Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 10: Phân tích đoạn trích Hồi trống Cổ thành (Dàn ý + 9 mẫu) Trích hồi 28 – Tam quốc diễn nghĩa ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Phân tích Hồi trống Cổ thành của La Quán Trung gồm dàn ý và 9 bài văn mẫu hay được tuyển chọn từ bài làm của các bạn học sinh giỏi. Qua phân tích bài Hồi trống Cổ Thành giúp các bạn có thêm nhiều tư liệu tham khảo, trau dồi kiến thức để biết cách viết bài văn phân tích tác phẩm hay.

Phân tích tác phẩm Hồi trống Cổ thành

Hồi trống Cổ thành không chỉ phơi bày cục diện chính trị Trung Hoa lúc bấy giờ mà còn để lại những bài học về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín của Nho giáo. Đây cũng là nguyên nhân khiến tác phẩm luôn có sức hấp dẫn đối với các thế hệ bạn đọc. Và để hiểu rõ hơn về tác phẩm này, mời các bạn cùng theo dõi 9 bài văn phân tích dưới đây nhé.

Phân tích Hồi trống Cổ Thành hay nhất

  • Dàn ý phân tích đoạn trích Hồi trống Cổ thành
  • Phân tích Hồi trống Cổ Thành (3 Mẫu)
  • Phân tích đoạn trích Hồi trống Cổ thành (2 Mẫu)
  • Phân tích bài Hồi trống Cổ thành 

Dàn ý phân tích đoạn trích Hồi trống Cổ thành

I. Mở bài:

  • Giới thiệu về tác giả La Quán Trung và tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa
  • Giới thiệu khái quát về đoạn trích Hồi trống cổ thành

II. Thân bài:

1. Trương Phi và những hiểu lầm đối với Quan Công

a. Phản ứng của Trương Phi khi nghe xong lời của Tôn Càn:

– Chẳng nói chẳng rằng lập tức mặc áo giáp, vác mâu lên ngựa.

– Dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa Bắc.

⇒ Hành động bột phát, trong tâm thế chiến đấu với kẻ thù.

b. Khi Trương Phi gặp Quan Công:

– Trương phi:

  • Diện mạo: mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược.
  • Hành động: hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công.
  • Xưng hô: mày – tao.
  • Lập luận buộc tội Quan Công.
  • Nguyên nhân: Trương Phi hiểu lầm Quan Công đã phản bội lại mình.

⇒ Trương phi là người ngay thẳng, cứng cỏi, không dung thứ cho kẻ hai lòng.

– Quan Công:

  • Gọi Trương Phi là “hiền đệ”, “em”.
  • Lời lẽ mềm mỏng.
  • Nhờ hai chị dâu giải thích hộ.

2. Sự xuất hiện của Sái Dương, giải hiềm nghi và hai anh em đoàn tụ

– Ý nghĩa việc xuất hiện của Sái Dương:

  • Đẩy mâu thuẫn của hai anh em lên đến cao trào.
  • Là mở nút để minh oan cho Quan Công.

– Trương Phi khi thấy Sái Dương xuất hiện:

  • Suy nghĩ: Nghĩ Quan Công đem quân đến bắt mình.
  • Hành động: Múa bát xà mâu hăm hở xông lại đâm Quan Công.
  • Yêu cầu: Đánh ba hồi trống để Quan Công chém chết tướng giặc thể hiện lòng thành, thẳng tay đánh trống để thách thức Quan Công.

⇒ Thái độ dứt khoát, kiên quyết của con người ngay thẳng.

⇒ Quan Công chấp nhận thử thách.

– Quan Công giết Sái Dương khi chưa hết một hồi trống:

+ Thái độ, hành động của Trương Phi: rỏ nước mắt, thụp lạy Quan Công.

⇒ Thái độ bao dung, phục thiện đúng lúc.

⇒ Trương Phi là con người giàu tình cảm, nóng nảy, thô lỗ nhưng khôn ngoan và biết trọng lẽ phải.

3. Ý nghĩa của hồi trống cổ thành

  • Hồi trống thách thức, minh oan, đoàn tụ của các anh hùng.
  • Biểu dương tính cương trực của Trương Phi.
  • Ca ngợi lòng trung nghĩa của Quan Công.

III. Kết bài:

– Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật.

Phân tích Hồi trống Cổ Thành (3 Mẫu)

Bài làm mẫu 1

“Hồi trống Cố Thành” được trích ở hồi 28:

“Chém Sái Dương anh em hoà giải,
Hồi Cổ Thành tôi chúa đoàn viên”.

“Hồi trống Cổ Thành” đã khắc họa đậm nét thêm tấm lòng trọng nghĩa của Quan Công và tấm lòng cương trực thuỷ chung của Trương Phi. Trương Phi vốn là một con người nóng nảy nhưng ngay thẳng cương trực, lòng dạ trước sau như một, luôn biết phục thiện, dám nhận sai lầm, thiếu sót.

Trương Phi đã từng túm tóc Đốc Bưu lôi tuột ra ngoài quán dịch, kéo thẳng về trước huyện trói vào tàu ngựa, bẻ một cành liễu đánh vào mông Đốc Bưu chỉ vì tên này là một sâu dân mọt nước. Trương Phi đến huyện Lỗi Dương hỏi tội Bàng Thống vì Trương Phi cho rằng Bàng Thống say mê rượu chè, bỏ bê việc nước, nhưng khi thấy Bàng Thống làm việc đâu ra đấy, không sai sót chút nào thì vội vàng xin lỗi: “Tiên sinh thật là bậc cao tài, tiểu tử có mắt mà không biết”.

Trương Phi đã ba lần theo Lưu Bị đến Ngọa Long để mời Khổng Minh ra giúp nước. Trương Phi chán nản, bực tức vì “gã nhà quê kiêu kì” (lời Trương Phi) và đòi đốt lều cỏ của Gia Cát Lượng, nhưng khi thấy Gia Cát Lượng trong lần ra quân đầu tiên chỉ bằng một mẹo nhỏ đã phá tan mười vạn quân của Hạ Hầu Đôn tại Tân Dã, Trương Phi mới vỡ lẽ: “Khổng Minh quả là bậc anh tài”.

Những nét tính cách tốt đẹp đó của Trương Phi được thể hiện khá rõ nét và hoàn chỉnh trong đoạn trích: “Hồi trống cổ Thành.”

Khi nghe Tôn Càn báo Vân Trường từ Hứa Đô vừa đưa hai phu nhân đến đây, thì Trương Phi chẳng nói năng gì, lập tức mặc áo giáo, vác mâu lên ngựa, dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa Bắc. Khi vừa nhìn thấy Quan Công, Trương Phi mắt tròn xoe, râu vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công, vì Trương Phi nghĩ rằng Quan Công ở với Tào Tháo là giặc, nên Quan Công đã bội nghĩa.

Đây là một cuộc đón tiếp thật đặc biệt, hiếm thấy giữa hai anh em kết nghĩa đã từng thề sống chết có nhau. Trương Phi nóng nảy đến nỗi bỏ ngoài tai tất cả lời can gián của Cam phu nhân, Mị phu nhân và Tôn Càn. Trương Phi tiếp tục chửi mắng Quan Công là “thằng phụ nghĩa” rồi múa bát xà mâu hăm hở trở lại đâm Quan Công. Cho đến khi thấy Quan Công lấy đầu Sái Dương (viên tướng của Tào Tháo), và nghe lời kể của một tên lính Tào Tháo thì Trương Phi mới hiểu được lòng dạ trung thực của Quan Công và nhất là khi nghe những việc Quan Công đã trải qua, Trương Phi đã rỏ nước mắt khóc, sụp xuống lạy Vân Trường.

Những chi tiết này đã làm hoàn chỉnh tính cách nóng nảy cương trực của nhân vật Trương Phi. Quan Công là người “tuyệt nghĩa”, khi ở với Tào Tháo, Quan Công vẫn một lòng, một dạ với Lưu Bị. Khi ở trong dinh Tào, Tào Tháo đã dùng đủ mọi cách để mua chuộc, nhưng vẫn không được, lòng Quan Công vẫn hướng về Lưu Bị, nghĩ đến mối tình ba anh em kết nghĩa Lưu – Quan – Trương. Quan Công đã qua năm cửa ải, chém sáu tướng của Tào để trở về với Lưu Bị. Quan công trước sau “hàng Hán chứ không hàng Tào”

Trong đoạn trích này, để minh oan cho mình, xua tan nghi ngờ, sự hiểu lầm của Trương Phi, Quan Công đã nhận ngay điều kiện mà Trương Phi đưa ra: phải lấy đầu Sái Dương trong ba hồi trống. Không đợi đến hồi thứ ba, chỉ mới xong hồi trống thứ nhất, đầu Sái Dương đã lăn lông lốc dưới đất. Sở dĩ Quan Công hành động kì tài như vậy là vì ông muốn tỏ rõ ngay tấm lòng trung thực của ông, giải quyết ngay sự hiểu lầm của Trương Phi.

Tam quốc diễn nghĩa là một kiệt tác trong nền văn học cổ điển Trung Quốc. Tam quốc đã kể lại quá trình hình thành, phát triển và diệt vong của ba tập đoàn phong kiến cát cứ phân tranh thời Tam quốc là Ngụy – Thục – Ngô trong thời gian 97 năm từ năm 184, năm nổ ra các cuộc khởi nghĩa nông dân Khăn Vàng (Hoàng Cân), đầu mối dẫn tới cục diện tranh hùng cát cứ, đến năm 280, họ Tư Mã thống nhất Trung Quốc và lập nên triều đại nhà Tần. Qua đó, La Quán Trung đã lên án chiến tranh, lên án những kẻ gian xảo, bất nhân như Tào Tháo, ca ngợi những con người nhân đức như Lưu Bị, tài trí như Khổng Minh, dùng khí như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân v.v… thể hiện ước mơ của nhân dân muốn có được vua hiền, tướng giỏi.

Đoạn trích “Hồi trống cổ Thành” đã khắc hoạ đầy ấn tượng tính cách nóng nảy, nhưng ngay thẳng, cương trực và biết phục thiện của Trương Phi, đồng thời cũng khắc họa đậm nét tấm lòng trọng nghĩa của Quan Công.

Bài làm mẫu 2

Trong dòng lịch sử Trung Quốc có bốn tác phẩm lớn đã làm nên tứ đại danh tác của dòng văn học Trung Hoa bao gồm Tây Du kí, Hồng Lâu Mộng, Thủy Hử và Tam Quốc Diễn Nghĩa. Trong số đó, Tam Quốc Diễn Nghĩa là tác phẩm có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến văn hóa và quân sự của Việt Nam ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới.

Tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa ra đời vào đầu thời Minh, ra đời trong âm hưởng của cuộc chiến đấu chống lại sự thống trị xưng bá của Mông Nguyên để khôi phục nhà Hán. Tác phẩm được sáng tác dựa một phần vào lịch sử và những truyện kịch dân gian.

Tam Quốc Diễn Nghĩa là một tiểu thuyết chương hồi bao gồm một trăm hai mươi hồi, kể lại quá trình hình thành, phát triển cũng như diệt vong của ba triều đại phong kiến Trung Hoa là Ngụy, Thục, Ngô đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân.

Cuốn tiểu thuyết của tác giả La Quán Trung về tư tưởng đã vạch trần được bản chất tàn bạo, xấu xa, giả dối của giai cấp thống trị xã hội, phơi bày cục diện chính trị của Trung Hoa thời kỳ “cát cứ phân tranh” khi mà chiến tranh liên miên, người dân loạn lạc. Nó còn phơi bày cuộc sống đầy bất trắc, bi thảm, loạn li của người dân trong xã hội đó đồng thời thể hiện ước mơ về một đất nước yên bình, thịnh trị với vua hiền, tướng giỏi của nhân dân. Đó là khát vọng hòa bình, thống nhất, một nền hòa bình nhân đạo mà tác giả La Quán Trung cũng như muôn dân muốn gửi gắm.

Về phần nghệ thuật, Tam Quốc Diễn Nghĩa mang giá trị không chỉ về lịch sử mà còn về mảng quân sự. Cùng với đó là nghệ thuật kể chuyện vô cùng hấp dẫn, lôi cuốn của tác giả khiến người đọc say mê từ chương này qua hồi khác, đặc biệt phải kể tới phần miêu tả các trận đánh cực kì sinh động. Cuốn tiểu thuyết với lượng nhân vật đồ sộ và mỗi nhân vật chính đều có nét cá tính riêng biệt, sinh động. Tác giả cũng đặt ra những mâu thuẫn gay gắt trong từng chương hồi, dùng chính mâu thuẫn để giải quyết từng mâu thuẫn.

Đoạn trích Hồi trống Cổ thành là nửa sau hồi thứ hai mươi tám của tác phẩm khi mà Quan Công đưa hai người chị dâu của mình sang Nhữ Nam, đến Cổ thành thì gặp Trương Phi. Việc Quan Công hàng Tào Tháo để bảo vệ hai người chị đã bị người em hiểu nhầm là sự bội nghĩa, một hai đòi giết chết Quan Công mà không chịu nghe ai khuyên can. Để chứng minh lòng trung trong sạch của mình, Quan Công đã ngỏ ý chém đầu Sái Dương (tên tướng của Tào Tháo) trong ba hồi trống của Trương Phi. Chưa dứt hồi đầu, đầu Sái Dương đã rơi xuống đất. Đến lúc đó, Trương Phi mới cởi bỏ được mối nghi ngờ với Quan Công, nghe kể lại sự việc, nhỏ nước mắt mà thụp lạy Quan Công.

Hồi trống Cổ thành là linh hồn của hồi thứ hai mươi tám, là hồi trống của sự đoàn tụ, minh oan, của sự trung thành. Nó còn biểu dương sự trung thành trung nghĩa của hai người anh hùng Quan Công và Trương Phi.

Đoạn trích mở ra bằng cảnh gặp gỡ của hai anh em Quan Công và Trương Phi. Muốn đến được Nhữ Nam đoàn tụ với Lưu Bị, Quan Công buộc phải đưa hai người chị của mình qua Cổ thành, đến đây thì bất chợt nghe tin Trương Phi đang có mặt tại đây. Vui mừng khôn xiết, Quan Công cho mời Trương Phi ra trước cổng thành. Thế nhưng, nhận lại chỉ là sự đối mặt giữa hai người và một ngàn binh lính phía sau Trương Phi. Nguyên cớ bởi vì Trương Phi cho rằng Quan Công đã hàng Tào Tháo mà phản bội ơn nghĩa vườn đào của ba anh em. Là một người có tính cách nóng nảy, bộc trực, thẳng tính, dứt khoát và cương trực, Trương Phi vừa hay tin đã nổi giận đùng đùng. Trái lại Quan Công lại là một người biết từ tốn, khoan dung và cẩn trọng, tuy thế cả hai đều là những người anh hùng trung nghĩa.

Tham khảo thêm:  

Ở đây, tác giả đã xây dựng lên cuộc đối mặt vô cùng kịch tính với hai nhân vật có nét tính cách trái ngược hoàn toàn nhau. Nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật ở đây vô cùng xuất sắc, qua đó mà La Quán Trung đã bộc lộ được cá tính cũng như làm rõ thêm những mâu thuẫn trong câu chuyện.

Đầu tiên phải kể tới là nhân vật Trương Phi. Ấn tượng đầu tiên đến với người đọc là một Trương Phi cực kì nóng nảy, uất hận, dứt khoát. Khi nghe tin người anh của mình đã hàng Tào, một hai đòi giết chết cho hả giận. Thế nhưng cũng là Trương Phi ấy khi nghe được đầu đuôi câu chuyện đã nhỏ lệ mà thụp xuống lạy Quan Công, một con người vô cùng giàu tình cảm.

La Quán Trung không đưa ra những lời nhận xét trực tiếp về từng con người trong câu chuyện mà ông lại dùng những cử chỉ, những nét tính cách riêng biệt, những hành động và đặt vào trong mối quan hệ với nhân vật khác để nhân vật chính tự bộc lộ nét tính cách của mình. Với Trương Phi, ông để nhân vật đưa ra hành động vô cùng quyết liệt “Trương Phi mắt tròn xoe, râu vểnh ngược, hò thét như sấm. múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công”, cùng với đó là những lời nói vô cùng tức giận: “hầm hầm quát;” Mày đã bội nghĩa còn mặt nào đến gặp tao nữa?”. Hành động và ngôn từ của Trương Phi hết sức bộc trực, nóng nảy, biểu lộ cho một cá tính cực kì nóng nảy, dứt khoát và cương trực của bậc đại trượng phu.

Trong mối quan hệ với các nhân vật khác, mặc dù được Tôn Càn cùng hai người chị dâu ra sức thanh minh cho Quan Công, nhưng Trương Phi không hề thay đổi ý định của mình. Qua đó có thể thấy, hành động đối đầu của Trương Phi khi gặp Quan Công ở Cổ thành là một hành động đã được suy nghĩ cẩn trọng, không phải là hành động bộc phát trong lúc nóng giận. Bởi xưa nay, lời thề trung nghĩa của những bậc trượng phu vô cùng thiêng liêng, nếu vi phạm thì chỉ có cái chết mới có thể bù đắp nổi.

La Quán Trung đã đặt Trương Phi vào một tình huống vô cùng kịch tính nhằm bộc lộ tính cách của nhân vật, đồng thời sử dụng phương pháp miêu tả trái ngược, một Trương Phi tuy nóng nảy, bộc trực nhưng lại cực kì trọng tình cảm, tình nghĩa huynh đệ.

Đối mặt với Trương Phi là Quan Công, tác giả đã đặt nhân vật này vào trong một tình huống hết sức kịch tính khi bị nghi ngờ trở thành kẻ phản bội anh em của mình. Cũng như Trương Phi, Quan Công được tác giả miêu tả thông qua những hành động, cử chỉ của mình. Với bút pháp miêu tả cổ điển, tác giả đã dựng lên điển hình của người trượng phu trượng nghĩa.

Đoạn trích Hồi trống Cổ thành được xây dựng với một kết cấu hoàn chỉnh, có mở đầu, phát triển sự việc, với nút thắt được hình thành và mở nút một cách triệt để. Nếu như mở đầu là hình ảnh Quan Công đến Cổ thành và gọi Trương Phi ra đón thì cách triển khai câu chuyện là khi mâu thuẫn nảy sinh giữa hai anh em. Những xung đột kịch tính diễn ra giữa Quan Công và Trương Phi được mở ra với nguyên do Trương Phi vô cùng tức giận với Quan Công vì cho rằng Quan Công đã bội nghĩa, phản bội huynh đệ đi theo kẻ thù, bất trung bất nghĩa. Thế nhưng Trương Phi đâu biết rằng mọi nước đi của Quan Công đều vì bảo hộ hai người chị dâu yếu đuối nên mới trái lời thề, với khí phách anh hùng của mình.

Xung đột được phát triển liên tục một cách hết sức logic. Trước khi gặp mặt, nếu như Trương Phi vừa nghe tin Quan Công tới đã không nói năng gì mà chỉ “mặc áo giáp, vác mau lên ngựa, dẫn quân ra cửa bắc”, “mặt trợn tròn, râu hùm vểnh ngược, hò hét, múa mâu đòi đâm Quan Công”, một tâm trạng hết sức kích động, cực kì giận dữ tới sục sôi thì Quan Công lại hoàn toàn trái ngược.

Không hề biết rằng người em kết nghĩa đang vô cùng giận dữ với mình, Quan Công khi gặp mặt Trương Phi thì vô cùng mừng rỡ, “giao long đao cho Chiêu Thương cầm, tế ngựa lại đón”. Đến khi thấy người em cầm mâu đâm thẳng về phía mình, Quan Công mới giật mình vừa tránh mũi mâu vừa nhắc hỏi em rằng tại sao làm vậy “hiền đệ cớ làm sao, há quên nghĩa vườn đào ru?”. Thái độ của Quan Công vừa hết sức điềm tĩnh, lại hết sức mềm mỏng, nhượng bộ. Trong khi Trương Phi tức giận xưng hô mày – tao, mắng anh rằng “mày đã bội nghĩa còn mặt nào đến gặp tao?”, khẳng định hai người chị dâu bị lừa, Trương Phi cho rằng đã là người trung nghĩa thì phải trung thành, “thà chết chứ không chịu nhục”. Trương Phi – một con người chính trực có cái nhìn rất rõ ràng về chữ trung, chính vì vậy khi Tôn Càn cất lời bênh vực Quan Công thì Trương Phi đã mắng rằng “mày cũng nói láo, nó đâu có bụng tốt, nó đến đây dễ bắt ta đó”. Bộc lộ cho người ta thấy một vị tướng quân vô cùng dũng mãnh nhưng cũng vô cùng nóng nảy, cương trực, có phần thô lỗ nữa. Trái lại, Quan Công lại vô cùng điềm tĩnh, nói với Trương Phi bằng những lời lẽ vô cùng nhẹ nhàng, thái độ khuyên bảo, nói câu nào cũng xưng là hiền đệ, hơn thế, Quan Công còn cầu cứu hai người chị dâu, dùng lời của hai người chị mà thanh minh với người em của mình “hiền đệ nói vậy thì oan uổng cho ta quá”, “nếu ta đến bắt em tất phải mang theo quân mã chứ?”. Từng lời nói vô cùng nhẫn nại giải thích, dù rằng Quan Công đang trong tình thế vô cùng ngặt nghèo nhưng vẫn luôn điềm tĩnh, khoan dung mà giải quyết vấn đề.

Thế nhưng, mối mâu thuẫn giữa hai anh em còn chưa sáng tỏ thì nút thắt của câu chuyện lại được tác giả buộc chặt hơn nữa bằng sự kiện Sái Dương đem theo quân mã đến Cổ thành. Chính sự việc này tuy ngẫu nhiên mà lại vô cùng hợp lý đã đẩy mâu thuẫn, mối nghi ngờ của Trương Phi với Quan Công lên tột đỉnh gay gắt, buộc phải giải quyết vấn đề bằng hành động.

Chính trong lúc này, Quan Công đã mở lời với người em kết nghĩa vườn đào rằng “hiền đệ hãy khoan, xem ta chém tên tướng ấy, để tỏ lòng thực của ta”. Một lời nói thốt ra vừa tỏ lòng trung nghĩa, vừa giãi bày nỗi oan khiên của mình. Thế nhưng, Trương Phi lại không dễ dàng để Quan Công thực hiện nhiệm vụ của mình, Trương Phi đã thẳng thắn bắt Quan Công phải chém đầu Sái Dương chỉ trong vòng ba hồi trống. Không những vậy, Trương Phi còn thẳng tay đánh trống, không chút chần chừ, bởi lẽ hắn đã quyết tìm ra sự thật và lẽ phải, cái mong muốn ấy thôi thúc hắn muốn biết được sớm nhất. Giờ đây, nhiệm vụ này không còn là một nhiệm vụ bình thường nữa mà trở nên vô cùng khó khăn, đầy nguy hiểm. Vậy nhưng, Quan Công để chứng minh cho lòng thành của mình đã không ngần ngại nhận lời, và quả đúng là người anh hùng dũng mãnh, hồi trống đầu tiên còn chưa dứt, đầu Sái Dương đã rơi. Quan Vũ quả không hổ danh là một bậc tướng quân đầy oai phong, tài giỏi.

Thử thách qua đi, Trương Phi mới phần nào bình tâm lại, suy nghĩ mọi vấn đề của câu chuyện, hỏi kĩ tên lính cùng hai người chị dâu của mình, lúc bấy giờ, hắn mới thực tin Quan Vũ, “rỏ nước mắt khóc, thụp lạy Vân Trường”. Có thể nói, Trương Phi là một người tướng dũng mãnh, nóng nảy, nhưng lại cương trực, hắn biết nhận ra sai lầm, biết sửa sai và phục thiện. Còn Quan Vũ đã chứng tỏ mình là một bậc đại trượng phu không chỉ có tài năng hơn người mà khí phách cũng vô cùng bất khuất.

Hồi trống Cổ thành kết thúc nhưng dư âm trong lòng người đọc chúng ta còn lại vô cùng mạnh mẽ. Hồi trống vang lên trong lòng Cổ thành như tiếng trống của sự thử thách tấm lòng trung kiên, sự minh oan và sự đoàn tụ. Đặt tên là Hồi trống Cổ thành vừa gợi lên không khí trận mạc, gợi lên mâu thuẫn giữa hai người anh em Trương Phi và Quan Công, giữa Quan Công và Sái Dương, đó là những mâu thuẫn vừa gay gắt, vừa là điểm chính, là nút thắt đẩy câu chuyện lên cao trào. Hồi trống ấy gióng lên với điều kiện của Trương Phi, vừa là quan tòa phán xét Quan Vũ, buộc Quan Vũ phải chém đầu Sái Dương trong thời gian nhanh nhất, nó cũng thúc đẩy khát vọng minh oan của Quan Vũ và khiến hắn có thêm sức mạnh để tỏ bày tấm lòng của mình. Cuối cùng, hồi trống đó là không khí hào hùng của chiến trận, thúc giục tinh thần, sĩ khí chiến đấu, vừa ngợi ca khí phách của những người anh hùng, ca ngợi sự chiến thắng, niềm tin vào họ.

Về phần nghệ thuật, La Quán Trung đã vô cùng xuất sắc khi xây dựng lên những hình tượng nhân vật điển hình, mang tính biểu tượng vô cùng lớn. Ông cũng không trực tiếp bộc lộ tính cách nhân vật mà xây dựng nó qua cử chỉ, lời nói, hành động của từng người. Nghệ thuật kể chuyện theo tiểu thuyết chương hồi được tác giả sử dụng triệt để, xây dựng tình huống truyện với những xung đột kịch tính, tạo nên sức hấp dẫn vô cùng lớn cho người đọc.

Đoạn trích Hồi trống Cổ thành đem lại cho người đọc chúng ta thật nhiều cảm xúc. Không chỉ là sự hồi hộp chờ đợi sự minh oan của Quan Công, những hành động của Trương Phi mà còn cho chúng ta những âm hưởng của tình nghĩa huynh đệ gắn kết. Tam Quốc Diễn Nghĩa nói chung và đoạn trích Hồi trống Cổ thành nói riêng quả thực là tác phẩm vô cùng xuất sắc, xứng đáng là một trong tứ đại danh tác nổi tiếng nhất của Trung Hoa.

Bài làm mẫu 3

Có thể nói tiểu thuyết chương hồi là thể loại đạt được nhiều thành tựu nổi bật nhất trong kho tàng văn học thời Minh – Thanh ở Trung Quốc. Một trong những tác phẩm nổi tiếng thời kì này phải kể đến “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung. Ông là tác giả đã có những đóng góp xuất sắc cho thể loại tiểu thuyết lịch sử thời Minh – Thanh và “Tam quốc diễn nghĩa” có ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam và các nước trên thế giới.

Đây là tác phẩm lớn gồm 120 hồi được ra đời vào đầu thời nhà Minh (1368 – 1644) kể chuyện “cát cứ phân tranh” của ba tập đoàn phong kiến Ngụy – Thục – Ngô với các cuộc chiến tranh diễn ra liên miên, đời sống nhân dân khổ cực trong gần 100 năm của nước Trung Quốc thời cổ. Đoạn trích “Hồi trống Cổ Thành” thuộc hồi 28 của tác phẩm. Nội dung của đoạn trích kể về việc Quan Công đưa hai chị đến Cổ Thành thì biết Trương Phi đang chiếm thành, tạm lấy chốn nương thân liền sai Tôn Càn vào thành báo tin để Trương Phi ra đón hai chị. Gặp lại Trương Phi, Quan Công “mừng rỡ vô cùng” còn Trương Phi do hiểu nhầm Quan Công “hàng Tào Tháo” nên “múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công”. Đang trong lúc phân trần sự thật thì quân Tào kéo đến, Quan Công đã lấy đầu của Sái Dương – tên tướng cầm đầu quân Tào. Sau này, Trương Phi mới tin Quan Công và “mời hai chị vào thành”.

Đoạn trích này đã khắc họa thành công hai nhân vật Trương Phi và Quan Công với những đặc điểm tính cách nổi bật. Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi là anh em kết nghĩa nơi vườn đào, có lời thề sống chết bên nhau. Họ cùng có chí khôi phục lại nhà Hán, mang lại thái bình cho đất nước và sự ấm no cho nhân dân. Kẻ nào phản bội lại nghĩa tình anh em thì đó là kẻ bất trung, bất nghĩa. Trước đó, họ nương náu dưới trướng Tào Tháo nhưng khi hiểu được bản chất gian hùng của Tào Tháo nên họ đã bỏ đi. Vì phải “hộ tống hai chị dâu nên Quan Công tạm hàng Tào Tháo với điều kiện hàng Hán chứ không hàng Tào”. Tào Tháo tìm mọi cách thu phục Quan Công nhưng khi biết tin Lưu Bị đang ở bên Viên Thiệu thì Phi trả hết con dấu, châu báu, lên đường tìm anh. Đến Cổ Thành thì Quan Công gặp Trương Phi và bị Trương Phi hiểu nhầm.

Với tính tình nóng nảy, cương trực, Trương Phi “mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công”. Trương Phi “hầm hầm quát” người anh em kết nghĩa vườn đào với mình năm xưa: “Mày đã bội nghĩa, còn mặt nào đến gặp tao nữa?” và quyết liều sống chết với Quan Công.Trương Phi không nghe bất cứ một lời giải thích nào từ Quan Công, Cam phu nhân, Mi phu nhân và Tôn Càn. Trương Phi không xưng hô lễ nghi như “nhị ca” -“tiểu đệ” mà xưng “tao” – “mày”, gọi Quan Công là “nó”, là “thằng phụ nghĩa”. Điều ấy chứng tỏ Trương Phi là con người thẳng thắn, không thể dung tha cho kẻ đã phản bội anh em, làm những điều phi nghĩa. Nhân vật này còn quả quyết khẳng định: “Hai chị bị lừa dối đấy. Trung thần thà chịu chết chứ không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ?” Đó là câu nói thể hiện lí lẽ, quan điểm và sự dứt khoát của Trương Phi. Bậc bề tôi quyết trung thành với vua, thà chịu chết chứ không chịu đầu hàng kẻ thù.

Tham khảo thêm:  

Mâu thuẫn giữa hai nhân vật được La Quán Trung đẩy lên cao trào khi Trương Phi trông thấy quân Tào kéo đến do Sái Dương dẫn đầu, “vác đao tế ngựa xông đến”. Vốn đã nghi ngờ Quan Công ngay từ đầu nên khi trông thấy cảnh tượng “bụi bay mù trời, một toán quân mã kéo đến, cờ hiệu phấp phới chính là cờ Tào” như đến để bắt mình nên Trương Phi lại càng nổi giận và “múa bát xà mâu hăm hở xông lại đâm Quan Công”. Khi Quan Công tỏ lòng thực của mình bằng cách chém tên tướng Sái Dương thì Trương Phi cũng kiên quyết ra điều kiện: “Nếu mày quả có lòng thực, ta đánh ba hồi trống, mày phải chém được tên tướng ấy”. Đây là cơ hội để Quan Công chứng minh được sự trong sạch và tấm lòng ngay thẳng, trung nghĩa của mình.

Chưa dứt một hồi trống, “đầu Sái Dương đã lăn dưới đất”, “quân Tào chạy tan tác” nhưng kết quả ấy cũng chưa thuyết phục được lòng tin của Trương Phi. Chỉ khi nghe một tên lính kể chuyện Sái Dương nghe tin Quan Công giết cháu ngoại mình bèn “nổi giận đùng đùng” muốn sang Hà Bắc đánh Quan Công nhưng Tào Tháo không cho đi, “nhân sai Nhữ Nam đánh Lưu Tích” không ngờ đi đến Cổ Thành gặp Quan Công thì lúc đó Trương Phi mới “tin anh là thực” và “mời hai chị vào thành”. Hai người chị kể cho Trương Phi nghe những việc mà Quan Công trải qua khiến Trương Phi “rỏ nước mắt khóc, thụp lạy Vân Trường”. Trương Phi tuy tính tình nóng nảy nhưng khi hiểu hết câu chuyện và hoàn cảnh của người anh kết nghĩa thì đã tin tưởng và phục thiện. Đó là một trong những vẻ đẹp nhân cách của nhân vật này.

Bên cạnh đó, tác giả La Quán Trung cũng khắc họa nhân vật Quan Công với tính cách khiêm nhường, trung nghĩa, thủy chung với tình anh em kết nghĩa vườn đào. Khi gặp được Trương Phi, Quan Công “mừng rỡ vô cùng, giao long đao cho Châu Thương cầm, tế ngựa lại đón”. Ngay cả khi bị Trương Phi gọi là “mày”, “thằng”,”nó” nhưng Quan Công vẫn giữ cách xử sự đúng mực, độ lượng khi gọi Trương Phi là “em” và “hiền đệ”. Quan Công hết sức bình tĩnh khi “tránh mũi mâu”, nhờ hai chị làm nhân chứng cho sự trung thành của mình. Không những thế, Quan Công rất coi trọng tình nghĩa anh em đã có và muốn chứng minh điều ấy qua hành động chém Sái Dương “để tỏ lòng thực”. Trước sự nghi ngờ của Trương Phi lớn như vậy nhưng Quan Công vẫn giữ được bình tĩnh và sự từ tốn của bản thân để minh oan.

Hồi trống có ý nghĩa thâu tóm toàn bộ linh hồn, mang lại không khí chiến trận cho đoạn trích. Đó là hồi trống thách thức, minh oan, đoàn tụ của ba anh em của Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi. Đoạn trích đã thể hiện được tính cương trực của Trương Phi và lòng trung nghĩa của Quan Công. Kết cấu của “Hồi trống Cổ Thành” như một vở kịch hoàn chỉnh và mang những đặc điểm nghệ thuật tiêu biểu của tiểu thuyết chương hồi. Tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa” không chỉ phơi bày cục diện chính trị Trung Hoa lúc bấy giờ mà còn để lại những bài học về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín của Nho giáo, các cách ứng xử của bậc quân tử. Đây cũng là nguyên nhân khiến tác phẩm luôn có sức hấp dẫn đối với các thế hệ bạn đọc.

Phân tích đoạn trích Hồi trống Cổ thành (2 Mẫu)

Bài làm mẫu 1

Hồi trống Cổ Thành là tên do người biên soạn đặt cho đoạn trích ngắn ở giữa hồi 28, có hai câu thơ làm tiêu đề:

Chém Sái Dương anh em hòa giải,
Hồi Cổ Thành tôi chúa đoàn viên.

Chữ “hồi” trong câu thơ này có nghĩa là trở về, chứ không phải là hồi trống như trông tên đoạn trích.Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung có nhiều nhân vật, nhưng sinh động nhất, gây ấn tượng sâu sắc nhất cho người đọc là Tào Tháo, Khổng Minh, Quan Công và Trương Phi.

Lúc mới dựng nghiệp, nhà Thục còn yếu, trong khi quân Tào rất mạnh, vì thế nên quân Thục thua liên tiếp. Lưu Bị cùng Đổng Thừa, Vương Tử Phục, Quan Công, Trương Phi bàn mưu kế chống lại Tào Tháo. Bị bại lộ, Tào Tháo giết bọn Đổng Thừa rồi kéo hai mươi vạn quân đánh Lưu Bị. Ba anh em Lưu, Quan, Trương thua trận, mỗi người chạy một ngả. Lưu Bị chạy sang Nhữ Nam ở nhờ Viên Thiệu, Quan Công bị khốn ở Thổ Sơn, Trương Phi tá túc ở Cổ Thành. Trong lúc hoạn nạn, Quan Công theo lời Trương Liêu đưa hai người vợ của Lưu Bị là Cam phu nhân và Mi phu nhân sang ở nhờ Tào Tháo. Tạm hàng Tào Tháo nhưng Quan Công ra điều kiện rằng nếu biết Lưu Bị ở đâu thì sẽ đi tìm ngay.

Biết tin Lưu Bị đang ở trên đất Viên Thiệu, Quan Công đưa hai chị dâu đi tìm. Tào Tháo vì muốn lưu giữ Quan Công để dùng nên không cấp giấy qua ải, nhưng cũng không sai tướng đuổi bắt. Các tướng của Tào Tháo không cho Quan Công qua ải nên ông phải mở đường máu mà đi: Quan Công đã phải chém sáu tướng Tào để vượt qua năm cửa ải: Qua ải Đông Lĩnh chém Khổng Tú. Đến ải Lạc Dương chém Hán Phúc và Mạnh Thần. Qua Nghi Thủy giết Biện Hỷ. Vượt ải Huỳnh Dương chém Vương Thực. Đến bờ Hoàng Hà giết Tần Kỳ.

Đoạn trích kể về cuộc “đụng độ” đặc biệt giữa hai anh em kết nghĩa là Quan Công và Trương Phi ở cổ Thành.

Trên đường sang Nhữ Nam tìm Lưu Bị, đến cổ Thành, Quan Công hỏi thăm được biết Trương Phi đang ở đấy nên xiết bao vui mừng. Trương Phi vốn nghi ngờ Quan Công ăn ở hai lòng đã lầm tưởng là Quan Công lừa mình để bắt nộp cho Tào Tháo nên giận dữ không thèm tiếp, đã thế còn sỉ mắng và dọa đánh. Ngẫu nhiên, lúc đó tướng Tào là Sái Dương dẫn quân ầm ầm kéo đến khiến Trương Phi càng khẳng định thêm nghi ngờ của mình là đúng. Thanh minh không được, Quan Công hứa sẽ chém đầu tướng Tào để tỏ lòng thành. Trương Phi ra điều kiện sau ba hồi trống, Quan Công phải chém rơi đầu tướng Tào thì mới tin. Nhưng Trương Phi vừa đánh dứt một hồi trống thì đầu Sái Dương đã rơi xuống đất. Trương Phi tạm nguôi giận nhưng chỉ sau khi nghe tên lính hầu của Sái Dương bị Quan Công bắt kể đầu đuôi mọi chuyện thì chàng mới tin, rỏ nước mắt khóc, thụp lạy Vân Trường. Quan Công vào được Cổ Thành, “cửa ải thứ sáu” và cũng là cửa ải thử thách ghê gớm nhất đối với lòng trung nghĩa.

Đoạn trích Hồi trống cổ Thành rất giàu kịch tính, đậm không khí chiến trận và khí phách anh hùng. Lối kể chuyện của tác giả giản dị, không tô vẽ, không bình phẩm. Linh hồn đoạn trích kết tụ trong hồi trống của Trương Phi. Đó là hồi trống ra quân, cũng là hồi trống thu quân, hồi trống thách thức, giải oan và đoàn tụ. Chủ đề đoạn trích toát lên hai ý: Tính cách nóng nảy nhưng tuyệt vời trung nghĩa của Trương Phi và ý nghĩa sâu xa của hồi trống Cổ Thành.

Trương Phi là con người thẳng như làn tên bắn, sáng như tấm gương soi. Ông không chấp nhận sự quanh co, lắt léo. Đối với Trương Phi, đen trắng phải rõ ràng; với kẻ thù thì chỉ có thể nói chuyện bằng gươm giáo. Tính cách Trương Phi vốn dĩ là nóng nảy, bộc trực và đơn giản, song để xác định Quan Công trung thành hay phản bội, Trương Phi lại không đơn giản chút nào. Khi nghe tin Quan Công đến, Trương Phi giận dữ mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đầm Quan Công.

Câu hỏi của Quan Công: Hiền đệ cớ sao như thế, há quên nghĩa vườn đào ư? làm cho Trương Phi bừng bừng nổi giận. Ý của Quan Công là muốn nhắc lại việc ba anh em kết nghĩa vườn đào để uốn nắn thái độ quá khích của Trương Phi, không ngờ lại như đổ thêm dầu vào lửa, càng làm cho Trương Phi thêm phẫn nộ. Theo Trương Phi, Quan Công ở chung với Tào Tháo một thời gian, nhận tước vị Tào Tháo phong cho đã là phản bội; đã phản bội mà còn dám động đến chuyện kết nghĩa vườn đào thì lại càng đáng căm thù và phỉ nhổ. Quan Công phản bội thì phải xử đúng như lời thề trước đây: Nếu ai bội nghĩa quên ơn thì trời, người cũng giết. Những lời thanh minh cho Quan Công của hai chị dâu và Tôn Càn không làm dịu bớt cơn thịnh nộ của Trường Phi.

– Khoan đã chú Ba, khoan đã! Chớ hấp tấp mà làm càn bây giờ. Chú Hai không biết tin tức mọi người nên phải tạm nương mình bên Tào. Nay đã biết anh nhà ở Nhữ Nam, không ngại hiểm trở, đưa bọn ta đến đây. Chú không được nghĩ lầm như thế!

Mi phu nhân cũng nói: – Chú Hai trước ở Hứa Đô, thực là bất đắc dĩ.

Phi nói: – Hai chị bị lừa dối đấy. Trung thần thà chịu chết không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ?

Quan Công nói: – Hiền đệ đừng nói như vậy, oan uổng quá.

Tôn Càn cũng nói: – Vân Trường đến đây là cốt để tìm tướng quân.

Trương Phi mắng: – Mày cũng nói láo, nó đâu có bụng tốt, nó lại đây tất là để bắt ta đó!

Tôn Càn bênh vực Quan Công không được mà Cam phu nhân, Mi phu nhân thanh minh hộ cũng vô hiệu. Với Trương Phi, dẫu có “trăm nghe” cũng không bằng “một thấy”. Trước vấn đề trọng đại, Trương Phi đã hết sức cẩn trọng. Quan Công thanh minh: Nếu ta đến bắt em, tất phải đem theo quân mã chứ! Trương Phi trỏ tay đằng xa, nói: Không phải quân mã là gì kia? Sự hiểu lầm đã lên tới điểm đỉnh vì một chi tiết ngẫu nhiên : Lúc ấy, tình cờ tướng Tào là Sái Dương dẫn quân truy đuổi Quan Công đang tới gần. Để xoá bỏ mối nghi ngờ của Trương Phi, Quan Công chỉ có cách là chém đầu Sái Dương. Trương Phi ra điều kiện bất khả kháng là sau ba hồi trống, Quan Công phải chém rơi đầu tướng của Tào Tháo. Dứt lời, Trương Phi lập tức đánh trống. Bao nhiêu uất ức, căm giận của Trương Phi như dồn cả vào cánh tay thúc trống. Chỉ sau một hồi, đầu Sái Dương đã lăn dưới đất.

Tưởng thế là mọi việc đã rõ và câu chuyện nhanh chóng đi đến kết thúc, song thực tế lại diễn ra không đơn giản. Mãi đến khi nghe một tên lính bị bắt kể về lí do Sái Dương đến cổ Thành là để truy đuổi và trị tội Quan Công vì đã giết cháu ngoại hắn ; rồi Trương Phi còn hỏi kĩ việc ở Hứa Đô, bấy giờ Phi mới tin anh là thực. Tác giả vẫn chưa để Trương Phi vội biểu lộ rõ thái độ ngay lúc ấy mà cho tới lúc đã vào cổ Thành, nghe hai chị dâu kể lại những việc Quan Công đã trải qua thì Trương Phi nghe hết chuyện, “rỏ nước mắt khóc, thụp lạy Vân Trường”.

Thô lỗ và tinh tế là hai nét tính cách đối lập song ở trong đoạn trích này, chúng lại xuất hiện trong cùng một nhân vật Trương Phi. Trong cuộc đời, Trương Phi đã từng dùng mưu mẹo tinh vi để bắt sống Lưu Đại, tướng giỏi của Tào Tháo và bắt sống Nghiêm Nhan ở đất Ba Thục mà không hề làm hao tổn một binh sĩ! Thô trung hữu tế (trong cái thô có cái tinh tế) là biện chứng của cuộc sống. Thô lỗ và tinh tế ở đây đều là biểu hiện lòng trung thành tuyệt đối của Trương Phi. Với Trương Phi, trong tình huống ở cổ Thành, việc hạ thủ Quan Công có lẽ còn dễ hơn, đơn giản hơn là kiểm nghiệm lòng trung thành của Quan Công. Cái khéo léo của tác giả là đã tạo ra những tình huống để cho cả hai nét trái ngược trong tính cách Trương Phi cùng bộc lộ vừa tự nhiên, vừa sinh động, hấp dẫn.

Trong đoạn trích Hồi trống cổ Thành, Quan Công tỏ ra rất độ lượng và từ tốn, thể hiện qua các chi tiết nổi bật như: sự hốt hoảng trước cách xử sự của Trương Phi, thái độ nhún mình thanh minh trước người em nóng nảy, cầu cứu hai chị dâu, chấp nhận điều kiện khắc nghiệt để minh oan. Nỗi oan của Quan Công cũng là nỗi oan đặc biệt: làm công việc vì chủ tướng nhưng lại trái với khí phách của kẻ anh hùng, phải tự minh oan bằng tài nghệ và lòng dũng cảm, phi thường.

Tham khảo thêm:   Toán lớp 5: Luyện tập trang 137 Giải Toán lớp 5 trang 137

Để đến được Cổ Thành, Quan Công đã phải vượt qua bao thử thách (năm cửa ải). Những kẻ cản đường trong hành trình gay go này là quân địch. Còn tại Cổ Thành, kẻ cản đường lại là anh em kết nghĩa. Chí với chiến công xuất sắc Chém đầu Sái Dương trong nháy mắt, vấn đề trung thành hay phản bội của Quan Công đã được làm sáng tỏ.

Điều thú vị là tác giả đã đặt Quan Công trong quan hệ đối sánh với Trương Phi. Người đời khen Quan Công “tuyệt nghĩa”. Nhưng chữ “nghĩa” cũng có hai mặt: trung nghĩa và tín nghĩa. Trung nghĩa là lòng trung thành với vua, với lý tưởng phò nhà Hán. Về mặt này, Quan Công tỏ ra kiên định. Tín nghĩa là lòng tin trong quan hệ giữa bạn bè, anh em, Quan Công cũng rất coi trọng. Đoạn trích có hai nhân vật, nhưng Quan Công chỉ là nhân vật làm nền để tính cách của Trương Phi nổi bật.

Cái tên Hồi trống cổ Thành rất hay vì trước hết, nó gợi lên không khí chiến trận. Ở đây không chỉ có mâu thuẫn chủ yếu giữa Trương Phi và Quan Công mà còn là mâu thuẫn giữa Quan Công và Sái Dương. Tuy đó chỉ là mâu thuẫn thứ yếu song nó cũng không kém phần căng thẳng và điều đáng nói hơn là nó đã làm cho mâu thuẫn chủ yếu thêm quyết liệt.

Ba hồi trống là điều kiện, hơn thế, là vị quan tòa nghiêm khắc có quyền phán xét Quan Công trung thành hay phản bội. Điều kiện ba hồi trống Trương Phi đặt ra là vô cùng khắc nghiệt: Quan Công không những chém được đầu Sái Dương mà còn phải chém được trong thời gian ngắn nhất. Mặt khác, Sái Dương là tướng giỏi của Tào Tháo đã từng công khai biểu thị thái độ không phục Quan Công, giờ lại mang quyết tâm trả thù rất cao cho cháu, đó cũng là thách thức to lớn với Quan Công. Nhưng lúc này, khát vọng minh oan đã làm tăng sức mạnh và tài nghệ siêu quần của Quan Công, cho nên Quan Công đã làm được một việc ngoài sức tưởng tượng của Trương Phi là chém rơi đầu Sái Dương trong giây lát.

Bởi vậy, Hồi trống cổ Thành dù mang đậm không khí trận mạc song rất khác tiếng trống trận thông thường. Nó đã trở thành một biểu tượng cho lòng trung nghĩa, tinh thần dũng cảm và tinh thần công minh chính trực.

Có thể coi Cổ Thành là cửa ải thứ sáu nhưng đó là cửa ải tinh thần, cửa ải khảo nghiệm lòng trung nghĩa. Với tài nghệ của Quan Công, vượt qua năm cửa ải kia còn dễ hơn nhiều. Trong tình thế “tình ngay lý gian” rất khó biện bạch, giải quyết thông suốt mắc mớ trong tư tưởng, tình cảm của một người nóng nảy như Trương Phi quả là cực khó.

Bài làm mẫu 2

La Quán Trung là người đầu tiên đóng góp xuất sắc cho trường phái tiểu thuyết lịch sử thời Minh – Thanh ở Trung Quốc, ông chuyên sưu tầm và biên soạn dã sử như Tam quốc diễn nghĩa, Bình yêu truyện, Tấn Đường ngũ đại sử diễn nghĩa… trong đó tam quốc diễn nghĩa có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam, nó phơi bày cục diện chính trị Trung Hoa mà đường nét nổi bật là “cát cứ phân tranh”, cá lớn nuốt cá bé, chiến tranh liên miên, nhân dân đói khổ, điêu linh. Trong một thời kì như vậy , nhân dân mong muốn hòa bình, ổn định, thống nhất. Đoạn trích “Hồi trống cổ thành” thuộc hồi 28 nói lên việc tranh quyền của ba tập đoàn phong kiến quân phiệt: Ngụy – Thục –Ngô và ý nghĩa sâu xa của hồi trống cổ thành.

Hồi trống cổ thành có bố cục khá chặt chẽ gồm sáu phần gồm trình bày, mở mối, phát triển, đỉnh điểm, mở nút và kết thúc.

Mở đầu đoạn trích “từ đầu… bảo Trương Phi ra đón hai chị”. Quan Công vì phải hộ tống hai chị dâu nên tạm hàng Tào với điều kiện chỉ hàng Hán chứ không hàng Tào. Khi nghe tin Lưu Bị đang ở bên Viên Thiệu lập tức trả hết ấn tín, vàng bạc châu báu, lên ngựa đi tìm anh. Trên đường đi nghe ngóng được tin Trương Phi đang nắm giữ Cổ Thành, quân đội hùng mạnh, lương thực rồi rào, Quan Công được tin hay vui mừng khôn xiết, không ngờ anh em thất lạc nay lại tìm thấy nhau ở đây, sai người đi báo tin cho Trương Phi để anh em đoàn tụ và đón hai chị về.

Trương Phi là người nóng nảy, thẳng thắn như tên bắn, mạnh mẽ, nói chuyện với kẻ thù bằng gươm giáo, trắng đen phải rõ ràng, không chấp nhận sự quanh co, lắt léo phức tạp. Vì vậy mà sau khi Tôn Càn vào chào hỏi, chẳng nói chẳng rằng, lập tức mặc áo giáp vác vâu lên ngựa dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa Bắc. Hành động vô cùng giận dữ “mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công” vì Phi tưởng Quan Công phản bội, đầu hàng Tào Tháo cầu vinh. Lời nói hầm hầm “Mày đã bội nghĩa, còn mặt nào đến gặp tao nữa?” Phi rất tức giận và lòng hận thù dâng ngùn ngụt như lửa. Quan Công vui mừng vô cùng cứ tưởng đoàn tụ vui vẻ ai ngờ mọi chuyện lại như thế. Quan bình tĩnh hỏi lại Trương Phi, Phi càng bốc hỏa lên mà quát rằng “Mày bỏ anh em, hàng Tào Tháo, được phong hầu tứ tước, nay lại đến đây đánh lừa tao!” và quyết liều sống chết phải giết được Quan Công cho hả giận.

Quan Công không thể giải thích được, bèn nhờ hai chị dâu, nhưng Phi bỏ ngoài tai mọi lời can gián. Hai chị dâu kể lại việc Quan Công nương nhờ bên Tào là bất đắc dĩ, đã không ngại hiểm trở, đưa hai chị tới đây bình an, khuyên Phi không được nghĩ lầm như thế , Trương Phi phớt lờ và nêu ra đạo lí với hai chị “Hai chị bị lừa dối đấy”, bề tôi trung có chết cũng không chịu nhục, người đàn ông tài năng lại thờ hai chủ. Quan Công đau lòng thanh minh với đệ của mình, nhưng chỉ chút thêm dầu vào lửa. Tôn Càn thấy vậy cũng can ngăn Trương Phi, bị Trương Phi mắng mỏ : “mày cũng nói láo, nó đâu có bụng tốt, nó lại đây tất là để bắt ta đó.” Qua đó càng nổi bật lên con người nóng nảy nhưng rất cương trực, trung nghĩa và vô cùng cẩn thận cảnh giác. Quan Công bình tĩnh thuyết phục Trương Phi, nhưng Trương Phi phát hiện ra quân lính phía xa đã hăm hở xông lại đâm Quan Công. Lúc này Phi đang rất tức giận, không gì có thể ngăn cản được, Quan Công cảm nhận được sự tức giận của hiền đệ nên đã nói là chém đầu tên tướng giặc cho Trương Phi. Phi ra điều kiện là đánh xong ba hồi trống phải chặt được đầu giặc không thì mạng khó giữ, Trương Phi thẳng tay đánh trống. Trong con người Trương Phi toát ra sự thẳng thắn, quyết liệt, mạnh mẽ, dứt khoát, muốn biết rõ trắng đen như thế nào. Chưa hết một hồi trống thì đầu Sái Dương đã rơi dưới đất. Trương Phi lúc này chưa tin, bắt tên lính hỏi cho thật kỹ rồi mới tin vô cùng thận trọng và khôn ngoan. Vào thành nghe hai chị kể lại chuyện Quan Công, Trương Phi khóc, quỳ lạy anh mình mong anh mình bỏ qua mọi chuyện. Con người Trương Phi tuy nóng nảy, thô lỗ nhưng cương trực, trung nghĩa, thẳng thắn, đó là một phẩm chất tốt đẹp. Quan Công tuy là vai phụ nhưng đã hiện ra người hùng dũng, giàu nghĩa khí, tấm lòng son sắt. Nỗi oan của Quan Công là nỗi oan đặc biệt, ông làm vì chủ tướng nhưng công việc ấy trái với khí phách của kẻ anh hùng, phải tự minh oan bằng tài nghệ và sự dũng cảm của chính mình.

Phân tích bài Hồi trống Cổ thành

Bài làm mẫu 1

Tam quốc diễn nghĩa là một trong những câu chuyện kinh điển về tình nghĩa anh em, quân thần thời phong kiến Trung Hoa và Hồi trống Cổ Thành là một trong những trường đoạn khiến người đọc phải lặng suy ngẫm về tình nghĩa giữa Quan Vũ và Trương Phi.

Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi là ba anh em kết nghĩa nhưng tình sâu hơn bể. Sự khác nhau về tính cách không khiến ba con người này trở nên mâu thuẫn bởi cả ba cùng chung một lí tưởng, một tâm nguyện. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, ba anh em phải tạm li tán. Và chính sự ly tán đó dẫn đến sự nghi ngờ trong lòng Trương Phi ở đoạn trích Hồi trống Cổ Thành này.

Rời Tào doanh, đến Cổ Thành, biết tin Trương Phi đang trấn giữ ở đây, Quan Công mừng rỡ vô cùng. Trong khi đó Trương Phi chẳng nói chẳng rằng, lập tức mặc áo giáp, vác mâu lên ngựa, dẫn một nghìn quân đi tắt ra cửa bắc. Nhưng tưởng Trương Phi sẽ thi lễ, đón hai anh chị vào thành, vậy mà lại múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công. Thái độ của Trương Phi hoàn toàn đối lập với thái độ của Quan Công và gần như trái ngược với đạo lí làm em. Lẽ nào Trương Phi đã quên nghĩa vườn đào, quên là em mà hành xử với Quan Công như vậy. Nhưng Trương Phi có lý do để hành động như vậy. Nhân vật của La Quán Trung đứng trên hai lập trường (tình nghĩa anh em và nghĩa vua – tôi) để định tội Quan Công. Nhà văn tiếp tục dẫn mâu thuẫn đi xa hơn bằng cách để Trương Phi để xưng mày – tao với Quan Công, luận giải tội trạng của Quan Công “bỏ anh, hàng Tào (…) lừa tao” và kết tội Quan Công bội nghĩa. Quan Công thanh minh, hai phu nhân cũng nói đỡ hộ nhưng Trương Phi vẫn không tin lời anh. Hồi trống Cổ Thành.

Mâu thuẫn truyện được đẩy lên một bậc khi quân của Sái Dương mang cờ Tào đuổi kịp Quan Công. Trương Phi càng có cớ để nghi ngờ lòng dạ Quan Công. Đám quân mã do Sái Dương dẫn đầu khiến Trương Phi nghĩ rằng Vân Trường đưa đến để bắt về qui hàng cho Tào Tháo. Tình thế éo le buộc Vân Trường phải hành động để chứng thực lòng với em: “Hiền đệ hãy khoan, xem ta chém tên tướng ấy, để tỏ lòng thực của ta!”. Đến đây, La Quán Trung quyết định thắt nút truyện, đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm bằng tình tiết Hồi trống Cổ Thành.

Trước đề nghị của Quan Vân Trường, Trương Phi đã ra điều kiện – một điều kiện khắc nghiệt: “Nếu mày quả có lòng thực, ta đánh ba hồi trống, mày phải chém được tên tướng ấy”. Ba hồi trống định mức thời gian để minh chứng cho một tấm lòng, ba hồi trống để giải oan, ba hồi trống để nhận diện nhân cách một con người cũng là ba hồi trống đầy thách thức. Nó quả là quá ngắn ngủi đối với một mạng người. Nó sẽ là một minh chứng nếu quả thật Quan Công do dự, dao động và không có tài nghệ, khí phách. Nhưng nó cũng là cơ hội để Quan Công minh oan, để hai anh em có thể đoàn tụ lẫn nhau, để lời thề vườn đào năm xưa được giữ trọn. Nếu không có ba hồi trống, mối nghi ngờ trong lòng Trương Phi chỉ có thể giải tỏa bằng bát xà mâu. Và lúc đó, khó có thể hình dung giữa Trương Phi và Quan Công hai anh em ngang tài ngang sức, ai sẽ là người chiến thắng, ai là người phải hy sinh. Tình huống đó bắt buộc Quan Vân Trường phải hành động gấp rút. Chưa dứt một hồi trống, đầu Sái Dương đã rơi xuống đất. Mâu thuẫn được hóa giải, nút thắt đầy kịch tính được tháo bỏ. Chi tiết Trương Phi nghe hết chuyện, rỏ nước mắt khóc, thụp lạy Vân Trường thể hiện tình cảm chân thành của người em cương trực, thẳng thắn, nghĩa dũng đối với người anh em của mình.

Đến cuối đoạn trích Hồi trống Cổ Thành, hồi trống mới xuất hiện nhưng nó đã thực thi nhiệm vụ quan trọng: hóa giải mối nghi ngờ giữa hai anh em Quan Vũ – Trương Phi. Trở lại với diễn biến câu chuyện phía trước, có thể thấy đó là hồi trống ra quân và cũng là hồi trống thu quân, hồi trống thách thức, minh oan và đoàn tụ. Cuộc hội ngộ của hai anh em không có rượu, chỉ có hồi trống trận. Nó cũng chính là một thành công trong nghệ thuật kể chuyện đặc sắc của nhà văn La Quán Trung.

………

Tải file tài liệu để xem thêm bài văn phân tích Hồi trống Cổ Thành

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 10: Phân tích đoạn trích Hồi trống Cổ thành (Dàn ý + 9 mẫu) Trích hồi 28 – Tam quốc diễn nghĩa của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *