Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 10: Nghị luận về vấn đề nhìn nhận và sửa chữa sai lầm (Dàn ý + 5 Mẫu) Những bài văn hay lớp 10 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Văn mẫu lớp 10: Nghị luận về nhìn nhận và sửa chữa sai lầm mang đến dàn ý chi tiết kèm theo 5 mẫu cực hay, giúp cho các em học sinh lớp 10 tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng về văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý tốt hơn.

TOP 5 bài nghị luận về nhìn nhận và sửa chữa sai lầm gồm mẫu ngắn gọn và đầy đủ để các bạn tham khảo, lựa chọn theo sức viết của mình, giúp các bạn học môn Ngữ văn dễ dàng và có sự chuẩn bị tốt hơn khi học. Qua bài văn mẫu này khơi dậy cảm hứng học tập cho các em học sinh, đánh thức tư duy văn học, sự sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú mới lạ, có sức hút cao.

Dàn ý nghị luận về nhìn nhận và sửa chữa sai lầm

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: suy nghĩ về lỗi lầm.

Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp phù hợp với năng lực của bản thân.

2. Thân bài

a. Giải thích

Lỗi lầm: hành vi sai lệch, chưa đúng đắn theo chuẩn mực mà chúng ta gây ra cho người khác để lại hậu quả tiêu cực theo nhiều mức độ khác nhau khiến người đó không vui thậm chí là phẫn nộ.

b. Phân tích

Trong cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi những lúc mắc sai lầm, phạm phải nhiều lỗi lầm theo những mức độ khác nhau, việc nhận lỗi và sửa chữa chúng sẽ khiến bản thân ta tốt lên từng ngày, hoàn thiện nhân cách đồng thời lấy lại niềm tin của người khác đối với bản thân mình.

Lỗi lầm chỉ mang lại cho bản thân những điều tiêu cực như: gây ra tổn thương cho người khác, làm mất lòng tin, chính bản thân ta sẽ cảm thấy áy náy, day dứt khi mắc lỗi,… nhưng khi biết sửa lỗi nó sẽ mang đến cho ta những bài học bổ ích.

Người biết nhận lỗi và sửa lỗi là người biết nhìn nhận thực tế, sẽ được người khác nhìn nhận và đánh giá cao.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người mắc lỗi lầm nhưng đã biệt nhận lỗi và sửa sai để minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải thật tiêu biểu, nổi bật được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

Trong xã hội vẫn còn có nhiều người khi gây ra lỗi lầm không biết sửa chữa, nhận lỗi về mình; lại có những người vì lợi ích của bản thân mà cố ý gây ra lỗi lầm, tổn thương cho người khác,… những người này đáng bị xã hội chỉ trích, phê phán.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: lỗi lầm; đồng thời rút ra bài học cho bản thân mình.

Suy nghĩ về ý nghĩa sửa sai lầm trong cuộc sống – Mẫu 1

Trong dòng chảy không ngừng nghỉ của cuộc sống bộn bề, tấp nập, con người luôn phải trải qua vô vàn những trải nghiệm khác nhau về sự thành công – thất bại, được – mất, hạnh phúc – khổ đau, đúng – sai… Nằm trong chuỗi hành trình đó, sai lầm là một trong những yếu tố mà chúng ta cần thẳng thắn đối diện và mạnh mẽ vượt qua. Bàn về vấn đề này, Elbert Hubhard từng nói: “Sai lầm lớn nhất mà bạn mắc phải trong cuộc sống là luôn sợ sai lầm”.

Như chúng ta đã biết, sai lầm là khái niệm để chỉ những quan điểm, việc làm, hành động không đúng đắn, trái với quy luật khách quan và lẽ phải thông thường. Sai lầm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chủ thể của hành động và thậm chí có thể gây ra hậu quả đối với những người xung quanh. “Sợ sai lầm” là thái độ lo lắng, run sợ bản thân sẽ phạm phải những sai lầm và buông xuôi, đầu hàng, bất lực. Như vậy, câu nói của Elbert Hubhard đã thể hiện một quan điểm về việc con người cần mạnh mẽ đối diện và sửa chữa sai lầm.

Sai lầm luôn là yếu tố diễn ra và xuất hiện trong cuộc sống của con người như quy luật khách quan mang tính tất yếu bởi không ai có thể tránh khỏi sai lầm, vấp ngã. Điều quan trọng là con người cần mạnh mẽ đứng lên, nhìn nhận sai lầm của bản thân và tìm ra nguyên nhân để khắc phục, sửa chữa sai lầm và vượt qua. Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Bất cứ một người lao động nào, dù thông minh đến đâu, đôi lúc cũng có thể sai lầm. Chỉ có những kẻ ngồi không mới không sai lầm mà thôi. Nhưng làm việc mà có sai lầm còn hơn là sợ sai lầm mà khoanh tay ngồi không”. Quan điểm cùng hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Người là minh chứng thể hiện rõ lối sống không run sợ trước sai lầm và luôn mạnh mẽ, dũng cảm trong hành động. Mặt khác, sau mỗi sai lầm, vấp ngã, chúng ta sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá cho bản thân và trưởng thành, bản lĩnh, từng trải hơn. Ngược lại, nếu run sợ trước những sai lầm, con người sẽ đánh mất những cơ hội để trải nghiệm, để học hỏi, không thể vượt lên chính mình và không thể mạnh mẽ bước đi trên con đường đầy rẫy những gian nan, thử thách. Sophia Loren – nữ diễn viên người Italia cũng từng tâm sự về hành trình đến với giải Oscar của mình: “Sau tất cả những năm tháng đó, tôi vẫn ở trong quá trình tự khám phá bản thân. Khám phá cuộc sống và phạm lỗi lầm vẫn tốt hơn chọn phương án an toàn. Sai lầm là một phần phí mà con người trả cho một cuộc đời trọn vẹn”. Như vậy, thái độ ứng xử của con người trước mỗi lần vấp ngã cũng chính là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của con người, bởi “sợ sai lầm” chính là sai lầm lớn nhất và là nguyên nhân chính khiến con người tiếp tục thất bại và sống thu mình trong chiếc vỏ bọc của sự nhút nhát, yếu mềm.

Tham khảo thêm:  

Như vậy, để hoàn thiện và phát triển bản thân, chúng ta cần rèn luyện thái độ mạnh mẽ đối diện với những sai lầm, từ đó thay đổi và rút ra những bài học kinh nghiệm. Đồng thời, cần hoàn thiện và làm đầy kiến thức, kĩ năng của bản thân sau mỗi lần vấp ngã để đạt tới thành công.

Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể khẳng định câu nói của Elbert Hubhard đã để lại bài học ý nghĩa giáo dục sâu sắc về thái độ của con người trước những sai lầm: Con người cần mạnh mẽ đối diện với những vấp ngã để rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân và không buông xuôi, sợ hãi trước sai lầm.

Nghị luận về vấn đề nhìn nhận và sửa chữa sai lầm – Mẫu 2

Cũng như ánh sáng và bóng tối, hai yếu tố luân chuyển liên tục tạo nên sự sống, hành động đúng và hành động sai lầm là hai yếu tố tương tác lẫn nhau tạo nên thành công hoặc thất bại ở con người. Chẳng ai muốn mắc phải sai lầm nhưng trên hành trình của sự sống, điều đó thật khó tránh khỏi. Một sự thật dễ thấy, có thật ít người đủ can đảm để thừa nhận và sửa chữa sai lầm của chính mình, hay đủ quyết tâm để sửa chữa chúng.

Trái với đúng đắn là sai lầm. Sai lầm là những hành động trái với yêu cầu khách quan hoặc với lẽ phải, dẫn đến những hậu quả không hay đối với bản thân, tập thể hoặc cộng đồng.

Mỗi sai lầm, trước hết thường gây ra những tổn hại về vật chất. Sai lầm xảy ra trong công việc dẫn đến những mất mát, thiệt hại về tài sản của cá nhân hoặc tập thể. Có những sai lầm nhỏ thì gây ra thiệt hại nhỏ. Thế nhưng, có những sai lầm lớn có thể dẫn đến những thiệt hại rất lớn đối với rất nhiều người, ảnh hưởng nặng nề đến mãi về sau.

Vào thế kỷ thứ 13, Thành Cát Tư Hãn, sau khi đã thống nhất Mông Cổ đã tìm cách để mở các con đường thông thương với các nước vùng Trung Đông. Tuy nhiên, quốc vương của quốc gia này mắc một sai lầm lớn, khi đã thẳng thắn từ chối lời đề nghị của Thành Cát Tư Hãn, thậm chí còn cho chém đầu sứ giả cho Cát Tư Hãn cử đến. Quá tức giận, Thành Cát Tư Hãn đã điều động gần 200,000 chiến binh đến tiêu diệt hoàn toàn đế chế láng giềng.

Trước khi trở thành bộ truyện kinh điển, Harry Potter đã bị 12 nhà xuất bản từ chối. Chỉ đến khi tác giả Rowling gặp được nhà xuất bản tên Bloomsbury, bộ truyện mới có thể đến được với bạn đọc và nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới, làm say mê hàng trăm triệu bạn đọc trẻ như ngày nay. Nhận định sai lầm đã khiến 12 nhà xuất bản đánh mất cơ hội thành công cùng Harry Potter.

Đừng sợ hãi trước sai lầm, nó đã xảy ra rồi, điều qua trọng nhất là cách mỗi chúng ta đối diện và sửa chữa sai lầm ấy như thế nào mà thôi.

Mỗi sai lầm có thể gây tổn hại nặng nề về tình cảm đối với con người. Một lời nói sai lầm có thể khiến trái tim người khác tan nát. Một lời khuyên sai lầm có thể khiến người khác tán gia bại sản, hạnh phúc tan vỡ, thậm chí đánh mất cả sinh mệnh. Đôi khi, một lời nói đùa vui, tưởng như vô hại nhưng để lại những tổn thương khó chữa lành.

Sau những lỗi lầm, nó khiến con người ray rứt, buồn đau, sợ hãi, thậm chí là tuyệt vọng bởi những hậu quả do sai lầm gây ra. Nhiều người đã chọn cách đối diện và sửa chữa sai lầm. Nhưng rất nhiều người đã chọn cách lẩn tránh, buông xuôi, khiến cho hậu quả của sai lầm càng thêm nặng nề.

Sai lầm là một phần tất yếu của cuộc sống. Thế nhưng, đừng để quá nhiều xảy ra trong cuộc đời bởi nó có thể hủy diệt cả cuộc đời bạn. Thất bại là mẹ của thành công nhưng “đừng để đứt tay 9 lần mới lành nghề”. Phạm phải sai lầm là con người; vấp ngã là chuyện bình thường; có thể cười vào mặt chính mình là sự trưởng thành. Sau mỗi sai lầm, chúng ta cần đứng dậy, tìm cách vượt qua chúng.

Tham khảo thêm:   Cách trị sẹo rỗ tại nhà bằng các nguyên liệu dễ tìm mà lại nhanh có hiệu quả

Ngay khi bạn thấy lỗi mà không sửa, nó trở thành lỗi lầm của bạn. Trước hết, hãy dũng cảm xác nhận, đối diện với những sai lầm mình đã gây ra và sẵn sàng chịu trách nhiệm về hậu quả của nó, tìm cách khắc phục, sửa chữa, đừng chọn cách đổ lỗi, lảng tránh hay buông bỏ sai lầm. Thừa nhận sai lầm giống như cây chổi quét đi bùn đất khiến cho bề mặt sáng sủa và sạch sẽ hơn. Khi bạn xác nhận sai lầm của bản thân và tìm cách sửa chữa, bạn sẽ được người khác tôn trọng. Khi bạn đối diện với sai lầm, bạn sẽ kịp thời có giải pháp hạn chế hậu quả do nó gây ra, tránh được những tổn hại, mất mát không đáng có. Nếu bạn chọn cách lảng tránh, những gì do sai lầm gây ra sẽ càng trở nên khủng khiếp.

Một người thợ hàn khi thi công sửa chữa trần một căn hộ, đã vô tình làm cháy lớp xốp cách nhiệt. Thay vì nhanh chóng dập tắt đốm lửa nhỏ, người thợ đã bỏ chạy khỏi hiện trường khiến cho ngọn lửa bùng phát, lan xa, toàn bộ chung cư bị thiêu rụi trong chốc lát.

Để xử lí vết rò rỉ của một con đập, thay vì lên kế hoạch báo cáo lên cấp trên để tìm cách khắc phục triệt để, những công nhân đã tạm thời bịt kín vết rò rit bằng những khối bê tông. Mùa mưa, nước đổ về nhiều, do những vết rò rỉ kia, thân đập không thể chịu nổi, đã đổ vỡ khiến cho hàng trăm nghìn khối nước đổ về hạ lưu, hủy diệt những ngôi làng, hàng trăm người đã mất mạng, hàng nghìn người thoát nạn phải sống cảnh màn trời chiếu đất, nước lũ gây ngập trên diện rộng, tổn hại không biết bao nhiêu hoa màu.

Sau khi nhận rõ sai lầm thì phải tích cực khắc phục hậu quả của nó. Sai lầm do mình gây ra, dù bản thân có bị tổn hại đến thế nào cũng phải khắc phục hậu quả và ngăn chặn không cho nó lan rộng ra xung quanh, ảnh hưởng đến nhiều người.

Trong vấn đề giữ gìn và bảo vệ môi trường, khi môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay, điều qua trọng là nhận rõ thực tế, trước hết, cần tìm giải pháp cải thiện môi trường theo hướng xanh, sạch, đẹp. Tiếp đó, nâng cao nhận thức của con người về ý nghĩa của môi trường đối với cuộc sống chung của cộng đồng, tiến tới một cuộc sống văn minh, thịnh vượng. Đừng làm ngược lại, bởi sự thay đổi nhận thức và lối sống của con người diễn ra rất chậm, còn tác hại của ô nhiễm môi trường là rất nhanh chóng, cần phải làm ngay.

Rút ra bài học từ những sai lầm của mình, lấy đó làm kinh nghiệp để làm việc và xây dựng cuộc sống. Thành công không nằm ở việc không bao giờ phạm sai lầm, mà nằm ở việc không bao giờ phạm phải cùng một sai lầm tới lần thứ hai. Hơn thế nữa, từ sai lầm của người khác, bản thân cũng tự sửa chữa sai lầm của chính mình.

Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người trốn tránh sai lầm của mình. Khi gây ra sai lầm, họ thưởng đổ lỗi cho người khác, hoặc tìm cách lảng tránh, phủ nhận nó. Họ cũng không tìm cách khắc phục hậu quả do sai lầm của mình gây ra đối với người khác. Thậm chí, vì sợ hãi, không dám chịu trách nhiệm, họ đã có những hành động tàn nhẫn đối với người khác. Những người như thế thật đáng lên án.

Ai trong đời rồi cũng phải cảm ơn những khiếm khuyết của mình. Hãy nhớ rằng, người ít sai lầm nhất là người mau hối lỗi nhất. Sai lầm có thể chấp nhận khi ta còn trẻ; nhưng đừng kéo lết nó vào tuổi già. Khi gây ra sai lầm, hãy có đủ dũng khí để chấp nhận và khắc phục nó, đừng chạy trốn một cách hèn nhát.

Sống ở trên đời, ai cũng có những sai lầm. Trên hành trình tìm đến chân lý tưởng chừng không thể vươn tới nhờ đi qua hàng loạt sai lầm. Sai lầm lớn nhất của đời người là dễ dàng đánh mất chính mình. Biết đứng dậy sau khi vấp ngã. Không nên than vãn về những sai lầm đã xảy ra. Khi bạn phạm sai lầm hay thất bại, nếu bạn luôn luôn phàn nàn hoặc đổ lỗi cho người khác, bạn sẽ không bao giờ đứng dậy được từ thất bại. Nhưng nếu bạn tự vấn bản thân, bạn còn hy vọng và cơ hội thành công.

Nghị luận về ý nghĩa sửa sai lầm trong cuộc sống – Mẫu 3

Cuộc sống luôn tạo ra những tình huống bất ngờ khiến con người lúng túng, bị động và mắc phải những sai lầm. Hiểu một cách đơn giản, lỗi lầm là những lời nói, hành động thiếu chuẩn mực có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc cho bản thân hay những người xung quanh.

Lỗi lầm có thể được tạo ra trong những lúc nóng nảy, mất bình tĩnh; cũng có thể do sự nhẹ dạ, cả tin và đôi khi là do lòng ích kỉ, đố kị và những suy lệch lạc. Tùy theo tính chất, mức độ của lỗi lầm mà hậu quả cũng sẽ khác nhau. Lỗi lầm có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc, nó có thể làm rạn nứt những mối quan hệ tốt đẹp, làm cho bản thân cảm thấy áy náy, tự trách. Nếu lỗi lầm liên quan đến đạo đức, pháp luật thì con người sẽ phải trả bằng cái giá “đắt” hơn, có thể là cải tạo, cách li với xã hội, thậm chí là trả giá bằng chính cơ hội sống.

Tham khảo thêm:  

Những vụ án giết người cướp của quá sức dã man trong thời gian gần đây khiến dư luận bàng hoàng, vì những mâu thuẫn, lợi ích tiền bạc mà con người sẵn sàng gây ra những tội lỗi không thể tha thứ, đó là những lỗi lầm đáng lên án và loại trừ ra khỏi cuộc sống. Sự lệch lạc trong nhận thức và hành động có thẩ gây ra những lỗi lầm đáng tiếc. Lỗi lầm là điều tất yếu trong cuộc sống, thế nhưng không vì vậy mà chúng ta bất chấp để gây ra những lỗi lầm không thể cứu vãn.

Mỗi người chúng ta cần nghiêm khắc nhìn nhận lại bản thân để thấy được những lỗi lầm, hạn chế, từ đó khắc phục và hoàn thiện mình. Để hạn chế mắc phải những lỗi lầm, chúng ta cần bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo trước khi hành động.

Nghị luận về sửa chữa lỗi lầm – Mẫu 4

Không ai mà không một lần mắc phải sai lầm trong cuộc đời của mình. Lỗi lầm là một phần tất yếu trong đời sống con người. Mắc sai lầm có khi gặp phải hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo, không còn sự lựa chọn nào khác, hoặc cũng có thể do phút mềm yếu, không làm chủ được bản thân. Che giấu sai lầm, đổ lỗi cho người khác hay là sẵn sàng chấp nhận và sửa chữa sai lầm ấy, lựa chọn cách nào luôn khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Tất nhiên, chúng ta phải trung thực nhận lỗi, mạnh mẽ đối diện với sự thật, sống luôn cố gắng phấn đấu là cách sửa những sai phạm một cách tốt nhất. Đừng chạy trốn lỗi lầm, cũng đừng đổ lỗi cho người khác. Có thể, bạn sẽ không bị tổn hại khi làm điều đó nhưng chắc chắn bạn sẽ luôn sống trong mặc cảm tội lỗi, luôn cảm thấy lo sợ, bất an vì có thể sẽ lộ bí mật của quá khứ bất cứ khi nào, luôn tự xấu hổ, day dứt, dằn vặt vì sai trái của mình.

Nếu chạy trốn lỗi lầm mà bạn không có cảm giác ăn năn, lo sợ, bạn chính là người vô cảm, vô tâm. Điều đó còn đáng sợ hơn gấp nhiều lần. Bạn cũng đừng soi mói vào lỗi lầm của người khác vì dễ khiến họ mặc cảm, tự ti. Bạn cần có thái độ bao dung, cảm thông và giúp những người mắc lỗi lấy lại niềm tin, tạo động lực cho họ phấn đấu để họ sống tốt hơn. Cố gắng đừng để xảy ra những sai lầm đáng tiếc. Nếu xảy ra thì không chạy trốn, đổ lỗi, không nên tự ti, mặc cảm mà phải tìm cách để sửa đổi, tìm cách chuyển hóa lỗi lầm một cách đúng đắn và hợp lí nhất.

Đừng sợ mắc sai lầm. Điều quan trọng nhất là cách bạn khắc phục và sửa chữa sai lầm ấy như thế nào thôi.

Nghị luận về nhìn nhận và sửa chữa sai lầm – Mẫu 5

Bác Hồ đã dạy: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa”. Đúng vậy, sai trái là điều khó tránh khỏi, điều quan trọng là ta phải biết nhận lỗi và sửa lỗi. Nếu biết sửa chữa sai lầm sẽ mang đến cho ta những bài học và từng bước đi đến thành công.

Sai lầm đến từ những hành động không đúng gây ra hậu quả trực tiếp cho bản thân và cả những người xung quanh. Khi bản thân suy nghĩ chưa thấu đáo nhưng lại vội vàng đưa ra quyết định sẽ khiến ta mắc phải sai lầm. Hoặc nó bắt nguồn từ việc ta không vượt qua được cám dỗ, các tệ nạn xã hội. Điều đó khiến cho chúng ta đánh mất đi chính mình, đánh mất niềm tin của mọi người.

Biết sửa chữa những sai lầm sẽ giúp chúng ta rút ra được những bài học quý báu để lần sau không mắc phải. Không chỉ vậy, thừa nhận lỗi lầm còn khiến cho con người có tinh thần trách nhiệm hơn và được mọi người tin yêu. Cuộc sống có vô vàn những thách thức, cám dỗ vậy nên mắc sai lầm là điều khó tránh khỏi, điều quan trọng là ta phải biết sửa chữa những lỗi lầm đó. Đáng sợ nhất là khi con người không chịu nhận lỗi sai của mình, đổ lỗi cho người khác. Hành động đó khiến chúng ta mất đi uy tín, niềm tin từ mọi người. Người thành công là người biết nhận sai và can đảm khắc phục, sửa chữa những sai lầm của mình. Họ sẽ lên kế hoạch chi tiết để có những bước hành động tiếp theo, chứ không chỉ nói lời đơn thuần. Sẵn sàng đối diện với sai lầm là việc làm của người dũng cảm.

Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải sai lầm nào cũng có thể sửa chữa và thay đổi. Có những việc làm gây ra hậu quả vô cùng đáng tiếc. Vậy nên, trước khi làm bất cứ việc gì ta cần suy nghĩ thật thấu đáo rồi mới đưa ra quyết định. Để có thể vững vàng hơn trong mọi quyết định, chúng ta cần không ngừng học tập, tích lũy kiến thức để có thêm nhiều hiểu biết về cuộc sống. Ngoài ra, cần biết áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế để có thêm nhiều trải nghiệm về cuộc sống.

Khi lỡ mắc những khuyết điểm, sai lầm, dù với bất cứ lí do gì chúng ta cũng nên biết nhận lỗi và sửa chữa những lỗi lầm đó. Chúng ta hãy trang bị cho bản thân thật nhiều kiến thức cần thiết để có thể tự tin trong mọi việc, tránh mắc phải sai lầm đáng tiếc.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 10: Nghị luận về vấn đề nhìn nhận và sửa chữa sai lầm (Dàn ý + 5 Mẫu) Những bài văn hay lớp 10 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *