Bạn đang xem bài viết ✅ Thông tư 16/2019/TT-BXD Hướng dẫn xác định chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Ngày 16/12/2019, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng. Sau đây là nội dung chi tiết Thông tư, mời các bạn cùng theo dõi.

BỘ XÂY DỰNG
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 16/2019/TT-BXD

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2019

THÔNG TƯ 16/2019/TT-BXD

HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH CHI PHÍ QUẢN LÝ DỰ ÁN VÀ TƯ VẤN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng và Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng;

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (viết tắt là Nghị định số 68/2019/NĐ-CP).

2. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thực hiện theo quy định điều ước quốc tế và quy định của pháp luật trong nước của Luật điều ước quốc tế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan có thể xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng của các dự án sử dụng nguồn vốn khác theo hướng dẫn tại Thông tư này làm căn cứ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.

Điều 3. Một số hướng dẫn chung

1. Định mức chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng ban hành tại Thông tư này là cơ sở để xác định chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng (viết tắt là chi phí quản lý dự án) để tổ chức thực hiện các công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng.

2. Định mức chi phí tư vấn đầu tư xây dựng ban hành tại Thông tư này để xác định chi phí tư vấn đầu tư xây dựng (viết tắt là chi phí tư vấn) phù hợp với nội dung, yêu cầu sản phẩm tư vấn và trình tự đầu tư xây dựng.

3. Trường hợp Ban quản lý dự án có đủ năng lực để thực hiện công việc tư vấn quản lý dự án cho các dự án khác hoặc thực hiện một số công việc tư vấn thì chi phí thực hiện các công việc tư vấn được tính bổ sung vào chi phí hoạt động của Ban quản lý dự án. Việc quản lý sử dụng chi phí của các công việc tư vấn nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành.

4. Đối với dự án, công trình, gói thầu có quy mô chi phí nằm trong khoảng quy mô chi phí trong phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này thì định mức chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn được xác định theo công thức sau:

Trong đó:

– Nt: Định mức chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng theo quy mô chi phí xây dựng hoặc quy mô chi phí thiết bị hoặc quy mô chi phí xây dựng và chi phí thiết bị cần tính; đơn vị tính: tỉ lệ %;

– Gt: Quy mô chi phí xây dựng hoặc quy mô chi phí thiết bị hoặc quy mô chi phí xây dựng và chi phí thiết bị cần tính định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn; đơn vị tính: giá trị;

– Ga: Quy mô chi phí xây dựng hoặc quy mô chi phí thiết bị hoặc quy mô chi phí xây dựng và chi phí thiết bị cận trên quy mô chi phí cần tính định mức; đơn vị tính: giá trị;

– Gb: Quy mô chi phí xây dựng hoặc quy mô chi phí thiết bị hoặc quy mô chi phí xây dựng và chi phí thiết bị cận dưới quy mô chi phí cần tính định mức; đơn vị tính: giá trị;

Tham khảo thêm:  

– Na: Định mức chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng tương ứng với Ga; đơn vị tính: tỉ lệ %;

– Nb: Định mức chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng tương ứng với Gb; đơn vị tính: tỉ lệ %.

5. Trường hợp dự án có quy mô chi phí (chi phí xây dựng và chi phí thiết bị) lớn hơn quy mô chi phí trong Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này hoặc trường hợp do đặc thù riêng của dự án nếu chi phí quản lý dự án xác định theo định mức ban hành tại Thông tư này không đủ chi phí thì chủ đầu tư tổ chức lập dự toán để xác định chi phí quản lý dự án nhưng phải đảm bảo hiệu quả dự án.

6. Trường hợp dự án, công trình, gói thầu có quy mô chi phí lớn hơn quy mô chi phí trong Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này hoặc trường hợp một số công việc tư vấn chưa có định mức chi phí được ban hành thì chủ đầu tư tổ chức lập dự toán để xác định chi phí tư vấn theo hướng dẫn tại Phụ lục số 3 kèm theo Thông tư này.

7. Chi phí tư vấn khảo sát xây dựng, thí nghiệm chuyên ngành xây dựng xác định như chi phí xây dựng trong dự toán xây dựng.

Chương II

XÁC ĐỊNH CHI PHÍ QUẢN LÝ DỰ ÁN

Điều 4. Nội dung chi phí quản lý dự án

Chi phí quản lý dự án xác định theo định mức chi phí quản lý dự án ban hành tại bảng số 1.1, bảng số 1.2 của Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này là cơ sở để xác định chi phí quản lý dự án gồm: tiền lương của cán bộ quản lý dự án, tiền công trả cho người lao động theo hợp đồng; các khoản phụ cấp lương; tiền thưởng, phúc lợi tập thể; các khoản đóng góp (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, trích nộp khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân được hưởng lương từ dự án); ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý việc áp dụng hệ thống thông tin công trình (BIM); đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý dự án; thanh toán các dịch vụ công cộng; vật tư văn phòng phẩm; thông tin, tuyên truyền, liên lạc; tổ chức hội nghị có liên quan đến dự án; công tác phí; thuê mướn, sửa chữa, mua sắm tài sản phục vụ quản lý dự án, chi phí khác và chi phí dự phòng.

Điều 5. Xác định chi phí quản lý dự án

1. Chi phí quản lý dự án trong tổng mức đầu tư xác định theo định mức tỷ lệ phần trăm (%) (ban hành tại bảng số 1.1 của Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này) nhân với chi phí xây dựng và chi phí thiết bị (chưa có thuế giá trị gia tăng) trong tổng mức đầu tư của dự án.

2. Chi phí quản lý dự án trong dự toán xây dựng công trình hoặc tổng dự toán của dự án xác định theo định mức tỷ lệ (%) (cùng định mức tỷ lệ % sử dụng để tính chi phí quản lý dự án trong tổng mức đầu tư được duyệt) nhân với chi phí xây dựng và thiết bị (chưa có thuế giá trị gia tăng) trong dự toán xây dựng công trình hoặc tổng dự toán của dự án.

3. Chi phí quản lý dự án của các dự án đầu tư xây dựng trên biển; trên đảo; dự án trải dài dọc theo tuyến biên giới trên đất liền, dự án tại xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn bản đặc biệt khó khăn) theo quy định của Chính phủ xác định theo định mức tại bảng số 1.1 của Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này và điều chỉnh với hệ số k = 1,35. Chi phí quản lý dự án của dự án trải dài theo tuyến trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên hoặc dự án gồm các công trình riêng biệt được xây dựng trên địa bàn nhiều tỉnh khác nhau xác định theo định mức ban hành tại bảng số 1.1 của Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này và điều chỉnh với hệ số k = 1,1.

4. Trường hợp dự án được quản lý theo hình thức chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện năng lực để trực tiếp quản lý dự án, chi phí quản lý dự án xác định theo định mức ban hành tại bảng số 1.1 của Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này và điều chỉnh với hệ số k = 0,8.

5. Trường hợp thuê tư vấn quản lý dự án, chi phí thuê tư vấn quản lý dự án xác định bằng dự toán trên cơ sở nội dung, khối lượng công việc quản lý dự án được thỏa thuận trong hợp đồng quản lý dự án giữa chủ đầu tư với nhà thầu tư vấn quản lý dự án. Chi phí thuê tư vấn quản lý dự án (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) cộng với chi phí quản lý dự án của chủ đầu tư không vượt chi phí quản lý dự án xác định theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Tham khảo thêm:   Bản đăng ký Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm (10 Mẫu) Đăng ký học tập và làm theo Bác

6. Trường hợp chi phí thiết bị chiếm tỷ trọng ≥ 50% tổng chi phí xây dựng và thiết bị trong tổng mức đầu tư được duyệt thì điều chỉnh định mức chi phí quản lý dự án với hệ số k = 0,8.

7. Trường hợp dự án được quản lý theo các dự án thành phần trong đó mỗi dự án thành phần có thể vận hành độc lập, khai thác sử dụng hoặc được phân kỳ đầu tư để thực hiện thì chi phí quản lý dự án được xác định riêng theo quy mô của từng dự án thành phần.

8. Trường hợp tổng thầu thực hiện một số công việc quản lý dự án thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư thì tổng thầu được hưởng một phần chi phí quản lý dự án tùy thuộc nhiệm vụ do chủ đầu tư giao. Chi phí tổng thầu thực hiện các công việc quản lý dự án do chủ đầu tư và tổng thầu thỏa thuận từ nguồn kinh phí quản lý dự án và được xác định trong giá hợp đồng tổng thầu. Chi phí quản lý dự án của chủ đầu tư và chi phí quản lý dự án của tổng thầu không vượt chi phí quản lý dự án xác định theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Điều 6. Xác định chi phí quản lý dự án của dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)

1. Chi phí quản lý dự án của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định bằng dự toán phù hợp với nhiệm vụ quản lý dự án và các chế độ chính sách có liên quan.

2. Chi phí hoạt động của đơn vị quản lý dự án thuộc Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%) (ban hành tại bảng số 1.2 của Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này) nhân với chi phí xây dựng và chi phí thiết bị (chưa có thuế giá trị gia tăng) trong tổng mức đầu tư xây dựng của dự án. Chi phí hoạt động của đơn vị quản lý dự án thuộc Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án trái dài theo tuyến trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên hoặc dự án gồm các công trình riêng biệt được xây dựng trên địa bàn nhiều tỉnh khác nhau xác định theo định mức ban hành tại bảng số 1.2 của Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này và điều chỉnh với hệ số k = 1,1.

3. Chi phí quản lý dự án của nhà đầu tư xác định theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư này và điều chỉnh với hệ số k = 0,7.

Chương III

XÁC ĐỊNH CHI PHÍ TƯ VẤN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Điều 7. Nội dung chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng xác định theo định mức chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là cơ sở để xác định chi phí các công việc tư vấn gồm: chi phí nhân công tư vấn (tiền lương, các khoản phụ cấp lương, tiền thưởng, phúc lợi tập thể, các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, trích nộp khác theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân thực hiện công việc tư vấn tại dự án); chi phí ứng dụng khoa học công nghệ; chi phí thanh toán các dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng phẩm, thông tin liên lạc; chi phí thuê mướn, sửa chữa, mua sắm tài sản phục vụ tư vấn cho dự án (nếu có); chi phí quản lý của tổ chức tư vấn; chi phí khác; lợi nhuận chịu thuế tính trước nhưng chưa bao gồm chi phí áp dụng hệ thống thông tin công trình (BIM), thuế giá trị gia tăng và chi phí dự phòng.

Điều 8. Xác định chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

1. Chi phí tư vấn xác định trên cơ sở định mức tỷ lệ phần trăm (%) tương ứng với quy mô chi phí xây dựng, quy mô chi phí thiết bị hoặc quy mô chi phí xây dựng và chi phí thiết bị.

2. Chi phí tư vấn xác định theo loại công trình; cấp công trình theo quy định hiện hành. Riêng chi phí tư vấn của công trình quốc phòng, an ninh xác định theo định mức chi phí tư vấn của các loại công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn tương ứng.

3. Chi phí tư vấn xác định theo định mức ban hành tại Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này chưa bao gồm chi phí để lập hồ sơ bằng tiếng nước ngoài. Chi phí lập hồ sơ bằng tiếng nước ngoài được bổ sung vào chi phí tư vấn và xác định bằng lập dự toán nhưng tối đa không quá 15% chi phí tư vấn xác định theo định mức ban hành tại Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này.

4. Trường hợp phải lập thêm hồ sơ tư vấn theo thông lệ quốc tế, lập các báo cáo riêng theo yêu cầu của nhà tài trợ đối với các dự án vay vốn nước ngoài thì chi phí cho các công việc trên xác định bằng dự toán phù hợp với nội dung yêu cầu của từng công việc.

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 7: Đoạn văn ngắn về thầy cô và mái trường 30 đoạn văn về thầy cô hay nhất

5. Trường hợp áp dụng đồng thời các hệ số điều chỉnh định mức chi phí tư vấn thì nhân các hệ số điều chỉnh với định mức chi phí tư vấn.

6. Trường hợp thuê cá nhân, tổ chức tư vấn thực hiện một số công việc tư vấn theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng thì chi phí thuê cá nhân, tổ chức tư vấn xác định bằng dự toán phù hợp với nội dung, phạm vi công việc tư vấn cần thực hiện.

7. Trường hợp thuê tổ chức tư vấn trong nước phối hợp với chuyên gia tư vấn nước ngoài để thực hiện công việc tư vấn thì chi phí thuê tư vấn xác định bằng dự toán chi phí nhưng không vượt quá 2,0 lần mức chi phí tính theo định mức tại Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này. Chi phí thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài xác định trên cơ sở số lượng chuyên gia, thời gian làm việc của chuyên gia, tiền lương của chuyên gia và các khoản chi phí cần thiết khác để hoàn thành công việc tư vấn được thuê. Chi phí thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài xác định theo thông lệ quốc tế, phù hợp với quy định của nhà tài trợ vốn (nếu có) và phù hợp với điều kiện thực hiện dịch vụ tư vấn tại Việt Nam.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Xử lý chuyển tiếp

Việc xác định chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn trong giai đoạn chuyển tiếp quy định tại Điều 36 Nghị định số 68/2019/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau:

1. Dự án đầu tư xây dựng đã phê duyệt trước ngày có hiệu lực của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP và đang triển khai thực hiện thi tiếp tục sử dụng, vận dụng định mức chi phí quản lý dự án và định mức chi phí tư vấn theo quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng để xác định chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn. Trường hợp gói thầu quản lý dự án, gói thầu tư vấn chưa ký kết hợp đồng sau ngày có hiệu lực của Thông tư này thì người quyết định đầu tư quyết định áp dụng định mức chi phí quản lý dự án và định mức chi phí tư vấn ban hành tại Thông tư này để điều chỉnh giá gói thầu quản lý dự án, gói thầu tư vấn nhưng phải đáp ứng yêu cầu tiến độ và hiệu quả của dự án.

2. Đối với dự án đầu tư xây dựng đã phê duyệt sau ngày có hiệu lực của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP:

a) Trường hợp các gói thầu quản lý dự án, gói thầu tư vấn đã sử dụng, vận dụng định mức chi phí theo quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 để xác định giá gói thầu quản lý dự án, gói thầu tư vấn, đã lựa chọn được nhà thầu và đã ký kết hợp đồng trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết.

b) Trường hợp gói thầu quản lý dự án, gói thầu tư vấn chưa thực hiện lựa chọn nhà thầu hoặc đang thực hiện lựa chọn nhà thầu trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư này thì áp dụng định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn ban hành tại Thông tư này để cập nhật giá gói thầu quản lý dự án, gói thầu tư vấn.

3. Đối với các hợp đồng quản lý dự án, tư vấn đã ký kết trước ngày có hiệu lực Thông tư này thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng và phù hợp với quy định của pháp luật áp dụng cho hợp đồng.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 2 năm 2020.

Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Kiểm toán nhà nước;
– Hội đồng dân tộc của Quốc hội;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
– Ủy ban Dân tộc;
– Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Công báo, Website Chính phủ; Website Bộ Xây dựng;
– Bộ Xây dựng: Bộ trưởng, Thứ trưởng
– Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ;
– Lưu: VP, PC, KTXD (100b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Phạm Khánh

………….

Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 16/2019/TT-BXD Hướng dẫn xác định chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *