Nghị luận về lỗi lầm và sự biết ơn tuyển chọn 6 bài văn mẫu siêu hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết nhất. Thông qua 6 bài nghị luận về lỗi lầm và sự biết ơn giúp các bạn học sinh lớp 10 có thêm nhiều gợi ý tham khảo, biết sử dụng vốn từ để viết bài văn nghị luận hay.
Lỗi lầm và biết ơn là thông điệp sâu sắc về sự tha thứ, lòng khoan dung trong cuộc sống này. Qua đó nhắc nhở chúng ta: có thể sẽ khó khăn hơn nếu chúng ta sống vì người khác nhưng chắc chắn sẽ tốt đẹp và hạnh húc hơn. Ngoài ra để nâng cao kỹ năng viết văn các bạn xem thêm: Nghị luận xã hội về sự bổ ích của những chuyến tham quan du lịch đối với học sinh.
Đề bài: Từ câu chuyện dưới đây em hãy viết một bài văn ngắn bàn về sự tha thứ và lòng biết ơn của con người trong cuộc sống.
LỖI LẦM VÀ SỰ BIẾT ƠN
Hai người bạn cùng đi qua sa mạc. Trong chuyến đi, giữa hai người có xảy ra một cuộc tranh luận, và một người nổi nóng không kiềm chế được mình đã nặng lời miệt thị người kia. Cảm thấy bị xúc phạm, anh không nói gì, chỉ viết lên cát: “ Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã làm khác đi những gì tôi nghĩ”.
Họ đi tiếp, tìm thấy một ốc đảo, và quyết định đi bơi. Người bị miệt thị lúc nãy bây giờ bị đuối sức và chìm dần xuống. Người bạn kia đã tìm cách cứu anh. Khi đã lên bờ, anh lấy một miếng kim loại khắc lên đá: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”.
Người kia hỏi: “Tại sao khi tôi xúc phạm anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại khắc lên đá” ?
Anh ta trả lời : “Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xoá nhoà theo thời gian, nhưng không ai có thể xoá được được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người ”.
Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá.
Dàn ý nghị luận về lỗi lầm và sự biết ơn
I. Mở bài:
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: lỗi lầm và sự biết ơn.
II. Thân bài:
1. Ý nghĩa câu chuyện:
Câu chuyện về hai người bạn đi trên sa mạc nhắc nhở ta về cách ứng xử đúng đắn khi bị xúc phạm thì biết tha thứ và khi mang ơn người khác thì phải khắc ghi trong lòng. Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được những điều đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người.
2. Bàn luận về ý nghĩa câu chuyện:
+ Thế nào là sự tha thứ và lòng biết ơn: tha thứ là việc bỏ qua, không trách cứ, chấp nhặt, hay trừng phạt những sai trái, lỗi lầm của người khác; lòng biết ơn là sự thể hiện việc hiểu và nhớ công ơn của người khác đối với mình.
+ Vì sao trong cuộc sống con người cần có sự tha thứ và lòng biết ơn?: trong cuộc sống ai cũng có lúc gây ra những lỗi lầm, sai trái vì vậy cần phải nhận được sự tha thứ, bao dung của mọi người. Bởi chính sự tha thứ giúp cho người mắc lỗi có cơ hội được sửa chữa; giúp cho bản thân tìm thấy được sự thanh thản và làm cho cuộc sống bớt đi sự căng thẳng, xung đột và thêm đi sự hoà hợp, yêu thương, có nghĩa là phải biết viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát …
+ Phải biết khắc ghi những ân nghĩa vào lòng, phải biết ơn những người đã đem đến cho mình những điều tốt đẹp, và biết khắc ghi những ân nghĩa lên đá, như cách ứng xử giữa những con người trong câu chuyện trên.
3. Suy nghĩ của bản thân :
+ Sự tha thứ và lòng biết ơn là một trong phẩm chất cần thiết, cao đẹp để hình thành nên một con người chân chính, bởi bên cạnh việc thu nhận kiến thức thì việc tu dưỡng, rèn luyện cho bản thân những đức tính về sự tha thứ và lòng biết ơn có một ý nghĩa rất lớn trên con đường hoàn thiện nhân cách của mỗi con người
+ Sự tha thứ và lòng biết ơn không chỉ được thể hiện ở một cá nhân hay một bộ phận mà những đức tính đó cần phải được gắn kết và tạo thành những phẩm chất, đạo lí trong cuộc sống. Bởi đó chính là những nét đẹp truyền thống của con người Việt Nam.
4. Bài học nhận thức và hành động :
– Cần phải biết sống có tấm lòng bao dung, vị tha; biết ghi ơn những con người đã mang lại cho mình những điều tốt đẹp.
– Cần phải được thể hiện sự tha thứ và lòng biết ơn của mình trên cả nhận thức và hành động cụ thể.
– Phải biết quên đi nỗi đau buồn và sự thù hận, ghi nó lên bãi cát và luôn ghi nhớ ân nghĩa để nó được khắc ghi lên đá, trong lòng người. Và hãy nhớ rằng một trái tim khỏe mạnh là một trái tim luôn hướng về lòng nhân đạo, niềm vui và không có chỗ cho sự hận thù.
III. Kết bài:
Câu chuyện “Lỗi lầm và sự biết ơn” là thông điệp sâu sắc về sự tha thứ, lòng khoan dung trong cuộc sống này. Câu chuyện nhẹ nhàng nhắc nhở: Có thể sẽ khó khăn hơn nếu chúng ta sống vì người khác nhưng chắc chắn sẽ tốt đẹp và hạnh húc hơn.
Nghị luận về lỗi lầm và biết ơn – Mẫu 1
Sóng không thể tự sinh ra mà chúng được hình thành từ những cơn gió từ trên mặt đại dương. Con người cũng thế, không ai có thể tồn tại trên đời lẻ loi một mình cả. Ngược lại, chúng ta phải sống hòa đồng trong sự hô trợ, giúp đỡ của cộng đồng xã hội về mọi mặt. Đó là lý do mà thế giới cần tới sự khoan dung. Sự khoan dung cần thiết cho mọi mối quan hệ mà loài người trên thế giới này đã, đang và sẽ tiến hành. Câu chuyện Lỗi lầm và biết ơn đem lại cho chúng ta những cách nhìn nhận khác nhau về cuộc sống.
Câu chuyện Lỗi lầm và sự biết ơn kể về hai người bạn đi trên sa mạc. Một người vì bị bạn đối xử xấu nên đã ghi trên cát. Sau khi được người bạn cứu, anh đã ghi lại trên đá: Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi. Việc làm này của anh là một bài học giáo dục con người hãy tha thứ khi bạn bè, mọi người có lỗi với mình và cần ghi lòng tạc dạ sự biết ơn khi được người khác giúp đỡ.
Khi chúng ta viết một thứ gì đó lên cát thì nước biển và gió sẽ cuốn trôi đi, xóa sạch hết thảy mọi thứ. Còn khi chúng ta khắc một cái gì đó lên đá thì ngàn đời sau, nó vẫn còn ở đó, chẳng bao giờ mất đi. Học cách viết nôi đau buồn, thù hận lên cát nghĩa là học cách tha thứ cho những ai đã gây ra cho ta những nỗi buồn, nỗi đau, nỗi bất hạnh trong cuộc đời. Học cách khắc ghi những ân nghĩa lên đá nghĩa là luôn luôn biết ơn, trân trọng những ai đã giúp ta. Cả câu nói là một thông điệp rất ý nghĩa và sâu sắc nhằm khuyên chúng ta hãy rũ bỏ những nỗi đau, hận thù và luôn nhớ tới những điều tốt đẹp nhất, biết ơn những người đã giúp ta trong cuộc đời. Trong cuộc sống, ai cũng mắc phải sai lầm. Vì vậy, ta cần phải bao dung, tha thứ lỗi lầm của người khác. Những giận hờn, thù oán sẽ làm tâm hồn ta chai sạn, cuộc sống nặng nề. Tổng thống Lincoln là người nổi tiếng có lòng khoan dung với kẻ thù, vì thế sau đó ông bị một nghị sĩ tỏ thái độ bất mãn, nói rằng: Ông đừng hòng kết bạn với những kẻ đó, chúng ta cần tiêu diệt chúng. Lincoln mỉm cười đáp: Khi họ trở thành những người bạn của chúng ta, điều đó không phải là ta đã tiêu diệt được họ đó sao? Thêm một chút khoan dung thì những đối thủ công khai chính là những người bạn giao tiếp trong âm thầm của chúng ta.
Nếu trên con đường đi tìm một cuộc sống đích thực, chỉ có mình ta đơn thương độc mã thì một lúc nào đó con người ta sẽ mệt mỏi, chùn bước trước khó khăn và từ bỏ. Vì thế nên đã là con người thì ai cũng cần sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ của những người xung quanh để có đủ niềm tin, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Đó chính là ân nghĩa. Và những ân nghĩa đó cần được khắc sâu trong tâm trí ta, không bao giờ được phép quên đi bởi ta có được cuộc sống ngày hôm nay là nhờ những người đó đã cho ta ân nghĩa trong lúc ta khó khăn nhất. Khi nhận được sự giúp đỡ của người khác thì chúng ta không được quên những ân nghĩa đó. Nhớ ơn se làm tâm hồn ta đẹp hơn, biết trân trọng cuộc sống hơn.
Người khoan dung bao giờ cũng là người hiểu biết. Vì nếu không hiểu biết, người ta không thể khoan dung cho nhau. Và khi chúng ta khoan dung cho nhau có nghĩa là tự mình dẹp đi bao chướng ngại trong tâm hồn của mình và trước mắt mình. Ðấy là một trong những điểm quan trọng, cần thiết làm cho cuộc sống không căng thẳng. Ðồng thời, nó giúp chúng ta xóa bỏ những hận thù, những điều ganh tị không đáng để trong lòng. Đằng sau sự khoan dung bao giờ cũng là sự thông cảm sâu sắc, một sự thông cảm cho chính mình và cho cả những người xung quanh mình. Bất kỳ lúc nào, ở đâu, hễ có sự khoan dung là có “nụ cười”. Do đó, khoan dung cho kẻ khác cũng có nghĩa là khoan dung cho chính mình, đấy là một đức tính cao thượng, không cố chấp và sẵn sàng tha thứ.
Thực tế cho chúng ta thấy rằng, sự bức bách khó chịu của một tâm lý thường không những do tâm lý chính nó, mà còn do một đối tượng từ bên ngoài tác động vào trong quá trình giao tiếp. Và chính những điều khó quên nhất hay gây ấn tượng mạnh nhất là những gì được tác động vào từ bên ngoài và được gìn giữ ở bên trong. Như một lời chê bai, thời gian hiện hành của nó có thể chỉ thoáng qua trong chốc lát, nhưng thời gian nó được lưu giữ trong tâm hồn thì có thể kéo dài từ năm này sang năm kia và có khi được lưu giữ suốt cả một đời người. Ðó là biểu hiện của một sự cố chấp, một sự bám víu vào các ảnh tượng không thực của ngôn từ. Mặc dù người ta biết như thế, song chính con người lắm khi cũng chao đảo bởi các ảnh tượng héo hắt, nhưng rất kỳ lạ của ngôn từ. Vì biết rằng nó là không thực, nhưng môi khi nhớ lại và nhất là khi hình dung về một ký ức xa xôi, tác động của các ảnh tượng trong ngôn từ đã đem đến cho chúng ta một sự dao động phá tan mọi hiệp ước bình an trong lòng. Và cũng chính sự không thể hỉ xả đó đã biến thành các tì vết in hằn trong tâm thức. Nó sẽ không mất đi, mà một ngày nào đó, vào đoạn kết của cuộc đời, nó sẽ xuất hiện trở lại và cùng ra đi với chúng ta. Mặt khác, khoan dung, là một đức tính vị tha, do đó nó được xem như là một điều kiện cần thiết cho cuộc sống, là một món quà cứu độ cho kẻ tội lôi, là một động lực bình an và tự tin, thúc đẩy con người vượt qua mọi thử thách gian truân, mọi sự bất lực trước mọi cám dỗ của dục vọng. Sống khoan dung cũng có nghĩa là sống lương thiện, sống bố thí những của cải vô hình và kèm theo đó là nụ cười làm mát dịu cho cuộc đời con người, nó sẽ cứu vãn cuộc sống còn lại của chúng ta, như một liều thuốc hồi sinh, có thể lấy lại sức sống cho một sinh mạng đã chết. Nhưng khi khoan dung được xem là một việc thiện, thì người thực hành điều đó đã tự mình xây dựng lâu đài công đức cho chính mình, trong khi mình không phải mua thêm điều gì cả, mà chỉ có bỏ bớt đi.
F.Voltaire nói rằng: Sự khoan dung là một vị thuốc duy nhất để chữa những lôi lầm đang làm bại hoại con người khắp trong vũ trụ.
Có người đã từng nói: Một người vĩ đại có hai trái tim, một trái tim sinh học để lưu thông máu, trái tim còn lại để khoan dung và yêu thương. Bất luận là phẫn nộ, hay hận thù, lòng ích kỷ riêng tư hay suy nghĩ độc ác…đều cần đến sự xoa dịu bởi lòng khoan dung và yêu thương, những gì quy tắc đạo đức có thể không chấp nhận nhưng lòng khoan dung có thể làm được.
Lão Tử đã nói: Người ta đối tốt với mình, mình đối xử tốt lại, người đối không tốt với mình mình cũng đối xử tốt với họ. Tha thứ cho lỗi lầm người khác, xóa bỏ hận thù, ghi nhớ ân nghĩa mới được mọi người kính trọng, ủng hộ.
Lòng khoan dung sinh ra từ sự cảm thông, lòng trắc ẩn, sự hiểu biết và tin vào điều tốt đẹp phía trước. Nôi đau quằn quại trong chính mình cũng không thể xóa đi lý trí tỉnh táo khách quan và trái tim bao dung độ lượng. Xin đừng chỉ nói về khoan dung mà hãy trải nghiệm thực sự lòng khoan dung môi khi có cơ hội. Ta se mang hạnh phúc đến được với mọi người và có hạnh phúc cho mình nhờ biết sống khoan dung.
Nghị luận về lỗi lầm và sự biết ơn – Mẫu 2
Trong cuộc sống của chúng ta, đã là con người thì ai cũng có những sai lầm, thiếu sót. Cả cuộc đời của chúng ta là sự cho – nhận, vay – trả… Thế nên khi chúng ta mắc lỗi lầm cần có người khoan dung, rộng lượng tha lỗi; khi giúp ích được chúng cho người khác, ta sẽ nhận lại sự biết ơn. Điều đó thể hiện rõ qua câu chuyện “Lỗi lầm và sự biết ơn”. Sau đây tôi xin trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề này.
Dân gian có câu chuyện: Hai người bạn rất thân cùng nhau đi dạo ngắm biển và tranh luận về một vấn đề. Anh này không chịu anh kia đã buông lời xúc phạm bạn mình, người bị xúc phạm ghi lên cát lỗi lầm của bạn. Lúc sau, hai người quyết định đi bơi, người bị xúc phạm khi nãy bây giờ bị đuối sức, được bạn mình kéo lên. Anh ta liền khắc lên đá công ơn, sự giúp đỡ của bạn. Qua câu chuyện, ta hiểu được rằng: có những lỗi lầm cần phải quên đi, có những công ơn nghĩa tình cần phải được lưu lại và khắc sâu trong tim mãi mãi. Vậy “lỗi lầm” là gì? “Lỗi lầm” là những sai sót mà bản thân chúng ta mắc phải trong cuộc sống. Vì có những “lỗi lầm” nên mới cần đến sự tha thứ, khi chúng ta cứu giúp người khác, sẽ nhận lại “sự biết ơn”. “Biết ơn” là bày tỏ tình cảm, ghi nhớ công ơn đối với những gì cứu giúp khi gặp nạn, một lời an ủi hay cử chỉ ân cần cũng được xem như là đã giúp đỡ người khác về mặt tinh thần rồi. Câu chuyện trên là một bài học mang đậm tính giáo dục, nhân văn, sâu sắc về sự tha thứ và lòng biết ơn.
Thế tại sao chúng ta lại phải biết tha thứ cho những lỗi lầm của người khác và biết ơn khi họ làm điều gì đó tốt đẹp cho mình? Dẫu biết những lỗi lầm ấy có thể gây ra cho ta những đau buồn, thậm chí tổn thất về mặt vật chất lẫn tinh thần, song ta cần có lòng khoan dung và vị tha để quên đi, xóa bỏ theo thời gian và hãy luôn tin tưởng, hướng đến những điều tốt đẹp trong con người họ: cũng giống việc người này viết lỗi lầm của bạn mình lên cát. Hơn nữa, nếu ta không quên đi chuyện cũ mà cứ giữ lấy những lỗi lầm của người khác, thù hận thì sẽ sống mãi trong bực bội, ghen ghét, không một lúc nào tâm hồn được thảnh thơi. Nếu ta cứ nuôi dưỡng mãi sự căm hận, chẳng khác nào ta nuôi trong tâm hồn một con thú dữ luôn tìm cách hãm hại đồng loại, chực chờ mãi khiến tâm hồn ta héo mòn đi. Quan trọng hơn hết, có ai trong chúng ta là vô tội chưa, đã ai chưa từng mắc lỗi? Khi chúng ta mắc lỗi mà nhận lại được sự tha thứ, chẳng phải rất nhẹ nhõm sao? Khi người khác giúp đỡ mình, chúng ta cần phải biết ơn họ, trân trọng những sự giúp đỡ đó. Những biểu hiện của “lỗi lầm” và sự “tha thứ” luôn có trong cuộc sống quanh ta: Cha mẹ luôn luôn rộng lòng tha thứ cho những lỗi lầm của con cái hay thầy cô luôn cho học sinh mình cơ hội để sửa sai,… Sự tha thứ đó còn biểu hiện từ ngàn xưa khi Lê Lợi đánh thắng giặc Minh và còn cấp thuyền, cấp ngựa, lương thực cho chúng về nước. Quang Trung đã tha chết cho các tướng sĩ khi họ ra chịu tội, …
Thế nhưng, trong thực tế cuộc sống có những người luôn sống trong hận thù, ganh ghét, không bao giờ tha thứ cho những lỗi lầm của người khác, lại còn có những người không biết tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, thầy cô, những người giúp đỡ mình. Thật là đáng trách! Hiểu được những điều này, ta cần khắc ghi những công ơn lên “đá” – tức là trái tim mình, xóa bỏ những lỗi lầm, hận thù, ghen ghét, đố kị.
Tóm lại “lỗi lầm” và “sự biết ơn” là yếu tố quan trọng mà một con người không thể không có. Con người sống nhờ lòng khoan dung và truyền thống cội nguồn. Ngay từ khi còn là học sinh, chúng ta phải luyện cho mình câu “xin lỗi” và “cảm ơn”, phải cố gắng khắc phục những khuyết điểm về mọi mặt để hoàn thiện mình, hơn thế nữa, khi con người giúp đỡ mình, phải biết nhớ ơn họ. Là học sinh em sẽ tập sống tha thứ và thể hiện lòng biết ơn vì đó là những thái độ sống đúng đắn mà một người cần phải có trong cuộc sống hiện nay.
Nghị luận về lỗi lầm và sự biết ơn – Mẫu 3
Trong cuộc sống có lẽ ai cũng cần đến sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ từ những người xung quanh để vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống. Và cũng không ít lần ta thất vọng vì những việc làm sai trái của bè bạn, người thân. Bạn nên làm gì trong những hoàn cảnh đó? Hãy tha thứ, quên đi những hận thù và phải luôn ghi nhớ công ơn của những người đã giúp đỡ bạn, người đã mang đến cho bạn cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay. Đó cũng chính là ý nghĩa giáo dục mà câu chuyện “Lỗi lầm và sự biết ơn” muốn gửi đến chúng ta.
“Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được những điều đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người”. Đó là câu nói của người bị miệt thị trong câu chuyện. Thật vậy, câu nói đã mang đến cho người đọc, người nghe rút ra được bài học kinh nghiệm sống đẹp cho bản thân.
Điều mà anh chàng bị miệt thị ghi lên cát là lần anh bị người bạn tốt nhất miệt thị. Đó đúng là một kỷ niệm buồn, đáng quên đi. Anh ta đã ghi lên cát để điều đó bị xóa nhòa theo thời gian, bị cát vùi lấp đi cũng như sẽ tan biến dần trong lòng người. Còn khi người bạn tốt nhất của anh đã cứu anh thì điều đó được khắc lên đá, điều đó sẽ không bao giờ bị xóa nhòa cũng như điều tốt đẹp một khi đã đi sâu vào lòng người thì sẽ không bao giờ quên.” Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá”. Đó là câu cuối chuyện mà tác giả muốn gửi đến chúng ta. Đúng vậy, hãy biết quên đi sự hận thù, đừng mang nó trong lòng, hãy biết ghi nhớ ân nghĩa. Có như vậy chúng ta mới có thể sống đẹp và thấy cuộc đời này có ý nghĩa hơn.
Vậy nỗi buồn đau là gì mà ta phải ghi nó lên cát? Nỗi buồn là khi em bé bị ốm, gia đình khát khao có tiếng cười của em… Nỗi buồn là khi ông nội tôi qua đời, là khi đứa cháu bé bỏng ngày nào vẫn được ông thương yêu, chiều chuộng khóc sưng cả mắt vì nhớ ông… Hay nỗi buồn chỉ đơn giản là khi bị mẹ mắng vì làm sai, là khi bị điểm kém và hối hận vì đã đi chơi không lo học bài… Hàng ngày ta gặp phải nhiều nỗi buồn đau, bất hạnh và nhiều khó khăn thử thách trong cuộc sống. Nhưng hãy nhìn về phía tương lai đừng để những nỗi buồn dày vò bạn. Vì thế, hãy quên đi những nỗi buồn đau đã làm khổ bạn và tiếp tục bước đi.
Bạn biết không hậu quả ghê gớm và tai hại nhất do nỗi buồn gây ra chính là sự thù hận. Ta thù hận những người đã làm cản trở bước tiến trên con đường sự nghiệp mà ta hằng mơ ước. Ta thù hận những người bạn đã chế giễu ta chỉ vì ta sinh ra trong một gia đình nghèo. Hay ta hận những người đã chà đạp lên tình cảm trong trắng của lứa tuổi học trò, chúng đưa ra làm trò cười là đề tài chế giễu của những kẻ ngu ngốc. Bạn đừng nghĩ rằng sự thù hận chỉ là những ghen tức ở trong lòng, mà nó chính là thứ vũ khí sắc bén nhất cho những tội ác. Nó dẫn ta lấn sâu vào con đường tội lỗi. Và dường như cái đích của sự thù hận chính là khi ta đã ” trả thù” cho những người đã gieo dắt vào trong long ta sự thù hận đó chính là những tội ác không thể tha thứ được. Và đau khổ hơn nữa, khi ta đã đi đến cái đích cuối cùng thì không chỉ đối phương hay nói cách khác là kẻ thù của ta bị tổn thương mà ngay cả bản thân mình cũng tan nát.
Thay vì luôn nhớ tới nỗi buồn và thù hận bạn hãy khắc ghi những ân nghĩa trong lòng. Vậy bạn có biết ân nghĩa là gì? Ân nghĩa là khi ta nhận từ bố món quà sinh nhật, là khi cầm trên tay quả khế do tay bà vun trồng. Ân nghĩa là những hành động thể hiện sự biết ơn được nhắc trong bài thơ “Biết ơn”.
Qua câu chuyện “Lỗi lầm và sự biết ơn” và những việc làm thiết thực trong đời sống hãy rút ra kinh nghiệm sống cho bản thân để hướng tới một tương lai tốt đẹp đang chờ đón bạn. Phải biết quên đi nỗi dau buồn và sự thù hận, ghi nó lên bãi cát và luôn ghi nhớ ân nghĩa để nó được khắc ghi lên đá, trong lòng người. Và hãy nhớ rằng một trái tim khỏe mạnh là một trái tim luôn hướng về lòng nhân đạo, niềm vui và không có chỗ cho sự hận thù.
Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, tương lai đang rộng mở phía trước hãy sống hết mình vì mọi người và đừng bao giờ quên những ân nghĩa mà mọi người đã làm cho mình. Đừng làm mất thời gian cho nỗi buồn và sự hận thù để thấy cuộc sống mới tươi đẹp và có ý nghĩa làm sao.
Nghị luận về lỗi lầm và sự biết ơn – Mẫu 4
Trên đời có vô vàn điều không chắc chắn. Nhưng tôi biết chắc có một điều rất chắc chắn rằng không ai hoàn thiện cả. Dù có là một thiên thần, một bà tiên hay một ông Bụt cũng có lúc mắc sai lầm và chịu ơn người khác. Tuy vậy, nhưng mắc sai lầm rồi thì chán nản, chịu ơn người khác rồi thì thờ ơ như không có đúng không? Không, chắc chắn là không! Hãy nhớ rằng mỗi chúng ta cần học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá. Đó chính là bài học rút ra từ câu chuyện “Lỗi lầm và sự biết ơn”.
Câu chuyện kể về, anh chàng bị miệt thị đã viết lên cát: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã làm khác đi những gì tôi nghĩ”. Và khi anh chàng kia cứu anh thoát chết, anh cũng đã khắc lên đá rằng: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”. Khi được hỏi vì sao, anh ta trả lời: “Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người”. Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá.
Quả thật như vậy, cát luôn là những hạt li ti, nhỏ bé, chỉ cần vài cơn sóng mạnh, những nỗi buồn sẽ bị xóa đi. Còn đá, đá là một vật thể cứng, bền chắc, dù thời gian có trôi qua thì đá vẫn còn nguyên vẹn. Khi khắc ghi những ân nghĩa lên đá, nó sẽ tồn tại mãi mãi và vĩnh viễn về sau. Con người ai mà chẳng có một lần lầm lỗi. Chúng ta nên học cách tha thứ để cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn. Tâm hồn bạn sẽ thanh thản hơn khi không còn những lo toan, hận thù, ghen ghét. Thử hỏi, cuộc sống của bạn có thanh thản, nhẹ nhàng không khi trong đầu bạn chỉ toàn là sự thù hận? Cát một thứ vô tri vô giác nhưng nó có thể xóa đi dấu vết một cách nhanh chóng.
Đấy chính là lý do vì sao ta nên viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát. Thế nhưng qua những lỗi lầm ấy, ta tìm thấy được sự giúp đỡ từ mọi người. Ta cần phải biết ơn sự giúp đỡ ấy: Đó là truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Đó chính là một phương tiện để ta thực hiện việc biết ơn ấy. Đá luôn tồn tại và những ân tình ta khắc ghi trên đá cũng sẽ tồn tại và những ân tình ta khắc ghi trên đá cũng sẽ tồn tại mãi mãi. Cũng giống như câu: “Thêm một người bạn là bớt một kẻ thù”. Tất cả sẽ làm cho đời sống tinh thần của bạn trở nên thanh thản và bình yên hơn.
Tuy nhiên, cuộc sống quanh ta vẫn còn những thù hằn, ghen ghét, đố kị lẫn nhau. Đó chính là những người có lối sống nhỏ nhoi, ích kỉ. Họ thậm chí còn không biết được khái niệm của sự tha thứ và biết ơn. Đó quả là những hành động đáng bị phê phán.
Nói tóm lại, chúng ta sẽ chẳng mất nhiều công sức để làm cho cuộc sống thêm đẹp hơn. Cuộc sống luôn có lỗi lầm và hãy học cách chấp nhận điều đó. Hãy trở thành những con người biết tha thứ và biết ơn. Vậy mỗi chúng ta nên học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá.
Suy nghĩ về lỗi lầm và sự biết ơn – Mẫu 5
Chúng ta không ai là hoàn hảo. Muốn hoàn thiện bản thân mình phải trải qua nhiều lần mắc lỗi. Lỗi lầm là một phần không thể thiếu của cuộc sống dù nó nặng nề nhưng góp phần giúp con người ta hoàn thiện bản thân nhiều hơn.
Lỗi lầm là những hành động sai trái, chưa đúng với chuẩn mực mà chúng ta do vô tình hoặc cố ý gây ra cho người khác để lại hậu quả tiêu cực theo nhiều mức độ khác nhau khiến người đó không vui thậm chí là phẫn nộ.
Ai trong cuộc sống cũng sẽ mắc phải lỗi lầm, quan trọng là sau những lỗi lầm ấy ta có rút ra được bài học và khắc phục nó hay không. Xin lỗi khi ta làm sai và cảm ơn khi ta được giúp đỡ là một phép lịch sự tối thiểu thể hiện đạo đức của con người đồng thời khiến người khác tôn trọng ta hơn.
Trong cuộc sống sẽ không tránh khỏi những lúc mắc sai lầm và những lúc mình rơi vào hoàn cảnh éo le được người khác giúp đỡ, chính vì thế chúng ta cần thể hiện thái độ hối hận hoặc biết ơn với họ; đồng thời rút kinh nghiệm cho bản thân cũng như sửa đổi và tự đúc rút bài học cho mình. Nếu xã hội ai cũng biết nói cảm ơn và xin lỗi đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm thì xã hội này sẽ tốt đẹp hơn, văn minh hơn.
Bên cạnh đó, trong xã hội hiện nay vẫn còn nhiều người không biết hoặc không dám thừa nhận lỗi lầm của mình, lại có những người vô cảm, lãnh đạm trước sự giúp đỡ của người khác,… đấy là những con người hèn nhát đáng bị chỉ trích. Là một người trẻ, có nhiều cơ hội đang chờ đón phía trước, chúng ta đừng sợ sai lầm mà hãy cố gắng hết mình trong học tập cũng như rèn luyện bản thân để trở nên hoàn thiện hơn.
Ai cũng sẽ mắc lỗi, điều quan trọng là sau những lỗi lầm ấy ta lại rút ra cho bản thân những bài học quý giá để tiến về phía trước. Hãy sống bằng nhiệt huyết và trái tim để thấy cuộc đời luôn ý nghĩa.
Suy nghĩ về lỗi lầm và sự biết ơn – Mẫu 6
Cuộc sống con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội. Bởi vậy là trong quá trình sinh sống, làm việc và giao tiếp, trước những tác động của những nhân tố xung quanh, con người rất khó có thể tránh được những sai lầm.
Gây ra những lỗi lầm là điều không ai mong muốn, thế nhưng biết trước hậu quả và những tổn thương có thể gây ra cho mọi người xung quanh mà vẫn làm thì thực đáng trách. Lỗi lầm là những sai lệch về lời nói, hành vi có thể gây ra những hậu quả xấu. Một lời nói vô tình, một hành động thiếu chuẩn mực không chỉ làm rạn nứt mối quan hệ mà còn có thể làm tổn thương sâu sắc đến niềm tin, tình cảm của người khác. Sai lầm cũng như một con dao hai lưỡi, nó không chỉ làm cho mọi việc thêm tồi tệ, đánh mất đi niềm tin và sự tôn trọng của người khác mà chính bản thân chúng ta sẽ cảm thấy áy náy, day dứt khi mắc lỗi.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách công bằng, không nên quá khắt khe với những lỗi lầm mà bản thân vô tình gây ra. Bởi, cuộc sống luôn tồn tại những bất ngờ mà bản thân chúng ta không tránh khỏi những lúc mắc sai lầm. Nếu chúng ra biết nhận ra lỗi và có ý thức sửa chữa, thay đổi thì đó là điều đáng quý, bản thân chúng ta sẽ được hoàn thiện lên từng ngày. Mặt khác, nhìn thấy sự cố gắng thay đổi, cải thiện của bản thân, mọi người sẽ ghi nhận và dành cho chúng ta tình cảm yêu mến, kính trọng.
Trong thực tế, có rất nhiều người sau khi gây ra lỗi lầm nhưng không biết hối hận, sửa chữa, cũng có những người vì lợi ích của bản thân mà cố tình gây ra những mất mát, tổn thương cho người khác. Chúng ta cần lên án những con người, hành động đó. Hãy sống trung thực, ngay thẳng và dám nhìn nhận vào những sai lầm của bản thân để sửa chữa và hướng đến những điều tốt đẹp.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 10: Nghị luận về lỗi lầm và sự biết ơn (Dàn ý + 6 mẫu) Những bài văn hay lớp 10 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.