Bạn đang xem bài viết ✅ Thuyết minh về quả nhãn lồng Hưng Yên (2 Dàn ý + 6 mẫu) Văn thuyết minh hay nhất ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

TOP 6 bài văn Thuyết minh về quả nhãn lồng Hưng Yên hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều thông tin bổ ích về quả nhãn, để viết bài thuyết minh hay hơn, để đạt kết quả cao trong học tập.

Thuyết minh về quả nhãn lồng Hưng Yên

Nhãn lồng là trái cây thơm ngon, là đặc sản gắn liền với vùng đất Hưng Yên. Với 6 bài thuyết minh về quả nhãn dưới đây các em sẽ nắm rõ nguồn gốc, đặc điểm, công dụng, giá trị kinh tế của quả nhãn, để viết bài văn thuyết minh thật hay.

Dàn ý thuyết minh về quả nhãn lồng Hưng Yên

Dàn ý 1

1. Mở bài: Giới thiệu về cây nhãn.

2.Thân bài:

  • Nhãn là loài cây nhiệt đới lâu năm thuộc, có nguồn gốc miền nam Trung Quốc.
  • Cây nhãn có nhiều loại nhưng nổi tiếng nhất là nhãn lồng Hưng Yên.
  • Cây nhãn có mùa tháng 7, tháng 8 đang là mùa nhãn chín rộ.
  • Nhãn quả to tròn, vỏ có màu vàng nâu nhạt, cùi dày, ráo nước, bóc một lớp vỏ mỏng láng để lộ lớp cùi nhãn dày trắng ngà.
  • Bên trong là hạt nhỏ màu đen nháy, đưa vào miệng nếm thử có vị ngọt thơm, giòn dai.
  • Mùi hương nhẹ nhàng, tinh khiết và dịu mát.
  • Cây nhãn có rất nhiều ứng dụng, có thể ăn trực tiếp hoặc dùng để nấu chè nhãn hay nhãn sấy khô, bánh nhãn…

3. Kết bài: Khẳng định lại vai trò cây nhãn.

Dàn ý 2

I. Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về cây nhãn lồng và đặc sản quả nhãn lồng Hưng Yên

II. Thân bài:

– Nguồn gốc cây nhãn:

  • Là cây cận nhiệt đới, nguồn gốc từ Trung Quốc
  • Có nhiều loại nhãn nhưng ngon nhất là nhãn lồng, ở Việt Nam Hưng Yên là vùng trồng nhãn lồng ngon nhất.

– Đặc điểm cây nhãn:

  • Cây cao 5-10 mét, vỏ xù xì, nhiều cành.
  • Lá kép hình lông chim.
  • Mùa hoa từ tháng 2 – 4, hoa màu vàng nhạt mọc thành chùm.
  • Mùa quả từ tháng 7 – 8, quả tròn, nhẵn, màu nâu xám, hạt đen

– Đặc điểm nhãn lồng Hưng Yên:

  • Tên gọi “nhãn lồng”
  • Quả nhãn to, vỏ gai màu vàng sẫm
  • Cùi nhãn dày và ráo giòn, mọng nước, hạt nhỏ
  • Hương vị nhãn thơm ngọt như đường phèn
  • Hai dẻ cùi ở đáy quả lồng xếp rất khít

– Giá trị của nhãn lồng Hưng Yên

  • Là cây “nhãn tổ” của Việt Nam
  • Từng được là món ngon dâng tiến cung vua
  • Phục vụ trong suất ăn của hãng hàng không quốc gia
  • Xuất khẩu sang thị trường quốc tế

III. Kết bài:

– Nêu cảm nhận của em về nhãn lồng Hưng Yên.

Thuyết minh về nhãn lồng Hưng Yên – Mẫu 1

Mùa hè là mùa của những loại trái cây và loại hoa ngát hương, hữu sắc, hữu tình, ngọt trong vị, ngạt trong hương. Và trong số đó, hẳn cây nhãn là loại cây quen thuộc và là hương vị không thể thiếu mỗi khi hè đến phải không nào. Vậy thì hôm nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về cây nhãn nhé.

Cây nhãn là loại cây nhiệt đới lâu năm có nguồn gốc từ miền nam Trung Quốc. Cây cao 5–10 m. Vỏ cây xù xì, có màu xám. Thân nhiều cành, lá um tùm xanh tươi quanh năm. Lá kép hình lông chim, mọc so le, gồm 5 đến 9 lá chét hẹp, dài 7–20 cm, rộng 2,5–5 cm. Mùa xuân vào các tháng 2, 3, 4 ra hoa màu vàng nhạt, mọc thành chùm ở đầu cành hay kẽ lá, đài 5-6 răng, tràng 5-6, nhị 6-10, bầu 2-3 ô. Quả tròn có vỏ ngoài màu vàng xám, hầu như nhẵn. Hạt đen nhánh, có áo hạt màu trắng bao bọc. Mùa quả là vào khoảng tháng 7-8. Cây nhãn tương đối chịu rét hơn so với các cây cùng họ như vải, đồng thời cũng ít kén đất hơn.

Cây nhãn có nhiều loại, nhãn super, nhãn tiêu da bò và lồng Hưng Yên là loại nhãn nổi tiếng nhất ở nước ta. Nhiệt độ bình quân hàng năm 21-27oC thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển. Nhãn cần nhiều ánh sáng, thoáng. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây nhãn thích hợp với ánh sáng tán xạ hơn ánh sáng trực xạ. Nhãn là cây ưa ẩm nhưng không chịu úng và rất dễ nhạy cảm với việc ngập nước kéo dài. Cây nhãn sinh trưởng tốt trong điều kiện đất thoát nước, tơi xốp, pH nước khoảng 5,5-6,5.

Cùi nhãn khô hay long nhãn nhục dẻo, có màu nâu hoặc nâu đen, được dùng làm thực phẩm đồng thời là một vị thuốc thường được dùng trong Đông y chữa các chứng bệnh hay quên, thần kinh kém, suy nhược, hay hoảng hốt, khó ngủ. Hạt nhãn được dùng để chữa các chứng chốc lở, gội đầu, đứt tay, chân. Ngoài ra long nhãn nhục cũng được dùng trong chế biến một số món chè. Hương vị của quả nhãn rất thanh đạm và tươi mát, không ngọt sắc như đường nhưng lại rất đặm đà và dễ tan vào miệng. Đặc biệt khi thưởng thức nhãn thì thật tuyệt khi chạm lưỡi vào cùi nhãn ròn và ngọt, dường như hương vị ngọt ngào của mùa hè đã được thu lại cả vào trong đó.

Dinh dưỡng là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự hình thành trái (ngoại trừ các yếu tố như thời tiết, nhiệt độ và lượng mưa). Bón phân hợp lý sẽ làm cho năng suất được ổn định. Thiếu phân, đặc biệt là thiếu đạm và kali sẽ làm cho trái rụng, trái nhỏ và cơm mỏng. Việc cung cấp phân cũng giống như tưới nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến suốt vụ, đặc biệt là sự phát triển của chùm hoa, sự ra trái và thời kỳ sinh trưởng, ra đọt ở vụ sau. Liều lượng phân bón cho nhãn cần căn cứ vào độ lớn của cây, sản lượng quả hàng năm, giống và độ màu mỡ của đất để bón phân.

Cây nhãn đã trở thành một trong những loại cây ăn quả được ưa chuộng và phổ biến rộng rãi. Đặc biệt những loại nhãn nổi tiếng như nhãn lồng Hưng Yên đã đưa tên tuổi của nước ta ra thị trường thế giới khó tính như Nhật Bản, Mỹ hay Hàn Quốc. Cây nhãn là một trong những loại cây không thể thiếu trong mùa hè bởi hương vị và giá trị sử dụng của nó. Cây nhãn đã trở thành một loại cây giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta, và đồng thời tăng thêm thu nhập cho những người dân, đưa tên tuổi của nước ta sang những thị trường tiêu dùng rộng lớn, để ngày càng khẳng định uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tham khảo thêm:   Cách tải và cài đặt phần mềm iMindMap trên máy tính

Thuyết minh về nhãn lồng Hưng Yên – Mẫu 2

Hạ vừa là mùa của nắng của gió lại vừa là mùa nở rộ của biết bao nhiêu loại trái cây thơm ngon. Là xoài vàng ươm chín ngọt, là sấu xanh chua chua, là mít thơm lừng ngọt sắc, và còn là nhãn dịu nhẹ mà thơm giòn. Nhãn là loài cây, là thức trái quen thuộc và gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ.

Ở nước ta nổi tiếng nhất là nhãn lồng Hưng Yên, mùa vụ của loại nhãn này thường từ cuối tháng tám đến cuối tháng chín. Còn với nhãn nói chung thì mùa vụ là khoảng tháng bảy, đến tháng tám là thời điểm nhãn chín rộ. Nhãn là cây thân gỗ, cao từ năm đến mười mét, vững chắc. Từ thân, cây mọc ra nhiều cành cây như những cánh tay với những tầng lá rậm rạp.Cũng giống như phượng, lá nhãn là loại kép hình lông chim, các lá mọc so le hai bên gân chính, mỗi lá kép thường có năm đến chín lá đơn. Trên nền xanh của lá còn điểm xuyết sắc vàng nhàn nhạt của hoa nhãn. Hoa nhãn nhỏ xíu như sao nhưng vẫn dễ dàng được nhìn thấy cũng như ngôi sao luôn tỏa sáng trên bầu trời xanh mát, thường mọc thành chùm ở đầu cành hoặc xen vào các kẽ lá. Có hoa thì sẽ có quả, khi hoa nhãn già rồi rụng xuống thì quả nhãn bắt đầu đâm trổ thành những quả bé xíu như chỉ có vỏ với hạt. Vỏ nhãn màu nâu nhạt hoặc vàng xám, nhẵn. Hạt nhãn đen nhánh. Trong phiên âm từ tiếng Trung ra tiếng Hán Việt, nhãn được gọi là “long nhãn”, nghĩa là “mắt rồng” cũng chính bởi màu đen của hạt trồng và hình dáng tròn trông như mắt rồng. Nằm giữa lớp vỏ mỏng bao bên ngoài và hạt là lớp cùi nhãn có màu trắng ngà, hơi trong.

Nhãn cũng có nhiều loại, các loại nhãn thường có sự khác biệt ở quả, đặc biệt là phần cùi nhãn. Nhãn xuồng cơm vàng là giống nhãn có gốc ở Vũng Tàu nước ta, cùi dày và có màu vàng trong, ít nước, vị ngọt và giòn sần sật. Nhãn tiêu da bò thì có nguồn gốc ở Huế, quả nhỏ. Nhãn lồng Hưng Yên thì quả to, vỏ không nhẵn mà hơi gai, dày và màu vàng sậm đặc trưng. Cùi nhãn dày, khô, mọng nước và hạt nhãn nhỏ. Loại nhãn này có vị ngọt của đường phèn. Đây là loại nhãn có giá thành khá đắt nhưng bởi những lợi thế về quả và hương vị thơm ngọt nên rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, đây cũng là loại nhãn bị “làm giả” nhiều nhất khi có nhiều thương lái dùng loại nhãn Trung Quốc hay nhãn Thái Lan và lừa gạt người mua hàng rằng đó là nhãn lông Hưng Yên, gây nhiều thiệt hại về tiền bạc và lòng tin của người mua.

Là cây cho quả nên quả nhãn là loại thực phẩm, được ăn trực tiếp mà không phải qua chế biến. Bên cạnh đó thì nhãn cũng được nấu thành chè, làm nhãn sấy khô để sử dụng quanh năm do nhãn chỉ có một mùa vụ trong một năm, là nguyên liệu làm bánh nhãn, … Nhãn cũng là một loại thuốc đông y hỗ trợ trong việc điều trị các bệnh như bệnh hay quên, thần kinh kém, suy nhược, khó ngủ,…Nhãn là loại quả chứa nhiều vitamin C giúp chống các bệnh cao huyết áp, bệnh tim hoặc các bệnh về xương khớp. Vì tác dụng và chất dinh dưỡng nó bao chứa nên nhãn được nhiều người yêu thích.

“Đêm. Hương nhãn đặc lại
Thơm ngoài sân trong nhà
Mẹ em nằm thao thức
Nhớ anh đang đi xa…”

( “Hương nhãn” Trần Đăng Khoa )

Cây nhãn là một hình ảnh quen thuộc của làng quê với những vườn nhãn xanh mướt quanh năm, với những chùm quả lúc lắc trên cành vào mùa nhãn chín. Mùa hè nóng nực mà được thưởng thức những trái nhãn ngọt sắc lịm với hương thơm dễ chịu, cảm nhận những cùi nhãn dày mọng nước thì còn gì bằng.

Thuyết minh về nhãn lồng Hưng Yên – Mẫu 3

Mảnh đất Việt Nam với khí hậu nhiệt đới đã ban tặng cho chúng ta vô vàn loại hoa quả, trái cây vừa ngon lại phong phú và đa dạng, rất nhiều loại trong đó trở thành đặc sản và đa số mỗi vùng miền lại có cho mình những trái cây đặc sản riêng. Nếu như Bắc Giang có vải thiều thì Hưng Yên có nhãn lồng hay còn gọi là nhãn tiến vua bởi giá trị chất lượng và độ ngon của quả nhãn.

Nhãn lồng hay nhãn nói chung là một loại cây thân gỗ lâu năm có nguồn gốc vùng cận nhiệt đới, nguồn gốc cây nhãn xuất phát từ miền Nam Trung Quốc, tại Việt Nam nguồn gốc cây nhãn là ở mảnh đất Hưng Yên và cũng chính nhãn lồng và giống nhãn tổ của nhãn Việt Nam. Trong số nhiều loại nhãn mà nước ta trồng được như nhãn xuồng cơm vàng, nhãn tiêu da bò thì nhãn lồng là ngon nhất và chỉ có ở Hưng Yên. Cây nhãn thân gỗ cao từ 5 – 10 mét, nhiều cây nhãn cổ còn to và cao hàng chục mét giống như cây nhãn trăm năm tuổi ở chùa Thiên Ứng – Hưng Yên. Vỏ thân cây nhãn xù xì màu nâu xám, giữ nước tốt, thân to nhiều cành, cành tỏa rộng tạo thành tán lớn, cây luôn um tùm lá, lá kép hình lông chim mọc so le thường từ 7 – 9 lá chét. Cây nhãn thường ra hoa vào mùa xuân, sau những cơn mưa phùn độ tháng 2 hoặc tháng 3, hoa mọc thành chùm nhiều cành hoa, hoa nhỏ li ti màu vàng nhạt có hương thơm thoang thoảng. Nhãn đã ra hoa rất dễ đậu quả, tỉ lệ đậu quả rất cao, một chùm hoa có thể cho đến 20 – 40 quả. Mùa quả sẽ bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 8, quả nhãn tròn nhỏ, vỏ nhãn màu nâu nhạt, hạt nhãn có màu đen, cùi màu trắng trong. Mọi người thường nói nhiều đến nhãn lồng Hưng Yên và đã quá quen thuộc với đặc sản này tuy nhiên ít người hiểu được tại sao lại gọi là nhãn lồng. Sở dĩ gọi là “nhãn lồng” bắt nguồn từ việc dùng lồng bằng tre hoặc nứa để quây quanh chùm nhãn để giữ cho chim, dơi khỏi ăn. Quả nhãn lồng của Hưng Yên cũng có nhiều điểm khác so với những loại nhãn khác, quả nhãn to, vỏ gai sần và dày có màu vàng sẫm, cùi nhãn dày và ráo giòn, mọng nước, có múi vân, hạt nhỏ, đặc biệt nhãn lồng có vị ngọt thanh như đường phèn, độ thơm đặc trưng không một loại nhãn nào ở vùng khác có được và hai dẻ cùi ở đáy quả lồng xếp rất khít với nhau. Sản phẩm từ quả nhãn rất đa dạng, có thể dùng để ăn trực tiếp hoặc sấy khô cùi nhãn làm vị thuốc trong đông y, chế biến trong các món chè giải nhiệt. Nhãn lồng Hưng Yên thường được dùng để ăn trực tiếp, gìn giữ giống nhãn lồng Hưng Yên cũng là gìn giữ giống “nhãn tổ” của Việt Nam, gìn giữ món ăn từng được dâng tiến cho vua ăn. Ngày nay nhãn lồng Hưng Yên đã được hãng hàng không quốc gia Vietnam Airline lựa chọn làm món ăn tráng miệng trên máy bay để quảng bá đặc sản của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đồng thời nhãn lồng Hưng Yên cũng chính thức trở thành mặt hàng xuất khẩu ra thị trường quốc tế, ngay cả những thị trường khó tính như châu u, châu Á, châu Úc.

Tham khảo thêm:   Tập làm văn lớp 5: Đoạn văn tả hình dáng hoặc công dụng của một đồ vật (14 mẫu) Tả đồ vật - Tuần 24

Có thể nói, nhãn lồng Hưng Yên không chỉ là niềm tự hào riêng của người dân Hưng Yên mà còn là niềm tự hào của cả Việt Nam, một món ăn ngon ngọt thanh mát mang đậm hương vị quê hương, dân giã của làng quê Việt Nam. Tương lai nhãn lồng sẽ đưa sản phẩm nông sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế rộng lớn, ngày một khẳng định uy tín chất lượng của hàng nông sản Việt Nam.

Thuyết minh về nhãn lồng Hưng Yên – Mẫu 4

Việt Nam ta nổi tiếng với các loại cây ăn quả, mỗi loại có vị ngọt riêng, thơm ngon, mùa hè nóng bức được thưởng thức những chùm nhãn ngọt thì thật tuyệt.

Nguồn gốc của cây nhãn cho đến nay vẫn còn có những ý kiến khác nhau, có người cho rằng nguồn gốc của cây nhãn từ vùng Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc), có tác giả cho rằng gốc từ Ấn Độ, sau đó mới được đem đi trồng ở Malaysia và Trung Quốc, có người lại cho rằng Kalimantan (Indonesia) cũng là cái nôi của nhãn.

Nhãn là cây nhiệt đới và á nhiệt đới, có thể trồng được từ đường xích đạo đến vĩ tuyến 28-36, nhưng chỉ có một số nước trồng được và có giá trị kinh tế với diện tích lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Mỹ… Nhãn có tính thích ứng rộng, có thể trồng trên nhiều loại đất từ vùng nước ngọt quanh năm đến vùng nhiễm mặn.

Cây cao từ 5 – 9 m. Thân cây xù xì, vỏ có màu nâu xám. Nhãn có nhiều cành từ thân giữa vươn ra trông như những cánh tay vươn thẳng tới trời cao, lá cây xanh um tùm quanh năm. Lá kép hình lông chim, mọc so le, gồm 5 đến 9 lá chét hẹp, dài 7–20 cm, rộng 2,5–5 cm. Cây thường ra hoa màu vàng nhạt, mọc thành chùm ở đầu cành hay kẽ lá vào những tháng 2,3,4. Quả tròn có vỏ ngoài màu vàng xám, lớp ngoài hầu như nhẵn. Hạt đen nhánh, có cùi màu trắng bao bọc xung quanh. Cùi nhãn khô hay long nhãn dẻo, có màu nâu hoặc nâu đen, được dùng làm thực phẩm đồng thời là một vị thuốc thường được dùng trong Đông y chữa các chứng bệnh hay quên, thần kinh kém, suy nhược, hay hoảng hốt, khó ngủ. Chắc ai cũng từng nghe về câu đố dân gian liên quan đến quả nhãn:

“Da cóc mà bọc bột lọc
Bột lọc mà bọc hòn than –Là gì?”

Mùa quả là vào khoảng tháng 7-8. Cây nhãn tương đối chịu rét hơn so với các cây cùng họ như vải, đồng thời cũng ít kén đất hơn. Rễ nhãn ăn rất sâu và rộng, ở những vùng đất đỏ tơi xốp rễ có thể ăn sâu tới 4 đến 5m, ở những vùng đất nông thì rễ ăn nông. Rễ nhãn ăn rất rộng nói chung rộng hơn tán lá nhiều lần, ở nơi đất xốp thì phần lớn rễ tập trung ở độ sâu 10 – 100 cm và tập trung nhiều nhất ở độ sâu 50cm trở lại. Ở nơi đất tốt thì rễ phân nhánh nhiều và ít có tình trạng rễ đuôi chuột, rễ nhãn có nấm cộng sinh giống như rễ vải. Nhãn là cây ăn quả ra hoa ở đầu cành từ khi ra hoa, đậu quả đến quả lớn không có khả năng ra lộc trên cành mang quả. Quá trình ra hoa của nhãn có thể chia thành các thời kỳ: thời kỳ xuất hiện mầm hoa, thời kỳ xuất hiện hoa, thời kỳ nở hoa và thụ phấn, thời kỳ tàn hoa và đậu quả.

Nhãn cũng có nhiều loại, các loại nhãn thường có sự khác biệt ở quả,có thể phân biệt qua cùi nhãn, hoặc nếm trực tiếp bằng hương vị. “Nhãn lồng Hưng Yên” nổi tiếng là loại quả được tiến dâng vua hồi xưa nên quả to, dày và màu vàng sậm. Cùi nhãn dày, mọng nước và hạt nhãn nhỏ, lúc ăn rất thích, lại đắt hàng, có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra còn có “nhãn xuồng cơm vàng” là nhãn có gốc ở Vũng Tàu nước ta, cùi dày và có màu vàng trong, khô, vị ngọt và giòn. “Nhãn tiêu da bò” còn gọi “nhãn quế”, quả nhỏ, vỏ mỏng, nhẵn và có màu nâu sáng rộ vàng, đặc trưng ở Huế.

Nhãn là loại quả quen thuộc với người dân Việt, có giá trị nguồn lợi kinh tế cao.

Thuyết minh về nhãn lồng Hưng Yên – Mẫu 5

“Da cóc mà bọc bột lọc
Bột lọc mà bọc hòn than”

Đó là quả gì? Chắc hẳn những ngày còn bé, ai trong chúng ta cũng từng cùng chúng bạn chơi trò câu đố như thế. Câu đố đã miêu tả một loại quả rất đặc trưng của làng quê Việt Nam, đặc biệt là Hưng Yên quê hương tôi – quả nhãn.

Nhãn trong Hán Việt là “long nhãn”; nghĩa là “mắt rồng” vì hạt có màu đen bóng. Nhãn là loài cây nhiệt đới lâu năm thuộc họ Bồ hòn, có nguồn gốc ở miền nam Trung Quốc. Cây nhãn có nhiều loại, được trồng ở nhiều nơi nhưng nổi tiếng nhất là nhãn lồng Hưng Yên.

Cây nhãn cao từ 5–10 m, thân gỗ. Vỏ cây xù xì, có màu nâu xám. Trên thân có nhiều cành, lá um tùm xanh tươi quanh năm. Lá nhãn hình lông chim, mọc so le lẫn nhau, gồm 5 đến 9 lá 1 cành nhỏ, dài khoảng 3 – 4cm, rộng 1,5 – 2,5 cm. Nhãn ra hoa vào mùa xuân, khoảng các tháng 2, 3, 4. Hoa nhãn màu vàng nhạt, mọc thành từng chùm. Đến tháng 7, tháng 8 cây mới ra quả. Quả nhãn hình tròn có vỏ ngoài màu vàng xám, hầu như nhẵn. Thời gian đó, chỉ đi trên những con đường ở Hưng Yên bạn cũng có thể nhẹ nhàng chạm tay vào những chùm nhãn bóng mịn, trĩu nặng xà xuống. Quả đúng như tên gọi “vương quốc nhãn lồng”. Quả nhãn lúc nhỏ thì bé xíu, màu xanh. Đến khi chín quả mới phồng lên căng mọng, hương thơm dịu nhẹ. Quả nhãn lồng Hưng Yên to, tròn, da trơn bóng và màu vàng nâu. Vỏ nhãn bao bọc bên trong lớp cùi nhãn dày, màu trắng ngà.

Quả nhãn có vị ngọt thơm, dai, vị ngọt nhẹ nhàng lan tỏa trong miệng, đặc biệt dễ chịu. Lớp cùi ngọt lại bọc lấy hạt màu đen nhánh, to nhỏ tùy cây. Hương vị quả rất ngon. nhà bác học Lê Quý Đôn từng viết “mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi, đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho” để ngợi ca hương vị của thứ quả này.

Tham khảo thêm:   Soạn bài Tự đánh giá: Qua Đèo Ngang Cánh diều Ngữ văn lớp 8 trang 52 sách Cánh diều tập 2

Quả nhãn có rất nhiều công dụng, giá trị. Nhãn là một trong những loại quả được yêu thích nhất, đặc biệt là vào mùa hè. Nhãn lồng Hưng Yên được bạn bè quốc tế yêu thích, đưa tên tuổi của nước ta ra thị trường thế giới khó tính như Nhật Bản, Mỹ hay Hàn Quốc. Nhãn chín xong hái xuống ăn hoặc bóc lấy cùi để làm chè long nhãn nổi tiếng. Còn ở nhiều nơi người ta đem sấy khô, ăn cũng rất ngon. Cùi nhãn khô có màu nâu hoặc nâu đen, được dùng làm thực phẩm đồng thời là một vị thuốc thường được dùng trong Đông y chữa các chứng bệnh hay quên, thần kinh kém,… Hạt nhãn để chữa các chứng chốc lở, gội đầu, đứt tay, chân.

Vì quả nhãn có nhiều giá trị thiết thực như vậy nên cần chăm sóc bảo quản quả nhãn đúng cách. Khi quả còn trên cây, để tránh sâu hại và chim ăn và tránh mưa gió quật rụng quả, người trồng thường buộc những chùm quả lả tả thành chùm to, lấy lá để che chắn. Quả nhãn hái xuống khỏi cây có thể để được vài ngày nhưng để lâu sẽ bị thối, héo, mất nước và dần xẹp xuống. Nếu dùng lâu thì nên bỏ vào tủ lạnh hoặc sấy khô để thời gian sử dụng tăng lên. Quả nhãn rất ngon nhưng ăn quá nhiều trong thời gian dài cũng không tốt, ngược lại gây nóng và say, ảnh hưởng đến sức khỏe. Cần chú ý để vừa thưởng thức được vị ngọt thơm của nhãn vừa đảm bảo sức khỏe.

Một quả nhãn bé nhỏ thôi nhưng khi chạm vào lưỡi lại giống như mang theo cả hương vị của mùa hè. Cái vị ngọt ngọt thanh thanh của nhãn đã làm say đắm biết bao trái tim. Thời gian qua đi, mỗi mùa hè sang, trên những kệ hoa quả, trong mỗi gia đình đều không thể thiếu chùm nhãn căng mọng, hấp dẫn. Những chùm nhãn kính dâng lên ông bà, tổ tiên, và những chùm nhãn cả đại gia đình cùng thưởng thức đã trở thành một phần của mùa hè. Nhãn lồng Hưng Yên là niềm tự hào của người dân nơi đây, đồng thời cũng là hương vị thanh mát của mùa hè Việt Nam.

Thuyết minh về nhãn lồng Hưng Yên – Mẫu 6

Mùa hè là mùa của những hoa thơm, trái ngọt. Trăm hoa trong vườn khoe sắc tỏa hương, cây cối thì đơm đầy trái ngọt. Trong đó, không thể không kể đến cây nhãn, loài cây quen thuộc trong cuộc sống mỗi chúng ta.

Nhãn là một loài cây có nguồn gốc lâu năm ở miền Nam Trung Quốc. Sau nhiều năm, nhãn cũng du nhập vào Việt Nam, được trông khá phổ biến và cũng được nhiều người yêu thích bởi vị ngọt tự nhiên. Ở Việt Nam, loại nhãn trồng nổi tiếng là ở tỉnh Hưng Yên, người ta trồng rất nhiều, bạt ngàn nhãn. Mỗi vụ thu hoạch thì cũng khá là vất vả. Cây “nhãn tổ” với hàng trăm năm tuổi hiện vẫn còn ở chùa Thiên Ứng, tục gọi là chùa Hiến, Phố Hiến Hạ, nay thuộc phường Hồng Châu, thị xã Hưng Yên. Giống nhãn xuất phát từ Hưng Yên từ lâu đã có tiếng là ngon ngọt nên từng được tiến cung dâng vua. Cũng vì vậy mà còn được gọi là “nhãn tiến”. Lê Quý Đôn đã ghi nhận hương vị xuất sắc của nhãn xứ Hưng Yên. Nhãn thu hoạch vào khoảng mùa hè, mùa của những trái ngọt. Ở nông thôn Việt Nam hầu như các nhà đều muốn trồng một cây nhãn. Dù mùa vụ của nhãn là vào khoảng thời gian hè nhưng cành lá nhãn lúc nào cũng um tùm xanh tốt, quanh năm ngày tháng đứng giữa trời, dù nóng hay lạnh, như một cây dù xanh rì khẽ tấu khúc hát lá cành vui tai trong làn gió. Nhãn có nhiều giống: nhãn trơ cùi cùi rất mỏng, nhãn nước nhiều nước. Ngoài ra, còn có các giống nhãn nổi tiếng như nhãn xuồng cơm vàng, nhãn lồng Hưng Yên, nhãn tiêu da bò.

Cũng như những loại cây khác, nhãn là loại cây thân gỗ, cành lá xum xuê. Từ thân cây, có nhiều cành lá tỏa ra, những chiếc lá màu xanh hình lông chim, thỉnh thoảng những em nhỏ tinh nghịch còn ngắt lá nhãn làm thuyền thả trên sông như gieo bao niềm tin, hy vọng. Trên nền xanh của những chiếc lá, điểm xuyết những bông hoa màu vàng nhạt, li ti, mọc thành từng chùm. Cánh hoa mỏng manh, thỉnh thoảng có những làn gió thoảng qua thì hoa cũng bị rụng. Vào mỗi buổi sáng, được ánh nắng xuyên qua, hoa nhãn càng trở nên lung linh hơn. Hoa nhãn nở một thời gian rồi rụng xuống thành quả. Ban đầu quả nhỏ li ti, sau đó to dần, Quả tròn có vỏ ngoài màu vàng xám, hầu như nhẵn. Hạt đen nhánh, có áo hạt màu trắng bao bọc, cái đấy người ta gọi là cùi nhãn. Cùi nhãn dày thì hầu như quả đều ngọt. Cùi nhãn dày và khô, mọng nước, hạt nhỏ. Vị thơm ngọt như đường phèn. Đáy quả có hai dẻ cùi lồng xếp rất khít.

Nhãn là loại cây cần nhiều ánh sáng, thoáng. Rễ nhãn ăn rất sâu và rộng, ở những vùng đất đỏ tơi xốp rễ có thể ăn sâu tới 4 đến 5m, ở những vùng đất nông thì rễ ăn nông. Nhiệt độ thích hợp cho nhãn sinh trưởng và phát triển là từ 21-27oC; mùa hoa nở cần nhiệt độ cao 25-31oC; Mùa Đông cần một thời gian nhiệt độ thấp để phân hóa mầm hoa. Nhãn có thể trồng trên nhiều loại đất. Tuy nhiên đất trồng thích hợp nhất là đất cát, đất pha cát, đất cát giồng, đất phù sa ven sông, không thích hợp trồng trên đất sét nặng.

Như chúng ta đã thấy rõ ràng công dụng của nhãn là loại cây ăn quả, đem lại nguồn thu nhập về kinh tế cao cho con người. Bên cạnh đó, nhãn còn giúp tăng tuổi thọ, tăng cường vitamin C, chữa các bệnh về xương khớp, giàu sắt. Nhãn trong tiếng Hán phiên âm ra là mắt nên nhãn còn giúp tăng cường thị lực,làm đẹp da. Hạt nhãn được dùng để chữa các chứng chốc lở, gội đầu, đứt tay, chân. Ngoài ra long nhãn nhục cũng được dùng trong chế biến một số món chè. Hương vị của quả nhãn rất thanh đạm và tươi mát, không ngọt sắc như đường nhưng lại rất đậm đà và dễ tan vào miệng. Nhãn còn là loài cây cung cấp gỗ cho con người, hay có thể che bóng mát cho chúng ta vào những ngày hè nóng bức.

Cây nhãn đã tự bao giờ trở thành loài cây gắn bó thân thiết với mỗi người dân quê. Hi vọng mọi người hãy chăm sóc tốt cho cây nhãn để nó mãi phát triển và phổ biến rộng rãi trên thị trường quốc tế.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thuyết minh về quả nhãn lồng Hưng Yên (2 Dàn ý + 6 mẫu) Văn thuyết minh hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *