia đại sự. Ai ngờ Huấn Cao cũng tinh tế độ lượng vô cùng, ông là người biết trọng kẻ có thiên lương.

Bắt đầu bước chân vào nhà ngục, Huấn Cao đã cùng các đồng chí “dỗ mạnh gông”. Hành động ấy ngạo mạn và thách thức viên quản ngục nhiều lắm. Vào nhà ngục rồi, ông luôn tỏ ra “khinh bạc đến điều” ông quan ấy… Ta cứ ngỡ lòng Huấn Cao luôn căng ra như thế với kẻ đại diện cho cái chính quyền ông chán ghét. Ngờ đâu! Nó chợt chùng xuống khi Huấn Cao biết rõ quản ngục. Tưởng rằng Huấn Cao lòng được đúc bằng sắt thép nhưng ông đã thấy ân hận vì “thiếu chút nữa đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Những dòng chữ tài hoa cuối cùng của bậc nhân sĩ đã được trân trọng trao cho viên quản ngục với tất cả sự đồng cảm về cái đẹp.

Muôn đời nay ta vẫn nói “Nhân vô thập toàn”, “Ngọc nào ngọc không có vết” nhưng nhân vật Huấn Cao của Nguyễn Tuân mang vẻ đẹp toàn diện, toàn mỹ, đó là sự thống nhất giữa người nghệ sĩ và người anh hùng. Hình tượng Huấn Cao là ước mơ của tác giả, của xã hội về con người có vẻ đẹp toàn diện tuyệt đối. Sự bay bổng của ước mơ trở thành một đặc điểm quan trọng trong bút pháp nghệ thuật lãng mạn của văn Nguyễn Tuân.

Với một khởi đầu như thế, xuất phát từ nhân vật chính lí tưởng “Mười phân vẹn mười”, những tưởng tác phẩm hứa hẹn những tài tử giai nhân êm ái dặt dìu đến cuối truyện. Nhưng không phải vậy, xây dựng một nhân vật hoàn mĩ chỉ có trong mơ, Nguyễn Tuân đang chuẩn bị để tạo ra hàng loạt những mâu thuẫn, những đối lập, càng làm tăng thêm chất lãng mạn bay bổng trong ngòi bút vốn không chịu nằm im dưới mặt đất yên bình.

Mâu thuẫn đầu tiên rất dễ nhận thấy nằm trong số phận Huấn Cao. Một con người tài hoa tột đỉnh đáng lẽ ra phải được vinh danh chốn quan trường, hưởng bổng lộc muôn đời, con đàn cháu đông. Nhưng không! Với Huấn Cao ấy là hoa vùi xuống cát, kiếm quăng xuống biển, bút lìa khỏi nghiên. Bị giam chân nơi tù ngục tăm tối đã đành, chỉ ngày mai thôi, đầu rơi lúc nào không biết. Khi ấy, chẳng phải lỡ cả một đời khổ công dùi mài, văn ôn võ luyện hay sao? Không những vậy, con người thương dân, yêu dân xả thân vì đại nghĩa lại phải chết cái chết tức tưởi với tội danh “phản loạn”, “phản thần tặc tử”. Thật oan trái không sao kể xiết!

Bên cạnh Huấn Cao còn hai số phận trái ngang không kém: viên thơ lại và nhất là viên quản ngục. Hai con người ấy sống, làm việc, gắn đời mình ở nơi ngục tù quanh năm chỉ có sự nhẫn tâm, tăm tối của tra khảo, chém giết. Ngờ đâu nhục hình và quyền lực chưa làm vẩn đục, không đồng hóa được tâm hồn họ. Trong chốn sâu thẳm của lương tri, họ vẫn dành chỗ cho sự tài hoa và cho cái đẹp. Viên quản ngục luôn đau đáu ước mơ “được treo… một câu đối”, ấy thực là “một sở thích cao quý” khó có thể có được ở một con người như vậy.

Tù nhân như thế, quản ngục, thơ lại là vậy hỏi làm sao không diễn ra những sự ngược đời trong lao tù trong thời điểm ấy. Kẻ tử tù ngạo nghễ, ung dung “thản nhiên nhận, rượu thịt, coi đó như là một việc vẫn làm… lúc chưa bị giam cầm” thậm chí “khinh bạc đến điều” quan coi ngục. Nhưng viên quan coi ngục thì ngược lại. Ông “kiêng nể” người tử tù sắp nhận án chém, thậm chí tỏ ra lễ phép rất mực, đặc biệt là cái “run run” khi cúi mình nhận chữ của Huấn Cao.

Đặt con người rất mực tài hoa Huấn Cao vào bối cảnh tù ngục, Nguyễn Tuân còn muốn làm nổi bật sự đối lập giữa cái thanh cao của nghệ thuật chơi chữ với cái quay quắt, tối tăm của tù ngục; giữa cái đẹp và cái xấu; giữa sự sáng bừng của lương tâm phẩm giá con người và hoàn cảnh điêu tàn mục ruỗng…

Thực là một cảnh tượng hiếm có xưa nay. Tất cả tài năng, bút mực, sự bay bổng của ngôn ngữ đã được Nguyễn Tuân tập trung vào cảnh cho chữ này. Thông thường, việc viêt chữ, cho chữ, chiêm ngưỡng chữ người ta thường làm ở những nơi trang nghiêm, trang trọng của những người học rộng, tài cao. Chưa từng có chuyện chôn ngục tù nơi “buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián’’, nơi “tận đáy cùng xã hội nhơ nhớp tanh hôi” lại là nơi diễn ra việc cho chữ. Ấy vậy mà chuyện đó đã xảy ra vào một đêm khuya thanh vắng trước ngày Huấn Cao về kinh chịu tội. ở đây, người cho chữ là Huấn Cao – người rất mực tài hoa, người nhận chữ là viên quản ngục người mà xã hội chỉ coi là người đi bên lề cuộc sống sinh động cao cả. Tâm thế của người tù – người cho chữ – trong sáng, bay bổng, thanh cao cùng cái đạo chữ thánh hiền, mặc thể xác đang bị giam cầm, đày đọa trái ngược hẳn với người quản ngục – người nhận chữ.- “run run”, khúm núm như đón nhận sự gia ơn của người tử tù. Thật là “cảnh tượng xưa nay chưa từng thấy”.

Giữa đêm đen đặc quánh, sâu thăm thẳm của trốn nhà lao âm u tĩnh mịch lại bất ngờ rực lên ánh sáng của bó đuốc, mùi thơm của mực tàu, hay đó chính là ánh sáng, hương thơm của khí phách, của cái thần con chữ thánh hiền. “Ba cái đầu chụm lại” trên vuông lụa trắng tinh “còn nguyên lần hồ” đã được ánh sáng của bó đuốc soi tỏ. Cảnh tượng thật quá thiêng liêng và trang trọng. Bóng tối không thể làm tắt đi ngọn đuốc, màn đêm không thể che được màu trắng tinh của lụa và sự hôi tanh của phân gián phân chuột không thể làm cho mùi mực thơm ngạt ngào ngừng ướp hương tẩm vị vào tâm hồn con người.

Chốn ngục tù này mọi trật tự xã hội thông thường bị đảo lộn tất cả. Cảnh cho chữ tập trung mọi sự đối lập, mọi mâu thuẫn của tác phẩm để mỗi chi tiết, mỗi lời nói hành động của nhân vật đều khẳng định sự chiến thắng của cái Đẹp, của cái Thiện. Chốn ngục tù những cảnh tù ngục chỉ được diễn tả rất ít, chỉ một đoạn ngắn ngủi còn lại phần lớn dành cho bó đuốc, lượt lụa, hương mực và sự thành kính thiêng liêng của con người đối với cái chữ, cái đạo, cái chí, cái tâm … Không gian im ắng chỉ còn nghe thời gian đang đếm nhịp trên bó đuốc bừng bừng.

Nếu có âm thanh vang lên thì đó là tiếng nói của Huấn Cao, tiếng nói của cái đẹp, tiếng nói khuyên con người về với cái Thiện “ở đây lẫn lộn ta khuyên thầy… về quê không ở đây nhem nhuốc” cả tâm hồn nhân phẩm. Và người quản ngục chỉ có thể nghẹn ngào một tiếng “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Vậy là cái Đẹp đã cảm hoá cái xấu, cái ác và nói như Đôxtôiepxki “Cái Đẹp đã cứu vớt nhân thế”. Lời khuyên chân tình của Huấn Cao “ở đây không phải chôn treo tấm lụa” Còn khẳng định một điều: Cái Đẹp không thể sống chung, sống cùng, sống lẫn lộn với cái ác, cái xấu.

Sau câu nói của Huấn Cao, không gian tĩnh lặng. Tĩnh lặng để cho cái đẹp bồi hồi ngân vang… Và khi ấy, Huấn Cao, người quản ngục, người thơ lại từ thế đối lập đã hoà vào nhau chỉ còn niềm tôn kính vô bờ trang trọng với cái Đẹp, cái Thiện của cuộc đời này.

Cùng với thủ pháp cường điệu và thủ pháp đối lập, biện pháp so sánh giàu hình ảnh bay bổng sức liên tưởng phong phú cũng góp phần thể hiện chất lãng mạn của ngòi bút Nguyễn Tuân “Vì sao chính vị tụt xuống chân trời vô định”.

Bút pháp nghệ thuật lãng mạn đặc sắc đã khắc hoạ thành công chân dung hình tượng nhân vật. Qua đó, tác phẩm cất lời ngợi ca cái tài hoa toàn vẹn, cái đức anh hùng khí phách của thời đại. Bút pháp lãng mạn cũng làm nổi bật cái Đẹp, cái Thiện, thể hiện quan niệm của Nguyễn Tuân: Cái Đẹp cứu vớt nhân thế, cái Đẹp có thể nảy sinh từ cái ác, cái xấu nhưng không thể sống lẫn lộn với cái ác, cái xấu.

Văn chương Việt Nam hiếm có ai tài hoa như Nguyễn Tuân trong việc tuyệt tả cái tài hoa và sử dụng thủ pháp đối lập tài tình đến thế. Bút pháp nghệ thuật lãng mạn trở thành “thứ của để dành” của riêng nhà văn mà cho đến nay cha ai vượt qua được. “Chữ người tử tù” cũng nhờ xương cốt đúc bằng nghệ thuật độc đáo ấy mà bay cao bay xa mang những giá trị nội dung, nghệ thuật tiến bộ, mới mẻ, đặc sắc đến muôn đời.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 11: Phân tích bút pháp lãng mạn trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân Dàn ý & 5 bài văn mẫu lớp 11 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *