Bạn đang xem bài viết ✅ Truyện ngắn Thạch Lam Tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Thạch Lam là một trong những nhà văn nổi tiếng của nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Tác phẩm của ông mang một phong cách đặc biệt, thể hiện tài năng, sở trường sáng tạo nghệ thuật độc đáo.

Truyện ngắn Thạch Lam không hấp dẫn bạn đọc bằng những chi tiết xung đột gay cấn, mà gây xúc động độc giả bằng lối kể chuyện tâm tình, tâm sự về những cảnh đời, cảnh sống tối tăm, tù túng, tội nghiệp. Sau đây, Wikihoc.com xin giới thiệu đến các bạn độc giả 33 truyện ngắn của Thạch Lam được chúng tôi tổng hợp chi tiết, chính xác và đăng tải ngay sau đây. Mời các bạn tham khảo.

Tổng hợp nội dung truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam

  • Duyên số
  • Hai lần chết
  • Một cơn giận
  • Một đời người
  • Người bạn trẻ
  • Người lính cũ
  • Nhà mẹ Lê
  • Tiếng chim kêu
  • Tiếng sáo
  • Trở về
  • Bắt đầu
  • Bên kia sông
  • Bóng người xưa
  • Buổi sớm
  • Cái chân què
  • Cô áo lụa hồng
  • Cô hàng xén
  • Dưới bóng hoàng lan
  • Đói
  • Đứa con
  • Đứa con đầu lòng
  • Gió lạnh đầu mùa
  • Kẻ bại trận
  • Đêm sáng trăng
  • Nắng trong vườn
  • Cuốn sách bỏ quên
  • Hai đứa trẻ
  • Người đầm
  • Trong bóng tối buổi chiều
  • Những ngày mới
  • Tối ba mươi
  • Tình xưa
  • Sợi tóc
  • Người bạn cũ

Duyên số

Ăn cơm xong, chúng tôi bắc ghế ngồi trong vườn. Anh Vân, chủ nhà, đang loay hoay pha mấy chén cà phê, mùi thơm phảng phất bốc trong không khí yên lặng.

Đã hai năm nay anh Bình và tôi mới lại gặp Vân.

Ba chúng tôi là bạn bè rất thân mật. Nhân nói tới việc anh Vân mới cưới vợ, câu chuyện cứ quanh quẩn về việc vợ con và lập gia đình.

Bình nói:

– Tôi chỉ ước sao được một người vợ tuyệt đẹp thế là đủ.

Tôi tiếp:

– Tôi cũng ước như vậy.

Vân đáp:

– Người đẹp thì vẫn hay lắm. Nhưng tôi thì tôi cho việc vợ chồng chẳng qua là duyên số.

Chúng tôi phì cười:

– Anh này bây giờ thành ông thầy tướng chắc! Duyên số là cái quái gì mới được chứ?

– Là một sự bí mật không ai hiểu, mà chính tôi cũng không hiểu. Các anh hãy lặng yên để tôi kể câu chuyện của tôi cho mà nghe.

Nói xong, Vân điềm nhiên, thong thả châm điếu thuốc hút, rồi thong thả kể như một ông cụ:

– Chắc các anh cũng rõ, trước kia, tôi cũng lãng mạn như những người trẻ tuổi khác. Nghĩa là bình sinh chỉ ao ước được một người tuyệt thế giai nhân, như Tây Thi chẳng hạn để sánh vai, kề gối thì mới mãn nguyện. Mà việc ấy riêng đối với tôi thì lại có thể dễ dàng lắm, vì nhà tôi giàu, mẹ tôi lại chiều chuộng. Chỉ còn việc đi tìm người đẹp nữa là xong. Tôi bèn đi khắp thành phố Hà Nội, trong lòng tâm tâm niệm niệm sẽ tìm được con người trong lý tưởng.

Một hôm trong hội chợ tôi vào xem một gian hàng thêu. Lúc quay ra gặp ngay một bà cụ già tóc bạc phơ, với lại, đứng đằng sau… một cô gái.

Thoạt mới nhìn đôi mắt cô ta, tôi choáng váng như người nhắp cốc rượu mạnh. Thế rồi tôi yêu cô ta ngay, yêu tha thiết, yêu say đắm, không biết thế nào mà tả được. Tôi không biết rõ mặt mũi cô ta ra sao nữa, vì mỗi lần nhìn thì lại bị đôi mắt đen huyền ảo của cô ta làm choáng váng. Nhưng điều tôi chắc chắn, là cô ta rất đẹp. Ở hội chợ ra, tôi cứ theo riết cô ta và bà cụ về đến tận nhà, và sau khi đi đi lại lại trước nhà cô ta cho mãi đến 9 giờ tối, tôi mới chịu bỏ ra về.

Từ đấy, không ngày nào là tôi không đến đứng ở đầu phố hay qua nhà cô ta để mong được gặp mặt. Có khi đứng yên lặng hàng nửa giờ dưới mưa gió, tôi vẫn kiên gan không hề phàn nàn, chỉ mong nhìn mặt cô ta một lần cho đỡ nhớ. Bây giờ nghĩ lại độ ấy thật gian nan khó nhoc hơn một người đi lính.

Tuy vậy mà ba tháng đã trôi qua, tôi vẫn chưa tìm được cách nào để tỏ cho cô ta biết rằng tôi yêu cô ta, mà tôi cũng chưa rõ cô ta có để ý đến tôi không.

Trong lúc tôi đang mê mải về cô thiếu nữ ấy, một hôm mẹ tôi gọi đến bảo:

– Anh đã muốn lấy vợ chưa?

– Con ấy à? Rất sẳn lòng.

– Thế thì hay lắm. Tôi đã tìm được cho anh một chỗ rất môn đăng hộ đối, mà nhà lại giàu. Bà cụ là bạn cũ của tôi, còn cô ta…

Tôi không để cho mẹ tôi nói hết:

– Mẹ cứ để con chọn lấy, không cần gì giàu nghèo hay sang trọng, miễn là người ý hợp tâm đầu với con là được rồi.

– Nhưng anh có biết mặt cô này đâu. Cô ta ngoan ngoãn, có vốn liếng, mà cũng xinh đẹp.

Tôi nghĩ đến cái nhan sắc lộng lẫy của người vẫn mơ tưởng, nên không thiết gì bàn luận nữa. Mẹ tôi cũng chiều tôi không ép, nhưng còn tiếc:

– Không đám nào hơn đám này đâu, anh ạ. Nếu anh bằng lòng thì được ngay.

Tôi đâm gắt:

……………………

Hai lần chết

Dung là con thứ bốn. Vì vậy khi nàng ra đời, không được cha mẹ hoan nghênh lắm. Thực ra, không phải cha mẹ nàng hất hủi con, vẫn coi người con như một cái phúc trời ban cho, nhưng lúc bấy giờ cha mẹ nàng đã nghèo rồi. Với ba người con trước, hai trai, một gái, cha mẹ dung đã thấy khó nhọc, vất vả làm lụng mới lo đàn con đủ ăn, và hai con trai được đi học. Sau Dung lại còn con bé út nữa, nên cảnh nhà càng thêm túng bấn.

Khi sinh ra Dung, mẹ nàng vì bận buôn bán, giao phó nàng cho người u già trông nom. Người u già này ở nhà Dung đã lâu lắm, đã nuôi và săn sóc tất cả anh chị Dung từ lúc bé. Nhưng, không biết vì có phải thấy Dung ra đời trong sự lãnh đạm, mà u già đem bụng thương yêu Dung chăng. U săn sóc, bế ẵm nàng, và chăm chút nàng quý như con đẻ vậy, tuy Dung lúc bé ốm yếu khó nuôi và lại ghẻ lở bẩn thỉu nữa.

Tham khảo thêm:  

Cha Dung chẳng làm gì cả. Từ xưa đến nay vẫn thế. Hình như ông ta sinh ra đời là chỉ để ngồi ở nhà cho lúc nào cũng có người và để những ngày giỗ tết trong họ, khăn áo chỉnh tề đi ăn cỗ mà thôi. Không ai thấy ông ta làm một việc gì, mà cũng không ai nghĩ đến sự ông ta phải làm một việc gì.

Ông lúc nào cũng ngồi rung đùi bên cạnh cái điếu ống mà ông sửa chữa rất kêu, thỉnh thoảng hút một điếu, rồi lại trầm ngâm như đang nghĩ ngợi một sự gì quan trọng. Những lúc ấy u già biết là ông chẳng nghĩ sự gì quan trọng cả, bèn đem Dung đến cho ông bế. Ông giơ hai tay ẵm Dung vào lòng, hôn hít, rồi xốc Dung lên trên đùi, ngoáy bụng cho nó cười, rồi lại trịnh trọng đưa trả u già. Xong, Ông lại ngồi nghĩ ngợi.

Có lẽ ông nghĩ tình cảnh nhà ông, hồi còn ông cụ đi làm việc quan, rất giàu có và hách dịch suốt một vùng này. Từ khi cụ cố mất đi, cơ nghiệp ăn tiêu dần, cảnh nhà thành ra sa sút, chỉ còn cái danh không.

Cha mẹ Dung cũng không nghĩ đến sự bắt nàng đi học như anh chị nàng, có lẽ vì nghĩ rằng lo cho hai người cũng đã đủ.

Dung càng lớn càng gầy gò đi. Suốt ngày nàng chỉ chạy đánh khăng đánh đáo với lũ trẻ con nhà “hạ lưu” cha nàng gọi thế những người nghèo khổ trú ngụ ở chung quanh xóm chợ. Nhiều khi đi đâu về trông thấy, cha nàng gọi về, đánh cho mấy roi mây và cấm từ đấy không được chơi với lũ trẻ ấy. Những trận đòn xong, Dung lại mon men chơi với lũ trẻ, và thấy hình như cha nàng cũng chỉ cấm lấy lệ chứ không thiết gì đến, nàng lại vững tâm nhập vào bọn hạ lưu đó, suốt ngày dông dài ở ngoài chợ.

Một đôi khi, mẹ nàng kịp về đến nhà trông thấy nàng quần áo lôi thôi lếch thếch và chân tay lấm, bùn, chỉ chép miệng thở dài nói:

– Con này rồi sau đến hỏng mất thôi.

Rồi bà lại quay đi buôn bán như thường, sau khi đã để lại cho chồng một món tiền tiêu pha trong nhà, và sau khi anh chị Dung mỗi người đã nũng nịu đòi được một hào để ăn quà.

Dung thấy thế cũng chẳng ganh tị, vì nàng xưa nay đối với các anh chị cũng không thân thiết lắm. Những khi nàng đang chơi thấy đói, nàng lại chạy về xin u già bát cơm nguội hay thức ăn gì khác thế nào u già cũng đã để phần rồi chạy nhảy như một con vật non không biết lo nghĩ gì.

Những sự ấy đã làm cho Dung có một cái tính an phận và nhẫn nại lạ lùng. Ngày trong nhà có tết nhất, các anh chị và em nàng được mặc quần áo mới vui chơi, còn nàng vẫn cứ phải áo cũ làm lụng dưới bếp, Dung cũng không ta thán hay kêu ca gì. Mà nàng biết kêu ca cũng không được. Nhiều lần nàng đã nghe thấy u già nói mẹ nàng may cho cái áo, thì mẹ nàng trả lời:

– May cho con nặc nô ấy làm gì. Để nó làm rách nát ra à?

Còn nói với cha thì Dung biết là vô công hiệu, vì cha nàng không dám tự ý làm cái gì bao giờ cả.

Cuộc đời cứ đi như thế trong cái xó chợ cỏn con ấy. Thấm thoát Dung đã mười bốn tuổi, nhưng ai cũng tưởng là hãy còn trẻ con, mà tính tình nàng như đứa trẻ con thật. U già đã có khi phải gắt lên với nàng:

– Bây giờ cô phải đứng đắn lên một tí chứ. Nhiều tuổi rồi còn gì nữa.

Dung ngây thơ hỏi:

– Đứng đắn là thế nào cơ, u?

– Đứng đắn là đứng đắn chứ còn thế nào nữa, cô hỏi lẩn thẩn lắm. Cô không có vẻ người lớn một tí nào cả.

– Ừ, thì tôi không người lớn. Nhưng không người nhớn thì làm sao hở u?

U già vác quạt đánh, Dung chạy lại ôm lấy, rồi âu yếm ghé tai u già nói khẽ:

– Tôi có người lớn, cậu mợ cũng không yêu hơn cơ mà.

Thế là hai u cháu lại lặng yên không nói gì nữa.

Một hôm mẹ Dung đưa một bà ở trên tỉnh về chơi. Thấy người lạ, nhất là cách ăn mặc thị thành của bà khách. Dung cứ đứng dán mắt lên nhìn. Mà lạ thay, lần này Dung không thấy mẹ quát mắng bảo lui đi như mọi bận có khách khác. Mà bà khách lạ cũng chăm chú nhìn Dung từ đầu đến chân, lại hỏi han Dung nữa.

Sau hai bà thì thầm với nhau mãi. Mẹ Dung mời bà khách ở lại ăn cơm, rồi thân hành tiễn bà ra ga. Bẵng được ít lâu, một hôm mẹ Dung bổ hàng về, gọi Dung lại gần, lấy ra một gói bọc giấy mà bảo:

……………………….

Cái chân què

Cuộc đời có nhiều cái chế riễu đắng cay và đau đớn làm cho chúng ta đột nhiên hiểu cái ý nghĩa chua chát và sâu xa. Tôi sẽ kể câu chuyện dưới đây làm chứng cho sự ấy.

Tôi có một người bạn tên là Minh. Anh ta là một thiếu niên linh lợi, đảm đang và rất có nghị lực. Nhà anh vốn nghèo. Cũng vì cái nghèo ấy, mà từ thuở nhỏ, anh Minh đã phải chịu bao nhiêu nỗi khổ sở, thiếu thốn, không kể những nỗi bị ức hiếp mà những người nghèo ở thời nào cũng phải chịu. Vì vậy, khi lớn lên, Minh chỉ có một chủ đích: làm giàu. Anh ta vẫn thường nói với tôi: “Đời bây giờ, chỉ có một sức mạnh, là đồng tiền. Nếu anh có tiền, anh làm gì cũng được”. Tôi mỉm cười hoài nghi trả lời rằng sự đó không chắc lắm, rằng tuy đồng tiền là một sức mạnh đáng quý thật vì ai dám chê bai nó? Nhưng không phải là mục đích cốt yếu ở đời vì đồng tiền không đem lại cho ta sự sung sướng bao giờ cả. Minh nhún vai, cho tôi là một anh thi sĩ viển vông, chỉ biết mơ màng hão mà không biết đến những sự thiết thực khác cần hơn nữa.

Tham khảo thêm:   Tập làm văn lớp 5: Tả cảnh dòng sông Hương 3 Dàn ý & 14 bài văn tả dòng sông lớp 5

Nhưng anh Minh hình như bị cái không may nó ám ảnh. Những công việc anh hăng hái làm đều bị thất bại cả. Những lúc anh tưởng được thành công, tưởng sẽ nắm trong tay được món tiền, thì lại là những lúc anh sắp được tin công việc hỏng. Cái không may ấy làm cho anh trở nên một người tấm tức, và ngày càng đồng tiền lại càng là cái ám ảnh độc nhất của trí não anh, cho đến một ngày cái không may lớn lên nữa đến làm anh khổ sở.

Hôm ấy, anh ta đương đi trong phố thì bị một cái ô tô tự nhiên bỏ đường nhảy lên hè cán phải. Minh chỉ kịp thoáng nghĩ đến cái sự không may ấy nữa, rồi anh ta đau quá ngất đi.

Khi tỉnh dậy, Minh thấy mình nằm trên một chiếc giường trong nhà thương. Anh chỉ mang máng nhớ lại hình như sau tai nạn, họ có mang anh lên bàn mổ, vì lúc bấy giờ anh thoáng ngửi thấy mùi thuốc mê. Nhưng rồi sau Minh mê đi không biết gì nữa.

Anh khe khẽ cử động chân tay, thì biết chân bên phải như bị tê liệt. Chợt nghĩ đến sự cưa chân, Minh toát mồ hôi trán, quả tim đập mạnh.

Vừa lúc ấy, một người khán hộ bước vào phòng, tay cầm một chai thuốc. Cái câu Minh muốn hỏi người này, không ra khỏi được miệng anh ta. Minh sợ sự thực, sợ cái đã rồi, không bao giờ chữa được… Nhưng anh muốn biết.

Người khán hộ đặt chai thuốc lên bàn, nói vơi Minh:

– Cứ hai giờ ông lại uống một thìa. Đây là thuốc cầm máu.

Minh hỏi lảng:

– Tôi ngất đi có lâu không, ông?

– Lúc mang vào đây thì ông mê man không biết gì cả. Có lúc lên bàn mổ thì ông hơi tỉnh lại một chút. Nhưng mà lại bị đánh thuốc mê ngay. Minh hồi hộp đưa lưỡi liếm đôi môi khô ráo, ấp úng hỏi:

– Thế… thế… mổ có… lâu không?

Thầy khán hộ không phải là người biết tâm lý. Thầy ta đáng lẽ phải trông thấy đôi mắt của Minh sáng lên, và cái vẻ lo sợ của Minh hiện ra trên nét mặt. Thầy ta trả lời:

……………………

Cuốn sách bỏ quên

Thành đi lại trên sân ga, thong thả và lơ đãng. Gió mạnh dán chặt quần áo vào người chàng, khiến cái lạnh thêm thấm thía và ẩm ướt. Tuy trời không mưa, nhưng Thành tựa như thấy trong lòng mưa bụi, buồn rầu và chán nản, một mối buồn không sâu sắc, nhưng êm êm làm tê liệt cả tâm hồn.

Chàng không muốn nhớ lại, hình như muốn để quên đi với nỗi thất vọng ấy. Câu trả lời của ông Xuân, nhà xuất bản, vẫn nhắc lại bên tai Thành một nhịp trầm và khó chịu:

– Sách của ông không được ai hoan nghênh cả.

Thành mím môi lại, giữ vẻ tự nhiên, điềm đạm như người đã thường nghĩ đến điều ấy rồi. Chàng để tay lên bản thảo cuốn “Mơ xưa”, vuốt cong đầu giấy lại, không trả lời. Ông Xuân nói tiếp:

– Thật vậy. Hai nghìn cuốn “Người bạn” in ra mà bây giờ chưa bán được hai trăm. ấy là không kể gửi đi biếu các báo đã mất non dăm chục rồi. Tôi chưa in ra cuốn sách nào khó bán như thế.

Ông chép miệng nhìn Thành, có ý bảo chàng hiểu rằng cái vốn hai trăm bạc ông bỏ ra chưa thâu được hết. Tuy vậy, Thành cứ cố; chàng run run tay cầm bản thảo cuốn “Mơ xưa” lên; xốc lại hai đầu định sắp sửa cho vào cặp, khẽ hỏi:

– Thế còn cuốn này, ông…

Câu trả lời đón trước đến ngay, quả quyết không có gì lay chuyển nổi:

– ồ, ông còn định xuất bản quyển này nữa hay sao? Tôi xin chịu, ông có các vàng tôi cũng không dám in ra nữa.

Thành không hiểu tại sao chàng lại mỉm cười tuy chàng không muốn. Chính chàng cũng khó mà nói rõ được cái ý nghĩa của cái cười đó. Chàng cầm mũ với cặp, đứng dậy, nắm cái bàn tay mềm và uể oải của ông chủ rồi đi ra.

Đến ngoài đường, lúc bấy giờ Thành mới nhận thấy nỗi thất vọng của mình, và để nó tràn lên cả tâm hồn, không chống cự. Chàng có cái cảm giác bị hụt chân chết ngập trong mối buồn và thấy một nỗi thương thấm thía vô hạn cho chính mình.

Trong những đêm không ngủ ở nhà quê, chàng vẫn mơ tưởng một sự thành công rực rỡ xứng đáng với tài năng. Những lúc đó, Thành sung sướng như nhấp chén rượu mạnh mà hơi men làm say sưa dần dần. Chàng tưởng sách của chàng đã được thiên hạ hoan nghênh nhiệt liệt, các báo đua nhau tán thưởng, và bán chạy hết ngay trong tháng xuất bản. Ông Xuân sẽ để một tập bạc trên bàn, tiếp chàng niềm nở và nói nịnh:

– Sách của ông bán chạy quá. Thật, tôi chưa từng thấy nhà văn nào được hoan nghênh như ông.

Thành sẽ cười nhã nhặn và kín đáo, nhận lời khen ấy như một người không quan tâm đến sự nhỏ mọn về danh vọng ấy. Chàng sẽ đưa trình cuốn “Mơ xưa”, sẽ được ông Xuân trân trọng đỡ lấy và vui vẻ nhận xuất bản ngay.

Nhưng sự thực… Môi Thành sẽ nhếch hơi chua chát, và chàng tự hỏi không biết có nên chế giễu mình không. Chàng không nghĩ đến đi chơi trong Hà Nội nữa, thuê ngay xe ra ga lấy vé. Thành muốn rời bỏ ngay cái tỉnh lãnh đạm này, mong lại thấy căn phòng nhỏ ấm áp của chàng, cái bàn viết có bóng cây trong vườn lung lay trên mặt, mỗi khi ánh nắng chiếu ngang.

Thành ngửng nhìn đồng hồ: ba giờ… chuyến tàu dễ không bao giờ đến chắc! Con đường sắt về Nam song song thẳng tắp dưới trời u ám, như làm xa vắng rộng rãi thêm nỗi buồn. Tất cả những mơ ước tha thiết của tuổi trẻ, của tâm hồn nghệ sĩ, những mộng đẹp xây lên trong lúc say văn, tất cả đều theo gió lạnh tan dần. Tâm hồn Thành trơ trọi như một cánh đồng thấp mà lúa đã gặt rồi.

Khi tàu đến, chàng chỉ còn là một kẻ chán nản bước lên xe. Chàng đi xuống hạng ba, mở cửa toa bước vào. Thành dễ chịu khi thấy trong toa vắng không có ai, ngoài một người gác tàu ngồi thu hình trong một xó, không buồn ngửng lên trong khi chàng đi qua. Thành cũng gieo mình trên chiếc ghế, kéo cổ áo lên che gáy – cái lạnh thấm thía quá! – rồi lặng yên để cho tiếng rộn rịp của chuyến tàu ru mình.

Tham khảo thêm:   Nguồn sáng là gì cho ví dụ ? Tổng hợp câu hỏi & bài tập về nguồn sáng

…………………………..

Hai đứa trẻ

Tiếng trống thu không[1] trên cái chợ của huyện nhỏ; từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rơ rệt trên nền trời.

Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị: Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.

– Em thắp đèn lên chị Liên nhé?

Nghe tiếng An, Liên đứng dậy trả lời:

– Hẵng thong thả một lát nữa cũng được. Em ra ngồi đây với chị kẻo trong muỗi.

An bỏ bao diêm xuống bàn cùng chị ra ngoài chỏng ngồi; chiếc chỏng nan lún xuống và kêu cót két.

– Cái chỏng này sắp gãy rồi chị nhỉ?

– Ừ để rồi chị bảo mẹ mua cái khác thay vào.

Hai chị em gượng nhẹ ngồi yên nhìn ra phố. Các nhà đã lên đèn cả rồi, đèn treo trong nhà bác phở Mĩ, đèn Hoa Kì leo lét trong nhà ông Cửu, và đèn dây sáng xanh trong hiệu khách…

Những nguồn ánh sáng đều chiếu ra ngoài phố khiến cát lấp lánh từng chỗ và đường mấp mô thêm vì những hònđá nhỏ một bên sáng một bên tối.

Chợ họp giữa phố văn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này. Một vài người bán hàng về muộn đang thu xếp hàng hóa, đ̣n gánh đã xỏ sẵn vào quang rồi, họ còn đứng nói chuyện với nhau ít câu nữa.

Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre, hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại, Liên trông thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó.

Trời nhá nhem tối, bây giờ chị em Liên mới thấy thằng cu bé xách điếu đóm và khiêng hai cái ghế trên lưng ở trong ngơ đi ra; chị Tí, mẹ nó, theo sau, đội cái chỏng trên đầu và tay mang không biết bao nhiêu là đồ đạc: tất cả cái cửa hàng của chị.

– Sao hôm nay chị dọn hàng muộn thế?

Chị Tí để chỏng xuống đất, bày biện các bát uống nước mãi rồi mới chép miệng trả lời Liên:

– Ối chao, sớm với muộn mà có ăn thua gì.

Ngày, chị đi mò cua bắt tép; tối đến chị mới dọn cái hàng nước này dưới gốc cây bàng, bên cạnh cái mốc gạch. Để bán cho ai? Mấy người phu gạo hay phu xe, thỉnh thoảng có mấy chú lính lệ[2] trong huyện hay người nhà thầy thừa[3] đi gọi chân tổ tôm, cao hứng vào hàng chị uống bát nước chè tươi và hút điếu thuốc lào. Chị Tí chả kiếm được bao nhiêu, nhưng chiều nào chị cũng dọn hàng, từ chập tối cho đến đêm.

Chị kê xong chỏng ghế, dịch ngọn đèn Hoa Kì lại để ngồi têm trầu, còn thằng cu thì loay hoay nhóm lửa để nấu nồi nước chè. Lúc bấy giờ chị mới ngẩng lên nói chuyện với Liên:

– Còn cô chưa dọn hàng à?

Liên giật mình, kêu khẽ: Chết chửa! Rồi đứng dậy giục em:

– Vào đóng cửa hàng thôi, không mẹ mắng chết.

An đáp:

– Hôm nay chưa chắc mẹ có ra không, chị ạ. Mẹ còn bận làm gạo cơ mà.

Ngày nào, cứ chập tối, mẹ Liên tạt ra thăm hàng một lần, và bà dặn hễ cứ trống thu không là phải đóng cửa hàng lại. Thế mà Liên mải ngồi nhìn phố quên mất! Bây giờ Liên vội vàng vào thắp đèn, xếp những quả[4] sơn đen lại, trong lúc An đi tìm then để cài cửa cho chắc chắn. Cái cửa hàng hai chị em trông coi – là một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, mẹ Liên dọn ngay từ khi cả nhà bỏ Hà Nội về quê ở, vì thầy Liên mất việc. Một gian hàng bé thuê lại của bà lão móm ngăn ra bằng một tấm phên nứa dán giấy nhật trình[5]. Mẹ Liên giao cho Liên trông coi – bà còn bận làm hàng xáo[6] – và buổi tối thì hai chị em cùng ngủ đây để trông hàng.

Liên đếm lại những phong thuốc lào, xếp vào hòm các bánh xà phòng còn lại, vừa lẩm nhẩm tính tiền hàng. Hôm nay ngày phiên mà bán cũng chẳng ăn thua gì.

– Có phải buổi trưa em bán cho bà Lực hai bánh xà phòng không?

An ngẫm nghĩ rồi đáp:

– Vâng, bà ta mua hai bánh, còn cụ Chi lấy chịu nửa bánh nữa.

Liên với cái bàn tính để cộng số tiền. Nhưng trong hàng nóng và muỗi quá, chị ngần ngại rồi xếp hết cả tiền vào tráp không tính nữa:

– Thôi, để mai tính một thể.

An nhìn chị, chỉ đợi lúc ấy. Hai chị em cùng vội muốn đóng cửa hàng để lại ra ngoài kia, ngồi trên chỏng ngắm nhìn phong cảnh ngoài phố. Liên khóa vội tráp tiền với

một chiếc chìa khóa chị đeo vào cái dây xà tích bạc[7] ở thắt lưng, chiếc xà tích và cái khóa chị quý mến và hãnh diện, vì nó tỏ ra chị là người con gái lớn và đảm đang.

……………………..

Tất cả nội dung truyện ngắn trên đây đều có trong file tải, mời các bạn Download Truyện ngắn Nam Cao để xem chi tiết.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Truyện ngắn Thạch Lam Tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *