Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận 4 câu đầu bài Câu cá mùa thu (Dàn ý + 3 Mẫu) Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Cảm nhận 4 câu đầu bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến bao gồm dàn ý chi tiết kèm theo 3 mẫu cực hay, giúp cho các em học sinh tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng về văn cảm nhận đánh giá bài thơ ngày một tốt hơn.

Bài thơ Câu cá mùa thu các em sẽ được học trong chương trình Ngữ văn 10 Cánh diều và chương trình Ngữ văn 8 Kết nối tri thức. Vì thế với 3 mẫu cảm nhận 4 câu đầu Câu cá mùa thu cực chất gồm cả bài làm ngắn gọn và đầy đủ để các bạn tham khảo, lựa chọn theo sức viết của mình, giúp các bạn học môn Ngữ văn dễ dàng và có sự chuẩn bị tốt hơn khi học. Bên cạnh đó các bạn xem thêm phân tích Câu cá mùa thu.

Dàn ý cảm nhận 4 câu đầu bài Câu cá mùa thu

a) Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

  • Nguyễn Khuyến là một trong hai đại biểu xuất sắc cuối cùng của nền văn học Trung đại Việt Nam, bậc quán quân về thơ tả cảnh mùa thu nổi tiếng với chùm thơ thu ba bài Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm.
  • Thu điếu có nét đặc sắc riêng, tả cảnh thu ở một không gian thời gian cụ thể, đằng sau cảnh thu tĩnh lặng là nỗi niềm tâm sự thầm kín của thi nhân.

– Khái quát nội dung 4 câu đầu: Cảnh sắc mùa thu của làng quê Bắc Bộ đẹp mộc mạc, giản dị.

b) Thân bài

* Giới thiệu chung về bài thơ

– Mùa thu là đề tài quen thuộc của thi ca. Thơ viết về mùa thu của văn học Trung đại Việt Nam thường miêu tả cảnh đẹp vắng vẻ, úa tàn và u buồn. Cảnh thu được ghi lại một cách ước lệ tượng trưng với những nét chấm phá, chớp lấy cái hồn của tạo vật. Thu điếu của Nguyễn Khuyến cũng mang nét thi pháp ấy.

– Nhưng Nguyễn Khuyến được mệnh danh là nhà thơ của làng quê Việt Nam. Gần suốt đời mình, ông gắn bó với thôn quê, hòa hợp và thấu hiểu mảnh đất quê nhà. Thế nên, cảnh vật làng quê trong thơ ông hiện lên rất chân thực, giản dị, tinh tế. Đọc Thu điếu, ta bắt gặp một bức tranh thu đặc trưng của vùng chiêm trũng Bắc Bộ, quê hương của nhà thơ. Đấy chính là nét mới mẻ của tác phẩm so với thi pháp truyền thống của văn học Trung đại Việt Nam.

– Thu điếu viết bằng chữ Nôm, làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Cảnh thu được miêu tả trong hầu hết 8 câu thơ, hình ảnh con người chỉ xuất hiện trực tiếp ở hai câu cuối bài. Cảnh trong bài vẫn là trời nước, gió, trúc – những thi liệu quen thuộc nhưng hồn thơ thì đã vượt ra khỏi khuôn sáo thi tứ cổ điển.

* Cảm nhận 4 câu đầu bài thơ Thu điếu

– Hai câu đề

  • Hình ảnh đầu tiên được tác giả miêu tả là “ao thu”.
  • Từ “lạnh lẽo” đặc tả khí lạnh của ao nước mùa thu, dường như cái lạnh ấy thấm sâu vào da thịt con người.
  • Tính từ “trong veo” đã tuyệt đối hóa độ trong của nước, đồng thời còn gợi ra độ thanh sạch, sự bất động, tĩnh lặng của mặt ao.
  • Hai âm “eo” được gieo trong một câu khiến cho cảm giác về cái lạnh và sự ngưng đọng của không gian càng trở nên tuyệt đối, đồng thời còn gợi ra không gian nhỏ hẹp của chiếc ao.
  • Trên nền cảnh thu ấy xuất hiện một chiếc thuyền câu lẻ loi, đơn chiếc, bé nhỏ. Số từ chỉ số ít “một chiếc” kết hợp với từ láy “tẻo teo” khiến cho chiếc thuyền càng nhỏ bé hơn, như co lại thành một nét chấm trên nền ao cũng bé xíu và trong trong tận đáy.

=> Hai câu đề đã vẽ nên cảnh sắc rất riêng biệt, mộc mạc, đơn sơ của mùa thu Bắc Bộ với những nét đặc trưng nhất của khí thu, chất thu là cái lạnh và sự tĩnh lặng.

Tham khảo thêm:   Lịch sử Địa lí lớp 4 Bài 20: Thành phố Hồ Chí Minh Giải Lịch sử Địa lí lớp 4 sách Cánh diều

– Hai câu thực

  • Mùa thu tiếp tục hiện lên với hình ảnh “sóng biếc”, “lá vàng”.
  • Cảnh vận động một cách khẽ khàng:

Tác giả đã rất nhạy cảm, tinh tế khi chớp được những biến động tinh vi của tạo vật.
Sự chuyển động “hơi gợn tí” của sóng, là sự đưa nhẹ, khẽ khàng của chiếc lá vàng, là sự mong manh uốn lượn của hơi nước mờ ảo trên mặt ao.

  • Hai câu thơ đối nhau rất chỉnh, các sự vật có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, gió thổi làm sóng gợn, làm lá rơi.
  • Các tính từ, trạng từ “biếc”, “tí”, “vàng”, “khẽ”, ”vèo” được sử dụng một cách hợp lí, giàu chất tạo hình, vừa tạo ra bức tranh màu sắc thanh nhã, có xanh có vàng, vừa gợi được sự uyển chuyển, sinh động của tạo vật.

=> Cảnh được miêu tả trong hai câu thực, mặc dù là động, nhưng vì động khẽ khàng quá nên thực chất là lấy động để tả cái tĩnh lặng của mùa thu trong không gian của một chiếc ao quê nhà.

c) Kết bài

– Nêu cảm nhận, đánh giá chung của em về 4 câu thơ.

Ví dụ: Bài thơ Thu điếu không những thể hiện được cái hồn của cảnh thu mà còn đặc tả được nét đẹp mộc mạc giản dị của nông thôn đồng bằng Bắc bộ xưa. Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, Nguyễn Khuyến đã khơi gợi trong lòng người đọc những xúc cảm chân thành, trong sáng, tha thiết về cảnh sắc làng quê. Qua bài thơ, ta hiểu thêm về tấm lòng nặng tình non nước và tài thơ Nôm độc đáo của thi nhân.

Cảm nhận 4 câu đầu bài Câu cá mùa thu – Mẫu 1

Nhắc tới văn học Trung đại Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc tới nhà thơ Nguyễn Khuyến với chùm ba bài thơ thu. Trong đó bài thơ “Cảm xúc mùa thu” đã vẽ nên một bức tranh thu tuyệt đẹp và cũng nói lên tâm trạng của chính tác giả.

Mùa thu là đề tài quen thuộc của thi ca, và thơ về mùa thu trong văn học Trung đại Việt Nam thường mô tả cảnh đẹp lặng lẽ, úa tàn và buồn bã. “Cảm xúc mùa thu” của Nguyễn Khuyến cũng mang đậm nét u buồn trong tâm trạng của người thi nhân vào cảnh đẹp của mùa thu. Bài thơ “Cảm xúc mùa thu” mang đến một bức tranh thu đặc trưng của vùng chiêm trũng Bắc Bộ, quê hương của thi sĩ. Điều này đại diện cho sự đổi mới trong truyền thống văn học Trung đại Việt Nam.

Trong bài thơ, hai câu đề đã mở ra một không gian rộng lớn với những cảnh sắc đặc trưng của vùng chiêm trũng Bắc Bộ.

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Hình ảnh đầu tiên mô tả “ao thu” với từ “lạnh lẽo” tạo nên sự lạnh giá của ao nước mùa thu, sự lạnh thấu xương đến tận tâm hồn con người. Tính từ “trong veo” tạo ra sự trong suốt của nước, đồng thời gợi lên sự thanh sạch, yên bình của mặt ao. Điều này mang đến không khí se lạnh và tĩnh lặng, hai đặc điểm đặc trưng của mùa thu ở Bắc Bộ.

Tiếp theo, mùa thu tiếp tục hiện lên với hình ảnh “sóng biếc” và “lá vàng”. Cảnh vật trong bài thơ được thể hiện một cách khẽ khàng, tinh tế, lấy cảm hứng từ sự biến động tinh xảo của các yếu tố tự nhiên. Sự chuyển động nhẹ nhàng của sóng, chiếc lá vàng bay nhẹ, cùng với sự mờ ảo và uốn lượn của hơi nước trên mặt ao, tạo nên một khung cảnh tươi đẹp và sống động.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Tác giả sử dụng các tính từ và trạng từ như “biếc”, “tí”, “vàng”, “khẽ”, “vèo” một cách sáng tạo, giàu chất tạo hình, tạo ra một bức tranh màu sắc thanh nhã, pha trộn giữa sắc xanh và vàng, đồng thời gợi lên sự mềm mại, sinh động của tạo vật.

Từ cảnh ao thu lạnh lẽo, trong veo đến sóng biếc và lá vàng nhẹ nhàng, bức tranh thu được tạo nên một không gian tĩnh lặng và đầy sức sống. Điều đặc biệt trong bài thơ là sự đổi mới trong việc tả cảnh thu, mang đến một góc nhìn mới mẻ, giản dị và chân thực. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ tinh tế và nhạy bén, tác giả đã tạo ra một bức tranh thu đậm chất thi ca, khắc họa được sự thanh nhã và sắc nét của mùa thu Bắc Bộ.Bài thơ mang đến cho người đọc sự hòa mình vào không gian mùa thu yên bình, khiến chúng ta cảm nhận được hơi thở của thiên nhiên và tâm hồn của người viết. Chỉ qua bốn câu thơ đầu, Nguyễn Khuyến đã khéo léo diễn tả sự phối hợp hài hòa giữa sắc thái màu sắc và cảm xúc, từ đó gợi lên trong lòng người đọc những tưởng tượng và trạng thái tinh thần riêng.

Tham khảo thêm:   Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Hóa học lớp 10 năm 2022 - 2023 3 Đề thi Hóa giữa kì 2 lớp 10 (Có đáp án)

Cảm nhận 4 câu đầu bài Câu cá mùa thu – Mẫu 2

Mùa thu là một trong những đề tài lớn của thơ ca nhân loại. Nói tới đề tài này trong thơ ca Việt Nam chúng ta có thể kể tới rất nhiều tác giả với những sáng tác xếp vào hàng kiệt tác, trong số đó có Nguyễn Khuyến với chùm ba bài thơ thu. Mỗi bài trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến là một bức tranh thu đặc sắc, và Câu cá mùa thu được đánh giá là “điển hình hình cho thơ ca mùa thu của làng cảnh Việt Nam” (Xuân Diệu).

Mùa thu là đề tài quen thuộc của thi ca. Thơ viết về mùa thu của văn học Trung đại Việt Nam thường miêu tả cảnh đẹp vắng vẻ, úa tàn và u buồn. Cảnh thu được ghi lại một cách ước lệ tượng trưng với những nét chấm phá, chớp lấy cái hồn của tạo vật. Thu điếu của Nguyễn Khuyến cũng mang nét thi pháp ấy.

Nhưng với cụ Tam nguyên – Nguyễn Khuyến được mệnh danh là nhà thơ của làng quê Việt Nam. Gần suốt đời mình, ông gắn bó với thôn quê, hòa hợp và thấu hiểu mảnh đất quê nhà. Thế nên, cảnh vật làng quê trong thơ ông hiện lên rất chân thực, giản dị, tinh tế. Đọc Thu điếu, ta bắt gặp một bức tranh thu đặc trưng của vùng chiêm trũng Bắc bộ, quê hương của nhà thơ. Đấy chính là nét mới mẻ của tác phẩm so với thi pháp truyền thống của văn học Trung đại Việt Nam.

“Thu điếu” được tác giả viết bằng chữ Nôm, làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Cảnh thu được miêu tả trong hầu hết 8 câu thơ, hình ảnh con người chỉ xuất hiện trực tiếp ở hai câu cuối bài. Cảnh trong bài vẫn là trời nước, gió, trúc – những thi liệu quen thuộc nhưng hồn thơ thì đã vượt ra khỏi khuôn sáo thi tứ cổ điển.

Cảnh thu trong bài được đón nhận từ nhiều góc độ khác nhau: từ gần đến xa, từ thấp lên caọ, từ hẹp đến rộng… Dưới nhiều góc độ như vậy, cảnh sắc mùa thu được mở ra nhiều hướng thật sinh động và gợi cảm. Từ ao thu đến trời thu rồi đến đường thôn xóm… tất cả đều toát lên cái hồn thu, cảnh thu xiết bao thân thuộc của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Cái hồn ấy được gợi lên từ những khung cảnh, những cảnh vật hết sức thanh so: ao nhỏ trong veo, thuyền câu bé tí, sóng biếc gợn, lá vàng khẽ đưa, tảng mây lơ lửng, ngõ trúc quanh co… sắc xanh của trời hoà lẫn cùng sắc xanh của nước tạo nên một không gian xanh trong, dịu nhẹ, một chút sắc vàng của lá rụng trên cái nền xanh ấy khiến cảnh thu, hồn thu càng thêm phần sống động.

Những đường nét, màu sắc… gợi lên trong tưởng tượng của người đọc khung cảnh của một buổi sớm thu yên bình trên một làng quê miền Bắc với bầu trời thu cao rộng, khoáng đạt, những ao chuôm trong vắt phản chiếu màu trời, màu lá, thôn xóm với những con đường nhỏ quanh co hun hút xanh màu tre trúc, gió thu dịu mát khẽ làm xao động mặt nước, thỉnh thoảng một vài chiếc lá rụng cắt ngang không gian… Trong bức tranh thu này mọi cảnh vật hiện ra đều rất đỗi bình dị, dân dã.

Khung cảnh ấy vẫn thường hiển hiện vào mỗi độ thu về trên những làng quê và đi vào tâm thức của bao người, nhưng lần đầu tiên được Nguyễn Khuyến vẽ ra với nguyên cái thần thái tự nhiên của nó và khiến ta không khỏi ngỡ ngàng xúc động. Đó là một mùa thu trong trẻo, thuần khiết, mát lành đã bao lần đến trên quê hương của mỗi chúng ta.

Phải gắn bó tha thiết với quê hương, phải có một tâm hồn nhạy cảm đến độ nào thì Nguyễn Khuyến mới có thể tái hiện một cách tài tình tất cả vẻ đẹp xiết bao bình dị mà nên thơ của mùa thu làng quê Bắc Bộ vào trong những vần thơ tự nhiên, giản dị đến thế. Thơ thu Việt Nam giàu có, đặc sắc hơn bởi những vần thơ như thế của Nguyễn Khuyến.

Tham khảo thêm:   Tự nấu chè dưỡng nhan vừa an toàn mà còn đẹp da

Cảm nhận 4 câu đầu Câu cá mùa thu – Mẫu 3

Nguyễn Khuyến được mệnh danh là “Nhà thơ của làng cảnh Việt Nam”, qua ngòi bút tài hoa và tấm lòng yêu thương, gắn bó của ông, hình ảnh làng quê Bắc Bộ yên bình mà thơ mộng hiện lên sống động trong từng trang văn. Nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông có thể kể đến chùm 3 bài thơ thu: Thu điếu, thu ẩm, thu vịnh. Trong đó, bài thơ Câu cá mùa thu (Thu ẩm) được đánh giá là bài thơ “điển hình hơn cả cho thơ ca mùa thu của làng cảnh Việt Nam”, bức tranh mùa thu được thể hiện rõ nét qua bốn câu thơ đầu của bài.

Mở đầu bài thơ, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã mở ra không gian cao rộng với những cảnh sắc đặc trưng của vùng chiêm trũng Bắc Bộ:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Cảnh thu được người thi nhân cảm nhận từ nhiều góc nhìn khác nhau, từ xa đến gần, từ thấp đến cao làm cho bức tranh mùa thu trở nên ấn tượng, sống động. Giữa không gian rộng lớn mang theo hơi lạnh của “ao thu”, sự xuất hiện của chiếc thuyền câu “bé tẻo teo” như một nét điểm xuyết cho bức tranh thơ. Tính từ “lạnh lẽo” đã đặc tả cái lạnh giá của ao nước mùa thu, “trong veo” lại tạo ấn tượng về độ trong của dòng nước. Câu thơ “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” đã gợi ra không khí se lạnh, không gian tĩnh lặng điển hình của mùa thu Bắc Bộ.

Giữa nền thiên nhiên trong trẻo nhưng tĩnh lặng, sự xuất hiện của một chiếc thuyền câu nhỏ bé càng làm nổi bật sự thanh tĩnh của không gian. Số từ “một chiếc” được kết hợp với từ láy “tẻo tẹo” mang đến ấn tượng nhỏ bé đến tột cùng.

Như vậy, chỉ với vài nét vẽ, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã mở ra bức tranh mùa thu Bắc Bộ với những cảnh sắc thật riêng biệt, vừa có cái mộc mạc, gần gũi vừa có cái mới mẻ, độc đáo. Nổi bật hơn cả trong hai câu đề là đặc trưng về tiết trời và không khí mùa thu, đó là cái se lạnh của thời tiết và sự tĩnh lặng của không gian.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Đến hai câu thơ thực, nhà thơ tập trung khắc họa những đường nét gợi cảm, sinh động của mùa thu qua những làn sóng biếc và những chiếc lá vàng. “Hơi gợn tí”, “khẽ đưa vèo” là những chuyển động rất khẽ, rất nhẹ của sóng, của lá mà nếu không đủ nhạy cảm, tinh tế thì sẽ không thể phát hiện ra. Có thể thấy nhà thơ Nguyễn Khuyến đã rất tinh tế khi đã cảm nhận được những biến chuyển tinh vi của tạo vật, đó là làn sóng khẽ gợn trên mặt nước, là sự lay động khẽ khàng của những chiếc lá.

Với những hình ảnh tự nhiên, gần gũi kết hợp với nghệ thuật đối rất chỉnh, Nguyễn Khuyến đã tạo ra một sự liên kết chặt chẽ mà hài hòa giữa những sự vật: gió thổi theo sóng khẽ gợn, làm chiếc lá nhẹ nhàng Mặt khác, các tính từ, trạng từ “biếc”, “vàng”, “tí”, “khẽ”, “vèo” được nhà thơ sử dụng rất hiệu quả trong hai câu thực, sự kết hợp giữa chúng không chỉ làm cho bức tranh thu trở nên rõ nét về màu sắc và âm thanh mà còn làm cho những sự vật trở nên sống động, gợi cảm hơn với những chuyển động nhẹ nhàng, tinh tế.

Chỉ với những nét vẽ đơn giản, bốn câu thơ đầu tiên đã mở ra bức tranh mùa thu đẹp nhưng tĩnh lặng. Bức tranh không chỉ đơn thuần tả cảnh mà còn trở nên sống động, đặc biệt bởi nó chứa đựng cái “tình” của người thi nhân. Đó là sự gắn bó thiết tha, là tình yêu bình dị mà sâu sắc của nhà thơ với thiên nhiên, làng quê của mình. Đọc Câu cá mùa thu, đặc biệt là bốn câu thơ đầu, ta như trở được đắm mình trong không gian quen thuộc mà độc đáo của mùa thu vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận 4 câu đầu bài Câu cá mùa thu (Dàn ý + 3 Mẫu) Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *